Bắc Sơn - Ngữ văn lớp 9
Bắc Sơn
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm Ngữ văn lớp 9, VietJack biên soạn tài liệu tác giả, tác phẩm Bắc Sơn trình bày đầy đủ, chi tiết về bố cục, tóm tắt, dàn ý, đôi nét về tác giả, thể loại, dàn ý đọc hiểu văn bản, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích mẫu về tác phẩm. Hi vọng qua loạt bài này sẽ giúp bạn dễ dàng soạn bài Bắc Sơn.
A. Nội dung tác phẩm
Bối cảnh vùng nông thôn Vũ Lăng bắt đầu bùng nổ phong trào khởi nghĩa trong quần chúng, nhân dân hưởng ứng mít tinh và ủng hộ cách mạng, nhiều quan lại và lính Tây bị bắt giết. Gia đình cụ Phương có cậu con trai tên Sáng cũng là nhân dân ưu tú nhiệt liệt tham gia trong khi đó, bà cụ Phương, con gái Thơm và chàng rể Ngọc lại thờ ơ, sợ hãi. Sau đó, trung ương cử giáo Thái về lãnh đạo và uốn nắn tư tưởng, định hướng phong trào cho người dân ở Vũ Lăng. Khi Ngọc - tên Việt gian sừng sỏ bị bắt và đưa ra tử hình, cụ Phương xin cho hắn được toàn mạng. Cuối cùng, chính hắn là kẻ dẫn giặc về đàn áp khởi nghĩa, bắn giết đồng bào và bắn cả bố vợ mình.
Ngọc sau vụ đó được thưởng rất nhiều tiền, tiếp tục làm tay sai cho giặc dẫn Tây về tìm bắt anh Thái và Cửu - một nông dân người Tày làm cán bộ Cách mạng. Khi hắn dẫn theo tùy tùng đi truy đuổi, cô Thơm đã giấu Thái và Cửu vào trong buồng nhà và cứu thoát họ, cô chính thức giác ngộ cách mạng. Biết được âm mưu đánh úp của chồng và đồng bọn, Thơm băng qua rừng giữa đêm khuya tới căn cứ để tiếp tế và báo tin. Quay về gặp Ngọc, cô bị y bắn trọng thương, y cũng trúng đạn mà chết. Cuộc càn quét của giặc thất bại, Thái và Cửu đưa Thơm về cứu chữa.
B. Đôi nét về tác phẩm
1. Tác giả
- Nguyễn Huy Tưởng (sinh năm 1912)
- Quê quán: làng Dục Tú, từ Sơn, bắc Ninh nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội
- Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác:
++ Năm 1930, ông tham gia các hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ở Hải Phòng
++ Năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng thư ký Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Sau đó ông tiếp tục hoạt động ở Hà Nội, Nam Định và Phúc Yên.
++ Năm 1951, ông tham gia chiến dịch biên giới
++ Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996
- Tác phẩm tiêu biểu: Bốn năm sau, An Tư công chúa, Truyện Anh Lục…
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Vở kịch Bắc Sơn được Nguyễn Huy Tưởng sáng tác và đưa lên sân khấu vào đầu năm 1946 trong không khí sôi sục của những năm đầu cách mạng.
b. Bố cục
Vở kịch gồm 5 hồi. Đoạn trích đưa vào Sgk là hai lớp của hồi 4:
- Lớp I (tóm tắt): Đối thoại giữa vợ chồng Thơm và Ngọc. Mâu thuẫn giữa hai người, Thơm dần dần nhận ra con người thật của Ngọc. Cô đau xót và ân hận.
- Lớp II: Thơm - Thái - Cửu: Giới thiệu tình huống kịch, tạo điều kiện cho mâu thuẫn, xung đột phát triển. Thái - Cửu, hai cán bộ , chiến sĩ cách mạng chạy chốn, tình cờ trong lúc bối rối chạy vào nhà Thơm và cô quyết định cho hai người trốn ở buồng ngủ của mình.
- Lớp III: Thơm - Ngọc: Ngọc đột ngột về nhà, Thơm tìm cách giấu chồng qua câu chuyện, càng bộc lộ tâm trạng mâu thuẫn, day dứt trong lòng Thơm. Một mặt dù nhận ra bản chất phản động của Ngọc, đã quyết định che giấu hai cán bộ cách mạng, mặt khác Thơm vẫn chưa đủ cương quyết để hành động...
c. Giá trị nội dung
- Đoạn trích thể hiện những xung đột diễn ra trong nội tâm nhân vật Thơm, thúc đẩy diễn biến tâm trạng nhân vật để đi tới bước ngoặt quan trọng, làm nổi bật vẻ đẹp và sự chuyển biến trong nhận thức của nhân vật Thơm.
d. Giá trị nghệ thuật
- Tác giả thành công trong việc xây dựng tình huống kịch: tình huống éo le, bất ngờ, bộc lộ rõ xung đột và thúc đẩy hành động kịch phát triển, tác giả đã tổ chức được các đối thoại với những nhịp điệu, giọng điệu khác nhau, phù hợp với từng giai đoạn của hành động kịch.
C. Đọc hiểu văn bản
1. Tình huống kịch
- Trong hai lớp kịch ở hồi bốn của vở kịch “Bắc Sơn”, tác giả đã xây dựng một tình huống kịch gay cấn, thể hiện rõ nét xung đột kịch. Đó là tình huống Thái và cửu, sau khi bị Ngọc và đồng bọn truy lùng, trong lúc chạy trốn, hai đồng chí cách mạng đã chạy nhầm vào nhà Ngọc, trong lúc Thơm – vợ của Ngọc – ở nhà một mình. Tình huống này buộc cô phải lựa chọn cách giải quyết: hoặc là che giấu, giúp đỡ họ trốn thoát hoặc là hô lên để Ngọc và đồng bọn vào bắt giữ họ. Nếu chọn cách thứ nhất sẽ là một sự đánh cược bằng cả tính mạng mình, bởi cô thừa biết kết cục của kẻ “che giấu cán bộ cách mạng” khi bị bọn tay sai phát hiện. Còn nếu làm theo cách thứ hai thì cô sẽ phải day dứt, giày vò suốt đời. Nhưng cuối cùng, vượt lên trên tất cả, Thơm đã chấp nhận thậm chí cả hi sinh tính mạng để che giấu hai chiến sĩ cách mạng ngay trong nhà mình. Tình huống ấy, xung đột được đẩy lên cao trào cũng là một cách để nhân vật thể hiện vẻ đẹp, ngọn lửa của chính nghĩa, của lương thiện bấy lâu vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn mình.
- Trong vở kịch “Bắc Sơn”, xung đột giữa lực lượng cách mạng và kẻ thù là xung đột cơ bản, và trong hồi bốn của vở kịch, ta thấy sự đối đầu giữa Thái, Cửu với Ngọc và bọn tay sai là xung đột căng thẳng nhất của đoạn trích.
- Ngoài ra, ta còn thấy xung đột trong diễn biến tâm lí của nhân vật Thơm. Tình huống bất ngờ Thái và cửu chạy nhầm vào nhà Thơm, dẫn đến Thơm có hành động có tính chất bước ngoặt. Thơm nhanh trí và khôn ngoan đưa Thái và cửu ẩn nấp trong buồng nhà cô, do đó các anh đã thoát được sự truy lùng của bọn tay sai. Hành động đó của Thơm đã dẫn đến những sự thay đổi trong thái độ, hành động của cô ở các lớp sau.
2. Tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm
- Trong vở kịch, Thơm tiêu biểu cho quần chúng lúc đầu chưa hiểu gì về cách mạng, lo sợ và trốn tránh, nhưng sau đó được thức tỉnh và đứng hẳn về phía hàng ngũ cách mạng. Trong những ngày đầu khởi nghĩa chống lại thực dân Pháp, những người ở vào hoàn cảnh như Thơm rất phổ biến. Cha và em cô tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và đã hi sinh. Mẹ cô hoá điên bỏ đi lang thang. Người thân duy nhất là Ngọc – chồng cô – lại là Việt gian bán nước. Điều đó làm cô đau đớn và day dứt, ân hận. Mặc dù, Ngọc quanh co che giấu việc làm tay sai đê tiện của y, nhưng Thơm đã nhận ra bộ mặt phản động của chồng. Cô vẫn nuôi hi vọng mơ hồ có thể níu kéo Ngọc thoát khỏi con đường tội lỗi.
- Tình huống Thái và Cửu chạy nhầm vào nhà Thơm đã đưa Thơm đến hành động có tính chất bước ngoặt, chấm dứt xung đột nội tâm. Bản chất của Thơm là một người lương thiện và trung thực. Cô đã che giấu hai đồng chí cách mạng mà không sợ liên luỵ đến bản thân mình. Việc làm của Thơm nếu bị Ngọc và đồng bọn phát hiện thì cô sẽ phải nhận cái chết: tội che giấu người cách mạng. Song Thơm đã vượt qua được nỗi lo sợ, rất bình tĩnh, cứu thoát Thái và Cửu khỏi sự truy lùng của bọn phản động.
- Khi Ngọc về qua nhà, Thơm đã bình tĩnh để đối mặt với Ngọc. Đến lúc này, Thơm cũng đã nhận ra bộ mặt tay sai, phản động của chồng mình.
- Hành động che giấu Thái và cửu đã tạo ra bước ngoặt trong đời Thơm. Thơm đã đứng hẳn sang hàng ngũ cách mạng và dẫn đến những hành động sau này của cô. Sau này, biết tin Ngọc dẫn đường cho quân Pháp lên đánh quân du kích, Thơm đã luồn rừng đi suốt đêm báo tin để đội quân kịp thời đối phó. Trên đường quay về, cô đã bị chính chồng mình bắn.
- Tâm trạng day dứt, ân hận và hành động dứt khoát của Thơm đã bộc lộ tính gay cấn của đoạn trích. Qua sự thức tỉnh và sự gia nhập vào hàng ngũ cách mạng của Thơm, tác giả đã khẳng định tính chất chính nghĩa của cách mạng cũng như khả năng thức tỉnh những người từng lo sợ, trốn tránh cách mạng. Cuộc cách mạng của nhân dân ta không chỉ cần đến những chiến sĩ quả cảm, gan dạ như Thái và Cửu mà còn cần đến những con người bình dị như Thơm. Dù có lúc họ đã trốn tránh, chưa hiểu đúng về cuộc cách mạng, nhưng nếu ta biết vận động, cảm hoá, tin tưởng họ thì họ cũng sẽ trở thành những chiến sĩ quả cảm.
3. Nhân vật Ngọc
- Vốn là một nho lại, với địa vị thấp kém trong bộ máy cai trị của thực dân, Ngọc nuôi tham vọng ngoi lên để thoả mãn lòng ham muốn địa vị, quyền lực và tiền tài. Ngọc đã dẫn quân Pháp vào đánh chiếm Vũ Lăng. Ở hồi bốn, Ngọc càng thể hiện bản chất Việt gian, y ra sức truy lùng những người cách mạng đang lẩn trốn trong vùng, đặc biệt là Thái và Cửu. Bản chất của nhân vật đã bộc lộ qua hành động và lời lẽ giả dối để đánh lừa Thơm, lại có lúc trực tiếp thể hiện lòng khát thèm tiền bạc, địa vị và sự đố kị tầm thường.
4. Nhân vật Thái, Cửu
- Đối lập hoàn toàn với tên phản động Ngọc là hai chiến sĩ cách mạng Thái và Cửu. Thái và Cửu không phải là nhân vật chính của vở kịch, song tính cách của họ cũng được bộc lộ qua tình huống kịch tính. Họ mang nét đẹp của những chiến sĩ cách mạng: dũng cảm, kiên trung, không sợ cái chết. Cùng rơi vào hoàn cảnh như nhau, nhưng Thái và Cửu biểu hiện tính cách khác nhau.
- Thái là người bình tĩnh trước mọi việc và biết nhìn nhận người tốt. Thái không nghi ngờ Thơm, dù cô là vợ của tên Việt gian. Niềm tin và sự bình tĩnh của Thái đã củng cố thêm lòng tin cho Thơm và đưa cô đến một hành động dứt khoát, bất chấp cả tính mạng mình.
- Thái là một chiến sĩ rất cần cho cách mạng, nhất là trong công tác vận động quần chúng, bảo vệ họ về phía cách mạng. Sự bình tĩnh của Thái đã củng cố niềm tin cho quần chúng và tạo cho họ niềm tin vào cách mạng.
- Trái với tính cách của Thái, Cửu là người nóng tính, có phần nóng vội và đa nghi. Anh cho rằng: “Vợ Việt gian thì cũng là Việt gian Song điểm nổi bật của Cửu là chiến sĩ cách mạng kiên trung và yêu nước.
⇒ Thái và Cửu là những chiến sĩ cách mạng kiên cường trung thành đối với Tổ quốc, cách mạng, đất nước…
D. Sơ đồ tư duy
E. Bài văn phân tích
Có một người con của quê hương Dục Tú đã đưa vào tác phẩm của mình một hiện thực cách mạng và kháng chiến với đậm chất anh hùng và không khí lịch sử. Con người ấy cùng với vở kịch Bắc Sơn đã mở đầu cho nền văn học kịch cách mạng của nước nhà. Đó là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người luôn đề cao tinh thần dân tộc và cảm hứng lịch sử mà đoạn trích vở kịch Bắc Sơn với diễn biến nội tâm của nhân vật Thơm khi đứng trước những lựa chọn là một minh chứng tiêu biểu. Quả đúng như nhận định: "Ai cũng phải đối diện với lựa chọn khó khăn ít nhất một lần trong đời. Nhưng khi đã vượt qua sự lựa chọn, người ta sẽ hiểu mình là ai và có được sự thanh thản".
Cuộc sống luôn đặt chúng ta giữa nhiều lựa chọn và không dễ gì đưa ra quyết định đúng đắn. Đó là quá trình của sự đấu tranh nội tâm gian khổ nhưng khi đưa ra lựa chọn, con người không chỉ hiểu về bản thân mình mà còn có được niềm vui sống, sự yên tĩnh trong tầm hồn. Nhân vật Thơm - nhân vật trung tâm của đoạn trích, là con gái của cụ Phương và là chị của Sáng - hai người chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu và hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng Thơm cũng là vợ của Ngọc - một tên Việt gian, tay sai đớn hèn dẫn Pháp về tấn công làng Vũ Lăng, gây đau thương cho chính đồng bào mình, gây thiệt hại nặng nề cho cách mạng. Thái và Cửu - hai chiến sĩ cách mạng trong khi bị Ngọc lùng bắt đã chạy vào nhà hắn, may thay chỉ có Thơm ở nhà. Chính lúc này, chúng ta được chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ, dứt khoát về cả tâm trạng và hành động của nhân vật Thơm. Từ chỗ thờ ơ, sợ liên lụy, đến sự ân hận khi cha và em hi sinh cho cách mạng Thơm càng bị giày vò khi chồng làm tay sai cho giặc. Thái và Cửu - hai chiến sĩ cách mạng bị Pháp truy lùng gắt gao chạy thẳng đến trước cửa nhà của cô, trong khi Ngọc - chồng cô lại đang lùng bắt các anh và có thể trở về nhà bất cứ lúc nào. Tình huống ấy yêu cầu Thơm phải nhanh chóng suy tính và đưa ra lựa chọn dứt khoát. Hai lựa chọn trước mắt cô lúc này là đứng về phía cách mạng, cứu hai người chiến sĩ hay tiếp tục đứng ngoài mà để mặc Thái và Cửu bị bắt. Đây quả thực là "lựa chọn khó khăn" trong cuộc đời Thơm. Đứng trước lựa chọn ấy, Thơm luống cuống, hốt hoảng: "Chết nỗi, hai ông bị chúng nó đuổi phải không? Làm thế nào bây giờ? Ngọc nó vừa mới đi, chắc... Tôi không báo hai ông đâu. Tôi chết thì chết, chứ tôi không báo hai ông ý đâu. Nhưng làm thế nào hai ông đi được bây giờ?". Vậy là cô đã đưa ra quyết định sẽ đứng về phía cách mạng, sẽ cứu Thái và Cửu. Nhưng một cô gái vốn yếu đuối, quen sống an nhàn như Thơm khi đưa ra lựa chọn này cũng chưa nghĩ ra cách giúp hai chiến sĩ cách mạng trốn thoát, vì thế cô càng hoảng loạn và lo lắng.
Ngay lúc ấy, Ngọc lại về, tình huống càng cam go, nguy hiểm. Chính lúc này, Thơm quyết định hành động "chỉ vào buồng" và nói: "Hai ông đừng đi đâu, hãy tạm vào đây, may ra...". Mặc dù lối xưng hô vẫn đầy xa cách nhưng ta đã thấy có sự thân quen, gần gũi hơn "ngoan ngoãn và mau lẹ, thân mật như một người em gái" với hai anh trong gia đình.
Cùng với lựa chọn này, Thơm thoát khỏi tình trạng day dứt để đứng hẳn về phía hàng ngũ quần chúng có cảm tình với cách mạng. Đây không phải lựa chọn ngẫu nhiên, may rủi. Nguyễn Huy Tưởng cũng không xây dựng tâm lí nhân vật gò ép, gượng gạo mà có sự biến chuyển dần và có những tác nhân thúc đẩy. Quyết định đứng về phía cách mạng không chỉ từ sự ăn năn, hối hận về sự hi sinh anh dũng của cha và em, nối tiếp truyền thống của gia đình mà còn bởi lòng thương người, sự kính phục đối với Thái. Nếu như trước đây, Thơm chỉ biết đến Thái qua lời kể thì ngay từ lần gặp đầu tiên này, sự dũng cảm, sáng suốt, bình tĩnh của Thái đã cảm hóa, thức tỉnh Thơm. Cũng như các chiến sĩ cách mạng khác, đặt niềm tin nơi nhân dần, Thái tin tưởng Thơm, tin vào dòng máu cụ Phương. Mà cũng nhờ niềm tin ấy, Thơm mới đưa ra lựa chọn và quyết định dứt khoát, mau lẹ và đúng đắn như vậy.
Quyết định ấy càng được khẳng định khi Ngọc trở về. Để che giấu, bằng sự thông minh, nhanh nhạy của mình, Thơm nói chuyện với Ngọc hết sức thân mật, dịu dàng để đánh lạc hướng. Trong cuộc hội thoại với Ngọc, Thơm càng nhận rõ bộ mặt gian xảo, tham quyền chức địa vị, lòng thâm thù của chồng. Từ chỗ khéo léo: "Chỉ thương anh thẳng Sáng vất vả" đến chỗ tài trí, nói to: "Đằng sau nhà! Ở chỗ buồng đi ra đấy à" như một cách báo tin cho hai người chiến sĩ, cũng thể hiện sự lo lắng thực sự của cô, lo lắng đến cuống quýt: "Sao lại đợi ở đấy? Sao không mời các ông ấy lên chơi cả cho vui có được không?". Nhận ra bộ mặt thật của Ngọc, Thơm càng hiểu rằng lựa chọn của mình là đúng đắn. Ngay cả trong gian nguy, khó khăn, bị kẻ thù đàn áp khốc liệt thì tình cảm cách mạng vẫn nhen nhóm trong lòng mỗi người như một ngọn lửa, chỉ đợi gió về là cháy sáng rực rỡ. Cách mạng không thể bị tiêu diệt bởi nó luôn tiềm tàng khả năng cảm hóa, thức tỉnh quần chúng nhân dân và luôn được nuôi dưỡng bởi tinh thần đoàn kết, tình quân dân cá nước.
Thể hiện nhân vật Thơm trong sự chuyển biến tâm lí tài tình, hợp lí và bước ngoặt quan trọng khi đưa ra lựa chọn là nghệ thuật viết kịch tài tình của Nguyễn Huy Tưởng. Xây dựng mâu thuẫn, xung đột kịch trong chính nội tâm Thơm, tổ chức đối thoại khắc họa rõ nét tính cách nổi bật của từng nhân vật: Cửu anh dũng, quả cảm, kiên quyết loại trừ Việt gian nhưng nóng nảy, bộc trực; Thái bình tĩnh, sáng suốt, luôn đặt niềm tin ở quần chúng nhân dân, có sức mạnh cảm hóa con người; Ngọc gian xảo, thâm thù, tham lam quyền thế. Qua đó, tính cách nhân vật Thơm càng nổi bật là một người phụ nữ Tày được cách mạng cảm hóa, soi đường, vượt qua những đau thương trong quá khứ đến với cách mạng và hết lòng vì cách mạng. Người phụ nữ can trường ngay trước khi bị xử bắn vẫn dõng dạc: "Tôi đố anh phá nổi quân du kích, tôi thách thằng Tây phá nổi quân du kích". Đó là niềm tin mãnh liệt và tình cảm của nhân dân với cách mạng. Ở Thơm là vẻ đẹp của quần chúng nhân dân và cũng là vẻ đẹp của người phụ nữ, là một hình tượng "vô cùng chói lọi, một thành công đặc sắc của Nguyễn Huy Tưởng khi viết về cách mạng và người phụ nữ Việt Nam".
Những lời đối thoại cuối cùng của hai lớp kịch hồi bốn vở Bắc Sơn có thể khép lại, nhưng sự kiện cách mạng và những nhân vật mới của thời đại là quần chúng và người chiến sĩ cách mạng còn sống mãi trong lòng ta. Nhân vật Thơm là đại diện cho cả một cộng đồng đang chuyển mình mạnh mẽ, dứt khoát đi theo con đường cách mạng, giành lấy sự an yên trong tâm hồn, tiếp nối và phát huy truyền thống yêu nước của mỗi gia đình, mỗi vùng miền, góp phần làm nên chiến thắng của cả một dân tộc anh dũng, kiên cường.
Xem thêm các bài soạn về tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9 đầy đủ, chi tiết hay khác:
Xem thêm các loạt bài Để học tốt Ngữ văn 9 hay khác:
- Soạn Văn 9 (bản ngắn nhất)
- Soạn Văn 9 (siêu ngắn)
- Soạn Văn 9 (cực ngắn)
- Văn mẫu lớp 9
- Tác giả - Tác phẩm Văn 9
- Lý thuyết, Bài tập Tiếng việt - Tập làm văn 9
- 1000 câu trắc nghiệm Ngữ văn 9
- Giải vở bài tập Ngữ văn 9
- Đề thi Ngữ Văn 9 (có đáp án)
- Ôn thi vào lớp 10 môn Văn
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Soạn văn lớp 9 | Soạn bài lớp 9 của chúng tôi được biên soạn một phần dựa trên cuốn sách: Để học tốt ngữ văn 9 và bám sát nội dung sgk Ngữ văn 9 Tập 1 và Tập 2.
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Lớp 9 Kết nối tri thức
- Soạn văn 9 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 9 - KNTT
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 9 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 9 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - KNTT
- Giải sgk Tin học 9 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 9 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 9 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - KNTT
- Lớp 9 Chân trời sáng tạo
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST
- Lớp 9 Cánh diều
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều