Top 20 Đọc sách báo về gia đình lớp 3 (hay nhất)
Tổng hợp các đoạn văn Đọc sách báo về gia đình lớp 3 hay nhất giúp học sinh lớp 3 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Top 20 Đọc sách báo về gia đình lớp 3 (hay nhất)
Đọc sách báo về gia đình lớp 3 - mẫu 1
Mỗi người chúng ta ai ai cũng đều có gia đình riêng của mình, cũng đều được che trở trong vòng tay của người cha, người mẹ của mình, chính vì thế tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất.
Tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, vô bờ bến của mỗi cá nhân con người, đây là nơi ấm áp chứa đựng tình thương giữa những con người có quan hệ huyết thống máu mủ ruột rà với nhau. Cha mẹ luôn dành tình yêu thương của mình cho con cái, họ cũng là người có thể tha thứ mọi lỗi lầm khi con họ mắc lỗi, sẵn sàng cho những người con của họ cơ hội để sửa sai, sửa chữa những lỗi lầm của mình. Cha mẹ cũng là người có thể dành tình cảm yêu quý vô điều kiện cho người con của mình, họ là những người cao cả, sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời của mình cho những người con của họ.Tình cảm gia đình là nơi chứa đựng nhiều tình thương, ở đó con người được sống là chính mình, được bao bọc và chở che bởi những người mà mình thương yêu nhất. Con người được sống, được vun đắp và được phát triển một cách toàn diện, trong môi trường đó.
Mỗi chúng ta cần có ý thức và giữ gìn tình cảm của mình với người thân, bởi tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc sống mỗi con người. Dù đi đâu xa, con người cũng không thể nào quên đi được thứ tình cảm cao quý ấy.
Đọc sách báo về gia đình lớp 3 - mẫu 2
Gia đình - Nơi yêu thương tìm về
(LĐ online) - Thế gian có đẹp đến đâu, có thú vị đến đâu, thì nơi bình yên nhất vẫn là nhà, có đủ mẹ cha, có gia đình, ấy là hạnh phúc. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm nay, trong ta da diết nỗi nhớ bữa cơm gia đình dân dã, chân chất vị nắng vị mưa mà mẹ đã trọn lòng gửi vào đó tình yêu thương đậm đà.
Nơi chốn ấy đón ta ra đời, từng vuông gạch nơi khoảng sân nhà chứng kiến những bước đi chập chững đầu tiên mẹ vỡ hòa hạnh phúc, còn cha thì vỗ tay cỗ vũ "cố lên nào con gái ơi". Là nơi cha chỉ cho những bài học đầu tiên khi bi bô học nói "Đây là cái quạt mo, kia là cái bóng đèn..." cứ thế cả thế giới theo ngón tay cha chỉ, đôi mắt tròn ngây thơ, rồi một ngày bật lên tiếng gọi “cha”. Cha ở bên ta từ ngày chập chững đến những ngày sắp khôn lớn, trưởng thành.
Lạ thật. Chỉ biết nhớ là nhớ. Có khi nhớ quay quắt. Nhớ gì không nhớ lại nhớ mùi hương trong gian bếp của mẹ. Mùi của mắm muối, của gia vị. Mùi của rau củ sang hơn chút là mùi thịt mùi cá. Tôi nhớ khi còn nhỏ, gian bếp của mẹ có lẽ là nơi thu hút chúng tôi nhất, bởi ở đó là những lần mẹ rang ngô cho một chút mỡ vào cho béo mỗi lần ăn môi của em Tèo cứ bóng lồng bóng lộn. Là khi mẹ rang lạc cho chút muối mặn ăn chỉ biết là hao cơm. Ôi nói như ngôn ngữ địa phương chúng tôi thì "chu choa răng mà ngon ri hè". Là những lần mẹ vùi trong than đỏ hồng ấy những củ khoai, củ sắn cha mới đào chiều qua. Vị ngọt nưng nức của khoai nướng quyện vào mùi khen khét của tro trấu tạo nên hương vị đặc trưng dẫu tôi có đi hết cả cuộc đời cũng chẳng thể nào quên.
Đến lúc trưởng thành lâu lâu mới được về ăn cơm mẹ nấu. Về để nghe những lời dạy bảo của mẹ. Mẹ bảo "người ngoài dẫu bao dung đến mấy cũng không bằng tình cảm người nhà dành cho nhau đâu. Gia đình là nơi để yêu thương và được yêu thương đấy các con ạ". Tôi thuộc lỳ làu câu nói đó của mẹ. Kể cũng phải tôi có thể cực kỳ thân thiết với một cô bạn nào đó, những khi vui, lắm lúc buồn tôi có thể nói với bạn, nhưng những lúc tôi vấp ngã, chẳng gì bằng được khóc trên vai mẹ rồi nghe cha tỉ tê “cố lên con gái”. Ta mới hiểu ra được rằng chính gia đình là nơi ta được nhỏ to sẻ chia, vỗ về sau mỗi thành công hay thất bại. Trong dòng đời hối hả, tất bật bon chen, nhiều mỏi mệt thì điều đầu tiên người ta thường nghĩ đến và như là một lựa chọn duy nhất là: Về nhà!
Hương vị tình thân trong căn nhà ba gian ấy, là những tiếng cười giòn tan khi mẹ nghe tin tôi đậu đại học, là những khi cha vui năm nay lúa được mùa. Là những đêm trăng mất điện cả nhà cùng ôn lại chuyện xưa cũ. Ngồi nghe cha mẹ kể cái thời còn yêu nhau, cha mày tán mẹ ra sao, mẹ chảnh như thế nào. Thấy mẹ cười khúc khích rồi đấm vào lưng cha thùm thụp, tình yêu bốn mươi năm qua của cha mẹ càng ngày càng đầy, bởi đã có nhiều hơn nữa những tình yêu nhỏ được sinh ra.
Tôi thích câu nói "Có một nơi để về, đó là nhà. Có những người để yêu thương, đó là gia đình. Có được cả hai, đó là hạnh phúc!". Gia đình chính là điều tuyệt vời nhất, may mắn nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời mỗi con người.
Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mỗi người trong chúng ta hãy hướng về gia đình, quan tâm đến người thân trong gia đình nhiều hơn. Hãy luôn nâng niu, gìn giữ, trân trọng tình cảm của những người thương yêu nhất của mình khi ta còn có thể. Bởi, gia đình - nơi để yêu thương và được yêu thương. Bất chợt nhớ đến câu thơ trong bài "Con cò" của nhà thơ Chế Lan Viên "Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con..."
THIÊN KIM
Đọc sách báo về gia đình lớp 3 - mẫu 3
Tình cảm gia đình trong xã hội hiện đại
VHO- Những người trong một gia đình quan hệ với nhau không chỉ giản đơn là tuân theo các chỉ thị từ bản năng sinh học mà còn bằng sự kết hợp giữa tình cảm và nhận thức, bằng các giá trị văn hóa và đạo lý, bằng những nguyên tắc của tập tục về gia phong, gia giáo, gia lễ…
Việt Nam chúng ta, thời đại nào cũng vậy, hai từ gia đình thường được nhắc đến với những gì thân thương nhất. Gia đình là ngọn lửa ấm áp, là chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người. Điều đó xuất phát từ chỗ, gia đình luôn có một chức năng cơ bản, đó là chức năng tình cảm. Nhưng điều đáng tiếc là ngày nay chúng nói nhiều đến việc nâng cao vị trí và vai trò gia đình nhưng lại chưa quan tâm đúng mức đến việc thực thi tốt hơn chức năng tình cảm của gia đình.
Trên thực tế, gia đình không chỉ là chỗ dựa về mặt vật chất mà còn là nơi nương tựa về mặt tinh thần. Rất nhiều người đã gọi gia đình là “tổ ấm trong thế giới vô tâm”, coi đó là chốn đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia trong một thế giới luôn đầy những khó khăn, trắc trở. Bởi vậy, những người được sống cùng gia đình bao giờ cũng sung sướng và hạnh phúc hơn những người phải sống cô đơn một mình. Trong nhiều trường hợp, nỗi cô đơn của những kẻ không gia đình còn khủng khiếp hơn nỗi cô đơn của những kẻ bị lưu đày biệt xứ.
Con người, cho đến khi qua đời vẫn còn mong muốn được sống bên cạnh những người thân yêu của mình. Mồ mả cũng cần phải được quy tập lại một chỗ để những người ở “thế giới bên kia” có thể gần gũi, quây quần trong họ tộc và huyết thống. Thực tế cho thấy, cái nhóm nhỏ những con người liên kết với nhau thành một gia đình cũng có biết bao nhiêu mối quan hệ không kém phần phức tạp. Dù cho đôi lúc có thể sẽ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể sẽ không chỉ là những vấn đề thuần túy nội bộ mà còn phải đưa ra xử lý bằng pháp luật, nhưng quan hệ gia đình vẫn là những mối quan hệ nặng về tình cảm nhất so với các quan hệ xã hội khác.
Phân tích cấu trúc của chức năng tình cảm trong gia đình, chúng ta có thể thấy các dạng quan hệ được biểu hiện như sau:
Thứ nhất là những tình cảm trong mối quan hệ giữa các thế hệ, như ông bà đối với cháu chắt, cha mẹ đối với các con, cô bác chú dì đối với các cháu… Những tình cảm này được xây dựng thành các chuẩn mực xoay quanh khái niệm về “chữ hiếu” truyền thống. Cơ sở của những tình cảm trên là trách nhiệm chăm lo cho nhau giữa các thành viên: Cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái thành người, con cháu quan tâm chăm sóc người ông bà cha mẹ. Điều đó giải thích tại sao ngày xưa gia đình Việt có nhiều thế hệ cùng chung sống. Người cao tuổi thường sống cùng với ít nhất là một trong số những người con của mình. Trên thực tế, họ đòi hỏi về tình cảm nhiều hơn là về vật chất. Chính quan hệ tình cảm tốt đẹp với con cháu là động lực khiến họ thanh thản và sống lâu hơn.
Ngày nay, tuổi thọ trung bình đã tăng lên đáng kể. Điều đó cũng có nghĩa là trong các gia đình, sự hiện diện của những người cao tuổi cũng tăng lên. Ở vào độ tuổi 50, hầu hết các bậc cha mẹ đã hoàn thành nghĩa vụ nuôi dạy con cái và họ bắt đầu được đòi hỏi sự chăm sóc. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người ở vào độ tuổi 50 vẫn phải chăm sóc cha mẹ mình, đang ở vào độ tuổi 80 hoặc hơn. Những thế hệ đầu tiên của thời kỳ bùng nổ dân số được gọi là “thế hệ sandwich”, thế hệ bánh kẹp, bởi họ (đặc biệt là phụ nữ) sẽ phải chăm sóc cha mẹ mình cũng lâu như chăm sóc con cái mình. Mà như vậy, nếu không có tình cảm với nhau thì việc này sẽ là hết sức khó khăn và nặng nề.
Thứ hai trong chức năng tình cảm của gia đình là tình cảm vợ chồng, tình yêu và hôn nhân. Tình cảm vợ chồng bắt nguồn từ tình yêu. Ngày xưa nhiều cặp vợ chồng được “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, dù có thể không biết tới tình yêu trước hôn nhân nhưng họ vẫn sống hạnh phúc và có thể tìm thấy tình yêu, nuôi dưỡng nó trong hành trình chung sống. Ngày nay, khuynh hướng đi theo tiếng gọi của con tim, sống vì tình yêu đã thúc đẩy giới trẻ trốn tránh sự xếp đặt của cha mẹ, thoát ly nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm để tự gây dựng một tổ ấm cho mình. Điều đó lại dẫn đến những kịch bản khác nhau cho tình cảm gia đình. Ban đầu, tình yêu và niềm đam mê thể xác sẽ giúp họ vượt qua những khó khăn của cuộc sống chung. Nhưng sau đó, trước những thách thức và trải nghiệm của thực tế, họ nhanh chóng nhận ra rằng: Tiền tài, địa vị nhiều khi quan trọng chẳng kém gì tình yêu. Tình cảm ban đầu cũng có thể nhanh chóng bay đi theo những cơn gió phũ phàng từ cuộc sống khó khăn. Tình yêu thắm thiết ban đầu bỗng trở thành nỗi thất vọng triền miên… Đây là một trong những lý do giải thích vì sao tỷ lệ ly hôn tại nhiều nước phát triển cao hơn rất nhiều so với các nước vẫn còn chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa truyền thống.
Về nguyên tắc, nếu không có trắc trở thì tình cảm vợ chồng sẽ đồng hành cùng con người ta đến hết cuộc đời. Những năm sống chung lâu dài và tuổi tác có thể làm giảm hứng thú tình dục ở các cặp đôi, nhưng bù lại họ có điều kiện để hiểu và thông cảm cho nhau hơn. Điều đó cho thấy lời cầu chúc “sống với nhau đến đầu bạc răng long” là hoàn toàn có khả năng thực tế. Thay đổi cuối cùng và cũng là khó khăn nhất của tình cảm vợ chồng trong một gia đình là khi một trong hai người qua đời.
Thứ ba trong chức năng tình cảm của gia đình là tình cảm giữa những người cùng một thế hệ như anh chị em ruột, anh chị em họ… Trước sức ép của kinh tế thị trường cùng với sự phân rã của nhiều mối quan hệ gia đình, những tình cảm anh em, chị em cũng có những biểu hiện lỏng lẻo. Trong nhiều gia đình, hiện tượng anh em bất hòa, chị em xung khắc, mâu thuẫn dâu rể, con chú con bác diễn ra ngày càng nhiều. Ở nước ta, hiện tượng kiện tụng nhau vì tranh chấp nhà cửa, đất đai, ruộng vườn…, “nồi da nấu thịt” trước mặt cha mẹ ngày càng trở nên phổ biến.
Sự khủng hoảng trong việc thực hiện chức năng tình cảm không chỉ phá vỡ gia đình mà còn là dẫn đến sự phá vỡ những quan hệ tình cảm trong xã hội. Một gia đình chỉ có thể hạnh phúc khi các thành viên cảm thấy thỏa mãn với gia đình, coi gia đình là điểm tựa vững vàng của họ. Vật chất dù quan trọng nhưng vẫn chỉ là phương tiện để đi đến hạnh phúc, nó không thể thay thế được việc thực thi chức năng tình cảm của gia đình. Sống quây quần bên nhau, cảm thấy vui vẻ, gắn bó, thoải mái trong chính gia đình mình mới là điều quan trọng nhất của hạnh phúc gia đình.
Để hỗ trợ cho việc thực thi chức năng tình cảm của gia đình, Nhà nước cần phải bổ sung chính sách về gia đình phù hợp với thời kỳ mới, xây dựng bộ máy quản lý đủ sức mạnh để giải quyết các vấn đề về gia đình. Bộ VHTTDL ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là việc làm kịp thời, giúp chúng ta “định vị” một cách rõ ràng hơn những nội dung cụ thể với các tiêu chí của từng mối quan hệ. Cùng với đó, trên cơ sở đề cao chức năng tình cảm, chúng ta cần sớm xây dựng chuẩn mực văn hóa gia đình mới để làm cơ sở cho sự phát triển ổn định của các “tế bào xã hội”. Tăng cường giáo dục tiền hôn nhân và sau hôn nhân để các cặp vợ chồng nâng cao nhận thức, sống có trách nhiệm, có kỹ năng ứng xử, giao tiếp, kiến thức làm cha, làm mẹ để xử lý hài hòa các mối quan hệ trong gia đình…
Chúng ta cũng cần huy động sự tham gia của các đoàn thể, cộng đồng, nhà trường vào quản lý gia đình, đẩy mạnh các hoạt động “trị liệu” để góp phần bảo vệ hạnh phúc gia đình. “Trị liệu gia đình” là thuật ngữ khoa học mới mẻ, trong đó nhân viên làm công tác xã hội được đào tạo kiến thức cơ bản để làm việc riêng với từng người chồng, người vợ, tạo ra tình huống, hướng dẫn họ phải làm gì dựa trên những khía cạnh tâm lý nhất định. Những gia đình khủng hoảng có thể học được cách xử lý phù hợp để giữ được “mái ấm” của mình.
Ngọn lửa tình cảm của hạnh phúc gia đình không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho mỗi cá nhân mà còn là nền tảng cho sự yêu thương trong cộng đồng, tạo ra sự bình ổn chung cho xã hội.
Con người, cho đến khi qua đời vẫn còn mong muốn được sống bên cạnh những người thân yêu của mình. Mồ mả cũng cần phải được quy tập lại một chỗ để những người ở “thế giới bên kia” có thể gần gũi, quây quần trong họ tộc và huyết thống. Thực tế cho thấy, cái nhóm nhỏ những con người liên kết với nhau thành một gia đình cũng có biết bao nhiêu mối quan hệ không kém phần phức tạp. Dù cho đôi lúc có thể sẽ cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, có thể sẽ không chỉ là những vấn đề thuần túy nội bộ mà còn phải đưa ra xử lý bằng pháp luật, nhưng quan hệ gia đình vẫn là những mối quan hệ nặng về tình cảm nhất so với các quan hệ xã hội khác.
GS ĐẶNG CẢNH KHANH
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 3 hay khác:
- Dựa vào những điều em vừa nói, hãy viết đoạn văn kể về việc em giữ lời hứa với cha mẹ (người thân) hoặc cha mẹ( người thân) khuyên bảo em những điều hay lẽ phải
- Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài đọc, bài văn) em đọc ở nhà về tình cảm gia đình
- Tự đọc sách bào: Đọc sách báo về tình cảm cộng đồng
- Nói và nghe: Bộ lông rực rỡ của chim thiên đường
- Tự đọc sách báo: Đọc sách báo về hoat động sáng tạo
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều
- Giải vbt Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều
- Giải lớp 3 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 3 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 3 Chân trời sáng tạo (các môn học)
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.