Top 20 Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 (hay nhất)

Tổng hợp các đoạn văn Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 hay nhất giúp học sinh lớp 3 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 (hay nhất)

Quảng cáo

Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 - mẫu 1

Quê em

Quê em là một xóm chài ven biển miền Trung. Bố mẹ em làm nghề đánh bắt cá. Đây là nghề mà trước đây ông bà nội em truyền lại. Cuộc sống ở xóm chài nơi em ở vui nhất là vào những buổi sáng. Khi hừng đông vừa mới hé, đứng trên bãi biển nhìn ra khơi xa, hàng trăm chiếc thuyền câu, giong buồm tiến vào bờ như những thuyền trận chiến thắng trở về. Trên bờ hầu hết là phụ nữ, trẻ con đứng chờ người nhà của mình về để phụ giúp gánh cá ra chợ hoặc thu dọn những phương tiện đánh bắt cá đưa về nhà phơi phong, giặt giũ. Còn buổi tối, đứng trền bãi cát nhìn ra biển mới thấy thú vị. Hàng trăm những ngọn đèn như những ngôi sao nhấp nháy trên bầu trời lúc ẩn, lúc hiện. Đó là những thuyền đánh cá đèn của xóm chài nơi em ở và các xóm chài lân cận. Vùng biển quê em là thế đấy. Em rất yêu cuộc sống quê mình.

Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 - mẫu 2

Kỉ niệm quê hương

Tháng trước, em vừa mới được bố mẹ cho lên thăm chú Hùng bạn của bố em một ngày. Từ thành phố của em lên chỗ chú mất gần ba tiếng đồng bằng xe Honda. Đó là một vùng trung du rộng lớn,đồi núi trập trùng nối tiếp nhau chạy mãi vào vùng rừng núi đại ngàn. Trang trại của chú là một vùng đồi thoai thoải trồng toàn những loại cỏ dùng cho bò sữa. Nhà chú nuôi rất nhiều bò, có lẽ đến vài chục con cả to lẫn nhỏ. Thấy bố mẹ em lên chơi, chú mừng lắm. Chú bảo anh Hoàng con trai chú đang là học sinh lớp Năm, dẫn em lên đồi cỏ sau nhà, xem những con bê đang gặm cỏ, Nhìn những con bê lông đen khoang trắng vừa ăn cỏ vừa đùa giỡn với nhau, anh Hoàng nói: “Mấy con bê này nó lí lắc lắm. Nhiều khi nó còn giỡn cả với anh nữa chứ! Lúc đầu anh sợ lắm, nhưng giờ thì quen rồi. Để anh đùa nghịch với nó cho em xem nhé!” Thế là anh Hoàng chạy đến cầm tai một chú bê kéo lại. Chú ngoan ngoãn theo anh. Rồi đột nhiên chú nhảy cẫng lên, thoát khỏi tay anh Hoàng chạy biến. Anh đuổi theo, nó chạy lòng vòng một hồi rồi vụt leo xuống chân đồi miệng kêu be be… Nếu được ở lại lâu với anh Hoàng, cùng anh Hoàng đùa giỡn với mấy chú bê này thì thích thú biết bao. Hè này, thế nào em cũng đòi bố mẹ lên đây một lần nữa.

Quảng cáo

Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 - mẫu 3

Vườn quê xào xạc - Truyện ngắn của NGUYỄN NGỌC PHÚ

NDO - Vườn quê xào xạc của Nguyễn Ngọc Phú như vết cắt của nông thôn Việt Nam trong kinh tế thị trường hôm nay. Nó không phải là câu chuyện để dễ kể lại và không có xung đột thắt hay cởi nút, song nó vẫn đứng được nhờ có các chi tiết mà chỉ có người am tường quê mùa mới viết ra được. Chuyện không vui không buồn, dường như tác giả đứng ngoài các sự kiện nhưng đọc xong người ta vẫn như tiếc nuối một điều gì đó đã thăm thẳm chôn cất ở từng người xa quê nay chợt qua Vườn quê xào xạc mà hong hanh nhớ ra, dẫu biết rằng quy luật của muôn đời là xã hội luôn thay đổi. Lời bình của nhà văn NGUYỄN Làng Đan nằm cạnh sông Cày, bao bọc bởi những rặng tre ken dày, có nghề đan tre được truyền đời này sang đời khác, nhưng nghề ấy cũng rơi rụng đi theo thời gian. Lứa trẻ thời nay không chịu học nghề, cái nghề đòi hỏi tỉ mẩn công phu, chuốt đi chuốt lại rồi nheo nheo, ngắm ngắm, lại uốn uốn cong cong cho đến tuổi lưng còng vẫn xoay đi nắn lại cái vành rổ, vành rá. Đêm rã rời nhờ có chút rượu giãn xương cốt nằm mà đau nhức muốn rụng từng lóng xương.

Làng Đan chỉ còn lại duy nhất một nghệ nhân theo nghề là lão Rổ. Đúng là lão Rổ thật. Khuôn mặt đậu mùa từ khi sinh ra đã để lại chằng chịt những vết sẹo lỗ chỗ. Lão khoái cái tên Rổ vì nghề của lão là đan Rổ. Vợ hai lão tên là Rá. Vợ đầu chết sớm khi chưa có con. Lão thích cô này vì cái tên: Rá! Rổ, Rá cạp lại mà sinh ra một cô gái có vóc người dỏng cao, nước da trắng hồng như người mẫu. Lão đặt tên con là Tre - Nguyễn Thị Thanh Tre. Tre lớn lên biết cái tên mình không đẹp như tên bạn, không chịu, lão bảo: “Mày dáng cao vong vỏng như thân tre ngà thì tao đặt là Thanh Tre, đúng quá còn chê gì nữa”. Tre khi nhỏ không muốn đi học dầu nó học rất khá, vì cứ đến lớp là lũ bạn cứ réo lên: “Ê, ê bọn mày ơi! Cái Thanh Tre nó đến rồi”.

Quảng cáo

Thầy giáo làng là người nghiêm khắc, luôn có một thanh tre dắt lưng, trò nào lười học là vụt luôn. Lắm đứa bị đòn, lưng cứ nổi con lươn, con chạch nên bọn nó ghét luôn cô bé có cái tên ấy. Mãi sau, có một họa sĩ chuyên vẽ đề tài nông thôn gặp Tre liền nhờ làm người mẫu. Từ đó cái tên Thanh Tre được thay bằng Thanh Trúc và bức tranh “Bé Thanh Trúc” ngồi trên cái ghế tre do ông Rổ đóng đã trở thành bức họa nổi tiếng được đem đi triển lãm quốc tế và bán cho một thương gia nước ngoài.

Ngày ấy, tôi cùng đám trai làng mê Thanh Trúc như điếu đổ. Nhà Thanh Trúc nuôi một con chó dữ, lão Rổ đặt tên là Măng. Con Măng tinh khôn lắm luôn quẩn quanh bên cô chủ. Vì thế dù có đêm khuya khoắt Thanh Trúc đi họp đoàn về đố có kẻ xấu nào dám trêu ghẹo. Tôi biết Măng khoái khẩu món cá đồng nướng nên tối nào muốn đến tán tỉnh em Trúc thì trưa đó phải lặn lội ngoài mương để bắt cho kỳ được mấy chú rô ron bụng phình trứng con đầy nhớt dụi vào đống rạ khô nướng đến khi thân hình tròn căng nứt nẻ thịt cá rô trắng bông, bọc trong lá chuối khô mà mùi thơm vẫn cứ rịn ra. Tôi vừa thập thò đến cổng nhà Trúc đã thấy chân mình cái gì cọ vào rin rít, ướt át, ấm nóng hóa ra là Măng. Thanh Trúc bảo: “Con Măng tinh thật, chưa thấy anh đâu đã thấy nó rối rít đuôi cứ ve vẩy và vọt ra ngoài ngõ là em biết ngay!”.

Quảng cáo

Nhà lão Rổ nhiều khách. Khách của lão là bạn già nghiện nước chè xanh và rít thuốc lào. Cũng lạ, món thuốc lào hút vào say đứ đừ này lại kén điếu lắm. Thuốc thì tất nhiên phải là loại Tiên Lãng rồi nhưng còn điếu thì chỉ có lão Rổ mới tiện cho ra những cái nõ rõ kêu giòn dã như súng bắn liên thanh. Cái nõ điếu loe ra như dáng một bông hoa lửa. Lão bảo: “Chỉ có điếu tre mới ngon chứ hút cái điếu bằng kim loại khói thuốc không say được, rít thuốc có ngon tới mấy rỉ nó cứ lành lạnh, lì lợm, trơn nhẵn”. Ống điếu lão làm khá cầu kỳ. Tất nhiên là phải chọn tre rồi. Đó là loại tre chết “róc”, tre già đã chết khoảng một phần ba từ ngọn xuống. Thường, một bụi tre lớn, mới có vài cây chết “róc”, lão thường chọn tre tháng ba “Tre non tháng Ba bằng tre già tháng Tám”. Khoảng giữa điếu bao giờ cũng có một mắt tre được lão khéo léo khoan thủng để tra nõ, còn nỏ điếu là một kỳ công. Đó là gốc cây chè già vẫn lấy đun nước uống, gốc làm nõ điếu là loại chè được trồng trên vùng đồi hút hết tinh chất gió sương. Gốc chè được lão triện nhẵn khoan thủng tạo những dáng đẹp lạ. Khi hút, khói thuốc ngấm qua vị thân chè lại được luồn tráng qua thân tre già tạo ra một hương vị riêng, lại chiêu một ngụm nước chè xanh đặc chát thì chỉ có thăng lên trời say đứ đừ, thứ khoái chỉ có ở nhà quê mới có.

Khách đến nhà lão thường ngồi trên cái chõng tre lão đóng, ngồi xếp bằng. Hai bàn chân to bè nứt nẻ như ruộng đồng nắng hạn xát vào nhau cho hết bụi rồi vén cái quần thụng, thế là bữa tiệc thuốc lào chè xanh cắm tăm rôm rả. Nước chè của lão đựng trong cái gáo dừa chứ bằng bát sứ là vứt! Gáo dừa có chất gì vậy? Lão bảo: “Cái đó là duyên giữa gỗ và nước, đời này không có duyên là vứt!”.

Thanh Trúc thường giúp bố luộc nồi khoai Nghệ, củ nào cũng nung núc, ruột vàng vỏ nâu thơm và ứa mật. Mấy bạn già của lão đã đánh tiếng “E hèm” muốn làm thông gia với lão bởi: “Cái bé Tre, bé Trúc nết na lắm, lại học giỏi, vi tính thì nhất, cứ lên mạng nhoay nhoáy. Nó còn chat được cho cả người Tây nữa”.

Lão Rổ có bộ đồ nghề cha truyền con nối thật tinh xảo giống như dụng cụ của một bác sĩ ngoại khoa chuyên mổ xẻ. Thôi thì đủ cả: Đục to, đục nhỏ rồi chàng, khoan, cưa, dao chẻ, dao vót, bào tròn, bào vuông... tất cả đều được lão đặt hàng ở làng rèn Trung Lương nổi tiếng với loại thép đặc biệt tôi kỹ trong than đỏ và nước lạnh làm lưỡi cứ bén ngọt. Đặc biệt là cái khoan có cái dây được làm bằng da bò từ mấy đời săn chắc. Lũ trẻ chúng tôi như chùm quả đu đủ trĩu vào chung quanh lão để nhờ lão làm diều. Lão hỏi: “Đố các cháu biết loại nào tre đực, tre cái?”.

Chúng tôi ngẩn ra tò te - cây làm gì có đực, cái nhỉ, có phải như con này con nọ đâu! Thôi thì: “Tre cái đẻ măng, còn tre đực thì...”.

Lão cười khà khà mắt nheo nheo, đó là bệnh nghề nghiệp của lão, mắt lão nheo và ngón tay sần sùi vuông cành cạnh như cái đục: “Tre đực là dày mắt ruột đặc, tre cái là mắt thưa thẳng hơn, dễ chẻ, còn tre nào mà chẳng đẻ măng!” Cái tiếng “Măng” lão nói to khẳng định dứt khoát làm con Măng tưởng gọi mình giật nảy, cuống quýt chạy lại ve vẩy đuôi tỏ vẻ thân thiện với lũ trẻ chúng tôi.

Một ngày, có người đến nhà lão tìm học nghề. Anh này cũng khéo tay. Lão giao cho khâu đục mọng là khó nhất. Tre già ở lớp ngoài nhưng trong lại non đục không khéo là vỡ liền. Anh này cũng khôn, khoan hai mũi sau đó mới đục. Được! Lão chấp nhận - Còn chốt! Đục tròn, chốt tròn ống tre vỡ ra. Thôi rồi bạn ơi, khâu sát hạch không vượt qua được, thì ra đục lỗ tròn nhưng chốt phải vuông mới khít được như kiểu trời tròn đất vuông ấy mà. Nghe lão nói anh chàng học nghề ngẫm ra được nhiều điều triết lý dân gian độc đáo. Vật liệu nghề đan của lão đâu chỉ có bằng tre. Bà Rá là người chuyên đi chợ huyện mua hàng cho lão. Ngoài tre trong vườn thì còn phải mua cây trập (đan rá), cây giang (đan dần), cây nứa (đan sàng), cây mây (đan rế). Bà Rá là người xởi lởi lúc nào miệng cũng bỏm bẻm nhai trầu chưa thấy người đã nghe giọng cười rộn rã. Nhưng bà chọn vật liệu rành lắm. Có thứ sờ bằng tay, nhìn bằng mắt và có khi ngửi bằng mũi nữa mới đánh giá được chất lượng. Chưa bao giờ thấy lão Rổ phàn nàn về việc mua chọn của bà. Hình như trời sinh ra để hai người làm nghề này vậy. Nhà lão cung cấp cho cả làng gần như đồ dùng hằng ngày toàn là đồ lão tặng. Nhà lão bao giờ cũng được ăn cá tươi bởi dân làng đánh được đem cho bằng những dụng cụ lão làm ra sát cá lắm như cái nơm, cái nhủi, cái đó. Lão bảo: Có gì đâu sinh ra từ đất này từ nhỏ lão đã thuộc cả thổ đất cả mương máng sông lạch nên đồ lão làm ra cũng đã được đo đạc ướm thử bằng linh cảm của mình.

Thanh Trúc học giỏi môn hóa, suốt ngày ngồi pha chế hết mầu này đến mầu khác. Mầu pha chế cũng từ rễ khoai, lá môn, đọt bầu đâm đâm giã giã mà tạo ra thứ sơn thực vật dính bệt hơn cả nhựa keo phết lên các đồ nông cụ bắt mắt ít khi phai mầu. Trúc cứ thế lớn lên, líu lo hát, líu lo nhảy chân sáo ngày một phổng phao và thi đậu vào khoa hóa chuyên ngành sản xuất tái tạo đồ nhựa phế phẩm. Sản phẩm do cô nghiên cứu và sản xuất cũng đại trà theo dây chuyền công nghiệp mẫu mã y hệt giống nhau cũng là rổ, rá, bàn, ghế nhưng tất tật đều bằng nhựa tái sinh với muôn màu, muôn vẻ. Rồi cô được đi nghiên cứu sinh sang cái nước mà ngày trước ông họa sĩ đưa tranh “Bé Thanh Trúc” đi triển lãm. Không ngờ người mua tranh ngày ấy tình cờ gặp và nhận ra cô trong một cuộc trưng bày sản phẩm ở gian hàng Việt Nam lại là đồ tre mây của bố cô làm. Mối tình giữa kỹ sư hóa chất Thanh Trúc với con trai nhà thương gia đã bén nồng. Họ quyết định về làm đám cưới ở làng Đan. Khách mời là chục ông tây, bà đầm lỉnh kỉnh những máy quay phim, chụp ảnh vừa về dự đám cưới vừa được tham quan cái làng nghề còn sót lại nghệ nhân Nguyễn Văn Rổ đã được lên truyền hình mấy lần với những bộ sưu tập rổ, rá, dần, sàng truyền thống lâu đời của người Việt. Thanh Trúc gửi giấy mời bạn học cũ bằng một tấm thiệp độc đáo được làm bằng một phiến tre già với nét hoa văn cầu kỳ tinh xảo do bố cô dày công chạm trổ trước cả hằng tháng. Đám cưới diễn ra thật bất ngờ khi dân làng huy động toàn bộ chõng tre, bàn tre, ghế tre của cả làng cho khách ngồi dự tiệc. Còn dụng cụ làm bếp thì toàn bằng tre cả. Dân tây tận mắt được nhìn những hạt gạo, hạt nếp xay, giã, dần, sàng trắng muốt, lại được tận tay bắt những con cá tươi đành đạch từ cái oi con vịt đan bằng tre căng phồng lại được xếp bằng rít thuốc lào uống nước chè xanh mắt cứ say đứ đừ miệng cứ “Ok”, “Thank you”.

Lão Rổ hể hả dắt tay bà Rá đi giữa đám thực khách miệng cứ rối rít gọi con Tre ơi! Tre ơi! Rồi sực nhớ ra lão lại ngượng nghịu cười Thanh Trúc! Thanh Trúc. Chỉ có con Măng đã già mắt kèm nhèm nằm ở góc vườn buồn bã. Nó không còn nhận ra tôi. Sực nhớ tôi đi ra bếp sau vườn chọn một chú cá rô béo nhất tự mình nướng theo đúng khẩu vị của Măng ngày trước bọc vào cái lá chuối khô quen thuộc bước lại gần Măng, Măng khịt khịt mũi nhổm lên rồi nhảy cẫng rối rít dơ hai chân trước cào cào vào người tôi, cái mũi hít hít cái gói cá nướng tôi cầm từ mắt nó rỉ ra dòng nước nóng hổi.

Chung quanh tôi cả rặng tre vườn dường như cũng bừng tỉnh hòa chung với không khí đám cưới nhà quê. Tre đan vào nhau xào xạc, xào xạc... Vâng, tiếng tre ngàn năm vẫn thế, chỉ có điều ai gắn bó nhiều với nó mới nhớ ra thôi.

Hà Tĩnh, 3-2013

Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 - mẫu 4

“Mùa rươi” và những câu chuyện nóng hổi về nông nghiệp, nông thôn

Chủ đề nông nghiệp - nông thôn để lại dấu ấn đậm nét trong văn học Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Đây vẫn luôn là đề tài hấp dẫn và thách thức với người viết đương đại. Mới đây, nhà giáo - PGS.TS Phạm Quang Long cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết “Mùa rươi” về chủ đề này.

Với hơn 430 trang được chia thành 23 chương, “Mùa rươi” là câu chuyện về một làng quê Đồng bằng Bắc Bộ có tên là Hà Đồng (Thái Thụy, Thái Bình) - chính là quê tác giả, nơi hằng năm có một mùa rươi vào cữ “tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm”.

Người nông dân Hà Đồng một nắng hai sương quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trong đó có hai nhân vật Đỉnh và Hoản trái ngược nhau hoàn toàn, một người trưởng thôn được nhân dân tín nhiệm thì ngày đêm suy nghĩ, cống hiến cho làng, kẻ kia thì khôn vặt, láu cá, gia trưởng độc đoán và sẵn sàng chửi tất cả dân làng giống như Chí Phèo đời mới.

Cuốn tiểu thuyết chỉ có chừng hơn 20 nhân vật, có những tuyến nhân vật là hai vợ chồng, có khi cả gia đình hoặc một nhân vật chỉ xuất hiện một lần nhưng tính cách, nội tâm, ngôn ngữ, cử chỉ để người đọc nhớ mãi. Có thể kể đến bộ ba cựu chiến binh Đỉnh, Thủy, Tiến rất gắn bó với nhau, không ngại khó và sẵn sàng chia sẻ, cùng gánh vác việc chung.

Ngược lại, nhà văn cũng xây dựng một mẫu người bất tài nhưng hãnh tiến, cơ hội. Đó là Tân, khi là bí thư chi bộ thôn thì luôn nịnh bợ cấp trên, khi “ngoi” lên chức phó phòng nông nghiệp huyện thì cấu kết với kẻ xấu để kiếm chác.

Tiểu thuyết “Mùa rươi” đã đặt ra nhiều vấn đề thời sự nóng hổi của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đó là vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, là xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn...

Nhà văn đau đáu một nỗi niềm: Khi đời sống nông dân khá hơn thì làng quê cũng chịu tác động sâu sắc của cơ chế thị trường, thuần phong mỹ tục bị ảnh hưởng và cái xấu thi nhau công phá khiến tình làng nghĩa xóm nhạt phai. Những cơn sốt đất ảo ào về quê nghèo, người nông dân thi nhau bán đất, lấp ao làm nhà, hình thành nên cái “phố Tấn” với những quán nhậu, karaoke nhạc xập xình inh ỏi... thu hút nhiều thanh niên, nông dân bỏ bê ruộng đồng, tụ tập ăn chơi, trộm cắp khiến làng quê không còn bình yên...

Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến một vấn đề gây bức xúc, đó là sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong vòng xoáy của cơ chế thị trường.

Dự án Đồng Rươi do nhóm lợi ích thao túng ở làng Hà Đồng cuối cùng đã bị pháp luật trừng trị, hồn cốt làng quê là mái đình, cây đa với món đặc sản rươi nấu, rươi kho thơm “điếc mũi" vẫn mãi trong trí nhớ của những người con xa quê. Kết thúc cuốn tiểu thuyết là đám cưới của đôi trai gái ngoan hiền thảo thơm là Hiên và Thao được dân làng quý mến.

Bằng ngôn ngữ kể chuyện sinh động, tác giả Phạm Quang Long đã khéo léo chuyển tải lời ăn, tiếng nói dân dã vào những câu thoại. Ông cũng vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao làm cho mạch văn hấp dẫn hơn, sâu sắc và giàu tính liên tưởng. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, gắn bó với quê hương, tác giả Phạm Quang Long đã vẽ nên bức tranh quê trong tiểu thuyết “Mùa rươi” không u ám, bế tắc mà đầy niềm tin ở tương lai.

Trước tiểu thuyết “Mùa rươi”, tác giả Phạm Quang Long đã ra mắt các tác phẩm “Lạc giữa cõi người”, “Bạn bè một thuở”, “Cuộc cờ”, “Chuyện làng”. Trong đó, tiểu thuyết “Chuyện làng” cũng viết về đề tài nông nghiệp - nông thôn và đã được trao giải trong Cuộc thi sáng tác đề tài Vì an ninh Tổ quốc do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức năm 2019 - 2020.

Đọc sách báo viết về nông thôn lớp 3 - mẫu 5

Câu chuyện một huyện nông thôn mới

Có câu ca dao xưa đã đi vào lòng người khắp mọi miền đất nước, là niềm tự hào của người đất Sen hồng: "Tháp Mười đẹp nhất bông Sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ!". Sen thì có ở khắp miền Tổ quốc, nhưng "Sen với Tháp Mười, Tháp Mười với Sen" dường như đã hoà quyện vào nhau, như "hồn" với "cốt", như "cốt" với "hồn". Và, Tháp Mười vừa được công nhận hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới sau chín năm ròng rã dựng xây, chung sức, chung lòng của người đất Tháp! Tự hào quá! Phấn khởi quá! Hạnh phúc quá! Nhiều niềm tin quá!

Nhớ ngày nào, xứ này mình được nhắc đến như vầy: "Tháp Mười nước mặn đồng chua/ Nửa mùa nắng cháy nửa mùa nước dâng". Và rồi, công cuộc chinh phục thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt của bao thế hệ ông cha đã làm nên một cuộc "Cách mạng xanh" để có một Tháp Mười trù phú. Màu xanh trên mảnh đất này, bình yên cho làng xóm này có được là nhờ vào ý chí kiên cường, không chấp nhận kiếp người nô lệ, không khuất phục thiên nhiên, không chấp nhận đói nghèo. Đó là tinh thần cần cù, hào sảng, chí nghĩa chí tình. Tinh thần đó đã giúp Tháp Mười về đích huyện nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm đầy khó khăn. Thực tế đã chứng minh, người Tháp Mười, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, luôn luôn nung nấu ý chí mãnh liệt vì một tương lai tươi sáng cho mảnh đất thân yêu này.

Quê mình đã từng tự hào: "Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh/ Nước Tháp Mười lóng lánh cá tôm". Tháp Mười trở thành lá cờ đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với nhiều mô hình tiên phong. Cái đói không còn nữa, cái nghèo cũng giảm dần, nhưng rồi cái gì cũng có cái ngưỡng tới hạn. Đất đai không "nở ra được", mà con người càng ngày càng đông thêm. Miếng đất ông cha phải chia dần cho con cho cháu. Năng suất thì "đụng trần", vòng quay của đất cũng khai thác hết. Đất đai đã ít, mà thời tiết lại thất thường, dịch bệnh thì vô chừng, đâu còn "trên cơm dưới cá", đâu còn "làm chơi mà ăn thật" như những huyền thoại xưa cũ. Tiềm năng đất đai đã khai thác hết, thậm chí còn làm kiệt quệ chất dinh dưỡng. Tiềm năng nước nôi, phù sa thì cũng ít ỏi dần...

Tài nguyên thiên nhiên không còn như ngày nào, nhưng còn một tài nguyên vô cùng quý báu vẫn còn, đó chính là con người Tháp Mười!!! Những con người đó anh hùng trong công cuộc giải phóng quê hương! Những con người đó anh hùng trong công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười! Những con người đó sẽ viết tiếp "bản hùng ca" chinh phục giàu có, thịnh vượng. Ngày xưa, người Tháp Mười "bước ra khỏi nhà", cầm súng sống chết với kẻ thù thì hôm nay cũng phải "bước ra khỏi nhà", hoà mình vào cộng đồng, cùng nhau sống chết với cái cũ kỹ không còn phù hợp. Ngày xưa, người Tháp Mười "bám trụ giữ làng", thì hôm nay phải "mở tầm nhìn", vượt ra khỏi khuôn khổ làng xã, hòa nhập vào thế giới bao la.

Thế giới đang vận hành nền kinh tế tri thức thay nền kinh tế truyền thống. Kinh tế tri thức biến những điều không thể thành có thể, biến những tài nguyên tưởng chừng vô giá trị thành những sản phẩm giá trị cao. Để vận hành nền kinh tế tri thức, cần đến những con người tri thức: đội ngũ lãnh đạo, nông dân, doanh nhân... . Tri thức không thể "ngày một ngày hai" là có được mà bắt đầu từ không chấp nhận "quẩn quanh" với cái cũ kỹ, luôn khát khao ham muốn tìm tòi cái mới! Con người tri thức phải biết đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề từ trong cuộc sống, chứ không giáo điều sách vở. Đội ngũ lãnh đạo tri thức phải biết "nhấc mông lên mà đi", biết "đối thoại" với đồng ruộng, biết lắng nghe và trao đổi với người nông dân để cùng tìm ra cái mới, giá trị mới.

"Tháp Mười - Hồn Sen" là thương hiệu địa phương do mỗi người Tháp Mười cùng nhau tạo dựng và thụ hưởng. "Hồn Sen" sẽ giúp cho "hồn người" rộng mở, sống chan hoà với nhau. "Hồn Sen" sẽ cố kết con người lại với nhau bền chặt, tạo thành sức mạnh. "Hồn Sen" sẽ giúp mọi người biết sống có trách nhiệm và tự hào về quê hương xứ sở của mình.

Đạt đạt tiêu chí huyện nông thôn mới chỉ là một "cột mốc" và còn nhiều "cột mốc" phía trước mà người Tháp Mười phải vươn tới. Chỉ một phút tự bằng lòng là chấp nhận "đi trước, về sau"! Muốn vậy, phải dám xác lập cho mình những "cột mốc" với mục tiêu cao hơn, thách thức lớn hơn và cùng nắm tay nhau vượt qua bằng những hành động quyết liệt hơn!

"Sen mọc giữa đồng lòng sen trắng/ Sen đất Tháp Mười mưa nắng vẫn tươi"!

Xích Lô

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 3 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 3 Cánh diều khác