Đề cương ôn tập Văn 9 Giữa học kì 1 năm 2024

Đề cương ôn tập Văn 9 Giữa học kì 1 năm 2024

Với mục đích giúp học sinh có kế hoạch ôn tập hiệu quả từ đó đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra môn Văn 9, VietJack biên soạn loạt bài đề cương ôn tập Văn 9 giữa Học kì 1 sách mới Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo, Cánh diều. Đề cương sẽ tóm tắt các nội dung chính, quan trọng cần ôn tập cũng như đưa ra các bài tập chọn lọc, điển hình giúp bạn ôn tập môn Văn 9 hiệu quả.

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ 1 MÔN VĂN LỚP 9

Phần I: Văn bản

Nắm được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản:

1. Văn bản nhật dụng

- Phong cách Hồ Chí Minh. (Lê Anh Trà)

- Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

2. Truyện trung đại

- Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

- Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (Phạm Đình Hổ)

- Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)

- Truyện Kiều (Nguyễn Du)

- Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

3. Thơ hiện đại

- Đồng chí (Chính Hữu)

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

- Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận)

- Bếp lửa (Bằng Việt)

- Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm)

- Ánh trăng (Nguyễn Duy)

4. Truyện hiện đại

- Làng (Kim Lân)

- Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

- Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Các phương châm hội thoại

2. Xưng hô trong hội thoại

3. Cách dẫn trực tiếp và gián tiếp

4. Sự phát triển của từ vựng

5. Thuật ngữ

6. Trau dồi vốn từ

7. Tổng kết từ vựng:

Phần III: Tập làm văn

- Viết đoạn văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT

Phần I: Văn bản

1. Văn bản nhật dụng

- Phong cách Hồ Chí Minh. (Lê Anh Trà)

*Tác phẩm:

- Hoàn cảnh sáng tác: Văn bản được trích trong Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam của tác giả Lê Anh Trà.

- Chủ đề: Bản sắc văn hóa dân tộc kết tinh những giá trị tinh thần mang tính truyền thống của dân tộc. Trong thời kì hội nhập hiện nay, vấn đề giữ gìn, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc càng trở nên có ý nghĩa.

*Nội dung:

- Sự hiểu biết sâu, rộng về các dân tộc và văn hóa thế giới nhào nặn nên cốt cách văn hóa dân tộc Hồ Chí Minh.

Phong cách Hồ Chí Minh là sự giản dị trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày, là cách di dưỡng tinh thần, thể hiện một quan niệm thẩm mĩ cao đẹp.

*Nghệ thuật:

- Sử dụng ngôn ngữ trang trọng.

- Vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt tự sự, biểu cảm, lập luận.

- Vận dụng các hình thức so sánh, các biện pháp nghệ thuật đối lập.

*Ý nghĩa văn bản: Bằng lập luận chặt chẽ, chứng cứ xác thực, tác giả Lê Anh Trà đã cho thấy cốt cách văn hóa Hồ Chí Minh trong nhận thức và trong hành động. Từ đó đặt ra một vấn đề của thời kì hội nhập: tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời phải giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

- Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

*Tác phẩm:

- Quyền sống, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em ngày càng được các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm đầy đủ và sâu sắc hơn.

- Văn bản được trích trong Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em họp ngày 30 tháng 9 năm 1990 tại trụ sở Liên hiệp quốc ở Niu Oóc.

- Văn bản được trình bày theo các mục, các phần.

*Nội dung:

- Quyền sống, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em trên toàn thế giới là vấn đề mang tính nhân bản.

- Những thảm họa, bất hạnh đối với trẻ em trên toàn thế giới là thách thức đối với các chính phủ, các tổ chức quốc tế và mỗi cá nhân.

- Những thuận lợi lớn để cải thiện tình hình, bảo đảm quyền của trẻ em.

- Những đề xuất nhằm đảm bảo cho trẻ em được chăm sóc, được bảo vệ và phát triển.

*Nghệ thuật:

- Gồm có 17 mục, được chia thành 4 phần, cách trình bày rõ ràng, hợp lý. Mối liên kết lô-gíc giữa các phần làm cho văn bản có kết cấu chặt chẽ.

- Sử dụng phương pháp nêu số liệu, phân tích khoa học.

*Ý nghĩa văn bản: Văn bản nêu lên nhận thức đúng đắn và hành động phải làm vì quyền sống, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

2. Truyện trung đại

- Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

*Tác giả: Nguyễn Dữ quê làng Đỗ Tùng, huyện Trường Tân (nay thuộc Thanh Miện - Hải Dương). Ông sống ở TK XVI - là thời kì nhà Lê bắt đầu suy thoái, các tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh - Mạc tranh dành quyền lực gây ra những cuộc nội chiến kéo dài. Ông là người học rộng tài cao, đã từng tham gia cuộc thi hương, thi hội. Ông làm quan chỉ một năm rồi xin về quê nuôi mẹ già, viết sách sống ẩn dật như các trí thức đương thời.

- Ông để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ, tiêu biểu là tập Truyền kì mạn lục gồm 20 truyện viết bằng chữ Hán thuộc thể văn xuôi xen lẫn biền ngẫu, thơ ca. Nhân vật chính trong các truyện của ông thường là: những người phụ nữ đức hạnh, khao khát cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Nhưng các thế lực bạo tàn và cả những lễ giáo phong kiến khắc nghiệt lại xô đẩy họ vào những cảnh ngộ éo le, oan khuất, bất hạnh. Bên cạnh đó ta còn bắt gặp trong những truyện của ông các nhân vật là trí thức có tâm huyết nhưng bất mãn với thời cuộc, không chịu trói mình trong vòng danh lợi chật hẹp.

- Sáng tác của Nguyễn Dữ thể hiện cái nhìn tích cực của ông đối với văn học dân gian.

*Tác phẩm:

- Truyền kì mạn lục viết bằng chữ Hán, khai thác các truyện cổ dân gian dã sử, truyền thuyết của Việt Nam. Tất cả gồm 20 truyện.

- Nhân vật mà Nguyễn Dữ lựa chọn để kể (những người phụ nữ trí thức).

- Hình thức nghệ thuật (viết bằng chữ Hán, sáng tạo lại câu chuyện dân gian…)

*Tóm tắt VB: 

Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) là người thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp. Nàng lấy chồng là Trương Sinh, một người không có học, tính đa nghi. Trương Sinh đi lính, Vũ nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng, nuôi con. Bà cụ qua đời, giặc tan, Trương Sinh trở về. Khi ngồi với con, bé Đản nói rằng có một người cha đêm nào cũng đến “mẹ Đản đi cũng đi, ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Trương ghen, nghi ngờ vợ, mắng nhiếc nàng và đánh đuổi đi. Vũ Nương ra bến Hoàng Giang than thở và tự vẫn. Một đêm bé Đản lại trỏ cái bóng mà bảo là cha mình đến. Trương Sinh lúc ấy mới biết mình ngờ oan cho vợ.

Có một người cùng làng là Phan Lang bị chết đuối nhưng vốn là ân nhân của Linh Phi nên được cứu vào cung nước của rùa thần. Tại đây đã gặp được Vũ Nương. Nàng gửi một chiếc hoa vàng và dặn nếu Trương Sinh nhớ tình cũ thì lập đàn giải oan, nàng sẽ trở về. Phan Lang về gặp Trương Sinh, đưa chiếc hoa vàng. Trương Sinh lập đàn giải oan. Vũ Nương có trở về thấp thoáng trên sông nhưng không thể trở về nhân gian được nữa.

*Nội dung:

- Vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương:

+ Hết lòng vì gia đình, hiếu thảo với mẹ chồng, thủy chung với chồng, chu đáo, tận tình và rất mực yêu thương con.

+ Bao dung, vị tha, nặng lòng với gia đình.

- Thái độ của tác giả: phê phán sự ghen tuông mù quáng, ngợi ca người phụ nữ tiết hạnh.

*Nghệ thuật:

- Khai thác vốn văn học dân gian.

- Sáng tạo về nhân vật, sáng tạo trong cách kể chuyện, sử dụng yếu tố truyền kì…

- Sáng tạo nên một kết thúc tác phẩm không sáo mòn.

*Ý nghĩa văn bản: Với quan niệm cho rằng hạnh phúc khi đã tan vỡ không thể hàn gắn được, truyện phê phán thói ghen tuông mù quáng và ngợi ca vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

- Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (Phạm Đình Hổ)

*Tác giả: Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) tên chữ là Tùng Niên và BỉnhTrực, hiệu là Đông Dã Triều (Chiêu Hổ). Quê Đan Loan, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương. Xuất thân dòng dõi thế gia, cha làm quan đến chức tuần phủ Sơn Tây dưới triều Lê Cảnh Hưng - ông sinh ra và lớn lên trong thời buổi loạn lạc, nên muốn ẩn cư.

- Di sản văn chương ông để lại cho đời tương đối lớn và có giá trị. Tiêu biểu là Vũ trung tuỳ bútTang thương ngẫu lục.

*Tác phẩm:

- Ở thế kỉ XVIII, XIX, sự khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến Việt Nam đã tác động không nhỏ đến tầng lớp nho sĩ. Trong đó Phạm Đình Hổ là một nho sĩ mang tâm sự bất đắc chí vì không gặp thời.

- Vũ trung tùy bút là tập tùy bút đặc sắc của Phạm Đình Hổ, được viết khoảng đầu đời Nguyễn. Tác phẩm đề cập đến nhiều vấn đề của đời sống như nghi lễ, phong tục, tập quán, những sự việc xảy ra trong đời sống, những nghiên cứu về địa lí, lịch sử, xã hội,…

- Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là một trong những áng văn xuôi giàu chất hiện thực trong Vũ trung tùy bút.

*Tóm tắt VB: 

Năm Giáp Ngọ, Ất Mùi (1774 - 1775) chúa Thịnh Sâm thích ngắm cảnh quang Tây Hồ. Một tháng ba bốn lần chúa cho binh lính, dân hầu và các nội thần giả đàn bà ngồi bán hàng quanh Hồ Tây. Bọn nhạc công ngồi gần đó chốc chốc lại hòa vài khúc nhạc. Việc xây dựng đình đài chúa cho liên tục. Thuở ấy, bao nhiêu chim quý, đá lạ, chậu hoa cây cảnh đẹp đều phải thu về cho chúa, kể cả cây đa to, cành lá rườm rà chở qua sông huy động biết bao nhiêu người lại còn đánh thanh la rộn ràng đốc thúc. Bọn hoạn quan, cung giám nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm dân lành, nhà nào có của tốt, đồ đẹp, xí phần đêm lại mò lấy trộm rồi vu vạ cho nhà đó giấu của tốt không chịu nộp, bắt vạ. Nhà của chính tác giả đã phải chặt đi một cây lê, hai cây lựu đang nở hoa rất đẹp để tránh tai vạ.

*Nội dung:

- Cuộc sống hưởng thụ của Trịnh Sâm:

+ Thú chơi đèn đuốc, bày đặt nghi lễ, xây dựng đền đài,… Ý nghĩa khách quan của sự việc cho thấy cuộc sống của vua chúa thật xa hoa.

+ Thú chơi trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh,… Để thỏa mãn thú chơi, chúa cho thu lấy sản vật quý từ khắp kinh thành đưa vào trong phủ.

- Thói nhũng nhiễu của bọn quan lại:

+ Thủ đoạn: nhờ gió bẻ măng, vu khống,…

+ Hành động: dọa dẫm, cướp, tống tiền,…

- Thái độ của tác giả: thể hiện qua giọng điệu, qua một số từ ngữ lột tả bản chất của bọn quan lại.

*Nghệ thuật:

- Lựa chọn ngôi kể phù hợp.

- Lựa chọn sự việc tiêu biểu, có ý nghĩa phản ánh bản chất sự việc, con người.

- Miêu tả sinh động: từ nghi lễ mà chúa bày đặt ra đến kỳ công đưa cây quý về trong phủ, từ những âm thanh khác lạ trong đêm đến hành động trắng trợn của bọn quan lại,…

- Sử dụng ngôn ngữ khách quan nhưng vẫn thể hiện rõ thái độ bất bình của tác giả trước hiện 

thực.

*Ý nghĩa văn bản: Hiện thực lịch sử và thái độ của “kẻ thức giả” trước những vấn đề của đời sống xã hội.

- Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)

*Bối cảnh lịch sử: Nửa cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, xã hội Việt Nam có nhiều biến động lịch sử: sự khủng hoảng của chế độ phong kiến, mưu đồ của kẻ thù xâm lược.

*Tác giả: Ngô Gia Văn Phái là một tập thể các tác giả thuộc dòng họ Ngô Thì. Quê ở làng Tả Thanh Oai (nay thuộc Thanh Oai - Hà Tây), trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du.

- Ngô Thì Chí (1753 - 1788) là em ruột của Ngô Thì Nhậm làm quan dưới triều Lê Chiêu Thống. Ông là người tuyệt đối trung thành với nhà Lê. Khi Nguyễn Huệ sai Vũ văn Nhậm ra Bắc diệt Nguyễn Hữu Chỉnh (1787) Ngô Thì Chí chạy theo Lê Chiêu Thống dâng “Trung hưng sách” bàn kế khôi phục nhà Lê. Sau đó ông được Lê Chiêu Thống cử đi Lạng Sơn triệu tập những kẻ lưu vong lập nghĩa binh chống Tây Sơn. Nhưng trên đường đi ông bị bệnh rồi mất tại huyện Gia Bình (nay thuộc Bắc Ninh).

- Ngô Thì Du (1772 - 1840) là anh em chú bác với Ngô Thì Chí. Ông học giỏi nhưng không đỗ đạt gì, dưới triều Tây Sơn ông ẩn mình ở vùng Kim Bảng (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Đến thời nhà Nguyễn ông ra làm quan được bổ nhiệm chức “Đốc học Hải Dương”, đến năm 1827 thì nghỉ về hưu.

*Tác phẩm:

- Thể loại: tiểu thuyết chương hồi.

- Là cuốn tiểu thuyết lịch sử có quy mô lớn, phản ánh những biến động lịch sử nước nhà từ cuối thế kỉ XVIII đến những năm đầu thế kỉ XIX.

- Đoạn trích nằm ở hồi thứ mười bốn.

*Tóm tắt VB: 

Được tin báo quân Thanh vào Thăng Long, Bắc Bình Vương rất giận, liền họp các tướng sĩ rồi tế cáo trời đất, lên ngôi hoàng đế, hạ lệnh xuất quân ra Bắc, thân hành cầm quân vừa đi vừa tuyển quân lính. Ngày ba mươi tháng chạp, đến núi Tam Điệp, vua mở tiệc khao quân, hẹn mùng bảy năm mới vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Bằng tài chỉ huy thao lược của Quang Trung, đạo quân của Tây Sơn tiến lên như vũ bão, quân giặc thua chạy tán loạn. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, chuồn thẳng về biên giới phía Bắc, khiến tên vua bù nhìn Lê Chiêu Thống cũng phải chạy tháo thân.

*Nội dung:

- Hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ và sức mạnh dân tộc trong cuộc chiến đấu chống xâm lược Thanh qua các sự kiện lịch sử:

+ Ngày 20, 22, 24 tháng 11, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và xuất quân ra Bắc ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788).

+ Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, gặp “người cống sĩ ở huyện La Sơn” (Nguyễn Thiếp), tuyển mộ quân lính, duyệt binh, phủ dụ tướng sĩ ở Tam Điệp.

+ Diễn biến trận chiến năm Kỉ Dậu (1789) đại phá 20 vạn quân Thanh.

- Hình ảnh bọn giặc xâm lược kiêu căng, tự mãn, tự chủ, khinh địch và sự thảm bại của quân tướng Tôn Sĩ Nghị khi tháo chạy về nước.

- Hình ảnh vua quan Lê Chiêu Thống đê hèn, nhục nhã, số phận gắn chặt với bọn giặc xâm lược.

*Nghệ thuật:

- Lựa chọn trình tự kể theo diễn biến các sự kiện lịch sử.

- Khắc họa nhân vật lịch sử (người anh hùng Nguyễn Huệ, hình ảnh bọn giặc xâm lược, hình ảnh vua tôi Lê Chiêu Thống) với ngôn ngữ kể, tả chân thực, sinh động.

- Có giọng điệu trần thuật thể hiện rõ thái độ của tác giả với vương triều nhà Lê, với chiến thắng của dân tộc và với bọn giặc cướp nước.

*Ý nghĩa văn bản: Văn bản ghi lại hiện thực lịch sử hào hùng của dân tộc ta và hình ảnh người anh hùng Nguyễn Huệ trong chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).

- Truyện Kiều (Nguyễn Du)

*Tác giả:

- Nguyễn Du (1766 - 1820) tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Quê làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trưởng trong một gia đình quí tộc nhiều đời làm quan, có truyền thống về văn học. Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng.

- Ông lớn lên trong thời đại có nhiều biến động dữ dội. Những thay đổi lớn lao của lịch sử đã tác động sâu sắc đến tình cảm và nhận thức của Nguyễn Du để ông hướng ngòi bút vào hiện thực. Nguyễn Du là người có hiểu biết về văn hoá dân tộc và văn chương Trung Quốc. Sự từng trải trong cuộc đời đã tạo cho Nguyễn Du một vốn sống phong phú và một trái tim giàu lòng yêu thương thông cảm sâu sắc với nỗi khổ của nhân dân.

g Những yếu tố trên đã góp phần tạo nên một Nguyễn Du thiên tài văn học của Việt Nam được công nhận là danh nhân văn hoá thế giới

- Sáng tác:

+ Các tác phẩm được viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

• Chữ Hán: Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

• Chữ Nôm: Truyện Kiều, Văn chiêu hồn.

+ Đóng góp to lớn cho kho tàng văn học dân tộc, nhất là ở thể loại truyện thơ. 

+ Nguồn gốc của Truyện Kiều: Truyện Kiều có dựa vào cốt truyện từ cuốn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du rất lớn.

*Tóm tắt Truyện Kiều:

Thuý Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Trong một lần chơi xuân, nàng gặp Kim Trọng, một người phong nhã hào hoa. Hai người thầm yêu nhau. Kim Trọng dọn đến ở gần nhà Thuý Kiều. Hai người chủ động, bí mật đính ước với nhau.

Kim Trọng phải về quê gấp để chịu tang chú. Gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Kiều nhờ Thuý Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng, còn nàng thì bán mình để chuộc cha và cứu gia đình. Thuý Kiều bị bọn buôn người Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, bắt phải tiếp khách làng chơi ở lầu xanh. Nàng được một khách chơi là Thúc Sinh chuộc ra, cưới làm vợ lẽ. Vợ cả Thúc Sinh là Hoạn Thư ghen, bắt Kiều về làm con ở và đày đoạ. Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư và nương nhờ cửa phật. Một lần nữa nàng lại bị sa vào tay bọn buôn người Bạc Bà, Bạc Hạnh, phải vào lầu xanh lần thứ hai. Tại đây nàng gặp Từ Hải. Hai người lấy nhau, Từ Hải giúp Kiều báo ân báo oán. Do bị Hồ Tôn Hiến lừa, Từ Hải bị giết chết, Thuý Kiều phải hầu rượu Hồ Tôn Hiến và bị ép gả cho viên thổ quan. Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Nàng được cứu và lần thứ hai nương nhờ nơi cửa Phật.

Khi Kim Trọng trở lại tìm Kiều thì Kiều đã lưu lạc. Chàng kết duyên với Thuý Vân nhưng vẫn thương nhớ Thuý Kiều. Sau khi thi đỗ, chàng đi tìm Kiều, nhờ gặp sư Giác Duyên nên gia đình được đoàn tụ. Kiều tuy lấy Kim Trọng nhưng duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

*Giá trị của Truyện Kiều:

- Giá trị nội dung: 

+ Giá trị hiện thực: Truyện Kiều là bức tranh hiện thực về một xã hội bất công tàn bạo, là lời tố cáo xã hội phong kiến chà đạp quyền sống của con người, đặc biệt là những người tài hoa, phụ nữ. Truyện Kiều tố cáo các thế lực đen tối trong xã hội phong kiến: Từ bọn sai nha, quan xử kiện, cho đến “họ Hoạn danh giá”, quan tổng đốc trọng thần… đều ích kỉ tham lam, tàn nhẫn, coi rẻ sinh mạng và phẩm giá con người. Đồng thời, truyện còn cho thấy sức mạnh ma quái của đồng tiện đã làm tha hoá con người. Đồng tiền làm đảo điên, đồng tiền giẫm lên lương tâm con người và xoá mờ công lí.

+ Giá trị nhân đạo:

Ÿ Truyện là tiếng nói thương cảm, là tiếng khóc đau đớn trước số phận bi kịch của con người. Thuý Kiều là nhân vật mà Nguyễn Du yêu quý nhất. Khóc Thuý Kiều, Nguyễn Du khóc cho nỗi đau đớn của con người: tình yêu tan vỡ, tình cốt nhục lìa tan nhân phẩm bị chà đạp, thân xác bị đày đoạ.

Ÿ Truyện đề cao con người, từ vẻ đẹp hình thức, phẩm chất đến những ước mơ khát vọng chân chính. Hình tượng nhân vật Thuý Kiều tài sắc vẹn toàn, hiếu hạnh đủ đường, là nhân vật lí tưởng tập trung những vẻ đẹp của con người trong cuộc đời. Hơn nữa, đây còn là bài ca về tình yêu tự do trong sáng, thuỷ chung của con người, là giấc mơ về tự do và công lí.

- Giá trị nghệ thuật: 

+ Sự kết tinh thành tựu nghệ thuật của văn học dân tộc trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ và thể loại.

+ Với Truyện Kiều ngôn ngữ văn học dân tộc và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ. Nghệ thuật tự sự đã có những bước phát triển vượt bậc từ nghệ thuật dẫn truyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, con người.

- Nguyễn Du là thiên tài văn học, là danh nhân văn hoá thế giới, là nhà nhân đạo chủ nghĩa có đóng góp to lớn đối với sự phát triển văn học Việt Nam. Truyện Kiều là kiệt tác của văn học dân tộc.

- Truyện Lục Vân Tiên (Nguyễn Đình Chiểu)

*Tác giả: Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) sinh ở làng Tân Khánh - phường Tân Bình - Gia Định (thuộc TPHCM ngày nay), là con của một viên quan nhỏ. Cuộc đời của NĐC có nhiều đau khổ, cha bị cách chức, tuổi nhỏ phải về quê nội ở Huế học nhờ. Năm 1843 đỗ tú tài, 1847 chuẩn bị cho kì thi cao hơn thì được tin mẹ mất. Ông bỏ thi vào Nam để chịu tang mẹ, bị ốm nặng trên đường về nên mù cả hai mắt. Gia đình nhà giàu trước hứa gả con gái cho ông liền bội ước. Những ước mơ tuổi trẻ tan vỡ, ông về quê dạy học, làm thuốc và sống thanh bạch. Khi giặc Pháp xâm lược, ông đứng về phía nhân dân kháng chiến.

- Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn đau khổ nhất trong số các nhà văn. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương có giá trị lớn với nhiều truyện thơ, bài thơ, văn tế nổi tiếng đều viết bằng chữ Nôm. Những tác phẩm tiêu biểu như: Ngư tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc...

*Tác phẩm:

- Truyện Lục Vân Tiên ra đời khoảng đầu những năm 50 của thế kỉ 19, thể hiện rõ lý tưởng đạo đức mà Nguyễn Đình Chiểu muốn gửi gắm qua tác phẩm. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Đình Chiểu được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân. Đoạn trích thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của tác giả, và khắc hoạ những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật chính: Lục Vân Tiên tài ba dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài, Kiều Nguyệt Nga hiền hậu nết na ân tình.

- Đoạn thơ mang nét tiêu biểu của Nguyễn Đình Chiểu: Đó là một thứ ngôn ngữ mộc mạc bình dị gần gũi với lời nói thông thường, và mang đậm màu sắc địa phương Nam Bộ. Nó có phần thiếu trau chuốt nhưng tự nhiên dễ đi vào quần chúng.

*Tóm tắt: 

Lục Vân Tiên là học trò có đức, có tài, giỏi cả văn võ. Trên đường lên kinh dự thi, chàng tình cờ dẹp được giặc cướp cứu được Kiều Nguyệt Nga. Cô gái này rất cảm phục chàng...

Giữa đường nghe tin mẹ mất Vân Tiên phải quay về chịu tang mẹ… Bị gặp nạn bao lần nhưng chàng luôn được thần và dân cứu giúp.. .

Kiều Nguyệt Nga sau khi thoát nạn đã tự xem Vân Tiên là người kết tóc trăm năm. Do bị gian thần hãm hại nàng bị buộc đi cống giặc Ô Qua nhưng vẫn một lòng chung thuỷ với Vân Tiên. Giữa đường nàng đã tự vẫn nhưng được Phật bà và nhân dân cứu giúp.

Cuối cùng Vân Tiên và Nguyệt Nga vẫn được gặp nhau và cùng sống trong hạnh phúc

*Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga:

- Vị trí đoạn trích: Gồm 58 câu, (từ câu 153 đến câu 180) nằm ở phần đầu truyện. LVT đi thi, gặp cướp, chàng đánh tan bọn cướp cứu được KNN. KNN cảm kích tấm lòng của chàng.

- Diễn biến của sự việc trong đoạn trích nằm trong kiểu kết cấu của các truyện truyền thống: người tốt thường gặp nhiều gian truân, trắc trở, bị hãm hại nhưng cuối cùng bao giờ cũng tai qua nạn khỏi, cái thiện luôn chiến thắng cái ác.

- Nội dung:

+ Đạo lý nhân nghĩa ở hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên được thể hiện qua hành động dũng cảm đánh cướp cứu người, tấm lòng chính trực, hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, từ tâm nhân hậu khi cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh bại bọn cướp.

+ Đạo lý nhân nghĩa còn được thể hiện qua lời nói của cô gái thùy mỵ, nết na, Kiều Nguyệt Nga một lòng tri ân người đã cứu mình.

- Nghệ thuật:

+ Miêu tả nhân vật chủ yếu thông qua cử chỉ, hành động, lời nói.

+ Sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, gắn với lời nói thông thường, mang màu sắc Nam Bộ rõ nét, phù hợp với diễn biến tình tiết truyện.

*Ý nghĩa văn bản: Đoạn trích ca ngợi phẩm chất cao đẹp của hai nhân vật Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga và khát vọng hành đạo cứu đời của tác giả.

3. Thơ hiện đại

- Đồng chí (Chính Hữu)

*Tác giả: 

- Chính Hữu (1926 - 2007), tên thật Trần Đình Đắc, quê: Can Lộc - Hà Tĩnh.

- Nhà thơ quân đội, chuyên viết về người lính và chiến tranh.

- Được nhà nước trao tặng giải thưởng HCM về văn học nghệ thuật năm 2000.

*Tác phẩm:

- Sáng tác đầu năm 1948, tiêu biểu viết về người lính trong kháng chiến chống Pháp.

- Đại ý: Tình đồng chí của người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lý tưởng chiến đấu đã gắn bó và tạo nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù.

*Nội dung:

- Cơ sở tạo nên tình đồng chí cao đẹp:

+ Cùng chung cảnh ngộ - vốn là những người nông dân nghèo ở những miền quê hương nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá.

+ Cùng chung lý tưởng, cùng chung chiến hào chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc.

- Những biểu hiện của tình đồng chí trong chiến đấu gian khổ:

+ Chung một nỗi niềm nhớ về quê hương.

+ Sát cánh bên nhau bất chấp những gian khổ thiếu thốn

- Biểu tượng của tình đồng chí (3 câu cuối).

+ Trong cái tê buốt giá rét luồn vào da thịt, cái căng thẳng của trận đánh sắp tới, người lính vẫn hiện lên với một vẻ đẹp độc đáo, súng dưới đất chỉa lên, trăng trên trời lơ lửng như treo trên mũi súng.

+ Súng là biểu tượng của chiến tranh, trăng là biểu tượng của cuộc sống thanh bình, từ đó sẽ là ý nghĩa cao đẹp của sự nghiệp người lính.

*Nghệ thuật:

- Sử dụng ngôn ngữ bình dị, thấm đượm chất dân gian, thể hiện tình cảm chân thành.

- Sử dụng bút pháp tả thực kết hợp với lãng mạn một cách hài hòa, tạo nên hình ảnh thơ đẹp, mang ý nghĩa biểu tượng.

*Ý nghĩa văn bản: Bài thơ ngợi ca tình cảm đồng chí cao đẹp giữa những người chiến sĩ trong thời kì đầu kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ.

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

*Tác giả: Phạm Tiến Duật (1941 - 2007) sinh trưởng ở Thanh Ba - Phú Thọ, là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sáng tác thơ của Phạm Tiến Duật thời kì này tập trung viết về thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

*Tác phẩm: 

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính được sáng tác năm 1969 và in trong tập thơ Vầng trăng quầng lửa.

- Nhan đề bài thơ: Qua hình ảnh những chiếc xe không kính và người chiến sĩ lái xe, tác giả ca ngợi những người chiến sĩ lái xe trẻ trung, hiên ngang, bất chấp khó khăn nguy hiểm ngày đêm lái xe chi viện cho chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

*Nội dung:

- Hiện thực khốc liệt thời kỳ chiến tranh: bom đạn kẻ thù, những con đường ra trận để lại dấu tích trên những chiếc xe không kính.

- Sức mạnh tinh thần của những người chiến sĩ - của một dân tộc kiên cường, bất khuất.

*Nghệ thuật:

- Lựa chọn chi tiết độc đáo, có tính chất phát hiện, hình ảnh đậm chất hiện thực.

- Sử dụng ngôn ngữ của đời sống, tạo nhịp điệu linh hoạt thể hiện giọng điệu ngang tàng, trẻ trung, tinh nghịch.

*Ý nghĩa văn bản: Bài thơ ca ngợi người chiến sĩ lái xe Trường Sơn dũng cảm, hiên ngang, tràn đầy niềm tin chiến thắng trong thời kì chống giặc Mỹ xâm lược.

- Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận)

*Tác giả: Huy Cận (1919-2005), tên thật là Cù Huy Cận, quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới.

- Được giải thưởng HCM về văn hóa nghệ thuật năm 1996.

*Tác phẩm:

- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

+ Được viết tại Hòn Gai 4/10/1958

+ In trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” .

+ Trong chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh, nhà thơ đã sáng tác bài thơ này.

- Mạch cảm xúc trong bài thơ: Theo trình tự thời gian đoàn thuyền của ngư dân ra khơi đánh cá và trở về.

* Nội dung:

- Hoàng hôn trên biển và đoàn thuyền đánh cá ra khơi.

- Đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng.

- Bình minh trên biển, đoàn thuyền đánh cá trở về.

* Nghệ thuật:

- Sử dụng bút pháp lãng mạn với các biện pháp nghệ thuật đối lập, so sánh, nhân hoá, phóng đại:

- Khắc họa những hình ảnh đẹp về mặt trời lúc hoàng hôn, khi bình minh, hình ảnh biển cả và bầu trời trong đêm, hình ảnh ngư dân và đoàn thuyền đánh cá.

- Miêu tả sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người.

- Sử dụng ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, gợi liên tưởng.

*Ý nghĩa văn bản: Bài thơ thể hiện nguồn cảm hứng lãng mạn ngợi ca biển cả lớn lao, giàu đẹp, ngợi ca nhiệt tình lao động vì sự giàu đẹp của đất nước của những người lao động mới.

- Bếp lửa (Bằng Việt)

*Tác giả: Bằng Việt (1941), tên thật là Nguyễn Việt Bằng, quê quán ở Thạch Thất - Hà Tây. Tác giả thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

- Phong cách sáng tác:

+ Đề tài khai thác: Kỷ niệm thiếu thời và ước mơ tuổi trẻ.

+ Giọng thơ: Trầm lắng, nghĩ ngợi, mượt mà.

*Tác phẩm:

- Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Bài thơ được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang học ngành Luật ở nước ngoài.

- Mạch cảm xúc bài thơ đi từ hồi tưởng đến hiện tại, từ kỉ niệm đến suy ngẫm.

- Đại ý: Bài thơ gợi lại những kỉ niệm sâu sắc của người cháu về người bà và tuổi ấu thơ được ở cùng bà.

*Nội dung:

- Hình ảnh bếp lửa khơi nguồn cho dòng hồi tưởng cảm xúc về bà.

- Hình ảnh người bà và những kỉ niệm tình bà cháu trong hồi tưởng của tác giả.

- Hình ảnh ngọn lửa và tình cảm thấm thía của tác giả đối với người bà.

*Nghệ thuật:

- Xây dựng hình ảnh thơ vừa cụ thể, gần gũi, vừa gợi nhiều liên tưởng, mang ý nghĩa biểu tượng.

- Viết theo thể thơ tám chữ phù hợp với giọng điệu, cảm xúc hồi tưởng và suy ngẫm.

- Kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả, tự sự, nghị luận và biểu cảm.

*Ý nghĩa văn bản: Từ những kỉ niệm tuổi thơ ấm áp tình bà cháu, nhà thơ cho ta hiểu thêm về những người bà, người mẹ, về nhân dân nghĩa tình.

- Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm)

*Tác giả:

- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, quê: Phong Điền - Thừa Thiên Huế.

- Tham gia chiến đấu tại quê hương: chiến khu miền Tây Thừa Thiên.

- Thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ.

*Tác phẩm: Sáng tác năm 1971, khi tham gia công tác ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên.

*Nội dung:

- Hình ảnh bà mẹ Tà-ôi được khắc họa với những công việc cụ thể: mẹ địu con giã gạo nuôi bộ đội, tỉa bắp trên núi Ka –lưi, tham gia kháng chiến.

- Tình cảm và những ước vọng của bà mẹ Tà-ôi được gửi vào trong những khúc hát:

- Ở lời ru thứ nhất và thứ hai, bà mẹ mong con khôn lớn, có sức vóc phi thường.

- Ở lời ru thứ ba, bà mẹ mong con khôn lớn về phương diện tinh thần, mang lí tưởng của cả dân tộc: Con mơ cho mẹ được thấy bác Hồ - Mai sau con lớn làm người tự do...

*Nghệ thuật:

- Sáng tạo trong kết cấu nghệ thuật, tạo nên sự lập lại giống như những giai điệu của lời ru, âm hưởng của lời ru.

- Nghệ thuật ẩn dụ, phóng đại.

- Liên tưởng độc đáo, diễn đạt bằng những hình ảnh thơ có ý nghĩa biểu tượng.

*Ý nghĩa văn bản: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ ngợi ca tình cảm thiết tha và cao đẹp của bà mẹ Tà-ôi dành cho con, cho quê hương, đất nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Ánh trăng (Nguyễn Duy)

*Tác giả: Nguyễn Duy sinh năm 1948, tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, quê: thành phố Thanh Hóa. Nhà thơ - chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

*Tác phẩm: Viết năm 1978 tại TP Hồ Chí Minh, trong tập thơ Ánh trăng, giải A Hội nhà văn Việt Nam (1984).

- Bài thơ có sự kết hợp giữa hình thức tự sự và chiều sâu cảm xúc. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc ở các khổ 1,2,3 bằng lặng trôi nhưng khổ thơ thứ 4 “đột ngột” một sự kiện tạo nên bước ngoặt để nhà thơ bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề tác phẩm. Vầng trăng hiện ra soi sáng không chỉ không gian hiện tại mà còn gợi nhớ những kỉ niệm trong quá khứ chẳng thể nào quên.

- Đại ý: Ánh trăng như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước. Bài thơ gợi nhắc, củng cố thái độ sống thuỷ chung, ân tình với quá khứ tươi đẹp, chân chất, hồn nhiên.

- Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa:

+ Trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên, tự nhiên

+ Là người bạn gắn bó với con người

+ Là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp của đời sống tự nhiên vĩnh hằng.

*Nội dung:

- Quá khứ được tái hiện với những kỉ niệm. Nghĩa tình với vầng trăng một thời tuổi nhỏ cho đến những năm tháng trận mạc sâu nặng đến mức ngỡ chẳng bao giờ quên - cái vầng trăng tình nghĩa.

- Hiện tại:

+ Cuộc sống ở thành phố, trong cuộc sống có ánh điện, cửa gương nhưng vầng trăng đi qua ngõ - như người dưng qua đường.

+ Cuộc gặp gỡ bất ngờ, cảm động với vầng trăng kỉ niệm, con người nhận ra sự vô tình của mình.

*Nghệ thuật:

- Nghệ thuật kết cấu kết hợp giữa tự sự và trữ tình, tự sự làm cho trữ tình trở nên tự nhiên mà cũng rất sâu nặng.

- Sáng tạo nên hình ảnh thơ có nhiều tầng ý nghĩa: Trăng là vẻ đẹp của thiên nhiên, tự nhiên, là người bạn gắn bó với con người; là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, cho vẻ đẹp của đời sống tự nhiên vĩnh hằng.

*Ý nghĩa văn bản: Ánh trăng khắc hoạ một khía cạnh trong vẻ đẹp của người lính sâu nặng nghĩa tình, thuỷ chung sau trước.

4. Truyện hiện đại

- Làng (Kim Lân)

*Tác giả:

- Kim Lân (1920 - 2007), tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê: Từ Sơn - Bắc Ninh.

- Chuyên viết truyện ngắn, am hiểu sâu sắc cuộc sống nông thôn.

*Tác phẩm: Đăng lần đầu trên báo Văn nghệ năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

- Tình huống truyện: Ông Hai nghe tin làng theo giặc, lập tề (Tạo mâu thuẫn giằng xé trong tâm trí ông Hai - tút thắt của câu chuyện).

- Tóm tắt: Ông Hai là một nông dân thật thà, chất phác, quê ở làng Chợ Dầu. Ông rất yêu làng của mình và có một thói quen “khoe làng”. Ông “khoe” đủ thứ về làng của ông, từ cái sinh phần viên Tổng Đốc, đến nhà cửa, đường làng, chòi kháng chiến với hầm hào, ụ chiến đấu… Đi tản cư, nhớ làng, tối nào ông cũng qua nhà hàng xóm chuyện trở về làng Chợ Dầu của mình cho đỡ nhớ. Tin làng theo giặc, khiến ông đau đớn, xót xa. Ông xấu hổ, lo lắng đủ điều. tình cảm của ông bị giằng xé, để rồi ông đi đến quyết định dứt khoát “Làng theo Tây mất rồi phải thù”. Thế nhưng khi chuyện trò với đứa con, ông Hai vẫn dạy con về nguồn gốc, quê hương mình là làng Dầu. Khi tin đồn trên được cải chính, ông vui mừng, sung sướng và lại “khoe” về làng Chợ Dầu của mình.

*Nội dung:

- Tâm trạng nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc thực chất là tâm trạng và suy nghĩ về danh dự, lòng tự trọng của người dân làng Chợ Dầu, của người dân Việt Nam. Nhà văn đã khắc hoạ hình tượng nhân vật qua các chi tiết miêu tả:

+ Nỗi đau đớn, bẽ bàng: cổ họng ông nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, nước mắt ông lão giàn ra.

+ Dáng vẻ, cử chỉ, điệu bộ (cúi gằm mặt, chột dạ, nơm nớp, trống ngực ông lão đập thình thịch...).

+ Nỗi băn khoăn khi ông kiểm điểm từng người trụ lại làng, ông trằn trọc không ngủ được, ông trò chuyện với đứa con út...

- Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc được cải chính, tâm trạng ông Hai khác hẳn:

+ Ông Hai tươi vui rạng rỡ hẳn lên, chia quà cho các con.

+ Ông Hai đi khoe nhà ông bị giặc đốt cháy.

- Tình yêu làng của ông Hai như vậy đồng thời là biểu hiện của tình yêu đối với đất nước, với kháng chiến, với cụ Hồ.

*Nghệ thuật:

- Tạo tình huống truyện gây cấn: tin thất thiệt được chính người đang đi tản cư từ phía làng Chợ Dầu lên nói ra.

- Miêu tả tâm lí nhân vật chân thật và sinh động qua suy nghĩ, hành động, qua lời nói (đối thoại và độc thoại).

*Ý nghĩa văn bản: Đoạn trích thể hiện tình cảm yêu làng, tinh thần yêu nước của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

*Tác giả:

- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991), quê ở Duy Xuyên - Quảng Nam.

- Chuyên viết truyện ngắn và bút kí.

- Phong cách văn xuôi nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ.

*Tác phẩm: kết quả của chuyến đi thực tế lên Lào Cai mùa hè năm 1970, in trong tập Giữa trong xanh (1972).

- Cốt truyện đơn giản, tạo tình huống tự nhiên (kể về cuộc gặp gỡ giữa 3 nhân vật: người thanh niên, ông hoạ sĩ già và cô kỹ sư trẻ).

- Nhân vật:

+ Anh thanh niên nhân vật chính.

+ Ông hoạ sĩ, cô kỹ sư, bác lái xe và 1 số nhân vật khác nhân vật phụ.

*Tóm tắt truyện:

Rời cây cầu số 4, chiếc xe chở hành khách lên Lai Châu dừng lại nghỉ để lấy nước và cho hành khách nghỉ ngơi, bác lái xe giới thiệu với ông họa sĩ và cô gái về một người “cô độc nhất thế gian” đó là anh thanh niên 27 tuổi làm công tác khí tượng thủy văn kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600 mét. Anh mời mọi người lên nhà chơi, anh chạy lên trước hái hoa tặng cô gái, họ chuyện trò khoảng 30 phút; anh kể chuyện mình sống và làm việc ở đây, anh rất yêu và gắn bó với công việc, anh thích đọc sách, trồng hoa, trồng rau, nuôi gà, anh ăn ở gọn gàng, ngăn nắp. Biết ông họa sĩ vẽ mình, anh giới thiệu cho ông anh thanh niên trên đỉnh Phan-xi-păng, ông kỹ sư vườn rau Sa Pa, người cán bộ nghiên cứu bản đồ sét. Cô kỹ sư nghe anh nói chuyện đã nhận thấy mối tình đầu nhạt nhẽo mà mình từ bỏ là đúng và yên tâm công tác ở miền núi. Cô muốn để lại chiếc khăn làm kỉ niệm của cuộc gặp gỡ nhưng anh không hiểu nên đã trả lại cho cô. Hết 30 phút, anh chia tay mọi người và tặng họ trứng và hoa, không tiễn họ xuống đến tận xe.

*Nội dung:

- Bức tranh nên thơ về cảnh đẹp Sa Pa.

- Chân dung người lao động bình thường nhưng phẩm chất rất cao đẹp.

- Lòng yêu mến, cảm phục với những người đang cống hiến quên mình cho nhân dân, cho Tổ 

quốc.

*Nghệ thuật:

- Tạo tình huống truyện tự nhiên, tình cờ, hấp dẫn.

- Xây dựng đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm.

- Nghệ thuật tả cảnh thiên nhiên đặc sắc; miêu tả nhân vật với nhiều điểm nhìn.

- Kết hợp giữa kể với tả và nghị luận.

- Tạo tính chất trữ tình trong tác phẩm truyện.

*Ý nghĩa văn bản: Lặng lẽ Sa Pa là câu chuyện về cuộc gặp gỡ với những con người trong một chuyến đi thực tế của nhân vật ông hoạ sĩ, qua đó tác giả thể hiện niềm yêu mến đối với những con người có lẽ sống cao đẹp đang lặng lẽ quên mình cống hiến cho Tổ quốc.

- Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

*Tác giả:

- Nguyễn Quang Sáng sinh năm 1932, quê ở huyện Chợ Mới - tỉnh An Giang.

- Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, sau 1954 tập kết ra Bắc và bắt đầu viết văn.

- Ông trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến chống Mĩ vừa sáng tác văn học.

- Ông hầu như chỉ viết về cuộc sống và con người ở vùng đất Nam Bộ.

- Tác phẩm chính: Đất lửa, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng,... (các tiểu thuyết đã dựng thành phim),...

*Tác phẩm: Truyện ngắn Chiếc lược ngà được viết năm 1966, nằm trong tuyển tập 25 truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng.

- Vị trí đoạn trích: nằm ở phần giữa truyện.

- Tình huống truyện:

+ Hai cha con ông Sáu gặp nhau sau 8 năm xa cách, bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra thì ông Sáu phải ra đi.

+ Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương con vào việc làm cây lược ngà để tặng con, nhưng ông đã hy sinh khi chưa kịp trao món quà cho con gái.

g Bộc lộ sâu sắc tình cảm của cha con ông Sáu.

*Tóm tắt truyện:

Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên 8 tuổi ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Nhưng bé Thu - con ông, không nhận ra cha vì vết thẹo trên mặt làm ông khác so với người cha trong ảnh. Em đối xử với ba như người xa lạ. Đến khi nhận ra thì cũng là lúc ông Sáu phải ra đi. Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn hết tình cảm nhớ thương con vào việc làm một chiếc lược bằng ngà voi. Chiếc lược hoàn thành nhưng ông Sáu đã hy sinh trong một trận càn của giặc. Trước lúc nhắm mắt, ông còn kịp trao lại cây lược cho người bạn thân. Người bạn ấy trong một lần đi công tác, dừng lại ở trạm giao liên - nơi có một cô giao liên dũng cảm và thông minh, Bác Ba - bạn anh Sáu - hỏi chuyện và nhận ra cô giao liên ấy chính là Thu. Bác chuyển cho Thu chiếc lược ngà, kỉ vật thiêng liêng của cha cô. Họ chia tay trong sự lưu luyến và tự lúc nào, trong lòng Bác Ba đã nảy nở một tình cảm mới lạ, đó là tình cha con quyến luyến với cô giao liên.

*Nội dung:

- Nỗi niềm của người cha:

+ Lần đầu tiên gặp con: Thuyền còn chưa cập bến, ông Sáu đã nhảy thót lên bờ, vừa gọi vừa chìa tay đón con.

+ Những ngày đoàn tụ: Ông Sáu quan tâm, chờ đợi con gái gọi mình là cha.

+ Những ngày xa con: Ông Sáu thực hiện lời hứa với con, làm cây lược ngà. Giờ phút cuối cùng trước lúc hy sinh, người chiến sĩ ấy chỉ yên lòng khi biết cây lược sẽ được chuyển đến - tận tay con gái.

- Niềm khát khao tình cha của người con:

+ Từ chối sự quan tâm, chăm sóc của ông Sáu vì nghĩ rằng ông không phải là cha mình.

+ Khi hiểu ra, tình cảm tự nhiên của bé Thu được thể hiện qua tiếng gọi cha đầu tiên và qua hành động.

*Nghệ thuật:

- Tạo tình huống truyện éo le.

- Có cốt truyện mang yếu tố bất ngờ.

- Lựa chọn người kể chuyện là bạn của ông Sáu, chứng kiến toàn bộ câu chuyện, thấu hiểu cảnh ngộ và tâm trạng của nhân vật trong truyện.

*Ý nghĩa văn bản: Là câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng, Chiếc lược ngà cho ta hiểu thêm về những mất mát to lớn của chiến tranh mà nhân dân ta đã trải qua trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phần II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Các phương châm hội thoại

- Phương châm về lượng yêu cầu khi giao tiếp, cần nói có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa.

- Phương châm về chất yêu cầu khi giao tiếp, đừng nói những điều mà mình không tin là đúng và không có bằng chứng xác thực.

- Phương châm quan hệ yêu cầu khi giao tiếp cần nói đúng vào đề tài giao tiếp, tránh nói lạc đề.

- Phương châm cách thức yêu cầu khi giao tiếp cần chú ý nói ngắn gọn, rành mạch, tránh nói mơ hồ.

- Phương châm lịch sự yêu cầu khi giao tiếp cần tế nhị và tôn trọng người khác.

- Quan hệ giữa phương châm hội thoại với tình huống giao tiếp: Việc vận dụng các phương châm hội thoại cần phù hợp với tình huống giao tiếp.

- Việc không tuân thủ phương châm hội thoại có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

+ Người nói vô ý, vụng về, thiếu văn hóa giao tiếp.

+ Người nói phải ưu tiên cho một phương châm hội thoại hoặc một yêu cầu khác quan trọng hơn.

+ Người nói muốn gây một sự chú ý để người nghe hiểu câu nói theo một hàm ý nào đó.

2. Xưng hô trong hội thoại

- Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt có các từ chỉ quan hệ gia đình, một số từ chỉ nghề nghiệp.

- Hệ thống từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú, tinh tế và giàu sắc thái biểu cảm.

- Người nói cần căn cứ vào đối tượng và các đặc điểm khác của tình huống giao tiếp để xưng hô cho thích hợp.

3. Cách dẫn trực tiếp và gián tiếp

- Dẫn trực tiếp là nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật. Lời dẫn trực tiếp được đặt trong dấu ngoặc kép

- Dẫn gián tiếp là thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật có điều chỉnh cho phù hợp. Lời dẫn gián tiếp không được đặt trong dấu ngoặc kép.

- Cần lưu ý khi chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp:

+ Bỏ dấu hai chấm và dấu ngoặc kép.

+ Thay đổi đại từ xưng hô cho phù hợp.

+ Lược bỏ các từ chỉ tình thái.

+ Thêm từ rằng hoặc trước lời dẫn.

+ Không nhất thiết phải chính xác từng từ nhưng phải dẫn đúng về ý.

- Cần lưu ý khi chuyển lời dẫn gián tiếp thành lời dẫn trực tiếp:

+ Khôi phục lại nguyên văn lời dẫn (thay đổi đại từ xưng hô, thêm bớt các từ ngữ cần thiết ,…).

+ Sử dụng dấu hai chấm và dấu ngoặc kép.

4. Sự phát triển của từ vựng

- Từ vựng không ngừng được bổ sung, phát triển.

- Một trong những cách phát triển từ vựng tiếng Việt là biến đổi và phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng.

- Có hai phương thức chủ yếu biến đổi và phát triển nghĩa của từ ngữ: phương thức ẩn dụ và phương thức hoán dụ.

- Ngoài cách biến đổi và phát triển nghĩa của từ, từ vựng còn được phát triển bằng hai cách khác:

+ Tạo từ mới để làm cho vốn từ ngữ tăng lên.

+ Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài. Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán.

5. Thuật ngữ

- Khái niệm: Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học công nghệ, thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.

- Đặc điểm của thuật ngữ:

+ Về nguyên tắc, trong một lĩnh vực khoa học, công nghệ nhất định, mỗi thuật ngữ chỉ tương ứng với một khái niệm.

+ Thuật ngữ không có tính biểu cảm.

6. Trau dồi vốn từ

- Hai định hướng chính để trau dồi vốn từ:

- Hiểu đầy đủ và chính xác nghĩa của từ trong những văn cảnh cụ thể. Biết cách dùng từ cho đúng nghĩa và phù hợp với văn cảnh.

- Tích lũy thêm những yếu tố cấu tạo từ chưa biết, làm phong phú vốn từ của bản thân.

7. Tổng kết từ vựng:

- Từ đơn và từ phức.

- Thành ngữ.

- Từ đồng âm, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa;

- Trường từ vựng;

- Khái niệm từ tượng hình, từ tượng thanh;

- Đặc điểm, tác dụng của các phép tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, hoán dụ, nói quá, nói giảm nói tránh, điệp ngữ, chơi chữ. 

Phần III: Tập làm văn

- Viết đoạn văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội.

Xem thêm đề cương ôn tập môn Văn 9 hay, chi tiết khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 6

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài 500 Công thức, Định Lí, Định nghĩa Toán, Vật Lí, Hóa học, Sinh học được biên soạn bám sát nội dung chương trình học các cấp.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học
Tài liệu giáo viên