Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (4 phiếu)

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (Phiếu số 1)

Thời gian: 45 phút

I – Bài tập về đọc hiểu

Dũng cảm và nhanh trí

Vào một buổi trưa hè nóng bức. Kiên đi học về, ăn cơm và nghỉ ngơi xong liền tranh thủ thả bò trên bãi cỏ ven sông Lô. Mấy hôm nay, nước sông lên to, mấp mé bãi. Quyền và Liên, bạn cùng lớp với Kiên đang hái rau ngoài bãi về cho lớn ăn. Mồ hôi nhỏ giọt từ trán hai cô bé.

Quyền đặt rổ rau xuống, hỏi:

- Tắm không Kiên?

Kiên lắc đầu:

- Mình còn phải trông bò!

Rồi Kiên ngồi nấp dưới bóng con bò, chống cằm vào đầu gối, tay bứt những sợi cỏ gà lẫn trong đám rau dại. Chốc chốc, Kiên lại đưa mắt nhìn về mái

tranh lấp ló sau bụi tre. Nhà Kiên ở đó, không biết mẹ đi làm đồng đã về chưa?

Bến đá ngập. Con đường xuống bến cũng ngập dần dưới nước một đoạn dài. Quyền và Liên lần từng bước đi ra xa, chọn chỗ nước trong.

“Ối”! Hai cô bé cùng hẫng chân, tụt sâu xuống nước rồi chìm nghìm. Nghe tiếng kêu, Kiên quay lại, thấy hai cái đầu nhô lên ngụp xuống, xa dần bờ.

“Chết, cái Liên, cái Quyền!” – Kiên chạy ra bờ sông, nhào xuống nước, lặn một hơi đến gần chỗ hai bạn đang chới với. Thêm ba bốn sảy tay khoát mạnh nữa, Kiên với được tay Quyền, kéo vội vào gần bờ. Liên bị nước cuốn xa thêm ít nữa. Không chần chừ,Kiên bơi đến gần bạn và hét to: “Bám chặt vào vai tớ!”. Liên sải mạnh tay, bám vào vai Kiên để Kiên dìu vào bờ. Đến bờ, Kiên đã mệt lắm nhưng Quyền và Liên thì đã dàn tỉnh táo.

Sáng hôm sau chuyện suýt chết đuối được Quyền và Liên kể lại cho các bạn, thầy giáo và nhiều người biết. Ai cũng trầm trồ khen cậu học trò nhỏ. Do tấm gương dũng cảm cứu bạn, Kiên được thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Vinh dự hơn nữa là tấm Huy hiệu đó được gửi về trường để trao cho Kiên đúng vào ngày khai giảng năm học mới. Vui biết bao!

(Theo Hoàng Thanh)

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

Câu 1 : Câu chuyện có mấy nhân vật? (ghi rõ tên nhân vật vào trong ngoặc)

a- Một nhân vật (……….)

b- Hai nhân vật (……………..)

c- Ba nhân vật (……………………)

d- Bốn nhân vật (……………………….)

Câu 2 : Hai bạn Quyền và Liên rủ Kiên làm việc gì?

a- Hái rau cho lợn ăn

b- Cắt cỏ cho bò ăn

c- Tắm sông cho mát

d- Xem nước sông lên to

Câu 3 : Vì sao khi Quyền và Liên rủ tắm sông, Kiên lại từ chối?

a- Vì nước sông lên to

b- Vì còn ngồi ngóng mẹ

c- Vì còn bận bứt cỏ gà

d- Vì còn bận chăn bò

Câu 4 : Khi Quyền và Liên đang chới với, Kiên đã bơi ra cứu hai bạn như thế nào?

a- Nắm tay Quyền để kéo vào bờ đồng thời bảo Liên bám chặt vào vai để dìu vào bờ

b- Nắm tay Quyền để kéo vào bờ rồi lại bơi ra cho Liên bám chặt vào vai để dìu vào bờ

c- Đến gần chỗ hai bạn đang chới với, nắm tay Quyền và tay Liên kéo mạnh vào bờ

d- Đến gần chỗ hai bạn đang chới với, bảo hai bạn nắm chặt vào vai để dìu vào bờ

Câu 5 : Kiên cảm thấy rất vui sướng và vinh dự vì điều gì?

a- Được bạn bè, thầy giáo và nhiều người ngưỡng mộ về tài năng bơi lội

b- Được nhiều người khen ngợi về lòng dũng cảm cứu bạn khỏi chết đuối

c- Được nhận Huy hiệu Bác Hồ đúng vào ngày khai giảng năm học mới

d- Được nhận phần thưởng của Bác Hồ đúng ngày khai giảng năm học mới

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn

Câu 1 : Viết lại tên các cơ quan, đơn vị sau đây cho đúng quy tắc viết hoa đã học

a) trường tiểu học chu văn an /………………………………………

b) trường mầm non hoa hồng /………………………………………

c) trường đại học sư phạm hà nội /…………………………………...

d) nhà xuất bản kim đồng /…………………………………………..

Câu 2 : Một bạn chép câu chuyện dưới đây còn thiếu dấu phẩy ở một số câu. Em hãy đặt dấu phẩy vào những chỗ còn thiếu trong các câu in nghiêng như sau: câu 1 (3 dấu phẩy), câu 2 (1 dấu phẩy), câu 3 (1 dấu phẩy), câu 4 (1 dấu phẩy), câu 5 (1 dấu phẩy), câu 9 (2 dấu phẩy)

(1) Vào một đêm cuối xuân năm 1947 khoảng hai giờ sáng trên đường đi công tác Bác Hồ đến nghỉ chân ở một nhà bên đường.

(2) Trong nhà các giường màn sạch sẽ đã có người nằm. (3) Bác lặng lẽ tụt giày cởi áo, rồi đến nằm bên cạnh các em thiếu nhi đang ôm nhau ngủ.

(4) Được tin Bác Hồ đến anh chủ nhà giật mình bước lại xin lỗi Bác và khẩn khoản thưa:

(5) – Bác thứ lỗi cho cháu ngủ say quá nên không biết Bác đến.

(6) Xin rước Bác sang buồng bên cạnh có giường màn sạch sẽ.

(6) Bác xua tay và nói:

(7) – Chú nói nhỏ chớ, để anh em ngủ. (8) Bác ngủ thế này cũng được rồi.

(9) Các chiến sĩ ta lúc này còn ngủ ở bùn ở nước thì sao?

(10) Chú cứ đi ngủ để Bác tự do.

Câu 3 : Đặt câu có dùng dấu hai chấm theo mỗi yêu cầu dưới đây

a) Dùng dấu hai chấm để báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước

……………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………

b) Dùng dấu hai chấm phối hợp với dấu ngoặc kép (hoặc dấu gạch ngang) để báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của một nhân vật

……………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………

Câu 4 : Gạch dưới từ ngữ dùng sai trong mỗi câu văn tả con vật rồi chữa lại vào chỗ trống:

a) Con gà trống nhà em có cái mào đỏ rừng rực.

……………………………………………………………………………

b) Mõm chú thỏ nhọn hoắt lúc nào cũng động đậy

……………………………………………………………………………

c) Tai lợn luôn ngoe nguẩy như cái quạt nan bé xíu.

……………………………………………………………………………

d) Tiếng gặm cỏ của con trâu nghe oàm oạp.

……………………………………………………………………………

e) Chú chó mực mừng rỡ nhảy ra, đuôi xoáy tít.

……………………………………………………………………………

Câu 5 : Viết đoạn văn (khoảng 7 câu) miêu tả cảnh bình minh hoặc cảnh đêm trăng

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

........................................................................................................................................................

Đáp án và Hướng dẫn làm bài

Phần I - 1.c ; 2.c ; 3.d ; 4.b ; 5.c

Phần II -

Câu 1 :

a) Trường Tiểu học Chu Văn An

b) Trường Mầm non Hoa Hồng

c) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

d) Nhà xuất bản Kim Đồng

Câu 2 : Giải đáp

(1) Vào một đêm cuối xuân năm 1947, khoảng hai giờ sáng, trên đường đi công tác, Bác Hồ đến nghỉ chân ở một nhà bên đường.

(2) Trong nhà, các giường màn sạch sẽ đã có người nằm. (3) Bác lặng lẽ tụt giày, cởi áo, rồi đến nằm bên cạnh các em thiếu nhi đang ôm nhau ngủ.

(4) Đươc tin Bác Hồ đến, anh chủ nhà giật mình bước lại gần xin lỗi Bác và khẩn khoản thưa:

(5) – Bác thứ lỗi cho cháu, cháu ngủ say quá nên không biết Bác đến

(9) Các chiến sĩ ta lúc này còn ngủ ở hầm, ở bùn, ở nước thì sao?

Câu 3 : Gợi ý:

a) Một hôm, bỗng đâu trên cành cây báo ra một tin thắm: mùa hoa phượng bắt đầu!

b) Mơ nép vào ngực mẹ, thì bảo: “Mẹ ơi, con sẽ cố gắng thay một đứa con trai trong nhà, mẹ nhé!”

(Hoặc:

Ông lão xoa đầu tôi, nói:

- Cháu là một đứa bé ngoan)

Câu 4 : Gợi ý:

a) Con gà trống nhà em có cái mào đỏ rừng rực.

- đỏ rực

b) Mõm chú thỏ nhọn hoắt lúc nào cũng động đậy.

-nhòn nhọn

c) Tai lợn luôn ngoe nguẩy như cái quạt nan bé xíu

- ve vẩy

d) Tiếng gặm cỏ của con trâu nghe oàm oạp

-xoàn xoạt

e) Chú chó mực mừng rỡ nhảy ra, đuôi xoáy tít.

- ngoáy tít

Câu 5 : Tham khảo:

a) Cảnh bình minh trên cánh đồng lúa chín

Những tia sáng đầu tiên của mặt trời phớt nhẹ đây đó trên thảm lúa, tạo nên những chấm mờ nhạt. Tôi đã nhận ra những gợn sóng nhỏ trên cái biển phẳng lặng kia chính là những đầu bông lúa chắc, khỏe,mập mạp nổi lên trên những ngọn lúa. Những con chim đêm đã bay vù ra khỏi những đám lúa và những bụi cây ven đường rồi vút bay từ phía bên này sang phía bên kia như sung sướng chào mừng một ngày mùa no ấm. Dần dần, mặt trời lên cao hẳn, rải ánh nắng chan hòa trên mặt đất. Đồng lúa cũng khoe màu vàng thắm. Những hạt lúa dài, nhọn và mẩy cộm lên trong tay tôi một cảm giác thú vị.

(Theo Thực hành Tập làm văn 4, 2002)

b) Cảnh đêm trăng ở làng quê

Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn,to và đỏ từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây còn vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh dần, rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng mùi hương thơm mát. Sau tiếng chuông của ngôi chùa cổ một lúc lâu, trăng đã nhô lên khỏi rặng tre. Trời bây giờ trong vắt, thăm thẳm và cao. Mặt trăng đã nhỏ lại, sáng vằng vặc ở trên không. Ánh trăng trong chảy khắp nhành cây kẽ lá, tràn ngập con đường trắng xóa.

(Theo Thạch Lam)

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: 45 phút

Câu 1: Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Đất quê hương

Thông thường người đi xa trở lại quê nhà hay kể với bà con láng giềng chuyện lạ phương xa. Riêng tôi về làng, về xứ, lúc nào cũng thích nói đến cái đẹp, cái lớn quê mình.

Tuổi thơ tôi đã hằn sâu trong kí ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xanh mờ, khi xanh thẳm, lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngập màu xanh. Những năm tháng xa quê, giông tố cuộc đời tưởng chừng cuốn bay tất cả, nhưng trong tâm tư tôi những dòng sông quê mênh mông vẫn cuồn cuộn chảy, những dòng mù mịt khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xóa sương mù sau Tết. Yêu cả tiếng chuông chùa ngân thăm thẳm canh khuya. Tôi yêu ánh nắng chiều tà trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi. Biết bao đêm trăn trở tôi viết bao trang màu đá xám đen, tấm phên xác xơ che nắng cho người đập đá. Tôi nhớ ngọn có phất phơ giữa đồng nước lớn, cây cà ra trái nặng chùm chùm, cây gáo mồ côi, cây gáo đôi im lìm xa ngoài đồng bãi.

Như con chiên ngoan mơ về “Đất hứa”, tôi da diết mong gặp lại cây đa bến Miễu, cây me già Đá Chẹt, con đường quanh co lỗi lõm lên Pháo Đài. Tôi nhớ những dòng nước lấp lánh từ triền đá cao ào ào đổ xuống, róc rách len vào khe đá rồi thong thả bò qua con đường trải đá, chảy xuống xóm làng…

   (Trích Tản văn Mai Văn Tạo)

a) Tác giả yêu những cảnh đẹp gì của quê hương mình? Viết hoàn chỉnh câu trả lời.

- Những cánh đồng: ...

- Tiếng chuông chùa: ...

- Ánh nắng chiều tà: ...

- Ngọn cỏ: ...

b) Em cảm nhận được điều gì về tình cảm của tác giả đối với quê hương?

Câu 2: Điền dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong đoạn văn sau:

Hình như tất cả tình yêu thương mẹ dành cho tôi in rõ trong đôi mắt. Đôi mắt ấy nhìn tôi như động viên như an ủi dỗ dành.

Câu 3: Viết vào chỗ trống tác dụng của dấu hai chấm được dùng trong các câu sau:

Câu

Tác dụng dấu hai chấm

1.Mẹ mua cho tôi nhiều thứ: truyện, bút, sách…


2.Chú bé kiêu hãnh trả lời: Tao là du kích.


Câu 4: Đặt dấu hai chấm vào vị trí thích hợp trong mỗi câu sau:

a) Người mẹ đánh thức cậu con trai dậy và dặn

- Mẹ giao cho con đọc hết cuốn sách này.

b) Những hạt sương long lanh trả lời

- Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi.

Câu 5: Nếu tác dụng của dấu hai chấm trong mỗi trường hợp sau đây.

a) Thấy cây chanh ấy tốt quá, nhiều người đến xin chiết cành. Nhưng bà em bảo:

- Hãy thư thả để cây nó cứng cáp đã.

Tác dụng của dấu hai chấm là: ...

b) Ông em bận lắm: Ông tham gia công tác tổ dân phố, công tác Hội cựu chiến binh và Hội Người cao tuổi nữa.

Tác dụng của dấu hai chấm: ...

Câu 6: Viết đoạn văn mở bài cho bài văn tả cảnh đẹp mà em thích.

Đáp án:

Câu 1:

a.

- Những cánh đồng: bao la vàng rực ngày mùa, mù mịt khói rạ, thơm vị mía lùi và trắng xoá sương mù sau Tết.

- Tiếng chuông chùa: ngân thăm thẳm canh khuya.

- Ánh nắng chiều tà: trải màu vàng tái trên rẫy khoai mì, nghiêng nghiêng bên triền núi.

- Ngọn cỏ: phất phơ giữa đồng nước lớn.

b.  Tác giả luôn yêu và tự hào về quê hương mình, dù đi bao lâu bao xa vẫn luôn nhớ về quê nhà.

Câu 2: Hình như, tất cả tình yêu thương mẹ dành cho tôi in rõ trong đôi mắt. Đôi mắt ấy nhìn tôi như muốn động viên, như muốn an ủi.

Câu 3:

Câu

Tác dụng dấu hai chấm

1.Mẹ mua cho tôi nhiều thứ: truyện, bút, sách…

- Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

2.Chú bé kiêu hãnh trả lời: Tao là du kích.

- Đặt ở cuối câu để dẫn lời nói trực tiế

Câu 4:

a. Người mẹ đánh thức cậu con trai dậy và dặn:

- Mẹ giao cho con đọc hết cuốn sách này.

b. Những hạt sương long lanh trả lời:

- Bạn nhầm rồi! Đó chính là tiếng ngân nga thánh thót của chúng tôi.

Câu 5:

a. Thấy cây chanh ấy tốt quá, nhiều người đến xin chiết cành. Nhưng bà em bảo:

- Hay thư thả để cây nó cứng cáp đã.

Tác dụng của dấu hai chấm: Đặt ở cuối câu để dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật.

b. Ông em bận lắm: Ông tham gia công tác tổ dân phố, công tác Hội cựu chiến binh và Hội người cao tuổi nữa.

Tác dụng của dấu hai chấm: Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.

Câu 6:

Quê em có rất nhiều cảnh đẹp: Này là dòng Lô quanh năm nước chảy hiền hòa, kia là những bãi mía, nương dâu xanh ngút ngàn, hay những đêm trăng sáng soi bóng xuống lũy tre đầu làng ...nhưng có lẽ hình ảnh cánh đồng lúa chín quê hương luôn làm em ấn tượng nhất.

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: 45 phút

Câu 1. Đánh dấu X vào ô thích hợp xác định tác dụng của dấu hai chấm trong mỗi câu dưới đây:

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (4 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5

Câu 2. Đặt dấu hai chấm vào chỗ thích hợp trong các khổ thơ, các câu văn sau:

a) Trận đánh đã bắt đầu

Quân ta ào lên trước

Một tên giặc ngã nhào

Chết rồi, không dậy được.

Chết là không nhúc nhích

Sao nó cứ lồm cồm?

Tính ăn gian chẳng thích

Chơi thật thà vui hơn.

Thằng giặc cuống cả chân

Nhăn nhó kêu rối rít

- Đồng ý là tao chết

Nhưng đây ... tổ kiến vàng!

b) Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin “Bay đi, diều ơi! Bay đi!”

c) Từ Đèo Ngang nhìn về hướng nam, ta bắt gặp một phong cảnh thiên nhiên kì vĩ phía tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, phía đông là biển cả bao la, ở giữa là một vùng đồng bằng biếc xanh màu lục diệp.

Câu 3. Đọc mẩu chuyện Chỉ vì quên một dấu câu (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 144). Theo em, để người bán hàng không hiểu lầm, ông khách cần viết thế nào? Đánh dấu X vào □ trước ý trả lời đúng:

□ Xin ông làm ơn: ghi thêm nếu còn chỗ linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng.

□ Xin ông làm ơn ghi thêm: nếu còn chỗ linh hồn bác sẽ được lên thiên đàng.

□ Xin ông làm ơn ghi thêm nếu còn chỗ: linh hồn bác sê được lên thiên đàng.

Câu 4:

Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:

1. Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em.

2. Tả một đêm trăng đẹp.

3. Tả trường em trước buổi học.

4. Tả một khu vui chơi, giải trí mà em thích.

…………………………………

…………………………………

…………………………………

Đáp án:

Câu 1. Đánh dấu X vào ô thích hợp xác định tác dụng của dấu hai chấm trong mỗi câu dưới đây:

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (4 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5

Câu 2.

Đặt dấu hai chấm vào chỗ thích hợp trong các khổ thơ, các câu văn sau:

a) Trận đánh đã bắt đầu

Quân ta ào lên trước

Một tên giặc ngã nhào

Chết rồi, không dậy được.

Chết là không nhúc nhích

Sao nó cứ lồm cồm?

Tính ăn gian chẳng thích

Chơi thật thà vui hơn.

Thằng giặc cuống cả chân

Nhăn nhó kêu rối rít:

- Đồng ý là tao chết

Nhưng đây ... tổ kiến vàng!

b) Tôi đã ngửa cổ suốt một thời mới lớn để chờ đợi một nàng tiên áo xanh bay xuống từ trời và bao giờ cũng hi vọng khi tha thiết cầu xin:

“Bay đi, diều ơi! Bay đi!”

c) Từ Đèo Ngang nhìn về hướng nam, ta bắt gặp một phong cảnh thiên nhiên kì vĩ: phía tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, phía đông là biển cả bao la, ở giữa là một vùng đồng bằng biếc xanh màu lục diệp.

Câu 3.

Đọc mẩu chuyện Chỉ vì quên một dấu câu (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 144). Theo em, để người bán hàng không hiểu lầm, ông khách cần viết thế nào? Đánh dấu X vào □ trước ý trả lời đúng:

Chọn: Xin ông làm ơn ghi thêm nếu còn chỗ: linh hồn bác sê được lên thiên đàng.

Câu 4:

Đề 1:Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em

1. Mở bài: Giới thiệu một ngày mới bắt đầu ở Thành phố Hổ Chí Minh quê em.

2. Thân bài:

- Màn đêm loãng dần nhường chỗ cho rạng đông.

- Phương đông, mặt trời như trái bóng khổng lồ dần dần nhô lên, kéo theo sự thay đổi kì diệu của cảnh vật. Thành phố đã bừng tỉnh.

- Ánh nắng xiên qua cửa sổ, nhảy nhót trên tán cây rồi rải vàng trên thềm nhà.

- Trên đường phố, từng dòng xe nối đuôi nhau tấp nập.

- Người đi học, người đi làm vội vã; các cửa hàng, cửa hiệu cũng đã bắt đầu mở cửa.

- Nhạc phát ra từ chiếc ra-đi-ô của ba. Tiếng còi xe, tiếng người ồn ào.

- Trong con hẻm nhỏ, những tiếng rao dài, quen thuộc cất lên; ai bánh mì nóng hổi đây, xôi đây …

- Thành phố dần dần hối hả và náo nhiệt. Một ngày mới bận rộn thực sự đã bắt đầu.

3. Kết bài: Em rất yêu thành phố quê em, nhất là những buổi sáng, em luôn háo hức cho một ngày mới phía trước.

Bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 32 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: 45 phút

Câu 1. Phân tích tên mỗi cơ quan, đơn vị dưới đây thành các bộ phận cấu tạo rồi điền vào bảng sau:

Tên cơ quan, đơn vị

Bộ phận thứ nhất

Bộ phận thứ hai

Bộ phận thứ ba

a) Trường Tiểu học Bế Văn Đàn

.....

.....

.....

b) Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết

.....

.....

.....

c) Công ti Dầu khí Biển Đông

.....

.....

.....

Câu 2. Viết lại cho đúng tên các cơ quan, đơn vị sau:

Nhà hát tuổi trẻ

…………………

Nhà xuất bản giáo dục

…………………

Trường mầm non sao mai

…………………

Câu 3. Đọc mẩu chuyện Dấu chấm và dấu phẩy (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 138) và viết lại hai bức thư sao cho có đủ các dấu chấm, dấu phẩy cần thiết:

a) Thưa ngài tôi xin trân trọng gửi tới ngài một số sáng tác mới của tôi vì viết vội tôi chưa kịp đánh các dấu chấm dấu phẩy rất mong ngài đọc cho và điền giúp tôi những dấu chấm dấu phẩy cần thiết xin cảm ơn ngài.

………………………………………

………………………………………

b) Anh bạn trẻ ạ tôi rất sẵn lòng giúp đỡ anh với một điều kiện là anh hãy đếm tất cả những dấu chấm dấu phẩy cần thiết rồi bỏ chúng vào phong bì gửi đến cho tôi chào anh.

…………………………………………

…………………………………………

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu nói về hoạt động của học sinh trong giờ ra chơi ở sân trường. Nêu tác dụng của từng dấu phẩy được dùng.

Đoạn văn

…………………………………………

…………………………………………

Tác dụng của dấu phẩy

…………………………………………

…………………………………………

Đáp án:

Câu 1. Phân tích tên mỗi cơ quan, đơn vị dưới đây thành các bộ phận cấu tạo rồi điền vào bảng sau:

Tên cơ quan, đơn vị

Bộ phận thứ nhất

Bộ phận thứ hai

Bộ phận thứ ba

a) Trường Tiểu học Bế Văn Đàn

Trường

Tiểu học

Bế Văn Đàn

b) Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết

Trường

Trung học cơ sở

Đoàn Kết

c) Công ti Dầu khí Biển Đông

Công ti

Dầu khí

Biển Đông

Câu 2. Viết lại cho đúng tên các cơ quan, đơn vị sau:

Nhà hát tuổi trẻ

Nhà hát Tuổi trẻ.

Nhà xuất bản giáo dục

Nhà xuất bản Giáo dục.

Trường mầm non sao mai

Trường mầm non Sao Mai.

Câu 3. Đọc mẩu chuyện Dấu chấm và dây phẩy (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 138) và viết lại hai bức thư sao cho có đủ các dấu chấm, dấu phẩy cần thiết:

a) Thưa ngài, tôi xin trân trọng gửi tới ngài một số sáng tác mới của tôi. Vì viết vội tôi chưa kịp đánh các dấu chấm, dấu phẩy. Rất mong ngài đọc cho và điền giúp tôi những dấu chấm, dấu phẩy cần thiết. Xin cảm ơn ngài.

b) Anh bạn trẻ ạ, tôi rất sẵn lòng giúp đỡ anh với một điều kiện là anh hãy đếm tất cả những dấu chấm, dấu phẩy cần thiết rồi bỏ chúng vào phong bì gửi đến cho tôi. Chào anh.

Câu 4. Viết một đoạn văn khoảng 5 câu nói về hoạt động của học sinh trong giờ ra chơi ở sân trường. Nêu tác dụng của từng dấu phẩy được dùng.

Đoạn văn

1. Vào giờ ra chơi, sân trường em rất nhộn nhịp.

2. Ở giữa sân, các bạn nam rủ nhau chơi đá cầu, rượt bắt, các bạn nữ nhảy dây.

3. Dưới tán một cây bàng to, một số bạn nam đang chơi bắn bi, những đôi mắt chăm chú dõi theo từng hòn bi nhiều màu sắc, từng đôi tay khéo léo bắn những đường bi điệu nghệ.

4. Trên những chiếc ghế đá đặt dưới hàng cây phượng, một nhóm bạn nữ ngồi đọc truyện, đọc sách, hoặc tâm tình với nhau.

5. Thỉnh thoảng, vài quả cầu lạc hướng bay đến, vài tiếng la lên thất thanh, những tràng cười vui vẻ rộ lên…

6. Tất cả tạo nên một âm thanh huyên náo, ồn ào vô cùng.

Tác dụng của dấu phẩy

- Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

- Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ / ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu / ngăn cách các vế trong câu ghép.

- Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ / ngăn cách các vế trong câu.

- Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ / ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

- Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ / ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

- Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

Xem thêm các phiếu Bài tập cuối tuần, đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 có đáp án hay khác:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN,GÓI THI ONLINE DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Đề thi Tiếng Việt 5 có đáp án của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung chương trình Tiếng Việt 5 hơn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên