[Năm 2024] Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm Ngữ Văn lớp 7 (10 đề)
[Năm 2024] Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm Ngữ Văn lớp 7 (10 đề)
Tuyển chọn 10 Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm Ngữ Văn lớp 7 năm học 2024 - 2025 chọn lọc được các Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn và sưu tầm từ Đề thi Ngữ Văn 7 của các trường THCS. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi khảo sát chất lượng đầu năm môn Ngữ Văn lớp 7.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 1)
Câu 1 (3 điểm)
a. So sánh là gì? (1 điểm)
b. Xác định phép so sánh và nêu tác dụng của phép so sánh được sử dụng trong bài ca dao sau đây. (2 điểm)
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi.
Câu 2 (2 điểm)
Qua văn bản "Cuộc chia tay của những con búp bê", em rút ra bài học gì qua lời nhắn nhủ của tác giả.
Câu 3 (5 điểm)
Hãy tả về người thân của em (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, ...........)
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1 (3 điểm)
a. So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt. (1 điểm )
b.
- So sánh: : “công cha” – “núi ngất trời”, “nghĩa mẹ” – “nước ở ngoài biển Đông”
- Tác dụng: lấy cái to lớn mênh mông của thiên nhiên để làm nổi bật công cha nghĩa mẹ vô cùng lớn lao đối với con cái.
Bài ca dao là lời khuyên dạy con cái sau khi thấm thía công ơn nghĩa tình cao sâu của cha mẹ con hãy ghi lòng tạc dạ suốt đời không quên, đó là lòng biết ơn hiếu thảo với cha mẹ.
Câu 2 (2 điểm)
- Qua câu chuyện "Cuộc chia tay của những con búp bê" rút ra bài học:
+ Vai trò trách nhiệm của gia đình đối với con cái.
+ Đảm bảo quyền sống, quyền hạnh phúc cho trẻ.
- Lời nhắn nhủ của tác giả: Tổ ấm gia đình là vô cùng quý giá. Mọi người hãy cố gắng bảo vệ và giữ gìn nó, không nên vì bất kì lí do gì mà làm tổn hại đến tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.
Câu 3 (5 điểm)
I. Yêu cầu chung:
a. Kiểu bài: Văn miêu tả
b. Nội dung: tả về người thân của mình (bố, mẹ, ông, bà, anh, chị,…)
c. Hình thức:
+ Bài viết mạch lạc kết hợp tả, kể và bộc lộ cảm xúc.
+ Ngôn ngữ tự nhiên, trong sáng, chân thực.
II. Yêu cầu cụ thể:
a. Mở bài (1 điểm)
Giới thiệu khái quát về đối tượng được tả.
b. Thân bài (3 điểm)
- Tả chi tiết:
+ Trang phục
+ Từ hình dáng bên ngoài đến cử chỉ, hành đông, lời nói, suy nghĩ, việc làm. (kết hợp tả, kể xen biểu cảm)
+ Sở thích, thói quen
- Tình cảm của người thân dành cho mình.
c. Kết bài (1 điểm) Cảm nghĩ của mình về người thân.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 2)
Phần I: Trắc nghiệm (2 điểm) Chọn câu trả lời đúng
Câu1: Văn bản Cổng trường mở ra thuộc kiểu loại văn bản gì?
A. Nhật dụng
B. Nghị luận
C. Thuyết minh
Câu 2: Tác giả của văn bản Cổng trường mở ra là ai?
A. Lý Lan
B. Thanh Tịnh
C. Thạch Lam
Câu 3: Sau khi nghe mẹ nói: “Ngày mai đi học, con là cậu học sinh lớp một rồi”, cậu bé đã hành động như thế nào?
A. Chạy đến ôm hôn mẹ và nói: Con cảm ơn mẹ.
B. Hăng hái tranh với mẹ dọn dẹp đồ chơi.
C. Ngoan ngoãn đi ngủ sớm.
Câu 4: Văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê được viết theo phương thức biểu đạt nào là chính?
A. Miêu tả
B. Miêu tả, biểu cảm
C. Biểu cảm
D. Tự sự
Câu 5: Nhân vật chính trong văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê là ai?
A. Nhân vật người anh
B. Nhân vật người em
C. Nhân vật người mẹ
D. Hai anh em Thành và Thuỷ đều là nhân vật chính
Câu 6: Dòng nào sau đây diễn đạt đúng khái niệm về từ láy?
A. Từ có các tiếng giống nhau về phụ âm đầu.
B. Từ được cấu tạo gồm hai tiếng trở lên, giữa các tiếng có quan hệ với nhau về mặt âm thanh.
C. Từ được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Câu 7: Đại từ nào sau đây không dùng để hỏi về không gian?
A. nơi đâu
B. chỗ nào
C. khi nào
D. ở đâu
Câu 8: Từ nào sau đây không phải là từ láy?
A. bập bềnh
B. luống cuống
C. lạnh lùng
D. tươi tốt
Phần II: Tự luận (8 điểm)
Câu 1: (1,5 điểm) Hãy chép bài ca dao Công cha như núi ngất trời? Bài ca dao là lời của ai, nói với ai? Tình cảm mà bài ca dao muốn diễn tả là tình cảm gì?
Câu 2: (1,5 điểm) Xác định đúng từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ sau:
quần áo, ao cá, mưa phùn, bút chì, chài lưới, đi đứng, làm quen, cây cỏ.
Câu 3: (5 điểm) Dựa vào văn bản Cuộc chia tay của những con búp bê, đóng vai nhân vật người anh hãy kể lại truyện.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Phần I: Trắc nghiệm (2 điểm)
Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm
Câu |
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
Đáp án |
A |
A |
B |
D |
D |
B |
C |
D |
Phần II: Tự luận (8 điểm)
Câu 1: (1,5 điểm)
- Chép đúng bài ca dao (0,5 điểm)
- Bài ca dao là lời của mẹ ru con và nói với con (0,5 điểm)
- Bài ca dao muốn nói đến công lao trời biển của cha mẹ đối với con cái và bổn phận, trách nhiệm của con cái đối với công lao to lớn ấy (0,5 điểm)
Câu 2: (1,5 điểm) Xác định đúng:
- Từ ghép đẳng lập: quần áo, chài lưới, đi đứng, cây cỏ.
- Từ ghép chính phụ: ao cá, mưa phùn, bút chì, làm quen.
Câu 3: (5 điểm)
a. Kĩ năng
- Truyện được kể lại theo ngôi thứ nhất – nhân vật Thành xưng tôi
- Kể tóm tắt theo trình tự thời gian, không gian diễn biến của sự việc, chi tiết liên quan đến nhân vật.
- Lời văn ngắn gọn, súc tích, sáng tạo, tăng sức hấp dẫn, lôi cuốn.
b. Nội dung cần đạt:
- Hoàn cảnh sống của hai anh em Thành và Thủy, tình cảm của hai anh em dành cho búp bê.
- Kể về ba sự việc của cuộc chia tay:
+ Chia tay búp bê
+ Chia tay lớp học
+ Chia tay anh em
- Lời nhắn của Thủy với anh trai về việc không để hai con búp bê xa nhau.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 3)
Câu 1: (2 điểm)
a. Có mấy loại từ láy? Trình bày đặc điểm về nghĩa của từ láy?
b. Xác định các từ láy trong đoạn văn sau và cho biết tác dụng của chúng.
Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.
Câu 2: ( 3 điểm)
Đọc câu văn sau và thực hiện các yêu cầu ở bên dưới:
Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
(Theo Ngữ văn lớp 7, tập 1, trang 7)
a. Câu văn trên được trích trong văn bản nào? Ai là tác giả?
b. Tìm 2 từ ghép đẳng lập có trong câu văn?
c. Viết đoạn văn ngắn để lí giải thế giới kì diệu khi bước qua cánh cổng trường được thể hiện trong đoạn văn
d. Nêu ý nghĩa của câu văn trên?
Câu 3:(5 điểm)
Phát biểu cảm nghĩ của em về một người thân mà em yêu quí (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em…)
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1: (2 điểm)
a.
- Có hai loại từ láy: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận.
- Nghĩa của từ láy:
+ Nghĩa của từ láy được hình thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng.
+ Trong trường hợp từ láy có tiếng gốc thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh,…
b.
- Các từ láy: râm ran, chói lọi, lấp lánh ( Sai một từ, thiếu hoặc thừa một từ – 0,15 đ)
- Tác dụng:
+ Khắc họa vẻ đẹp của cảnh vật sau cơn mưa: sinh động, chan hòa ánh sáng và tràn đầy sức sống.
+ Thể hiện tài quan sát, miêu tả của người viết.
Câu 2: (3 điểm)
a. Văn bản: Cổng trường mở ra – Lý Lan
b. Từ ghép đẳng lập: can đảm, kì diệu
c. Viết đoạn văn ngắn đảm bảo:
* Hình thức : là một đoạn văn
* Ý nghĩa: Thế giới kì diệu là: thế giới của tri thức, của tình bạn, tình thầy trò, thế giới của ước mơ…
d. Ý nghĩa: khẳng định ý nghĩa to lớn của nhà trường trong cuộc đời mỗi con người.
Câu 3:(5 điểm)
I. Yêu cầu chung:
- Viết bài văn hoàn chỉnh, bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
- Biết vận dụng kĩ năng làm bài văn biểu cảm.
- Cảm xúc trong sáng, chân thành, tự nhiên, hợp lí.
- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
- Trình bày sạch sẽ, rõ ràng
II. Yêu cầu cụ thể:
- Tình cảm trân trọng, yêu quý một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em…)
a. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về người thân và tình cảm của em.
b. Thân bài:
- Cảm xúc về hình ảnh người thân (kết hợp tả, giới thiệu một vài đặc điểm về ngoại hình, tính cách)
- Cảm xúc về người thân gắn với những kỉ niệm (kết hợp đan xen kể kỉ niệm đáng nhớ về người thân để bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ)
- Ý nghĩa của tình thân trong hiện tại và tương lai.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại cảm xúc, tình cảm của mình với người thân.
- Mong ước, hứa hẹn, nhắn nhủ (nếu có)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 4)
Câu 1 (3 điểm):
a. Tìm các từ ghép, từ láy có trong các đoạn văn sau:
“Nhìn bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt, không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em… Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.
Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.”
(Khánh Hoài - Cuộc chia tay của những con búp bê)
b. Văn bản “Cổng trường mở ra” của Lý Lan đã kết thúc như sau:
“ Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Lời kết này có ý nghĩa gì?
Câu 2 (2 điểm):
Cảm nhận của em về bài ca dao sau:
“Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng, mêng mông bát ngát,
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng, bát ngát mêng mông.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.”
Câu 3 (5 điểm):
Mùa thu. Nắng như tơ vàng mật ong mới rót. Trời xanh ngăn ngắt. Gió hiu hiu nhè nhẹ. Lòng người cứ dìu dịu ngân ngân không biết thời khắc sáng trưa chiều. Cái nắng gay gắt của chàng trai mùa hạ đã nhường chỗ cho nàng thu; chú ve sầu ngưng kéo cây đàn vĩ cầm để so tơ uốn phím chuẩn bị cho mùa hè năm sau…
Lấy cảm xúc từ đoạn văn trên, em hãy viết một bài văn tả lại cảnh vào thu trên quê hương em.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1: (3 điểm)
a.
- Các từ ghép: bàn tay, mũi kim, ân hận, vui chơi, bè bạn, trò chuyện, anh em, giấc mơ.
- Các từ láy: mảnh mai, dịu dàng, thoăn thoắt, mãi mãi.
b. Học sinh có thể có nhiều cách nêu ý nghĩa khác nhau nhưng đảm bảo có các ý sau:
- Câu nói của người mẹ vừa thể hiện sự động viên, khích lệ con hãy mạnh dạn, dũng cảm bước vào một chặng đường mới vừa gợi mở ra một thế giới mới tuyệt đẹp và khẳng định đó là thế giới của con.
- Thế giới kì diệu mà nhà trường mở ra là thế giới của tri thức khoa học, thế giới của những tình cảm trong sáng, thế giới của những hoài bão và ước vọng ngày mai…
- Người mẹ đã gửi gắm niềm tin và chắp cánh ước mơ cho con.
- Học sinh biết viết thành một đoạn hay nhiều đoạn văn hoàn chỉnh đảm bảo các ý nêu trên; câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc; không sai lỗi chính tả.
Câu 2: (2 điểm)
* Học sinh có thể trình bày cảm nhận của mình bằng một đoạn văn hoặc nhiều hơn nhưng đảm bảo có các ý sau:
- Thể thơ lục bát biến thể, ngôn từ, nhịp điệu của dòng thơ sau lặp và đảo lại dòng lời thơ trước tạo ra hai vế đối xứng, cân đối.
- Hai câu đầu của bài ca dao vừa gợi ra không gian rộng lớn của cánh đồng lúa xanh tốt, sự giàu có của quê hương vừa gợi ra một tư thế say sưa ngắm nhìn, những rung động, những cảm xúc sung sướng tự hào trước sự “mêng mông bát ngát… bát ngát mêng mông” của cánh đồng lúa thân thuộc.
- Hai câu sau, với lối so sánh đậm đà, ý vị cùng hai tiếng “Thân em” quen thuộc đã gợi liên tưởng về hình ảnh cô gái làng quê với một vẻ đẹp duyên dáng, xinh tươi, một sức lực căng tràn hứa hẹn → Hình ảnh trẻ trung, khỏe khoắn, hồn nhiên của các cô gái Việt Nam.
ð Đọc bài ca dao, ta cảm thấy sự vương vấn, gắn kết, hoà quyện của hương quê, tình quê và thêm yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam.
– Học sinh biết viết thành một đoạn hay nhiều đoạn văn hoàn chỉnh đảm bảo các ý nêu trên; câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc; không sai lỗi chính tả.
Câu 3: (5 điểm)
* Yêu cầu:
– Hình thức:
+ Bài văn có bố cục 3 phần, mỗi phần thực hiện một nhiệm vụ cụ thể.
+ Phần thân bài được tạo bởi những đoạn văn tả cảnh theo trình tự quan sát nhất định.
+ Biết vận dụng những kiểu câu, dấu câu, từ loại để miêu tả hợp lí, đặc biệt vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tu từ làm nổi bật cảnh cần tả, tạo câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Biết kết hợp giữa miêu tả và tự sự.
– Nội dung:
+ Nêu được đối tượng cần tả.
+ Tả được những đặc điểm tiêu biểu của cảnh vào thu.
+ Bày tỏ được tình cảm, cảm xúc chân thành với cảnh vật được tả.
* Dàn bài:
Giáo viên có thể căn cứ vào dàn ý sau để chấm điểm:
a. Mở bài:
- Giới thiệu cảnh mùa thu đến trên quê hương em.
- Nêu cảm nhận chung về cảnh vật trong thời khắc giao mùa (vào thu).
b. Thân bài:
- Tả khái quát cảnh vào thu trên quê hương em: thời gian, cảnh vật, không khí…
- Tả một số cảnh tiêu biểu làm nổi bật nét đặc trưng của mùa thu: ánh nắng, bầu trời, gió, cây cối, hương thơm …
+ Có thể chọn một vài hình ảnh tiêu biểu để tả kĩ: nắng sớm, bầu trời xanh ngắt, những cơn gió se lạnh, những làn sương mỏng manh giăng mắc trên đường thôn ngõ xóm, hương thơm ngào ngạt của những chùm trái chín…
- Cảm xúc cụ thể của bản thân khi được chứng kiến khoảnh khắc giao mùa tuyệt vời từ hạ sang thu.
c. Kết bài:
- Nêu cảm nghĩ về cảnh được tả: yêu mến, gắn bó,…
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 5)
Câu 1: (3 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
… Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con! Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận đối với con […] Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!…
(Theo SGK Ngữ Văn 7, tập 1, trang 10)
a. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Của ai?
b. Tìm 2 từ láy, 2 từ ghép đẳng lập có trong đoạn văn.
c. Em cảm nhận được phẩm chất gì của người mẹ được nhắc đến trong đoạn văn?
Từ đó em rút ra được bài học gì cho mình?
Câu 2 (2 điểm)
Anh em nào phải người xa
…
a. Chép ba câu tiếp theo để hoàn chỉnh bài ca dao trên.
b. Viết một đoạn văn (khoảng 3 đến 4 câu) trình bày ngắn gọn nội dung, ý nghĩa của bài ca dao em vừa chép.
Câu 3:(5 điểm)
Kì nghỉ hè luôn là điều mong chờ của tất cả các bạn học sinh bởi nó luôn gắn liền với những chuyến đi chơi, thăm bạn bè, người thân…với biết bao kỉ niệm.
Em hãy kể lại một kỉ niệm đáng nhớ của bản thân trong kì nghỉ hè vừa qua.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1: (3 điểm)
a.
– Đoạn văn trên trích trong văn bản “Mẹ tôi”.
– Tác giả: Ét-môn-đô đơ A-mi-xi (Nếu HS chỉ ghi A-mi-xi vẫn cho điểm tối đa)
b.
– HS tìm được 2 trong các từ láy có trong đoạn văn: hổn hển, quằn quại, nức nở, sẵn sàng, đau đớn.
– Các từ ghép đẳng lập: lo sợ, tức giận.
c.
* HS có thể diễn đạt theo những cách khác nhau nhưng cần nêu được những phẩm chất chính của người mẹ:
– Yêu thương con tha thiết.
– Sẵn sàng hi sinh tất cả, kể cả mạng sống của bản thân để mong con được hạnh phúc.
=> Đó cũng là phẩm chất chung của phần lớn bà mẹ trên thế gian.
* Bài học: Phải biết yêu thương, kính trọng và hiếu thảo với cha mẹ…
Câu 2: (2 điểm)
a. Học sinh chép chính xác bài ca dao như văn bản SGK Ngữ Văn 7, tập 1, trang 35.
Lưu ý: sai một từ thì trừ 0,25 điểm
b. Viết đoạn văn:
– Hình thức: Học sinh viết được đoạn văn hoàn chỉnh, không mắc lỗi chính tả, chữ viết sạch đẹp, rõ ràng.
– Nội dung: Bài ca dao đề cao tình anh em, nhắc nhở anh em phải đoàn kết, gắn bó, yêu thương nhau. Anh em đoàn kết sẽ mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc lớn cho cha mẹ. Đó cũng là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
(HS có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, nhưng nêu đúng nội dung vẫn cho điểm tối đa)
Câu 3: (5 điểm)
1. Yêu cầu về kĩ năng:
– Viết bài văn hoàn chỉnh, bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
– Biết vận dụng kĩ năng làm bài văn tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; văn viết có cảm xúc chân thành, tự nhiên, hợp lí. Biết sử dụng các biện pháp tu từ trong bài văn.
– Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu
– Trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
2. Yêu cầu về nội dung:
* Kỉ niệm đáng nhớ: có thể là kỉ niệm vui hoặc kỉ niệm buồn, hơặc kỉ niệm cho em một bài học sống…gắn với chuyến thăm quan du lịch, gặp gỡ bạn bè, về quê thăm ông bà…
a. Mở bài:
– Giới thiệu chung về hoàn cảnh dẫn đến kỉ niệm. (Sự việc ấy diễn ra ở đâu? Khi nào? Với ai?)
– Cảm xúc chung của em về kỉ niệm đó.
b. Thân bài: Kể diễn biến của sự việc.
– Kể theo trình tự thời gian: Sự việc mở đầu, sự việc phát triển, sự việc cao trào (Diễn biến của sự việc? Tâm trạng của em? Điều làm cho em ấn tượng nhất?…)
– HS có thể kết hợp trình tự thời gian, không gian, hoặc kể theo trình tự ngược thông qua hồi tưởng.
c. Kết bài:
– Kết quả của sự việc.
– Ý nghĩa và bài học em rút ra cho bản thân.
– Mong ước, hứa hẹn, nhắn nhủ (nếu có).
(Lưu ý: Với đề này, HS được tự do lựa chọn kỉ niệm trong dịp hè để kể, do đó không có hướng dẫn cụ thể, chỉ hướng dẫn chung. Vì vậy, khi chấm, GV cần căn cứ vào bài làm cụ thể của HS để đánh giá phù hợp, đảm bảo công bằng, khách quan.)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 6)
Câu 1: (2 điểm)
Tìm 4 từ ghép đẳng lập và 4 từ ghép chính phụ rồi điền vào ô trống bên dưới:
Từ ghép đẳng lập |
Từ ghép chính phụ |
|
Câu 2: (2 điểm) Nhớ và chép lại một bài ca dao về Tình cảm gia đình mà em đã được học? Nêu nội dung chính của bài ca dao đó?
Câu 3: (6 điểm) Hãy tả quang cảnh sân trường em trong giờ ra chơi?
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1: (2 điểm)
Tìm 4 từ ghép đẳng lập và 4 từ ghép chính phụ (Mỗi từ tìm đúng được 0,25đ)
Từ ghép đẳng lập |
Từ ghép chính phụ |
Ông bà, ăn ở, cày cấy, hoa quả,… |
Ông ngoại, ăn cơm, hoa hồng, quả lê,… |
Câu 2: (2 điểm)
– Chép đúng, đủ, không sai lỗi chính tả một hoặc 2 bài ca dao về Tình cảm gia đình đã được học. (1 điểm)
– Nêu được nội dung chính của bài ca dao đó.(1 điểm)
Câu 3: (6 điểm)
1. Về hình thức:(2 điểm)
– Sử dụng đúng phương pháp tả cảnh, sử dụng các kĩ năng miêu tả như: quan sát, tưởng tượng, liên tưởng, so sánh, nhận xét,…
– Sử dụng ngôi tả, trình tự tả hợp lí.
– Diễn đạt lô gíc, hấp dẫn, lời văn trong sáng, chân thật, giàu hình ảnh, cảm xúc.
– Viết đúng chính tả, biết dùng từ, đặt câu chính xác.
– Trình bày sạch sẽ, rõ ràng, khoa học.
2. Nội dung
Viết đúng kiểu bài văn tả cảnh sinh hoạt theo bố cục ba phần. (4 điểm)
a. Mở bài: (0.5 điểm)
– Giới thiệu giờ ra chơi: thời gian, địa điểm… sân trường im ắng, tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi…
b. Thân bài: Tả cảnh sân trường: (3 điểm)
* Tả bao quát : (0.5 điểm)
+ Cảnh sân trường lúc bắt đầu ra chơi: ồn ào, náo nhiệt hẳn lên…
+ Hoạt động vui chơi của mọi người trong cảnh ( chạy nhảy, vui đùa…)
* Tả chi tiết : (2 điểm)
+ Cảnh tập thể dục: HS nhanh nhẹn xếp hàng tập thể dục giữa giờ, các động tác đều và đẹp …
+ Cảnh vui chơi :
– Hoạt động vui chơi của từng nhóm (nhảy dây, kéo co, đá cầu, rượt bắt, chơi truyền, ô ăn quan…được nhiều bạn ưa thích)
– Có nhóm bạn không thích nô đùa mà ngồi trò chuyện, đọc chuyện, ôn bài…
– Âm thanh: hỗn độn, tiếng cười đùa, la hét…
– Không khí: nhộn nhịp, sôi nổi…
+ Tả cảnh vật xung quanh sân trường: cây cối, các loài vật như chim chóc… (tả lồng vào các cảnh trên)
* Tả cảnh sân trường sau giờ ra chơi: Trống báo, cảnh vào lớp, sân trường vắng lặng, chỉ nghe thấy tiếng học bài từ các lớp vọng ra, tiếng chim chóc chuyền cành, tiếng lá cây rì rào trong gió… (0.5 điểm)
c. Kết bài: (0.5 điểm)
- Cảm nghĩ về giờ ra chơi (nêu lợi ích của giờ ra chơi): giải toả nỗi mệt nhọc, căng thẳng; đầu óc thư giãn, thoải mái, tiếp thu bài học tiếp theo được tốt hơn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 7)
I. TRẮC NGHIỆM: (2 điểm) Chọn đáp án em cho là đúng nhất.
Câu 1: (0,5 điểm) Tác giả của văn bản “Cổng trường mở ra” là:
A. Lý Lan
B. Thanh Tịnh
C. Thạch Lam
D. Huy Cận
Câu 2: (0,5 điểm) Văn bản “Mẹ tôi” được viết dưới hình thức:
A. Một bài thơ
B. Một truyện ngắn
C. Một tiểu thuyết
D. Một bức thư
Câu 3: (0,5 điểm) Trong các từ sau đây từ nào là từ ghép?
A. Đo đỏ
B. Lung linh
C. Mênh mông
D. Tươi tốt
Câu 4: (0,5 điểm) Mạch lạc trong văn bản không có tính chất nào dưới đây?
A. Là phần quan trọng nhất của văn bản, được thể hiện bằng những ý lớn.
B. Thông suốt không đứt đoạn, liên tục.
C. Tuần tự đi qua các phần, các đoạn.
D. Trôi chảy thành dòng thành mạch.
II. TỰ LUẬN: (8 điểm).
Câu 1: (2 điểm) Em hiểu câu nói của người mẹ "Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kỳ diệu sẽ mở ra" như thế nào?
Câu 2: (1 điểm) Viết một đoạn văn ngắn từ 5 đến 7 câu có sử dụng từ ghép đẳng lập, chính phụ.
Câu 3: (5 điểm) Miêu tả một cảnh đẹp ở quê hương em.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
I. TRẮC NGHIỆM: (2 điểm). Mỗi ý đúng 0,5 điểm
Câu |
1 |
2 |
3 |
4 |
Đáp án |
A |
D |
D |
A |
II. TỰ LUẬN: (8 điểm).
Câu 1: (2 điểm)
- Ý nghĩa nội dung câu nói:
+ Khẳng định vai trò to lớn của nhà trường đối với con cái.
+ Tin tưởng vào sự nghiệp giáo dục.
+ Khích lệ con tới trường.
Câu 2: (2 điểm)
- Viết đúng đoạn văn 5 đến 7 câu.
- Nội dung tự chọn: loài cây, loài hoa, sở thích, cảnh đẹp quê hương,…
- Có sử dụng từ ghép đẳng lập, chính phụ.
Câu 3: (4 điểm)
Viết bài văn tả cảnh gồm ba phần:
a. Mở bài: Giới thiệu đối tượng được tả: 1 cảnh đẹp của quê hương.
b. Thân bài: Tả chi tiết theo tuần tự từ gần ra xa (hoặc tả từ xa tới gần).
c. Kết bài: Nêu cảm xúc ý nghĩa của cảnh đẹp đó.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 8)
Câu 1: (4 điểm)
Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong những câu sau:
a) Cái chàng Dế Choắt người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện.
(Trích "Dế Mèn phưu lưu kí" – Tô Hoài)
b) Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đặm đà hơn hết cả mọi khi và cát lại vàng giòn hơn nữa.
(Trích "Cô Tô" – Nguyễn Tuân)
c)
Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
(Trích "Đêm Côn Sơn" – Trần Đăng Khoa)
Câu 2: (6 điểm)
Tả lại một cảnh đẹp của quê hương mà em thích nhất.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1:
a)
- Biện pháp tu từ nhân hóa "Cái chàng" (0,25 điểm)
→ Làm cho thế giới loài vật trở nên gần gũi với con người (0,5 điểm)
- Biện pháp tu từ so sánh "Dế Choắt" với "gã nghiện thuốc phiện" (0,25 điểm)
→ Giúp ta hình dung ra sự gầy gò ốm yếu thiếu sự sống của Dế Choắt (0,5 điểm)
b) Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "giòn" (0,5 điểm)
→ Sự tinh sạch của cát trên đảo Cô Tô sau trận bão (0,5 điểm)
c)
- Biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "mỏng" (0,25 điểm)
→ Liên tưởng đến một hình ảnh, một dáng bay (0,5 điểm)
- Biện pháp tu từ so sánh "tiếng rơi" với "rơi nghiêng" (0,25 điểm)
→ Thể hiện sự tĩnh lặng của đêm Côn Sơn (0,5 điểm)
Câu 2:
1. Yêu cầu về kỹ năng:
- HS biết cách làm bài văn miêu tả.
- Bố cục 3 phần rõ ràng, chặt chẽ, không sai lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
2. Yêu cầu về nội dung:
- Học sinh có nhiều cách viết khác nhau nhưng cần phải có những ý cơ bản sau:
a. Mở bài: Giới thiệu đối tượng miêu tả (0,5 điểm)
b. Thân bài: (5,0 điểm)
Miêu tả theo trình tự hợp lý từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể
Miêu tả theo trình tự thời gian
Miêu tả thiên nhiên kết hợp với hoạt động của con người.
c. Kết bài: Cảm xúc về đối tượng miêu tả (0,5 điểm)
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 9)
Câu 1: (2 điểm)
Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
1. Đoạn trích trên được trích từ văn bản nào? Tác giả là ai?
2. Em hiểu như thế nào về câu nói của người mẹ trong đoạn trích?
Câu 2: (2 điểm)
Xác định chủ ngữ và vị ngữ trong những câu sau:
a. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời.
(Cây tre Việt Nam)
b. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng.
(Bài học đường đời đầu tiên)
c. Tình yêu thương kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả.
(Mẹ Tôi)
d. Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn.
(Cây tre Việt Nam)
Câu 3: (6 điểm)
Sáng đầu thu trong xanh
Em mặc quần áo mới
Đi đón ngày khai trường
Vui như là đi hội.
(Ngày khai trường)
Hàng năm, Lễ khai giảng năm học mới ở trường em luôn diễn ra tưng bừng, rộn rã và tràn đầy ý nghĩa. Em hãy tả lại và bày tỏ cảm xúc của mình về buổi Lễ khai giảng ấy.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1: (2 điểm)
1.
- Cổng trường mở ra
- Tác giả Lý Lan
2. HS trả lời và trình bày ngắn gọn: Câu nói của người mẹ trong đoạn trích:
+ Là lời động viên, khích lệ con vượt qua những khó khăn của buổi đầu đến lớp.
+ Mẹ khẳng định "bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra" có nghĩa là: ngôi trường là một thế giới kì diệu, thế giới của tri thức phong phú, của những tình cảm tốt đẹp, thiêng liêng - tình thầy trò, tình bè bạn...
Câu 2:(2 điểm) HS xác định được:
a. Dưới bóng tre xanh, ta //gìn giữ một nền văn hóa lâu đời.
CN VN
b. Chẳng bao lâu, tôi //đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng.
CN VN
c. Tình yêu thương kính trọng cha mẹ// là tình cảm thiêng liêng hơn cả.
CN VN
d. Bóng tre// trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn.
CN VN
Câu 3: (6 điểm)
1. Yêu cầu chung:
- Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch đẹp,không mắc các lỗi về chính tả, từ ngữ, cú pháp.
- Bố cục: Đủ 3 phần cân đối; từ ngữ rõ ràng, chính xác; câu văn trôi chảy, thể hiện tình cảm, thái độ người viết.
- Nắm vững phương pháp làm văn miêu tả cảnh, biết lựa chọn hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc và miêu tả theo một trình tự hợp lí.
2. Yêu cầu cụ thể
a. Mở bài:
Giới thiệu thời gian, địa điểm, quang cảnh chung…của buổi lễ khai giảng.
b. Thân bài:
Tả chi tiết theo trình tự thích hợp: Trình tự thời gian, trình tự không gian.
- Trước giờ khai giảng:
+ Con đường gần trường học, học sinh nô nức kéo về.
+ Cổng trường: băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa,…
+ Học sinh: gương mặt tươi vui, áo quần chỉnh tề, khăn quàng phấp phới.
+ Sân trường: ồn ào, náo nhiệt.
+ Khán đài: rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ, ảnh Bác,…
- Lễ khai giảng:
+ Ổn định hàng ngũ.
+ Mở đầu buổi lễ: Chào cờ, Quốc ca hùng tráng.....
+ Điểm qua chương trình buổi lễ: đọc thư của Chủ tịch, diễn văn khai giảng của cô hiệu trưởng (cô) hiệu trưởng, văn nghệ chào mừng......
- Sau Lễ khai giảng:
+ Sân trường nhộn nhịp, tràn ngập tiếng nói, tiếng cười
+ Thầy cô giáo chụp ảnh kỉ niệm.....
.. .................
c. Kết bài: Bộc lộ cảm xúc về Lễ khai giảng.
Phòng Giáo dục và Đào tạo .....
Đề thi khảo sát chất lượng đầu năm
Năm học 2024 - 2025
Bài thi môn: Ngữ Văn 7
Thời gian làm bài: 90 phút
(Đề thi số 10)
Câu 1: (2 điểm)
Trong văn bản "Mẹ tôi" tại sao người cha không trực tiếp nói với con mà lại chọn hình thức viết thư? Như thế có vòng vèo, phiền toái không?
Câu 2: (2 điểm)
Nêu khái niệm các loại từ ghép và nghĩa của chúng.
Câu 3: (6 điểm)
Viết một đoạn văn kể về một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong ngày khai trường đầu tiên của mình.
----------HẾT---------
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1. (2 điểm)
- Có những chuyện nói trực tiếp dễ có kết quả, nhưng lại có những chuyện phải nói gián tiếp qua người khác hoặc qua thư từ. Trường hợp này thuộc dạng thứ hai. (1 điểm)
- Bằng hình thức viết thư, người cha có điều kiện vừa dạy bảo, vừa tâm tình với con trai một cách tỉ mỉ, cặn kẽ, đầy đủ, cho con có thời gian và hoàn cảnh suy ngẫm qua từng câu, từng chữ. Mặt khác người cha tỏ ra tế nhị, kín đáo bởi không làm người con xấu hổ, bẽ bàng khi ông chỉ nói riêng với con, thậm chí có thể ông không nói cả chuyện này với vợ mình. (1 điểm)
Câu 2. (2 điểm)
(HS trả lời theo ghi nhớ ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập 1, trang 14)
Câu 3. (6 điểm)
Viết đúng quy cách đoạn văn. (1 điểm)
Trình bày được kỉ niệm sâu sắc. (2 điểm)
Liên kết về hình thức. (1,5 điểm)
Liên kết về nội dung. (1,5 điểm)
1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề định kể: Kỉ niệm trong ngày khai trường đầu tiên.
2. Thân đoạn
a. Tâm trạng của em khi chuẩn bị đến trường
- Soạn sửa sách vở, quần áo tươm tất chu đáo đợi ngày được đến trường.
- Vui vẻ, háo hức vì sắp được gặp bạn bè, thầy cô.
- Có chút lo sợ, hồi hộp, …
b. Kể về ngày đến trường
- Sáng hôm đó dậy sớm để ăn uống và chuẩn bị quần áo đến trường.
- Ngạc nhiên trước sự thay đổi của mọi người và cảnh vật: các bạn ai cũng vui tươi và trông lớn hơn hẳn sau một mùa hè. Cây phượng đã rụng hết những bông hoa đỏ của đợt chớm hè…
- Lớp học thơm tho mùi của bàn ghế mới, sách vở mới và những bộ quần áo mới.
- Cô giáo luôn tươi cười và tận tình giảng dạy.
→ Ngày đầu tiên đi học thật vui tươi, hứng khởi.
3. Kết đoạn: Nêu cảm xúc về ngày đầu tiên khai giảng.
Xem thêm bộ Đề thi Ngữ Văn 7 năm học 2024 - 2025 chọn lọc khác:
Lời giải bài tập lớp 7 sách mới:
- Giải bài tập Lớp 7 Kết nối tri thức
- Giải bài tập Lớp 7 Chân trời sáng tạo
- Giải bài tập Lớp 7 Cánh diều
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 6-8 cho phụ huynh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Tuyển tập Đề thi các môn học lớp 7 năm học 2023-2024 học kì 1, học kì 2 được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát chương trình và cấu trúc ra đề thi trắc nghiệm và tự luận mới.
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giáo án lớp 7 (các môn học)
- Giáo án điện tử lớp 7 (các môn học)
- Giáo án Toán 7
- Giáo án Ngữ văn 7
- Giáo án Tiếng Anh 7
- Giáo án Khoa học tự nhiên 7
- Giáo án Lịch Sử 7
- Giáo án Địa Lí 7
- Giáo án GDCD 7
- Giáo án Tin học 7
- Giáo án Công nghệ 7
- Giáo án HĐTN 7
- Giáo án Hoạt động trải nghiệm 7
- Giáo án Vật Lí 7
- Giáo án Sinh học 7
- Giáo án Hóa học 7
- Giáo án Âm nhạc 7
- Đề thi lớp 7 (các môn học)
- Đề thi Ngữ Văn 7 (có đáp án)
- Chuyên đề Tiếng Việt lớp 7
- Đề thi Toán 7 (có đáp án)
- Đề cương ôn tập Toán 7
- Đề thi Tiếng Anh 7 (có đáp án)
- Đề thi Khoa học tự nhiên 7 (có đáp án)
- Đề thi Lịch Sử & Địa Lí 7 (có đáp án)
- Đề thi Địa Lí 7 (có đáp án)
- Đề thi Lịch Sử 7 (có đáp án)
- Đề thi GDCD 7 (có đáp án)
- Đề thi Công nghệ 7 (có đáp án)
- Đề thi Tin học 7 (có đáp án)