Kiến thức trọng tâm Lịch Sử 12 Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)



Kiến thức trọng tâm Lịch Sử 12 Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức môn Lịch sử lớp 12 để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021, VietJack biên soạn Lịch Sử 12 Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975) theo bài học đầy đủ, chi tiết nội dung lý thuyết, câu hỏi trắc nghiệm và giải các bài tập trong sgk Lịch sử 12.

A. Lý thuyết bài học

I. MIỀN BẮC KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, RA SỨC CHI VIỆN CHO MIỀN NAM

- Sau Hiệp định Paris 1973, miền Bắc trở lại hòa bình, vừa tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, vừa tiếp tục chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

- Kết quả:

+ Cuối năm 1974, kinh tế Miền Bắc cơ bản được phục hồi, đời sống nhân dân được ổn định.

+ Thực hiện nghĩa vụ hậu phương, trong hai năm 1973 – 1974, Miền Bắc đã đưa vào chiến trường 20 vạn bộ đội. Đột xuất trong hai tháng đầu năm 1975, miền Bắc đưa vào Nam 57 000 bộ đội cùng khối lượng vật chất - kỹ thuật khổng lồ, đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu to lớn và cấp bách của cuộc Tổng tiến công chiến lược.

II. MIỀN NAM ĐẤU TRANH CHỐNG ĐỊCH “BÌNH ĐỊNH LẤN CHIẾM” TẠO THẾ VÀ LỰC TIẾN TỚI GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN

a. Bối cảnh:

- 29/3/1973, Mỹ rút quân về nước, nhưng vẫn lập Bộ chỉ huy quân sự,vẫn tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn.

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Quân đội Mĩ rút khỏi Miền Nam Việt Nam

- Chính quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari, tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, mở những cuộc hành quân “bình định - lấn chiếm” vùng giải phóng của ta, tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.

- Sự thay đổi trong so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng, có lợi cho cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam, chống âm mưu,hành động mới của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, đạt một số kết quả nhất định.

b. Chủ trương của Đảng:

- Tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương lần thứ 21 nêu rõ:

+ Kẻ thù của nhân dân Việt Nam là đế quốc Mĩ và tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu.

+ Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn hiện tại là tiếp tục cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.

+ Phương pháp cách mạng: bạo lực cách mạng, nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.

c. Kết quả thực hiện:

Thực hiện nghị quyết 21, quân dân miền Nam kiên quyết đánh trả địch, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.

- Cuối năm 1974 đầu năm 1975, ta mở đợt hoạt động quân sự Đông - Xuân vào hướng Nam Bộ, trọng tâm là đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, giành thắng lợi lớn trong chiến dịch đánh Đường 14 - Phước Long, diệt 3000 địch, giải phóng Đường 14, thị xã và toàn tỉnh Phước Long.

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Chiến sĩ Quân đoàn 4 cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” Trên nóc Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Long (6/1/1975)

- Nhân dân miền Nam đẩy mạnh đấu tranh chính trị, ngoại giao, tố cáo Mĩ và chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Pari, nêu cao tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, thực hiện các quyền tự do, dân chủ.

- Tại vùng giải phóng, nhân dân ta ra sức khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn dự trữ chiến lược cho cuộc chiến đấu hoàn thành giải phóng miền Nam. Các ngành sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp,văn hóa, xã hội, giáo dục y tế....được đẩy mạnh.

III. GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM, GIÀNH TOÀN VẸN LÃNH THỔ TỔ QUỐC

1. Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam

* Căn cứ để Đảng đề ra chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

- Sau Hiệp định Pa-ri Việt Nam (1973), so sánh tương quan giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng ở miền Nam Việt Nam có sự thay đổi căn bản ⇒ lực lượng cách mạng có nhiều lợi thế trong việc tổ chức, tiến công địch, thu hồi và mở rộng vùng giải phóng.

- Đầu năm 1975, quân dân Việt Nam giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Đường 14 – Phước Long. Chiến thắng Phước Long đã phản ánh sự trưởng thành vượt bậc của quân dân Việt Nam; sự suy yếu, bất lực của chính quyền Sài Gòn và khả năng can thiệp trở lại bằng quân sự rất hạn chế của Mĩ.

⇒ Sự thay đổi so sánh tương quan lực lượng và sự trưởng thành, lớn mạnh cả về thế và lực của lực lượng cách mạng là những điều kiện quan trọng để Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam.

* Nội dung chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng.

- Từ tháng 12/1974 đến tháng 1/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng, đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 và 1976.

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Bộ Chính trị họp Hội nghị mở rộng quyết định kế hoạch giải phóng Miền Nam

- Kế hoạch giải phóng đề ra là hai năm, song Bộ Chính trị nhấn mạnh:

+ Nếu thời cơ đến trong năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

+ Tranh thủ thời cơ để tránh thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt các cơ sở kinh tế, công trình văn hóa,... giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh.

* Nhận xét

- Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng thể hiện tính đúng đắn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và nhân văn.

- Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng là một trong những yếu tố quan trọng đưa đến sự toàn thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

2. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 diễn ra qua ba chiến dịch: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh.

a. Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4 - 3 đến ngày 24 - 3)

- Ngày 4/3/1975, quân dân Việt Nam tập trung chủ lực mạnh với vũ khí, kĩ thuật hiện đại, mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên.

- Ngày 10/3/1975, quân dân Việt Nam giành thắng lợi quan trọng tại Buôn Ma Thuột.

- Ngày 12 - 3 - 1975, chính quyền Sài Gòn phản công định chiếm lại Buôn Ma Thuột nhưng không thành. Hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên rung chuyển, quân địch mất tinh thần, hàng ngũ rối loạn.

- Ngày 14/3/1975, địch rút toàn bộ quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung.

- Đến ngày 24/3/1975, Tây Nguyên hoàn toàn được giải phóng.

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Lược đồ chiến dịch Tây Nguyên

⇒ Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đoạn mới: từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.

b. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1975).

- Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh, hết sức thuận lợi ngay khi chiến dịch Tây Nguyên đang tiếp diễn, Bộ Chính trị có quyết định kịp thời thực hiện kế hoạch giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam, trước tiên tiến hành chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng.

- Ngày 21-3, quân ta dành thẳng vào căn cứ địch ở Huế, chặn các đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây địch trong thành phố. Đúng 10 giờ 30 ngày 25-3, quân ta tiến vào cố đô Huế; đến ngày 26-3, giải phóng thành phố và toàn tỉnh Thừa Thiên.

- Cùng thời gian này, quân ta tiến vào giải phóng thị xã Tam Kì, Quảng Ngãi, Chu Lai… tạo thêm một hướng uy hiếp Đà Nẵng từ phía nam.

- Sáng 29 - 3, quân ta từ ba phía bắc, tây, nam tiến thẳng vào thành phố Đà Nẵng. Đến 3 giờ chiều, toàn bộ thành phố Đà Nẵng được giải phóng.

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Lược đồ chiến dịch Huế - Đà Nẵng

c. Chiến dịch Hồ Chí Minh (24/6 đến 30/4/1975).

- Trước khi bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh, quân dân Việt Nam tiến công Xuân Lộc và Phan Rang. Ngày 18/ 4/1975, Tổng thống Mĩ ra lệnh di tản hết người Mĩ khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức Tổng thống.

- 5 giờ chiều 26 /4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Năm cánh quân cùng lúc vượt qua tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng.

- 10 giờ 45 phút, xe tăng của quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn.

- 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bài 23: Khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội ở miền bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam (1973-1975)

Lược đồ chiến dịch Hồ Chí Minh

* Sau khi giải phóng Sài Gòn, các lực lượng vũ trang và nhân dân các tỉnh còn lại nhất tề đứng lên tiến công và nổi dậy. Đến ngày 2/5/1975, Châu Đốc là tỉnh cuối cùng được giải phóng.

IV. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MĨ, CỨU NƯỚC (1954 – 1975)

1. Nguyên nhân thắng lợi.

a. Nguyên nhân khách quan

- Sự phối hợp chiến đấu và đoàn kết giúp đỡ của ba dân tộc ở Đông Dương.

- Sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ trên thế giới, nhất là của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

- Nhân dân Mĩ và nhân dân thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mĩ.

b. Nguyên nhân chủ quan

- Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phương pháp đấu tranh linh hoạt, kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao.

- Nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, đoàn kết nhất trí, lao động cần cù, chiến đấu dũng cảm vì sự nghiệp cách mạng.

- Hậu phương miền Bắc đáp ứng kịp thời các yêu cầu của cuộc chiến đấu ở hai miền.

2. Ý nghĩa lịch sử:

- Kết thúc 21 năm chiến đấu chống Mĩ và 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc ở Việt Nam; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước.

- Mở ra một kỉ nguyên mới của lịch sử dân tộc: đất nước độc lập, thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Tác động mạnh đến tình hình nước Mĩ và thế giới, cổ vũ phong trào cách mạng thế giới, nhất là đối với phong trào giải phóng dân tộc.

B. Câu hỏi trắc nghiệm

Câu 1. Tình hình nước ta sau Hiệp định Pari ?

A. Hoà bình đã trở lại trên Miền Bắc.

B. Quân Mĩ và quân chư hầu đã rút khởi Miền Nam.

C. So sánh lực lượng ở Miền Nam có lợi cho cách mạng.

D. Tất cả các ý trên.

Lời giải:

Đáp án: D

Câu 2. Sau hai năm 1973 – 1974, tình hình chung ở miền Bắc như thế nào ?

A. Miền Bắc đã hoàn thành các nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn Miền Nam.

B. Miền Bắc căn bản hoàn thành công cuộc khôi phục sau chiến tranh, kinh tế bước đầu có phát triển.

C. Miền Bắc đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai.

D. Miền Bắc đã hoàn thành kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ III.

Lời giải:

Đáp án: B

Câu 3. Những năm nào được đánh giá kinh tế miền Bắc đạt mức cao nhất trong 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ 1954 đến 1975) ?

A.Năm 1963, 1967.         B. Năm 1964, 1971.

C.Năm 1963, 1970.         D. Năm 1965, 1970.

Lời giải:

Đáp án: B

Câu 4.Trong 2 năm 1973 - 1974, miền Bắc đã thực hiện nghĩa vụ hậu phương với tiền tuyến như thế nào ?

A. Miền Bắc đã đưa vào chiến trường hơn 26 vạn tấn vũ khí, lương thực, xăng dầu...

B. Miền Bắc đã đưa vào chiến trường Miền Nam 57.000 bộ đội.

C. Miền Bắc đã đưa vào chiến trường Miền Nam, Lào, Campuchia gần 20 vạn bộ đội, hàng vạn thanh niên xung phung, cán bộ chuyên môn, kĩ thuật.

D. Miền Bắc đã đưa vào Miền Nam hơn 4,6 tấn đạn dược, 12,4 vạn tấn gạo, 3,2 vạn xăng dầu...

Lời giải:

Đáp án: C

Câu 5. Tình hình miền Nam sau Hiệp định Pari năm 1973 ?

A. Quân Mĩ và chư hầu buộc phải rút khỏi Miền Nam, so sánh lực lượng ở Miền Nam thay đổi theo hướng có lợi cho cách mạng.

B. 2 vạn cố vấn quân sự Mĩ vẫn ở lại Miền Nam, Mĩ tiếp tục viện trợ quân sự lớn cho nguỵ.

C. Quân ngụy tiến hành các cuộc hành quân "xoá bỏ hình thái da báo"... nên lại một số địa bàn quan trọng chúng ta đã bị mất đất, mất dân.

D. Tất cả các ý trên.

Lời giải:

Đáp án: D

Câu 6. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 đã họp vào khi nào?

A. Tháng 7/1973.         B. Tháng 3/1973.

C. Tháng 7/1972.         D. Tháng 12/1972.

Lời giải:

Đáp án: A

Câu 7. Điền thêm từ còn thiếu trong câu sau : “Trong bất cứ tình hình nào cũng phải tiếp tục con đường ... phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đánh địch trên cả ba mặt trận : quân sự, chính trị, ngoại giao".

A. Chiến tranh cách mạng.

B. Cách mạng bạo lực.

C. Cách mạng giải phóng dân tộc.

D. Đấu tranh thống nhất đất nước.

Lời giải:

Đáp án: B

Câu 8. Hình thức đấu tranh của cách mạng Miền Nam sau khi kí Hiệp định Pari năm 1973 có gì khác so với thời kì sau khi kí Hiệp định Giơnevơ năm 1954 ?

A. Sau khi kí Hiệp định Pari 1973, Miền Nam không có đấu tranh quân sự.

B. Sau khi kí Hiệp định Pari năm 1973, Miền Nam chỉ tập trung đấu tranh chính trị.

C. Sau khi kí Hiệp định Pari năm 1973, Miền Nam chỉ tập trung đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao.

D. Sau khi kí Hiệp định Pari năm 1973, Miền Nam vừa đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao.

Lời giải:

Đáp án: D

Câu 9. Thái độ của Mĩ sau khi mất Phước Long (6 - 1 - 1975)?

A. Phản ứng mạnh.

B. Phản ứng mang tính chất thăm dò.

C. Phản ứng yếu ớt.

D. Không phản ứng gì.

Lời giải:

Đáp án: C

Câu 10. Chiến thắng Phước Long là cơ sở quan trọng để ta khẳng định điều gì ?

A. Thế và lực của Quân đội Sài Gòn đã suy yếu rõ rệt.

B. Khả năng quay lại của Quân đội Mĩ không còn nữa.

C. Khả năng có thể tiến hành giải phóng Miền Nam có thể tiến hành với nhịp độ nhanh hơn, mạnh hơn.

D. Tất cả các ý trên.

Lời giải:

Đáp án: D

Câu 11. Chiến dịch Tây Nguyên đã diễn ra trong khoảng thời gian nào ?

A. Từ ngày 4/3 đến ngày 24/3/1975.

B. Từ ngày 10/3 đến ngày 24/3/1975.

C. Từ ngày 10/3 đến ngày 20/3/1975.

D. Từ ngày 4/3 đến ngày 20/3/1975.

Lời giải:

Đáp án: A

Câu 12. Ý nghĩa của chiến thắng Tây Nguyên?

A. Là chiến thắng lớn, có ý nghĩa quyết định nhất cho cuộc tiến công giải phóng hoàn toàn Miền Nam.

B. Là chiến thắng lớn nhất trong cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước của dân tộc ta.

C. Là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử quan trọng - mở ra thời kì quân ta thực hiện các cuộc Tiến công chiến lược năm để giải phóng Miền Nam.

D. Chiến thắng này đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sang giai đọan mới - tiến hành Tổng tiến công chiến lược trên toàn Miền Nam.

Lời giải:

Đáp án: D

Câu 13. Quyết định của chính quyền Sài Gòn sau khi mất thị xã Buôn Ma Thuột?

A. Quyết tâm tử thủ Tây Nguyên.

B. Chấp nhận bỏ Buôn Ma Thuột để bảo vệ các vùng còn lại của Tây Nguyên.

C. Rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

D. Chấp nhận rút bỏ vùng Bắc Tây Nguyên để về giữ vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Lời giải:

Đáp án: C

Câu 14. Khi nào tỉnh Thừa Thiên - Huế được giải phóng?

A. Ngày 21 - 3 - 1975.

B. Ngày 26 - 3 - 1975.

C. Ngày 19-3- 1975.

D. Ngày 29-3- 1975.

Lời giải:

Đáp án: B

Câu 15. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng diễn ra trong khoảng thời gian nào ?

A. Từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1975.

B. Từ ngày 19/3 đến ngày 28/3/1975.

C. Từ ngày 20/3 đến ngày 30/3/1975.

D. Từ ngày 21/3 đến ngày 28/3/1975.

Lời giải:

Đáp án: A

C. Giải bài tập sgk

Xem thêm các bài học Lịch sử lớp 12 đầy đủ, chi tiết khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official




Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên