Lý thuyết KHTN 9 Cánh diều Bài 43: Cơ chế tiến hoá
Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 Bài 43: Cơ chế tiến hoá sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 9.
Lý thuyết KHTN 9 Cánh diều Bài 43: Cơ chế tiến hoá
I. QUAN ĐIỂM CỦA LAMARCK VỀ CƠ CHẾ TIẾN HOÁ
- Một số quan điểm của nhà tự nhiên học người Pháp, Jean-Baptiste Lamarck (1744 - 1829) về tiến hóa:
+ Giải thích cho sự đa dạng của sinh giới: Lamarck cho rằng sinh vật có động lực nội tại để biến đổi thích nghi với điều kiện sống và tự trở nên phức tạp hơn, hoàn thiện hơn. Do điều kiện sống thay đổi chậm chạp nên sinh vật có thể kịp thời thích nghi, không có loài nào bị đào thải.
Ví dụ: Quá trình hình thành cổ dài của hươu cao cổ theo quan điểm của Lamarck: Khi dưới thấp không còn lá cây (môi trường sống thay đổi), các con hươu đều phải chủ động vươn cổ lên để lấy được các lá cây trên cao (thay đổi tập quán hoạt động của cổ). Do cổ được hoạt động nhiều theo hướng vươn dài ra nên cổ hươu sẽ dài dần và đặc điểm này được truyền lại cho đời sau. Trong các thế hệ kế tiếp, lá cây dưới thấp ngày một khan hiếm hơn nên các con hươu lại tiếp tục vươn cổ để lấy được lá ở trên cao hơn và cứ như vậy qua rất nhiều thế hệ, loài hươu có cổ ngắn dần dần hình thành loài hươu cao cổ.
+ Giải thích cho sự di truyền các biến dị trong quần thể: Lamarck cho rằng các biến đổi trong đời sống cá thể đều được di truyền cho con.
+ Giải thích cho nguồn gốc sinh vật: Lamarck cho rằng các loài sinh vật có nguồn gốc khác nhau. Các dạng sống đơn giản được tạo ra độc lập, liên tục từ các chất vô cơ và tự biến đổi thành các loài sinh vật với mức độ phức tạp tăng dần. Các sinh vật khác nhau là vì chúng có thời gian tiến hoá khác nhau.
- Những hạn chế trong quan điểm của Lamarck về cơ chế tiến hóa:
+ Chưa hiểu về nguyên nhân tiến hóa: Lamarck cho rằng sự thay đổi một cách chậm chạp và liên tục của môi trường sống là nguyên nhân phát sinh các loài mới từ một loài tổ tiên ban đầu.
+ Chưa phân biệt được biến dị di truyền và không di truyền: Lamarck cho rằng mọi biến đổi trên cơ thể sinh vật đều được di truyền và tích lũy.
+ Chưa hiểu về cơ chế tiến hóa: Lamarck cho rằng sinh vật luôn có khả năng chủ động thích ứng với sự thay đổi của môi trường bằng cách thay đổi tập quán hoạt động của các cơ quan, do đó không có loài nào bị đào thải.
+ Chưa hiểu về nguồn gốc sinh vật: Lamarck cho rằng các loài sinh vật có nguồn gốc khác nhau trong khi tất cả các loài sinh vật có chung nguồn gốc, loài mới chỉ được hình thành từ các loài có trước.
II. QUAN ĐIỂM CỦA DARWIN VỀ CƠ CHẾ TIẾN HOÁ
- Một số quan điểm của nhà tự nhiên học người Anh, Charles Darwin (1809 - 1882) về tiến hóa:
+ Giải thích cho sự đa dạng của sinh giới: Darwin cho rằng sinh vật biến đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới tác động của chọn lọc tự nhiên. Ở mỗi thế hệ, các cá thể phải đấu tranh sinh tồn để giành lấy cơ hội sống sót và sinh sản, chỉ một số ít cá thể mang biến dị có lợi sống sót và sinh được nhiều con hơn so với những cá thể khác. Qua nhiều thế hệ, cá thể mang biến dị có lợi sẽ trở nên phổ biến trong quần thể.
Ví dụ: Quá trình hình thành cổ dài của hươu cao cổ theo quan điểm của Darwin: Quá trình sinh sản đã phát sinh nhiều biến dị sai khác về kích thước cổ giữa các cá thể thuộc loài hươu. Những lá non ở dưới thấp hết dần, cá thể hươu nào có cổ dài ăn được lá cây trên cao thì sống sót, còn những cá thể hươu cổ ngắn không ăn được lá cây trên cao thì sẽ chết. Qua nhiều thế hệ, đặc điểm cổ dài ngày càng trở nên phổ biến trong quần thể, kết quả hình thành loài hươu cổ dài ăn được lá cây trên cao.
+ Giải thích cho sự di truyền các biến dị trong quần thể: Darwin cho rằng chỉ những biến dị di truyền mới có ý nghĩa đối với tiến hoá của sinh vật.
+ Giải thích cho nguồn gốc sinh vật: Theo Darwin, tác động của chọn lọc tự nhiên theo các điều kiện sống khác nhau trong thời gian dài có thể tạo nên nhiều loài từ một loài ban đầu. Tất cả các sinh vật đều có tổ tiên chung.
- Những hạn chế trong quan điểm của Darwin về cơ chế tiến hóa:
+ Chưa phân biệt được biến dị di truyền và biến dị không di truyền.
+ Chưa xác định được nguyên nhân và cơ chế phát sinh, di truyền các biến dị.
III. MỘT SỐ LUẬN ĐIỂM VỀ TIẾN HOÁ THEO QUAN NIỆM CỦA THUYẾT TIẾN HOÁ TỔNG HỢP HIỆN ĐẠI
- Thuyết tiến hóa tổng hợp hiện đại được hình thành trên cơ sở những hiểu biết mới về khoa học nói chung và đặc biệt là trong lĩnh vực di truyền học được kết hợp vào thuyết tiến hoá của Darwin.
- Thuyết tiến hoá tổng hợp giải thích được nguồn gốc và tính di truyền của các biến dị; quá trình thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể dưới tác động của các nhân tố tiến hoá dẫn đến hình thành loài mới hay tuyệt chủng của các loài cũ và quá trình hình thành hoặc tuyệt chủng của các nhóm phân loại trên loài.
1. Nguồn biến dị di truyền của quần thể
- Biến dị di truyền trong quần thể bao gồm biến dị sơ cấp và biến dị thứ cấp:
+ Biến dị sơ cấp là các allele hoặc gene mới được tạo ra do đột biến.
+ Biến dị thứ cấp là biến dị tổ hợp được tạo thành do sự kết hợp các allele theo nhiều cách khác nhau.
- Các biến dị di truyền là nguyên liệu cho tiến hóa, tạo nên tính đa dạng của quần thể.
2. Các nhân tố tiến hóa
- Khái niệm: Nhân tố tiến hóa là những nhân tố làm thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể, được thể hiện ở sự thay đổi về tỉ lệ các allele, tỉ lệ các kiểu gene trong quần thể.
- Nhân tố tiến hoá bao gồm: đột biến, di - nhập gene, chọn lọc tự nhiên, yếu tố ngẫu nhiên và giao phối không ngẫu nhiên.
a. Đột biến
- Đột biến có thể tạo nên gene mới, allele mới hoặc biến allele này thành allele khác dẫn đến làm thay đổi tần số các allele và tần số các kiểu gene của quần thể.
- Do tần số đột biến thấp nên đột biến làm thay đổi tỉ lệ các allele, tỉ lệ các kiểu gene trong quần thể một cách chậm chạp.
Đột biến gene là nguồn biến dị sơ cấp chủ yếu cho tiến hóa
b. Di - nhập gene
- Các cá thể di, nhập cư mang allele, kiểu gene vào hoặc ra khỏi quần thể dẫn đến làm thay đổi tần số các allele và tần số các kiểu gene của quần thể.
- Di – nhập gene làm thay đổi tỉ lệ các allele, tỉ lệ các kiểu gene trong quần thể phụ thuộc vào số lượng giao tử hay cá thể di – nhập.
Sự phát tán cá thể thông qua di cư – nhập cư
c. Chọn lọc tự nhiên
- Chọn lọc tự nhiên đào thải những cá thể có kiểu hình kém thích nghi, tạo điều kiện cho những cá thể có kiểu hình thích nghi sinh sản làm tăng số lượng cá thể dẫn đến làm thay đổi tần số các allele và tần số các kiểu gene theo hướng tăng tần số allele và kiểu gene có lợi, phá vỡ cân bằng cũ, thiết lập cân bằng mới trong quần thể.
d. Yếu tố ngẫu nhiên
- Yếu tố ngẫu nhiên là hiện tượng làm thay đổi ngẫu nhiên tỉ lệ allele, tỉ lệ kiểu gene từ thế hệ này sang thế hệ khác do kích thước quần thể nhỏ hoặc do thiên tai, thảm họa,…
- Yếu tố ngẫu nhiên làm thay đổi tỉ lệ allele, tỉ lệ kiểu gene một cách đột ngột và ngẫu nhiên, quần thể càng có kích thước nhỏ thì yếu tố ngẫu nhiên càng có tính ảnh hưởng lớn.
e. Giao phối không ngẫu nhiên
- Các hình thức giao phối không ngẫu nhiên: tự thụ phấn ở thực vật, giao phối cận huyết và giao phối có chọn lọc ở động vật.
- Giao phối không ngẫu nhiên không làm thay đổi tần số các allele nhưng làm thay đổi tần số các kiểu gene trong quần thể theo hướng tăng dần tần số kiểu gene đồng hợp và giảm dần tần số kiểu gene dị hợp.
3. Tiến hóa nhỏ và tiến hóa lớn
Tiến hóa nhỏ |
Tiến hóa lớn |
- Là quá trình thay đổi cấu trúc di truyền của quần thể từ thế hệ này sang thế hệ khác dưới tác động của các nhân tố tiến hóa. |
- Là quá trình hình thành hoặc tuyệt chủng loài, các bậc phân loại trên loài như chi, họ, bộ, lớp, ngành, giới. |
- Diễn ra trong phạm vi phân bố tương đối hẹp, trong thời gian lịch sử tương đối ngắn, có thể nghiên cứu bằng thực nghiệm. |
- Diễn ra trên quy mô rộng lớn, qua thời gian địa chất rất dài, không thể nghiên cứu bằng thực nghiệm. |
Xem thêm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 9 Cánh diều hay khác:
Lý thuyết KHTN 9 Bài 39: Di truyền liên kết và cơ chế xác định giới tính
Lý thuyết KHTN 9 Bài 41: Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống
Lý thuyết KHTN 9 Bài 42: Giới thiệu về tiến hoá, chọn lọc nhân tạo và chọn lọc tự nhiên
Lý thuyết KHTN 9 Bài 44: Sự phát sinh và phát triển sự sống trên Trái Đất
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều
- Giải SBT Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Giải bài tập KHTN 9 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Khoa học tự nhiên 9 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 9 Cánh diều (hay nhất)
- Soạn văn 9 Cánh diều (ngắn nhất)
- Giải sgk Toán 9 - Cánh diều
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - Cánh diều
- Giải sgk Lịch Sử 9 - Cánh diều
- Giải sgk Địa Lí 9 - Cánh diều
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - Cánh diều
- Giải sgk Tin học 9 - Cánh diều
- Giải sgk Công nghệ 9 - Cánh diều
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - Cánh diều
- Giải sgk Âm nhạc 9 - Cánh diều
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - Cánh diều