Top 10 Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện lớp 12 (điểm cao)

Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện lớp 12 hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 10 Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện lớp 12 (điểm cao)

Quảng cáo

Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - mẫu 1

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………………. Học sinh lớp….. Trường ………………………….

Các bạn thân mến! Tô Hoài và Kim Lân, hai tác giả nổi tiếng thời kháng chiến chống Pháp, viết về cuộc sống nông dân Việt trước Cách mạng tháng Tám. Tác phẩm "Vợ Nhặt" và "Vợ Chồng A Phủ" kết thúc mở, đặt hy vọng vào một cuộc sống mới cho nhân vật. Điều này tạo ra một khía cạnh mới trong văn học so với việc chỉ giải thoát cho nhân vật khỏi gò bó xã hội.

Cả hai tác phẩm “Vợ nhặt” và “Vợ chồng A Phủ” là biểu tượng của sự sáng tạo của hai tác giả. Trái với việc Kim Lân mô tả đau đớn của người nông dân trong đói năm 1945, Tô Hoài lại tập trung vào cuộc sống khốn khó của người nông dân vùng núi Tây Bắc. Mặc dù khác biệt về chủ đề và phong cách, nhưng cả hai tác phẩm đều nêu lên số phận của người nông dân nghèo, thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng của tác giả với họ. Điều này được thấy rõ qua phần kết của cả hai.

Quảng cáo

"Vợ nhặt" của Kim Lân, viết năm 1954, tường thuật về cuộc sống nông dân Bắc Bộ trong đại nạn đói năm 1945. Nhân vật chính là Tràng, một người nghèo sống tại xóm Ngụ Cư. Mặc dù gây bất ngờ cho mọi người, Tràng đã có vợ ngay khi nạn đói đang diễn ra gay gắt. Câu chuyện kết thúc với hình ảnh bữa cơm thảm hại của gia đình Tràng: "có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo", cùng tiếng trống thuế vang vọng. Trong đầu Tràng hiện lên hình ảnh những dòng người "kéo nhau đi trên đê Sộp, với lá cờ đỏ lớn."

Kết thúc của "Vợ nhặt" của Kim Lân dựa trên thực tế cuộc sống Việt Nam vào thời điểm đó. Năm 1945, dân ta chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống đối chính quyền, và phong trào phá kho thóc Nhật đã bắt đầu. Cuộc đói đến từ chính sách cướp của Pháp và cải cách "nhổ cỏ trồng đay" của Nhật. Dưới sự đe dọa của cái chết, người nông dân tự ý thức và tham gia cuộc đấu tranh. Mặc dù không rõ liệu Tràng đã tham gia "lá cờ đỏ" hay không, câu chuyện mở ra cơ hội cho sự liên tưởng. Kết thúc mở này thể hiện niềm tin vào sự thay đổi của nhân vật, gia đình, và hàng ngàn người dân nghèo khác.

Quảng cáo

Với "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài lại dẫn người đọc đến với cuộc sống của những người nông dân nghèo vùng Tây Bắc. Nhân vật chính trong truyện là Mị và A Phủ. Nếu như Mị là cô "con dâu gạt nợ" nhà thống lý Pá Tra, phải sống kiếp "con trâu, con ngựa", bị đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần thì A Phủ trở thành người ở không công cho nhà thống lí chỉ vì đánh nhau với con quan. Hai con người đau khổ ấy gặp nhau, cảm thông, thấu hiểu cho nhau từ những giọt nước mắt và họ đã quyết định giải thoát cho nhau khỏi thân phận nô lệ.

Truyện kết thúc ở chi tiết Mị cắt dây cởi trói cho A Phủ và vụt chạy theo A Phủ để giải phóng chính mình. Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở về với cuộc sống lầm lũi, cam chịu như trước kia. Trong một lần "thổi lửa hơ tay", Mị đã bắt gặp "một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại" của A Phủ. Chính dòng nước mắt ấy đã làm cho Mị bừng tình, nhận thức được quyền sống của mỗi con người, nhận thức được sự độc ác của giai cấp thống trị. Vậy nên Mị đã "rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây" cắt đứt sợi dây trói cho A Phủ và thả A Phủ chạy thoát. Thế nhưng chỉ vài phút "đứng lặng trong bóng tối", Mị cũng "vụt chạy ra" theo A Phủ. Và rồi hai con người khốn khổ ấy "lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi". Sau này, hai người trở thành vợ chồng và dưới ánh sáng của cách mạng, họ cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương.

Quảng cáo

Cái kết của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ đã cho chúng ta thấy được sự đồng cảm sâu sắc giữa những con người khốn khổ, cho ta thấy được sức sống tiềm tàng của họ, nhận thực sâu sắc của họ về quyền sống, quyền được tự do và hạnh phúc cùng với đó là tinh thần đấu tranh với bọn địa chủ phong kiến. Nếu như trước đây, Mị sống "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa", sống vô cảm, vô hồn thì giọt nước mắt của A Phủ đã đánh thức trong tâm hồn Mị ý thức về sự sống. Hành động cắt đứt dây trói giải thoát cho A Phủ của Mị cũng là sự giải thoát cho chính bản thân mình. Giọt nước mắt ấy đã đánh thức khao khát sống tự do, hạnh phúc của cô. Và rồi hai con người đau khổ của đất Hồng Ngài đã dẫn nhau "lẳng lặng" "lao chạy xuống dốc núi" trốn thoát khỏi những hủ tục phong kiến, những sự thống trị tàn bạo và dã man, đó là sự tự ý thức của họ về quyền sống, tự do của một con người.

Dù Kim Lân và Tô Hoài viết về các đề tài khác nhau, kết thúc của "Vợ chồng A Phủ" và "Vợ nhặt" có những điểm chung. Cả hai tác giả đều mở ra một tương lai sáng sủa và tự do cho người nông dân nghèo. Họ dẫn nhân vật của mình đến với ánh sáng của cách mạng, hy vọng vào một cuộc sống mới. Tuy nhiên, "Vợ nhặt" tập trung vào khổ đau của người nông dân dưới bóng đe doạ của phát xít thực dân, trong khi "Vợ chồng A Phủ" thể hiện sức mạnh nội tại của họ khi tự giải thoát khỏi tình thế khó khăn.

Hai chi tiết, hai cái kết trong Vợ chồng A Phủ, Vợ nhặt là khác nhau nhưng ta thấy rõ được những tâm tư, những tình cảm, những giá trị nhân đạo mà cả Kim Lân và Tô Hoài đều hướng tới. Đó là lòng yêu thương, cảm thông sâu sắc trước những số phận đau khổ bị đày đọa bởi đói nghèo, bởi giai cấp thống trị. Để từ đó hướng họ tới một tương lai tươi sáng hơn khi họ vùng lên dưới ánh sáng cách mạng.

Trên đây là phần trình bày của tôi về việc so sánh, đánh giá kết thúc hai tác phẩm "Vợ Nhặt" và "Vợ Chồng A Phủ". Mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - mẫu 2

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………………. Học sinh lớp….. Trường ………………………….

Nơi nghệ thuật ta kiếm tìm hiện thực ở những góc nhìn khác. Những góc nhìn mà ở nơi ấy hiện thực được toàn vẹn là chính nó với những góc khuất, những niềm đau và cũng là chính nó với những điều đẹp đẽ và cao cả. Để rồi giữa những hiện thực được nhìn nhận ấy, ta nuôi dưỡng nơi mình một khát vọng được sống và được yêu thương, một niềm tin vào chính mình và cuộc đời. Nếu dưới ngòi bút của Thạch Lam giữa những ngày đất nước chưa tìm lại được độc lập, hiện thực hiện lên tựa như cảnh phố huyện nghèo chỉ sáng chói lúc con tàu vụt qua thì dưới ngòi bút của Nguyễn Minh Châu giữa những ngày đất nước vẫn chìm đắm sau ánh hào quang mà cuộc chiến để lại, những điều ta ngỡ là tất cả lại đổ vỡ trước ánh nhìn cận cảnh.

Có người từng nói, nhà văn là những nhà thư ký trung thành của thời đại. Hai bức tranh về hiện thực được dựng xây bởi Thạch Lam và Nguyễn Minh Châu có lẽ cũng đem theo hiện thực lịch sử ấy.

Thạch Lam khắc họa lên khung cảnh phố huyện nghèo, nơi con người khó khăn kiếm lấy cho mình chút gì đó để sống qua ngày. Câu truyện bắt đầu với ánh chiều dần tắt, những cửa hàng nhỏ lên đèn, những ánh sáng leo lắt khiến cho con dường một bên sáng một bên tối, tất cả tựa như bị nuốt chửng trước khoảnh khắc ngày tàn. Cảm nhận về ánh sáng mong manh hơn trước sự rệu rã nơi con người. Có lẽ nỗi đói khổ, sự tuần hoàn yên ả nơi phố huyện đã lấy đi nơi họ những khát vọng về một ánh sáng. Những kiếp đời sống mòn trước ngưỡng cửa của hiện thực. Tiếng cười dài của bà cụ Thi vang vọng khắp phố huyện. Tiếng cười của những cơn say, tiếng cười của những nỗi ám ảnh về kiếp sống rệu rã mỏi mệt. Sự chán nản của chị Tý dẫu dọn hàng sớm hay muộn thì có khác gì, sự im lặng của nhà bác hát sẩm khi khác chưa bước tới, cái bóng của bác phở Siêu đổ dài trước ánh lửa. Bức tranh về hiện thực phố huyện ở những năm đất nước chưa lấy được lại độc lập hiện lên trước mắt người đọc, một bức tranh buồn, mỏi mệt, rệu rã.

Bức tranh đầu tiên Nguyễn Minh Châu đem tới trước mắt người đọc lại là một bức tranh rất đẹp. Bức tranh khiến Phùng ngỡ đó là mục đích của cả chuyến đi dài, là điều mà nghệ thuật hướng tới. Con thuyền nơi ngoài xa đẹp và yên bình trên mặt biển mờ sương. Cả gia đình ngồi im lặng trên chiếc thuyền nhỏ. Tất cả khắc tạc lên một vẻ đẹp toàn bích. Có lẽ đó cũng là bức tranh của đất nước sau những năm giành lại được độc lập. Chúng ta sống giữa những hào quang sau cuộc chiến, những hạnh phúc sau khi nhận được chiến thắng, tựa như phùng khoảnh khắc nhìn thấy con tàu giữa bóng sương mờ, anh cả thấy trái tim mình tự như bị bóp chặt.

Nhưng hiện thực không chỉ nằm nơi những bề nổi dễ thấy. Hiện thực nằm nơi chúng được đổ bóng. Nơi chúng được cho một khoảng không để trọn vẹn là chính chúng.

Phố huyện nghèo nơi những áng văn của Thạch Lam như được thắp lên một niềm hi vọng khi đoàn tàu đến. Đoàn tàu tựa như một Hà Nội đã xa trong chị em Liên, đoàn tàu tựa như thứ ánh sáng có thể xua đi bóng đêm nơi phố huyện nghèo. Cảm thức về một Hà Nội, về một cuộc sống đa sắc màu dường như nuôi dưỡng trong chị em Liên và những người đợi chờ con tàu ấy một khát vọng. Một khát vọng hướng tới ánh sáng, một khát vọng chấm dứt những rệu rã và mỏi mệt. Tiềm ẩn sau bức tranh phố huyện nghèo là một khát vọng, một khát vọng được hướng tới ánh sáng, thoát khỏi sự bao trùm của bóng đêm.

Con thuyền ngoài xa nơi áng văn của Nguyễn Minh Châu hiện lên rõ nét trước ánh nhìn cận cảnh. Phùng chứng kiến cảnh từng người trên chiếc thuyền ấy cố gắng đánh đập thậm chí lấy đi mạng sống của nhau. Người chồng đánh vợ mình và người đàn bà không làm gì ngoài chịu đựng trong khi đứa trẻ có gắng giết cha của mình. Một hiện thực trần trụi, một hiện thực không được giải quyết sau hai chữ độc lập một hiện thực không được nhìn nhận dưới hai chữ dân chủ bình đẳng. Một hiện thực trái ngược với bức ảnh anh đã định nghĩa nó là nghệ thuật. Nghệ thuật là gì nếu khi đối diện với hiện thực, chúng đổ nát và méo mó. Độc lập là gì nếu chúng chỉ là cái cớ để ta chìm đắm trong những gì đã qua.

Khắc họa hai bức tranh về hiện thực, hai tác phẩm đem đến cho người đọc những điểm nhìn mới và đem đến những thông điệp lịch sử. Có lẽ chỉ dưới cái nhìn của nghệ thuật, những ngày tháng đã qua mới có thể hiện lên toàn vẹn là chính nó với những hiện thực bề nổi và những tiềm lực.

Trên đây là phần trình bày của tôi về việc so sánh, đánh giá hiện thực trong hai tác phẩm “Hai đứa trẻ” và”Chiếc thuyền ngoài xa”. Mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Top 10 Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện lớp 12 (điểm cao)

Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - mẫu 3

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………………. Học sinh lớp….. Trường ………………………….

Viết về dòng sông, không ai dài hơi và độc đáo như Nguyễn Tuân với con sông Đà hung bạo và trữ tình, thâm hiểm mà bao dung. Hoàng Phủ Ngọc tường cũng góp vào đề tài ấy một hình ảnh con sông Hương hiền hòa và man dại, dịu dàng mà cuông nhiệt, không kém phần đặc sắc. Trong dòng chảy bất tận, người đọc nhận thấy sông Hương sông Đà có những điểm hợp lưu kì thú.

“Độc đáo” là những nét riêng biệt, khác lạ được thể hiện qua cách nhìn cũng như nghệ thuật miêu tả của nhà văn. Hai bài kí “Người lái đò sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” đã xây dựng được những hình tượng dòng sông mang những nét độc đáo đầy hấp dẫn, thú vị.

Trong đoạn trích “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân tập trung tô đậm nét hung bạo, dữ dội của sông Đà, hình dung dòng sông ấy như kẻ thù hiểm độc và hung ác. Trước hết, nét hung bạo ấy có thể thấy rõ qua diện mạo khác thường của dòng sông. Đó là cảnh “đá bờ sông dựng đứng vách thành” mà “mặt sông chỉ đúng lúc ngọ mới có mặt trời”, vách đá chen lòng sông như một cái “yết hầu” hay “có chỗ con nai con hổ có thể vọt từ bờ bên này sang bờ bên kia”. Một nét đẹp thực hùng vĩ của bờ đã ven sông Đà! Cùng với đó là hình ảnh của sóng nước trên mặt ghềnh Hát loóng“dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”.

Trong tùy bút “Sông Đà”, Nguyễn Tuân đã có biệt tài miêu tả gió và ở đây để tả gió ông đã sử dụng từ ngữ vô cùng độc đáo “gùn ghè”. Ta tự hỏi sao tác giả không dùng chữ “gầm ghè” mà lại phải là “gùn ghè”? Đọc câu văn tên ta cảm nhận được cái “gùn ghè” ấy vừa mang sắc thái “gầm ghè” vừa gợi được thời gian dài đắng đẵng tạo nên sự ám ảnh da diết, ám ảnh về hinh tượng con sông Đà đầy hung bạo.

Và điều đặc biệt khiến người đọc không thể bỏ qua đó là những cái hút nước sông Đà đầy dữ dội: “Trên sông bỗng có những cái hút nước, giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu”. Xen lẫn vào đó có cả những ấn tượng đáng sợ: “Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ… Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô lý là những cái giếng ấy nó lôi tuột xuống… thuyền trồng cây chuối ngược rồi vụt biến đi”.

Nhà văn cho người đọc thêm một góc nhìn khi đặt mình vào vị trí một nhà quay phim để thấy hết cảm giác về những hút nước dữ dội ấy. Con sông Đà hung bạo bởi những thác nước dữ dội khiến người ta sợ hãi khi nghe tiếng nước từ xa rồi nhìn thấy khi đến gần. Từ xa là những âm thanh đặc biệt:“Tiếng thác nước nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, như là khiêu khích”. Khi đến gần “nó rống lên như một nghìn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng nứa nổ lửa”.

Âm thanh được tái hiện hết sức cuồng nộ cho thấy rõ “cái ngông” trong bút pháp nghệ thuật của nhà văn, trong sở thích khám phá những cảm giác mạnh. Độc đáo hơn khi sông Đà được miêu tả với vẻ đẹp hung bạo thể hiện qua tâm địa. Đá sông Đà vốn do thiên tạo nhưng con mắt nghệ sĩ của Nguyễn Tuân, nó còn biết bày thạch thủy trận. Con sông Đà vốn là sự vật vô tri bỗng thành binh tướng dũng mãnh, thành loài thủy quái khổng lồ. Qua sự miêu tả ấy của nhà văn đã là nổi bật lên sự tài hoa, tài trí của người lái đò. Mỗi lần vượt thác của ông là mỗi lần ông phải chiến đấu mạnh mẽ với thần sông, thần đá.

Khác với Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường tự chọn cho mình lối chơi“độc bạch”, thiên nhiều về tư duy hướng nội, lắng đọng suy tư để miêu tả hình tượng sông Hương. Chính vì thế, sông Hương được tô đậm ở nét trữ tình, thơ mộng, gợi cảm và nữ tính, luôn mang dáng vẻ của một người con gái xinh đẹp, mong manh có tình yêu say đắm.

“ở thượng nguồn sông Hương như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại… rừng già đã hun đúc cho nó bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và phóng khoáng”. Tác giả đã miêu tả sông Hương ở thượng nguồn với sức sống mãnh liệt, hoang dại nhưng cũng dịu dàng, say đắm. Dòng sông đã được thổi bằng ngọn gió tâm hồn dạt dào, nhạy cảm, liên tưởng tự do, phong phú. Khi ra khỏi rừng, sông Hương được thay đổi tính cách “sông như chế ngự được bản năng con gái để mang một vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa cho một vùng văn hóa xứ sở”.

Sông Hương đã trở thành niềm tự hào của Huế vì vậy khi nhắc về nó thông thường người ta hình dung đến gương mặt kinh thành đầy trữ tình như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm tận về nguồn cội để phát hiện bản chất của cô gái Di – gan, sự cá tính mạnh mẽ, bản lĩnh, gan dạ vững vàng… Đó là một phát hiện đấy lí thú về một dòng sông quen thuộc. Miêu tả sông Hương, nhà văn không nhìn nhận nó trong tư thế độc lập mà đặt trong mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với kinh thành Huế. Dòng sông mang linh hồn và cảm xúc như một tình nhân trên hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực.

Qua đoạn chảy xuôi tìm đường trở về thành phố, sông Hương đã vượt qua những giới hạn khắc nghiệt để chứng tỏ tình yêu với Huế. Nó lặng lờ, duyên dáng qua những khúc chuyển mình đầy mềm mại. “Nó kéo một nét thẳng thực yên tâm”, “nó uốn một cánh cung nhẹ sang cồn Hến như một tiếng vân không nói của tình yêu”.

Đã có bao đêm sông Hương tình tự bên thành phố thân yêu của mình để rồi đến lúc phải rời đi nó lại chẳng muốn chia xa mà bịn rịn, quyến luyến. Sông Hương gặp lại thành phố Huế ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ như để nói một lời thề chung thủy với mảnh đất cố đô. Lời thề ấy vang vọng khắp lưu vực sông Hương thành giọng hò dân gian, là tấm lòng của người dân Châu Hóa xưa mãi chung tình với quê hương, xứ sở. Một cái nhìn nghệ sĩ tài hoa, đa tình mà có lẽ chỉ riêng Hoàng Phủ Ngọc Tường mới có được!

Có thể thấy cả hai nha nhà văn đều xuất phát từ chỗ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên qua hình tượng dòng sông nổi tiếng đã từng là nguồn cảm hứng của nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Đó là lí do hai tác phẩm có thật nhiều nét tương đồng.

Trước hết, sông Đà và sông Hương đều được các tác giả miêu tả như một nhân vât trữ tình có tâm hồn, tích cách với những đặc trưng riêng biệt. Sông Đà vốn được biết đến là một con sông dữ dội lắm thác nhiều ghềnh nhưng dưới ngòi bút tài hoa, yêu thích cái đẹp của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như kẻ thù số một của con người. Đá sông biết bày thạch thủy trận chiến đấu với người lái đò, biết sử dụng binh pháp, mưu lược để lật đổ những chiếc thuyền. Có khi sông Đà lại được nhìn như người con gái với mái tóc dài duyên dáng, yêu kiều.

Cùng với đó, sông Hương được Hoàng Phủ Ngọc Tường khắc họa như một người con gái, người mẹ phù sa, người tình với Huế. Sông Hương cùng với dòng chảy của nó như những nét tâm trạng không nói nên lời trong tình yêu của người con gái. Chính vì vậy mà người đọc mỗi trang văn dù miêu tả thiên nhiên nhưng ta vẫn thấy thấm đượm hồn người sâu sắc.

Không chỉ vậy, cả hai dòng sông đều được nhìn nhận, đánh giá ở hai phương diện đối lập hung bạo – trữ tình để thấy chúng là những sinh thể thống nhất. Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội trước đó, sông Đà cũng mang những nét thơ mộng, trữ tình đầy mới lạ.

Nhìn từ trên cao xuống “con sông tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân”. Mảnh đất uốn lượn nơi đầu nguồn Tây Bắc đã gợi liên tưởng đến dáng hình người thiếu nữ với mái tóc dài thướt tha. Màu nước sông Đà thay đổi theo mùa: “mùa xuân dòng xanh màu ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa”.

Nhà văn đã cảm nhận sông Đà bằng cả niềm yêu nước và tự hào dân tộc. Cảnh đẹp bên bờ sông trầm mặc và cổ kính. Với vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình ấy, Nguyễn Tuân đã khéo léo đặt cho con sông một cái tên đầy ý vị “tình nhân chưa quen biết”.

Cũng như sông Đà, sông Hương trước khi mang vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn, nó đã vô cùng dữ dội ở phía thượng nguồn. Bắt nguồn từ Trường Sơn hùng vĩ, nơi có rừng già, vực sâu, ghềnh thác, cây cối rậm rạp,… bởi vậy giống như bao dòng sông khác chảy qua đại ngàn, sông Hương có lưu tốc rất mạnh. Tác giả cho rằng “nếu chỉ ngắm khuôn mặt kinh thành sẽ không hiểu bản chất sông Hương, phần tâm hồn sâu thẳm của nó bởi dòng sông đã tự giấu mình, đóng kín ở cửa rừng…”. Nơi đầu nguồn của dòng chảy, dòng sông ấy đã từng là một bản trường ca của rừng già trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm. Vậy mới thấy được dù độc đáo nhưng sông Đà, sông Hương vẫn có điểm hợp lưu.

Một đặc điểm biệt không thể không kể đến đó là ngòi bút miêu tả tài hoa, uyên bác của hai nhà văn khi viết về hai dòng sông. Cả hai đều được miêu tả trên phương diện văn hóa, thẩm mĩ. Sông Đà là nơi hội tụ hai nét đẹp tiêu biểu, đặc trưng của thiên nhiên Tây Bắc vừa hùng vĩ, dữ dội vừa trữ tình, nên thơ.

Còn sông Hương, đó còn là dòng sông của âm nhạc, dòng sông của thi ca, lịch sử gắn liền với những nét đặc sắc về văn hóa, vẻ đẹp của người dân xứ Huế. Người đọc còn được thưởng thữ và chiêm ngưỡng cái đẹp trên nhiều lĩnh vực qua ngòi bút đầy uyên bác của nhà văn. Từng khía cạnh được miêu tả đều cho thấy vốn tri thức phong phú, sâu sắc. Tất cả làm nên vẻ đẹp ấn tượng đặc sắc cho mỗi tác phẩm.

Vậy do đâu mà ở cả hai hình tượng dòng sông lại có những điểm chung và nét riêng độc đáo ấy? Phải chăng bởi tấm lòng say mê trước vẻ đẹp đất nước, tự hào trước thắng cảnh non sông mà hai nhà văn đã thấy ở hai dòng sông đó nhiều điểm chung như vậy? Cùng với đó, cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn đã khiến cho hai tác phẩm dù có chung đề tài nhưng vẫn mang những nét độc đáo hấp dẫn riêng không thể trộn lẫn. Một nghệ sĩ lãng tử ham xô dịch, ưa cảm giác mạnh; một triết nhân lịch lãm. Họ như vắt kiệt cả“bầu máu nóng”, đem cả tâm hồn và tài năng của mình để viết nên những áng văn chương còn mãi với muôn đời.

Cùng đổ ra biển lớn, cùng hòa nước vào đại dương mênh mông nhưng chắc chắn người đọc sẽ không thể nào quên những hành trình riêng mà sông Đà, sông Hương đã chảy trong thế giới văn học. Chính những điểm gặp gỡ ấy càng làm nổi bật nét riêng độc đáo của mỗi hình tượng, mỗi nhà văn; nét độc đáo làm nên sức sống và linh hồn cho tác phẩm.

Trên đây là phần trình bày của tôi về việc so sánh, đánh giá vẻ đẹp dòng sông Việt Nam qua hai tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” và “Người lái đò sông Đà”. Mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Trình bày kết quả so sánh, đánh giá hai tác phẩm truyện - mẫu 4

Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là …………………. Học sinh lớp….. Trường ………………………….

Việc sử dụng yếu tố kì ảo của hai tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” và “Thạch Sanh” có nhiều điểm tương đồng. Trước hết, trong cả hai tác phẩm Chuyện chức phán sự Đền Tản Viên và truyện cổ tích Thạch Sanh đều xuất hiện những nhân vật kì ảo, không có thật. Trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên, hình ảnh các nhân vật kì ảo được miêu tả vô cùng chi tiết, ẩn giấu những ý nghĩa như hồn ma tướng giặc Bách hộ họ Thôi là tên tướng bại trận của Bắc Triều, cái hồn bơ vơ ở Nam Triều, tranh miếu chiếm đền Thổ Công. Đây là hiện thân của cái ác, lừa lọc, giả dối. Hay hình ảnh nhân vật Thổ Công giữ chức Ngực sự đại phu từ thời Lý Nam Đế, chết vì cần vương.. Diêm Vương là người đứng đầu Minh ti, trực tiếp phán xử vụ án giữa Tử Văn và hồn ma tướng giặc. Đây đều là những nhân vật kì ảo, không có thực, góp phần thể hiện cốt truyện. Còn trong truyện cổ tích Thạch Sanh, cũng có những nhân vật không có thực, chỉ tồn tại trong thế giới cổ tích như: Ngọc Hoàng, thái tử, chằn tinh.. , đồ vật thần kì như niêu cơm thần ăn mãi không hết, tiếng đàn giúp cho Thạch Sanh được giải oan. Tiếp đó, sự tương đồng còn được thể hiện trong mô típ của cả hai tác phẩm: vong hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết, trong thế giới thần linh có sự phân chia Thiện- Ác… Đây là mô típ với những tình tiết khá quen thuộc xuất hiện trong nền văn học Việt Nam từ thể loại truyện cổ tích thần kì tới truyện truyền kì.

Mặc dù vậy, yếu tố kì ảo được sử dụng có những điểm khác biệt nhất định. Đầu tiên, sự xuất hiện của nhân vật chính trong cả hai tác phẩm: Truyện Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên với nhân vật chính là Ngô Tử Văn, được tác giả giới thiệu vô cùng cụ thể: tên, nơi sinh gắn với những địa điểm có thật “huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang”. Truyện cổ tích Thạch Sanh, nhân vật chính Thạch Sanh có nguồn gốc xuất thân kì ảo: Là thái tử do Ngọc hoàng cử xuống đầu thai làm con của hai vợ chồng già nghèo khó nhưng tốt bụng luôn giúp đỡ mọi người…Tiếp đó, sự khác nhau được thể hiện trong kết thúc truyện: Nếu như trong Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên, Tử Văn trở về, nhận chức phán sự đền Tản Viên thì ở truyện cổ tích Thạch Sanh, Thạch Sanh được kết duyên với công chúa và được truyền lại  ngôn vua. Hơn thế nữa, về giá trị của tác phẩm được thể hiện qua mô típ chuyện cũng có nhiều điểm riêng biệt: Truyện cổ tích Thạch Sanh đã đề cao triết lý sống: “ ở hiền gặp lành”, kẻ ác phải chịu báo ứng còn trong Chức phán sự đền Tản Viên đề cao sự cứng cỏi, can đảm của kẻ sĩ, đấu tranh tìm sự công bằng không phải cho mình mà cho người yếu thế.

Qua sự phân tích, đánh giá giữa những điểm tương đồng và khác biệt, ta có thể thấy yếu tố kì ảo trong thể loại truyền kì là sự kế tục của thể loại văn học dân gian: Sự xuất hiện của những nhân vật kì ảo không có thực hay là mô típ truyện có những chi tiết hoang đường, huyền ảo như: người chết sống lại, thế giới thần linh cũng phân chia thiện ác… Dòng truyện kì ảo trung đại, dù vẫn còn mang bóng dáng của văn học dân gian, nhưng đây là những sáng tác đậm dấu ấn cá nhân của tác giả, gắn liền với sự bừng ngộ, sự ý thức của con người đối với hiện thực. Cảm hứng của Nguyễn Dữ khi sáng tác Truyền kì mạn lục là lấy cái “ kì” để nói cái “ thực”.. Vì lẽ đó, yếu tố kì ảo được sử dụng như một phương thức kể chuyện khiến câu chuyện trở nên hấp dẫn, sinh động. Ngoài ra, yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực đan xen vào nhau, cùng tồn tại để bộ lộ tư tưởng của tác giả. Điều này khác với truyền cổ tích Thạch Sanh khi mà yếu tố kì ảo có vai trò to lớn, không thể thiếu trong sự phát triển tình tiết, giải quyết xung đột: chiếc đàn thần, niêu cơm của Thạch Sanh….

Trên đây là phần trình bày của tôi về việc so sánh, đánh giá việc sử dụng yếu tố kì ảo trong hai truyện “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” và “Thạch Sanh”. Mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn. Cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.

Xem thêm các bài văn mẫu 12 Kết nối tri thức hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


Giải bài tập lớp 12 Kết nối tri thức khác
Tài liệu giáo viên