Top 30 Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (điểm cao)
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội lớp 12 hay nhất, ngắn gọn giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 1)
- Dàn ý Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 2)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 3)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 4)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 5)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 6)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 7)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 8)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (mẫu 9)
- Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (các mẫu khác)
Top 30 Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội (điểm cao)
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 1
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu nói chung môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Việt Nam cũng nằm trong tình trạng này trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế. Do vậy, bảo vệ môi trường nước và đất là một trong những vấn đề quan trọng được Đảng và Nhá nước ta rất quan tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
2. Giải quyết vấn đề
Vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay chính là ô nghiễm tài nguyên đất và tài nguyên nước sạch. Đảm bảo vệ đất canh tác cần quy hoạch sử dụng đất hợp lí, hạn chế chuyển đổi đất canh tác, đặc biệt là trồng lúa nước thành đất công nghiệp, đất đô thị. Tiếp tục bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn các chính sách và pháp luật về việc sử dụng, quản lí đất; lồng ghép tốt chính sách quốc gia với các kế hoạch hành động quốc tế về việc chống thoái hóa và sử dụng đất bền vững.
Với vấn đề môi trường nước nên đặc biệt chú ý xây dựng những nhà máy lọc rác thải, chất thải trước khi thải ra sông, hồ để tránh gây ô nhiễm và hại chết hệ sinh thái ở sông, hồ, biển. Nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về sử dụng hợp lí, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước; khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn nước.
3. Kết luận
Tóm lại, việc bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề của Đảng, Nhà nước, các ban ngành mà còn là của chính mỗi cá nhân người dân. Môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe và đời sống tâm lí của mỗi người. Việc đưa ra báo cáo chỉ là một phần của vấn đề trong xã hội ngày nay giúp độc giả nhận thấy đây chính là một vấn đề vô cùng cấp bách và cần có sự chung tay của cộng đồng để xây dựng một môi trường sống xanh đẹp hơn.
3. Chỉnh sửa, hoàn thiện
Tiến hành rà soát và hoàn thiện bài viết trên hai phương diện:
- Về nội dung, các tiểu mục của bài viết cần tường minh, đầy đủ, các luận điểm được triển khai rõ ràng.
- Về hình thức, bài viết được trình bày đúng quy cách của một báo cáo nghiên cứu, đặc biệt là có các tài liệu tham khảo được tách thành phần riêng; các phương tiện phi ngôn ngữ dược thể hiện hợp lí; chính tả, diễn đạt đảm bảo chuẩn mực.
Dàn ý Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội
a. Đặt vấn đề
- Nêu rõ đề tài và vấn đề nghiên cứu.
b. Giải quyết vấn đề
- Trình bày các kết quả nghiên cứu chính thống qua hệ thống luận điểm, có các dữ liệu, bằng chứng.
c. Kết luận
- Khẳng định kết quả nghiên cứu và ý nghĩa của vấn đề nghiên cứu, gợi mở những hướng tiếp cận mới.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 2
Trong thời đại số hóa, người nổi tiếng trên mạng xã hội đã trở thành một hiện tượng quan trọng, được biết đến và theo dõi rộng rãi. Những người này thường có những đặc điểm riêng biệt, được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng mạng xã hội. Sức ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội có thể có các tác động lớn với những người dùng khác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một số người nổi tiếng có thể sử dụng sự ảnh hưởng này để tạo ra thông điệp sai lệch, gây tranh cãi, hoặc thậm chí lan truyền tin tức giả mạo bao gồm sự quấy rối, đe dọa, hoặc xâm phạm quyền riêng tư. Điều này có thể gây mất cân bằng và căng thẳng trên mạng xã hội và cộng đồng. Để có thể xây dựng môi trường mạng xã hội lành mạnh, một trong những nội dung quan trọng đó là phải nhận thức rõ sự cần thiết quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
1. Khái quát về hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Được hình thành từ sự phát triển của công nghệ thông tin và internet, mạng xã hội là một khái niệm phổ biến trong xã hội hiện đại. Từ điển Oxford định nghĩa: “mạng xã hội là một trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng điện tử mà qua đó người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng cách thêm thông tin, tin nhắn, hình ảnh và các hình thức tương tự khác”(1). Dưới góc độ pháp luật Việt Nam, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đưa ra giải thích tại khoản 22 Điều 3: “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác”.
Hiện tại có rất nhiều loại hình mạng xã hội để có thể phục vụ nhiều mục đích khác nhau, từ mạng xã hội cá nhân như Facebook và Instagram đến mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn; cả các nền tảng chia sẻ video như YouTube và TikTok. Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đến hết tháng 6/2021, có 829 mạng xã hội được cấp phép ở Việt Nam và tổng lượng người sử dụng tại Việt Nam của nhóm 10 mạng xã hội hàng đầu có thể đạt tới 80 triệu người(2).
Mạng xã hội đã thay đổi cách mà con người giao tiếp, tạo mối quan hệ và tiêu thụ thông tin, trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người trên khắp thế giới.
Trong môi trường mạng xã hội, định danh “người nổi tiếng” không chỉ giới hạn trong các nhóm như ca sĩ, diễn viên, chính trị gia hay doanh nhân. Mở rộng hơn, nó bao gồm cả những cá nhân có lượng người theo dõi đáng kể. Các hoạt động chủ yếu của họ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, TikTok. Hành vi của người nổi tiếng thường được theo dõi một cách cận cảnh bởi công chúng rộng lớn và phương tiện truyền thông. Các hành vi này có thể là chia sẻ nội dung cá nhân hoặc quảng cáo dịch vụ trên các nền tảng mạng xã hội nhằm mục đích tương tác với người theo dõi để thu hút sự chú ý và lan truyền thông điệp hoặc sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý hình ảnh, bảo vệ sự riêng tư và duy trì mối tương tác tích cực với người hâm mộ trong một môi trường trực tuyến có tính cách thù địch và theo dõi chặt chẽ. Hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội đang có sức ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng, bao gồm cả những tác động tích cực và tiêu cực.
2. Những tác động tích cực
Người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể dùng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng. Bởi họ có rất đông người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội nên họ có thể dựa vào tầm ảnh hưởng của mình đối với công chúng để truyền tải những thông điệp tốt đẹp, quảng bá văn hóa đặc sắc đến một lượng lớn người hâm mộ.
Tầm ảnh hưởng của họ không chỉ giúp nâng cao nhận thức và giáo dục mà còn thúc đẩy những hành động tích cực và tạo động lực cho sự thay đổi trong xã hội. Người nổi tiếng trên mạng xã hội có vai trò quan trọng trong việc định hình một xã hội tốt đẹp hơn thông qua tầm ảnh hưởng của họ. Điển hình là Hoa hậu Hòa bình Thế giới năm 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên đã dùng sức ảnh hưởng của mình để tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng như khơi dậy tình yêu thương trong xã hội bằng cách kêu gọi mọi người quyên góp để giúp những người khó khăn có thể vượt lên chính mình hay việc khơi dậy sự nhiệt huyết trong nhiều bạn trẻ để có thể tiếp tục chiến đấu, trau dồi bản thân vì ước mơ của chính họ.
Không chỉ vậy, người nổi tiếng trên mạng xã hội thường được xem là mô hình lý tưởng cho những người theo đuổi ước mơ và khao khát sự thành công. Bằng cách chia sẻ câu chuyện cá nhân về sự đối mặt với khó khăn và phấn đấu để thực hiện mục tiêu, họ truyền cảm hứng và động viên người khác tự vươn lên; thúc đẩy tinh thần lạc quan và lối sống tích cực thông qua thông điệp, hình ảnh và trải nghiệm cá nhân của họ.
Ngoài việc tạo ra những hình tượng, thương hiệu cá nhân, những người này còn tạo ra những giá trị trong cộng đồng như dựa vào hình ảnh của bản thân để giúp những thương hiệu khác phát triển, từ đó cũng tạo ra không ít những công việc mới, cơ hội mới cho những người xung quanh.
3. Những tác động tiêu cực
Người nổi tiếng có thể có lúc không kiểm soát được hành vi của mình đã chia sẻ những thông tin không lành mạnh. Với người nổi tiếng trên mạng xã hội có lượng theo dõi và tương tác cao, đặc biệt là nhóm những người nổi tiếng lĩnh vực đòi hỏi sự uy tín và sức ảnh hưởng như chính trị, khoa học…, thông tin họ chia sẻ không chỉ có độ phổ biến mà còn tạo sự tin tưởng cho những người theo dõi và có thể tạo thành một trào lưu. Nếu thông tin giả mạo được đăng lên bởi những người này có thể lan truyền nhanh chóng và ảnh hưởng đến người hâm mộ, đặc biệt là các đối tượng trẻ tuổi. Điều đó có thể gây nên những hệ lụy lớn cho xã hội.
Ví dụ như trường hợp của “giang hồ mạng” Ngô Bá Khá (Khá “Bảnh”) xảy ra vài năm trước đây. Đối tượng đã đăng tải trên trang facebook cá nhân những clip, hình ảnh thể hiện lối sống ăn chơi thiếu lành mạnh. Không dừng lại đó, Khá có những phát ngôn, livestream (trò chuyện trực tiếp) chia sẻ những quan điểm lệch lạc trong lối sống. Thậm chí việc phải cải tạo trong trường giáo dưỡng (đối tượng phạm tội trong độ tuổi vị thành niên) do đánh người gây thương tích cũng được Khá thêu dệt, thổi phồng theo chiều hướng “xã hội đen” nhằm tạo dựng sự nổi danh trên mạng xã hội. Hành vi của Khá trên mạng xã hội phần nào đã kích động tính tò mò của một bộ phận giới trẻ, nhất là lứa tuổi học trò(3)
Tác động tiêu cực của người nổi tiếng trên mạng xã hội không chỉ giới hạn ở mức lan truyền thông điệp tiêu cực mà còn có thể gây tác động đến tâm lý và tinh thần của họ cũng như người dùng mạng xã hội nói chung. Một khía cạnh đặc biệt quan trọng là mối quan hệ phụ thuộc giữa người nổi tiếng và người hâm mộ của họ, khi tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể là một trong những yếu tố khiến người hâm mộ trở nên nghiện mạng xã hội.
Không thể phủ nhận rằng sự nổi tiếng trên mạng xã hội cũng đi kèm với những rủi ro liên quan đến quyền riêng tư và an ninh trực tuyến là xâm phạm quyền riêng tư và quấy rối trực tuyến, khi thông tin cá nhân của họ trở nên dễ dàng tiếp cận. Họ có thể bị theo dõi, đánh giá và bị xâm phạm quyền riêng tư thông qua việc lục lọi thông tin cá nhân hoặc lấy cắp hình ảnh riêng tư. Sự xâm phạm quyền riêng tư này có thể dẫn đến việc rò rỉ thông tin cá nhân, làm hỏng hình ảnh và danh tiếng của họ và gây ra sự phiền toái tinh thần cũng như mất an ninh cá nhân. Người nổi tiếng trên mạng xã hội thường trở thành mục tiêu của quấy rối trực tuyến, khi các người hâm mộ hoặc người dùng khác gửi thông điệp xúc phạm, đe dọa hoặc xâm phạm đến họ. Quấy rối trực tuyến có thể bao gồm những hành động công khai, có chủ đích như gửi thông điệp kỳ thị, bình luận xúc phạm dưới các bài đăng khi trực tuyến nhằm công kích họ. Điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của người nổi tiếng, gây ra sự lo lắng, căng thẳng và trầm cảm. Những tấn công như vậy có thể dẫn đến việc lộ thông tin nhạy cảm hoặc bị kiểm soát trái phép, gây ra sự lo sợ, mất an ninh trực tuyến và ảnh hưởng đến trật tự xã hội.
4. Sự cần thiết phải quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và tạo ra tác động xã hội, việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên các nền tảng này không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là một phần quan trọng của việc duy trì sự uy tín, trách nhiệm xã hội và tương tác tích cực với đại chúng. Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội tích cực nhất trên thế giới với khoảng 76,95 triệu người, chiếm 78,1% dân số. Tuy nhiên, theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) do Microsoft công bố nhân ngày Quốc tế An toàn internet, nước ta lại xếp trong “top” 5 những nước có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội kém nhất trên thế giới(5). Đây là tình trạng đáng báo động cho các nhà chức trách, những chủ thể quản lý trong việc xây dựng một không gian mạng an toàn, văn minh cho người dùng trong nước và quốc tế.
Thứ nhất, việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội giúp duy trì một môi trường trực tuyến lành mạnh và an toàn cho tất cả mọi người. Những người theo dõi, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên có thể coi người nổi tiếng trên mạng xã hội trở thành hình mẫu cho các hành động và quyết định của họ. Mặc dù sự ngưỡng mộ của công chúng là sự xác nhận rõ ràng về giá trị cá nhân của người nổi tiếng, nhưng trong một thế giới mà người nổi tiếng hiếm khi bị nói “không”, xu hướng họ coi mình là trung tâm có thể xảy ra. Sự độc lập và quyền lợi ảo khiến người nổi tiếng dễ dàng đưa ra các quyết định mà không cân nhắc(6). Nếu người nổi tiếng trên mạng xã hội không được quản lý một cách cẩn thận, họ có thể lan truyền thông điệp không tốt đến cộng đồng mạng, dẫn đến những hậu quả tiêu cực như tăng cường hành vi bạo lực, gây gổ hoặc quấy rối trực tuyến.
Thứ hai, việc quản lý người nổi tiếng trên mạng xã hội có thể bảo đảm rằng thông tin và tin tức được chia sẻ là đáng tin cậy và đúng sự thật. Đặc biệt với các nền tảng mạng xã hội, thông tin có thể truyền tải rất nhanh và dễ dàng lan truyền. Nếu người nổi tiếng chia sẻ thông tin sai lệch hoặc không đáng tin cậy có thể gây ra sự hiểu lầm và rối ren trong xã hội. Do đó, việc theo dõi và quản lý thông tin mà họ chia sẻ có thể giúp bảo đảm tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin trên mạng xã hội.
Thứ ba, quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội cũng giúp bảo vệ chính họ khi phải đối mặt với việc xâm phạm quyền riêng tư trên mạng xã hội. Những người nổi tiếng không chỉ có được lợi ích mà còn nguy hiểm từ “sự thân mật ảo tưởng” (Horton & Wohl, 1956)(7) do phương tiện truyền thông điện tử tạo ra. Một số người hâm mộ sẽ mong muốn điều này đến mức cực đoan và đây là những kẻ theo dõi nguy hiểm tiềm tàng mà những người nổi tiếng phải tự bảo vệ mình(8). Việc quản lý hành vi giúp họ bảo vệ thông tin cá nhân, tránh bị tiếp cận trái phép và bảo đảm rằng họ không vi phạm các quy tắc và luật pháp liên quan đến truyền thông và quảng cáo. Từ đó, họ có thể duy trì sự đáng tin cậy và tạo ra cơ hội nghề nghiệp và kinh doanh cho người khác.
5. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội
Dưới tác động mạnh mẽ của người nổi tiếng trên mạng xã hội cùng với việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, cấp thiết hơn, nhóm tác giả xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội ở Việt Nam như sau:
Nâng cao ý thức cho người dùng mạng xã hội
Để quản lý hiệu quả hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội, cần xây dựng và phát triển một môi trường mạng xã hội lành mạnh. Việc định hướng, giáo dục về an toàn trực tuyến, quyền riêng tư hay hậu quả của hành vi trực tuyến có thể giúp người nổi tiếng và cộng đồng những người dùng mạng xã hội hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc thể hiện hành vi một cách tích cực và nhận thức được trách nhiệm của mình trên các nền tảng mạng xã hội, tránh các hành vi “lệch chuẩn”. Đây là giải pháp có hiệu quả lâu dài nhằm nâng cao nhận thức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội một cách toàn diện, từ đó giúp mỗi người dùng xây dựng được bộ lọc của cá nhân mình.
Hoàn thiện chính sách
Tạo ra các chính sách và quy định rõ ràng là giải pháp quan trọng để thắt chặt việc quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Điều này có thể bao gồm việc xác định rõ ràng các hành vi vi phạm cụ thể và thiết lập các biện pháp kỷ luật phù hợp để bảo đảm tuân thủ. Hiện nay, mặc dù một số quy tắc ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội đã được ban hành nhưng có vẻ chưa đủ hiệu quả vì không có chế tài xử lý mạnh mẽ. Mức phạt với mỗi hành vi tung thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội chỉ từ 10-20 triệu đồng(9), đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh, sửa đổi chế tài xử lý các vi phạm theo hướng tăng nặng mức độ, hình thức xử lý. Tuy nhiên, các chính sách và quy định cần bảo đảm sự minh bạch và công bằng, đồng thời cũng cần phải được thiết lập dựa trên các nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Bằng cách này, những người nổi tiếng trên mạng xã hội sẽ có được một khung pháp lý cụ thể để tuân thủ, giúp họ tránh những hành vi có thể gây hậu quả tiêu cực.
Nâng cao nguồn nhân lực quản lý nội dung trên mạng xã hội
Yếu tố nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh quản lý hành vi của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Với phạm vi hoạt động rộng rãi của người nổi tiếng, Nhà nước phải nâng cao về số lượng và chất lượng của các cơ quan, bộ phận chuyên môn để thực hiện các cuộc điều tra và phân tích dữ liệu từ các nền tảng mạng xã hội nhằm hiểu rõ xu hướng và hành vi của người nổi tiếng. Họ cần có kiến thức và kỹ năng để thu thập thông tin, đánh giá bằng chứng, xác định và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm của người nổi tiếng trên mạng xã hội.
Giải pháp kỹ thuật
Là giải pháp không thể thiếu trong thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển bởi cùng với việc thông tin lan truyền rộng rãi, vẫn còn tồn đọng những khó khăn trong việc kiểm soát, kiểm duyệt, lọc, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng, tích cực tìm kiếm, sáng chế ra những công cụ kỹ thuật hữu hiệu trong việc rà quét, kiểm duyệt những hình ảnh, video hay những nội dung được tung trên mạng xã hội để kịp thời đưa ra những chế tài xử lý thích hợp. Song song với việc sáng tạo ra công cụ kỹ thuật hữu hiệu, các chủ thể quản lý vẫn cần phải tích cực, nghiêm túc và chủ động trong việc quản lý, tìm kiếm, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm của những người nổi tiếng trên không gian mạng, nhằm tạo ra một không gian mạng an toàn cho những người dùng mạng khác trong xã hội.
Giải pháp với các nền tảng mạng xã hội
Cơ quan chức năng cần hợp tác với các nền tảng mạng xã hội để xử lý vi phạm và bảo đảm tuân thủ luật pháp. Sự hợp tác này có thể bao gồm việc xác định quy tắc và quy định chung, thỏa thuận về chia sẻ thông tin, cung cấp cơ hội tương tác, hỗ trợ trong công tác quản lý. Từ đó, tạo ra cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan như chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng để thực hiện các biện pháp quản lý hành vi của người nổi tiếng mạng xã hội.
Gần đây, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh xây dựng quy chế xử lý đối với người nổi tiếng cũng như tăng cường phát hiện và xử lý nghiêm những người nổi tiếng có hành vi vi phạm trên mạng xã hội, tuy nhiên trên mạng xã hội nhiều người nổi tiếng vẫn thực hiện một số hành vi “lệch chuẩn”. Sự răn đe kịp thời của pháp luật sẽ là lời cảnh báo để bất cứ ai cũng cần có ý thức thượng tôn pháp luật, dù ở đời thực hay trên không gian mạng để hướng tới môi trường mạng xã hội lành mạnh và văn minh cho tất cả người dùng.
Tài liệu tham khảo
1) Oxford English Dictionary. s.v. “social media, n.”, https://doi.org/10.1093/OED/5718206998, ngày 09/9/2023.
(2) Lan Phương (2021), Chỉ mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream, https://baochinhphu.vn/chi-mang-xa-hoi-co-giay-phep-moi-duoc-cung-cap-dich-vu-livestream-102295749.htm, ngày 10/9/2023
(3) Thu Thủy (2019), “Hiện tượng Khá Bảnh” là rất nguy hiểm, “cực kỳ không tốt” trên mạng xã hội, https://cand.com.vn/Su-kien- Binh-luan-thoi-su/Bo-cong-an-bat-Kha-banh-la-rat- mung-i515995/, ngày 10/9/2023.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 3
Minimalism (hay lối sống tối giản) đang ngày càng được giới trẻ yêu thích. Không chỉ trong việc trang trí nhà cửa, thời trang. Trào lưu này còn ảnh hưởng đến cả cách sống, cách suy nghĩ mang lại những thay đổi tích cực và trở thành trào lưu sống mới.
1. Minimalism và phong cách sống tối giản của người Nhật
Minimalism (chủ nghĩa tối giản) là một phong trào nghệ thuật ở New York (Mỹ) được chú ý và phát triển vào những năm đầu thập niên 1960. Ban đầu hình thức này chỉ phát triển trong 2 lĩnh vực chính là điện ảnh và âm nhạc. Dần dần nó đã trở nên phổ biến như một triết lý và một cách sống.
Và đó cũng là phong cách sống được ưa chuộng của người Nhật – Danshari. Tương truyền rằng, từ thời kỳ Edo, người Nhật Bản đã bị giới hạn bởi các luật lệ ngăn chặn sự khoe khoang của cải, vật chất và tài sản. Cùng với những đặc trưng về điều kiện địa lý, 30-50% nguyên nhân thương vong là do đồ đạc rơi vỡ. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản nhiều hơn đồ đạc, nội thất. Dần dần, Danshari đã trở thành lối sống và là biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của người Nhật.
2. Sống tối giản là chỉ cần vứt bớt đồ đạc?
Khi nhắc đến tối giản nhiều người nghĩ rằng: tối giản đồng nghĩa với vứt bớt đồ đạc để nhà gọn gàng hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là bước đầu tiên trong hành trình sống tối giản mà thôi.
Sasaki Fumio – tác giả của cuốn sách “Lối sống tối giản của người Nhật” – đã từng nói rằng: “Sống tối giản là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng… Nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta”.
Lối sống này có thể áp dụng ở rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống như:
Tối giản thông tin: chọn lọc những thông tin hữu ích và tích cực để theo dõi.
Tối giản mối quan hệ: tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết “chất lượng hơn số lượng”.
Tối giản giải trí: Chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị nhân văn, giá trị kiến thức…
Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là sống đơn giản, nhẹ nhõm, hạnh phúc hơn nhưng vẫn đủ đầy. Thay vì mua sắm thật nhiều thì lối sống tối giản khiến chúng ta mang những giá trị vào chính cuộc sống của mình. Tập trung vào những thứ quan trọng nhất khiến bạn cảm thấy thoải mái và hạnh phúc.
3. Vì sao Minimalism dần trở thành trào lưu của người trẻ toàn cầu?
Cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ khiến chúng ta để ý. Việc dành thời gian quan tâm đến bản thân và gia đình sẽ thành một điều xa xỉ. Áp lực về tài chính, mệt mỏi vì cứ chạy theo xu hướng. Sự cô độc, khoảng cách giữa người với người ngày càng tăng. Giới trẻ muốn tìm đến một phong cách sống đơn giản hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống từ vật chất đến tinh thần. Và đó là lúc Minimalism phát huy hiệu quả.
Minimalism giúp giới trẻ có một không gian sống rộng rãi và thoáng đáng. Bỏ đi những vật dụng không sử dụng, ít sử dụng và học cách sắp xếp căn phòng.
Minimalism giúp giới trẻ cân đối lại nhu cầu mua sắm của bản thân. Không mua món đồ chỉ vì thích mà không dùng tới, họ mua những thứ thật sự cần thiết. Không chạy theo thời trang, hàng hiệu họ hướng tới những trang phục mang tính ứng dụng nhiều hơn. Dần dần buông bỏ được nỗi ám ảnh về của cải vật chất để cảm thấy nhẹ nhàng, bình an hơn.
Minimalism không chỉ tác động đến cuộc sống hàng ngày mà còn giúp thanh lọc cả “đời sống tinh thần”. Giảm thời gian dọn dẹp, mua sắm nghĩa là dành được nhiều thời gian hơn cho bản thân. Tối giản thông tin, giải trí, từ chối các tin tức “lá cải” vô bổ. Tập trung tới những điều tích cực khiến tinh thần trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Tối giản những mối quan hệ giúp họ có được những sự gắn kết bền chặt.
Và một ý nghĩa cực kỳ quan trọng khác đó là Minimalism giúp mọi người đến gần hơn với mục tiêu của mình. Một cuộc sống đủ đầy và tự do là chính mình.
4. Các bước để bắt đầu rèn luyện lối sống tối giản
Bước 1: Buông bỏ những đồ vật không sử dụng trên 3 tháng
Hãy bắt đầu quan sát tất cả đồ vật trong căn nhà và lên danh sách những món đồ thực sự cần thiết. Bắt đầu từ tủ quần áo, giày dép, bàn, ghế, đồ gia dụng, chén bát… Những đồ vật không sử dụng trên 3 tháng, những bộ quần áo từ lâu nhưng chỉ mặc có 1, 2 lần hãy quyết tâm buông bỏ chúng.
Bạn nên dùng những món đồ đó để làm từ thiện hoặc đăng bán để thu về một khoản nho nhỏ. Nên nhớ, hãy mạnh dạn buông bỏ. Thực chất món đồ khiến bạn phải suy nghĩ nó không thực sự cần thiết như cách bạn nghĩ đâu.
Khi đồ đạc trong nhà đã giảm đi một cách đáng kể, bạn đã sẵn sàng sang bước thứ hai.
Bước 2: Sắp xếp lại không gian sống, chỉ trưng bày những đồ sử dụng thường xuyên
Một số tips giúp bạn sắp xếp lại đồ đạc một cách khoa học hơn:
- Chọn nội thất cơ bản và tối giản
- Ưu tiên hộp đựng đồ lặt vặt
- Đồng nhất màu sắc cho vật dụng
- Sắp xếp đồ đạc theo phương pháp gấp theo chiều dọc
- Phân loại và sắp xếp quần áo theo từng nhóm đồ đi làm, đi chơi, đi tiệc, ở nhà.
- Bố trí các vật dụng thường xuyên ở nơi dễ thấy
- Tận dụng mọi ngóc ngách
- Sắp xếp không gian nghỉ ngơi
- Luôn tạo thói quen cất đồ gọn gàng
Bước 3: Chi tiêu cẩn thận, có kế hoạch
Hãy lên danh sách chi tiêu trong một tháng và chỉ tiêu trong hạn mức cho phép. Trước khi mua một món đồ hãy trả lời 3 câu hỏi sau:
- Sản phẩm này sẽ sử dụng trong bao lâu?
- Sản phẩm này có sở hữu nhiều công dụng khác nhau?
- Sản phẩm này có sử dụng thường xuyên không?
Minimalism không có nghĩa là mua những món đồ rẻ để tiết kiệm. Nhiều khi việc mua đồ rẻ nhưng nhanh hỏng sau vài lần dùng thì càng khiến bạn tốn kém. Hãy mua đồ chất lượng để kéo dài thời gian sử dụng. Những người thực sự theo chủ nghĩa tối giản thường rất quan tâm đến tuổi thọ sản phẩm và tính hữu dụng.
Bước 4: Duy trì lối sống tối giản như một thói quen
Hãy lên kế hoạch dọn dẹp nhà 1 lần/tháng và duy trì lối sống này cho đến khi nó trở thành thói quen. Dần dần nó sẽ thay đổi những phương diện khác trong đời sống của bạn.
Minimalism đang mang đến những điều tích cực trong cuộc sống của người trẻ. Lối sống này giúp họ hiểu được rằng: “bí quyết để có được niềm vui không đến từ mong muốn sở hữu nhiều hơn, mà là từ sự thỏa mãn với những gì đang có”. Nếu mỗi ngày trôi qua bạn đang phải vật lộn với bao thứ bủa vây, mệt mỏi với cuộc sống. JinJoo Home hy vọng lối sống tối giản là một gợi ý để bạn có thể đến gần hơn với cuộc sống hạnh phúc mình mong muốn.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 4
Tóm tắt:
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu, quan sát, phỏng vấn để: xác định và đánh giá thực trạng tâm lý tự ti ở bộ phận các bạn trẻ Việt Nam ngày nay, từ đó đưa ra những giải pháp để cải thiện và vượt qua tâm lí tự ti cho các bạn.Khảo sát được thực hiện tại một trường thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
1. Mở đầu:
Ở Việt Nam nó riêng và Châu Á nói chung , dù chăm chỉ, tài giỏi và đầy tiềm năng, người trẻ hiện nay luôn cảm thấy bản thân không xứng đáng với những thành tựu đạt được.Phải chăng đó là thành quả của phương pháp giáo dục "thương cho roi,cho vọt" , hay trong mắt một số bậc phụ huynh Châu Á, con cái luôn là người “nói không suy nghĩ, làm không chắc chắn”; thậm chí nhiều cha mẹ cứ đặt ra tiêu chuẩn quá cao thiếu thực tế cho con cái mình. Hơn thế nữa,khi 1 đứa trẻ làm kiểm tra không tốt, cha mẹ cứ thế mà mắng mà phạt, quy vào tội “vi phạm kỷ luật”, giáo viên bắt phải đứng giữa lớp cho mọi người phê bình, không hề có sự tôn trọng nào đối với trẻ.....Thế hệ trẻ ngày nay trở thành đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Với những áp lực ấy, họ dần thấy sợ phải thử,phải làm và sợ vấp ngã,dần dần bị chìm nghỉm trong tâm lý tự ti,mặc cảm; để mặc nó nhấn chìm bản thân họ…Nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề này, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này nhằm mục đích tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi: Thực trạng tâm lý tự ti của các bạn trẻ hiện nay như thế nào? Yếu tố dẫn tới tâm lý tự ti và sự ảnh hưởng của tâm lí ấy đối với người mắc phải là gì? Cần có những biện pháp khắc phục để thay đổi tâm lý tự ti trong đời sống nào?
Các phương pháp nghiên cứu chính được sử dụng là: (1) quan sát một số bạn học sinh tại trường về các biểu hiện tâm lí, hành động hàng ngày, (3) phỏng vấn các bạn học sinh về tự ý thức bản thân có đang là đối tượng mắc tâm lý tự ti, (3) nghiên cứu tài liệu về tâm lý con người như Tâm Lý Học Hành Vi (Khương Huy), Giải Mã Hành Vi – Bắt Gọn Tâm Lý,...Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 03/2022 - 04/2022 tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, THPT Nguyễn Thị Minh Khai - Phúc Diễn,....
2. Nội dung nghiên cứu
2.1 Khái niệm tâm lý tự ti:
Tự ti hiểu đơn giản là một nét tính cách và chúng luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta,là một biểu hiện trạng thái hết sức bình thường ; nhưng nếu không sẵn sàng bước ra khỏi cái vỏ bọc đó, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy ám ảnh tâm lý và bị “nó” đánh gục. Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, khi đối mặt với một số người hoặc một số thời điểm nhất định, họ đều có chung cảm giác tự ti.Nguyên nhân của tâm lí ấy xuất hiện từ việc tất cả chúng ta đều mong muốn mình trở thành một phiên bản tốt nhất,hoàn hảo nhất. Tự ti là con dao hai lưỡi,đôi khi trạng thái tự ti là động lực thúc đẩy con người vượt lên khó khăn, hoàn thiện bản thân hơn; nhưng ngược lại nếu tự ti quá mức sẽ khiến chúng ta tự hạ thấp mình,coi nhẹ bản thân,nghi ngờ khả năng của mình,luôn cho rằng mọi người cười nhạo,chê bai mình rồi từ đó ngại giao tiếp,sống thu mình trong tập thể,….
2.2 Kết quả nghiên cứu và đề xuất
2.2.1. Thực trạng tâm lý tự ti của các bạn trẻ:
Thống kê được thực hiện ở 130 bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 – 17 tuổi cho thấy, có đến 9.4% bạn có biểu hiện sống khép kín,tự ti và mặc cảm.
Tâm lí tự ti có thể do áp lực từ việc học tập: áp lực về kết quả học tập không được như bản thân kỳ vọng, tự ti với bạn bè trong lớp. Đồng thời, học sinh còn thiếu các kỹ năng học tập nền tảng (kỹ năng đọc sách,thuyết trình, làm việc nhóm...) để thích nghi với sự thay đổi về mặt tâm sinh lý của mình.
Tự ti tuy chỉ là một nét tính cách và chúng luôn hiện hữu bên trong mỗi chúng ta, đó là một biểu hiện trạng thái hết sức bình thường ; nhưng nếu không sẵn sàng bước ra khỏi cái vỏ bọc đó, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy ám ảnh tâm lý và bị “nó” đánh gục, có thể thấy thiếu tự tin được xem như là “hòn đá” cản đường khiến bạn lỡ mất nhiều cơ hội thành công, không thể bước tiếp đến những mục tiêu, ước mơ của mình.
2.2.2. Đề xuất một số giải pháp để cải thiện và vượt qua tâm lí tự ti.
Đứng trước hệ quả mà tự ti gây ra,mỗi bạn trẻ nên có những giải pháp khắc phục tâm lý tự ti phù hợp với bản thân mình. Thêm vào đó, vai trò của gia đình, bạn bè và nhà trường cũng hết sức quan trọng đối với sự cải thiện này.
Mỗi bạn học sinh nên bắt đầu học cách giao tiếp, thêm vào đó, không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, đặt cho bản thân nhiều mục tiêu để phấn đấu hoàn thiện bản thân. Hơn nữa, các bạn nên học cách chấp nhận bản thân mình, không nên so sánh với người khác, luôn giữ vững lập trường.
Bạn bè đồng trang lứa nên tạo ra những cơ hội cùng nhau tham gia trong các hoạt động tập thể và cùng sẻ chia niềm vui,nỗi buồn,những khó khăn trong cuộc sống. Nhà trường và xã hội nên tạo thêm nhiều những hoạt động xã hội lành mạnh giúp các bạn dễ dàng thể hiện bản thân mình, trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân họ, đồng thời đó cũng là cơ hội để các bạn ấy được gặp gỡ và tương tác với những người khác cùng sở thích.
Cha mẹ nên xây dựng bầu không khí gia đình vui vẻ, hòa thuận, chia sẻ lẫn nhau, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, tôn trọng con cái, phát triển tính tự trọng am hiểu của con.
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Ngân (2022), Tự ti – vật cản lớn nhất trên con đường phát triển của Gen Z, báo Dân Trí.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 5
Minimalist lifestyle – lối sống tối giản đang trở thành trào lưu trong đời sống thế hệ trẻ bởi những sự đơn giản, cốt lõi và hướng bản thân đến những giá trị đích thực trong cuộc sống. Cùng với đó, không thể không nhắc đến việc lối sống tối giản đã giúp ích cho đời sống tài chính của Gen Z cải thiện và nhanh chóng đạt được sự tự do tài chính.
1. Minimalism và triết lý hạnh phúc: Less is More
Minimalism (tiếng Anh) hay Danshari (tiếng Nhật) là chủ nghĩa tối giản, lối sống đơn giản – là tối ưu hóa và loại bỏ những thứ không cần thiết ra khỏi cuộc sống. Đây là phong cách sống giúp bạn có thoát khỏi sự dư thừa, lãng phí về vật chất và “tạm biệt” những phiền toái, mệt mỏi về tinh thần để tập trung hơn về chính mình.
Có rất nhiều influencers như Helly Tống, Giang ơi, Chi Nguyễn (The Present Writer), The Hanoi Chamomile,… đã yêu thích, lựa chọn và lan tỏa lối sống hữu ích này.
Triết lý Less is More (tạm dịch Ít để nhiều hơn) được xem là triết lý xương sống của lối sống tối giản.
- Trong việc thiết kế nhà cửa, càng tối giản bạn càng có nhiều hơn không gian thoải mái.
- Trong thời trang, càng tối giản bạn càng trở nên thu hút theo chất riêng mình.
- Trong các mối quan hệ, càng tối giản bạn càng có được nhiều người bạn chất lượng.
- Trong việc chi tiêu, càng tối giản bạn càng có nhiều hơn sự dư dả và tránh sa đà hoang phí.
- Trong việc “xem gì – ăn gì – chơi gì”, càng tối giản bạn càng nhận được nhiều điều tích cực và tận hưởng niềm vui trọn vẹn.
Ngoài ra, nếu bạn là một “lính mới” trên thị trường đầu tư thì triết lý Less is More là điều bạn cần phải “niệm chú” mỗi ngày. Nếu chỉ nhìn vào việc nhiều phân tích từ các chuyên gia, nhiều lời mời gọi, nhiều người “nhảy hố” sẽ khiến bạn “đốt tiền” nhiều hơn và tăng nguy cơ rủi ro cao hơn.
Bạn chỉ cần thư giãn, hít thở thật sâu “chậm lại một nhịp”, quan sát kỹ lưỡng và “thả nhẹ” một số tiền nhỏ vừa đủ cho kênh đầu tư mới sẽ là giải pháp an toàn giúp ngân khố của bạn được bảo toàn nguyên vẹn.
2. Lợi ích khi “theo đuổi” Minimalist
Thoải mái sống với túi tiền dư dả
Đến với Minimalist lifestyle, nói không ngoa khi bạn có thể trở thành triệu phú nhờ lối sống tiết kiệm nhưng vẫn tràn ngập niềm vui này. Chỉ với một lý do “bé xinh”, bạn sẽ chi tiêu cần nhiều hơn thay vì chi tiêu muốn.
Một chiếc túi tote bằng vải vừa giúp bạn đựng được nhiều đồ đạc vừa giúp tái sử dụng nhiều lần sẽ là lựa chọn tối ưu hơn so với một chiếc túi xách hàng hiệu vài trăm triệu đồng chỉ để tạo dáng.
Những bộ quần áo chất lượng nhưng vẫn trông “high – fashion” vừa thể hiện được “trình” phối đồ đỉnh cao của bạn vừa giúp bạn trở thành nhà tiêu dùng thời trang bền vững.
Hay trong việc lựa chọn mua một lượng thức ăn và đồ sinh hoạt vừa đủ thay vì mua cả “lô” để rồi vì một lý do nào đó chúng sẽ nằm trong thùng rác vì quá hạn sử dụng ngay cả khi chưa được “bóc tem”. Biết đâu, nhờ việc sống tối giản, sức khỏe và vóc dáng của bạn sẽ được cải thiện “ngon lành cành đào” đáng kể đấy nhé!
Áp dụng lối sống tối giản trong chi tiêu là một trong những con đường đúng đắn đưa đến đích tự do tài chính và nghỉ hưu sớm, mang lại tâm lý thoải mái và hài lòng với cuộc sống chính mình, thay vì áp lực khi nhìn vào của cải vật chất của “con nhà người ta”.
Dẻo dai thể chất, vững mạnh tinh thần
Không thể không kể đến những lợi ích sức khỏe mà lối sống lành mạnh này mang lại, chúng ta chắc chắn sẽ có một cơ thể chắc khỏe và tinh thần minh mẫn.
Một không gian nhà ở sáng sủa, thoáng đãng sẽ giúp không khí thêm trong lành, loại bỏ đi những năng lượng xấu xí, cũ kĩ khiến ta trì trệ tâm trí lâu nay.
Một chiếc bàn làm việc sạch sẽ, tinh tươm với những vật dụng cần thiết sẽ giúp tập trung làm việc năng suất và cảm hứng tuôn chảy thật nhiều.
Một lịch biểu được sắp xếp gọn gàng với những cuộc hẹn “chất như nước” sẽ giúp lên “trình” hiểu biết, kết giao hữu ích và không phí hoài suy nghĩ vào những chuyện “chả đâu vào đâu”. Thậm chí, sẽ có nhiều thời gian vận động, tập thể dục cũng như chăm sóc lấy bản thân mình.
Một chiếc tủ lạnh đầy thức ăn có lợi cho sức khỏe sẽ giúp bạn có thêm những bữa ăn dinh dưỡng và một chiếc tủ quần áo ngăn nắp, ngay ngắn.
Đây đích thực là “Less is More”.
Rời khỏi những mối quan hệ độc hại và vô ích
Không chỉ là việc dọn dẹp không gian sống, đồ dùng vật chất mà khi theo đuổi lối sống tối giản này thì ta sẽ thanh lọc cả những mối quan hệ xung quanh mình. Có quá nhiều các “hội nhóm” nhưng chẳng bao giờ hoặc hiếm “lộ mặt” đi chơi, hãy đặt vào danh sách “Ít quan tâm”, nếu sẵn sàng hãy rời đi. Nếu không còn cảm thấy phù hợp với những buổi họp “phiếm”, “trà chanh chém gió”, hãy nói “Không”. Không muốn nhìn thấy newsfeed đầy rẫy những tin rác hoặc chẳng liên quan đến mối quan tâm, hãy unfollow những trang báo lá cải và những người bạn “lạ chưa từng quen”. Cảm thấy không muốn miễn cưỡng đi đến buổi tiệc nào đó và cũng chẳng có lý do gì để tham gia, có thể từ chối lời mời một cách lịch thiệp.
Từ khóa ở đây đó chính là “Chất lượng”, hãy nâng tầm chất lượng sống trước, những điều tốt đẹp hơn sẽ đến và đương nhiên, những thứ độc hại sẽ “ngả mũ đi về”.
Giúp yêu bản thân
Khi chẳng còn để tâm đến những điều không thiết thực trong đời sống, ta sẽ dần khám phá được những điều thú vị sâu bên trong mình. Động lực yêu bản thân bắt đầu từ đây!
Dành nhiều thời gian cho chính mình và người thân yêu hơn. Trân trọng bản thân và cảm thấy mình thật xinh đẹp làm sao. Dọn dẹp tâm trí khỏi những điều sai quấy, phiền nhiễu và không xứng đáng để mệt mỏi. Hãy nhớ, dù là ai thì việc yêu bản thân là điều khởi đầu cho quá trình hạnh phúc tự thân. Đôi khi, dành thời gian để “hiểu” sẽ là cách tốt nhất để “thương”.
3. Đi từng bước đơn giản để bắt đầu sống tối giản
Xác định mục đích của lối sống tối giản
Nếu chỉ chạy trào lưu, bắt trend hay để mình không “lạc lõng” thì thú thực lối sống không dành cho bạn.
Hãy ngồi xuống và xác định mục đích khi chính thức “đặt chân vào cửa” và trở thành một người theo chủ nghĩa Minimalism.
- Bạn muốn tiết kiệm nhiều hơn? Tài chính sẽ có những tiến triển tốt hơn?
- Bạn muốn loại bỏ đi nguồn năng lượng xấu và cũ và đến với niềm cảm hứng mới mẻ mỗi ngày?
- Bạn muốn tránh xa “chốn thị phi” phiền toái và có nhiều thời gian hơn cho mình?
- Bạn muốn nâng cấp bản thân và có thêm nhiều lợi ích sức khỏe?
Hãy thực sự suy nghĩ đến mục đích thật sự của bạn khi đến với lối sống này bởi bạn sẽ cần rất sự kiên nhẫn và một chút thời gian nho nhỏ để làm quen nhé! Một mục đích xác đáng sẽ là bước đầu cho mọi việc đúng đắn.
Lập bảng chi tiêu cẩn thận, có kế hoạch
Hãy lên kế hoạch chi tiêu thật chi tiết và vừa đủ trong 1 tháng đầu tiên. Bạn có thể dựa trên các nguyên tắc sau trước khi mua sắm:
- Bạn có thật sự cần thiết và mong muốn sở hữu món đồ này hay không?
- Món đồ này bạn có thể sử dụng trong thời gian bao lâu?
- Món đồ này có thể sử dụng với nhiều công dụng khác nhau không?
- Món đồ này có cần thiết và thường xuyên sử dụng không?
Dọn dẹp và giảm bớt những thứ không cần thiết
Hãy bắt đầu từng bước nhỏ nếu cảm thấy quá nhiều việc để làm cho lối sống tối giản này, bắt đầu với 1 góc nhà trước, ví dụ với căn phòng, tủ đồ hoặc góc học tập của mình.
Quần áo, giày dép, phụ kiện, sách vở,… nếu đã không sử dụng hơn 3 – 6 tháng thì có thể thanh lý, cho đi hoặc làm từ thiện nếu còn mới nhé! Nếu sáng tạo hơn nữa, bạn có thể sáng chế ra những món đồ “độc lạ” đó.
Tạo cho mình thói quen cất gọn đồ đạc trong nhà, tạo sự gọn gàng sẽ giúp nơi ở thêm sạch đẹp và thoáng mát hơn. Có thể phân loại đồ dùng theo từng nhóm để dễ dàng tìm kiếm lúc cần.
4. Tổng kết
Lối sống tối giản là một giải pháp hữu ích dành cho các bạn trẻ muốn tối ưu hóa các khía cạnh trong cuộc sống của mình. Đây chắc chắn là phong cách sống giúp mỗi người có được sự rủng rỉnh và sung túc trong tương lai.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 6
Hai thuật ngữ phong cách (style) và xu hướng (tendency/ ism (trường phái)…) luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm từ những người yêu thích nghệ thuật.
1. Phong cách và xu hướng trong nghệ thuật
Những người làm nghề thiết kế hầu như ai cũng từng không ít lần băn khoăn về hai khái niệm “Phong cách – style” và “Xu hướng – tendency/ ism (trường phái). Nỗi băn khoăn này có những lý do như: 1) Cố gắng hiểu cho rõ bản chất và cách thức biểu hiện trong phong cách của các tác giả cũng như các trường phái đã và đang nổi tiếng là gì; 2) Cố gắng hình thành cho bản thân một phong cách thiết kế đặc sắc nhất có thể. Để giải quyết câu hỏi thứ nhất có thể chỉ cần cố gắng tìm hiểu từ các bài viết, sách báo, trang mạng… Nhưng với câu hỏi thứ hai thì đòi hỏi nhiều thời gian và điều kiện hơn. Vì để đạt được sự thành công và công nhận rộng rãi của công luận là điều không hề dễ dàng.
Đã có rất nhiều phong cách nghệ thuật của các tác giả nổi tiếng lôi cuốn không ít sự hưởng ứng của giới thiết kế toàn cầu, và hiệu ứng này đã tạo nên những xu hướng/ trường phái nghệ thuật khác nhau. Sau sự hưởng ứng ban đầu ấy, chỉ còn lại những tên tuổi quan trọng nhất được kể đến là vì họ đã hưởng ứng các xu hướng/ trường phái ấy bằng việc trình diễn một phong cách thiết kế mới mẻ và khác biệt. Ví dụ: Các KTS thuộc trường phái Biểu hiện Mới (Neo- Expressionism) với ba KTS danh tiếng là: Jorn Utzon với Opera Sydney, Eaero Saarinen với TWA Airport và Oscar Niemeyer với các toà nhà Chính phủ ở thủ đô mới Brasilia.
Những dẫn chứng trên cho thấy các phong cách và xu hướng thiết kế là những đóng góp vô cùng quan trọng trong tiến trình nghệ thuật của nhân loại. Nhưng vị thế đó là dành cho những tác phẩm và kỳ tích to lớn của nhân loại, chúng không thể lẫn lộn với rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật còn lại, tuy cũng rất xuất sắc, nhưng ít gây được tiếng vang và sự chú ý của công luận. Đó là vì sự chi phối của quy luật cạnh tranh: Vị trí thời danh chỉ giành cho những người đi hàng đầu, tới đích trước. Nếu Eaero Saarinen không tự mình thoát ra khỏi cái “bóng khổng lồ” của ông thầy Mies van der Rohe thì chắc gì đã đạt được một trong những vị trí hàng đầu thế giới. Tương tự là sự “vượt thoát” khỏi Le Corbusier của Oscar Niemeyer để trở thành kẻ “độc cô cầu bại” ở tầm hành tinh…
2. Nghệ thuật của sự diễn giải
Thời kỳ trước những năm 1960, truyền thông về nghệ thuật luôn công bố về các phong cách và xu hướng thời thượng nhất trong thiết kế khiến cho một làn sóng “cuồng” các “ism” diễn ra một cách chóng mặt. Công chúng chưa kịp hiểu tường tận bản chất, đặc thù bên trong những xu hướng và phong cách thời thượng nhất thì đã lại phải dành sự chú ý cho những gì được trình diễn sau đó. Chính sự truyền bá nghệ thuật như vậy đã gây ra không ít ngộ nhận một thời: Công việc quan trọng bậc nhất, sứ mệnh cao cả bậc nhất của giới thiết kế là tạo ra phong cách hoặc là xu hướng. Một cách khái quát nhất, các sáng tạo nghệ thuật trong giai đoạn này thường hướng đến việc tạo nên những phương thức để “thực hiện” tác phẩm theo văn hóa đại diện, đã được các triết gia Hy Lạp cổ đại khẳng định trong ba phạm trù: “Chân – Thiện – Mỹ”. Nghĩa là, các bộ óc thông thái sẽ đại diện nhân loại để khám phá chân lý và tạo nên cái gọi là văn hóa đại diện (representative culture). Điều này đã dẫn công chúng – người thưởng lãm đến thói quen cảm thụ nghệ thuật thông qua sự diễn giải về cái có ích, cái có nghĩa và cái đẹp.
Đáng chú ý là, vì nhà thiết kế – “nguồn phát” – đã nhân danh một ngành chuyên môn hẹp, cung cấp sẵn mọi điều cho người thụ hưởng. Với tư cách là một nhà chuyên môn, họ sắp đặt và diễn giải một cách rõ ràng, cụ thể về công năng, ý nghĩa, thẩm mỹ… trong những sản phẩm của mình. Trong cách thức nêu trên, sự tương tác giữa công chúng – người thưởng lãm và tác phẩm gần như không thể diễn ra. Công chúng – người thưởng lãm khi đó chỉ đóng vai trò là một “nguồn thu”, họ cần phải cố gắng lĩnh hội những sự diễn giải và ý đồ được phát đi từ phía “nguồn phát” – nhà thiết kế. Trong trường hợp này thì phong cách và xu hướng nghệ thuật chắc chắn sẽ đạt được vị thế hết sức quan trọng. Khi công chúng của nghệ thuật trở thành vế thụ động, dĩ nhiên các nhà chuyên môn sẽ mặc sức công bố các tuyên ngôn nghệ thuật sau những phút “thăng hoa” đầy ngẫu hứng của cá nhân.
3. Phong cách của người đi trước
Dù sao thì danh xưng phong cách và xu hướng cũng có sức hấp dẫn rất là mãnh liệt. Vì vậy mà nhà thiết kế tài năng của các thế hệ sau vẫn tiếp tục “trình làng” những sáng tạo “hút hồn” để khẳng định vị trí “độc đáo” của mình trong “làng thiết kế”. Và kỳ lạ thay, dường như tất cả những bậc thầy ấy lại không mảy may quan tâm đến cái danh xưng phong cách/ xu hướng. Vấn đề họ đặt ra một cách nghiêm túc là: Làm thế nào để không là cái bóng của người khác?.
Isamu Noguchi, điêu khắc gia người Mỹ gốc Nhật Bản từng nói: “Việc giới hạn bản thân với một phong cách nhất định nào đó có thể khiến bạn trở thành chuyên gia về quan điểm hoặc trường phái cụ thể ấy, nhưng tôi không mong bản thân mình thuộc về bất cứ trường phái nào. Tôi luôn học hỏi và luôn khám phá”. Ông tin tưởng: Sự học hỏi và luôn khám phá mới là trọng tâm trong công việc thiết kế của bản thân. Khi chiêm ngưỡng các điêu khắc của Noguchi, dường như ta đang đọc một câu đố hơn là một lời giải. Và, rất có thể, chính ông cũng không dự định đưa ra một lời giải nào.
Khi biết mình được giải thưởng Pritzker danh giá, Toyo Ito nói: “Kiến trúc được ràng buộc bởi các vấn đề xã hội. Tôi thiết kế kiến trúc với tâm trí thường trực rằng chúng ta có thể phát hiện ra các không gian tiện nghi hơn nếu chúng ta được giải thoát khỏi các hạn chế cho dù chỉ một chút thôi. Tuy nhiên, khi một công trình hoàn thành, tôi đau đớn nhận ra sự không hoàn thiện của bản thân tôi và nó biến thành động lực cho tôi ở những dự án tiếp theo. Có lẽ quá trình này tiếp tục lặp đi lặp lại trong tương lai”. Và ông kết luận: “Chính vì vậy tôi không bao giờ theo đuổi một phong cách kiến trúc và không bao giờ hài lòng với các tác phẩm của mình”. Qua đó thấy rằng: Quan niệm thiết kế của ông chẳng liên quan gì đến phong cách.
Khi nhận được câu hỏi: “Làm thế nào để có những thiết kế độc đáo?” – Chi Wing Lo, nhà thiết kế Italy gốc Hồng Kông trả lời ngắn gọn: “Hãy bỏ qua từ “phong cách” và để cho rõ ràng hơn, ông giải thích: “Đó là phong cách của người khác, không phải của bạn. Khi bạn nói đến phong cách, tức là bạn đang tạo ra cho mình một giới hạn trong thiết kế. Hãy bỏ qua nó và thiết kế theo ý của bạn, cảm hứng riêng của bạn. Chỉ như vậy, bạn mới tạo ra được những thiết kế độc đáo, và lúc đó mọi người mới nói về nó như là phong cách của riêng bạn”
Từ phát biểu của ba nhà thiết kế tài năng không quan tâm đến phong cách trên đây, cho thấy một triết lý rõ ràng: Muốn khẳng định được phong cách và thiết kế độc đáo thì chỉ có thể dựa vào nội lực sáng tạo của chính bản thân mình.
Trong nghề thiết kế, sinh viên không được cổ súy việc sao chép tác phẩm và phong cách của một tác giả nổi tiếng, dù dưới danh nghĩa của nhu cầu học hỏi và rèn luyện. Việc có ích nhất trong mục tiêu nắm bắt các thủ pháp của các bậc thầy (cũng có nghĩa là học hỏi phong cách) là thông qua sự phân tích tác phẩm.
Luật Bản quyền nghiêm cấm việc sao chép tác phẩm của bất kỳ ai. Việc cố tình bắt chước phong cách của một tác giả nổi tiếng cũng là điều luôn bị chê trách, vì không bày tỏ được tinh thần sáng tạo, không vượt qua được cái “bóng dáng khổng lồ” của người khác. Công chúng nghệ thuật chỉ có thể được thuyết phục trước hết bởi việc mỗi tác giả đều phải tự trình bày cho được quan điểm thiết kế của riêng mình, trong những hoàn cảnh thiết kế có tính riêng biệt nhất. Thực vậy, không có một tình thế thiết kế nào là hoàn toàn giống nhau, trừ những công trình có nhu cầu thiết kế điển hình.
4. Diễn giải thị cảm và diễn giải tương tác
Sáng tạo nghệ thuật đương đại đã cho thấy những tác phẩm ưu tú nhất của thời đại không phải là những “lời giải tối ưu”, “không thể tranh cãi” về nghệ thuật cho một hoàn cảnh thiết kế cụ thể mà dường như là ngược lại. Các sáng tạo nghệ thuật ngày nay tạo nên phương thức được xem là những gợi ý, gợi mở để cho công chúng – người thưởng lãm tự “đọc và hiểu” tác phẩm, họ được quyền tự tìm ra những ý nghĩa không hề được ấn định trước. Không bị chi phối bởi văn hóa đại diện, các cách hiểu về một tác phẩm nghệ thuật giữa họ có thể sẽ rất khác nhau. Khi đó, hoạt động “tương tác” sẽ đóng vai trò chủ yếu trong quan hệ giữa công chúng – người thưởng lãm và tác phẩm, còn nhà thiết kế thì dường như chẳng còn vai trò gì – họ đã tạm thời lùi vào đằng sau “sân khấu”. Lúc này, vị thế của các phong cách và xu hướng nghệ thuật hoàn toàn trở thành thứ yếu. Trọng tâm của một tác phẩm nghệ thuật đã được “dịch chuyển” ra xa khỏi những vướng bận về phong cách và xu hướng và thật sự sẽ chỉ còn là hàng loạt các “câu hỏi và tình huống” để công chúng – người thưởng lãm tự mình tìm tới một lối “giải thích” khả dĩ trước những “gợi ý” của nhà thiết kế thay vì đồng tình với những “diễn giải” đại diện của họ. Hàng loạt các tác phẩm kiệt xuất trong những thập niên gần đây của các nhà thiết kế tài – danh như: Bernard Tschumi, Daniel Libeskind, Tadao Ando, Toyo Ito, Peter Eisenman, Anish Kapoor… đã là minh chứng rõ nhất cho sự chuyển hướng rõ rệt của cách tiếp cận này. Công việc của các nhà sáng tạo chuyển từ diễn giải thị cảm sang diễn giải tương tác.
5. Thị trường, thị hiếu và sáng tạo
Xét cho cùng thì văn hóa là một sự lựa chọn. Việc lựa chọn, mô phỏng, sao chép mô hình của một nền văn hóa cụ thể nào đó cần được xem là công việc hết sức riêng tư của cả chủ đầu tư và người thiết kế. Nó thuộc về thị trường, thị hiếu. Một chủ nhân ưa thích phong cách cổ điển phương Tây hay phong cách Đông Dương thời kỳ thuộc Pháp… thì đó là một việc hoàn toàn riêng tư. Công việc của người thiết kế là thực hiện “đơn hàng” đó bằng tất cả “vốn liếng” chuyên môn của mình, nhưng cái vốn liếng ấy mà chỉ thuần túy những “motif” của phong cách ấy thôi thì chắc chắn là chưa đủ. Kinh tế thị trường cho phép mọi người được xây dựng những gì họ muốn nếu không trái với những qui định chung của nhà nước, không gây ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, những thị hiếu đại loại như vậy chưa khi nào được đánh giá cao trên các diễn đàn chính thống với hai lý do: Đó chỉ là sự sao chép quá khứ (vintage: Cổ điển, đặc trưng của một thời kỳ trong quá khứ – Từ điển Anh-Việt) và nhìn chung không phải là những sáng tạo nghệ thuật. Ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng giữa thị trường, thị hiếu và sáng tạo; cần phân biệt rõ ràng giữa một diễn đàn chính thống (các cơ quan truyền thông, phát ngôn của các Hội nghề nghiệp và nhà nước…) với các tạp chí thương mại, quảng cáo…
Chủ đề của Tạp chí Kiến trúc trong số báo này cũng cho thấy việc xem phong cách và xu hướng thiết kế như là mục tiêu phải hướng đến, kết quả phải đạt được đã không còn hợp thời nữa. Mục tiêu này đang cho thấy: Quyền lợi của người sử dụng, thụ hưởng kiến trúc và nội thất phải là ưu tiên hàng đầu trong mọi sáng tạo nghệ thuật. Dưới đây là một vài ví dụ từ hoạt động thực tiễn của thiết kế kiến trúc và nội thất ở Việt Nam cho thấy phong cách và xu hướng đã được hình thành hoàn toàn tự nhiên và độc lập với những gì đã có từ trước.
- Đảm bảo sự tiện dụng: Là yêu cầu hiển nhiên của kiến trúc và nội thất, yêu cầu này hoàn toàn không nhằm tạo ra một thứ Chủ nghĩa Công năng Mới (Neo- Functionism) nào;
- Tạo dựng môi trường xanh tươi, thoáng mát, tiết giảm việc tiêu hao năng lượng vốn là những yêu cầu có tính nguyên tắc trong thiết kế kiến trúc và nội thất;
- Tận dụng nguồn vật liệu, kỹ thuật và nhân công địa phương… để giảm nhẹ các chi phí xây dựng, tăng hiệu quả kinh tế…;
- Có thể lấy nghệ thuật truyền thống (của tất cả các nền văn hóa) làm cảm hứng thiết kế, vì điều ấy tạo nên mối liên hệ tự nhiên với văn hóa và lịch sử trong các không gian kiến trúc và nội thất đương đại. Trên thực tế, việc viện dẫn, khai thác nghệ thuật truyền thống là vũ khí lợi hại nhất cho việc chống lại Toàn cầu hóa (Globolization) hiện nay. Đây mới chính là điều thiết thực cần thực thi.
Với các phương thức nêu trên, sẽ là những gợi ý để việc thiết kế kiến trúc và nội thất được tiến hành một cách hoàn toàn tự chủ. Người thiết kế đương đại không cần phải quan tâm quá mức đến sự xếp loại, đánh giá các sản phẩm của bản thân có đáp ứng tiêu chí của một phong cách và xu hướng thịnh hành nào hay không.
6. Kết luận
Với bốn phương châm thiết kế nêu trên đều đã phản ánh chân thực bản chất của kiến trúc và nội thất là phục vụ cuộc sống của con người theo hướng phát triển bền vững mà không cần viện dẫn đến bất kỳ một phong cách và xu hướng thiết kế nào. Khi đó, các phong cách và xu hướng thiết kế có sẵn không còn là mục đích tự thân của các thiết kế mới, mà chính những ý tưởng thiết thực, cảm hứng và bản lĩnh sáng tạo nghệ thuật theo con đường cách tân sẽ tạo nên những phong cách và xu hướng thiết kế ngày một mới – lạ.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 7
Giáo dục Nghệ thuật có vai trò quan trọng và cần thiết để góp phần trang bị một cách cơ bản và toàn diện cho con người, đặc biệt là thế hệ trẻ khi bước vào đời. Dưới góc nhìn của Tâm lý học Nghệ thuật, nghệ thuật lại càng có vai trò quan trọng hơn đối với đời sống con người.
1. Nghệ thuật làm lây lan cảm xúc.
Con người từ lúc lọt lòng đến khi khôn lớn, già cỗi đều trải qua một tiến trình tăng trưởng của sự rung động trong tâm tư. Chính sự rung động này đã làm nẩy sinh nghệ thuật bằng cách thôi thúc sáng tạo, ham thích thưởng thức trong mỗi người.
Với người nghệ sỹ, cảm xúc là một cấu tạo tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống họ. Có thể nói rằng, khi tiếp nhận thế giới hiện thực, song song với quá trình nhận thức (tri giác) thì cảm xúc của người nghệ sỹ cũng được trải nghiệm. Chính vì có sự trải nghiệm này mà người nghệ sỹ luôn luôn có sự đam mê, có những khát vọng cháy bỏng tạo nên động lực bên trong, thôi thúc họ thể hiện vào trong tác phẩm của mình.
Nghệ thuật làm lây lan sang con người nhiều cảm xúc và nghệ thuật được xây dựng trên cơ sở sự lây lan này. Tônxtôi nói: "Sự hoạt động của nghệ thuật chính là dựa trên cái khả năng những người này bị lây cảm xúc của những người khác...Những cảm xúc hết sức đa dạng, rất mạnh mẽ và yếu ớt, rất có ý nghĩa và rất nhỏ nhặt, rất xấu xa và rất tốt đẹp, chỉ cần chúng lây lan sang được độc giả, khán giả, thính giả sẽ làm nên đối tượng của nghệ thuật" (Tônxtôi L.N., Thư gửi N.N. Xtrakhốp ngày 23 tháng 4, 1876, Toàn tập tác phẩm, t62, M 1953)
Có thể nói, lây lan là quá trình chuyển toả trạng thái cảm xúc từ cá thể này sang cá thể khác ở cấp độ tâm sinh lý, xảy ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, nằm ngoài những tác động qua lại ở cấp ý thức – tư tưởng. Khi con người rung động, họ trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc. Các cung bậc cảm xúc ấy lại dễ lây lan từ người này sang người khác.Chính vì có sự lây lan cảm xúc thông qua nghệ thuật mà con người cảm thấy gần gũi nhau hơn. Điều đó được thể hiện rõ qua việc thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc có thể đem đến cho mọi người những phản ứng tình cảm dễ chịu, thoải mái và bình tĩnh, hay kích thích sự sáng tạo và hứng khởi. Sức mạnh của âm nhạc còn giúp ta loại bớt cảm giác tiêu cực từ những việc đã qua, có thể lọc ra những thông điệp lành mạnh và tích cực nhất. Vì thế, âm nhạc là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong đời sống mỗi người. Có âm nhạc, con người cảm thấy yêu đời hơn, gần gũi nhau thêm và mang lại sự cân bằng về tâm - sinh lý.
2. Nghệ thuật giúp trút xả tinh thần.
Trong nghệ thuật, một mặt nào đó của tâm hồn chúng ta được trút xả, thể hiện kể cả những góc khuất, sâu kín.Vì lẽ đó, con người có thể bộc lộ cảm xúc, khống chế và giảm căng thẳng thông qua các hình thức nghệ thuật.
Âm nhạc có thể gây ảnh hưởng mạnh tới tâm trạng của chúng ta, giúp bồi dưỡng những trạng thái tích cực như sự hăng hái, phấn khởi và lạc quan yêu đời. Đồng thời âm nhạc cũng giúp con người giảm những trạng thái tiêu cực như lo âu, buồn rầu, chán nản, căng thẳng, tức giận…
Sự căng thẳng là nguyên nhân phá hoại hệ thống miễn dịch của chúng ta. Âm nhạc có thể hạn chế hoặc ngăn ngừa những âm thanh và cảm xúc gây căng thẳng. Nhạc nhẹ là thể loại êm dịu giúp chúng ta có cảm giác an toàn, tin tưởng và tạo sự hưng phấn cao.
Nghệ thuật giúp thư giãn tâm hồn và các cơ bắp ở người đang có căng thẳng, lo âu. Âm nhạc, hội họa giúp tâm hồn ta cởi mở và giải thoát những cảm xúc tiêu cực. Khi bị bệnh, bệnh nhân thường rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, cảm thấy đau đớn, buồn rầu, đôi khi kém tự tin. Âm nhạc, hội họa có thể giúp họ khuây khỏa, giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực, khiến họ vui hơn, tự tin hơn, có nhiều phấn khởi hơn trong đời sống.
Đối với con người thế kỷ 17, hình ảnh núi non hùng vĩ gợi cho họ nhiều điều khó chịu, mệt mỏi. Nhưng những con người thời đại văn minh, núi non lại gợi cho họ khả năng xả hơi, thoát khỏi những cảnh hè nóng nực, bàn giấy cứng nhắc….Đó chính là sức mạnh của nghệ thuật mang lại.
3. Nghệ thuật giải quyết và cải biến nhu cầu của con người
Nghệ thuật tạo ra nhu cầu rất lớn, thôi thúc con người hành động. Nó mở đường và dọn đường cho những sức mạnh sâu lắng nhất của chúng ta. Nó tác động chẳng khác nào một cuộc động đất, làm lộ ra những vỉa đất mới. Vì thế, theo Biukher, Âm nhạc có cội nguồn xuất phát từ công việc tay chân nặng nề, và chúng có nhiệm vụ giải quyết sự căng thẳng nặng nề của lao động:
+ Theo gót tiến trình lao động, chúng ra hiệu để cho mọi người cùng một lúc dồn hết sức vào làm việc.
+ Chúng cố gắng kích thích mọi người vào làm việc.
+ Chúng tổ chức lao động tập thể và đưa lại cách tháo thoát cho sự căng thẳng của cơ thể.
Dường như chính tự nhiên đã tặng âm nhạc cho chúng ta để gánh vác lao động được nhẹ nhàng hơn. Ví dụ: bài hát kích thích người chèo thuyền hăng say đưa nhịp mái chèo; Nó có ích không chỉ trong những công việc đòi hỏi sự hợp lực của nhiều người mà cả sự mệt nhọc của một người cũng được giảm bớt nhờ bài hát thô sơ.
Trong âm nhạc, nhịp điệu hàm chứa kích thích lớn. Nhịp điệu làm nảy sinh trong con người ham thích ghê gớm muốn bắt chước, hòa nhịp với nó không chỉ bằng bước chân, mà cả tâm hồn cũng đi theo nhịp…. Thật vậy, một cung đàn không thể cứ đánh liên miên đều đều bất phân nhịp mạnh nhịp yếu mà khỏi nhàm tai. Một họa phẩm cũng vậy, các đường nét phải đặt sao cho có tổ chức không hỗn loạn, mầu sắc phải ăn nhập hài hòa, mới không tức mắt.
Đối với loài người mê tín cổ xưa, còn cái gì có ích hơn là nhịp điệu. Nhờ nó mà mọi chuyện đều có thể làm được: Nó giúp cho công việc một cách thần kỳ; Nó buộc thần linh phải xuất hiện, phải đến gần và lắng nghe; Nó có thể uốn nắn được tương lai theo ý muốn của mình, giải thoát tâm hồn khỏi những điều tai ương và không chỉ riêng tâm hồn mình mà cả tâm hồn của quỷ sứ độc ác nhất.
Như vậy, toàn bộ hành vi ứng xử của con người là quá trình làm cân bằng cơ thể với môi trường. Trong quá trình đó, nghệ thuật đã thực sự đưa lại sự cân đối và trật tự cho những cảm xúc của chúng ta.
4. Giáo dục nghệ thuật hỗ trợ, thúc đẩy sự hình thành và xuất hiện hành vi sáng tạo.
Việc thưởng thức nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, bởi để cảm thụ nghệ thuật thì đơn thuần việc trải nghiệm thành thật các cảm xúc đã chiếm lĩnh tác giả vẫn chưa đủ, còn nhất thiết phải khắc phục một cách sáng tạo cảm xúc của bản thân. Chỉ khi đó tác động của nghệ thuật mới được thể hiện đầy đủ. Do đó, không phải ngẫu nhiên ngay từ thời cổ xưa nhất, nghệ thuật đã được nhìn nhận như một bộ phận và một phương tiện giáo dục. Ý nghĩa ứng dụng của nghệ thuật xét đến cùng đều được quy vào tác động giáo dục của nó.
Khi một tác phẩm nghệ thuật xuất hiện, con người sẽ đứng dưới nhiều góc độ khác nhau để đánh giá, phê bình nó. Tuy nhiên, cơ chế phê bình tác phẩm nghệ thuật - với tư cách như một sức mạnh xã hội mở đường cho nghệ thuật - đánh giá nó với chức trách cơ bản là chuyên đóng vai như là một bộ phận truyền lực giữa nghệ thuật và xã hội.
Xét theo quan điểm của tâm lý học, vai trò của phê bình nghệ thuật được quy vào việc tổ chức các hậu quả của nghệ thuật. Nó vạch ra một phương hướng giáo dục nhất định cho sự tác động của nghệ thuật. Làm sao giữ cho được tác động của nghệ thuật như là của nghệ thuật, chứ không để cho độc giả vung vãi sức mạnh do nghệ thuật dấy lên và đánh tráo các xung động hùng mạnh của nó bằng những lời răn dạy đạo đức duy lý vô vị như giáo lý tin lành. Đặc biệt, cần để cho tác động của nghệ thuật được thể hiện, để cho người ta được xúc động vì nghệ thuật.
Dạy cho người khác hành vi sáng tạo nghệ thuật là điều không thể làm được, nhưng điều này không có nghĩa là người dạy không thể góp phần hỗ trợ và thúc đẩy sự hình thành và xuất hiện của hành vi ấy. Điều này được thể hiện rất rõ trong quan điểm của PGS. TSKH Phạm Lê Hòa, Hiệu trưởng Trường Ðại học Sư phạm nghệ thuật trung ương khi được phóng viên báo Nhân Dân cuối tuần (www.nhandan.org.vn) phỏng vấn: Con người ngày hôm nay đang chuyển động rất nhanh, một ngày của hôm nay có thể bằng mấy mươi năm trước, vì thế, cần phải xem thế hệ hôm nay đang đòi hỏi những gì, để cập nhật những kiến thức mới, đưa hơi thở của cuộc sống vào chương trình giảng dạy. Chúng ta phải lắng nghe xem trẻ em hôm nay đang nói như thế nào, học cách nói của chúng, để có thể đưa những kiến thức cần thiết đến được với tâm hồn các em. Trẻ em hôm nay đang dùng một "hệ ngôn từ" khác, nếu những người làm công tác giáo dục nghệ thuật không đi sâu tìm hiểu thế giới ngôn từ đó, tìm hiểu tâm tư tình cảm của các em, mà cứ tự ngồi vẽ ra chương trình giảng dạy theo ý mình thì không thể đạt kết quả như mong muốn. Người làm công tác giáo dục phải xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt, ta cũng không nên kỳ vọng đào tạo tất cả đều thành thiên tài. Chúng ta chỉ cung cấp cho trẻ cái nền, còn phát triển lên như thế nào là tùy vào năng lực của mỗi người.
Nghệ thuật là điểm tập kết quan trọng nhất các quá trình của một cá nhân trong xã hội. Nó là phương thức để cân bằng con người với thế giới vào những giây phút nguy kịch và nghiêm trọng của cuộc đời.
Trong kế hoạch của tương lai, rõ ràng không chỉ có việc xây dựng lại toàn bộ nhân loại theo những nguyên tắc mới, không chỉ có việc làm chủ các quá trình xã hội và kinh tế, mà còn có cả “việc tôi đúc lại con người”. Trong việc tôi đúc lại con người, nghệ thuật sẽ nói lên tiếng nói có trọng lượng và có ý nghĩa quyết định nhất. Giáo dục nghệ thuật có một sứ mệnh đào tạo con người, huy động sức mạnh tồn tại trong cơ thể ta. Không có nghệ thuật thì sẽ không có con người mới sáng tạo trong học tập, trong lao động, vì “Nghệ thuật là tiếng nói của tâm hồn”.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 8
1. Đặt vấn đề
Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, lịch sử vương quốc Champa đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, công bố thành sách, tạp chí. Sau năm 1975, xuất hiện các tác giả Việt Nam, không dừng lại ở việc tìm tòi, bổ sung thêm tư liệu mà còn khám phá ra cái mới như lấp vào khoảng thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong chưa làm được. Những công trình về sau đã đi vào từng mảng, lĩnh vực thuộc đời sống, văn hóa, xã hội, lễ hội đến sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Giải quyết vấn đề
Trước hết, là những ghi chép về Champa trong lịch sử Trung Quốc được tìm thấy trong bộ sử Hán thư, Lương sử, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử… Các nhà nghiên cứu đều dựa vào những nguồn sử liệu này để dựng lại lịch sử Lâm Ấp-Hoàn Vương-Chiêm Thành. Những tư liệu của Trung Quốc viết về phong tục tập quán của người Chăm xưa không có tính hệ thống, rời rạc và sơ sài, nhiều khi thiếu chính xác. Kế đến là những nghiên cứu, khảo sát thực địa của người Pháp. Tư liệu cổ nhất của người Châu Âu viết về người Chăm có lẽ là của một người gốc Italia tên là Marco Polo. Ông làm quan dưới triều đại Mông-Nguyên của Hốt Tất Liệt. Năm 1298, sau một lần được cử đi làm sứ giả ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Champa, ông đã ghi chép khá tỉ mỉ về người Chăm và đời sống của họ trong cuốn Le Livre de Marco Polo (cuốn sách của Marco Polo) (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Vào thế kỉ XIV, một số linh mục đi truyền giáo đã đến Champa. Linh mục Odoric de Pordenone có ghi chép về phong tục, tập quán của người Chăm trong cuốn sách Những cuộc viễn du sang châu Á xuất bản tại Paris.
Những tư liệu lịch sử của Việt Nam liên quan đến Chiêm Thành có thể tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư và một số sử liệu của các triều đại Việt Nam từ Lý-Trần đến triều Nguyễn. Nhưng những sử liệu nói trên chủ yếu nói về việc triều cống, giao tranh, hòa hiếu (Phan Quốc Anh, 2006, tr.18). Mặc dù vậy, đó là những ghi chép thành văn chính thống rất quan trọng để đối chiếu với ghi chép trên văn bia của Champa. Trần Quốc Vượng chủ biên cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam (2008) đã dành một phần nói về không gian vùng văn hóa Trung Bộ, chủ yếu đề cập về không gian văn hóa Chăm ở khu vực này. Cuối cùng, là Trương Sỹ Hùng với tác phẩm Tôn giáo trong đời sống văn hóa Đông Nam Á (2010), phân tích yếu tố Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo Chăm. Từ đó, làm nổi bật lên đặc điểm, vai trò trong sáng tác văn chương của người Chăm trong tác phẩm Deva Mưnô, Inra Patra, Ariya Cam – Bini,… Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam (2004) tác giả Huỳnh Công Bá đã dành hai chương để trình bày về quá trình giành độc lập của Champa, phân tích những đặc điểm cơ bản về thể chế chính trị, đời sống văn hóa, xã hội. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình hội nhập của người Chăm vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, Phan Thành Long chủ biên công trình Lí luận giáo dục (2010), nội dung chính của cuốn sách trình bày về quá trình giáo dục, nguyên tắc giáo dục, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Đây là vấn đề có tính chất lí luận mà khi nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục không thể bỏ qua.
3. Kết luận
Tóm lại, các công trình nghiên cứu về lịch sử và nền văn minh Champa được xuất bản thành sách, báo và tạp chí rất đa dạng và phong phú, được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu nhiều khía cạnh, lĩnh vực khác nhau. Nhưng chưa có công trình khảo cứu nào đề cập đến vấn đề giáo dục của người Chăm trong lịch sử mang tính chất hệ thống và đầy đủ. Ngay cả, hình thức học tập và sinh hoạt nội trú của học sinh người Chăm nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung hiện nay cũng chưa có sự quan tâm, chú ý nhiều từ các nhà khoa học và các nhà quản lý giáo dục. Việc tổng luận các công trình nghiên cứu về người Chăm ở Việt Nam chưa phải là bảng thống kê đầy đủ các tác giả cũng như tác phẩm, mà chỉ phản ánh một phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quát những hiểu biết về văn hóa Chăm.
Tài liệu tham khảo
1. Abd. Karim, Báo Thị Hoa (giới thiệu và trình bày). 2007. “Trường Pô Klong & Đặc san Ước vọng”. Do International Office of Champa (IOC-Champa) xuất bản ở Paris – San Jose.
2. Đỗ Văn Tú. 1973. Vấn đề giáo dục sinh viên học sinh các sắc tộc. Sài Gòn: Bộ Phát triển Sắc tộc ấn hành.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 9
Những trào lưu về môi trường trên mạng xã hội gần đây không chỉ nhắc nhở người trẻ Việt về tác hại của rác thải nhựa lên đời sống, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đã thật sự có ý thức bảo vệ môi trường chưa, hay chỉ đang chạy theo một trào lưu mang tầm quốc tế?
Mối quan hệ mật thiết giữa mỗi người với môi trường bắt đầu từ khi ra đời. Sống trong môi trường này, nhưng trước đây con người thường ít dành thời gian nghĩ và quan tâm về nó, cho tới khi những sức ép và nguy hại lên môi trường ngày càng rõ rệt, thậm chí ảnh hưởng ngược lại đến cuộc sống của con người.
Thế hệ trẻ sẽ là người tiếp tục song hành cùng Trái Đất trong tương lai. Hiểu được điều này, họ đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình từng ngày bằng nhiều cách, trong đó rõ rệt nhất là qua những chiến dịch về môi trường.
Trong những năm gần đây, người trẻ Việt đang được chứng kiến ngày càng nhiều những trào lưu hướng đến môi trường, như “giảm thiểu rác thải nhựa”, “ống hút tre”, và “mang bình nước riêng để được giảm giá.” Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Bằng sự phát triển và khả năng kết nối mạnh mẽ, mạng xã hội là kênh thông tin và giao tiếp quan trọng của những chiến dịch tổ chức bởi thế hệ trẻ, và dành cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra ở đây là: chúng ta đã thật sự có ý thức bảo vệ môi trường chưa, hay chỉ đang chạy theo một trào lưu mang tầm quốc tế?
1. Thể hiện tình yêu môi trường qua mạng xã hội
Câu chuyện về rác thải nhựa và môi trường bị huỷ hoại vốn đã được kể từ năm này qua tháng nọ. Tuy nhiên, đến khi những bức hình gây ám ảnh về chiếc ống hút nhựa kẹt trong cổ những sinh vật biển, chiếc túi nilon trùm kín đầu một chú rùa được tiết lộ, thì các cuộc chiến bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa mới bắt đầu nóng lên.
Đầu năm 2019, mạng xã hội Việt Nam bắt đầu lan truyền nhiều hình ảnh đẹp và ý nghĩa với hàng loạt hashtag hướng về môi trường. Tiêu biểu là thử thách #nostrawchallenge — nói không với ống hút nhựa. Kết quả là một bộ phận giới trẻ đã chuyển sang dùng ống hút và ly tái sử dụng, thân thiện với môi trường để hưởng ứng phong trào này.
Tháng 3 vừa qua, chiến dịch #trashtag hay #ChallengeforChange — dọn dẹp bãi rác, nở rộ khắp mạng xã hội. Rất nhiều hình ảnh so sánh thành quả đáng kinh ngạc, các khung đường nay đã sạch bóng rác được chia sẻ, khiến các bạn trẻ càng thêm tự hào và hăng hái với những hành động thiết thực tương tự.
Không chỉ gói gọn ở trong nước, mà những sáng kiến đơn giản, dễ thực hiện từ nước ngoài cũng được người Việt trẻ tán thưởng và học hỏi, chẳng hạn như ý tưởng bọc rau củ bằng lá chuối của siêu thị Rimping ở Chiang Mai, Thái Lan. Nhờ sức mạnh lan toả của các bạn trẻ mà hiện nay, một số cửa hàng tại Việt Nam cũng đã thay túi nilon thành lá chuối.
Có thể thấy hiện nay, bên cạnh việc đề cao chủ nghĩa cá nhân, người Việt trẻ đang dần quan tâm hơn về vấn đề phát triển cộng đồng bền vững, cụ thể là môi trường sống tốt đẹp. Tất cả những lý tưởng đó đều được thể hiện rõ nét qua từng chiếc tin hiện lên hàng ngày trên… Facebook.
2. Cuộc chiến chống rác thải nhựa có phải chỉ xuất hiện ở cuộc sống “ảo”?
Đáng buồn là sau những bức ảnh, những lượt thích, những bình luận kêu gọi hưởng ứng phong trào vì môi trường, một bộ phận các bạn trẻ Việt Nam vẫn chưa thể biến nhận thức thành hành động, biến hành động thành thói quen ở đời thật. Liệu chúng ta đang thật sự quan tâm và mong muốn cải thiện, hay đơn giản chỉ là không muốn mình lạc hậu?
Không dưới một lần chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh các điểm vui chơi, các khu du lịch ngập tràn rác sau mùa lễ. Những bãi biển lềnh bềnh túi nhựa, lon nước khi đợt khách đã vãng. Những quảng trường vương vãi xác bóng bay, thức ăn thừa khi pháo hoa đã tàn. Tiêu biểu là dốc chợ Đà Lạt thơ mộng ngày nào, nay lại thường xuyên được điểm tên trong các bài viết về ý thức của khách du lịch.
Tất cả hình ảnh về những địa điểm hoang tàn toàn là rác đều đi ngược lại những gì chúng ta đang cố gắng gầy dựng. Chúng đều cho thấy rằng, những trào lưu ấy vẫn chưa thật sự chạm đến mục đích cuối cùng, đó là một ý thức dài lâu về lối sống xanh, chủ động tái chế và giảm rác thải.
3. Biến những trào lưu tích cực thành ý thức thật sự
“Trào lưu” (trend) thường được xem là một trò vui xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn. Thời điểm cao trào, đó là những ngọn sóng lớn khiến cả biển người phải sục sôi, ai bước theo sẽ tự động mang danh “thời thượng”. Nhưng cái kết của trào lưu luôn là trôi vào quên lãng sau vài tháng, vài tuần, hoặc thậm chí là vài ngày.
Tuy nhiên, những trào lưu tốt xứng đáng được tồn tại lâu dài. Môi trường chắc chắn đã khả quan hơn phần nào từ khi những chiến dịch vì môi trường nổi lên, và nhận thức về vấn đề này cũng được lan rộng hơn bao giờ hết. Nếu trào lưu ấy tiếp tục đi cùng với giới trẻ Việt Nam và biến thành ý thức chung của một thế hệ mới, tương lai của hệ sinh thái này sẽ được cải thiện một cách không ngờ.
Chẳng cần phải xắn tay áo đi dọn bãi rác vào mỗi cuối tuần, bạn chỉ cần thay việc vứt một chai nước vào thùng rác bằng cách mang về dùng lại vài lần, hay dùng để trồng thêm một mầm xanh. Hoặc thử nghĩ xem, có cách nào để tái chế chồng túi nilon đang nằm trong nhà bạn thay vì bỏ chúng đi? Rác sẽ không còn là rác, nếu chúng ta tìm ra cách sử dụng chúng.
Là những công dân thời đại mới, có ý thức lớn hơn vì môi trường sống, có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội toàn cầu, bạn có nỡ để những trào lưu có ý nghĩa giống như làn sóng, dâng lên rồi biến mất giữa biển thông tin trên mạng xã hội? Hay sẽ tận dụng sức mạnh lan truyền của mạng xã hội, chuyển chúng thành một ý thức, một cách sống của thời đại mới?
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 10
Hiện nay, Việt Nam là một trong số những quốc gia đứng đầu thế giới có lượng rác thải ra nhiều nhất thế giới. Trên phạm vi thế giới, theo số liệu thống kê của WHO cho biết mỗi phút cả thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 5.000 tỷ túi nilon được sử dụng… Ngoài ra còn rất nhiều các loại sản phẩm làm từ nhựa khác được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
1. Tình hình một số bãi rác tại Việt Nam
Các rác thải nhựa khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc hiên ngang nằm chờ dài trên những bãi rác. Chúng ta chẳng còn quá xa lạ khi bắt gặp những hình ảnh về cái chết đầy oan ức của những loài sinh vật biển khi vô tình nuốt phải các loại rác thải nhựa. Những chiếc túi nilon đã qua sử dụng khi bị ném xuống biển như chiếc lưới tử thần không lối thoát khiến hàng nghìn loài cá và sinh vật biển bị đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Không chỉ vậy, rác thải nhựa còn lại chất đống ngày càng nhiều ở những bãi rác gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không những không giúp phân hủy chúng một cách hoàn toàn mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Việc chôn lấp khiến nguồn nước dưới lòng đất bị ô nhiễm, làm chết các loài vi sinh vật có lợi dưới lòng đất, hoạt động nuôi trồng trên vùng đất đầy rác thải cũng không mang lại hiệu quả như kế hoạch.
Tất cả những điều đó đã trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của chúng ta mà dường như chẳng ai để ý tới. Hoặc nói chính xác hơn, chúng ta dẫu biết hiện trạng ấy, dẫu biết những nguy hại tới sức khỏe nhưng cũng chẳng biết phải hành động như nào để thay đổi, chỉ đành tặc lưỡi mà chấp nhận.
Bởi vậy mà khoảng thời gian gần đây, xu hướng decor không gian sống từ rác thải tái chế của giới trẻ trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Các chiến dịch tái chế rác thải ngày càng được quan tâm và dần trở thành xu hướng. Bên cạnh việc tái chế rác thải thành những vật dụng hữu ích, xu hướng trang trí trong nhiều không gian khác nhau từ phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ cho đến ban công, bàn học, bàn làm việc, quán cafe,...từ “rác” được các bạn trẻ đón nhận hơn bao giờ hết.
2. Xu hướng decor không gian sống từ việc tái chế rác thải
Ngoài ra, việc biến những chai rượu cũ trở thành những bình hoa để trang trí cho không gian sống hay tái chế nhựa nilon thành những đèn ngủ xinh xắn cho căn phòng không còn gì xa lạ.
Bằng sự khéo léo và đầy sáng tạo, những chiếc nắp chai tưởng như bỏ đi đã được thổi hồn và trở thành những bức tranh treo tường nghệ thuật hay những chiếc dây chuyền xinh xắn.
Bên cạnh đó, việc sử dụng giấy, dây thừng để tái chế thành những bức tranh treo tường đẹp đẽ, Giới trẻ tận dụng tất cả những gì có thể để sáng tạo thành những đồ vật có ích như chiếc chuông gió từ những quả thông, chiếc mành treo từ chai lọ cũ, mô hình làm từ gỗ và giấy,...
Rác không chỉ được tái chế thành những vật dụng nhỏ để trang trí cho căn phòng, giới trẻ còn biến tấu những mảnh gỗ, thanh sắt vụn, lốp xe ô tô, lốp xe máy hỏng thành những món đồ đòi hỏi sự kỳ công hơn như bàn, ghế, xích đu, tủ treo quần áo,...Những đồ vật không chỉ giúp căn phòng trở nên đẹp đẽ hơn mà còn hữu ích và có thể sử dụng.
Song hành với đà phát triển trong xã hội cũng như sự vận động liên tục của con người, lượng rác thải tồn đọng cũng tăng nhanh đến chóng mặt. Vì vậy, tái chế phế liệu đã trở thành một hành động thiết yếu để cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng giống như mỗi chúng ta, rác thải xứng đáng có cơ hội thứ hai. Và chính vì lẽ đó, phong trào chế tạo vật phẩm trang trí từ phế liệu ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong cộng đồng. Khi sử dụng và sáng tạo đúng mục đích, bạn có thể biến hóa ra những món đồ hữu ích để tô điểm cho ngôi nhà thân yêu của mình, đồng thời góp một phần quan trọng cho sứ mệnh bảo vệ môi trường.
3. Lợi ích của việc tái chế rác thải
Tái chế là phương pháp vô cùng thân thiện, giúp kéo dài tuổi thọ của các vật liệu, từ đó có thể giảm thiểu tối đa lượng rác thải ra môi trường. Trên thực tế, các bãi rác thường phát sinh mùi chẳng mấy dễ chịu, cộng hưởng với điều kiện thời tiết gây ra ô nhiễm nghiêm trọng.
Chính vì vậy, giảm rác thải tại các bãi chôn lấp được coi là một trong những cách hiệu quả nhất để chữa lành vết thương cho trái đất, đồng thời bảo vệ cuộc sống của mỗi con người.
Ở một khía cạnh khác, việc tái chế thường sử dụng ít năng lượng hơn so với sản xuất sản phẩm từ các nguồn nguyên chất. Khi chúng ta tái sử dụng mọi thứ một cách sáng tạo, chúng ta có thể giảm nhu cầu năng lượng và nguyên liệu cần thiết để sản xuất các sản phẩm, vật liệu mới.
Nhu cầu tái chế những món đồ gần như đã hết giá trị sử dụng thành vật dụng trang trí mới cũng giúp chúng ta tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Thay vì bỏ ra cả đống tiền để mua những món đồ đắt đỏ, mỗi người đều có thể tận dụng trí tưởng tượng của bản thân để thiên biến vạn hóa theo đúng sở thích.
Thay vì kết thúc vòng đời tại các bãi rác, chúng ta hãy để rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh bằng cách tái sử dụng chúng. Tái chế rất dễ dàng. Bạn có thể thực hiện ngay tại nhà với những thứ đơn giản như chai lọ bỏ đi, bình thủy tinh hay bất kỳ một vật liệu gì khác.
Những thứ do tự tay chúng ta tạo ra mang ý nghĩa tinh thần lớn, chứa đựng sự sự độc đáo, riêng biệt giúp tăng thêm giá trị và tầm quan trọng tổng thể. Cũng từ chính những việc làm này, bạn có thể rèn giũa tính khéo léo cũng như tỉ mỉ trong công việc.
Hay chúng ta cũng có thể tận dụng những món đồ tái chế đặc biệt để làm quà tặng cho người thân hoặc bạn bè. Tình cảm đôi bên chắc chắn sẽ trở nên gần gũi hơn khi họ biết được rằng, không thể tìm thấy những món đồ vô giá này ở bất kỳ cửa hàng nào, bởi nó chỉ được sáng tạo bằng chính đôi bàn tay khéo léo của bạn.
Nhìn chung, hãy xem việc tái chế phế liệu thành đồ vật phẩm trang trí là một cách để giúp bảo vệ thiên nhiên và môi trường, đồng thời mang lại một màu sắc mới mẻ và sinh động cho không gian xung quanh chúng ta. Xu hướng này cũng có thể coi là công cụ giáo dục rất thú vị để nâng cao nhận thức trong xã hội của tất cả mọi người về hệ quả của hành động mà chúng ta làm đối với môi trường.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 11
Xã hội càng phát triển khiến cho nhu cầu sống của con người ngày càng trở nên cao hơn. Đây là lúc các dịch vụ giải trí lên ngôi và đặc biệt là nền giải trí điện tử trực tuyến. Các trang mạng xã hội ngày càng phát triển, có thể kể đến mạng xã hội Facebook, Instagram, Tiktok,...Giờ đây hầu hết thời gian các bạn trẻ sử dụng các trang mạng xã hội còn lớn hơn thời gian giao tiếp thực tế khiến nó không còn chỉ là một món ăn tinh thân mà đã trở thành cơm ăn, áo mặc. Chính sự tiếp xúc và sử dụng trong thời gian dài như vậy khiến cho trang mạng xã hội không chỉ là giải trí mà nó còn có sức ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm và hành vi của một con người.
Chính sự ảnh hưởng này khiến chúng tôi chọn đề tài “Tác động của việc sử dụng mạng xã hội đến tình hình học tập của học sinh trường em”. Bài nghiên cứu này sẽ phân tích rõ hai mặt lợi và hại của việc sử dụng mạng xã hội. Nếu sử dụng đúng cách thì mạng xã hội vừa là nơi giao lưu kết bạn, nơi giải trí, nơi cập nhập các thông tin mới nhất, nóng hỏi nhất. Nhưng nếu lạm dụng nó thì người dùng không chỉ lãng phí thời gian mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài, khiến cho họ không có thời gian học tập. Hội chứng nghiện mạng xã hội chính là minh chứng rõ nhất cho con dao hai lưỡi của một sự vật. Mạng xã hội không sai, nó tốt hay không sẽ phụ thuộc vào cách sử dụng của mỗi người.
- Mục đích chính để nghiên cứu:
+ Tìm hiểu về thực tế thời gian sử dụng mạng xã hội của học sinh trung học.
+ Tìm hiểu về tác động của mạng xã hội đến học sinh
+ Tìm ra mục đích sử dụng chính của học sinh khi dùng mạng xã hội
+ Tìm hiểu về các mặt trái, các tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với học sinh trung học.
- Đối tượng nghiên cứu: Học sinh dưới tác động của mạng xã hội
- Phạm vi nghiên cứu: 150 học sinh khối 12 trường THPT Phan Đình Phùng - Hà Nội.
- Phương pháp sử dụng để nghiên cứu:
+ Phương pháp hệ thống dữ liệu
+ Phương pháp tổng hợp thông tin
+ Phương pháp so sánh
+ Phương pháp đối chiếu thông tin
- Bố cục của bài nghiên cứu: Có thể chia thành ba phần chính gồm:
+ Vai trò của mạng xã hội với học sinh hiện nay
+ Những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của mạng xã hội đối với học sin
+ Các biện pháp giúp giảm các tác động tiêu cực cũng như cách hướng học sinh sử dụng mạng xã hội tốt hơn.
1. Mạng xã hội Facebook là gì, nguồn gốc và thời gian xuất hiện tại Việt Nam
Được du nhập về Việt Nam từ năm 2009. Facebook là nền tảng mạng xã hội trực tuyến, miễn phí đến từ đất nước Mỹ. Tại thế giới riêng này, người dùng có thể tham gia được vào một cuộc sống mới, có bạn bè người thân ở trên đó. Họ có thể giao tiếp với nhau dễ dàng hơn từ những cuộc gọi miễn phí, những tin nhắn được lưu lâu dài đến những cuộc gọi điện có thể nhìn thấy nhau dù đang cách nhau cả nửa vòng trái đất. Ở đây họ có thể cập nhập trạng thái tâm tư của mình từng phút từng giây cũng như có thể theo dõi tình trạng của bạn bè mình mà không cần nhấc máy lên hay đến gặp nhau trực tiếp
Ngay khi tiến vào thị trường Việt Nam, Facebook đã được đón chào rất nồng nhiệt nhất là với cộng đồng các bạn trẻ. Ưu điểm lớn nhất của Facebook chính là sự tương tác giữa con người với nhau rất thực, thậm chí còn nhiều hơn cả ngoài thực tế.Tính tương tác qua lại khiến cho con người có thể kết nối với nhau trên đó, cũng như có thể thỏa mãn được việc bộc lộ cảm xúc một cách gián tiếp. Hơn thế nữa, Facebook ngày càng thông minh có thể nhận biết được từng nhu cầu cá nhân của mỗi người dùng như sở thích ăn uống, mua sắm để có thể hỗ trợ đáp ứng những nhu cầu đó. Nhưng mặt trái của việc sống ở một thế giới khác quá lâu chính là khiến con người ta bỏ rơi, xa rời cuộc sống thực tế hiện tại. Thay vì họ gặp nhau giao tiếp đối mặt ngoài đời thì giờ chỉ có những tin nhắn vô cảm để trao đổi thông tin với nhau. Sống ở thế giới này khiến con người suy giảm kỹ năng giao tiếp, khiến họ mất đi sự ứng biến linh hoạt trước các tình huống phát sinh đột xuất. Nó sẽ biến thành căn bệnh khôn lường khi giờ đây rất nhiều bạn học sinh bỏ ra quá nhiều thời gian để sử dụng Facebook. Nếu trong một khoảng thời gian ngắn mà không lướt Facebook họ sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, không thể tập trung làm bất cứ chuyện gì khác.
2. Vai trò của mạng xã hội đối với học sinh thuộc đối tượng nghiên cứ
Theo thống kê, gần như 100% các em học sinh lớp 12 trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng đều sử dụng mạng xã hội Facebook với các mục đích khác nhau. Các em đã coi mạng xã hội Facebook trở thành một điều tất yếu không thể thiếu mỗi ngày như chính nhu cầu ăn, ngủ. Một phần lớn vì hầu hết bạn bè của các em cả bạn bè hiện tại và bạn bè cũ cùng với gia đình họ đều có mặt ở trên đó. Có đến trên 80% các bạn học sinh đã khẳng định không có nhu cầu cũng như mong muốn từ bỏ sử dụng Facebook trong tương lai. Nhưng giờ đây khi các mối quan hệ của các bạn chỉ nằm trên một cái điện thoại, một phần mềm ứng dụng thì càng nhiều mối quan hệ không thật lòng, không thực tế sẽ xuất hiện. Không thể phủ nhận sự tiện lợi cũng như lợi ích của trang mạng xã hội Facebook vì theo thống kê, các bạn học sinh còn sử dụng chúng như một hội nhóm trao đổi về vấn đề học tập cũng như là nơi chia sẻ, lưu trữ, cập nhập thông tin lịch học, thời khóa biểu hay chính các bài giảng và các bài tập mà thầy cô giao cho. Chính vì vậy đánh giá một cách khách quan thì Facebook không chỉ tăng tính tương tác, là nơi học sinh có thể mang đến cá tính riêng của mình còn có thể đem lại nhiều tác tiện ích sử dụng khác nhau.
3. Với chính tác giả nghiên cứu, Facebook đóng vai trò như thế nào?
Với chính tôi, Facebook cũng đã đóng một vai trò quan trọng, khó có thể thiếu được trong cuộc sống. Tại trang Facebook cá nhân tôi có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình, chia sẻ những hình ảnh mới nhất của bản thân cũng như là nơi tôi tán gẫu trò chuyện với bạn bè mà không mất một đồng chi phí nào dù là nhắn tin hay gọi điện. Dù chính bản thân mình đang nghiên cứu đề tài này với đối tượng là bạn học cũng như chính cá nhân mình, tôi sẽ sử dụng bài nghiên cứu này làm phương tiện nêu lên mặt tốt và mặt xấu của việc sử dụng mạng xã hội một cách khách quan, công bằng nhất. Từ những hiện trạng đó có thể đưa ra những biện pháp khắc phục mặt xấu và đẩy mạnh mặt tốt của việc sử dụng trang mạng xã hội Facebook cho học sinh cuối cấp trung học phổ thông.
4. Những ảnh hưởng thực tế của mạng xã hội đối với học sinh
Thực tế hiện nay không chỉ Facebook mà các trang mạng xã hội đã phủ sóng đến phần lớn các bạn trẻ nước Việt Nam ta. Nó không chỉ là một blog chia sẻ những niềm vui nỗi buồn mà còn là cuốn nhật ký hàng ngày của mỗi người. Dù đã xuất hiện tại Việt Nam được hơn mười lăm năm nhưng trang Facebook không những không có dấu hiệu hạ nhiệt mà số lượng tài khoản mới kích hoạt ngày càng nhiều. Tại chính nước ta, tốc độ truy cập rất nhanh và hầu như mọi người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực đều xuất hiện ở trên đó. Trong nghiên cứu khảo sát thực tế có hơn 95% có sử dụng thường xuyên trang mạng xã hội Facebook. Kết quả đó có thể khẳng định được độ phổ biến của Facebook với các bạn học sinh lớp 12 của trường Phan Đình Phùng. Hầu như bạn học sinh nào cũng có ít nhất một tài khoản Facebook cá nhân. Thậm chí nhiều bạn còn có riêng cho mình từ một đến hai tài khoản ảo để sử dụng đồng thời. Đa số các bạn đã sử dụng Facebook trên một năm, thể hiện sự gắn bó của bản thân các bạn với trang mạng này. Dù đều biết đến những mặt xấu của việc lạm dụng Facebook nhưng có đến 84% các bạn học sinh khẳng định mình có thể chủ động tránh nó cũng như khẳng định sẽ không từ bỏ sử dụng Facebook trong tương lai.
5. Mục đích sử dụng Facebook của các bạn học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng
Theo thống kê của cuộc điều tra, có thể chia mục đích sử dụng thành ba mục lớn. Đầu tiên cũng chiếm con số lớn nhất chính là mục đích sử dụng Facebook như một kênh chia sẻ, lưu trữ trạng thái nhật ký hàng ngày. Tiếp theo là mục đích giao lưu kết nối, các bạn học sinh sẽ sử dụng như một kênh liên lạc để nói chuyện giao lưu với nhau. Mục đích cuối cùng chính là tính năng giải trí của trang mạng xã hội này. Các bạn có thể lên đó chơi game, xem phim, tìm kiếm các thông tin mới.
6. Những tác động tích cực khi sử dụng Facebook đúng cách
Nếu biết sử dụng thì trang mạng xã hội Facebook có thể trở thành một công cụ đắc lực cho người dùng. Facebook tạo ra một thế giới ảo có toàn bộ cuộc sống trên đó, là không gian để mọi người tương tác, giao lưu, trò chuyện với nhau một cách dễ dàng mà không mất chi phí. Facebook còn có thể giúp mỗi người mở rộng các mối quan hệ cá nhân, là nơi họ có thể tìm kiếm những người quen cũ lâu ngày không gặp. Ngoài ra với mục đích kinh tế, Facebook có thể trở thành một trang thương mại điện tử, là nơi tập hợp trăm ngàn người bán người mua. Họ có thể xây dựng trang cá nhân của mình thành một nơi kiếm tiền hợp pháp. Thêm vào nữa tính giải trí của Facebook cũng rất lớn, khi các niềm vui cơ bản như xem phim, đọc truyện, tìm kiếm thông tin đều có ở trên đó.
7. Những ảnh hưởng tiêu cực khi lạm dụng Facebook
Tác dụng gần như là tiêu cực nhất khi sử dụng trang mạng xã hội Facebook chính là tốn thời gian. Có đến trên 50% các bạn học sinh sử dụng trên ba giờ đồng hồ mỗi ngày cho Facebook. Ngoài ra mặt trái khi quá tin tưởng Facebook chính là những nguồn thông tin không được kiểm định được lan truyền khắp nơi, những bài đăng giật title câu tương tác xuất hiện để thỏa mãn sự hư vinh của con người.
8. Các biện pháp tăng cao các tác động tích cực và giảm thiểu tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội Facebook
- Giải pháp đến từ cá nhân người dùng:
+ Xác định được cho mình mục đích chính khi sử dụng Facebook
+ Tự tạo cho bản thân một thời gian biểu phù hợp với bản thân, không để Facebook chiếm dụng quá nhiều thời gian trong một ngày.
+ Suy nghĩ kỹ trước khi đăng lên mỗi bài viết, viết mỗi bình luận. Đảm bảo mọi thông tin mình đăng tải là chính xác, có tình xác thực và có mục đích tốt không gây đề tài bàn luận tiêu cực với mọi người.
- Giải pháp đến từ gia đình, nhà trường, xã hội:
+ Cần sự kết hợp của gia đình và nhà trường để định hướng các em cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh mà hiệu quả
+ Các chính sách từ cơ quan chức năng, có những điều luật về an ninh mạng, kiểm soát các thông tin đăng tải để tạo ra một không gian mạng lành mạnh.
+ Tuyên truyền các thông tin liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội về cả mặt tốt và mặt xấu để các bạn học sinh cẩn thận hơn khi sử dụng.
+ Có các lớp học về chủ đề khác nhau giúp phân tán sự tập trung của các bạn học sinh vào sử dụng Facebook.
Mạng xã hội gần như trở thành một sản phẩm thiết yếu trong xã hội hiện nay. Nó như một con dao hai lưỡi, tốt hay xấu đều do người sử dụng. Mạng xã hội không có đúng có sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp. Nó sẽ phù hợp với những người sử dụng chúng đúng cách, có lợi cho họ nhưng sẽ không phù hợp nếu ta quá lạm dụng chúng, nhất là với các bạn học sinh cuối cấp, lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, cần có cách sử dụng hợp lý. Biến mạng xã hội thành nơi giải lao sau mỗi giờ học tập vất vả và là nơi thu nhận thông tin kiến thức chứ đừng biến chúng trở thành một nơi cư trú để tránh xa hiện tại, sống cùng Facebook.
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 12
Nước là tài nguyên thiên nhiên quý giá, là nguồn sống của con người và mọi sinh vật trên Trái Đất. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nước sạch tại Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường sống.
Ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện ở nhiều khu vực, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và dân cư.
Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường nước là do hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt và khai thác khoáng sản. Nước thải công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt chưa được xử lý triệt để, thải trực tiếp ra môi trường là nguồn ô nhiễm chính cho nguồn nước. Hoạt động khai thác khoáng sản cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ hoạt động này chứa nhiều kim loại nặng và hóa chất độc hại.
Hậu quả của ô nhiễm môi trường nước là vô cùng to lớn. Nước ô nhiễm gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người như bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, ung thư,... Nước ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến các hệ sinh thái nước, làm chết nhiều sinh vật sống dưới nước và gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Ngoài ra, nước ô nhiễm còn gây ô nhiễm môi trường, làm mất cảnh quan thiên nhiên và ảnh hưởng đến du lịch.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước, cần có sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và người dân.
Về phía nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nước, tăng cường đầu tư cho công tác xử lý nước thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước cho người dân và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến để xử lý nước thải, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cán bộ, công nhân viên và tham gia các chương trình bảo vệ môi trường nước.
Về phía người dân, cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nước, sử dụng tiết kiệm nước, không vứt rác thải sinh hoạt xuống sông, hồ và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường nước.
Ô nhiễm môi trường nước là vấn đề cấp bách cần được giải quyết. Mỗi cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp cần chung tay góp sức để bảo vệ nguồn nước sạch, vì một môi trường sống trong lành và an toàn cho thế hệ tương lai.
Hãy chung tay bảo vệ nguồn nước sạch! Hãy sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả! Hãy nói KHÔNG với hành vi xả rác thải bừa bãi! Hãy góp phần xây dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp!
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội - mẫu 13
Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mỗi con người. Cùng với dòng chảy của thời gian, thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng phát triển với nhiều thể loại, như: Pop, ballad, bolero, R&B, rock… Để giới trẻ tiếp nhận dòng nhạc chính thống, mang đậm bản sắc dân tộc và lành mạnh, cần phải có định hướng đúng đắn và kịp thời.
1. Nỗi lo với "nhạc thị trường"
Nhạc trẻ hiện nay đang trong xu hướng phát triển và có nhiều thay đổi, với sự bùng nổ của các ca khúc mang tính tự phát cao. Nhiều "ca sĩ, nhạc sĩ" tên tuổi lạ lẫm xuất hiện khi tài năng còn hạn chế. Trong khi đó, thị hiếu âm nhạc của giới trẻ cũng dễ dãi hơn so với trước đây, nhiều người nghe nhạc theo “trào lưu”.
Những năm gần đây, vì mải chạy theo thị trường mà nhiều ca khúc mất đi tính nghệ thuật và gây ảnh hưởng xấu tới thị hiếu âm nhạc của một bộ phận giới trẻ. Nhiều hiện tượng âm nhạc nổi lên bằng cách mua vui cho mạng xã hội như Lệ Rơi, Tùng Sơn… trở thành trào lưu rẻ mạt cho một bộ phận giới trẻ học theo…
Từ khi thị trường âm nhạc Việt Nam xuất hiện dòng nhạc teen thì thể loại này thường xuyên ngự trị trên internet, rồi nhanh chóng lên sàn diễn. Với những ca từ dễ dãi, kết hợp với việc ăn mặc hở hang, uốn éo trên sân khấu, các "ca sĩ" ở thể loại này thi nhau lũng loạn nghệ thuật bằng các vụ lùm xùm lẫn scandal, như: Hát nhép, ăn mặc sexy để câu khán giả hay tung ra những sản phẩm mà nhiều người cho là “thảm họa” âm nhạc... Sau những vụ scandal, khán giả “nóng mặt” trong khi hình ảnh của các "ca sĩ" này xuất hiện với tốc độ chóng mặt ở khắp nơi, kèm theo đó là giá “cát sê” tăng vù vù.
Với xu hướng thưởng thức âm nhạc như hiện nay, liệu những tác phẩm âm nhạc mang tính dân tộc, dân gian truyền thống có bị giới trẻ và xã hội lãng quên không? Đây là một câu hỏi đáng để những người làm công tác văn hóa-nghệ thuật trăn trở và tìm kiếm câu trả lời.
2. Đưa âm nhạc chất lượng đến khán giả trẻ
Chính bởi sự mai một cái đẹp trong thị hiếu âm nhạc của giới trẻ Việt hiện nay, việc định hướng phong cách nhạc cho họ là điều rất cần thiết. Nhận thức được điều đó, nhiều chương trình âm nhạc hay đã và đang được lên sóng, phần nào khơi dậy tinh thần dân tộc, giáo dục âm nhạc truyền thống cũng như định hình lại phong cách âm nhạc cho khán giả yêu nhạc, nhất là thế hệ trẻ. Có thể kể đến các chương trình: Giai điệu tự hào, Sao mai điểm hẹn, Sing my song, Bài hát Việt… Qua các chương trình này, phần nào giúp các bạn trẻ nhận thức được giá trị của âm nhạc để thêm yêu gia đình, quê hương, đất nước qua từng giai điệu, lời ca.
Thế hệ trẻ là thế hệ tiếp nối truyền thống, âm nhạc dân tộc muốn đứng vững trong đời sống một phần cũng nhờ các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ yêu nhạc cũng đã ý thức được trách nhiệm đó để nghe và sáng tác nhạc có sức nặng hơn. Ngoài các ca khúc mang chủ đề tình yêu thì vẫn có những ca khúc “hit” được sáng tác từ chính các bạn trẻ Việt. Có thể kể đến ca khúc “Việt Nam ơi”, được khán giả gọi là “bài hát quốc dân”. Bài hát đã khơi niềm tự hào chiến thắng của người dân Việt Nam, gắn liền với những trận thắng huy hoàng trên sân cỏ. Tác giả của bài hát là một chàng trai có tên Minh Beta còn khá trẻ nhưng có nhận thức chính trị tốt. Anh từng chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và tự hào. Mục đích khi sáng tác là để truyền tải năng lượng tích cực tới mọi người. Tôi nghĩ nó đã làm được sứ mệnh đó”.
Để âm nhạc truyền thống đến với giới trẻ nhiều hơn, việc cần làm là phải giáo dục từ trong nhà trường, gia đình, từ các buổi sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư. Các chương trình, cuộc thi hát về nhạc truyền thống cũng rất cần thiết để khơi dậy nhiệt huyết trong mỗi em. Mới đây, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về thanh niên Việt Nam chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024. Đó là một cách làm hiệu quả cho công tác giáo dục truyền thống trong thanh niên. Bên cạnh đó, còn có dân ca của các vùng, miền nên cần tổ chức các câu lạc bộ dân ca để thế hệ trẻ có trách nhiệm lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc mình. Đặc biệt, các cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhằm đánh giá, quản lý chặt chẽ hơn nữa các ca khúc mới trước khi đưa đến công chúng; chú trọng khâu kiểm duyệt để sàng lọc và đào thải những tác phẩm âm nhạc chất lượng kém, nội dung không lành mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cần tôn vinh kịp thời các ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc và có giải pháp đưa âm nhạc bác học đến gần hơn với công chúng nhằm nâng cao thị hiếu âm nhạc của giới trẻ ngày nay.
Xem thêm các bài văn mẫu 12 Kết nối tri thức hay khác:
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 12 hay khác:
- Soạn văn 12 Kết nối tri thức (hay nhất)
- Soạn văn 12 Kết nối tri thức (ngắn nhất)
- Soạn Chuyên đề Văn 12 Kết nối tri thức
- Giải lớp 12 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 12 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 12 Cánh diều (các môn học)
Sách VietJack thi THPT quốc gia 2025 cho học sinh 2k7:
- Soạn văn 12 (hay nhất) - KNTT
- Soạn văn 12 (ngắn nhất) - KNTT
- Giải sgk Toán 12 - KNTT
- Giải Tiếng Anh 12 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 12 Friends Global
- Giải sgk Vật Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Hóa học 12 - KNTT
- Giải sgk Sinh học 12 - KNTT
- Giải sgk Lịch Sử 12 - KNTT
- Giải sgk Địa Lí 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục KTPL 12 - KNTT
- Giải sgk Tin học 12 - KNTT
- Giải sgk Công nghệ 12 - KNTT
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 12 - KNTT
- Giải sgk Giáo dục quốc phòng 12 - KNTT
- Giải sgk Âm nhạc 12 - KNTT
- Giải sgk Mĩ thuật 12 - KNTT