Top 20 Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 (hay nhất)
Tổng hợp các đoạn văn Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 hay nhất giúp học sinh lớp 3 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Top 20 Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 (hay nhất)
Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 - mẫu 1
Nghệ thuật thư pháp nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam
Thư pháp có nghĩa ban đầu là phương pháp viết chữ chuẩn xác, cho đẹp, nhưng cùng với thời gian, thư pháp đã vượt ra khỏi ý nghĩa ban đầu và trở thành nghệ thuật viết chữ cách điệu, tạo ra những hình tượng nghệ thuật thể hiện ý tứ sâu xa của tác giả. Thư Pháp vốn xuất thân từ Trung Hoa và được du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên thời nhà Hán. Tác phẩm Thư pháp đầu tiên của Việt Nam được tìm thấy là dòng chữ “Đại Tuỳ Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn” đắp theo lối chữ “triện” trên trán bia ở làng Trường Xuân (Thanh Hóa). Tác phẩm Thư pháp này hiện đang được trưng bày ở viện bảo tàng lịch sử.
Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 - mẫu 2
Văn hay chữ tốt
Thuở đi học, Cao Bá Quát viết chữ rất xấu nên nhiều bài văn dù hay vẫn bị thầy cho điểm kém.
Một hôm, có bà cụ hàng xóm sang khẩn khoản:
- Gia đình già có một việc oan uổng muốn kêu quan, nhờ cậu viết giúp cho lá đơn, có được không?
Cao Bá Quát vui vẻ trả lời:
- Tưởng việc gì khó, chứ việc ấy cháu xin sẵn lòng.
Lá đơn viết lí lẽ rõ ràng, Cao Bá Quát yên trí quan sẽ xét nỗi oan cho bà cụ. Nào ngờ, chữ ông xấu quá, quan đọc không được nên thét lính đuổi bà ra khỏi huyện đường. Về nhà, bà kể lại câu chuyện khiến Cao Bá Quát vô cùng ân hận. Ông biết dù văn hay đến đâu mà chữ không ra chữ cũng chẳng ích gì. Từ đó, ông dốc hết sức luyện viết chữ sao cho đẹp.
Sáng sáng, ông cầm que vạch lên cột nhà luyện chữ cho cứng cáp. Mỗi buổi tối, ông viết xong mười trang vở mới chịu đi ngủ. Chữ viết đã tiến bộ, ông lại mượn những cuốn sách chữ viết đẹp làm mẫu để luyện nhiều kiểu chữ khác nhau.
Kiên trì luyện tập suốt mấy năm, chữ ông mỗi ngày một đẹp. Ông nổi danh khắp nước là người văn hay chữ tốt.
Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 - mẫu 3
Giá trị bất tận của nghệ thuật
(QBĐT) - Đắm chìm trong một bộ phim, lật từng trang sách say mê, thả hồn theo giai điệu du dương, hay bất ngờ trước một bức tranh… tất cả đều mang đến cho ta không chỉ sự thỏa mãn đam mê, mà còn là cơ hội để bồi đắp tâm hồn và kiến thức. Nghệ thuật vì thế được ví như một dòng chảy tinh hoa, tô điểm cho cuộc sống thêm phong phú và tươi đẹp.
Nghệ thuật là nguồn cảm hứng bất tận, khơi gợi niềm vui, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, giúp ta hiểu biết về thế giới xung quanh, về những nền văn hóa khác nhau và về chính bản thân mình. Những bản nhạc êm dịu khơi dậy trong ta sự tỉnh thức, an yên, những bức tranh lập thể vẽ nên thế giới đầy màu sắc và những câu chuyện lay động trái tim con người.
Thiếu nghệ thuật, cuộc sống sẽ trở nên nhạt nhòa, đơn điệu, ta sẽ không còn có giây phút thư giãn sau giờ học tập, làm việc căng thẳng, không còn rung động trước cái đẹp và không còn cảm hứng để sáng tạo. Cuộc sống sẽ chỉ là chuỗi ngày lặp đi lặp lại, nhàm chán và tẻ nhạt. Vì vậy, hãy trân trọng nghệ thuật, hãy để nó len lỏi vào các ngóc ngách của cuộc sống và thức dậy những bí ẩn của tâm hồn.
Nghệ thuật là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu của con người, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội từ bao đời nay. Nó phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống, con người và xã hội qua các thời kỳ. Nghệ thuật giúp ta khám phá giá trị tinh thần tốt đẹp, khơi gợi cảm xúc mãnh liệt và nuôi dưỡng tâm hồn.
Hiện thực cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật. Nó cung cấp cho nghệ sĩ chất liệu để sáng tạo nên tác phẩm độc đáo, lay động lòng người. Tuy nhiên, khi hiện thực đi qua trái tim của nghệ sĩ, nó không còn đơn thuần là một bức tranh chân thực mà còn được biến đổi bởi rung cảm, suy tư và trải nghiệm của họ. Trái tim nghệ sĩ là nơi hiện thực được nhìn nhận qua lăng kính riêng biệt, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Tại đây, những mảng màu cảm xúc được hòa quyện vào hiện thực, tạo nên tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo và độc đáo. Nghệ sĩ có thể mở rộng hiện thực bằng cách thêm vào những yếu tố, mảng khối, sắc màu từ thế giới nội tâm của mình. Họ có thể sử dụng trí tưởng tượng, sự sáng tạo để tô điểm cho hiện thực thêm sinh động và hấp dẫn. Bằng cách kết hợp hài hòa giữa hiện thực và thế giới nội tâm, nghệ sĩ tạo nên tác phẩm nghệ thuật giá trị, độc đáo, khơi gợi cho người xem cảm xúc, suy tư mới mẻ.
Sức ảnh hưởng của nghệ thuật là vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ. Nó khơi gợi cảm xúc mãnh liệt, từ niềm vui sướng, sự hân hoan đến nỗi buồn man mác, sự đồng cảm sâu sắc. Nghệ thuật giúp ta nhìn thế giới bằng lăng kính mới, mượt mà và tinh tế hơn. Tuy nhiên, nghệ thuật không phải tự nhiên mà có. Nó là kết tinh của trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của con người.
Nhờ có những nghệ sĩ tài hoa, vô số áng thơ ca, bản nhạc, bức tranh tuyệt tác mới được ra đời, tô điểm cho cuộc sống thêm muôn màu. Do vậy, nghệ thuật và con người có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ. Nghệ thuật được tạo ra từ con người và chính nó lại tác động ngược trở lại con người, giúp con người hoàn thiện bản thân, hướng đến giá trị tốt đẹp.
Dòng chảy thời gian có thể cuốn trôi bao điều, nhưng sức sống và giá trị tinh thần to lớn của nghệ thuật vẫn luôn trường tồn. Nghệ thuật không thể xóa bỏ hoàn toàn cái xấu, cái ác, nhưng nó có thể giúp con người biết khước từ điều xấu xa, hướng đến giá trị tốt đẹp. Nghệ thuật khơi gợi rung động sâu thẳm trong tâm hồn, giúp con người giải mã bí ẩn và tìm ra con đường riêng cho mình.
Nghệ sĩ, với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế, luôn có cách riêng để đối diện với thế giới nghệ thuật. Đó là hành trình khám phá bản ngã, đối thoại với chính mình qua lăng kính nghệ thuật. Họ sáng tạo trong sự kết nối, mở lòng và trào dâng cảm xúc. Về phía ta, đối diện với sản phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ, ta như được soi chiếu bản thân, được lắng nghe tiếng nói nội tâm và cảm nhận rõ hơn về tình yêu, thân phận và cuộc sống. Hiệu ứng liên kết này chính là sứ mệnh cao cả của nghệ sĩ: Mang vác cây thánh giá tình yêu, gieo mầm cho những điều tốt đẹp.
Sáng tạo nghệ thuật là một hành trình đòi hỏi sự cống hiến bằng cả trái tim và cuộc đời. Nghệ sĩ cần sáng tạo ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt, chật hẹp. Bởi tiếng lòng của họ, được chắt lọc từ trải nghiệm và cảm xúc, là món quà vô giá dành cho người thưởng thức. Sự hy sinh của nghệ sĩ sẽ được đền đáp bằng sự trỗi dậy của tác phẩm. Khi tác phẩm nghệ thuật chạm đến trái tim người xem, nó sẽ khơi gợi cảm xúc, thức tỉnh tâm hồn và lan tỏa những giá trị tốt đẹp.
Nghệ thuật âm thầm đi vào đời sống con người, trở thành nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Nó mang đến nhiều giá trị thiết thực, bồi dưỡng tâm hồn và tác động tích cực đến đời sống vật chất. Nhờ nghệ thuật, ta có thể nhìn nhận thế giới bằng lăng kính mới, mượt mà, tinh tế hơn, nhận thức được cảm xúc và trải nghiệm chung, từ đó có những đồng cảm và chia sẻ, chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp.
Hoàng Thụy Anh
Đọc sách báo về nghệ thuật lớp 3 - mẫu 4
Người trẻ giữ hồn nghệ thuật truyền thống
Giữa dòng chảy hội nhập và toàn cầu hoá Quốc tế, giữa mớ hỗn tạp văn hoá ngoại lai du nhập, những giá trị nghệ thuật văn hoá truyền thống vốn là hồn cốt của một Quốc gia, một dân tộc vẫn có sức hút không nhỏ đến thế hệ trẻ và được thế hệ trẻ lan toả theo một cách rất riêng.
Văn hóa giữa dòng chảy hội nhập
Trong dòng chảy của kỷ nguyên số, khi mà việc tiếp cận thông tin và giao lưu xuyên biên giới trở nên phổ biến và dễ dàng cũng đã tạo điều kiện cho quá trình giao thoa văn hóa, trong đó có nghệ thuật. Ở thời đại này, thế hệ trẻ như GenZ là đối tượng "cảm thụ" nhanh nhất quá trình này. Mãnh lực của A.I, đổi thay chóng mặt của công nghệ giải trí có nguy cơ đã, đang và sẽ "xâm lấn" những giá trị văn hóa truyền thống vốn là hồn cốt của một quốc gia, một dân tộc. Làm thế nào để thế hệ trẻ biết tới và trân trọng chất liệu văn hóa truyền thống dân tộc luôn là băn khoăn, trăn trở? Và có hay không câu chuyện thế hệ trẻ đang chạy theo trào lưu thời đại, đang dần xa rời và lãng quên đi giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc?
Câu trả lời là không! Chỉ là giới trẻ đang chưa tìm được phương thức phù hợp để tiếp cận các giá trị đó mà thôi. Họ vẫn đang không ngừng tìm hiểu, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp ấy.
Đi đôi với những thách thức chính là cơ hội, kỷ nguyên số đã giúp lớp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn với các giá trị nghệ thuật văn hóa truyền thống. Từ hội họa, kiến trúc, trang phục, văn học cho tới âm nhạc, kịch nghệ... đều khai thác từ những chất liệu nghệ thuật văn hóa truyền thống tưởng chừng đang lạc lối giữa dòng chảy hiện đại lại đang trở nên phổ biến hơn với cộng đồng giới trẻ thông qua công nghệ, qua bàn tay tài hoa và trên hết là qua óc sáng tạo không ngừng nghỉ cho nghệ thuật truyền thống. Chính nhờ hội nhập và tiếp cận với môi trường quốc tế, thế hệ trẻ đã "vượt cạn" từ những chất liệu truyền thống để tạo ra một phiên bản "địa phương hóa" mang đậm màu sắc vùng miền, gìn giữ và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mai một, làng nghề thất truyền.
Xét một cách tổng quan, một tín hiệu đáng mừng là thế hệ trẻ ngày nay không chỉ đơn thuần là "nhìn về quá khứ", mà họ mang theo những giá trị văn hóa truyền thống và tài sản di sản văn hóa để tái hiện chúng dưới góc nhìn hiện đại và độc đáo. Việc này đã giúp các giá trị văn hóa được duy trì và vươn xa hơn. Tuy nhiên, làm như thế nào để khiến những dấu hiệu tích cực này không chỉ còn dừng lại ở câu chuyện phong trào hay tồn tại trong những cộng đồng nhỏ lẻ và biến nó trở thành nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ. Bởi văn hóa luôn có sự giao thoa, góp phần tạo nên sự giàu có của một nền văn hóa. Nhưng khi đưa văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống vào trong sáng tạo thì ranh giới giữa giao thoa và xâm lấn đang trở nên mỏng dần.
Tiếp cận theo cách riêng của mình
Khi nhắc tới hội họa, hình ảnh của những tác phẩm nghệ thuật mang phong cách hội họa truyền thống ngày một xuất hiện nhiều hơn trong cộng đồng trẻ. Thông qua nhiều phương thức truyền tải, nhiều họa sĩ trẻ đã thổi hồn dân tộc vào trong các tác phẩm của mình. Đó là cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế trong quá khứ, từ đó sáng tạo và đưa phong cách cá nhân để hình thành nên các tác phẩm của mình.
Một ví dụ tiêu biểu là họa sĩ Thái Linh, người đã sáng tạo ra những tác phẩm Digital art ấn tượng và thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng- để khi nhìn vào các tác phẩm ấy không khó để hình dung ra những hình ảnh rất Việt Nam như áo tứ thân, nón lá... Trong khi đó, Nam Chi là một người trẻ theo đuổi tranh dân gian một cách hàn lâm và luôn tìm về sự nguyên bản. Đem lòng cảm mến tranh dân gian trong một lần tham quan làng nghề, Nam Chi đã dành nhiều năm tìm tòi và nghiên cứu các dòng tranh như Hàng Trống, Kim Hoàng,…
Còn với Lê Rin lại theo đuổi Food Illustrator về ẩm thực, du lịch và văn hóa - lịch sử dân tộc khi tái hiện sinh động hàng trăm món ăn đặc trưng 3 miền, hàng chục làng nghề có nguy cơ mai một, cùng hàng loạt kiến trúc đình làng, trang phục truyền thống các dân tộc... qua những cuốn sách artbook nổi tiếng "Việt Nam miền ngon", "Việt Nam dọc miền du ký" (tập 1, tập 2)... Trong đó phải kể việc vẽ phục dựng lại hầu như nguyên vẹn những bức tranh thờ Tết làng Sình (Huế), làng hoa giấy Thanh Tuyên (Huế), làng nghề đan võng Khánh Nhơn (Ninh Thuận), mâm cơm âm phủ ở Huế, làng chằm nón An Hòa (An Giang)...
Trong hội họa việc tập trung đi sâu vào kỹ thuật, chất liệu và đặc biệt là những câu chuyện văn hóa, câu chuyện thời đại đằng sau mỗi bức tranh luôn được các họa sĩ đặc biệt lưu tâm. Họa sĩ Lê Rin tâm niệm, khi vẽ ra một bức tranh dân gian không chỉ đúng mà phải có rất nhiều ý nghĩa hay đằng sau mỗi bức tranh.
Những bức tranh khi làm "tròn vai" như vậy sẽ có thể truyền đạt lại cho lứa họa sĩ kế cận giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc một cách chính xác, và trên hết là bảo tồn, lưu giữ cũng như lan tỏa các giá trị đó. Mỗi cuốn sách khi cho ra mắt đều mang một thông điệp: "Dành tặng những người yêu món ăn Việt!" (Việt Nam miền ngon), "Dành tặng cuốn sách này cho ba má, những người chưa từng có một chuyến du lịch đúng nghĩa" (Việt Nam dọc miền du ký)...
Còn với Thái Linh lại lựa chọn phá cách trên những cảm hứng truyền thống "nghệ thuật mình theo đuổi là phải cố tìm ra cái mới". Nguồn cảm hứng của anh đến từ những dư ảnh được lưu trong trí nhớ như ký ức, trải nghiệm hay cuộc sống thường nhật. "Khi ra ngoài mình thường phác thảo lên tablet hoặc nhớ trong đầu để lưu lại những cảm hứng mà mình tình cờ bắt gặp, đó có thể là từ sách, từ một bức tranh trên đường hay các hình ảnh trong chùa, trong phủ.
Từ đó, mình sắp xếp chúng lại với nhau và tạo ra một tác phẩm hoàn chỉnh", Thái Linh chia sẻ. Chính nhờ việc không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn mà tái hiện lại thông qua cảm nhận, những tác phẩm của Thái Linh có màu sắc cá nhân cao nhưng vẫn gợi nhớ nét truyền thống.
Một ví dụ được hai bạn trẻ Thái Linh và Nam Chi kể đến là câu chuyện tạo hình của con rồng, nếu không nắm giữ những quy chuẩn về sự khác biết thì rất dễ để nhầm lẫn rồng của Việt Nam với rồng của Trung Quốc. Chỉ khi thực sự hiểu và nắm rõ thì mới tạo nên bản sắc truyền thống trong những tác phẩm sáng tạo. Nói thêm về vấn đề này, Nam Chi cũng nêu một thực trạng "hiện nay cũng có nhiều bạn trẻ theo đuổi phong cách hội họa thuần về truyền thống nhưng lại bị pha trộn những yếu tố Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy gọi là "theo phong cách" tranh Hàng Trống nhưng các tác phẩm của các bạn lại chỉ có một vài hay thậm chí là thiếu đi yếu tố của dòng tranh này".
Như vậy, phá cách giúp những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam lan tỏa rộng rãi hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ biên giới quốc gia và văn hóa truyền thống được kết hợp sẽ tạo nên vị thế và chỗ đứng cho các tác phẩm sáng tạo của người trẻ Việt trong thế giới hội nhập. Hàn lâm giúp duy trì và bảo tồn những quy chuẩn về mặt giá trị của văn hóa truyền thống, để người trẻ có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng như một nguồn cảm hứng cho các sáng tạo của mình.
Công cụ tiếp sức cho sáng tạo
Câu chuyện bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc gìn giữ mà còn là phát triển. Theo dòng chảy của công nghệ với sự xuất hiện của Internet, Smartphone/tablet, máy in 3D... trải nghiệm văn hóa dần trở nên đa dạng hơn.
Từ nhìn ngắm tĩnh, giờ đây công nghệ đã giúp con người đưa chuyển động và âm thanh vào để tạo nên motion graphic hay thậm chí là còn có thể cầm, nắm và cảm nhận được thông qua công nghệ in 3D. Bằng cách đa dạng hóa hình thức trải nghiệm, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ dễ dàng tiếp cận với người trẻ hơn, tạo nên nguồn cảm hứng và khuyến khích họ tìm về nguyên bản của văn hóa truyền thống.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ bộ tranh “Tứ Bình Tố Nữ” của Nam Chi giữ nguyên những nguyên tắc trong tranh Hàng Trống, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Ảnh: Nam Chi
Chính những cách tiếp cận mới với tính ứng dụng cao sẽ dễ dàng tiếp cận với người trẻ hơn nhưng cũng chính những sáng tạo này sẽ thôi thúc họ tìm về những giá trị gốc. Đó cũng chính là cách để lan tỏa văn hóa truyền thống tới nhiều người hơn.
Không chỉ trong việc lan tỏa, tương tự câu chuyện của Lê Rin, Nam Chi hay Thái Linh, công nghệ cũng giúp các họa sĩ trẻ có thể dễ dàng lưu giữ những nguồn cảm hứng hay phác thảo lại những hình ảnh mà mình tình cờ bắt gặp và thông qua sự trợ giúp của bộ công cụ trên thiết bị, từ đó có thể tạo ra những tác phẩm sáng tạo trong một thời gian ngắn.
Với tablet, Thái Linh đã tạo nên tác phẩm "The Healing" cùng nhiều chi tiết phức tạp chỉ trong vòng 3 ngày; trong khi Nam Chi lại phải mất từ 6 ngày cho tới 6 tháng để hoàn thiện một tác phẩm. Tuy nhiên, Nam Chi cũng bày tỏ sự cảm thán trước lợi ích mà công nghệ đem lại: "Giờ đây, đến cây cọ hay xơ dừa làm cọ mình cùng có thể đặt hàng online". Nhờ vậy mà chàng họa sĩ trẻ đã tiết kiệm được thời gian hơn trong việc tạo nên các chất liệu vẽ.
Còn Lê Rin, anh đã tham khảo màu sắc công nghệ trên Internet để ứng dụng, hoàn thiện sản phẩm màu nước truyền thống của mình.
Tựu chung lại, thế hệ trẻ hiện nay đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng làm sao để thực sự lưu giữ lại bản sắc trong khi vẫn có thể lan tỏa những giá trị này theo một cách sáng tạo, gần gũi đòi hỏi sự nghiêm túc và niềm đam mê ở trong mỗi người trẻ. Bởi hơn hết, họ có một tình yêu lớn lao dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc, đang ngày ngày miệt mài thổi một làn gió mới đầy năng động, trẻ trung, nhiệt huyết và đem đến những tác phẩm, góp một phần công sức của mình để những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc được lan tỏa và biết tới nhiều hơn nữa.
Phạm Hoài - Hà Kiều
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 3 hay khác:
- Nói và nghe: Nghe - kể: Đàn cá heo và bản nhạc
- Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài thơ, bài văn) em đã đọc ở nhà về nghệ thuật hoặc về một nghệ sĩ
- Tự đọc sách báo: Đọc sách báo viết về cảnh đẹp quê hương
- Nói và nghe: Trao đổi: Nói về cảnh đẹp non sông
- Viết về cảnh đẹp non sông
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều
- Giải vbt Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều
- Giải lớp 3 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 3 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 3 Chân trời sáng tạo (các môn học)
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.