Top 20 Đọc sách báo về trò chơi, đồ chơi lớp 3 (hay nhất)
Tổng hợp các đoạn văn Đọc sách báo về trò chơi, đồ chơi lớp 3 hay nhất giúp học sinh lớp 3 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.
Top 20 Đọc sách báo về trò chơi, đồ chơi lớp 3 (hay nhất)
Đọc sách báo về trò chơi, đồ chơi lớp 3 - mẫu 1
Bảo tồn đồ chơi truyền thống: Không phải câu chuyện của riêng ai
NDO - Đồ chơi Trung thu cổ truyền không chỉ thú vị, mà còn chứa cả bề dày văn hóa, đúc kết kinh nghiệm, kiến thức của cha ông ta nhiều đời nay. Thế nhưng đồ chơi truyền thống hiện không thể cạnh tranh được với các loại đồ chơi hiện đại, nghệ nhân làm đồ chơi cũng mai một và chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc việc bảo tồn đồ chơi truyền thống và hỗ trợ nghệ nhân dân gian cần được cả các cơ quan chức năng và xã hội lưu tâm.
Thứ sáu, ngày 09/09/2022 - 10:56
Tại cuộc Tọa đàm “Tết Trung thu cổ truyền: Gìn giữ, phát huy và lan tỏa” do Cung Thiếu nhi Hà Nội phối hợp Hội Truyền thông thành phố Hà Nội và Tạp chí Xưa Nay tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, như: nhà sử học Dương Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi (Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), ông Phan Đăng Long (nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội), Tiến sĩ Vũ Thế Long, nhà văn Lê Phương Liên, nhà báo Vũ Tuyết Nhung.
Những món đồ chơi mang bề dày văn hóa
Đồ chơi Trung thu cổ truyền không chỉ đơn thuần là món đồ để giải trí, mà còn mang theo cả bề dày của nền văn hóa Việt, đúc kết những kinh nghiệm, kiến thức mang tính khoa học từ trong cuộc sống của cha ông ta nhiều đời nay. Món đồ chơi nào cũng được làm từ những mong muốn của con người đối với thiên nhiên, và dựa trên những kỹ thuật cơ bản về vật lý, hóa học, tận dụng sức nóng của lửa để làm đồ chơi chuyển động (đèn kéo quân), dùng chất đốt để chạy (tàu thủy sắt tây), dùng các miếng gỗ hình tròn để làm quay tán đèn (đèn ông sư), dùng giấy bóng kính nhiều màu tạo ra ánh sáng lung linh đủ màu sắc (đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn tôm, cá…).
Mỗi món đồ chơi đều có ý nghĩa như: mong muốn một mùa màng tươi tốt bội thu, mưa thuận gió hòa, mong bình an, may mắn, con cái học hành đỗ đạt, thành công…
Những món đồ chơi dân gian đều đã trải qua một bề dày lịch sử. Không ai xác định rõ đồ chơi Trung thu bắt đầu xuất hiện từ bao giờ, ai làm ra đầu tiên… Nhưng cho đến bây giờ, các món đồ chơi truyền thống hầu như vẫn giữ nguyên vẹn kiểu dáng ban đầu, nếu có thay đổi, chỉ là sao cho tiện dụng hơn và dễ chơi hơn đối với trẻ nhỏ.
Bằng những cách “kể chuyện” đặc biệt của mình, các món đồ chơi Trung thu cũng giúp cho trẻ em học hỏi được nhiều kiến thức. Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi cho biết, đồ chơi truyền thống không chỉ cung cấp cho các em nhỏ thông tin về văn hóa truyền thống, mà còn giúp các em ôn lại những bài học về chuyển động, hơi đốt, về động cơ, sức gió… trong những môn đã học ở trường.
Tiến sĩ Vũ Thế Long (chuyên gia nghiên cứu về môi trường và lịch sử văn hóa) kể lại, hơn 20 năm trước, có dịp làm việc trong Bảo tàng Con người ở Paris, ông đã thấy trong kho của Bảo tàng một bộ sưu tập đồ chơi làm từ sắt tây mà bà Colani, nhà khảo cổ học Pháp sưu tầm được ở Hà Nội và đem về Pháp năm 1929, sau đó trưng bày ở Mỹ.
Điều lý thú là trong sưu tập này có những chiếc xe làm bằng sắt tây có 4 bánh và bên trên có những con rối sắt tây cử động được khi kéo cho xe chạy. Có ông bán phở gánh với bàn thái phở và nồi nước dùng, đầu đội mũ phở tay cầm dao chặt lên thớt. Có cả con rối xay lúa giã gạo và đặc biệt là có tượng Thánh Gióng, Hai Bà Trưng trong nhóm đồ chơi này.
“Tôi ngạc nhiên khi thấy thời bấy giờ, người Việt đã khéo đem nội dung khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc chống ngoại xâm vào nghệ thuật đồ chơi dân gian Trung thu một cách tài tình khéo léo đến thế”, Tiến sĩ Vũ Thế Long nói.
Tìm cách bảo tồn đồ chơi truyền thống
Một trong những nơi đầu tiên và kiên trì tổ chức các hoạt động trải nghiệm, thực hành làm đồ chơi dân gian cho trẻ nhỏ vào mỗi dịp Trung thu là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Trong suốt 20 năm qua, trừ khoảng thời gian phải tạm ngừng do dịch Covid-19, Bảo tàng đã tổ chức hàng chục chương trình với các chủ đề khác nhau, hướng tới tìm hiểu trò chơi, đồ chơi dân gian và Tết Trung thu của nhiều địa phương trong nước, cũng như của một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Nhiều nghệ nhân làm đồ chơi dân gian đã được đông đảo công chúng biết đến từ những hoạt động của Bảo tàng.
Chị Vũ Hồng Nhi, Phó Trưởng phòng Truyền thông giáo dục của Bảo tàng cho biết, mặc dù đời sống của các nghệ nhân hầu hết đều còn khó khăn, nhưng họ vẫn rất tâm huyết, quyết tâm lưu truyền giá trị văn hóa và nét đẹp của đồ chơi truyền thống đến với thế hệ trẻ. Những nỗ lực này cũng với nỗ lực của Bảo tàng đã phần nào đem lại kết quả nhất định.
Với hàng nghìn lượt khách tham quan vào mỗi dịp Trung thu, đồ chơi truyền thống đã phần nào được chú ý đến, được yêu thích và thu hút trẻ nhỏ cùng các gia đình trở lại Bảo tàng vào mỗi dịp Trung thu hằng năm.
Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi cũng cho rằng, cần có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức văn hóa trong việc giới thiệu và tổ chức các họat động đón Tết Trung thu cho trẻ em với đồ chơi, trò chơi dân gian có tính giáo dục cao để những giá trị cốt lõi sẽ tiếp tục được nhân lên.
Vật chất nhiều lên, đồ chơi trung thu càng ngày càng đẹp, bánh trung thu và hoa quả hàng nội hàng ngoại càng ngày càng ngon, Mọi việc từ bày cỗ Trung thu, trang trí lễ hội đến các đội múa rồng, múa lân, sân khấu loa đài điện tử càng ngày càng chuyên nghiệp, điêu luyện, hiện đại hơn. Thế mà Tết Trung thu càng ngày càng nhạt, các cháu thiếu nhi càng ngày càng ít tình cảm với Tết Trung Thu. Ở nhiều cơ sở khu phố các cháu ít tham gia sinh hoạt chung. Nguyên nhân vì đâu?
(Nhà văn Lê Phương Liên)
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, những người nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giúp trẻ em hiểu và yêu đồ chơi dân gian chính là các phụ huynh. Bố mẹ đồng hành cùng con khám phá đồ chơi dân gian, giải thích cho con hiểu, chơi cùng con, sẽ khiến trẻ nhỏ thích thú với món đồ chơi hơn là để trẻ tự chơi.
Ngoài ra, muốn đồ chơi dân gian có sức sống, hãy tạo một không gian cho chúng. Theo nhà sử học, nếu những không gian trang trí, cơ quan, trường học, địa điểm công cộng thay thế các loại đồ trang trí nhập khẩu, không phù hợp thẩm mỹ bằng các loại đèn dân gian, thì vừa tăng sức sống cho đồ chơi, vừa tạo nguồn thu nhập cho những người làm đồ chơi. Nên khuyến khích các gian hàng giới thiệu và bán đồ chơi dân gian tại các sân bay, bến cảng…, những nơi khách nước ngoài đặt chân đến Việt Nam đầu tiên, để quảng bá cho họ biết được vẻ đẹp và sự độc đáo của đồ chơi dân gian.
Và quan trọng nhất, không thể thiếu được vai trò của nhà nước, với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồ chơi dân gian, hỗ trợ nghệ nhân trong cả đời sống và truyền nghề. Chỉ khi thấy được sự quan tâm của nhà nước đối với những giá trị của đồ chơi truyền thống, những thế hệ sau mới an tâm nối nghiệp nghệ nhân.
Đọc sách báo về trò chơi, đồ chơi lớp 3 - mẫu 2
Trò chơi dân gian trong nhịp sống hiện đại
Sự xuất hiện của các trò chơi hiện đại khiến trò chơi dân gian truyền thống ngày bị mai một. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc trò chơi dân gian không còn sức hấp dẫn đối với thế hệ trẻ hiện nay. Vấn đề là cần tạo ra không gian để các em được tiếp xúc nhiều hơn với các trò chơi dân gian truyền thống.
Nhớ ngày trước, chúng tôi chơi rồng rắn lên mây, nhảy dây, ô ăn quan, đánh chắt, thả diều, bịt mắt bắt dê, bắn bi, gảy vòng, bắn súng phóc, đánh khẳng... Từ trong nhà ra ngoài ngõ luôn khúc khích tiếng trẻ con hò reo, nô đùa. Thế nhưng, trẻ con bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ trước màn hình máy tính là có thể chơi vô số trò chơi trên internet. Phải chăng sự tiện dụng ấy chính là nguyên nhân khiến trò chơi hiện đại nhanh chóng áp đảo trò chơi dân gian chỉ sau vài thập niên ngắn ngủi? Hay vì trò chơi dân gian đã không còn sức hấp dẫn trong thời buổi hội nhập văn hóa hiện nay?
Bác Hồ từng nói: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Tâm hồn của trẻ nhỏ như trang giấy trắng. Những gì các em học được trong những năm tháng tuổi thơ là nền tảng để hình thành nhân cách mai sau. Học mà chơi, chơi mà học, thông qua các trò chơi hàng ngày, các em được rèn luyện cả trí lực và thể lực. Do đó, việc chọn lựa trò chơi phù hợp với trẻ là việc làm quan trọng và cần thiết. Bất cứ trò chơi nào cũng khiến người chơi phải say mê. Trước kia, tôi thường trốn bố mẹ đi chơi đánh chắt với lũ bạn thâu trưa. Chỉ với 20 que chắt nhỏ cầm vừa đủ nắm tay và quả bưởi con cỡ bằng cái chén mà thu hút cả đám con gái ngồi túm năm tụm ba. Mỗi khi những que chắt được trải dưới đất, quả bưởi nảy lên cao là những bài đồng dao lại được cất lên: “Lá lốt, xương sông, cây hồng, nho nhỏ, chú thỏ, trắng tinh, em Trinh, biết hát, cái bát, lên bàn hai...”. Có vài chục bài đồng dao như thế nói về con người, cảnh vật và những đồ dùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người nông dân. Đó là những bài hát trong sáng, mang đậm tính nhân văn, rất đỗi thân thương và dễ nhớ. Trò chơi ấy luyện cho đám trẻ con chúng tôi thêm nhanh tay, nhanh mắt và giúp chúng tôi gắn bó hơn với cuộc sống thôn quê.
Những trò chơi dân gian giản dị và mộc mạc đó đã nuôi sống tâm hồn chúng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ. Những viên sỏi thô mộc, sợi dây thừng, những viên bi mắt mèo đều có thể dùng làm đồ chơi, cả những cành cây khô dùng làm nỏ, quả xoan dùng làm đạn bắn súng phóc, giấy rách làm diều... Những trò chơi dân gian gắn với không gian đồng quê là nét đặc trưng của làng quê Việt, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác như một di sản văn hóa dân tộc.
Ngày nay, nhiều trẻ em không còn chơi các trò chơi dân gian, đặc biệt là trẻ em sống tại những đô thị lớn. Nhiều phụ huynh bận rộn với nhịp sống hiện đại, ít có thời gian hướng dẫn các em làm quen với các trò chơi dân gian truyền thống, trẻ em cũng bận rộn với việc học tập tại trường, ít có thời gian để vui chơi, giải trí. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh làm mất đi không gian của trò chơi truyền thống. Các em chỉ còn biết vùi đầu vào những chiếc máy tính kết nối internet để chơi các trò chơi mang đầy tính kích động bạo lực như: Võ thuật, đấm đá, chém giết... Điều này làm tâm hồn trong sáng của trẻ thơ trở nên hung hãn và tàn bạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phổ biến. Chưa kể, việc tiếp xúc hàng giờ với máy tính khiến thị lực, sức khỏe của các em bị suy giảm.
Hiện nay, tại khu vực cổng trường học "mọc" lên nhiều quán internet phục vụ nhu cầu chơi game của học sinh cả trong và ngoài giờ học. Các em mải mê chơi game đến nỗi quên ăn, quên ngủ, học hành ngày càng sa sút. Thiếu tiền chơi game khiến các em nảy sinh ý định ăn cắp tiền của bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Vậy tại sao trẻ em thời nay lại đắm chìm trong thế giới game độc hại mà ít để ý đến chơi trò chơi dân gian truyền thống lành mạnh? Phải chăng vì những trò chơi dân gian không còn sức hấp dẫn đối với các em? Trên thực tế thì không phải như vậy, trẻ em ngày nay rất yêu thích các trò chơi truyền thống. Tuy nhiên, nó được coi như những “đặc sản” chỉ được thưởng thức vào các dịp lễ hội đầu năm. Ở các lễ hội, người ta tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Kéo co, đấu vật, đập niêu đất... thu hút cả người lớn tuổi lẫn trẻ em tham gia. Những trò chơi dân gian thử thách sự kiên cường, dẻo dai, khéo léo của người chơi, đồng thời, thể hiện nét văn hóa độc đáo và giàu bản sắc của dân tộc. Để gìn giữ, lưu truyền trò chơi dân gian thì việc cần làm trước tiên là thường xuyên tổ chức các trò chơi trong nhà trường cũng như tại các điểm vui chơi công cộng để các em có cơ hội tiếp xúc với các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, từng bước loại bỏ các trò chơi độc hại đầu độc thể chất và tinh thần của các em.
Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 3 hay khác:
- Nói và nghe: Kể chuyện Em tiết kiệm
- Nói và nghe: Kể chuyện Chiếc răng rụng
- Tự đọc sách báo: Đọc sách báo về gia đình
- Dựa vào những điều em vừa nói, hãy viết đoạn văn kể về việc em giữ lời hứa với cha mẹ (người thân) hoặc cha mẹ( người thân) khuyên bảo em những điều hay lẽ phải
- Kể hoặc đọc lại một câu chuyện (bài đọc, bài văn) em đọc ở nhà về tình cảm gia đình
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:
- Giải sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều
- Giải vbt Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều
- Giải lớp 3 Cánh diều (các môn học)
- Giải lớp 3 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 3 Chân trời sáng tạo (các môn học)
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.