Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (5 phiếu)



Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (Phiếu số 1)

Thời gian: phút

Câu 1: Đọc bài Tranh làng Hồ và cho biết những từ ngữ ở hai đoạn cuối thể hiện sự đánh giá của tác giả đối với tranh làng Hồ?

A

B

1. Tranh lợn ráy

a. khoáy âm dương rất có duyên

2. Tranh vẽ đàn gà con

b. là một sự sáng tạo góp phần vào kho tàng màu sắc của dân tộc trong hội họa, càng ngắm càng ưa nhìn

3. Kĩ thuật tranh

c. rất Việt Nam, được làm từ những chất liệu gợi nhắc tha thiết tới làng quê, đất nước

4. Màu trắng điệp

d. tưng bừng như ca múa bên gà mái mẹ

5. Màu đen

e. đã đạt tới sự trang trí tinh tế

Câu 2: Ý nghĩa của bài văn Tranh làng Hồ?

A. Đưa người đọc tới khám phá một nét sinh hoạt, một khung cảnh làng quê mang đậm hồn quê Việt Nam ở làng Hồ

B. Giúp người đọc hiểu hơn về giấy dó và trân trọng những sáng tạo của những tác giả dân gian

C. Ca ngợi những người nghệ sĩ dân gian đã tạo ra những vật phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc và nhắn nhủ mọi người hãy biết quý trọng, giữ gìn những đẹp cổ truyền của văn hóa dân tộc

D. Trân trọng sự sáng tạo và cống hiến của tác giả dân gian khi làm ra giấy dó, đó là phát minh vĩ đại cần được truyền thụ cho con cháu mãi sau này

Câu 3: Đọc lại bài thơ Đất nước và cho biết: Lòng tự hào về đất nước tự do và về truyền thống bất khuất của dân tộc được thể hiện qua những từ ngữ, hình ảnh nào trong hai khổ thơ cuối?

Câu 4: Ý nghĩa của bài thơ Đất nước?

A. Miêu tả cảnh vật đất trời xưa và nay từ đó làm một phép so sánh cho chúng ta thấy đất trời vào thu ngày nay vui và đẹp hơn xưa

B. Thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc.

C. Khẳng định non sông đất nước ta vô cùng tươi đẹp

D. Miêu tả vẻ đẹp của mùa thu vừa vui vừa đẹp lại vừa buồn là cái buồn khiến người ta phải xao xuống mãi không quên

Câu 5: Tên địa lí nào viết đúng chính tả?

A. Bắc-kinh

B. Thái lan

C. Nhật Bản

D. La-Mã

Câu 6: Trong các trường hợp sau trường hợp nào viết đúng chính tả?

A. A-ri-ôn

B. Bắc-kinh

C. Bạch cư dị

D. Ma ri Ô

Câu 7: Kho tàng tục ngữ, ca dao đã ghi lại nhiều truyền thống  quý báu của dân tộc ta. Em hãy minh họa mỗi truyền thống nêu dưới đây bằng một câu tục ngữ hoặc ca dao

A. Truyền thống


1. Yêu nước

a. Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng.

2. Lao động cần cù

b. Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách

3. Đoàn kết

c. Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh

4. Nhân ái

d. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ;

Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

Câu 8: Tìm từ có tác dụng nối các câu trong đoạn văn

Lựa chọn trở thành một bác sĩ, một giáo viên, hoặc một họa sĩ là quyết định của con. Vì vậy, ngay từ bây giờ con phải suy nghĩ cho thật kĩ, bố mẹ có thể cho con ý kiến nếu con muốn.           

A. Từ “Lựa chọn”

B. Từ “Vì vậy”

C. Từ “suy nghĩ”

D. Từ “ý kiến” 

Câu 9: Gạch dưới các quan hệ từ có tác dụng liên kết câu trong đoạn văn sau:

            Chị Hằng kể: Tuần trước, Cuội út sang Sao Hỏa chơi, trót ăn nhiều quá một loại quả gì đó nên bây giờ cứ ngủ lăn lóc. Cuội còn cho biết Sao Hỏa có một loại thuốc, uống vào sẽ hết cơn buồn ngủ khủng khiếp này. Nhưng Chị Hằng không thể đi lấy loại thuốc đó được. Vì vậy, thông báo tin này để tất cả các bạn đánh thức Cuội út dậy, nếu không chẳng ai đi chăn trâu cả.

Câu 10: Viết một đoạn văn (5-7 câu) tả loài cây mà em thích, trong đoạn văn có sử dụng từ ngữ có tác dụng liên kết.

Đáp án:

Câu 1:

Sự đánh giá của tác giả với tranh làng Hồ được thể hiện qua những từ ngữ;

1 – a: Tranh lợn ráy: khoáy âm dương rất có duyên

2 – d: Tranh vẽ đàn gà con: tưng bừng như ca múa bên gà mái mẹ

3 – e: Kĩ thuật tranh: đã đạt tới sự trang trí tinh tế

4 – b: Màu trắng điệp: là một sự sáng tạo góp phần vào kho tàng màu sắc của dân tộc trong hội họa, càng ngắm càng ưa nhìn

5 – c: Màu đen: rất Việt Nam, được làm từ những chất liệu gợi nhắc tha thiết tới làng quê, đất nước

Đáp án đúng: 1-> a, 2 -> d, 3 ->e, 4 -> b, 5 -> c

Câu 2:

Ý nghĩa của bài văn Tranh làng Hồ:

Ca ngợi những người nghệ sĩ dân gian đã tạo ra những vật phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc và nhắn nhủ mọi người hãy biết quý trọng, giữ gìn những đẹp cổ truyền của văn hóa dân tộc

Đáp án đúng: C.

Câu 3:

- Lòng tự hào về đất nước tự do:

+Thể hiện qua những từ ngữ được lặp đi lặp lại với nhau: Trời xanh đây, núi rừng đây, của chúng ta. Các từ ngữ đây, của chúng ta được lặp đi lặp lại có tác dụng nhấn mạnh niềm tự hào, niềm hạn phúc về đất nước giờ đây đã được hưởng niềm tự do, hạnh phúc trọn vẹn

+Những hình ảnh được liệt kê những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa như một cách thêm phần khẳng định chúng ta đã hoàn toàn được hưởng tự do và độc lập, mỗi một tấc đất, mỗi một cảnh vật đều là của chúng ta, những gì tươi đẹp nhất trên đất nước này đều là của dân tộc ta, đất nước ta

- Lòng tự hào về truyền thống bất khuất của dân tộc:

+Nước những người chưa bao giờ khuất: Nước của những người chưa bao giờ chịu khuất phục hoặc cũng có thể hiểu là những con người bất tử. hình ảnh này là để nhắc đến những con người dũng cảm, dám đứng lên kiên cường đấu tranh để đem lại cho chúng ta tự do, bình yên như ngày hôm nay. Những người ấy dù còn sống hay là đã hi sinh thì hình ảnh của họ mãi là bất tử, họ còn sống mãi cùng với non sông đất nước, sống trong lòng mỗi con người Việt Nam

+Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về: Là lời của ông cha dường như vẫn còn luôn vang vọng vào trong đất trời sông núi ngày hôm nay. Nhắc nhở chúng ta hưởng cuộc sống tươi đẹp này thì phải luôn nhớ ơn, biết ơn những người đi trước, những người đã ngã xuống, những người đã hi sinh, những người đã vất vả khó nhọc để cho chúng ta có được cuộc sống ngày hôm nay

Câu 4:

Ý nghĩa của bài thơ Đất nước

Thể hiện niềm vui, niềm tự hào về đất nước tự do, tình yêu tha thiết của tác giả đối với đất nước, với truyền thống bất khuất của dân tộc.

Đáp án đúng: B.

Câu 5:

Đối với tên địa lí nước ngoài có phiên âm Hán Việt, em viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam, viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó

Các trường hợp viết đúng đó là: Nhật Bản

Đáp án đúng : C.

Câu 6:

Trường hợp viết đúng là: A-ri-ôn

Đáp án đúng: A.

Câu 7:

- Yêu nước: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh

- Lao động cần cù: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ;

Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

- Đoàn kết: Một cây làm chẳng nên non/Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng.

- Nhân ái: Thương người như thể thương thân; Lá lành đùm lá rách

Đáp án đúng: 1->c, 2 -> d, 3 ->a, 4->b

Câu 8:

Từ vì vậy là từ để nối câu 1 và câu 2 trong đoạn văn.

Đáp án đúng: B. Từ “Vì vậy”

Câu 9:

            Chị Hằng kể: Tuần trước, Cuội út sang Sao Hoả chơi, trót ăn nhiều quá một loại quả gì đó nên bây giờ cứ ngủ lăn lóc. Cuội còn cho biết Sao Hoả có một loại thuốc, uống vào sẽ hết cơn buồn ngủ khủng khiếp này. Nhưng chị Hằng không thể đi lấy loại thuốc đó được. Vì vậy, thông báo tin này để tất cả các bạn đánh thức Cuội út dậy, nếu không chẳng ai chăn trâu cả.

Câu 10:

         Gốc bàng rất lớn. Dưới gốc là nhừng chiếc rễ trồi lên, bò lan xung quanh như những con trăn khổng lồ. Trên thân bàng là những cành lớn, cành nhỏ vươn đều ra bốn phía. Lá bàng xanh mơn mởn tỏa bóng mát rượi. Bởi vậy, lũ học trò như chúng tôi rất thích ngồi dưới gốc cây học bài hoặc cùng nhau vui chơi.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (Phiếu số 2)

Thời gian: phút

I – Bài tập về đọc hiểu

Chú vẹt tinh khôn

Một người lái buôn từ châu Phi về mang theo chú vẹt màu đỏ,lông xanh biếc và nói rất sõi. Ông cho vẹt sống trong chiếc lồng xinh xắn,bên khu vườn có nhiều hoa lá châu Phi để vẹt đỡ buồn.Ít lâu sau, trước khi sang châu Phi buôn chuến hàng mới, ông nói với vẹt :

– Ta sắp tới quê hương của mi. Mi có nhắn gì với bà con bạn hữu của mi không ?

Chú vẹt liền nói :

– Ông chủ làm ơn nói với đồng bào của tôi là : Ở đây dù đầy đủ thức ăn, tôi vẫn gầy mòn vì nhớ rừng quê, nhớ bạn bè, dòng họ. Nhờ ông bảo họ chỉ giúp tôi cách trở về quê hương.

Nghe vẹt nói, ông chủ thầm nghĩ : “Đúng là ngu như vẹt ! Ta đâu có khờ dại mà thuật lại mưu kế để mày thoát thân”.

Tới châu Phi, ông trở lại khu rừng xưa thấy một lũ vẹt đậu trên cây cao, trong đó có con vẹt mào đỏ giống chú vẹt ở nhà.Ông bèn nói lại lời chú vẹt ở nhà cho chúng nghe. Con vẹt mào đỏ chăm chú nghe xong bỗng trở nên buồn rười rượi, xù lông xù cánh, gục đầu,rồi rơi xuống bụi rậm.Ông nghĩ : “Chắc nó thương bạn nên mới rầu rĩ mà chết như thế”.

Về đến nhà, người lái buôn kể lại câu chuyện trên cho chú vẹt của ông nghe. Nghe xong, chú vẹt ủ rũ nhắm mắt và một lúc sau thì rơi xuống đáy lồng, nằm bất động. Người lái buôn buồn rầu than thở : “Hóa ra giống vẹt cũng có tình có nghĩa như người, nghe tin bạn chết vì thương nó, nó cũng đau khổ mà chết theo”.

Ông mở lồng mang vẹt ra, để lên bàn tay ngắm nghía. Đột nhiên, chú vẹt bay vù lên cây cao, đứng nhìn ông và nói : “Cảm ơn ông chủ đã thuật lại cách bạn tôi giúp tôi được tự do. Tôi xin chào ông để trở về rừng núi quê hương”. Thế rồi, vẹt cất cánh nhằm hướng tây nam bay thẳng.

( Dựa theo Truyện kể I-ran-Thanh Trà kể )

Khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng

1. Chú vẹt mang từ châu Phi về có đặc điểm gì ?

a - Mào đỏ, lông xanh biếc, xinh xắn

b - Mào đỏ, lông xanh biếc, nói rất sõi

c- Lông xanh biếc, xinh xắn, nói rất sõi

2. Vẹt muốn nhờ ông chủ nhắn đồng bào mình điều gì quan trọng ?

a - Dù sống đầy đủ nhưng vẹt vẫn nhớ quê

b - Vẹt gầy mòn vì nhớ rừng quê, nhớ bạn bè

c - Vẹt muốn chỉ giúp cách trở về quê hương

d - Vẹt luôn nhớ quê hương, bạn bè, dòng họ

3. Con vẹt ở rừng quê đã làm gì để người lái buôn tin rằng nó chết vì thương bạn ?

a - Buồn rười rượi, xù lông xù cánh, gục đầu, quá thương bạn

b - Chăm chú nghe, xù lông xù cánh, gục đầu, rơi xuống bụi rậm

c - Chăm chú nghe, buồn rười rượi, xù lông xù cánh, gục đầu

d - Buồn rười rượi, xù lông xù cánh, rơi xuống bụi rậm

4. Nhờ đâu mà chú vẹt thoát khỏi được chiếc lồng để bay về quê hương ?

a - Nhờ người lái buôn thuật lại cách giả chết

b - Nhờ lời chỉ dẫn của bạn về cách giả chết

c - Nhờ người lái buôn kể chuyện sang châu Phi

d - Nhờ hiểu ý bạn chỉ dẫn cách thoát thân

5. Chú vẹt đáng khen nhất vì điều gì ?

a - Tình cảm gắn bó với quê hương

b - Tình cảm gắn bó với đồng loại

c - Sự nhanh trí và tinh khôn

d - Sự khéo léo và nhanh nhẹn

II – Bài tập về Chính tả, Luyện từ và câu, tập làm văn

1. Gạch dưới các tên người, tên địa lí nước ngoài viết hoa chưa đúng quy tắc ( cột A ) và viết lại các tên riêng đó cho đúng ( cột B )

A

B

a) Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cửa biển Xê-Vi-la nước Tây ban nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-Gien-Lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.



b) Năm 1543, nhà thiên văn học Ba lan Cô-Péc-Ních cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng trái đất là một hành tinh quay quanh mặt trời. Năm 1632, nhà thiên văn học I-ta-li-a Ga-Li_lê lại cho ra đời một cuốn sách cổ vũ cho ý kiến của Cô-Péc-Ních. Lập tức, toà án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Ga-Li-Lê ra xét xử. Ông bị tù đày nhưng quan điểm của ông đã được mọi người thừa nhận.



2. Điền từ thích hợp vào chỗ trống để hoàn chỉnh các câu tục ngữ, ca dao nói về truyền thống dân tộc ( yêu nước, lao động cần cù, đoàn kết, nhân ái )

a) Dù ai đi ngược về……………

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

b) Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc…….tấc ………..bấy nhiêu.

c) Dân ta nhớ một chữ đồng

Đồng tình,…….sức,…….lòng, đồng minh.

d) Anh em như thể tay chân

Rách lành………khó khăn đỡ đần

Từ cần điền : đất, vàng, đồng (2 lần), xuôi,đùm bọc

3. Chọn từ ngữ nối thích hợp (Rồi hoặc Trái lại, Vì vậy, Thế mà) điền vào chỗ trống để liên kết các câu trong mỗi đoạn sau :

a) Bãi ngô quê em ngày càng xanh tốt. Mới dạo nào những cây ngô còn lấm tấm như mạ non. …………..chỉ ít lâu sau, ngô đã thành cây rung rung trước gió và ánh nắng.

( Theo Nguyên Hồng )

b) Đi chăn trâu về, chạy đến đống ngô vừa bẻ, chọn những bắp bánh tẻ thật ưng ý. Kiếm cái dùi sắt, dùi vào bắp ngô, lùi vào bếp nấu cơm của mẹ của chị. ………….. vừa chờ ngô chín, nghe tiếng nổ lép bép trong than, nước miếng đã tứa ra.

( Theo Ngô Văn Phú )

c) Tê tê là loài thú hiền lành, chuyên diệt sâu bọ……………, chúng ta cần bảo vệ nó

( Theo Vi Hồng – Hồ Thủy Giang )

d) Ngay nhịp trống đầu, Quắm Đen đã lăn xả vào ông Cản Ngũ. Anh vờn bên trái, đánh bên phải, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hóa khôn lường. …………,ông Cản Ngũ có vẻ lớ ngớ, chậm chạp. Hai tay ông lúc nào cũng dang rộng, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ.

( Theo Kim Lân )

4. Viết đoạn văn ( khoảng 7 câu ) tả một bộ phận nổi bật nhất của một cây hoa hoặc cây ăn quả mà em biết.

Đáp án:

I.

1. Chú vẹt mang từ châu Phi về có đặc điểm gì ?

b - Mào đỏ, lông xanh biếc, nói rất sõi

2. Vẹt muốn nhờ ông chủ nhắn đồng bào mình điều gì quan trọng ?

c - Vẹt muốn chỉ giúp cách trở về quê hương

3. Con vẹt ở rừng quê đã làm gì để người lái buôn tin rằng nó chết vì thương bạn ?

c - Buồn rười rượi, xù lông xù cánh, rơi xuống bụi rậm

4. Nhờ đâu mà chú vẹt thoát khỏi được chiếc lồng để bay về quê hương ?

d - Nhờ hiểu ý bạn chỉ dẫn cách thoát thân

5. Chú vẹt đáng khen nhất vì điều gì ?

c - Sự nhanh trí và tinh khôn

II.

1. Viết đúng

a) Xê-vi-la, Tây Ban Nha, Ma-gien-lăng

b) Ba Lan, Cô-péc-ních (2 lần), I-ta-li-a, Ga-li-lê (2 lần)

2. Giải đáp :

a) Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

b) Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

c) Dân ta nhớ một chữ đồng

Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.

d) Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc, khó khăn đỡ đần

3. Giải đáp

a) Bãi ngô quê em ngày càng xanh tốt. Mới dạo nào những cây ngô còn lấm tấm như mạ non. Thế mà chỉ ít lâu sau, ngô đã thành cayarung rung trước gió và ánh nắng.

b) Đi chăn trâu về, chạy đến đống ngô vừa bẻ, chọn những bắp bánh tẻ thật ưng ý. Kiếm cái dùi sắt, dùi vào bắp ngô, lùi vào bếp nấu cơm của mẹ của chị. Rồi vừa chờ ngô chín, nghe tiếng nổ lép bép trong than, nước miếng đã tứa ra.

c) Tê tê là loài thú hiền lành, chuyên diệt sâu bọ. Vì vậy, chúng ta cần bảo vệ nó

d) Ngay nhịp trống đầu, Quắm Đen đã lăn xả vào ông Cản Ngũ. Anh vờn bên trái, đánh bên phải, dứ trên, đánh dưới, thoắt biến, thoắt hóa khôn lường. Trái lại, ông Cản Ngũ có vẻ lớ ngớ, chậm chạp. Hai tay ông lúc nào cũng dang rộng, để sát xuống mặt đất, xoay xoay chống đỡ.

4. Tham khảo (tả hoa giấy)

Hoa giấy đẹp một cách giản dị. Mỗi cánh hoa giống hệt một chiếc lá, chỉ có điều mỏng manh hơn và có màu sắc rực rỡ. Hoa giấy rời cành khi vẫn còn đẹp nguyên vẹn, hoa rụng mà vẫn còn tươi nguyên. Đặt trên lòng bàn tay, những cánh hoa mỏng tang rung rinh, phập phồng run rẩy như đang thở, không có một mảy may biểu hiện của sự tàn úa. Dường như chúng không muốn mọi người phải buồn rầu vì chứng kiến cảnh héo tàn. Chúng muốn mọi người lưu giữ mãi những ấn tượng đẹp đẽ mà chúng ta đem lại trong suốt cả một mùa hè….

( Theo Trần Hoài Dương )

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (Phiếu số 3)

Thời gian: phút

Câu 1. Kho tàng tục ngữ, ca dao đã ghi lại nhiều truyền thống quý báu của dân tộc ta. Em hãy minh hoạ mỗi truyền thống nêu dưới đây bằng một câu tục ngữ hoặc ca dao:

a) Yêu nước ............

M: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.

b) Lao động cần cù ……………

c) Đoàn kết ……………

d) Nhân ái ……………

Câu 2. Mỗi câu tục ngữ, ca dao hoặc câu thơ dưới đây đều nói đến một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hãy điền những chữ còn thiếu vào chỗ trống.

(1) Muốn sang thì bắc……

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

(2) Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng ………nhưng chung một giàn.

(3) Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp ………ở đâu.

(4) Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã, ai dè ……

(5) Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải ………cùng.

(6) Cá không ăn muối ………

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.

(7) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai ………dây mà trồng.

(8) Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu……

(9) Lên non mới biết non cao

Lội sông mới biết ………cạn sâu.

(10) Dù ai nói đông nói tây

Lòng ta vẫn ………giữa rừng.

(11) Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi ……

(12) Nói chín ………làm mười

Nói mười, làm chín, kẻ cười người chê.

(13) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

……..nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng.

(14) ……từ thuở còn non

Dạy con từ thuở hãy còn thơ ngây.

(15) Nước lã mà vã nên hồ

Tay không mà nổi………mới ngoan.

(16) Con có cha như ………

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Câu 3. Viết các chữ vừa điền được trong các câu ở bài tập 2 vào các ô trống theo hàng ngang để giải ô chữ hình chữ s. (Xem M: dòng 1,2):

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (5 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5

Câu 4. Đọc bài văn Cây chuối mẹ (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 96), trả lời các câu hỏi sau:

a) Cây chuối trong bài văn được tả theo trình tự nào?

............................

Còn có thể tả cây cối theo trình tự nào nữa?

.............................

b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào? Em còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào nữa?

……………………………………

……………………………………

c) Ghi lại các hình ảnh so sánh, nhân hoá được tác giả sử dụng để tả cây chuối:

- Hình ảnh so sánh:…………………

- Hình ảnh nhân hoá:………………

Câu 5. Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân).

……………………………………

……………………………………

Đáp án:

Câu 1. Kho tàng tục ngữ, ca dao đã ghi lại nhiều truyền thống quý báu của dân tộc ta. Em hãy minh hoạ mỗi truyền thống nêu dưới đây bằng một câu tục ngữ hoặc ca dao:

a) Yêu nước

M: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh.

- Con ơi con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành con voi

- Muốn coi lên núi mà coi

Coi bà Triệu Ẩu cưỡi voi đánh cồng

- Chim Việt đậu cành Nam

b) Lao động cần cù

- Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ

- Có làm thì mới có ăn

Không dưng ai dễ đem phần đến cho.

c) Đoàn kết

- Một cây làm chắng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

- Khôn ngoan đá đáp người ngoài

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau

- Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

- Lá lành đùm lá rách

d) Nhân ái

- Thương người như thể thương thân

- Chị ngã em nâng

- Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.

Câu 2. Mỗi câu tục ngữ, ca dao hoặc câu thơ dưới đây đều nói đến một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Hãy điền những chữ còn thiếu vào chỗ trống.

(1) Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.

(2) Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

(3) Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu.

(4) Nực cười châu chấu đá xe

Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng.

(5) Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

(6) Cá không ăn muối cá ươn

Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư.

(7) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng .

(8) Muôn dòng sông đổ biển sâu

Biển chê sông nhỏ, biển đâu nước còn

(9) Lên non mới biết non cao

Lội sông mới biết lạch nào cạn sâu.

(10) Dù ai nói đông nói tây

Lòng ta vẫn vững như cây giữa rừng.

(11) Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, ngùi ngùi nhớ thương

(12) Nói chín thì nên làm mười

Nói mười, làm chín, kẻ cười người chê.

(13) Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng.

(14) Uốn cây từ thuở còn non

Dạy con từ thuở hãy còn thơ ngây.

(15) Nước lã mà vã nên hồ

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan.

(16) Con có cha như nhà có nóc

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Câu 3. Viết các chữ vừa điền được trong các câu ở bài tập 2 vào các ô trống theo hàng ngang để giải ô chữ hình chữ s. (Xem M: dòng 1,2):

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (5 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5

Ô hình chữ S là: Uống nước nhớ nguồn

Câu 4. Đọc bài văn Cây chuối mẹ (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 96), trả lời các câu hỏi sau:

a) Cây chuối trong bài văn được tả theo trình tự nào?

- Cây chuối được tả theo từng thời kì phát triển của cây. Từ khi còn là một cây chuối non đến khi thành một cây chuối to rồi trở thành một cây chuối mẹ.

Còn có thể tả cây cối theo trình tự:

- Có thể tả cây chuối từ bao quát đến từng chi tiết, bộ phận.

b) Cây chuối đã được tả theo cảm nhận của giác quan nào? Em còn có thể quan sát cây cối bằng những giác quan nào nữa?

Cây chuối trong bài đã được tả theo cảm nhận của thị giác. Ta còn có thể tả cây chuối theo cảm nhận của xúc giác, thính giác và vị giác. Ví dụ xúc giác: độ trơn, bóng của thân cây; thính giác: tiếng khua của tàu lá chuối khi gió thổi; vị giác: vị chát của quả non, vị ngọt của quả chín; khứu giác: mùi thơm.

c) Ghi lại các hình ảnh so sánh, nhân hoá được tác giả sử dụng để tả cây chuối:

- Hình ảnh so sánh:

Tàu lá nhỏ xanh lơ, dài như lưỡi mác/ thân bằng cột hiên/ các tàu lá ngả ra, như những cái quạt lớn/ cái hoa thập thò, hoe hoe đỏ như một mầm lửa non/ cái hoa to bằng cái chày giã cua/ buồng quả to bằng cái rọ lớn.

- Hình ảnh nhân hoá:

Nó đã là cây chuối to, đĩnh đạc / chưa được bao lâu nó đã nhanh chóng thành mẹ/ cổ cây chuối mẹ mập tròn, rụt lại / vài chiếc lá ngắn cũn cỡn, đánh động cho mọi người biết.

Câu 5. Viết một đoạn văn ngắn tả một bộ phận của cây (lá hoặc hoa, quả, rễ, thân).

Bắt đầu khoảng tháng tư, tháng năm, phượng bắt đầu đơm bông. Trên từng cành phượng già vừa mới thay lá còn xanh non, mọc ra từng chùm nụ lúp xúp, thuôn dài như những viên kẹo màu xanh. Rồi từng nụ hoa lớn dần. Trên thân nụ đã xuất hiện những đường kẻ đỏ, từ đó bung ra từng cánh phượng rực rỡ. Ban đầu là màu đỏ nhạt, cánh hoa còn e ấp, chỉ qua hai ba ngày sau có nắng, có gió, từng cánh phượng nở xòe ra khoe màu đỏ chói chang như lửa. Giữa bông hoa đỏ thắm vươn lên từng nhụy hoa dài, cong, mang trên đầu mình một chút phấn vàng tinh nghịch.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (Phiếu số 4)

Thời gian: phút

Câu 1. Đọc bài văn Qua những mùa hoa (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 98). Gạch dưới các từ ngữ có tác dụng nối trong ba đoạn văn đầu hoặc bốn đoạn văn cuối.

Đoạn 1, 2, 3:

(1) Trên con đường từ nhà đến trường, tôi phải đi qua bờ Hồ Gươm. (2) Lúc có bạn thì chuyện trò tíu tít, có khi đuổi nhau suốt dọc đường. (3) Nhưng khi đi một mình, tôi thích ôm cặp vào ngực, nhìn lên các vòm cây, vừa đi vừa lẩm nhẩm ôn bài.

(4) Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. (5) Rồi bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.

(6) Nhưng khi lửa ở cây gạo sắp lụi thì nó lại "bén" sang những cây vông cạnh cầu Thê Húc. (7)Rồi thì cả một bãi vông lại bừng lên, đỏ gay, đỏ gắt suốt cả tháng tư.

Đoạn 4, 5, 6, 7:

(8) Đến tháng năm thì những cây phượng đón lấy lửa ấy, chạy tiếp cuộc chạy tiếp sức của các loài hoa trong thành phố, báo hiệu những ngày nghỉ hè thoải mái của chúng tôi sắp đến.

(9) Nắng trời vừa bắt đầu gay gắt thì sắc hoa như muốn giảm đi độ chói chang của mình. (10)Hoa phượng màu hồng pha da cam chứ không đỏ gắt như vông như gạo. (11) Đến cái anh bằng lăng thì đã vừa hồng vừa tím. (12)Sang đến anh hoa muồng thì đã ngả hẳn sang sắc vàng chanh.

(13) Nhưng nói chung, đó toàn là những màu sắc rực rỡ như muốn phô hết ra ngoài. (14) Mãi đến năm nay, khi đã lên lớp Năm, đã “người lớn” hơn một tí, tôi mới nhận ra hoa sấu, những chùm hoa nhỏ xíu, sắc chỉ hơi hoe vàng, chìm lẫn vào từng đợt lá non, lẫn với màu nắng dịu.

(15) Đến khi các loài hoa rực rỡ như hoa gạo, vông, phượng, bằng lăng, muồng…. đã kéo quân qua bầu trời Hà Nội, cây sấu trước cửa nhà tôi mới lấp ló những chùm quả xanh giòn. (16) Rồi sau đó, quả chín, những quả chín vừa ngọt vừa chua, ngọt một cách e dè, khiêm tốn như tính tình hoa sấu vậy!

Câu 2. Mẩu chuyện vui dưới đây có một chỗ dùng sai từ để nối, em hãy phát hiện chỗ sai đó và chữa lại cho đúng (bằng cách gạch từ nối dùng sai, thay bằng từ đúng) :

- Bố ơi, bố có thể viết trong bóng tối được không?

- Bố viết được.

- Nhưng bố hãy tắt đèn đi và kí vào sổ liên lạc cho con.

-?!

Cần thay bằng từ……………………

Câu 3:

Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:

1. Tả một loài hoa mà em thích.

2. Tả một loại trái cây mà em thích.

3. Tả một giàn cây leo.

4. Tả một cây non mới trồng.

5. Tả một cây cổ thụ.

(Chú ý: Đọc gợi ý trong Tiếng Việt 5, tập hai, trang 99.)

………………………………………

………………………………………

………………………………………

Đáp án:

Câu 1. Đọc bài văn Qua những mùa hoa (Tiếng Việt 5, tập hai, trang 98). Gạch dưới các từ ngữ có tác dụng nối trong ba đoạn văn đầu hoặc bốn đoạn văn cuối.

Đoạn 1, 2, 3 :

(1) Trên con đường từ nhà đến trường, tôi phải đi qua bờ Hồ Gươm. (2) Lúc có bạn thì chuyện trò tíu tít, có khi đuổi nhau suốt dọc đường. (3) Nhưng (1) khi đi một mình, tôi thích ôm cặp vào ngực, nhìn lên các vòm cây, vừa đi vừa lẩm nhẩm ôn bài.

(4) Vì thế, tôi thường là đứa phát hiện ra bông hoa gạo đầu tiên nở trên cây gạo trước đền Ngọc Sơn. (5) Rồi (1) bông nọ gọi bông kia, bông nọ ganh bông kia, chỉ vài hôm sau, cây gạo đã như một cây đuốc lớn cháy rừng rực giữa trời.

(6) Nhưng (2) khi lửa ở cây gạo sắp lụi thì nó lại "bén" sang những cây vông cạnh cầu Thê Húc. (7) Rồi (2) thì cả một bãi vông lại bừng lên, đỏ gay, đỏ gắt suốt cả tháng tư.

Giải thích thêm:

“Nhưng” (1) nối câu (3) với câu (2).

“Vì thế” nối câu (4) với câu (3), nối đoạn (2) với đoạn 1.

“Rồi” (1)nối câu (5) với câu (4)

“Nhưng” (2) nối câu (6) với câu (5), nối đoạn 3 với đoạn 2.

“Rồi”(2) nối câu (7) với câu (6)

Đoạn 4, 5, 6, 7:

(8) Đến(1) tháng năm thì những cây phượng đón lấy lửa ấy, chạy tiếp cuộc chạy tiếp sức của các loài hoa trong thành phố, báo hiệu những ngày nghỉ hè thoải mái của chúng tôi sắp đến.

(9) Nắng trời vừa bắt đầu gay gắt thì sắc hoa như muốn giảm đi độ chói chang của mình. (10) Hoa phượng màu hồng pha da cam chứ không đỏ gắt như vông như gạo. (11) Đến (2) cái anh bằng lăng thì đã vừa hồng vừa tím. (12)Sang đến anh hoa muồng thì đã ngả hẳn sang sắc vàng chanh.

(13) Nhưng nói chung, đó toàn là những màu sắc rực rỡ như muốn phô hết ra ngoài. (14) Mãi đến năm nay, khi đã lên lớp Năm, đã “người lớn” hơn một tí, tôi mới nhận ra hoa sấu, những chùm hoa nhỏ xíu, sắc chỉ hơi hoe vàng, chìm lẫn vào từng đợt lá non, lẫn với màu nắng dịu.

(15) Đến khi các loài hoa rực rỡ như hoa gạo, vông, phượng, bằng lăng, muồng…. đã kéo quân qua bầu trời Hà Nội, cây sấu trước cửa nhà tôi mới lấp ló những chùm quả xanh giòn. (16) Rồi sau đó, quả chín, những quả chín vừa ngọt vừa chua, ngọt một cách e dè, khiêm tốn như tính tình hoa sấu vậy!

Giải thích thêm:

- “Đến”(1) nối câu(8) với câu(7), nối đoạn 4 với đoạn 3.

- “Đến” nối câu(11) với các câu(9), (10).

- “Sang đến” nối câu(12) với các câu(9), (10), (11).

- “Nhưng” nối câu(13) với câu(12), nối đoạn 6 với đoạn 5.

- “Mãi đến” nối câu(14) với câu(13).

- “Đến khi” nối câu(15) với câu(14), nối đoạn 7 với đoạn 6.

“Rồi” nối câu(16) với câu(15).

Câu 2. Mẩu chuyện vui dưới đây có một chỗ dùng sai từ để nối, em hãy phát hiện chỗ sai đó và chữa lại cho đúng (bằng cách gạch từ nối dùng sai, thay bằng từ đúng):

Thay từ "nhưng" bằng “vậy, vậy thì; thế thì, nếu thế thì, nếu vậy thì”.

Chữa lại câu văn: “Vậy thì bố hãy tắt đèn đi và kí vào sổ liên lạc cho con.”

Câu 3:

Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:

1. Tả một loài hoa mà em thích - Tả hoa hồng

I. Mở bài: Giới thiệu về cây hoa hồng định tả

Nhà em có một khu vườn nhỏ, ba em trồng rất nhiều hoa, trong đó em thích nhất là cây hoa hồng.

II. Thân bài: Tả cây hoa hồng

1. Tả bao quát cây hoa hồng:

– Cây hoa hồng được trồng thành bụi

– Bên cạnh các cây hoa khác như: cúc, huệ,.. và một số cây khác trong vườn.

2. Tả chi tiết về cây hoa hồng

– Thân cây hoa: cao chừng 1 mét.

– Cành cây: cây có nhiều cành, trên cành có nhiều gai.

– Lá: lá non màu xanh nhạt, là già có màu xanh đậm, cạnh lá hình răng cưa.

– Nụ hoa hồng: nụ chum chím, khi gần nở sẽ có vệt đỏ trên đầu cánh hoa

– Hoa: Khi hoa nở các cánh hoa xếp thành nhiều tầng, có màu đỏ tươi rất đẹp và nổi bật. Giữa hoa có nhị vàng.

– Hoa có mùi thơm nhẹ nhàng.

– Thu hút rất nhiều ong bướm khi hoa nở rộ.

III. Kết bài: Cảm nghĩ của em về cây hoa hồng

– Em rất thích hoa hồng.

– Hoa hồng dùng để trang trí rất đẹp.

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (Phiếu số 5)

Thời gian: phút

Câu 1: Đọc bài sau và trả lời câu hỏi:

Rừng dừa, động cát Tam Quan

Nhà tôi nằm lọt thỏm trong một rừng dừa, những rặng dừa bước vào cuộc đời của tôi, đã dính kết tuổi thơ tôi bằng những tình cảm quê nhà thiêng liêng.

Làm sao có thể quên những món quà quê và cả bầu trời dừa ngát xanh, râm mát, dù đang là mùa hè nắng chang chang. Chúng tôi xúm xít bên nhau ăn ngon lành bánh tráng cốt nước dừa nướng lên vừa béo vừa giòn thơm, những tô củ lang ngào đường trộn cơm dừa bào sợi dẻo ngọt. Những đợt hái dừa, hiếm khi trẻ con vắng mặt. Trong trí óc non nớt của chúng tôi đó là những ngày hội của tuổi thơ. Chúng tôi chờ người lớn bổ dừa để xin những cái phổi (mộng dừa). Phổi dừa to xôm xốp ăn sần sật ngon vô kể. Vẫn còn đó cảm giác ngọt lịm, khi ngửa cổ tu bằng hết trái dừa xiêm vườn nhà. Ngọt từ đầu lưỡi trở đi, ngọt thấm đến tận ruột gan.

Rồi đến lúc chúng tôi làm quen với những động cát ven biển. Leo đến rũ chân từ động này đến động khác đuổi theo những chú còng gió hay tuột từ đỉnh những động cát cao đến chóng mặt xuống tận bãi trong tiếng cười nắc nẻ của bạn bè. Nghịch cát chán thì chúng tôi chơi trận giả. Cả rừng phi lao lúc đó biến thành trận địa của hai cánh quân. Chiều về, dưới chân động cát, tôi lại ngồi một mình cùng nỗi buồn man mác đầu tiên và dõi nhìn khơi xa, nơi chỉ còn mỗi một màu nước xanh sẫm bao la.

Lớn lên, theo người thân, tôi lưu lạc khắp nơi. Ở đâu, cũng thương, cũng nhớ, cũng nhiều kỉ niệm nhưng chẳng nơi nào như Tam Quan quê tôi – nơi có những rặng dừa, động cát đã in trọn vẹn dấu ấn tuổi thơ sáng đẹp tuyệt vời.

   (Vĩnh Hoan)

a) Nhà của nhân vật “tôi” nằm ở đâu?

b) Ngày hội của tuổi thơ đối với trẻ con làng dừa là khi nào?

c) Khi người lớn bổ dừa, trẻ con trong làng thường xin gì?

d) Em cảm nhận được điều gì về tình cảm của nhân vật tôi đối với quê hương?

Câu 2: Những câu ca dao sau thể hiện truyền thống quý báu nào của dân tộc ta?

   “Khôn ngoan đối đáp người ngoài

   Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

   “Một cây làm chẳng nên non

   Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Câu 3: Gạch dưới các quan hệ từ có tác dụng liên kết câu trong đoạn văn sau:

Chị Hằng kể: Tuần trước, Cuội út sang Sao Hỏa chơi, trót ăn nhiều quá một loại quả gì đó nên bây giờ cứ ngủ lăn lóc. Cuội còn cho biết Sao Hỏa có một loại thuốc, uống vào sẽ hết cơn buồn ngủ khủng khiếp này. Nhưng Chị Hằng không thể đi lấy loại thuốc đó được. Vì vậy, thông báo tin này để tất cả các bạn đánh thức Cuội út dậy, nếu không chẳng ai đi chăn trâu cả.

Câu 4: Đoạn đối thoại dưới đây có chỗ dùng từ nối sai, em hãy chữa lại cho đúng.

Chưa vào đến nhà, thằng Nam đã láu táu không ra lời:

- Đi tắm, đi tắm đi.

- Tắm à? Tôi thốt lên sung sướng.

- Mau lên, bọn thằng Dũng đi hết rồi.

Vì tôi chợt nhớ ra:

- Mẹ tớ không cho tớ đi chơi.

Câu 5: câu sau, các vế câu liên kết với nhau bằng cách nào? Tìm và chỉ rõ phép liên kết đó.

Con đường đất đỏ men theo sườn đồi dẫn tới ngôi nhà của bé Thảo, nhà Thảo ở cách xa trường nhưng Thảo rất ham học và em luôn đến trường rất sớm.

Câu 6: Gạch 1 gạch dưới chủ ngữ, 2 gạch dưới vị ngữ trong các câu sau. Chỉ ra câu số mấy có dùng phép liên kết câu, từ ngữ nào thể hiện phép liên kết đó?

(1) Mùa rau khúc kéo dài nhưng thời gian có rau ngon lại ngắn. (2) Khi đó mặt ruộng lấp ló màu trắng bạc.

Câu 7: Viết một đoạn văn (5-7 câu) tả loài cây mà em thích, trong đoạn văn có sử dụng từ ngữ có tác dụng liên kết.

Đáp án:

Câu 1:

a. Nhà của nhân vật “tôi” nằm lọt thỏm trong một rừng dừa.

b. Ngày hội tuổi thơ đối với trẻ con làng dừa là khi đến đợt hái dừa.

c. Khi người lớn bổ dừa, trẻ con trong làng thường xin những cái phổi (mộng dừa)

d. Dù có đi đâu bao xa thì tác giả vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm thơ bé, tự hào về quê hương của chính mình.

Câu 2: Những câu ca dao trên thể hiện truyền thống quý báu: Đoàn kết, nhân ái.

Câu 3:

Chị Hằng kể: Tuần trước, Cuội út sang Sao Hoả chơi, trót ăn nhiều quá một loại quả gì đó nên bây giờ cứ ngủ lăn lóc. Cuội còn cho biết Sao Hoả có một loại thuốc, uống vào sẽ hết cơn buồn ngủ khủng khiếp này. Nhưng chị Hằng không thể đi lấy loại thuốc đó được. Vì vậy, thông báo tin này để tất cả các bạn đánh thức Cuội út dậy, nếu không chẳng ai chăn trâu cả.

Câu 4:

Từ “vì” biểu thị quan hệ nguyên nhân mà ở trong trường hợp này lại không phù hợp.

Ta có thể sửa lại như sau:

- Đi tắm, đi tắm đi.

- Tắm à? Tôi thốt lên sung sướng.

- Mau lên, bọn thằng Dũng đi hết rồi.

Nhưng tôi chợt nhớ ra:

- Mẹ tớ không cho tớ đi chơi.

Câu 5:

Các vế câu ghép được liên kết với nhau bằng quan hệ từ nhưng biểu thị mối quan hệ tương phản giữa hai vế câu.

Câu 6:

Phiếu bài tập cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 Tuần 27 có đáp án (5 phiếu) | Đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt 5

Theo như phân tích ở trên ta thấy câu số (2) có dùng phép liên kết câu, đó là phép liên kết thay thế. Từ khi đó trong câu (2) được dùng để thay thế cho “thời gian có rau ngon”

Câu 7:

Từ khi bước vào trường mới cây bàng góc sân đã trở thành người bạn thân thiết của chúng em. Nhìn từ xa, tán bàng xòe rộng như một chiếc ô khổng lồ. Thân cây cao vút, vươn thẳng lên trời. Quanh năm nó khoác lên mình chiếc áo màu nâu đen xù xì, cũ kĩ. Rễ bàng mọc lan nổi trên mặt đất ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ. Rồi hè tới, bàng ra hoa trắng xóa, nhỏ li ti như hoa lộc vừng. Chẳng mấy chốc,những chùm hoa ấy kết thành trái. Đó là món ăn yêu thích của tụi học trò chúng tôi.

Xem thêm các phiếu Bài tập cuối tuần, đề kiểm tra cuối tuần Tiếng Việt lớp 5 có đáp án hay khác:

ĐỀ THI, BÀI TẬP CUỐI TUẦN, SÁCH ÔN TẬP DÀNH CHO KHỐI TIỂU HỌC

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và bài tập cuối tuần, gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Đề thi Tiếng Việt 5 có đáp án của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung chương trình Tiếng Việt 5 hơn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Đề thi, giáo án lớp 5 các môn học
Tài liệu giáo viên