Top 30 Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

Tổng hợp trên 30 bài Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật hay nhất giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 30 Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật (siêu hay)

Quảng cáo

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - bộ phim Người cha và con gái (Father and Daughter)

Hiện nay, trên truyền hình có rất nhiều phim hoạt hình hay mà cả người lớn và trẻ em đều có thể xem được. Hầu hết phim hoạt hình chỉ mang tính chất giải trí, mang lại sự thư giãn và tiếng cười cho trẻ em. Nhưng cũng có rất nhiều bộ phim mang tính giáo dục cao và ý nghĩa, một trong số đó là bộ phim Người cha và con gái (Father and Daughter).

Quảng cáo

Người cha và con gái (Father and Daughter) là một bộ phim hoạt hình ngắn không lời của đạo diễn người Hà Lan Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt (Michael Dudok de Wit) thực hiện năm 2000. Bộ phim chỉ gói gọn trong thời lượng 8 phút 30 giây nhưng đã giành giải Ô-xca) (Oscar) cho phim hoạt hình ngắn xuất sắc nhất năm 2001 cùng rất nhiều giải thưởng khác. Bộ phim là câu chuyện sâu sắc, cảm động về tỉnh cha con.

Phim bắt đầu bằng hình ảnh hai cha con cùng đạp xe trên con đường đồi. Họ dừng lại bên hai gốc cây to đổ bóng, người cha chia tay cô con gái bé nhỏ trong lưu luyến rồi bước xuống con thuyền đậu sẵn dưới bến và chèo đi. Cô con gái đứng mãi trên bờ dốc nhìn theo hút bóng chiếc thuyền. Khi phía trước chỉ còn là mặt nước mênh mông, cô bé lặng lẽ đạp xe ngược trở lại con đường.

Quảng cáo

Ngày ngày, cô bé vẫn kiên trì đạp xe một mình trở lại nơi bển cũ, mòn mỏi chờ đợi người cha Con đường ngược dốc, ngược gió. Những vòng xe quay đều, quay đều như năm tháng trôi đi.

Mùa nọ nối mùa kia, cô bé xưa nay đã trở thành thiếu nữ, cô lập gia đình, rồi có con... Vẫn con đường ra bến sông, vẫn những vòng xe quay đều, bất chấp thời gian và thời tiết, cô đều đặn đạp xe cùng bạn bè, cùng người yêu, rồi cùng chồng, con,... trở lại tìm cha. Cô vẫn đến hai gốc cây ấy, bờ dốc và bến sông ấy, lại trông ngóng, đợi chờ, rồi lặng lẽ trở về.

Quảng cáo

Cô gái đã thành bà cụ già. Ngọn đồi nhỏ, con đường dài, hai hàng cây qua bao mùa thay lá, không còn đủ sức để đạp xe, bà lão dắt chiếc xe đạp cũ vượt dốc đổi.

Cái bến nhỏ ngày nào giờ đã lùi xa trở thành một vùng lau lách um tùm. Bà lão loay hoay dựng mãi chiếc xe đạp rồi men theo bờ dốc, bước xuống lòng bến cạn. Ở đó, bà đã nhìn thấy con thuyền của người cha năm xưa. Chiếc thuyền cũ kĩ, nằm im trong cát. Bà lão nhẹ nhàng nằm xuống lòng thuyền như muốn tìm lại hơi ấm của người cha.

Và người cha bỗng hiện ra như thuở nào. Bà lão chạy về phía trước để đón cha. Thời gian bỗng như quay ngược trở lại. Bà lão trở thành cô thiếu nữ. Hai cha con dang rộng vòng tay, ôm chặt lấy nhau trong ấm áp, yêu thương, xúc động...

Bộ phim hoạt hình sử dụng hai tông màu chủ đạo là trắng và đen. Đó là màu của thời gian nghiệt ngã, màu của quên lãng. Cảnh vẽ trong phim đơn giản, gợi khung cảnh thời thơ ấu ở một vùng quê của Hà Lan, quê hương của đạo diễn Mai-cơn Đu-đốc đơ Guýt. Bộ phim có những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ: con đường, bến sông, bánh xe đạp đều đặn quay tròn,... Phim không sử dụng lời thoại, chỉ thông qua động tác, cử chỉ, âm nhạc nền, hình ảnh để biểu đạt thông điệp. Bản nhạc Sóng sông Đa-nuýp (Danube) của nhà soạn nhạc người Ru-ma-ni (Roumanie) I-ô-xíp I-va-nô-vích (Iosif Ivanovici) được chọn làm nhạc nền của phim. Âm nhạc cùng với hình ảnh đã thay lời thoại, biểu đạt thành công tâm trạng của nhân vật cảm xúc lưu luyến khi chia tay của hai cha con, tâm trạng phơi phới của cô con gái ngày ngày ngược gió đạp xe đi đón cha, bà lão đạp xe trong mệt mỏi với những hi vọng, dợi chờ không tắt, khoảng lặng chùng xuống khi người con nhìn thấy chiếc thuyền xưa... Và bản nhạc Sóng sông Đa-mộp trào lên với giai điệu tươi vui, rộn ràng như sống lại tuổi thơ khi người con gái được gặp lại cha mình trong tưởng tượng.

Chỉ trong hơn 8 phút ngắn ngủi, người xem như được sống lại những kỉ niệm thời thơ ấu, được quấn quýt bên cha và được cha bế ẵm. Kí ức giản đơn nhưng cũng đủ cho một đời khao khát chờ đợi....

Dù trong phim hay trong đời thực, người cha vẫn luôn là tượng đài vĩnh cửu, là bến bờ yêu thương của mọi đứa con. Qua bộ phim, chúng ta càng thêm thấm thía sự quý giá vô cùng của tỉnh phụ tử. Hãy trân trọng người cha, người mẹ đang bên bạn, bởi vì có họ ở bên là một niềm hạnh phúc vô giá!

Tôi đã xem phim rất nhiều lần nhưng vẫn không thấy chán. Tôi suy nghĩ và cảm nhận được nhiều cảm xúc sâu sắc qua bộ phim này. Đó là một bộ phim ngắn thực sự hay, ý nghĩa.

Dàn ý Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

- Mở bài: Nêu được các thông tin cơ bản về tác phẩm (tác giả, tên tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, sự đón nhận của công chúng…)

- Thân bài:

+ Nhìn nhận khái quát về tác phẩm (tóm tắt cốt truyện phim; nêu chủ đề và ấn tượng ban đầu về tiết tấu, giai điệu, ca từ của ca khúc; diễn tả bằng lời văn về hình tượng đã được thể hiện bằng chất liệu riêng của tác phẩm tạo hình - điều có thể thấy rõ trong bài viết tham khảo ở trên.

+ Phân tích từng khía cạnh nổi bật của tác phẩm với lí lẽ và bằng chứng rõ ràng, đầy đủ.

+ Nêu những điều mà người xem, người nghe cần chuẩn bị để có được sự thưởng thức trọn vẹn, nhiều hứng thú đối với tác phẩm.

- Kết bài: Đánh giá chung về tác phẩm (thành công chính và những khiếm khuyết theo quan điểm nhìn nhận của người viết.

Dàn ý Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật

- Mở đầu: Nêu tên tác phẩm và loại hình nghệ thuật của tác phẩm được giới thiệu; nói rõ các điều kiện đưa đến sự lựa chọn giới thiệu tác phẩm.

- Triển khai: Trình bày các thông tin chung về tác phẩm (tác giả, thời điểm và hoàn cảnh sáng tác, dư luận…) phân tích một số nét đặc sắc của tác phẩm theo cảm nhận và quan điểm cá nhân.

- Kết luận: Đánh giá tổng quát về giá trị của tác phẩm và nêu hướng tiếp cận phù hợp đối với tác phẩm.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - bộ phim Mùi cỏ cháy

Chiến tranh đã qua đi, nhưng những nỗi đau để lại dường như còn mãi, đặc biệt đối với những người có người con, người anh, người chị của mình đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. “Mùi cỏ cháy” là một bộ phim ấn tượng nói về Việt Nam năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị - nơi biết bao người thanh niên trẻ đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Bộ phim như nhắc nhở chúng ta về cái giá phải trả cho độc lập tự do là quá lớn.

Mùi cỏ cháy là bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại tâm lý xã hội và chiến tranh được công chiếu vào năm 2012. Bộ phim do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Kịch bản do nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm chấp bút, dựa trên quyển Nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Đạo diễn phim là Nguyễn Hữu Mười – một đạo diễn tài năng và được nhiều người biết đến. Bối cảnh chính của phim là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972 với trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị.

Giá trị của phim không chỉ được kể đến bởi sự tỉ mỉ trong kịch bản, góc quay… mà nó đến từ nội dung đầy ý nghĩa, sâu sắc về thế hệ trẻ một thời hết lòng phụng sự cho Tổ quốc. Bộ phim xoay quanh câu chuyện về 4 chàng sinh viên Hà thành Hoàng, Thành, Thăng và Long ở lứa tuổi đôi mươi, khi họ vừa mới bước chân và làm quen với môi trường đại học. Sống trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo và đứng trước lệnh tổng động viên của Chính phủ, 4 chàng thanh niên trẻ đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, dấn thân vào chiến tranh và trở thành những chiến sĩ quả cảm. Tinh thần quả cảm, bất diệt đó của họ đã chiến thắng những ham muốn cuộc sống nhàn hạ, vui vẻ của tuổi đôi mươi, họ ra đi vì độc lập của Tổ quốc. Trong phim có một câu nói khiến em ấn tượng mãi đó là khi Thủ trưởng Phong hỏi bốn chàng thanh niên trẻ có thấy hối tiếc vì lựa chọn của mình không, Hoàng đã không ngần ngại nói: “Chúng em cũng hơi tiếc ạ. Nhưng còn hối tiếc hơn nếu như trong đội ngũ những người ra trận hôm nay không có chúng em”. Đó là câu trả lời chứa đựng đầy sự hồn nhiên, nhưng pha lẫn đầy khí phách của một chàng thanh niên tuổi đôi mươi nhưng thấu hiểu sự đời và hoàn cảnh của đất nước. Họ chính là đại biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, luôn mang trong mình nhiệt huyết dâng trào của tuổi trẻ, một lòng muốn phụng sự cho Tổ quốc, khi Tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng từ bỏ tất cả và đi vào chiến trường, chiến đấu để giành lấy độc lập cho Tổ quốc. Những người thanh niên trẻ ấy từ sự hồn nhiên của tuổi trẻ, được thể hiện qua câu hát của Long trên chiếc xe chở quân vào chiến trường: “Ta là con của bố mẹ ta. Nhớ nhà ta trốn ta về”; thú bắt ve sầu rồi áp tai nghe tiếng kêu ve ve của Thành và niềm đam mê chơi chọi dế của Thăng…” Và rồi, trải qua sự rèn luyện khắc nghiệt trong quân đội và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, tận mắt chứng kiến đồng đội của mình hy sinh, họ dần trưởng thành và trở thành những chiến sĩ dũng cảm, sống vì mục tiêu cao cả hơn.

Cùng với đó là những hình ảnh về sức tàn phá của chiến tranh, chân thực đến đau lòng. Bằng cách tạo dựng bối cảnh của cuộc chiến hết sức chân thật, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười đã khiến người xem không thể kìm nổi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bị trúng bom mìn khi vượt sông Thạch Hãn, máu nhuộm đỏ dòng sông; cảnh Long đứng giữa trời đạn bom kêu gào thảm thiết: “Đừng tấn công nữa!…” và bị bom giặc cướp mất tính mạng; hay hình ảnh một chiến sĩ mù vẫn cầm lựu đạn mò mẫm ra chiến trường chiến đấu với kẻ thù… Khung cảnh chiến tranh năm 1972 đó dường như đang được hiện hữu rõ ràng trước mắt người đọc, nó khiến chúng ta không khỏi xúc động, nghẹn ngào mà thậm chí là căm thù kẻ thù xâm lược, về những đau thương mà chúng gây ra cho chúng ta trong những năm tháng chiến tranh thảm khốc.

Bên cạnh đó, một chi tiết rất đắt giá vẫn được ekip làm phim thể hiện rất tài tình, đó là ở nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết đang cận kề ấy, đạo diễn vẫn dành cho những nhân vật của mình những giây phút bình yên suy ngẫm về gia đình, chiến tranh, tình cảm đồng chí, đồng đội… Đó là một dấu ấn mang đậm nét tình cảm của phim. Họ khẳng định dù trong hoàn cảnh sự sống luôn bị đe dọa như vậy, nhưng những tình cảm, cảm xúc chân thực của con người vẫn được thể hiện, họ vẫn tin yêu vào cuộc sống và đó chính là động lực để họ đứng đến đấu tranh và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó đều là tình cảm chân thành, sự quý mến sâu sắc.

Như vậy, qua những trang nhật ký của Thăng, những vần thơ của Hoàng, những bức thư thấm đẫm nước mắt của Thành vĩnh biệt mẹ và lời hứa trở lại (không thực hiện được) của Long đối với một cô gái anh gặp trên đường hành quân… “Mùi cỏ cháy” đã tố cáo tội ác của chiến tranh một cách đầy đủ nhất, chân thực và sinh động nhất. Không những thế, nó đã chạm đến những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc về tình người, về lẽ sống của cả một thế hệ trẻ thời chống Mỹ.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Thần Trụ trời

Có lẽ, những bí ẩn về thiên nhiên vẫn là một câu hỏi lớn đối với con người thời cổ. Chính vì vậy, họ đã sáng tạo nên các câu chuyện để trả lời cho những thắc mắc của bản thân. Đọc truyện "Thần Trụ trời", ta thấy được cách phân chia bầu trời và mặt đất. Đọc "Prô-mê-tê và loài người", ta được giải đáp về cách các vị thần tạo ra muôn vật và loài người. Không giống hai tác phẩm trên, truyện "Đi san mặt đất" lại là những lí giải đơn giản về quá trình loài người chung lòng, góp sức san phẳng mặt đất để làm ăn mà không có sự xuất hiện của các vị thần. Truyện gây ấn tượng bởi những đặc sắc trong chủ đề và hình thức nghệ thuật.

Truyện "Đi san mặt đất" có chủ đề viết về quá trình khai hoang và cải tạo tự nhiên của người Lô lô xưa, quá trình này cần có sự giúp sức của tất cả mọi người lúc bấy giờ. Người Lô Lô xưa đã có những nhận thức khá nguyên sơ, đơn giả về thế giới vũ trụ, đồng thời họ cũng có ý thức trong việc cải tạo thế giới sống quanh mình Khi Trái Đất vẫn còn hoang sơ thì người xưa đã cùng nhau đi trình khai hoang và cải tạo tự nhiên. Đó là thời gian không thể xác định, mà người cổ xưa chỉ biết là:

"Ngày xưa, từ rất xưa...

Người già không nhớ nổi

Mấy năm mấy nghìn đời

Ngày xưa từ rất xưa...

Người trẻ không biết tới

Mấy nghìn, mấy vạn năm"

Mốc thời gian không cụ thể khiến chúng ta không thể biết chính xác đó là thời điểm nào. Khoảng thời gian ấy xưa đến mức người già cũng không thể nhớ nổi, người trẻ thì lại chẳng thể biết tới. Và cuộc sống con người lúc bấy lại thật đơn giản. Trước khi đi san mặt đất, con người vẫn sống chung, ở chung và ăn chung với nhau. Người Lô Lô xưa đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên để trồng bắp, lấy nước uống từ "bụng đá" "Trồng bắp trên núi cao/ Uống nước từ bụng đá". Tuy nhiên, sống trong không gian hoang sơ, thiếu thốn khi "Bầu trời nhìn chưa phẳng/ Mặt đất còn nhấp nhô" nên con người thời cổ đã khẩn trương cùng nhau đi tái tạo thế giới.

Để có thể san phẳng mặt đất, san phẳng bầu trời thì người Lô Lô đã biết tận dụng sức mạnh của các loài vật xung quanh lúc bấy giờ:

"Kiếm con trâu sừng cong

Chọn con trâu sừng dài"

Họ kiếm những con trâu sừng phải cong, phải dài vì đây là những con trâu khỏe, trâu tốt. Chúng đi cày bừa san đất mà không quản gì mệt nhọc. Có sức giúp đỡ của chúng thì công cuộc cải tạo mặt đất của người Lô Lô xưa chẳng mấy chốc mà thành. Thế nhưng công việc san phẳng mặt đất, san phẳng bầu trời là công việc chung của muôn loài nên con người đã đi chuột chũi cóc, ếch. Đáp lại lời kêu gọi của người Lô Lô xưa, các con vật đều tìm cớ trốn tránh, thoái thác. Không thể trông cậy vào chúng, con người đã tập hợp sức mạnh của nhau để cải tạo thiên nhiên "Giống nào cũng không đi/ Người gọi nhau làm lấy". Truyện "Đi san mặt đất" của người Lô Lô không chỉ đơn thuần là lời lí giải về sự bằng phẳng của mặt đất và bầu trời mà còn phản ánh nhận thức của người Lô Lô xưa về quá trình tạo lập thế giới. Theo cách lí giải của họ, để có được mặt đất, bầu trời bằng phẳng như ngày nay thì người Lô Lô xưa đã phải đi san mặt đất. Con người đã tự biết tập hợp sức mạnh của cộng đồng để chung tay thực hiện công việc. Và qua đây, ta thấy được con người trong buổi sơ khai đã có ý thức trong việc cải tạo thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của chính mình.

Không chỉ độc đáo ở chủ đề, truyện "Đi san mặt đất" còn có những đặc sắc ở khía cạnh nghệ thuật. Người Lô Lô xưa đã sáng tạo truyện thần thoại bằng hình thức thơ ca với giọng điệu vui tươi, nhí nhảnh tạo cảm giác thích thú cho người đọc.

Bên canh đó, truyện còn sử dụng biện pháp nhân hóa cùng với ngôn ngữ giản dị, giàu hình ảnh. Các con vật được nhân hóa có những cử chỉ giống con người đã giúp cho chuyện trở nên sinh động hơn. Người Lô Lô xưa đã sử dụng ngôn ngữ gần gũi, giản dị giúp cho bạn đọc ở mọi lứa tuổi dễ dàng tiếp nhận truyện.

"Đi san mặt đất" là một trong những truyện thần thoại đặc sắc của người Lô Lô. Truyện đã thể hiện những lí giải nguyên sơ của người xưa về vũ trụ, về thế giới qua thể thơ năm chữ kết hợp sử dụng các biện pháp nghệ thuật. Qua câu chuyện, ta càng thêm ấn tượng với trí tưởng tượng của người xưa trong việc sáng tạo những giá trị văn hóa dân gian.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Tiễn dặn người yêu

Từ lâu đề tài về tình yêu đôi lứa đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác giả sáng tác được nên nhiều tác phẩm hay. Tiễn Dặn người yêu cũng là một trong số đó, tác phẩm nổi bật về phong cách sáng tác truyện thơ kết hợp rất nổi tiếng của dân tộc Thái. Những trắc trở trong tình yêu, trong hôn nhân đôi khi như thử thách nằm trên con đường dài dẫn đến hạnh phúc, mà chính những con người trong cuộc mới cảm nhận hết, đặc biệt tâm trạng từ phía người con trai- vế chủ động trong một cuộc tình mang đầy sâu sắc, da diết, được miêu tả rõ qua đoạn trích lời tiễn dặn.

Truyện thơ của các dân tộc chính là một câu chuyện dài kể qua lời thơ, phản ánh cho ta hiểu được nhiều phong tục tập quán, cũng như lối suy nghĩ, tình cảm của người đồng bào thiểu số. Tiễn dặn người yêu,được dịch cụ thể thành 1846 câu thơ,rất nổi tiếng,kể lại câu chuyện tinh yêu- hôn nhân qua lời của 2 nhân vật chính, trong câu chuyện có nhiều diễn biến tương ứng như mỗi quãng đường thăng trầm trong tình yêu của họ bao gồm cả những khát vọng hạnh phúc, nỗi đớn đau khi tình yêu bị chia lìa và cuộc đấu tranh kiên trì, quyết liệt của hai người để bảo vệ tình yêu,ta phải đặt mình vào trong tác phẩm một cách chân thành mới mong hiểu được biết cảm thông được với những biểu hiện mong ngóng người yêu ,cử chỉ ân cần, âu yếm và lời thề nguyền son sắt giữ trọn tình yêu của chàng trai , nó nằm tng đoạn trích Lời tiễn dặn, được lược bớt, gói gọn, tiêu biểu cho nội dung trên ở phần đọc thêm, sách giáo khoa ngữ văn lớp 10 tập 1. Đoạn trích này đặc biệt hoàn toàn là lời của chàng trai, cùng tâm trạng đau đớn trên đường tiễn cô gái về nhà chồng, phải chứng kiến cảnh cô bị chính người chồng đánh đập, hình ảnh cô gái hiện lên gián tiếp trong lời nói chân thành của anh

Khi đọc ngay từ đầu hình ảnh quay chậm miêu tả hị qua lời anh rõ nét, luôn trong trạng thái níu kéo cho thời gian dài ra, cố trì hoãn những bước đi về nhà người chồng mà chị không hề muốn sống chung, mỗi chữ, chân bước đi mà đầu “còn ngoảnh lại” mắt còn “ngoái trông anh”, chân bước càng xa thì lòng càng đau đớn, mỗi cảnh rừng nàng qua đều biểu hiện sự tha thiết nhớ người yêu cũ, muốn gặp.

Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ,

Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi,

Tới rừng lá ngón ngóng trông.

Các từ ngữ được dùng với độ dày đặc, lặp đi lặp lại như biểu hiện tính đau khổ, nỗi lòng nhớ thương của cô gái, mãi mong người yêu nhưng chẳng thấy anh.

Rồi anh cũng tới, sau bao nỗ lực của cô gái, vì họ hiểu nhau, vì họ như hẹn ước với nhau:

Anh tới nơi, em bẻ lá xanh em ngồi;

Được nhủ đôi câu, anh mới đành lòng quay lại,

Được dặn đôi lời, anh yêu em mới chịu quay đi.

Lúc tiễn đưa này, anh – người đàn ông dân tộc Thái ấy, cử chỉ thân mật, tình cảm tuyệt vời, trước người con gái mình yêu, hoàn cảnh éo le hiện tại, anh cũng như chị, cũng muốn níu kéo thời gian giây phút ngắn ngủi được ở bên chị, Anh đòi hỏi với mong muốn tha thiết phải được dặn chị đôi lời mới chịu quay gót, phải dặn dù chẳng được nói chuyện nhiều như lúc xưa kia nhưng vì anh luôn cảm thấy chi hiểu mình, tin tưởng nhau tuyệt đối như ngày nào nên dù có dặn đôi câu cũng đã yên lòng quay gót đi.

Ngôn ngữ xưng hô trong dân ca Thái và trong tiễn dặn người yêu sao mà ngọt ngào, mở đầu đoạn trích Anh gọi chị là “người đẹp anh yêu”, đến lúc gặp được chị là một câu tự xưng “anh yêu của em” khẳng định tình yêu trong Anh vẫn nồng nàn, thắm thiết.

Phong tục của người Thái cũng lại vang lên đầy tính tình cảm, được nhắc đến trong hoàn cảnh này như sự suy nghĩ sâu xa cho tương lai hai đứa, đến một ngày mà viễn cảnh ấy u ám - là cái ngày một trong hai người chết đi:

Xin hãy cho anh kề vóc mảnh,

Quấn quanh vai ủ lấy hương người,

Cho mai sau lửa xác đượm hơi,

Một lát bên em thay lời tiễn dặn !

Dù nhận thức hoàn cảnh hiện tại không hề chấp nhận, cho phép được hành động thân mật táo bạo của anh với chị, nhưng anh vẫn bất chấp, nhất mực, luôn muốn “kề vóc mảnh” gợi ra được sự mảnh mai, nhưng đầy kiêu sa, đẹp tuyệt của người con gái Thái muốn tìm về cái sự thủy chung đâu có gì là sai, anh suy nghĩ không lấy được nhau, có nghĩa không có ai thân yêu suốt cả cuộc đời nhưng vì có hơi hương da thịt người yêu ngay lúc này, mà khi chết xác sẽ cháy đượm, vong hồn được siêu thoát, không còn là kẻ cô đơn.

Tình cảm của người con trai ấy thật cao cả, đáng quý, không những chỉ yêu mình chị, còn dành cả tình yêu luôn cả đứa con riêng của cô gái. Vì hoàn cảnh éo le, nàng phải chấp nhận tình cảm, cũng như đứa con mà tạo thành bởi một cuộc tình không có cảm xúc, lạnh nhạt với người chồng hiện tại. Anh vẫn bao dung, trân trọng cô, anh nựng đứa con của người yêu như chính đưa con ruột của mình.

Con nhỏ hãy đưa anh ẵm,

Bé xinh hãy đưa anh bồng,

Cho anh bế con dòng, đừng ngượng,

Nựng con rồng, con phượng, đừng buồn.

Tiếng nựng kia dù chân thành nhưng làm sao có thể tránh sự đau lòng, ai oán, khi tình yêu đến mà không được cùng nhau đi đến cuối cuộc đời,không được cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, những đàn con thơ. Vậy nên chàng dã thốt ra lời thề nguyện chan chứa tình cảm, , đầy sự quyết tâm về tình yêu sự sắt đá của cả hai người:

“Đôi ta yêu nhau, đợi tới tháng Năm lau nở,

Đợi mùa nước đỏ cá về, Đợi mùa chim tăng ló gọi hè.

Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông,

Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già’’.

Đây cũng như là ý chính chủ đạo bao bọc của bài thơ, ý thơ hay dào cảm xúc. Có Thời gian cụ thể, bằng cả sự chân thành, tứ thơ bay bổng, lay động mà chân thật, gắn với hai mùa đầu và cuối trong một năm cũng tương tự như là đời người, dù không thể trọn vẹn tình yêu nơi tuổi thanh xuân trẻ trung, nồng nhiệt kia, nhưng tình yêu thì sẽ chẳng bao giờ là muộn để tiếp nối lại, để tạo nên gia đình hạnh phúc của hai người, dù có khi đến tàn phai theo năm tháng họ đều đã về già nhưng sự chờ đợi nhau dù bao nhiêu lâu” tháng năm lau nở”, “nước đỏ cá về”, “chim tăng ló gọi hè”, tình yêu trong sáng ấy không bao giờ bị dập tắt như chính lời thề nguyền ngày nào.

Sự thủy chung son sắt trong tình yêu còn được thể hiện qua đoạn hai những ngày mà chàng trai còn lưu lại ở nhà chồng cô. Là người chứng kiến cảnh người chồng mới đánh đập, hành hạ cô ngã lăn quay bên cối gạo, khi cô trở thành một người khác luôn vì muốn sống trọn với lời thề nguyền cùng chàng, cô đã hóa mình thành một con người sống phản kháng không cam lòng với sự sắp đặt, giả bộ làm những việc để nhà chồng chán ngấy, ghét kinh mình, rồi cô cũng phải lâm vào cái tình cảnh quen thuộc bị đối xử thậm tệ không khác gì người ở cho nhà chồng, chàng trai ấy hiểu hết, đồng cảm, an ủi, chăm sóc cô trong giây phút cô tuyệt vọng nhất.

“Dậy đi em, dậy đi em ơi!

Dậy rũ áo kẻo bọ,

Dậy phủi áo kẻo lấm!

Đầu bù anh chải cho,

Tóc rối đưa anh búi hộ!

Anh chặt tre về đốt gióng đầu,

Chặt tre dày, anh hun gióng giữa,

Lam ống thuốc này em uống khỏi đau.

Anh vực cô dậy không chỉ về thể xác, còn về cả tinh thần, giúp cô có ý chỉ, nghị lực để sống tiếp quãng đường khó khăn này, còn cho nàng hiểu và nhớ rằng dù có chuyện gì xảy ra chàng vẫn luôn bên cạnh ủng hộ, cùng nàng vượt qua mọi chuyện.

“Tơ rối đôi ta cùng gỡ

Tơ vò ta vuốt lại quay guồng”

Quay lại guồng gỗ tốt cán thuôn,

Về với người ta thương thuở cũ."

Đoạn thơ này kế tiếp bằng những hình ảnh bi thương- cái chết nhưng một lần nữa khẳng định lại cái quyết tâm kia, lòng dạ, ý chí của anh và cô đầy sự đồng lòng, sự sống mạnh mẽ vực lại tình yêu, không chấp nhận thực tại:

“Chết ba năm hình còn treo đó;

Chết thành sông, vục nước uống mát lòng,

Chết thành đất, mọc dây trầu xanh thắm,

Chết thành bèo, ta trôi nổi ao chung,

Chết thành muôi, ta múc xuống cùng bát,

Chết thành hồn, chung một mái, song song."

Cái sự trân trọng tình yêu chính là cái kết đẹp nhất cho bức tranh này, bằng sự sử dụng phương pháp so sánh dù đơn giản nhưng có sự chọn lọc kĩ càng, biểu hiện đa dạng, nói lên được biết bao nhiêu phong tục, bản sắc văn hóa, thiên nhiên hữu tình của người Thái

Đôi ta yêu nhau, tình Lú – Ủa mặn nồng,

Lời đã trao thương không lạc mất;

Như bán trâu ngoài chợ,

Như thu lúa muôn bông.

Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng,

Bền chắc như vàng, như đá.

Toàn bộ đoạn trích có sự sử dụng thành thạo nhiều yếu tố nghệ thuật hấp dẫn, phương pháp diễn tả trùng điệp, lỗi kể chuyện xen lẫn tả thơ cuốn hút. Tạo nên sư cân đối nhịp nhàng, hài hòa về nhạc điệu bộc lộ được sự ân cần, tận tình của người con trai dành cho người yêu xứng đáng, trọn vẹn, hành động xót xa, ân cần, đầy thương cảm, vang mãi trong ta lời thề nguyện tình yêu.

Quả đúng vậy, kết thức câu chuyện chính là một cái kết rất dân gian, rất có hậu, họ cùng nhau vượt qua số phận khắc nghiệt, đoàn tụ lại, làm lại cuộc đời mới có nhau dù khi cả hai đã không còn trẻ trung, chàng trai đã giữ đúng lời hứa với cô gái ngày nào, bằng chính lòng chân thành, lòng chung thủy, sự cao thượng. Sự trong sáng, chân chính của họ đã làm cho chúng ta một lần nữa tin rằng luôn có sự kì diệu trong cuộc sống này.

Tâm hồn, tập tục hôn nhân của người Thái xưa có thể nói được phản ánh phần nào qua những câu tiễn dặn, cũng vì lí do hoàn cảnh khó, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến bao nhiêu sự chia ly, bi đát, đau thương của vô vàn các cuộc tình đẹp như thơ. Lời tiễn dặn cũng mang ý nghĩa sâu xa là sự tố cáo lên những cổ hủ, tập quán lạc hậu của người dân, đã làm họ dần mất dần đi sự tự do trong tình yêu, mất tính phản kháng. Vậy nên mỗi chàng trai, cô gái có được những cái khát vọng mạnh mẽ giải phóng trong tình yêu, bất chấp ngăn cản như hai nhân vật chính trong Tiễn Dặn Người Yêu thật là đáng để chúng ta phải học tập, ngưỡng mộ, đồng cảm.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Cảnh Khuya

Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ “Cảnh Khuya” là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.

Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc. Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên.

“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”

Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu và hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Truyện Kiều

Truyện Kiều là một trong những truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong Văn học Việt Nam. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm, theo thể lục bát, gồm 3254 câu. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm được Nguyễn Du thể hiện một cách nhẹ nhàng mà vẫn sâu sắc vô cùng.

Giá trị nội dung của truyện được thể hiện qua giá trị hiện thực và nhân đạo. Giá trị hiện thực của tác phẩm là phản ánh hiện thực xã hội đương thời với bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị. Sức mạnh của đồng tiền và số phận những con người bị áp bức, nạn nhân của đồng tiền, đặc biệt là người phụ nữ. Phơi bày hiện thực xã hội phong kiến bất công, phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ.Gia đình nhà Vương Ông đang sống bình yên, chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ “vu oan giá hoạ”, thế là cuộc sống yên lành bị phá vỡ, tai hoạ ở đâu ập xuống nhà Kiều. Để từ đó, khiến cho cuộc đời Kiều phải rẽ hướng, hướng đi mới của số phận Kiều nghiệt ngã, đau đớn, tủi hổ vô cùng.

Bên cạnh đó Truyện Kiều còn lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên quyền sống của con người, đề cao tự do và công lí. Thuý Kiều điển hình cho người phụ nữ trong xã hội xưa, mười lăm năm lưu lạc của nàng là một chuỗi bi kịch. Dường như bao nhiêu nỗi cực khổ của người đàn bà thời trước đều ập xuống vai nàng. Từ một cô tiểu thư khuê các, Kiểu trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán, rồi Kiều bị lừa gạt bị rơi vào lầu xanh tới hai lần, đem thân đi làm lẽ, làm đứa ở, rồi bị đánh đòn, lăng nhục trở thành tội phạm ở công đường, bị sỉ nhục, đày đọa khiến cuối cùng phải tự vẫn. Cuộc đời Thuý Kiều là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo xã hội phong kiến bất nhân .Gia đình nhà Vương ông đang sống yên bình nhưng vì thằng bán tơ tham tiền đã buông lời “vu oan giá hoạ” thế là cả gia đình gặp biến cố lớn, cha và em trai Thuý Kiều vào ngục. Bọn quan sai cũng nhờ cái cớ đó mà tiến vào nhà Kiều cướp phá, đánh đập. Để cứu được cha và em, bọn quan lại yêu cầu ba trăm lạng bạc, Thuý Kiều phải bán thân từ bỏ mối nhân duyên đẹp với Kim Trọng để làm tròn chữ hiếu. Sau đó, Kiều bị bán vào lầu xanh nơi có Tú bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh đều là những người chạy theo đồng tiền, chà đạp lên thân phận người khác nhằm chuộc lợi. Không chỉ Kiều mà biết bao người con gái khác cũng bị chôn vùi tuổi thanh xuân nơi lầu xanh nhơ nhớp ấy. Ngoài ra, giá trị hiện thực của tác phẩm còn thể hiện ở việc Nguyễn Du tố cáo sự thối nát, mục ruỗng của chính quyền phong kiến, đại diện trong tác phẩm này là Hồ Tôn Hiến và bè lũ sai nha của hắn, chúng lộng quyền, tham lam hơn nữa còn trắc dâm ô tàn bạo.

Đồng tiền khi rơi vào tay kẻ xấu chính là công cụ gây ra tội ác cho “kẻ yếu” hơn. Và Truyện Kiều chính là một bản tự sự đầy nước mắt về cuộc đời người con gái tài sắc Thuý Kiều đang bị chính sức mạnh và sự bất nhân của đồng tiền gây ra.

Nhưng điều khiến tác phẩm này trở thành linh hồn chính là giá trị nhân đạo mà Nguyễn Du truyền tới người thưởng thức.Thông qua nhân vật chính của tác phẩm là Thuý Kiều, Nguyễn Du muốn thể hiện niềm đồng cảm sâu sắc của ông với những số phận bất hạnh nhất là người phụ nữ. Trong xã hội phong kiến, trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữ như chỉ mua vui, họ bèo bọt, rẻ rúng. Tuổi xuân của họ của người phụ nữ xinh đẹp như Kiều đáng phải được nâng niu, trân trọng thì nay lại bị những kẻ cậy quyền, tham lam lợi dụng, lừa lọc để làm công cụ kiếm tiền nơi lầu xanh.Nguyễn Du cũng là người “yêu” vẻ đẹp con người. Ông đã tạo dựng thành công hình ảnh chàng Kim Trọng hết mực chung tình với Thuý Kiều, chàng Từ Hải người anh hùng giỏi giang, đầu đội trời, chân đạp đất. Đặc biệt là người con gái thuỳ mị xinh đẹp Thuý Kiều sẵn sàng hi sinh bản thân để giữ trọn nghĩa hiếu. Và qua tác phẩm ta cũng thấy được niềm tin ở hạnh phúc của con người, người tốt thiện lương sẽ luôn được hưởng hạnh phúc còn kẻ ác, tham lam sẽ bị trừng trị thích đáng. Giá trị nhân đạo được thể hiện trước hết là sự trân trọng đề cao con người từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Mặt khác Truyện Kiều còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Nguyễn Du như khóc cùng tiếng đàn và cuộc đời của Thuý Kiều, ông cũng bày tỏ thái độ trân trọng Kiều cho dù có lúc nàng đã là hạng người dưới đáy của xã hội.

"Truyện Kiều” là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ của mình về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm hôn nhân phong kiến còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim Trọng, Thúy Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng đầy ức chế, tàn bạo. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Từ Hải – người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả cái xã hội bạo tàn ấy. Từ Hải là khát vọng của công lí, là biểu tượng cho tự do dân chủ. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người: vẻ đẹp tài sắc, trí tuệ thông minh, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, ý thức vị tha, đức thủy chung. Thúy Kiều, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Nhà bà Nữ

“Nhà bà Nữ” là một trong những bộ phim chiếu rạp đem lại doanh thu lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại. Phim xoay quanh những vấn đề đều đến từ sự ích kỉ, việc không ai chịu thấu hiểu cho ai, cho đến khi dẫn đến cao trào của sự bùng nổ của việc nhẫn nhịn, bởi vậy phim đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và cách dàn dựng phim.

Khác xu hướng làm phim Tết với chủ đề nhẹ nhàng, nhiều tiếng cười, đạo diễn đi vào nội tâm nhân vật. Phim chọn góc nhìn chính từ Ngọc Nhi - một người con vốn phải sống theo định hướng của mẹ từ nhỏ. Mê làm gốm, cô vẫn phải học ngân hàng, phụ mẹ buôn bán. Cô chưa bao giờ đi chơi quá 10 giờ đêm, không thể xếp đồ lót theo ý mình. Từ các cãi vã nhỏ nhặt, mẹ con bà Nữ dần nảy sinh nhiều rạn nứt khó cứu vãn. Mâu thuẫn được đẩy lên là khi cô cãi lời mẹ khi lén lút quen John - Việt kiều mới về nước. Cao trào xảy ra khi Nhi có bầu, bỏ nhà ra đi, sống cùng John song nhanh chóng nhận trái đắng”.

Ngoài chuyện mẹ con bà Nữ, chuyện tình Nhi và John đại diện cho những đôi nhiều hoài bão nhưng thiếu thực tế. Họ mơ mộng với cuộc sống lứa đôi và sớm bị ghì chặt bởi cơm áo gạo tiền. Chuyện vợ chồng Phú Nhuận và Ngọc Như - con gái bà Nữ - là nỗi buồn của người đàn ông ở rể, bị nhà vợ lấn lướt. Yêu chồng nhưng thích kiểm soát, Ngọc Như để tuột mất hạnh phúc theo cách cô khó ngờ nhất.

Ở một phần ba thời lượng đầu, phim gây cười theo lối hài sân khấu. Về sau, phim dồn dập tình tiết, đẩy cao mâu thuẫn nhân vật. Những cảnh tranh cãi giữa mẹ con Nhi được lồng ghép tự nhiên, lời thoại dễ khơi gợi đồng cảm từ người xem. Những đoạn nhân vật Nhi bộc bạch, thoại phim đơn giản nhưng vẫn mang sức nặng về thông điệp: "Trong một mối quan hệ, sợ nhất là không ai đúng cũng không ai sai, vấn đề chỉ khác nhau ở góc nhìn, rồi họ lặng lẽ tổn thương, rời xa nhau".

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn nhiều điểm chưa “đã” khiến em cảm giác không được như mong đợi. Phim có nhiều góc máy về ẩm thực theo lối duy mỹ nhưng về sau, phim mang dáng dấp của một tác phẩm truyền hình, thiếu lối đặc tả, ghi dấu cá tính của đạo diễn và đặc biệt phim lồng lời thoại “chửi thề” vào quá nhiều. Bởi vậy, khi xem, không có những phân đoạn không để lại nhiều ấn tượng trong em.

Mặc dù có những điểm hạn chế nhưng em không thể phủ nhận rằng nội dung rất “đời”, kết cấu chặt chẽ, diễn xuất tự nhiên phần nào cũng đã tạo nên góc nhìn về cuộc sống đời thường. Qua đó, cũng gửi gắm được những bài học về cuộc sống để giúp chúng ta trưởng thành hơn trong suy nghĩ, để khi nhìn về sẽ không còn đọng lại những “tiếc nuối” như những nhân vật trong phim.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Truyện Kiều

Phạm Quỳnh đã từng khẳng định: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Từ trước đến nay, Truyện Kiều của Nguyễn Du được đánh giá là kiệt tác văn chương của dân tộc. Thật vậy, để làm nên giá trị đó là những đóng góp, sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du về cả nội dung và hình thức nghệ thuật.

Trước tiên, dù sáng tác dựa trên cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm tài nhân) song Nguyễn Du đã sáng tạo nên một tác phẩm mới với những sáng tạo về giá trị nội dung. Truyện Kiều mang giá trị hiện thực phản ánh bức tranh xã hội phong kiến Việt Nam bất công, tàn bạo và xã hội kim tiền chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ. Đó là lời tố cáo các thế lực đen tối như sai nha, quan xử kiện, ... ích kỉ, tham lam, coi rẻ sinh mạng, phẩm giá con người. Tác phẩm còn cho thấy những tác động tiêu cực của đồng tiền: đó là những lời ngon ngọt "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi", là những lần lừa gạt Thúy Kiều vào lầu xanh của Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Tất cả chung quy lại cũng vì đồng tiền làm tha hóa nhân cách của con người.

Không chỉ dừng lại ở giá trị hiện thực rộng lớn, tác phẩm còn mang những giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Truyện Kiều là tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực xấu xa chà đạp con người như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh,... Tác phẩm còn thể hiện tiếng nói thương cảm, xót xa của Nguyễn Du trước số phận bi kịch của con người: "Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về", để rồi sau này ông thốt lên: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Thúy Kiều là người con gái tài sắc nhưng số phận lại vô cùng éo le, lấy chữ hiếu làm đầu để rồi sau bao nhiêu trắc trở, nàng lại cô đơn vò võ một mình. Càng xót xa bao nhiêu, nhà thơ lại càng khẳng định, đề cao tài năng, nhân phẩm và những khát vọng chân chính của con người: khát vọng về quyền sống, quyền tự do, công lý, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Mối tình Kim Kiều vượt lên trên lễ giáo phong kiến cùng thái độ chủ động của người con gái khi yêu: "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" thể hiện khát vọng tình yêu của con người cùng hình ảnh người anh hùng Từ Hải ẩn chứa ước mơ của tác giả về một xã hội công bằng,... Bởi những giá trị hiện thực và nhân đạo cao cả đó, Mộng Liên Đường chủ nhân đã từng ca ngợi Nguyễn Du là người "có con mắt nhìn xuyên sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời".

Không chỉ có những đặc sắc về nội dung mà Truyện Kiều còn mang những nét sáng tạo vô cùng độc đáo về nghệ thuật. Tác phẩm là sự kết tinh các thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Về thể loại, tác phẩm được viết dưới hình thức một truyện thơ Nôm với thể thơ lục bát truyền thống quen thuộc. Về ngôn ngữ, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm có vận dụng kết hợp linh hoạt với các ca dao, thành ngữ quen thuộc. Nghệ thuật trong Truyện Kiều đã có bước phát triển vượt bậc: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách, miêu tả tâm lí nhân vật. Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, nhà thơ có sự kết hợp giữa ngôn ngữ độc thoại để miêu tả nội tâm và ngôn ngữ đối thoại để thể hiện tính cách, hoàn cảnh nhân vật. Với các nhân vật chính diện, Nguyễn Du sử dụng ngòi bút ước lệ, ẩn dụ tượng trưng quen thuộc trong thơ trung đại; với các nhân vật phản diện, nhà thơ thường sử dụng ngôn từ bình dân tả thực. Bên cạnh đó, ông còn có những đặc sắc nghệ thuật khi tả cảnh với bút pháp tả cảnh ngụ tình sinh động, giúp nhân vật thể hiện cảm xúc, tâm trạng của mình một cách gián tiếp. Tất cả đã làm nên một "Truyện Kiều" với những sáng tạo mới mẻ về hình thức thể hiện.

Với những đóng góp to lớn cả về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều xứng đáng được coi là kiệt tác văn học của dân tộc. Thời gian cứ thế trôi và những gì là thơ, là văn, là tuyệt tác thì luôn còn mãi. Và "Truyện Kiều" cũng vậy.

Viết một văn bản nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật - Truyện Kiều

Chào mọi người, em tên là… học sinh lớp… Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) được Nguyễn Du sáng tác vào đầu thế kỉ 19). Đây được coi là một trong những kiệt tác của nền văn học Việt Nam trung đại. Tác phẩm đã để lại nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật.

Truyện Kiều kể về cuộc đời của Thúy Kiều - một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời nhiều bất hạnh. Trong một lần du xuân, Kiều vô tình gặp gỡ Kim Trọng và có một mối tình đẹp đẽ bên chàng Kim. Hai người chủ động gặp gỡ và đính ước với nhau. Gia đình Kiều bị nghi oan, cha bị bắt, Kiều quyết định bán mình để chuộc cha. Trước khi bán mình, Kiều trao duyên cho em gái là Thúy Vân. Thúy Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải - một “anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất”. Từ Hải lấy Kiều và giúp nàng báo ân báo oán. Do mắc lừa tổng đốc Hồ Tôn Hiến, Kiều vô tình đẩy Từ Hải vào chỗ chết. Đau đớn, nàng trẫm mình xuống sông thì được sư Giác Duyên cứu. Lại nói Kim Trọng khi từ Liêu Dương chịu tang chú xong quay về, biết Thúy Kiều gặp phải biến cố thì đau lòng. Chàng kết hôn cùng Thúy Vân nhưng vẫn ngày nhớ đêm mong gặp lại Kiều. Chàng liền quyết tâm đi tìm nàng, gia đình đoàn tụ. Túy Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai đã nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

Giá trị nội dung của Truyện Kiều thể hiện ở giá trị hiện thực và nhân đạo. Trước hết, về giá trị nhân đạo, tác phẩm đã khắc họa bức tranh hiện thực về một xã hội bất công, tàn bạo và coi trọng đồng tiền. Đồng thời, Nguyễn Du còn cho thấy một xã hội phong kiến bất công đã chà đạp con người, đặc biệt là người phụ nữ. Cuộc sống của gia đình Thúy Kiều đang bình yên. Nhưng chỉ vì một lời không đâu vào đâu của thằng bán tơ “vu oan giá hoạ”, cha Kiều bị bắt. Cuộc đời Kiều phải rẽ sang hướng khác. Nàng phải từ bỏ duyên đẹp đẽ với Kim Trọng, bán mình chuộc cha. Thúy Kiều còn bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh và Tú Bà lừa bán vào lầu xanh. Sau đó, nàng được Thúc Sinh cứu vớt khỏi cuộc đời kỹ nữ. Những rồi Kiều lại bị Hoạn Thư - vợ Thúc Sinh ghen tuông, đày đọa. Nàng một lần nữa bị rơi vào chốn thanh lâu. Từ một cô tiểu thư khuê các, Kiểu trở thành hàng hoá để cho người ta mua bán. Nàng còn trở thành vợ lẽ, bị người ta lăng nhục, đày đọa và cuối cùng phải tự vẫn.

Truyện Kiều đã bộc lộ sự trân trọng con người. Nguyễn Du đã xây dựng nhân vật Thúy Kiều từ những vẻ đẹp từ ngoại hình, phẩm chất, tài năng khát vọng đến ước mơ và tình yêu chân chính. Tác phẩm còn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc trước những đau khổ của con người đặc biệt là người phụ nữ. Cuối cùng, truyện là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người. Mối tình Kim Trọng và Thúy Kiều đã đi vào lòng người đọc. Sự thủy chung, si tình của Kim Trọng khiến ta không khỏi ngưỡng mộ. Ngoài ra, với Truyện Kiều, tác giả còn thể hiện khát vọng công lí tự do với hình tượng nhân vật Từ Hải, người anh hùng dám chống lại xã hội phong kiến tàn bạo.

Tiếp đến là giá trị nghệ thuật mà đầu tiên phải kể đến về mặt ngôn ngữ. “Truyện Kiều” được đánh giá là đạt đến trình độ mẫu mực về ngôn ngữ. Nguyễn Du đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ bác học. Nhiều điển tích, điển cố được sử dụng để miêu tả tâm trạng, phẩm chất (“sông Tương”, “sân Lai”, “gốc tử”, “nàng Ban”, hay “ả Tạ”…). Cách dùng từ tinh tế là một trong những biệt tài của Nguyễn Du khi miêu tả nhân vật và cảnh vật. Ví dụ như khi miêu tả nhân vật Tú Bà, tác giả đã sử dụng từ láy “nhờn nhợt” (Thoắt trông nhờn nhợt màu da). Hay động từ “lẻn” (Mặt mo đã thấy Sở Khanh lẻn vào) để làm nổi bật sự xảo quyệt của Sở Khanh…

Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du cũng để lại những ấn tượng sâu sắc. Nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng được sử dụng. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”:

“Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang,

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

Kiều càng sắc sảo, mặn mà,

So bề tài, sắc, lại là phần hơn.

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”

Nguyễn Du cũng rất thành công khi xây dựng tâm trạng nhân vật với bút pháp tả cảnh ngụ tình. Tám câu thơ cuối trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” là một ví dụ điển hình:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác, biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Ngoài ra, việc sử dụng thể bát cũng đã mang lại những thành công to lớn cho việc chuyển tải nội dung tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đây là thể thơ vốn có rất nhiều yếu tố tạo hình và rất giàu tính nhạc, nhất là ở những đoạn khắc họa chân dung nhân vật.

Qua phân tích trên, có thể khẳng định, Truyện Kiều của Nguyễn Du chứa đựng nhiều giá trị về nội dung và nghệ thuật. Tác phẩm chính là di sản quý giá của nền văn chương nước nhà.

Xem thêm các bài văn mẫu 11 Kết nối tri thức hay khác:

Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):

Săn shopee siêu SALE :

CHỈ CÒN 250K 1 KHÓA HỌC BẤT KÌ, VIETJACK HỖ TRỢ DỊCH COVID

Đăng ký khóa học tốt 11 dành cho teen 2k4 tại khoahoc.vietjack.com

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên