Top 20 Đọc sách báo về thể thao lớp 3 (hay nhất)

Tổng hợp các đoạn văn Đọc sách báo về thể thao lớp 3 hay nhất giúp học sinh lớp 3 có thêm tài liệu tham khảo để viết văn hay hơn.

Top 20 Đọc sách báo về thể thao lớp 3 (hay nhất)

Quảng cáo

Đọc sách báo về thể thao lớp 3 - mẫu 1

Câu chuyện kỳ lạ về Miyoshi Takei - "Ông tổ" của quần vợt mù

Đối với Miyoshi Takei, bị mù chỉ là một rào cản nhỏ khi chơi quần vợt. Thực ra, đó chính là động lực thôi thúc ông cố thử xem mình có thể cầm vợt chơi như người bình thường được hay không. "Tôi muốn đánh bóng đang bay mạnh nhất có thể, ngay cả khi tôi không nhìn thấy gì", Takei từng tiết lộ như thế. Nếu được như vậy, đấy là nhờ thính giác của ông vẫn còn tốt. Được người thầy dạy ở trường trung học khuyến khích và sau rất nhiều lần thử và thất bại, Takei đã tạo ra một quả bóng nhẹ, rỗ và có thể phát ra tiếng động. Nhờ thế, các cây vợt đều nghe thấy được và đánh trúng bóng dễ dàng. Một môn thể thao mới ra đời vào năm 1984 - quần vợt mù.

Dĩ nhiên là quần vợt mù không giống như quần vợt thông thường. Ngoài việc sử dụng bóng có âm thanh (an toàn và nẩy ít), sân thi đấu nhỏ hơn với các vạch kẻ nổi, lưới thấp và vợt ngắn hơn. Bên cạnh đó, các cây vợt được phép để bóng nẩy tới 3 lần, tùy thuộc vào khả năng phán đoán hướng bóng của mỗi người.

Quảng cáo

Đến mùa thu năm 1990, Takei đã tổ chức giải vô địch quốc gia đầu tiên ở Nhật Bản và 25 năm qua, Nhật Bản giờ có hàng nghìn cây vợt mù. Cùng với Nhật Bản, Anh là nước thứ hai có giải vô địch quần vợt mù, trong khi môn thể thao này cũng được chơi nhiều ở những quốc gia mà Takei đến giới thiệu như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Singapore, Philippines, Australia, Tây Ban Nha, Italia, Canada, Nam Phi, Bahamas, Argentina và gần đây là Mỹ, Nga.

Đọc sách báo về thể thao lớp 3 - mẫu 2

Cậu bé 'hạt tiêu' và hành trình chinh phục nhiều môn thể thao

(Baonghean.vn) - Chắc chắn sẽ rất nhiều người bất ngờ trước bảng thành tích ấn tượng của Phạm Thạch Tùng. Thú vị hơn cả những thành tích chính là câu chuyện phía sau những tấm huy chương.

Cậu bé "hạt tiêu"

Quảng cáo

Tôi gặp Phạm Thạch Tùng - hay còn có tên gọi thân mật khác là Sóc Kevin (sinh năm 2007) lần đầu tiên khi cậu bé chưa đến 10 tuổi. Thời điểm đó, cậu bé là 1 trong những thành viên nhỏ nhất của một trung tâm dạy nhảy Hip-hop, cũng là một trong những thí sinh top đầu của cuộc thi nhảy “Người hùng tí hon” - một chương trình truyền hình nổi tiếng trên sóng HTV thời điểm 2015 - 2016. Ở thời điểm đó, cậu bé Nghệ An với vóc dáng nhỏ nhắn được ban giám khảo là những dancer hàng đầu Việt Nam đánh giá là một thí sinh triển vọng, có năng khiếu và hoàn toàn có thể thành công trên con đường dancer chuyên nghiệp. Ấy vậy mà chỉ một thời gian ngắn sau khi chinh phục được giải Nhì của cuộc thi này, người ta không thấy cậu bé Sóc tham gia các lớp nhảy nữa, thầy cô và các bạn ai cũng tiếc. Lúc này, theo gợi ý của bố mẹ, Sóc dành phần lớn thời gian và đam mê cho một bộ môn thể thao khác: Bóng bàn.

Nhớ lại giai đoạn “chuyển giao” đặc biệt, Thạch Tùng thổ lộ: “Lúc đó em cũng cảm thấy hơi tiếc khi từ bỏ một môn học mà mình rất yêu thích và đã gặt hái được thành tích nhất định. Tuy nhiên, khi sang với bóng bàn, em nhận ra bộ môn này cũng rất thú vị và tập trung đặt mục tiêu chinh phục nó”. Giống như Hip-hop, Sóc lại là một trong những thành viên nhỏ tuổi và nhỏ nhắn nhất của Câu lạc bộ bóng bàn Thành Vinh Anh Em (TP. Vinh). Chỉ sau một thời gian ngắn tập luyện, Tùng được các thầy đánh giá là phản xạ nhanh, kỹ năng phản đòn tốt và tư duy bóng thông minh. Cũng chỉ một thời gian ngắn sau, Tùng tiếp tục được tham gia Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh, các giải đấu giao lưu, mở rộng và gặt hái được nhiều thành tích đáng kể.

Quảng cáo

Không chỉ với Hip-hop và bóng bàn, chắc chắn sẽ rất nhiều người bất ngờ khi nhìn vào bảng thành tích đồ sộ của cậu bé nhỏ con này. Thạch Tùng còn giành giải Nhất và Nhì môn bơi lội cấp tỉnh, từng được đặc cách tham gia thi đấu võ thuật khi chỉ mới học võ được một thời gian ngắn (những sau đó giải bị hoãn tổ chức vì Covid-19). Thậm chí, ở lĩnh vực âm nhạc, Tùng cũng gây ấn tượng với thầy cô với khả năng cảm thụ và kỹ thuật chơi guitar vượt trội. Trước thành tích ấn tượng đó, Tùng luôn khiêm tốn cho rằng còn rất nhiều bạn giỏi hơn mình và ai cũng có thể làm được như mình.

Hỏi Tùng bí quyết, cậu bé bẽn lẽn: “Tất cả các môn học đều trải qua phần nhàm chán ban đầu với những bài tập phản xạ, những kỹ thuật cơ bản rồi mới đến phần hấp dẫn là thi đấu, giao lưu. Em cho rằng, dù ở bất cứ môn học nào, nếu mình có sự yêu thích nhất định, kiên trì theo đuổi nó với một thái độ nghiêm túc thì chắc chắn sẽ có kết quả tốt”.

Nói là vậy nhưng không phải ai cũng làm được với bí quyết tưởng chừng đơn giản ấy. Kết quả Tùng có được hôm nay không chỉ là “trái ngọt” từ quá trình rèn luyện của bản thân Tùng mà còn là “trái ngọt” của bố mẹ Tùng - những phụ huynh không muốn con đặt nặng thành tích học tập.

Anh Phạm Hữu Phương - bố của Tùng chia sẻ: “Để được đồng hành với con, định hướng con, bản thân vợ chồng tôi cũng phải chấp nhận những đánh đổi. Để con có được một phiên bản vui vẻ, hiểu chuyện, bản lĩnh, hoà đồng, có tinh thần cầu tiến, tự tin trước đám đông, những đánh đổi đó là hoàn toàn xứng đáng”.

Những đánh đổi xứng đáng

Năm 2014, khi Sóc tròn 7 tuổi, bố của Sóc - anh Phương đã có một quyết định lớn trong đời. Công ty anh làm chuyển đổi mô hình hoạt động và yêu cầu nhân viên phải làm việc theo ca, nghĩa là sẽ có những ngày anh phải trực đêm, không về nhà. Cảm thấy mình không phù hợp với sự thay đổi này, anh Phương nghỉ việc và tự mình xây dựng một sự nghiệp riêng, không lớn, nhưng đổi lại, anh chủ động về mọi việc và có thể dành thời gian cho gia đình. Vợ chồng anh xác định, sự nghiệp lớn nhất của mình chính là đồng hành cùng các con, nuôi dạy con trở thành một đứa trẻ hạnh phúc với nhiều kỹ năng sống.

“Ngay từ đầu, quan điểm nuôi dạy con của vợ chồng tôi là không muốn con đặt nặng thành tích, dù là trong học tập hay thể thao. Thay vì đặt kỳ vọng lên con và muốn con giỏi, chúng tôi vui vẻ chấp nhận khả năng của con và cho con rèn luyện sức khoẻ, trải nghiệm nhiều nhất có thể. Đi thi đấu chỉ là một cách con rèn luyện sự tự tin, bản lĩnh, có giải thì tốt, không có giải cũng không sao. Điều quan trọng là con tìm thấy niềm vui trên quá trình đó, biết cách thể hiện bản thân, học hỏi được những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống sau này và có thêm những người bạn tốt” - anh Phương chia sẻ.

Với quan điểm này, trong khi bạn bè vùi đầu ôn thi cho các môn văn hoá, chị em Tùng lại bận rộn với những tiết học mà theo em là “học mà vui như chơi”. Nói thì nhẹ nhàng vậy nhưng có những thời điểm để theo được những buổi “học mà vui như chơi” này, bản thân Tùng cũng như bố mẹ phải rất nỗ lực. Anh Phương đăng ký cho Tùng và chị gái tham gia bất cứ khoá học nào mà các con thích, đưa đón các con hàng ngày, động viên, dõi theo từng tiến bộ nhỏ của con. Vì con, anh sẵn sàng lội mưa, đội nắng, chở đi từ đầu thành phố đến cuối thành phố để học, sẵn sàng đứng đợi con học xong hàng tiếng đồng hồ để đưa về…

Nhớ lại giai đoạn Tùng còn nhỏ, không thể tự đi một mình, anh kể: “Có thời điểm Tùng học đến 4 môn trong 1 ngày, bao gồm bơi lội, đàn guitar, nhảy và võ. Sóc nói với tôi: Bố ơi, con thấy mệt quá, con có thể bỏ 1 môn nào không? Nghe xong câu nói của con, tôi vừa thấy thương vừa thấy buồn vì mình đã vô tâm quá, không nhận ra điều này sớm hơn. Tuy nhiên, khi bảo con hãy bỏ đi những môn con không thích thì cháu lại quyết định không bỏ môn nào cả. Sau chuyện này, tôi ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của con hơn và luôn tôn trọng những lựa chọn của con”.

Sự đồng cảm, tôn trọng của bố mẹ cũng chính là một phần lý do làm nên sự sâu sắc, trưởng thành của Tùng trong suy nghĩ. Khi được hỏi trong tất cả những giải thưởng của mình, giải thưởng nào Tùng trân trọng nhất, cậu bé trả lời ngay: Giải trong cuộc thi “Người hùng tí hon”. “Đó không phải là thành tích cao nhất trong môn nhảy, cũng không phải là giải thưởng có giá trị lớn nhất. Đó là giải thưởng mà để có được, 2 bố con phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn nhất. Ở cuộc thi này, em và bố đã có gần 3 tháng thi đấu và tập luyện ở Sài Gòn trong điều kiện không có phương tiện đi lại, không hợp những món ăn với khẩu vị ngọt của miền Nam, đuối sức vô cùng” - Tùng nói.

Sự đồng hành của vợ chồng anh Phương cũng chính là nền tảng cho những thành tích thể thao của cô con gái lớn - Phạm Châu Nguyên. Châu Nguyên từng đạt giải cao trong Hội khoẻ Phù Đổng ở bộ môn aerobic, cũng là sinh viên của Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật ở bộ môn đàn tranh ngay từ khi còn học phổ thông.

Có thể, những thành tích của chị em Tùng có được không phải là những thành tích cao nhất, câu chuyện của gia đình Tùng cũng không phải là câu chuyện tiêu biểu nhất. Nhưng đó là một ví dụ đầy thuyết phục về hành trình nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, hiểu rõ bản thân và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Đọc sách báo về thể thao lớp 3 - mẫu 3

Chuyện về Bác Hồ tập thể dục

Cách đây 70 năm, ngày 27-3-1946, Bác Hồ viết bài báo “Sức khỏe và thể dục”, kêu gọi toàn dân hăng hái tập thể dục, nâng cao sức khỏe để công việc tốt hơn. Sinh thời, Người luôn quan tâm việc tập thể dục, rèn luyện thân thể và cho rằng, muốn làm một việc gì cũng cần phải có sức khỏe; muốn có sức khỏe thì phải rèn luyện, phải tập thể dục. “Dân cường thì quốc thịnh” - Người nói.

Trong bài “Sức khỏe và Thể dục”, Người chỉ rõ: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công”; “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”; “Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Đối với Bác, bất cứ lúc nào và ở đâu, khi có điều kiện là tranh thủ thời gian tập, rèn luyện sức khỏe, như: tập dưỡng sinh, điền kinh, võ thuật, quyền, bóng chuyền, bơi lội, cờ tướng…, trong đó điền kinh là môn được Bác thực hiện nhiều nhất. 30 năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã quét tuyết, phụ bếp, làm bánh và đủ mọi việc, không nề hà. Thời gian hoạt động ở Trung Quốc, khi bị bắt tại Trùng Khánh và giải đi trong nhiều ngày, vừa ra tù, Người liền tập leo núi để lấy lại sức khỏe và thể hiện tinh thần thư thái, ung dung qua những vần thơ: Bồi hồi dạo bước Tây Phong lĩnh/Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa… Sau bao năm bôn ba khắp năm châu, bốn biển, ngày 28-1-1941, Bác Hồ về đến Pác Bó (Cao Bằng). Một trong những việc được Bác quan tâm đầu tiên là đắp một nền đất để tập thể dục buổi sáng. Đồng chí Phùng Thế Tài kể lại, năm 1941, tại Cao Bằng, một lần hai thầy trò đi công tác và gặp lũ lớn, suối trở thành sông, ông ngỏ ý dìu Bác qua dòng nước xoáy, nhưng Bác kiên quyết không chịu và nói: “Tôi bơi được, phải biết tự lực chứ”, rồi nhảy xuống nước. Hôm ấy, nước mạnh kéo Bác đi một đoạn, khiến đồng chí Tài phải lao theo hỗ trợ. Khi hai thầy trò nghỉ bên bờ suối, Bác cười hóm hỉnh nói: “Chú hơi nóng khi trách Bác đấy!”. Khi ở chiến khu, chiều chiều sau giờ làm việc, Bác đi trồng rau, hoặc đánh bóng chuyền cùng anh em ở cơ quan. Hôm nào có Bác tham gia là sân bóng sôi nổi, vui hẳn lên.

Khi về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Bác vẫn giữ nếp tập thể dục đều đặn, tập buổi sáng và bách bộ vào buổi chiều trong Phủ Chủ tịch. Năm 1958, sang thăm Cộng hòa Ấn Độ, Bác vẫn leo 379 bậc cầu thang khi đến thăm tháp Cu-táp-mi-na cao 73 m, vẫy hoa chào các bạn Ấn Độ và ngắm nhìn Thủ đô Niu Đê-li. Tết Mậu Thân năm 1968, Bác đề nghị Bộ Chính trị được đi thăm, động viên đồng bào và chiến sĩ miền nam và lên kế hoạch tập luyện để chuẩn bị cho chuyến đi. Mỗi ngày, Bác đi bộ từ 5 km đến 10 km, có hôm tăng lên 20 km. Bác còn tập đeo ba-lô nặng 25 kg… Bác Hồ chính là tấm gương rèn luyện thân thể, để mỗi người trong chúng ta học tập và làm theo.

Nguyễn Văn Công

Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Đọc sách báo về thể thao lớp 3 - mẫu 4

Câu chuyện thể thao và lòng nhân ái từ chàng trai chơi bóng đá phong trào

(Baonghean.vn) - Câu chuyện thể thao của chàng trai Trần Văn Linh (sinh năm 1991), ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu không đơn thuần xoay quanh những đường chạy, những trái bóng. Phía sau niềm đam mê thể thao của Linh là lòng nhân ái và tinh thần thiện nguyện đẹp đẽ.

Vận động viên nhiều “vai”

Ở xã Diễn Bích, hầu như ai cũng biết đến anh chàng “vác tù và” Trần Văn Linh, từ lãnh đạo chính quyền đến người dân, từ doanh nghiệp đến hội nông dân. Linh là “gương mặt thân quen” trong các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao địa phương, là người trọng tài có tâm trong nhiều giải bóng đá, là đoàn viên thanh niên xông xáo trong các hoạt động vì cộng đồng… Trước đó, Linh còn là người mang về rất nhiều thành tích cao cho xã và huyện ở bộ môn điền kinh và bóng đá trong các giải thể thao cấp tỉnh.

Khi còn là một cậu bé lớp 5, sau thành tích đầy ấn tượng với bộ môn điền kinh ở Hội khỏe Phù Đổng, Trần Văn Linh lọt vào mắt xanh của những huấn luyện viên Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh và được mời về trung tâm để đào tạo. Cuộc sống xa nhà, nỗi nhớ cha, nhớ mẹ và những bài tập vận động nặng là lý do khiến Linh từ bỏ con đường trở thành một vận động viên chuyên nghiệp.

Không chỉ với điền kinh, Linh còn rất đam mê bóng đá. Năm lớp 10, nhận thấy năng khiếu của Linh với bộ môn này, các chú, các anh trong Trung tâm Thể dục thể thao huyện Diễn Châu đã thu nạp chàng cầu thủ có vẻ ngoài dong dỏng, xương xương này vào đội tuyển bóng đá huyện.

Nhớ lại những năm tháng đó, Linh kể: “Gia đình tôi có truyền thống thể thao. Anh trai tôi cũng là một vận động viên điền kinh và cầu thủ bóng đá có tiếng của huyện. Tuy cả 2 anh em đều không có duyên với con đường chuyên nghiệp nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được cống hiến, đem thành tích về cho địa phương trong các giải phong trào. Dù công việc mưu sinh chính là lái xe vật liệu, không hề liên quan đến thể thao, nhưng tôi luôn dành cho thể thao niềm đam mê lớn nhất và ấp ủ những dự định liên quan đến lĩnh vực này”.

Ấp ủ đó chính là động lực để năm 2018, Linh quyết định thành lập một trung tâm đào tạo bóng đá cho trẻ em tại quê nhà, tìm kiếm những tài năng bóng đá triển vọng. Từ uy tín của Linh, học sinh đăng ký vào trung tâm rất đông. Trong số những học trò của Linh, 5 em trúng tuyển vào Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội T&T, 1 em trúng tuyển vào Câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 một năm sau đó như một gáo nước lạnh phũ phàng xối vào những dự định của Linh. “Lớp học không thể mở cửa trong khi chi phí duy trì mặt bằng thì cao, khó khăn này chưa qua thì khó khăn khác đã đến. Đầu năm 2020, trong một trận đấu thuộc giải bóng đá cấp huyện, tôi bị đứt dây chằng và bác sĩ yêu cầu không được tiếp tục đá bóng cho đến khi mổ và bình phục. Với tôi, đó là một bước ngoặt nghiệt ngã. Nếu mổ ngay, tôi sẽ phải dừng mọi hoạt động và công việc đang làm trong khoảng 1 năm trời” - Linh thổ lộ.

Vì không muốn dang dở những dự định, cho đến thời điểm hiện tại, chân của Linh vẫn chưa được mổ, việc đi lại vẫn rất khó khăn, thỉnh thoảng vết thương lại đau nhói. Linh chỉ dừng thi đấu ở các giải thể thao và vẫn tiếp tục công việc còn lại để chờ một thời điểm ít ảnh hưởng đến công việc chung hơn. Vừa là Bí thư Đoàn xóm, thôn đội trưởng, thầy dạy bóng đá, trọng tài…, ở bất cứ vai nào, Linh cũng được yêu quý và tín nhiệm.

Thể thao kết nối những tấm lòng

Khi không thể tham gia các giải bóng đá, Linh tập trung vào việc tổ chức giải. Đây là lúc khả năng kết nối cùng tình yêu thể thao của Linh làm được nhiều việc ý nghĩa cho cộng đồng nhất.

Đầu năm 2020, Linh kết hợp với Huyện đoàn Diễn Châu tổ chức giải bóng đá gây quỹ từ thiện, trao tặng 10 xe đạp cho 10 học sinh nghèo vượt khó. Tháng 4/2020, Linh kêu gọi doanh nghiệp tài trợ để tổ chức Giải bóng đá Diễn Châu mở rộng, gây quỹ trao tặng 15 suất quà, mỗi suất trị giá 2 triệu đồng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tháng 7/2021, Linh tiếp tục kết hợp với Huyện đoàn để tổ chức giải bóng đá phủi, quyên góp 40 triệu đồng để trao tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn…

Mới đây, tháng 11/2022, Linh đã kết nối và tổ chức trận đá giao hữu giữa các cầu thủ Sông Lam Nghệ An với Huyện đoàn để gây quỹ, trao tặng 30 xe đạp cho 30 học sinh nghèo học giỏi. Ngoài các giải thể thao, Linh còn phát động, tham gia rất nhiều hoạt động thiện nguyện khác như rửa xe miễn phí, nấu bánh chưng gây quỹ, tặng cơm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19…

Chia sẻ về chàng Bí thư Đoàn xóm năng động, anh Ngô Thành Công - Bí thư Huyện đoàn Diễn Châu nói: “Trần Văn Linh là một đoàn viên trách nhiệm, tiên phong, đóng vai trò cốt cán trong các phong trào của huyện nói chung, các phong trào thể dục, thể thao và thiện nguyện trên địa bàn huyện nói riêng. Linh luôn là người mạnh dạn, chủ động nhận nhiệm vụ với tinh thần cầu thị và nỗ lực hết mình để hoàn thành, không ngại khó khăn, vất vả. Tinh thần đó xứng đáng để các đoàn viên khác noi theo”.

Quả thật, thông qua các giải thể thao mà mình đứng ra kêu gọi tổ chức, Trần Văn Linh đã thể hiện xuất sắc khả năng kết nối của bản thân. Một mình một xe máy, Linh kiên trì gõ cửa từng doanh nghiệp, thuyết phục từng lãnh đạo để làm nên những giải thể thao mang ý nghĩa thiện nguyện.

Khi được hỏi bí quyết để có được sự đồng ý của mọi người, Linh khiêm tốn: “Có lẽ vì tôi đã may mắn có được sự tín nhiệm của lãnh đạo địa phương, đoàn thể từ trước đó. Ở những giải đầu tiên, khi doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm thấy sự kiện có những nhân vật uy tín tham gia thì họ cũng tin tưởng hơn. Còn ở các giải sau này, họ tham gia chính vì uy tín, sự chuyên nghiệp, tầm ảnh hưởng của những giải trước đó”.

Để hành trình kết nối đầy nhân ái của Linh diễn ra suôn sẻ. Trước khi có những cái gật đầu, những giải đấu thành công, Linh cũng đã phải viết đi, viết lại những bản kế hoạch, những thư mời, nhận nhiều lời từ chối, xử lý những đòi hỏi oái oăm, thực hiện những công việc đầy áp lực… “Có tận mắt chứng kiến những gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh mới cảm thấy những gì mình làm nhỏ bé đến nhường nào. Đó cũng là động lực để tôi chia sẻ nhiều hơn nữa trong khả năng của mình” – Linh trải lòng.

Xem thêm các bài viết Tập làm văn lớp 3 hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 3 hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Giải bài tập Tiếng Việt lớp 3 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Tiếng Việt lớp 3 Cánh diều (NXB Đại học Sư phạm).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 3 Cánh diều khác