Đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Bình Tân 2025 (có đáp án)



Bình Tân công bố đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn theo chương trình mới. Mời các bạn đón đọc:

Đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Bình Tân 2025 (có đáp án)

Quảng cáo

Đề thi minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Bình Tân 2025

UBND tỉnh Bình Tân

Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Tân

Đề minh họa Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018

Môn thi: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút

PHẦN I (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

CÁ VOI

Phạm Đình Hổ [1].

Ông Nguyễn Tông Trình làm Đốc thị tỉnh Nghệ An, lúc mới đến nhậm chức, có một con cá voi chết ở bờ biển, dài hơn một trăm thước, bề ngang cũng chừng bấy nhiêu, quan địa phương lên trình ông biết. Ông liền cùng với đồng liêu đến nơi làm bài văn tế. Vài năm sau, có một đồng tử, dung mạo đẹp đẽ, độ mười bốn mười lăm tuổi, mặc áo học trò, đến cửa nha môn hỏi thăm anh Nguyễn Tông Trình có ở trong nhà không. Người canh cửa đuổi đi, mắng “Đứa trẻ con nào đó dám nói hỗn đến trưởng quan, không đi ngay thì ta đánh cho bây giờ!”. Liễn rũ tay áo, cười mà rằng “Ta nhớ bạn cố nhân nên chẳng quản xa xôi đến hỏi thăm, không gặp thì ta đi, làm gì mà hung hăng thế!”.

Người canh cửa lấy làm lạ, liền vào bẩm quan. Ông Trình chỉnh tề áo mũ, nghiêm trang ra đón, thì đồng tử đã đi xa rồi. Ông liền sai kẻ nha dịch chạy theo, cố mời trở lại. Vào ngồi yên đâu đấy, đồng tử cười bảo ông rằng “Bấy lâu cách biệt, vẫn nhớ tới huynh ông, mà huynh ông không nhớ đến cố nhân ư?”. Ông từ tạ, rồi bày rượu ngồi nói chuyện. Đồng tử bùi ngùi nói “Tôi với anh đều ở trên thiên tào bị trích giáng. Anh thì sinh ra trên cõi đời, làm nên khoa giáp, không đến nỗi biến mất cái bản lai diện mục [2]. Không như tôi bị khiển trách, sinh ra làm loài cầm ngư, ở trong đám bụi hồng bể khổ, chỉ làm cho đời người thêm buồn bã mà thôi”. Hỏi kĩ thì đồng tử kể lại rằng “Tôi lúc mới bị trích xuống thì làm chim khiếu, tinh khôn mà hót hay, gặp được anh chàng ăn chơi ở chốn đô thành bỏ ra món tiền lớn mua về, sớm tối làm cảnh, ví như ngọc củng bích[3]. Phải như thế đến hơn mười năm, lắm lúc muốn lột bỏ da lông mà thác đi cho rồi. Song nghĩ chưa được mưu kế gì. Một bữa kia, sổ lồng bay ra. Khi ấy, chủ nhân đang pha chè đãi khách, âm chuyên chén mẫu trị giá đến hàng trăm bạc. Tôi bay lên chỗ chiếu khách ngồi, nhảy nhót, sa ngay vào bộ chén, vỡ tan. Chủ nhân nổi giận lấy xe điếu đập chết. Song Thượng Đế bảo tôi bị trích giáng chưa mãn hạn, nên lại xuống làm kiếp cá voi. Được ba năm, tôi nghĩ mà tức giận ngục nhằn, mới nhân thủy trào ngoi lên bờ nằm phơi vây ra đấy mà chết. Khi ấy, anh cùng bạn đồng liêu đến thăm, làm văn tế tôi; hiềm rằng đôi đường u hiển khác nhau, không được cùng nhau nói chuyện. Đến khi đọc bài văn tế của anh, thì nghe ra linh cơ diệu tứ rất hay. Nay nhờ Thượng Đế cho mãn hạn trích giáng, được vào nơi hang núi tu hành để rồi lại bổ chức cũ. Tôi sắp được về chầu Thượng Đế, nên lại chơi cáo biết với cố nhân; ngày khác được gặp nhau ở nơi tử phủ thanh đô[4], cũng chẳng bao lâu nữa”. Ông nhân mời nghỉ lại chơi, hỏi về bước tiến trình của mình sau này thế nào, thì nhiều điều không chịu tiết lộ. Sớm hôm sau, đồng tử cáo biệt ra đi, ông chỉnh tề khăn áo, tiễn khỏi cửa, thì không thấy đâu nữa. Chẳng bao lâu sau, ông cũng mất tại chức.

(Trích “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ)

Chú thích

1. Phạm Đình Hổ sinh năm Mậu Tý (1768), nguyên quán tại hương Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Ông là ấm sinh của một vọng tộc khoa hoạn. Ấu thơ, Phạm Đình Hổ đã tỏ chí: Nam nhi phải lập thân hành đạo ... Lấy văn thơ nổi tiếng ở đời ...[1].Từ khi lên 9 tuổi, ông học và đọc nhiều Hán thư, nhưng ông chỉ đỗ đến sinh đồ cuối thời Chiêu Thống.

2. Ý nói vẫn giữ được diện mạo cũ của mình.

3. Cùng nghĩa là vốc tay, ngọc củng bích là hạt ngọc to bằng vốc tay, ý nói quí giá lắm.

4. Chốn cung đình của Thượng Đế.

Thực hiện yêu cầu sau:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể trong văn bản trên.

Câu 2. (0,5 điểm) Tìm lời dẫn trong đoạn 1 của văn bản, cho biết lời dẫn đó được dẫn theo cách nào?

Câu 3. (1,0 điểm) Tìm và phân tích tác dụng của một yếu tố kì ảo trong văn bản trên?

Câu 4. (1,0 điểm) Từ văn bản trên, em hãy rút ra một thông điệp có ý nghĩa với bản thân.

Câu 5. (2,0 điểm) Viết đoạn văn (200 chữ) phân tích một nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, chi tiết tiêu biểu,…) của văn bản trên.

PHẦN II (5,0 điểm)

Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cùng khao khát được sống hạnh phúc. Với lòng khao khát đó thúc giục, chúng ta đi kiếm tìm hạnh phúc. Hơn thế nữa, tự đáy lòng của con người luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, vui tươi, không lo âu buồn phiền, không đau khổ oán than, muốn an hưởng sự may lành hơn là bất hạnh, giàu sang hơn là nghèo nàn. Để đạt được niềm khát vọng đó, người ta luôn tìm cho mình một lẽ sống cho cuộc đời, hay nói đúng hơn là một lí tưởng. Lí tưởng này sẽ hướng dẫn đời họ vượt qua mọi chông gai và can đảm chấp nhận mọi nghịch cảnh. Có một lí tưởng để theo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Và phải chăng những người bất hạnh chính là những người không lí tưởng, sống không mục đích, và càng không biết mình sẽ đi về đâu? Phải sống có lí tưởng! Bạn có thể ra đi từ nhiều phía, theo những con đường khác nhau, nhưng cuối cùng mỗi người phải lựa chọn cho mình mục đích của cuộc sống. Bởi như Denis Diderot đã nói, bạn sẽ không làm được gì nếu bạn không có mục đích, bạn cũng không làm được gì vĩ đại nếu mục đích của bạn tầm thường.

(Trích Lí tưởng sống từ những điều bình dị, Lệ Hằng)

Đoạn trích trên đã gợi cho em suy nghĩ gì về vai trò của lí tưởng đối với con người trong cuộc sống? Hãy viết bài văn trả lời câu hỏi trên.

------------------------- HẾT -------------------------

Đáp án tham khảo Đề thi minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Bình Tân 2025

(Hướng dẫn chấm có 06 trang)

A.  HƯỚNG DẪN CHUNG

Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Đáp án - Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh chỉ quan tâm ý mà cho điểm một cách đơn thuần. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, tính chất cụ thể của đề thi và đặc điểm của kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT; trên cơ sở bám sát biểu điểm và từng bài làm cụ thể của học sinh, giám khảo chủ động, linh hoạt trong vận dụng tiêu chí cho điểm. Tôn trọng và khuyến khích những bài làm sáng tạo, độc đáo, giàu cảm xúc.

Trong trường hợp thí sinh tổ chức bài làm theo cách riêng nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đáp án thì vẫn cho điểm như Đáp án - Hướng dẫn chấm. Điểm từng câu không làm tròn. Điểm bài thi bằng tổng điểm các câu, không làm tròn.

B. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

5,0

1

Ngôi kể trong văn bản trên là ngôi thứ ba.

0,5

2

- Lời dẫn trực tiếp:

Ta nhớ bạn cố nhân nên chẳng quản xa xôi đến hỏi thăm, không gặp thì ta đi, làm gì mà hung hăng thế!

Hoặc:

Đứa trẻ con nào đó dám nói hỗn đến trưởng quan, không đi ngay thì ta đánh cho bây giờ!

0,5

3

- Yếu tố kì ảo: Đồng tử bị thiên tào trích giáng xuống đầu thai làm chim khiếu, cá voi.

- Tác dụng: Yếu tố kì ảo, hoang đường giúp câu chuyện được kể thêm li kì, hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của người đọc về hai cõi âm – dương và chuyện đầu thai chuyển kiếp.

0,5

 

0,5

4

Thông điệp có ý nghĩa với bản thân:

- Sống là phải biết quan tâm đến thế giới tự nhiên.

- Sống phải biết yêu thương, cảm thông, thấu hiểu và sẵn sàng lắng nghe giúp đỡ những người xung quanh...

* Học sinh có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau, miễn sao hợp lí.

1,0

5

Viết đoạn văn (200 chữ) phân tích một nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, chi tiết tiêu biểu,…) của văn bản trên.

2,0

 

a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn:

- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân - hợp,...

- Đảm bảo bố cục ba phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Đây chỉ là một đoạn trong bài văn phân tích tác phẩm văn học. HS không biến thành bài văn thu nhỏ.

0,25

 

b. Xác định yêu cầu về mặt nội dung:

* Đoạn văn phải phân tích một nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (cốt truyện, cách xây dựng nhân vật, chi tiết tiêu biểu,…) của văn bản.

- Mở đoạn: Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả; khái quát nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm được lựa chọn để phân tích.

- Thân đoạn: Trình bày ý kiến về nét đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm.

Gợi ý:

+ Cốt truyện: cho thấy những cuộc sống con người trong đời sống xã hội, các tập tục lễ nghi thời trung đại (cuối đời Lê và đời Tây Sơn).

+ Cách xây dựng nhân vật: Nhân vật được xây dựng đặc biệt, có yếu tố hoang đường, kì ảo:

• Đồng tử có dung mạo hơn người, được hóa kiếp từ cá voi được ông Nguyễn Tông Trình làm bài văn tế.

• Đồng Tử và ông Nguyễn Tông Trình đều là người trên thiên tào bị trích giáng, người được đầu thai làm người, sống đời vinh hiển; người lại sống kiếp con vật.

+ Chi tiết tiêu biểu

• Con cá voi chết ở bờ biển lúc ông Nguyễn Tông Trình mới đến nhậm chức Đốc thị tỉnh Nghệ An. Ông cùng bạn lập đàn tế.

• Người đồng tử trẻ tuổi, dung mạo hơn người đến xưng là bạn cố nhân của ông Nguyễn Tông Trình.

• Đồng tử kể về chuyện cả hai người Trình đều là người trên thiên tào bị trích giáng, người được đầu thai làm người, sống đời vinh hiển; người lại sống kiếp con vật.

• Sau lời từ biệt của của đồng tử, một thời gian sau ông Nguyễn Tông Trình cũng mất.

- Kết đoạn: Khái quát vấn đề.

* Đoạn văn phải sử dụng lí lẽ, bằng chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề trên.

0,25

 

c. Hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

- Xác định được các ý phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.

- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lý theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5

 

d. Viết đoạn văn đảm bảo các các yêu cầu sau:

- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề.

- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5

 

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, đúng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

0,25

 

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25

II

 

Đoạn trích trên đã gợi cho em suy nghĩ gì về vai trò của lí tưởng đối với con người con người trong cuộc sống ? Hãy viết bài văn trả lời câu hỏi trên.

5,0

 

a. Đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận.

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

0,5

b. Đọc văn bản và xác định đúng vấn đề nghị luận

(vấn đề nghị luận được phát hiện trong quá trình đọc sẽ thể hiện bằng cách tích hợp trong bài nghị luận ở phần nội dung nghị luận và không cần trả lời bằng câu trả lời riêng).

1,0

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

Học sinh có thể triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề thành các luận điểm rõ ràng, cụ thể.

Về nội dung: xác định, phân tích được vấn đề cần giải quyết và đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, thuyết phục.

Về hình thức: Lập luận chặt chẽ, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ luận điểm; các luận điểm, lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo trình tự hợp lí.

Bố cục bài viết cần đảm bảo:

* Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận

- Giải thích vấn đề nghị luận.

- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Có lí tưởng sẽ giúp con người có một mục tiêu rõ ràng, một hướng đi tiến lên phía trước.

+ Lí tưởng sống cao đẹp không chỉ là điều kiện để một con người sống có ý nghĩa, mà còn giúp họ trở nên hoàn thiện về tâm hồn và nhân cách.

...

- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện...

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

Học sinh có thể có nhiều cách hiểu khác nhau miễn sao lập luận hợp lí, thuyết phục.

2,5

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp tiếng Việt, dùng từ, đặt câu, diễn đạt mạch lạc.

0,5

e. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo; thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,5

Lưu ý:

- Khuyến khích và trân trọng những bài làm có sự sáng tạo và giọng điệu riêng.

- Chấp nhận cách kiến giải khác nhau về vấn đề kể cả không có trong hướng dẫn chấm miễn là hợp lý và thuyết phục.

Tổng điểm toàn bài là 5,0 điểm có thể cho điểm lẻ đến 0,25 điểm. Việc chi tiết hóa điểm số phải có sự thống nhất trong tổ chấm thi đảm bảo không có sự sai lệch với tổng điểm của mỗi câu.

Tổng điểm

10,0

------------------- HẾT -------------------

Xem thêm đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 năm 2025 các tỉnh khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án chi tiết của chúng tôi được biên soạn bám sát cấu trúc đề thi vào 10 môn Văn của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên