Đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Hóc Môn 2025 (có đáp án)



Hóc Môn công bố đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn theo chương trình mới. Mời các bạn đón đọc:

Đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Hóc Môn 2025 (có đáp án)

Quảng cáo

Đề thi minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Hóc Môn 2025

UBND tỉnh Hóc Môn

Sở Giáo dục và Đào tạo Hóc Môn

Đề minh họa Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018

Môn thi: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút

PHẦN I (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được

Gọi chơi thôi, hỏi thăm mẹ thế nào…

Ở nhà mẹ, ngoài cửa, đông buốt giá

Cửa nhà con, đang nhộn nhịp, xuân trào…

 

Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón

Mẹ biết con đang bận rộn bao điều…

Mẹ biết lắm, nên chỉ cần chút ít

Mẹ muốn con biết mẹ ngóng con nhiều…

 

Nếu con về, mẹ pha trà, nướng bánh,

Mẹ nhớ con thuở bé thích ăn chi...

Hiểu giùm mẹ, giờ mẹ hay tủi phận

Lỡ con mình đã quên hẳn mình đi...

Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp,

Mọi thứ đủ dùng… Mẫu tử tình sâu…

Mẹ còn sống thì con còn được bé,

Thấu điều này, phải tới những ngày sau…

 

Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết,

Những ngày đời, con ạ, rất mau qua…

Mai từ sớm, lỡ đâu con muốn gọi,

Tuyết ngập trời… mả chả thấy ai thưa…

(Gọi cho mẹ tuần một lần cũng được, thơ Alelasjitsuke, Hồng Thanh Quang dịch, Báo Giáo dục và Thời đại, https://giaoducthoidai.vn/goi-cho-me-tuan-mot-lan-cung-duoc-post584844.html, 18/2/2022)

Thực hiện yêu cầu sau:

Câu 1. (0,5 điểm) Trong bài thơ, chủ thể trữ tình có những mong muốn gì?

Câu 2. (0,75 điểm) Nêu ít nhất hai cặp từ trái nghĩa trong hai câu thơ in đậm và cho biết tác dụng của của việc sử dụng những cặp từ trái nghĩa này.

Câu 3. (0,75 điểm) Nêu thông điệp em nhận được từ bài thơ trên.

Câu 4. (1,0 điểm) Tưởng tượng em là người con được nói đến trong bài thơ, hãy viết khoảng 3 đến 5 dòng để trả lời người mẹ của mình.

Câu 5. (2,0 điểm) Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 500 chữ) phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ trên.

PHẦN II (5,0 điểm)

[…] Có một ngày bố mẹ sẽ già đi là tập truyện ngắn của nhiều tác giả, do Losedow dịch. Quyển sách có trang bìa và giấy đánh dấu sách tông màu hồng xinh xắn, cuốn hút khi lần đầu nhìn thấy. […] Với 21 câu chuyện nhẹ nhàng, sâu lắng. Mỗi câu chuyện là một mảnh ký ức của mỗi tác giả về gia đình, nó thật sự chạm tới trái tim những người độc giả, đặc biệt là những người sắp, đang hoặc đã xa ba mẹ, xa người thân. Để chúng ta có thể yêu thương, đối xử thật tốt với người nhà của mình. 

Dù chúng ta có trưởng thành và thành công ra sao thì đối với đấng sinh thành, chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ cần được ba mẹ che chở và chăm sóc. Ngày chúng ta càng trưởng thành cũng là lúc cha mẹ ta càng già đi, mái tóc ngày càng bạc màu, gương mặt có những dấu vết mà năm tháng để lại. […]

Câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tim tôi là Khói trắng luồn kẽ tay, do tác giả Tưởng Lam viết. Câu chuyện nói về cảm giác và nỗi lòng áy náy, bứt rứt của tác giả khi chưa làm tròn chữ “hiếu”“đạo làm con”, để rồi phải hối hận: “Thật áy náy khi nguyện vọng bình thường như vậy tôi cũng chẳng thể thực hiện cho bố! Giờ bố có thể lên đường rồi…”. Thời điểm mai táng cho bố cũng là lúc mà tác giả sống chậm lại, cảm nhận từng giây, từng khoảnh khắc để tìm lại cảm giác bên cạnh bố giữa cuộc sống bộn bề này, là lúc thế giới xung quanh tác giả dường như đang chuyển động chậm đi. Lúc ấy, bao nhiêu ký ức về bố cứ ùa về trong đầu tác giả khiến tác giả phải lặng đi.

Tôi đã bật khóc khi đọc tới trang cuối cùng của quyển sách, một cảm giác chạnh lòng len lỏi trong tâm trí tôi khi đối mặt với từng câu chuyện của mỗi tác giả. […] Liệu bản thân mình có đang bỏ lỡ thời gian ở bên cạnh ba mẹ không? Liệu mình đã thực sự quan tâm tới cha mẹ chưa? Để đến một ngày nào đó, không phải thốt lên hai từ “giá như”.

Thiết nghĩ, có lẽ sẽ có nhiều bạn giống như tôi, chưa bao giờ hình dung đến cảnh không có cha mẹ bên mình nữa. Chúng ta thường cho rằng cha mẹ sẽ mãi mãi ở đó chờ đợi chúng ta, đến khi mất rồi thì ta lại nhớ lại những chuyện trong quá khứ và rồi ân hận vì đã bỏ lỡ quá nhiều. Đọc sách, tôi cảm nhận rõ hơn “Thời gian đã trôi thì không thể lấy lại được, mình cũng chẳng thể nào níu kéo lại thời gian”. Hãy trân trọng từng phút giây, từng khoảnh khắc khi còn có thể, bởi “Có một ngày bố mẹ sẽ già đi”. […]

(Theo Có một ngày bố mẹ sẽ già đi, Bảo Ngọc,

https://enews.agu.edu.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=24208&Itemid=130, 10/1/2024)

Qua nội dung bài viết của tác giả Bảo Ngọc, em có suy nghĩ gì về nhan đề Có một ngày bố mẹ sẽ già đi? Từ đó hãy viết một bài văn nghị luận với nhan đề: Trưởng thành của con là sự già đi của cha mẹ.

------------------------- HẾT -------------------------

Đáp án tham khảo Đề thi minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 Hóc Môn 2025

(Hướng dẫn chấm có 07 trang)

A.  HƯỚNG DẪN CHUNG

Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Đáp án - Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh chỉ quan tâm ý mà cho điểm một cách đơn thuần. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, tính chất cụ thể của đề thi và đặc điểm của kì thi Tuyển sinh vào lớp 10 THPT; trên cơ sở bám sát biểu điểm và từng bài làm cụ thể của học sinh, giám khảo chủ động, linh hoạt trong vận dụng tiêu chí cho điểm. Tôn trọng và khuyến khích những bài làm sáng tạo, độc đáo, giàu cảm xúc.

Trong trường hợp thí sinh tổ chức bài làm theo cách riêng nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu cơ bản của đáp án thì vẫn cho điểm như Đáp án - Hướng dẫn chấm. Điểm từng câu không làm tròn. Điểm bài thi bằng tổng điểm các câu, không làm tròn.

B. ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

Phần

Câu

Nội dung

Điểm

I

 

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

5,0

1

Chủ thể trữ tình – người mẹ mong muốn con:

- Gọi điện hỏi thăm mẹ, về nhà thăm mẹ.

- Thấu hiểu nỗi nhớ thương, mong ngóng, tình yêu thương con của mẹ.

- Biết trân trọng những phút giây còn mẹ.

- Cảm thông cho nỗi lo lắng con quên mất mẹ của mẹ.

- Hiểu được quy luật ở đời: còn mẹ là con còn nhỏ dại và được yêu thương. 

0,5

2

- Cặp từ trái nghĩa: “xuân” – “đông”, “buốt giá” – “nhộn nhịp”/“trào”.

- Tác dụng:

+ Gợi tả hiện thực: mùa đông lạnh lẽo, sự trống vắng của lòng người mẹ, ngôi nhà mẹ khi thiếu vắng bóng con; nhà con tưng bừng mùa xuân, đông vui, náo nhiệt.

+ Diễn tả nỗi nhớ thương da diết, nỗi mong ngóng đến khắc khoải và khát khao được con gọi điện hỏi thăm, về nhà thăm của mẹ, đồng thời gợi sự thương xót về người mẹ già nhớ con nơi xa. 

Lưu ý: Thí sinh xác định đúng một cặp từ trái nghĩa đạt 0.25 điểm. 

0,5

 

0,25

3

Thí sinh có thể trả lời dựa trên các định hướng sau:

- Trong cuộc sống, mẹ luôn là người yêu thương, chăm sóc, lo lắng cho con, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con nhưng chẳng mong con đền đáp, chỉ cần con biết quan tâm, nhớ thương mẹ, biết thấu hiểu tình cảm, cảm thông với nỗi lòng của mẹ.

- Trong cuộc sống, con cái chính là “tài sản” quý giá nhất đối với mẹ, bên cạnh những tình cảm tốt đẹp, mẹ còn luôn dõi theo, là nguồn động lực, tiếp thêm niềm tin cho con trong hành trình cuộc đời và chỉ cần còn mẹ, con luôn được yêu thương, chở che.

- Mỗi người con hãy biết quan tâm, yêu thương mẹ, trân trọng những phút giây còn mẹ bên cạnh; nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, chinh phục ước mơ, trở thành công tốt của xã hội; sống an nhiên, hạnh phúc;…

Lưu ý:

- Tuỳ theo suy nghĩ, cách hiểu riêng của thí sinh, giám khảo cho điểm; chú ý đánh giá cao những câu trả lời thể hiện quan điểm riêng, mới mẻ theo hướng tích cực, tiến bộ của thí sinh.    

- Câu trả lời của thí sinh mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp trừ 0.25 điểm

0,75

4

Thí sinh có thể trả lời dựa trên các định hướng sau: Bày tỏ tình cảm yêu thương, sự quan tâm, lo lắng với mẹ; hứa hẹn sẽ gọi điện hỏi thăm mẹ, về nhà thăm mẹ; giãi bày về hoàn cảnh và nỗi lòng của con với mẹ; cảm thông, thấu hiểu cho nỗi lòng của mẹ, những quy luật ở đời mà nhắn nhủ đến con;…

Lưu ý:

- Tuỳ theo suy nghĩ, cách hiểu riêng của thí sinh, giám khảo cho điểm; chú ý đánh giá cao những câu trả lời thể hiện quan điểm riêng, mới mẻ theo hướng tích cực, tiến bộ của thí sinh.    

- Câu trả lời của thí sinh không đảm bảo dung lượng trừ 0.25 điểm; mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp trừ 0.25 điểm.

1,0

5

Em hãy viết một đoạn văn (khoảng 500 chữ) phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ trên.

2,0

 

* Về hình thức, kỹ năng

- Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học.

- Triển khai được luận điểm/ ý kiến, có sử dụng lí lẽ, bằng chứng làm sáng tỏ luận điểm/ ý kiến.

- Viết một đoạn văn (không tách đoạn).

- Mở đoạn bằng chữ viết hoa và lùi vào đầu dòng; dùng dấu câu phù hợp để kết thúc đoạn văn.

- Đảm bảo dung lượng khoảng 500 chữ.

- Đoạn văn diễn đạt mạch lạc, có sử dụng phép liên kết câu.

- Đoạn văn đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Về nội dung

- Mở đoạn: Giới thiệu tên tác phẩm, thể loại, tên tác giả; khái quát những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

- Thân đoạn: Trình bày luận điểm/ ý kiến về những nét đặc sắc nghệ thuật, phân tích lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ các đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm. Thí sinh có thể triển khai từ hai trong các nội dung sau:

+ Sự lựa chọn thể thơ tám chữ với sự đa dạng về cách gieo vần, ngắt nhịp.

+ Sự triển khai mạch cảm xúc: Giãi bày nỗi trống vắng, nỗi nhớ thương, mong ngóng con gọi điện hỏi thăm, về nhà thăm của mẹ (khổ thơ 1, 2); mong muốn con cảm thông, thấu hiểu cho tình cảm, nỗi lòng của mẹ (khổ thơ 3, 4); nhắn nhủ đến con quy luật ở đời khi con còn mẹ (khổ thơ 5). Mạch cảm xúc góp phần thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ: Nỗi thương cảm về hoàn cảnh của người mẹ già nhớ con nơi xa.

+ Sự phối hợp của vần, nhịp, hình ảnh thơ, các biện pháp tu từ,…:

• Gieo vần chân, vần cách (“nào” – “trào”, “điều” – “nhiều”,…); vần lưng (“giá” – “nhà”, “đón” – “con”,…); ngắt nhịp đa dạng.

• Kết hợp dấu chấm lửng với biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc câu: “Về thăm nhé, mẹ luôn luôn mừng đón”, “Về thăm nhé, mẹ không cần quà cáp”, “Gọi cho mẹ, tuần một lần cũng được”, “Gọi cho mẹ, khi thu còn chưa hết”; thủ pháp đối lập, hình ảnh hàm súc, giàu sức gợi: “xuân trào? >< “đông buốt giá”.

• Ngôn ngữ giản dị, sâu lắng, thấm đẫm triết lí; đối thoại mẹ con dịu dàng, trìu mến, tha thiết.

• …

- Kết đoạn: Khẳng định lại luận điểm/ ý kiến về những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm; nêu suy nghĩ, cảm xúc hoặc bài học rút ra từ tác phẩm.

0,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,25

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,25

 

* Về sáng tạo

Đoạn văn có sự sáng tạo trong cách hành văn (triển khai được các ý tưởng mới mẻ; cách mở đoạn lôi cuốn, hấp dẫn; cách kết đoạn đặc sắc, ấn tượng;…).

Lưu ý:

- Trên đây chỉ là một số gợi ý cho nội dung đoạn văn, giám khảo cho điểm tuỳ theo nội dung đoạn văn thí sinh viết, chú ý ghi nhận, đánh giá cao những bài làm có sự sáng tạo, hướng đến những giá trị tích cực của vấn đề.

- Thí sinh viết đoạn văn lạc đề đạt tối đa 1.0 điểm.

0,25

II

 

Qua nội dung bài viết của tác giả Bảo Ngọc, em có suy nghĩ gì về nhan đề Có một ngày bố mẹ sẽ già đi? Từ đó hãy viết một bài văn nghị luận với nhan đề: Trưởng thành của con là sự già đi của cha mẹ.

5,0

 

* Về hình thức, kỹ năng

- Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận: mở bài giới thiệu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài kết luận được vấn đề.

- Triển khai được luận điểm/ ý kiến, có sử dụng lí lẽ, bằng chứng làm sáng tỏ luận điểm/ ý kiến.

- Bài văn có sự tách đoạn phân biệt giữa các phần mở bài, thân bài, kết bài.

- Mở đầu mỗi đoạn văn bằng chữ viết hoa và lùi vào đầu dòng; dùng dấu câu phù hợp để kết thúc đoạn văn.

- Bài văn có dung lượng các phần mở bài, thân bài, kết bài cân đối.

- Bài văn diễn đạt mạch lạc, có sử dụng phép liên kết câu văn, đoạn văn.

- Bài văn đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2,0

* Về nội dung

- Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Thí sinh có thể dựa trên định hướng sau:

+ Lí giải nhan đề bài viết: Có một ngày bố mẹ sẽ già đi.

+ Liên hệ đến hành trình trưởng thành của con cái và sự già đi của cha mẹ để giới thiệu vấn đề nghị luận, từ đó khẳng định trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ.

- Thân bài:

+ Giải thích vấn đề nghị luận, từ đó khẳng định để con cái trưởng thành, cha mẹ đã hi sinh nhiều thứ, để rồi, thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của con cũng là lúc cha mẹ đã già đi. Cha mẹ chính là nhà đầu tư “vĩ đại” nhất của con.

+ Triển khai luận điểm/ ý kiến, lí lẽ, bằng chứng: Thí sinh có thể triển khai theo định hướng sau: Hành trình trưởng thành của con – sự hi sinh của cha mẹ: Cha mẹ – người đồng hành thầm lặng của con trên hành trình khôn lớn.

 • Cha mẹ đã dành cả cuộc đời của mình để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con cái: Những năm đầu của cuộc đời, cha mẹ chào đón con đến với thế giới bằng tất cả sự dịu dàng, tình yêu thương và che chở, để con nhìn thấy thế giới này bằng ánh mắt ngây thơ, trong sáng. Sau này, cha mẹ vẫn đồng hành cùng con theo một cách khác, thầm lặng hơn, sâu sắc hơn. Hành trình trưởng thành của con dù dài rộng hay khó khăn bao nhiêu vẫn có cha mẹ gần kề.

• Cha mẹ đã hi sinh tất cả mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần, để con cái có thể được học hành, được phát triển bản thân, được sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc.

• Cha mẹ luôn yêu thương, quan tâm, bảo vệ để con cái có thể lớn lên trong vòng tay yêu thương, vững vàng vượt qua những khó khăn, thử thách, có một nền tảng tinh thần vững chắc trong cuộc sống.

• Cha mẹ gác lại đam mê của mình để nuôi dưỡng, chắp cánh cho ước mơ của con.

• Phê phán: Những người con bướng bỉnh, không vâng lời cha mẹ, làm những việc khiến cha mẹ phiền lòng; nhẫn tâm bỏ rơi, đối xử lạnh lùng, nhẫn tâm hành hạ cha mẹ;… Những bậc cha mẹ bênh con mù quáng; áp đặt con cái theo ý muốn của mình;…

- Kết bài:

+ Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

+ Nêu bài học nhận thức và hành động.

 

0,5

 

 

 

 

 

1,5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

* Về sáng tạo

Bài văn có sự sáng tạo trong cách hành văn; triển khai được các ý tưởng mới mẻ; có cách mở bài lôi cuốn, hấp dẫn; có cách kết bài đặc sắc, ấn tượng;…

Lưu ý:

- Trên đây chỉ là một số gợi ý cho nội dung bài văn, giám khảo cho điểm tuỳ theo nội dung bài văn thí sinh viết, chú ý ghi nhận, đánh giá cao những bài làm có sự sáng tạo, hướng đến những giá trị tích cực của vấn đề.

- Thí sinh viết bài văn lạc đề đạt tối đa 2.5 điểm. 

0,5

 

Tổng điểm

10,0

------------------- HẾT -------------------

Xem thêm đề minh họa Ngữ Văn vào lớp 10 năm 2025 các tỉnh khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án chi tiết của chúng tôi được biên soạn bám sát cấu trúc đề thi vào 10 môn Văn của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên