(Ôn thi Văn vào lớp 10 phần Tiếng Việt) Ôn tập về câu

Ôn thi Văn vào lớp 10 phần Tiếng Việt: Ôn tập về câu trong bộ Chuyên đề ôn thi Văn vào lớp 10 năm 2025 đầy đủ lý thuyết và bài tập đa dạng có lời giải chi tiết giúp học sinh có thêm tài liệu ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn.

(Ôn thi Văn vào lớp 10 phần Tiếng Việt) Ôn tập về câu

- Bộ đề ôn thi vào 10 môn Văn năm 2025 có lời giải chi tiết:

Xem thử Bộ đề thi vào 10 Văn 2025 Xem thử Đề thi thử vào 10 Văn 2025 Xem thử

- Bộ đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng gồm 8 đề thi CHÍNH THỨC từ năm 2015 → 2024 có lời giải chi tiết giúp Giáo viên có thêm tài liệu ôn thi Văn vào 10 Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng:

Xem thử Đề vào 10 Văn Hà Nội Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM Xem thử Đề vào 10 Văn Đà Nẵng

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề ôn thi vào 10 môn Văn năm 2025 theo cấu trúc mới bản word có lời giải chi tiết:

Quảng cáo

1. CÁC THÀNH PHẦN CỦA CÂU

1.1. Các thành phần chính của câu và mở rộng thành phần chính của câu

- Thành phần chính của câu: chủ ngữ và vị ngữ.

- Các thành phần chính của câu đều có thể mở rộng bằng cụm từ (cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ) hoặc cụm chủ ngữ – vị ngữ.

1.2. Trạng ngữ của câu

- Là thành phần phụ của câu, dùng để xác định thời gian, nơi chốn, nguyên nhân, mục đích, phương tiện, cách thức diễn ra sự việc được nói đến trong câu. Trạng ngữ có thể đứng ở đầu câu, cuối câu hay giữa câu.

- Trạng ngữ có tác dụng làm cho nội dung của câu được đầy đủ, chính xác hoặc nối kết các câu, các đoạn với nhau khiến cho việc diễn đạt thêm mạch lạc.

- Ví dụ: Từ bấy tới nay, thời gian trôi qua và triền nước trôi đi, tôi đã có tuổi và con gái tôi đã thành một thiếu nữ.

(Bảo Ninh, Bí ẩn của làn nước)

1.3. Các thành phần biệt lập của câu

a. Thành phần tình thái

- Thành phần tình thái được dùng để thể hiện thái độ, cách đánh giá của người nói (người viết) đối với sự việc được nói đến trong câu; được thể hiện bằng các từ ngữ tình thái (có lẽ, hình như, dường như, chắc chắn,...).

- Ví dụ: Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

b. Thành phần cảm thán

- Thành phần cảm thán được dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của người nói (người viết) (vui, buồn, mừng, giận,...).

- Ví dụ:

Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)

c. Thành phần chêm xen (phụ chú)

- Thành phần chêm xen (phụ chú) được dùng để bổ sung thông tin, làm rõ thêm một đối tượng nào đó trong câu.

- Thành phần chêm xen thường được đặt giữa hai dấu gạch ngang, hai dấu phẩy, trong dấu ngoặc đơn hoặc giữa một dấu gạch ngang với một dấu phẩy. Có khi, thành phần chêm xen còn được đặt sau dấu hai chấm.

- Ví dụ: Anh con trai, rất tự nhiên như với một người bạn đã quen thân, trao bó hoa cho người con gái, và cũng rất tự nhiên, cô đỡ lấy.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

d. Thành phần gọi – đáp

- Thành phần gọi – đáp được dùng để tạo lập hoặc duy trì quan hệ giao tiếp; được thể hiện bằng các từ ngữ gọi – đáp (ơi, dạ, thưa, vâng,...).

- Ví dụ:

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang,

Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

(Ca dao)

2. CÂU PHÂN LOẠI THEO MỤC ĐÍCH NÓI, CÂU PHỦ ĐỊNH VÀ CÂU KHẲNG ĐỊNH

2.1. Câu phân loại theo mục đích nói

a. Câu kể (trần thuật)

- Là kiểu câu phổ biến nhất, chủ yếu dùng để kể, miêu tả, thông báo,...

- Khi viết, câu kể thường kết thúc bằng dấu chấm.

- Ví dụ: Tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì. Và không hiểu vì sao tôi không thể thân với Mèo như trước kia được nữa.

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

b. Câu hỏi (nghi vấn)

- Là kiểu câu chủ yếu dùng để hỏi, thường chứa các từ nghi vấn (bao giờ, bao nhiêu, nào, sao, gì, ai,...).

- Khi viết, câu hỏi thường kết thúc bằng dấu chấm hỏi.

- Ví dụ: Nương tử dù không nghĩ đến, nhưng tiên nhân còn mong đợi nương tử thì sao?

(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương)

c. Câu cảm (cảm thán)

- Là kiểu câu chủ yếu dùng để bộc lộ cảm xúc; thường có từ ngữ cảm thán (ôi, chao ôi, than ôi, trời ơi, biết bao,...).

- Khi viết, câu cảm thán thường kết thúc bằng dấu chấm than.

- Ví dụ: Chao ôi, vừa kịp khóc chào đời đã trải một cơn kinh hoàng hú vía.

(Bảo Ninh, Bí ẩn của làn nước)

d. Câu khiến (cầu khiến)

- Là kiểu câu chủ yếu dùng để yêu cầu, đề nghị, khích lệ; thường chứa các từ cầu khiến (hãy, đừng, xin, chớ,...).

- Khi viết, câu cầu khiến thường kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm.

- Ví dụ: Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão.

(Nam Cao, Lão Hạc)

2.2. Câu phủ định và câu khẳng định

a. Câu phủ định

- Là câu xác nhận không có sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó hoặc phản bác một ý kiến, một nhận định.

- Câu phủ định có chứa các từ ngữ phủ định (không, chẳng, đâu phải, không phải, đâu có, chẳng phải,...).

- Ví dụ: Sách sinh ra không phải để được trưng bày, khoe của hay làm dáng. Sách cũng không nên trở thành một cổ vật rêu phong.

(Huỳnh Như Phương, Hãy cầm lấy và đọc)

b. Câu khẳng định

- Là câu xác nhận sự tồn tại của sự vật, sự việc, hiện tượng nào đó.

- Câu khẳng định không chứa các phương tiện thể hiện sự phủ định.

- Ví dụ: Mỗi lần hái được rau khúc về, bà tôi lấy nước mưa trong bể rửa sạch rau khúc và để cho thật ráo nước mới cho vào cối giã.

(Nguyễn Quang Thiều, Tôi khóc những cánh đồng rau khúc)

Ngoài chức năng chính, trong thực tế giao tiếp, mỗi kiểu câu có thể được sử dụng với mục đích khác. Ví dụ: câu hỏi, câu kể có thể dùng để bộc lộ cảm xúc, thái độ; câu kể có thể dùng với mục đích cầu khiến hoặc hỏi,...

3. CÂU PHÂN LOẠI THEO CẤU TẠO NGỮ PHÁP

3.1. Câu đơn và câu ghép

a. Câu đơn

- Câu đơn là câu được cấu tạo bằng một cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt.

- Ví dụ:

+ Anh Sáu cứ vẫn ngồi im.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

+ Lúc đến nhà, Phan đem chuyện kể lại với họ Trương.

(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương)

b. Câu ghép

- Là những câu do hai hoặc nhiều cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt tạo thành. Mỗi cụm chủ ngữ – vị ngữ này được gọi là một vế câu; các vế câu có quan hệ chặt chẽ về mặt ý nghĩa.

- Căn cứ vào quan hệ giữa các vế câu, có thể chia câu ghép thành hai loại: câu ghép đẳng lập và câu ghép chính phụ:

+ Câu ghép đẳng lập là câu ghép mà các vế câu có quan hệ bình đẳng, ngang bằng với nhau.

Ví dụ: Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt.

(Nguyên Hồng, Trong lòng mẹ)

+ Câu ghép chính phụ là câu ghép mà các vế câu có mối quan hệ chính – phụ.

Ví dụ:

Còn nhà hoạ sĩ và cô gái cũng nín bặt, vì cảnh trước mặt bỗng hiện lên đẹp một cách kì lạ.

(Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa)

Mặc dù nó vẽ bằng những nét to tướng, nhưng ngay cả cái bát múc cám lợn sứt một miếng, cũng trở nên ngộ nghĩnh.

(Tạ Duy Anh, Bức tranh của em gái tôi)

Mối quan hệ giữa các vế của câu ghép chính phụ có thể là quan hệ nguyên nhân – kết quả; quan hệ điều kiện, giả thiết – hệ quả;...

3.2. Câu rút gọn và câu đặc biệt

a. Câu rút gọn

- Là câu có thành phần (thường là thành phần chính) bị tỉnh lược (có thể khôi phục được), thường có giá trị tu từ.

- Ví dụ: Chúng tôi có ba người. Ba cô gái.

(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi)

Câu văn “Ba cô gái.” được rút gọn có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm của đối tượng được giới thiệu ở câu trước (chúng tôi, ba người); đồng thời, thể hiện niềm tự hào của nhân vật Phương Định khi kể về tổ trinh sát mặt đường (những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong dũng cảm, kiên cường).

b. Câu đặc biệt

- Là loại câu được cấu tạo bởi một từ hoặc cụm từ; nhằm mục đích gọi – đáp, nhấn mạnh sự tồn tại của sự vật, hiện tượng hoặc bộc lộ cảm xúc,... Loại câu này thường có giá trị tu từ.

- Ví dụ: Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)

Câu đặc biệt “Cây tre Việt Nam!” vừa có tác dụng khái quát, nhấn mạnh hình ảnh cây tre; vừa thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, ngưỡng mộ của tác giả đối với loài cây là hiện thân cho vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam.

4. MỘT SỐ LỖI VỀ CÂU VÀ CÁCH CHỮA

4.1. Một số lỗi về câu thường gặp

a. Câu sai do thiếu chủ ngữ

Ví dụ: Trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã thể hiện cảm hứng nhân đạo lớn lao, sâu sắc.

b. Câu sai do thiếu vị ngữ

Ví dụ: “Tuyên ngôn Độc lập”, văn bản chính luận vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có giá trị văn học to lớn.

c. Câu sai do thiếu cụm chủ ngữ – vị ngữ nòng cốt

Ví dụ: Vào thế kỉ XVIII, khi xã hội phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.

4.2. Cách chữa câu sai

- Phân tích cấu trúc ngữ pháp để xác định lỗi.

- Khi chữa câu sai, cần chọn cách ngắn gọn, đơn giản nhất để làm xuất hiện các thành phần câu bị thiếu, không nên thêm bớt quá nhiều từ ngữ và không làm ảnh hưởng đến nội dung của câu.

- Ví dụ: Các câu sai ở mục 4.1 có thể được chữa lại như sau:

+ Bỏ từ của và thêm dấu phẩy để tạo chủ ngữ cho câu ở trường hợp a: Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện cảm hứng nhân đạo lớn lao, sâu sắc.

+ Thay dấu phẩy bằng từ để tạo vị ngữ cho câu ở trường hợp b: “Tuyên ngôn Độc lập” là văn bản chính luận vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có giá trị văn học to lớn.

+ Bỏ từ khi để tạo cụm chủ ngữ – vị ngữ cho câu ở trường hợp c: Vào thế kỉ XVIII, xã hội phong kiến Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng trầm trọng.

Xem thử Bộ đề thi vào 10 Văn 2025 Xem thử Đề thi thử vào 10 Văn 2025 Xem thử Xem thử Đề vào 10 Văn Hà Nội Xem thử Đề vào 10 Văn Tp.HCM Xem thử Đề vào 10 Văn Đà Nẵng

Xem thêm các chuyên đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn năm 2025 có đáp án hay khác:

Để học tốt lớp 10 các môn học sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Bộ đề ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ văn có đáp án chi tiết của chúng tôi được biên soạn bám sát cấu trúc đề thi vào 10 môn Văn của các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học