Phóng sự là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Phóng sự là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Phóng sự.

Phóng sự là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm

- Phóng sự là một thể loại thuộc loại hình kí phản ánh những sự việc, câu chuyện mang tính thời sự và có ý nghĩa quan trọng nhất định đối với một cộng đồng xã hội, thể hiện thái độ rõ ràng của người viết đối với những sự việc đó.

2. Đặc điểm

- Phóng sự cung cấp cho người đọc cái nhìn chân thực về một sự việc, hiện tượng, thường là đặc biệt, có ý nghĩa thời sự, diễn ra trong đời sống xã hội đương thời.

- Phóng sự thể hiện tính chiến đấu cao khi dùng sự thật để phản bác những nhận thực còn sai lệch và khẳng định điều tốt đẹp trong đời sống, tác động tích cực đén nhận thức của người đọc. Tính chân thực về thời gian, địa điểm, sự kiện, con người và chi tiết là những đặc điểm cốt lõi của một bài phóng sự.

- Để đảm bảo sự xác thực và độ tin cậy của thông tin, người viết phóng sự thường dùng những biện pháp nghiệp vụ báo chí như điều tra, phỏng vấn, ghi chép tại chỗ,… Với phóng sự, ngoài các tư liệu thực tế xác thực, tác giả còn có thể sử dụng các thủ pháp hư cấu ở một mức độ nhất định nhằm làm cho câu chuyện và các sự kiện được kể trở nên hấp dẫn hơn. Do vậy, bên cạnh việc đáp ứng những yêu cầu về mặt thông tin, nhiều phóng sự còn thể hiện tính thẩm mĩ, mang dấu ấn phong cách cá nhân người viết trong việc mô tả sự việc, hiện tượng; sử dụng nghệ thuật trần thuật, biện pháp tu từ, ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc,..

Quảng cáo

3. Ví dụ một số tác phẩm phóng sự

- Khúc tráng ca nhà giàn (Xuân Ba)

- Cạm bẫy người, Kĩ nghệ lấy Tây, Cơm thầy, cơm cô,… (Vũ Trọng Phụng)

- Việc làng,… (Ngô Tất Tố)

- …

4. Cách đọc hiểu một văn bản phóng sự

- Khi đọc hiểu văn bản phóng sự, các em cần chú ý :

+ Văn bản viết về vấn đề gì ?

+ Những thông tin xác thực được điều tra, ghi chép,...của văn bản nhằm mục đích gì?

+ Chi tiết nào của văn bản gây ấn tượng với em ? Vì sao ?

+ Sự kết hợp thủ pháp miêu tả với trần thuật của văn bản có tác dụng gì ?

+ Vấn đề tác giả nêu trong văn bản có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội và bản thân em?

Quảng cáo

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại phóng sự.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Phóng sự là một thể loại thuộc loại hình nào?

A. Thơ ca

B. Kịch

C. Kí

D. Tiểu thuyết

Đáp án: C

Câu 2: Phóng sự là gì?

A. Là một bản tin có thời gian, địa điểm và sự kiện nhưng được miêu tả, tường thuật chi tiết bằng hình ảnh cụ thể, hấp dẫn, câu văn biểu cảm, từ ngữ sinh động, gây được hứng thú.

B. Là một thể loại của văn bản báo chí nhằm thông tin một cách chân thực, kịp thời những sự kiện thời sự có ý nghĩa trong cuộc sống.

C. Là một thể loại của văn học trung đại, tuân theo những quy tắc hành văn nhất định.

Đáp án: A

Quảng cáo

Câu 3: Đặc điểm nào sau đây không phải của thể loại phóng sự?

A. Phản ánh sự kiện có thật

B. Sử dụng nhiều yếu tố hư cấu

C. Có tính thời sự cao

D. Thể hiện quan điểm của tác giả

Đáp án: B

Câu 4. Phương pháp nào thường được sử dụng trong phóng sự để thu thập thông tin?

A. Phỏng vấn

B. Quan sát thực tế

C. Nghiên cứu tài liệu

D. Tất cả các phương án trên

Đáp án: D

Câu 5: Phóng sự khác với tin tức ở điểm nào?

A. Phóng sự cung cấp thông tin ngắn gọn, súc tích

B. Phóng sự đi sâu vào chi tiết, bối cảnh và nguyên nhân của sự kiện

C. Phóng sự không cần thiết phải chính xác

D. Phóng sự chỉ tập trung vào một khía cạnh nhỏ của sự kiện

Đáp án: B

Câu 6: Phóng sự yêu cầu tính chính xác ở mức độ nào?

A. Cao, vì phản ánh sự thật cuộc sống

B. Thấp, vì có thể hư cấu

C. Trung bình, có thể thêm thắt chi tiết

D. Không quan trọng, miễn là hấp dẫn

Đáp án: A

Câu 7.  Phóng sự thường sử dụng những biện pháp nào để cung cấp thông tin cho người đọc?

A. Điều tra, đối thoại, ghi chép

B. Sáng tác hư cấu, tưởng tượng

C. Phỏng vấn nhân vật hư cấu

D. Sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ biểu cảm

Đáp án: A

Câu 8: Phóng sự và nhật kí giống nhau ở điểm nào?

A. Đều là thể loại văn học hư cấu

B. Đều phản ánh sự thật đời sống một cách sinh động và chi tiết

C. Đều không cần tính chân thực

D. Đều được viết dưới dạng thơ

Đáp án: B

Câu 9: Phóng sự thường xuất hiện ở đâu?

A. Trên báo chí

B. Trong tiểu thuyết

C. Trong sách giáo khoa

D. Trên biển quảng cáo

Đáp án: A

Câu 10: Mục đích chính của phóng sự là gì?

A. Giải trí

B. Cung cấp thông tin chi tiết và phân tích sâu về một sự kiện hoặc vấn đề

C. Kể chuyện hư cấu

D. Trình bày quan điểm cá nhân mà không cần bằng chứng

Đáp án: B

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc văn bản sau:

MỘT ĐÁM VÀO NGÔI

(Việc làng, Ngô Tất Tố)

Nhà bác Cả Mão mọi ngày thường im phăng phắc, hôm nay bỗng nhiên linh đình như đám giỗ nhỏ. Dưới cầu ao, hai người đàn ông lực lưỡng đang châu đầu trên chiếc rổ thưa, tỉ mỉ nhổ từng sợi lông tơ cho một con gà trong rổ. Trên bờ con chó xóm bị trói bốn chân, nhe răng nằm trên vũng máu lênh láng. Cạnh nó, một nồi nước sôi khói bốc nghi ngút và bốn năm người, cũng hạng đàn ông lực lưỡng, kẻ cầm gáo múc nước, người cầm dao sắp sửa cạo lông. Từ cổng đến thềm, tập nập những người đi lại. Tôi mới nhô vào đến sân, bác Cả lật đật chạy ra đón lên nhà trên với một bộ điệu vui vẻ. Ở gian bên kia, độ bảy tám ông ngôn ngang nằm vây một chiếc khay đèn thuốc phiện. Với những cặp môi thâm xịt và dài vều, và những chiếc quần cháo lòng, áo ba-đờ-xúa rách lòi khố tải, các ông ấy như muốn bảo cho tôi biết đây toàn là hạng kì dịch kiêm tín đồ của đức chúa Phù dung. Dãy phản bên này, hai bàn tổ tôm kế nhau. Bàn trong vang những tiếng ăn, tiếng phỗng, bàn ngoài đương ỏm tỏi cãi nhau về sự đánh thấp đánh cao. Chủ nhân lễ phép mời tôi vào ngôi trong chiếc tràng kỉ kê ở gian giữa, đối mặt với toà bàn thờ hương khói vắng tanh. Mấy ông trong bàn tổ tôm thi nhau nhìn tôi bằng nửa con mắt trong nghiêng giữa khi vài ông ở bàn thuốc phiện lần lượt ngóc cổ như đàn rắn lửa. Rồi thì ai nấy lại cùng theo đuổi công việc của họ, người hút cứ hút, người đánh bài cử đánh bài.

- Ông có lòng đến đây mừng cho nhà cháu, thật là quý hoá! Xin mời ông xơi tạm chén nước.

Bác Cả Mão đương một tay gãi tai, một tay bưng chén chè nụ đặt trước mặt tôi, bên bàn tổ tôm bỗng có tiếng gọi:

- Anh Cả đâu! Cho mượn hai đồng đánh thêm hội nữa. Đen quá, cả hội chẳng ù ván nào!

Bằng một tiếng vâng đầy giọng thành tâm, bác Cả Mão nhanh nhẩu chạy xuống nhà dưới, để tôi ngồi đó với bác Hai Thìn, một người em ruột bác ấy. Thơ thần chưa biết nên nói chuyện gì, tôi có dịp nghĩ đến cái câu của bác Cả Mão mới nói. Với bác, tôi chỉ là người trọ học ở nhà láng giềng. Vì năng gặp bác, thành ra quen biết. Hôm nay là ngày “vào ngôi” cho thằng con bác mới đẻ được ba tháng nay, bác vẫn mến tôi nên cố mời tôi sang chơi. Ở làng khác, vào ngôi chỉ là một lệ rất thường, người ta phí tổn độ vài ba chục, hay vài ba trăm quả cau là xong. Sao trong đám này lại có cỗ bàn linh đình, và sao ở trước mặt khách, ông chủ lại nói đến câu “mừng cho nhà cháu”?

Hay là riêng với làng này, vào ngôi là một việc hỉ? Nếu vậy, có lẽ mình phải mất một món tiền mừng. Óc tôi còn đương vẩn vơ, bác Cả Mão đã ở nhà dưới chạy lên. Cung kính trao hai đồng bạc cho một ông trong bàn tổ tôm, bác ấy tung tăng ra sân, khiến tôi không kịp nói chuyện. Dưới bếp, có tiếng dao thớt kí cốc, mùi xôi ngào ngạt đưa lên nhà trên. Một ông trong đám thuốc phiện dõng dạc cất cái giọng khàn khàn

- Anh Cả đâu! Lên đây tôi bảo!

Một tiếng dạ lớn, bác Cả Mão từ sân vào thềm, rồi khoanh tay đứng tựa vào cột:

- Bẩm cụ dạy gì con ạ?

- Trưa lắm rồi đấy! Liệu mà giục bảo chúng nó sắp đồ lễ mau lên! Rồi anh phải thân hành đến mời cụ Điền lại chơi, kẻo cụ lại ăn cơm nhà

Lại một tiếng “dạ” rất lễ phép, bác Cả rón rén lui ra. Tiện dịp, tôi bảo bác ngồi xuống chỗ tôi ngồi và móc ví lấy một đồng bạc mừng bác. Nhưng bác khăng khăng từ chối, nói rằng việc này không có lệ mừng. Ngoài thềm có tiếng lẻng kẻng. Một người xách chiếc mâm đồng sáng choang đặt lên cái bàn ở trước mặt tôi. Rồi một người khác để luôn thúng xôi vào đó. Bác Cả Mão núc hai bàn tay như thầy phù thuỷ bắt quyết và nói với tôi:

- Bên này chật quá, mời ông sang nhà chú cháu. Ông nhạc tôi cũng ở bên ấy. May quá, tôi đang muốn tránh cái bầu không khí khó chịu.

Nghe lời chủ nhân, tôi liền theo bác Hai Thìn đi luôn. Nhà này cũng thấy lố nhố những người, nhưng toàn là người tôi quen. Qua một tuần trà, bác Hai Thìn nhìn tôi và nói bằng giọng sung sướng:

- Anh tôi lo công việc này cho cháu tất cả cũng hết đến trăm rưỡi bạc. Ấy là chúng tôi khôn khéo, xoay xở thì việc mới xong, người khác ở vào địa vị chúng tôi, dù có mấy trăm, vị tất đã lo nổi!

Câu nói của bác khiến tôi hết sức ngạc nhiên:

- Sao nhà các ông hoang quá như vậy? Tôi thấy người ta “vào ngôi” cho con chỉ tốn độ vài đồng bạc là cùng!

Bác Hai xua tay và nói bằng giọng thì thầm:

- Nào có phải hoang! Ông tính ở đời ai muốn mất tiền! Đó là sự bất đắc dĩ. Nói giấu gì ông, nhà tôi không phải gốc gác ở làng này. Ông thân chúng tôi ở vùng Nam lên đây sinh cơ lập nghiệp, rồi mới đẻ ra anh tôi và tôi. Thế là tới ở làng này, nhà tôi mới ở có hai đời. Theo lệ nhà quê, những người ngụ cư ba đời mới được “thành tổ”. Nghĩa là được ngang hàng với mọi người khác. Làng này lại ngặt hơn nữa, từ xưa đến giờ họ không cho một người ngoài nào nhập bạ. Vì thế, anh tôi và tôi cũng như ông thân chúng tôi, đều không có ngôi ở đình. Chắc ông cũng biết ở làng mà không có ngôi, thật là một sự nhục nhã.

- Người ta không nhận thì càng khỏi mất. Việc gì mà cực!

Tôi mỉm cười và đáp một câu khôi hài như vậy. Bác Hai vẫn nói một cách thật thà:

– Thế được còn nói gì nữa! Anh em chúng tôi, trời cho trong nhà cũng đủ bát ăn, mỗi người cũng có được con trâu cày và dăm mẫu ruộng. Thế mà không thể nộp được lệ làng cho cha và mẹ, tức là tiếng xấu để đời... Mỗi khi nghĩ lại những nông nỗi ấy, anh tôi và tôi tức chết người đi được. Trước đây, chúng tôi đã cố luồn lọt mấy ông đàn anh, để xin nhập bạ, nhưng mà bấy giờ hãy còn cụ Bá, cụ ấy nghiệt lắm, nhất định bảo nhà tôi đến ở làng này chưa được ba đời, không thể nhận lời. Chúng tôi đành phải cắn răng mà chịu. Bởi vậy lần này anh tôi sinh được mụn cháu, lại may gặp lúc cụ Bá đã mất, chúng tôi phải cố vào ngôi cho nó.

- Nhưng mà các ông tiêu những món gì mà hết đến hơn trăm bạc

Bác Hai càng hạ giọng xuống, sau khi liếc mắt ngó qua những người chung quanh:

- Ông bảo những công việc ấy, nói bằng miệng không được ư? Phải mất tiền cả đấy! Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, cụ lí trưởng mười lăm đồng, ông phó lí và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, thư kí, trưởng bạ, mỗi người mươi đồng, hương trưởng, lí cựu, tộc biểu, trương tuần mỗi người năm đồng. Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ chiều hôm qua đến giờ...

- Nếu đã mất tiền cho họ thì thôi bữa ăn uống được không? Bày vẽ làm gì cho tốn

Bác Hai lắc đầu:

- Không được ông ạ! Ở chốn thôn quê, ăn uống là sự đầu tiên, hễ không có ăn thì việc không thành. Lúc trước, anh tôi cũng nghĩ như ông, đã định chước sự ăn uống vì đã rắc tiền khắp mặt chức dịch. Nhưng ông chánh hội không nghe. Ông ấy nói rằng thế nào cũng phải đấm miệng cho các bô lão, và bọn trai đinh bò bướu một bữa. Nếu không họ sẽ phá ngang, tất nhiên sẽ có cản trở.

Bác Hai ngừng lại một lát chờ cho một người ấy đi qua, rồi tiếp:

- Một bữa ăn này, ít ra anh tôi cũng phải tiêu đến năm, sáu chục đồng. Vì kiêng tiếng làm thịt lợn, sợ rằng làng nước cho là hứng mỡ, nên mới đi chợ mua thịt. Sự thực, mua thịt lại quá giết lợn. Sáng ngày đi lấy vừa lòng lợn vừa thịt lợn tất cả mười một đồng bạc, đáng lẽ cũng đủ chan chát, nhưng cụ chưởng lễ thích ăn thịt cầy, nên ông lí trưởng bắt phải giết thêm con cầy. Chẳng nhẽ mời dẫn mời làng ăn uống trong nhà, ngoài đình lại khổng có gì. Bởi thế chúng tôi phải sửa cỗ xôi, con gà để ra lễ thờ.

Bấy nhiêu món hết ngót hai chục rồi. Còn tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đốn họ đánh tổ tôm. Ông đã biết rõ, mọi khi làng tôi có ai dám đánh “góp một”? Lớn lắm chỉ “góp năm hào”. Hôm nay vì tiền nhà chủ bỏ ra, được thì ăn, thua không phải trả, nên họ hò nhau đánh góp hai đồng. Rồi đấy ông xem, đến lúc đứng dậy, ai cũng thu hết, anh tôi đưa ra bao nhiêu mất hút bấy nhiêu, chẳng lấy lại được đồng nào hết... Lúc nãy tôi nói trăm rưỡi, còn là hà tiện, xong việc có lẽ hết hơn, chứ bấy nhiêu tiền không thể nào đủ.

Bác Hai còn muốn nói nữa. Bên nhà bác Cả chợt nghe có tiếng ầm ầm, bác ấy lật đật xin lỗi đứng dậy:

- Mời ông ngồi chơi với các cụ tôi. Tôi phải chạy sang bên kia. Làng đã vào rồi! Tiếng ầm ầm bên nhà bác Cả mỗi lúc một to, trước còn cười nói, sau đến quát tháo, cuối cùng thì đến những tiếng mách tục mách qué. Lâu lâu cuộc xô xát lại dữ dội thêm, bác Hai Thìn hốt hoảng chạy về, vừa thở vừa nói:

- Khổ quá, mấy ông bô lão lại còn bẻ vành bẻ vẻ, nhất định nói rằng: hương ước không có chỗ nào nói cho người ngoài vào ngôi. Cụ Điền hết sức dàn xếp không được. Ông chánh hội và ông lí trưởng bảo anh tôi phải chồng hai chục đồng bạc – tiền  ngay cốc cốc – để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên. Thôi thế cũng còn là may.

Cuộc ăn uống kéo dài mãi đến gần tối, nhưng không xảy ra sự gì nữa. Cách ba bữa sau, bác Cả Mão sang nhà tôi trọ, dạm bán cho ông chủ nhà một mẫu hai ruộng, lấy trăm đồng bạc để trang công nợ. Vui vẻ bác khoe với tôi:

- Tất cả, tôi lo hết gần hai trăm. Của nhà có non một trăm, còn thì đều phải đi vay. Nhưng tôi cũng lấy làm hả. Từ nay trở đi, cháu đã có ngôi đình, chúng tôi sẽ được ăn miếng thịt phần việc làng của nó....

 (Ngô Tất Tố, Tuyển tập. NXB Văn học 2016)

* Ngô Tất Tố (1893 – 1954) là một nhà văn, nhà báo, nhà nho học, dịch giả và nhà nghiên cứu có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam giai đoạn trước 1954. Ngô Tất Tố viết nhiều thể loại báo chí, trong đó tiểu phẩm và phóng sự là hai thể loại đã giúp ông thành danh. Di sản báo chí của Ngô Tất Tố trở thành những tư liệu phong phú, chi tiết, phản ánh toán diện và trung thực xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX, tiêu biểu là tiểu thuyết Tắt đèn, Lều chõng và phóng sự Việc làng.

Câu hỏi

1. Nhan đề Một đám vào ngôi của văn bản có thể gợi lên những suy luận, phán đoán gì về những khía cạnh nào của bài phóng sự?

2. Liệt kê các sự việc chính theo trình tự được thuật lại trong văn bản. Từ đó nhận xét về nghệ thuật viết phóng sự của tác giả (sử dụng ngôi kể, điểm nhìn, thủ pháp miêu tả, trần thuật, cách sắp xếp sự kiện chi tiết, ngôn ngữ,..) trong việc thể hiện chủ đề, tư tưởng, thông điệp của văn bản.

3. Qua văn bản Một đám vào ngôi, tác giả đã nêu vấn đề gì? Thái độ của tác giả trước vấn đề đó như thế nào?

4. Tính khách quan, xác thực của thông tin thể hiện qua những yếu tố nào? Điều đó cho độc giả hiểu thêm gì về tác giả?

Đáp án:

1: 

- Gợi nội dung phản ánh về một tục lệ/hủ tục ở nông thôn Việt Nam.

- Gợi suy luận về vấn đề (đặt ra trong tác phẩm), thái độ tác giả đối với vấn đề đó

- Vấn đề: hủ tục ở nông thôn nặng nề, gây tốn kém, nhũng nhiễu đời sống dân nghèo.

+ Thái độ của tác giả: lên án, phê phán...

2: 

- Văn bản Một đám vào ngôi với các sự việc chính:

+ Chuẩn bị cỗ.

+ Các đám đánh bạc, hút thuốc phiện.

+ Không chấp nhận việc vào ngôi, chủ nhà phải nộp thêm 20 đồng.

+ Việc chi tiêu và việc vay tiền chi trả.

- Nghệ thuật viết phóng sự của tác giả:

+ Sử dụng ngôi kể thứ nhất và kết hợp điểm nhìn bên trong, bên ngoài.

+ Kết hợp miêu tả, trần thuật, bình luận rất hiệu quả.

+ Sắp xếp sự kiện, chi tiết hợp lý (đảo trình tự thời gian việc: không được vào ngôi khi cụ Bá còn sống; gốc 2 đời nhà bác Cả Mão xuống dưới để lý giải việc nhà bác Cả Mão tưng bừng đón đám vào ngôi).

→ Tất cả các yếu tố trên đã kết nối các sự việc làm nổi bật chủ đề: Một đám vào ngôi – hủ tục ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945; thể hiện tư tưởng tiến bộ, cấp tiến của tác giả: lên án hủ tục khiến đời sống nông dân ngày càng nghèo khó hơn thể hiện thông điệp: xóa bỏ hủ tục nơi thôn quê, giải phóng tư tưởng lạc hậu u mê cho người nông dân (miếng ăn nơi góc chiếu, sân đình).

3.

– Nêu vấn đề nhức nhối ở nông thôn:

+ Bất bình đẳng, thiếu tôn trọng người dân ngụ cư (phải 3 đời mới được nhập bạ; không có ngôi, thật là một sự nhục nhã)

+ Quan chức ở nông thôn chèn ép, bòn rút tiền bạc của nông dân (phải sửa cổ xôi, con gà để ra lễ thờ; tiền rượu, tiền thuốc phiện, còn tiền cung đón họ đánh tổ tôm; chồng hai chục đồng bạc – tiền ngay cốc cốc – để cúng vào nóc các lão, thì việc mới yên)

- Thái độ tác giả: bất bình, lên án (qua thái độ của nhân vật “tôi” – người kể chuyện)

4.

– Khách quan chân thực: đến tận cùng sự thật với hàng loạt số liệu, truy tìm nguyên nhân làm xuất hiện vấn đề, dẫn dắt trình bày, lý giải những chi tiết và tổ chức ý kiến của các đối tượng đối thoại. Cái tôi tác giả – nhân chứng chủ động khơi lên những vấn đề phỏng vấn, mô tả biện luận: “Cụ chưởng lễ ba chục, ông chánh hội hai chục, ông lý trưởng mười lăm đồng, ông phó lý và ông phó hội mỗi người mười hai đồng, thư ký, trưởng bạ mỗi người năm đồng. Những số tiền ấy hết ngoài trăm đồng rồi. Lại còn ăn uống từ chiều hôm qua đến giờ...Ở chốn thôn quê ăn uống là sự đầu tiên”. Vậy là khổ chủ phải bán đi một mẫu hai ruộng lấy hai trăm đồng trả nợ...

– Tác giả: hiểu sâu hiện thực, kỳ công tìm hiểu tư liệu; nhạy cảm, sắc sảo dám nói sự thật; bám sát nông thôn, khảo sát mô tả những hủ tục, những lệ làng quái gở, man rợ, nạn “xôi thịt”, những cảnh đau lòng xung quanh miếng ăn ở nông thôn Việt Nam đương thời.

Câu 2: Đọc đoạn trích sau:

BỐN ĐỒNG NGỬA SẤP

(Chương V, Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng)

(1) Ông Nguyễn Đình Mầu là một tay cự phách trong nghề buôn gỗ. Cái két là lù như cái tủ áo của ông, lúc thu tiền bán gỗ, ních chặt những giấy bạc, thường khi vì đem tiền gửi nhà băng mà vơi hẳn [...]

Đêm hôm qua, trong lúc cao hứng, ông đã thua một canh xóc đĩa tới đúng một nghìn. Một nghìn tiền mặt với ba trăm tiền “nước bọt” nữa. Tiền “nước bọt”, ông tạm vay của một ông nghị ông mới được hân hạnh quen biết, để đặt một cái chắn cuối cùng rồi rũ áo đứng lên.

Kết giao với người như thế, ông cầm chắc sẽ có lợi cho sự buôn bán sau này...

Một nghìn với ba trăm, một số tiền ông vẫn cho là “cò con, lẽ nào khiến ông đến phải... nghĩ ngợi? Không! Ông chẳng nghĩ ngợi gì vì số tiền ấy ông nghĩ là nghĩ đến lời quả quyết của một người bạn thân nói với ông, sau khi hỏi thăm đến chuyện thua bạc: Thôi chết! Bọn bịp nó thịt bác rồi.

Người bạn ấy lại cam đoan rằng bịp chính là cái anh chàng tự xưng là “ông nghị. Chỉ một câu này cũng đủ khiến ông dựng đứng tóc gáy lên, như đang lần bước trong khoảng tối tắm mà giẫm ngay phải một con chuột chết vậy [….]

Chưa biết quyết nên ngờ hay tin, ông còn hoài nghi, nghĩ ngợi...

Đến đây, người vú ẵm cậu con út của ông bước vào. Cậu bé, hai má bánh đúc lại lúm đồng tiền, tuổi chưa đầy lên hai, cứ nhoài người ra, tay mũm mĩm giơ đến phía ông, miệng ấp úng gọi: “Âu! Âu! ”. Chẳng như mọi lần khác, thấy con theo mình thì ông xốc ngay vào lòng để hôn con cho đến phát khóc, phát thét, lần này ông quắc mắt quát người vú: Ẵm nó ra ngoài kia!”. Rồi ông lại tự gắt với mình: thì nghĩ ngợi làm cóc gì? Chốc nữa người ta đến đây đòi tiền, mình sẽ lựa lời đưa đẩy dò xét ý tứ xem sao rồi... nếu quả như lời... thì... cho một vố”. Phải, nghìn ba trăm bạc tuy không là bao nhưng là của bị mất, không vì đỏ đen mà lại vì bịp, còn chi đáng tức cho bằng?

Cho một vố, tuy định như thế rồi nhưng nói cho cùng, chính ông, ông cũng chưa hiểu rõ rằng “vô” là cái sự gì ông định thi thố đây !...

Thôi đi, ông Mầu ơi, ông không phải doạ! Đúng như lời hẹn, cái người ông đang nóng lòng chờ đợi để mong lột hẳn chiếc mặt nạ ra cho rõ đen, rõ trắng, đã đứng ngoài phòng giấy ông đây kia.

- Bẩm lạy quan lớn..

- Không dám ạ... Lạy quan lớn, rước quan lớn ngồi.

Ông Mầu vội vàng đứng dậy, bỏ chiếc ghế chao, quay vào phía trong

- Anh Ba đâu? Đặt nước chè !

Ấy đấy trước mặt người khách trông rất bệ vệ, sự hấp tấp giữ nghi lễ của ông tỏ răng chưa chi ông đã sắp bại trận. Phân ngôi chủ khách đâu đấy rồi, ông Mầu nhìn chòng chọc khách một cách có ý tứ, như muốn nói: “Ông rõ mày rồi. Ông sắp giật cái mặt nạ ở mặt mày xuống đây.”. Còn khách thì vẫn thản nhiên như không để ý đến cử chỉ của ông chút nào.

Lúc này, giữa hai người có luồng không khí im lặng rất khó chịu... Vì cả hai bên có lẽ cùng đoán được rằng sẽ có sự không hay xảy ra.

- Quan lớn đến lấy số tiền hôm qua tôi vay?

- Bẩm vâng ạ.

Ông nghị đáp thế rồi đưa mắt nhìn khắp gian phòng. Thế là cả hai lại ngôi im một lúc lâu, người tìm câu nhập để, kẻ tìm câu ứng đối. Cuộc “chiến tranh tĩnh toạ này nếu không được đứa đầy tớ bưng ra khay nước chè thì chưa biết bao giờ mới có hồi trống thu quân. Sau cùng ông Mầu đánh bạo:

- Canh bạc hôm qua, có người đã nói rõ cái lẽ tại sao tôi thua rồi; ngài dạy hộ: bây giờ tôi nên xử trí với ngài ra sao?

Cái vẻ ngạc nhiên ngây thơ của ông nghị nó hiện ra sau câu nói đường đột lạ tai kia, hầu như muốn gọi quỷ thần hai vai soi xét.

– Thưa ngài, ngài nói gì, tôi không hiểu, ngài nói lại cho nghe?

Trước cái thái độ rất bình tĩnh ấy, ông Mầu cũng hơi chột dạ, đã tưởng mình lầm. Nhưng ông cũng liều một phen mà quả quyết:

- Thôi đi, ngài đừng giả ngây, giả dại nữa. Chính tôi đã bị ngài bịp, tôi rõ mọi khoé của ngài rồi.

- Tôi... bịp ngài à? Lấy gì làm bằng cớ?

– Tiếc rằng lúc ngài hành động tôi lại không có sẵn cái máy quay phim!

Lời dọa của ông Mầu thế mà có công hiệu. Ông nghị chẳng còn đóng nổi cái vai kịch ngạc nhiên nữa, mà vẻ bẽn lẽn hiện ngay trên mặt. Thấy thế công của mình có phần thắng, ông Mầu phóng thêm một mũi thương nữa:

- Chỗ người lớn với nhau, ông cứ nhận đi là phải. Ông làm nghề bạc bịp thì cũng như tôi làm nghề buôn gỗ chứ có khác gì. Ông có gan nhận, tôi xin phục là người quân tử, nếu ông chối thì chối cũng chẳng được nào mà lại tỏ mình là tiểu nhân.

Biết rằng việc mình làm đã bị người tố giác, lại muốn làm “quân tử” nữa, ông nghị trơ trẽn mà rằng: “Vâng, quả có thể.”.

Nghe câu này, ông Mầu sung sướng như một vị quan toà đã khám phá nổi một cái nghi án, cười mà hỏi đùa ông “nghị bịp”:

- Việc đã vỡ rồi, thế thì bây giờ ông đến đòi tiền tôi hay để tôi đòi tiền ông?

- Tôi đã coi ngài là người quân tử mà nhận việc tôi làm một cách quân tử như thế, tưởng ngài chẳng nỡ nào dùng cách... tiểu nhân đối phó với tôi. Nếu tôi cứ nhất mực chối cãi, không có bằng cớ, thì ngài làm gì? Ngài vừa bảo rằng cái bịp của tôi cũng là một nghề cũng như đi buôn, được ăn, thua chịu chứ

- Thôi. Ngài có gan nhận, thế là quân tử, đã đành. Mà tôi vẫn giữ thái độ quân tử, nghĩa là không đòi lại số tiền đã thua. Thôi, xí xoá....

Người đời ai đã làm việc bậy, sau khi bị lột mặt nạ, thường có thói lại làm già cho được đỡ trợ bằng cách thuyết đến nhưng lí luận cao xa, viển vông hay là bỏ đạo đức ngụy biện. Ông nghị này cũng có thói ấy. Bị người đánh mình trúng phải chỗ yếu, ông nghị cũng tìm cách trả miếng vào giữa chỗ yếu kẻ đã quật đổ mình.

- Tôi vẫn chưa chịu... Được rồi. Ngài trả nữa tôi cũng ơn mà không tôi cũng phải chịu thật nhưng đó là đối với người khác tôi mới thế, chứ đối với ngài quyết không!

- Làm sao?

- Tôi đã có cách! Nhược điểm kia, tôi đã nắm được rồi. Ngày tuy là người có máu chơi bời nhưng là người con chí hiếu. Ngài nên biết: tôi sẽ mách cụ bá nhà...

- Thật đấy!

- Thì ngài được lợi gì?

- Chẳng lợi gì cả. Nhưng để cụ biết rằng ngài là người con hư. Thế thôi.

Ôi cái tâm lí người đời sao mà nó kì lạ!

Ông Mầu đem mồi quân tử ra khiến ông nghị phải nhận mình là bịp thì ông nghị lại lấy mồi chí hiếu bắt ông Mầu đã quých lại quých thêm. Hai con cáo già xoay nhau cùng bằng luân thường, đạo lí cả. Thì ra dù là bịp hay là lương thiện, ta vẫn bị cái luân thường, cái đạo lí nó thuốc ta, hoặc là bịp ta! Ta giống mọi người, mọi người cũng giống ông Mầu, lại đến lượt ông Mầu giống ta, chung quy nhất loạt đều để cho cái luân lí, cái đạo đức nó vẫn bịp mình mà không biết!

Cho nên sau khi nghĩ ngợi hồi lâu, ông Mầu đứng lên ra... mở két ! Sự không ngờ là ông Mẫu lại trao thêm tiền cho người đã bịp mình một cách cảm động nữa, và thêm:

- Ba trăm bạc là quý nhưng gặp một người... tri kỉ còn quý hơn. Tôi chẳng chịu mang tiếng tiểu nhân với ngài.

Ông nghị cầm lấy tiền:

- Dù sao tôi cũng biết phân biệt những ai tiểu nhân, những ai quân tử ở đời. Chúng ta còn nhiều phen gặp gỡ.

Rồi ông đẩy ghế, đứng lên.

Nhưng ông Mầu giữ lấy vạt áo ông nghị, cười mà rằng:

- Khoan đã!... Đệ đã được rõ cái tài của huynh đâu!

Ông nghị cũng bật cười, lại ngồi xuống. Hôm nay, ông Mầu mới được dịp đặc biệt rõ rằng bốn đồng tiền giấy tuy là những vật vô tri vô giác thật, nhưng ai để công luyện tập công có thể sai khiến nó cứ lộn tung trong cái bát cái đĩa, rồi úp sấp hay lật ngửa theo như ý muốn của mình...

(2) Khối óc của người ta còn có nhiều phen nghĩ cách chống lại được cả tạo vật biến đổi được cả cơ giới, lẽ tất nhiên chẳng khi nào người ta chịu để yên cho bốn đồng tiền giấy kia được tự do úp sấp, lật ngửa. Cái công dụng của sự sấp, ngửa kia lại còn to tát đến nỗi tuỳ nó, người ta phải bán nhà, cầm ruộng, hoặc là được tậu ruộng, cầm nhà thì tìm cách sai khiến được đồng tiền cho tuỳ theo ý muốn, khó đến thế nào nghĩ cũng phải ra.

Vào khoảng trước năm 1900, có một người của trùm Ba Sống sáng kiến được lối đánh xóc đĩa đòn kim. Anh này dùng một cái đĩa lồi lòng với một cái bát trông tưởng là sâu nhưng chính ra lại rất nông, vì nó dày gấp đôi thứ bát khác. Cuốn “Sự đổ bác” nếu chép đến đây tất phải dùng đến bốn tiếng “thời đại bát thửa” vì các lò bát hồi ấy thỉnh thoảng lại được tiếp một người đi giày Tàu, vận quần áo lụa, đến thửa một chục bát đong chè lòng rất đầy bằng một giá khá cao. Đòn kim là thứ đòn rất dễ ăn, vì nó bắt canh bạc cứ rền tràn. Đợi lúc mọi người đã nóng mặt, canh bạc đã có vẻ xô xát, lúc ấy bọn tạ mới dàn quân cản trở, một anh sà vào đặt một tiếng chẵn hay lẻ bằng một cuộn giấy bạc tướng, hung hăng mở bát, ném hẳn cái bát ra tận cuối... thế giới đằng kia! Người ta không ai còn thì giờ để ý nữa, vì tôi thua thì tôi còn ngẩn người ra tiếc của. Ông được thì ông cũng chỉ biết chúi mũi xuống chiếu, hò hét giam tiền. Lúc hỗn loạn ấy là lúc họ tráo cái bát thửa vào và đã giấu biến hẳn cái bát cũ kia đi.

Địa vị cái bát thửa chỉ được người ta coi trọng trong một vài năm, sau vì thấy lợi, thiên hạ ùa nhau vào trọng dụng nó quá, làm nó dậy tiếng quá nên nó phải chịu cái số phận chết yểu.

Một anh tạ khác, dưới quyền Hai Tôm lại sáng kiến được ngay lối đánh xóc đĩa đòn ve, thay vào đòn kim. Người ta lấy năm, sáu viên bi ở trong bánh xe ô tô bỏ vào trong cái túi khâu kĩ lưỡng, buộc giấu ở cổ tay. Lúc xóc, người cái nghiêng đĩa cho bốn đồng tiền giấy bị cặp chịt vào miệng bát cho không “cựa cậy” được nữa. Ai cũng tưởng tiền vẫn dậy đó những tiếng kêu tanh tách mà mọi người tưởng tiếng bốn đồng tiền trong bát đĩa, chính lại là tiếng kêu của những hòn bi trong cổ tay người xóc. Cho nên ta phải ngạc nhiên khi thấy rằng ông này đánh xóc đĩa cao quá, bán hàng chục bát không thua bát nào cả, hoặc canh bạc ấy rất quái lạ, đúng 20 tiếng chẵn rền! Có cái thuật này rồi, bọn bịp cứ tự nhiên vợ tiền bỏ túi sau khi phán: lẻ về, bán chẵn, bán lẻ, thừa chẵn, thừa lẻ.

Tinh ma hơn nữa, còn có người có “hoa tay” đến nỗi vừa xóc vừa dòm trộm vào trong bát, đánh mười tiếng cũng trúng cả mười: dù đã nghi mà rình mò, mà tuần thật kĩ, cũng đố ai khám phá được ra.

Ông nghị đã thịt ông Mầu bằng ngón đòn thứ ba này vậy.

Nhưng ông nghị đã bày trò cho một tay sai của ông giở đến đòn trinh thám kia, còn mình trong lúc ấy, lại vào hùa với ông Mầu, cùng đánh với ông. Cho nên đánh bạc đã già đời đến như ông Mầu mà còn bị cho vào xiếc.

(3) ... Tại Hưng Yên có một vị quan huyện muốn hứng lấy cái trọng trách mộ bọn khách Tam Đường. Tiền trong công khố chẳng đủ, quan huyện tìm cách... kinh doanh.

Quan nghĩ ngợi trong ba hôm, đến hôm thứ tư, sai lính trải chiếu la liệt khắp sân huyện đường cho dân tự do mở bát. Canh bạc ấy có thể bảo là không tiền tuyệt hậu ở đất Nam. Hồ lì là một thầy đề, xóc cái chính là quan huyện. Con bạc gồm đủ ta lẫn khách, đánh phần nhiều bằng bạc nén. Thoạt đầu, quan chỉ bán chứ không mở. Canh bạc đã thấy xô xát, quan mới đứng dậy, để cái chức xóc cho một người dân. Quan lảng vảng ở ngoài, có ý dò thế trận. Hốt nhiên quan vào mở một tiếng, thua to!

Mặt quan tái như gà cắt tiết. Rồi quan bảo thằng người nhà trông hộ bát, đi phóng uế một lát rồi vào. Lúc vào quan hò cả làng đặt tiền ra xong, cầm ngay bát chực mở. Cả làng xúm vào kêu quan chưa xóc nhưng quan nhất định là đã xóc rồi. Lần mở trước, kêu là chẵn đã phải giam. Thấy quan lẫn, cả làng lại xô nhau vào đánh chẵn. Mấy chú khách thương hại quan đã quá thua nên lẫn, quả quyết là quan chưa xóc. Nhưng quan vẫn nhất mực là đã xóc, họ bực mình, ra điều “đã muốn chết thì cho chết”, ồ ạt cá nhau đặt tiền vào chiếu chẵn. Quan cầm bát vừa mở vừa kêu: lẻ về! Rồi quan vơ hết cả những đồng nén bạc vì... lẻ thật, thế có lạ không?

Cả làng ai cũng lấy làm kinh ngạc. Không ai đoán được rằng lần mở trước, chính là lẻ nhưng quan đã xướng lên là chẵn rồi úp bát ngay, giam tiền. Quan đã đánh vào chỗ yếu mọi người là cái lòng tham. Đòn này ta nên gọi là đòn hiệp sĩ mới phải

Hôm sau, quan có đủ số bạc nén để mộ bọn giặc khách vào làm lính, phái đi đánh giặc Cai Vàng! Đòn hiệp sĩ này, nhiều người ngày nay còn chép cũ. Những người ấy tuy không dùng đòn để xoay tiền dùng vào những việc hiệp, nhưng hầu hết là bọn người gọi là thượng lưu.

(Vũ Trọng Phụng, Phóng sự, NXB Văn học, 2016)

(1) Thời ấy bằng giá gần bốn lạng vàng.

(2) Theo tiếng Pháp, permis de coupe nghĩa là giấy phép được đắn gỗ trong rừng.

* Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỉ XX. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc với nhiều thể loại.

Câu hỏi

1. Những dấu hiệu nào giúp em nhận biết văn bản Bốn đồng ngửa sấp trên thuộc thể loại phóng sự?

2. Nhan đề của văn bản có thể gợi lên những suy luận, phán đoán gì về nội dung được đề cập trong bài phóng sự? Văn bản thuật những sự việc chính nào, nhận xét về cách quan sát, ghi chép hiện thực của tác giả.

3. Câu chuyện ông Nguyễn Đình Mẫu thua xóc đĩa được thuật kể như thế nào (nội dung và bút pháp). Sự việc này đã lột tả được bản chất nào của nạn cờ bạc? Sự việc có ý nghĩa như thế nào?

4. Văn bản đã cung cấp cho người đọc những thông tin gì, lí giải điều gì? Cảnh vị quan ở Hưng Yên thắng bạc phản ánh thực trạng nào của xã hội đương thời

5. Em thích đoạn văn bản nào nhất? Hãy chọn một đoạn (dài từ 5 – 7 dòng) và phân tích đôi nét về ý nghĩa của đoạn đó.

Đáp án:

1.

- Đề tài: Viết về tệ nạn của xã hội (cờ bạc bịp).

- Đối tượng phản ánh: Những mánh lới, những kẻ chuyên lừa bịp trong nghề cờ bạc.

- Thông tin có tính xác thực: giàu chi tiết, sự kiện có thật trong đời sống, tồn tại một cách khách quan, có thể hiểm chứng được (Những mánh lới trong nghề cờ bạc bịp: Học sinh tự lấy dẫn chứng; thời gian, địa điểm xác định: Vào khoảng trước năm 1900; Vào thời Tự Đức, tỉnh Hải Dương với Bắc Ninh có giặc Cai Vàng)

- Sử dụng bút pháp thuật, tả, bình (học sinh lấy dẫn chứng.) trong phản ánh hiện thực và nêu được vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn: cờ bạc bịp (ở mọi thời đại).

2.

- Nhan đề Bốn đồng sấp ngửa của văn bản có thể gợi lên những suy luận, phán đoán ở người đọc về cờ bạc (những mánh lới của nghề cờ bạc bịp).

- Ba sự việc chính trong văn bản:

+ Ông Nguyễn Đình Mầu là một tay cự phách trong nghề buôn gỗ thua một canh xóc đĩa tới đúng một nghìn và biết mình bị bịp bởi một ông nghị.

+ Lối đánh xóc đĩa đòn kim (Vào khoảng trước năm 1900).

+ Canh bạc không tiền tuyệt hậu ở đất Nam.

- Nhận xét về cách quan sát, ghi chép hiện thực của tác giả.

+ Những sự kiện, những nhân vật, chi tiết đều được chọn lọc tinh tế và được dẫn dắt kết nối với nhau một cách tự nhiên, xung quanh một chủ đề chính: cờ bạc bịp.

- Những sự kiện, những nhân vật được thuật kể từ ngôi thứ ba với sự phối hợp cận vấn đề; Các chi tiết, sự việc đan xen, gấp gáp, bất ngờ (việc vị quan ở Hưng Yên)

+ Có đoạn bình luận đứng riêng biệt ở đầu mỗi đoạn để dẫn dắt người đọc tiếp thắng bạc); luôn luôn di chuyển từ địa điểm này tới địa điểm khác để điều tra, khảo sát, móc nối các sự việc (các mánh lới cờ bạc bịp).

3.

- Câu chuyện ông Nguyễn Đình Mầu thua xóc đĩa được thuật kể rất ấn tượng. Các chi tiết, sự việc đan xen, khi trầm lắng, khi gấp gáp từ việc đảo trật tự thời gian.

+ Mở đầu là thông tin ông Nguyễn Đình Mầu thua xóc đĩa một nghìn tiền mặt với ba trăm tiền “nước bọt” nữa. Tiền “nước bọt, ông tạm vay của một ông nghị ông mới được hân hạnh quen biết.

+ Tiếp đó là thông tin: Ông nghĩ ngợi đến lời quả quyết của một người bạn thân nói với ông, sau khi hỏi thăm đến chuyện thua bạc: Thôi chết! Bọn bịp nó thịt bác rồi.

+ Tiếp đó là việc ông Mẫu quyết lột hẳn chiếc mặt nạ ra cho rõ đen, rõ trắng.

+ Cuối cùng hai kẻ lừa bịp nhau cùng ngửa bài: hằm hè, doạ nạt nhau.

+ Việc phối hợp, kể – tả (quan sát tỉ mỉ, miêu tả sinh động) – bình luận từ hai điểm nhìn trần thuật vô cùng xuất sắc khiến cho sự việc như bị dồn nét, lúc bật tung căng thẳng vô cùng hấp dẫn, khiến người đọc không thể bỏ qua một chi tiết nào (kết hợp kể, tả, bình luận; miêu tả tâm lí, đối thoại của hai nhân vật – ông nghị bịp và Nguyễn Đình Mầu).

- Bản chất của nạn cờ bạc, ý nghĩa:

+ Sự việc này đã lột tả được bản chất của nạn cờ bạc: bịp bợm, mánh lới, lừa lọc lẫn nhau, lừa học cao siêu: đến tay ăn chơi cự phách như Nguyễn Đình Mẫu mà bị lừa như bỡn.

+ Cảnh báo, lột trần bản chất bất lương của nạn cờ bạc

4.

- Văn bản cung cấp cho người đọc thông tin về sự bịp bợm của nạn cờ bạc:

+ Lối thao túng tâm lí (ông Mẫu đã mất một nghìn).

+ Lối đánh xóc đĩa đòn kim, đòn ve.

+ Lối đánh đòn hiệp sĩ (lần mở trước, chính là lẻ nhưng quan đã xướng lên là chẵn rồi úp bát ngay, đánh vào lòng tham mọi người)

- Lí giải căn nguyên sản sinh ra các mánh lới cờ bạc bịp: Người ta phải bán nhà, cầm ruộng, hoặc là được tậu ruộng, cầm nhà thì tìm cách sai khiến được đồng tiền cho tuỳ theo ý muốn, khó đến thế nào nghĩ cũng phải ra.

– Cảnh vị quan ở Hưng Yên thắng bạc phản ánh thực trạng của xã hội đương thời: Cờ bạc trở thành một vấn nạn nhức nhối.

5. Trong văn bản trên, em thích nhất đoạn “Khối óc của người ta còn có nhiều phen nghĩ cách chống lại được cả tạo vật biến đổi được cả cơ giới, lẽ tất nhiên chẳng khi nào người ta chịu để yên cho bốn đồng tiền giấy kia được tự do úp sấp, lật ngửa. Cái công dụng của sự sấp, ngửa kia lại còn to tát đến nỗi tuỳ nó, người ta phải bán nhà, cầm ruộng, hoặc là được tậu ruộng, cầm nhà thì tìm cách sai khiến được đồng tiền cho tuỳ theo ý muốn, khó đến thế nào nghĩ cũng phải ra.”. Đây là đoạn bình luận của tác giả với ngôn ngữ ấn tượng làm nổi bật mưu mô của con người trong “nghề” cờ bạc (phen này nghĩ cách chống lại được cả tạo vật, biến đổi được cả cơ giời); có nghĩa cảnh báo cho người có ý đồ gia nhập nghề cờ bạc: cờ bạc sẽ khánh kiệt gia tài (người ta phải bán nhà, cầm ruộng, hoặc là được tậu ruộng, cầm nhà thì tìm cách sai khiến được đồng tiền cho tuỳ theo ý muốn, khó đến thế nào nghĩ cũng phải ra).

Câu 3: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Trời đã quá trưa. Tôi vừa về đến nhà trọ, đã thấy người nhà ông L đã sang mời. Lần này là ba. Sáng ngày đã hai lần rồi. Trước sự ân cần như vậy, ai mà có thể từ chối. Bởi tại hôm nay nhằm kỳ bình văn, tôi phải có mặt ở trường, nên còn xin khất đến chiều. Kể ra tôi với ổng không phải có thân tình gì. Vì tôi trọ học ở gần nhà ổng thành ra quen ổng. Người ta bảo với tôi rằng: Ổng rất thật thà chăm chỉ. Trước đó chừng mười lăm năm, ổng còn làm nghề cày thuê, vợ ổng thì chuyên đi ở vú sữa. Cái chính sách tiết kiệm, trong một thời kỳ khá dài, đã đưa nhà ổng lên đến bậc có máu mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu. Trong mấy năm nay, vợ ổng đã không còn sữa, ổng cũng không được khỏe mạnh như xưa, cho nên cả hai đều tự hưu trí để cùng trông nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời hồi ấy luôn luôn được mùa, vận ổng lại càng tấn tới, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia. Trong cái hạnh phúc của loài người, ổng không mong gì hơn thế, nếu như làng ổng không có cái đình. Khổ vì cái làng Đ.Tr. nhà ổng tuy không phải làng văn vật, nhưng mà rất có trật tự. Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ông tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố cu, bố đĩ. Điều đó, ổng rất lấy làm bất mãn. Nhiều lần làng khuyết lý trưởng, phó lý, ổng đã dốc lòng định mưu lấy chút danh phận. Chỉ vì ổng không biết một thứ chữ nào, cho nên không được như nguyện. Năm nay, mái đình làng ấy có mấy chỗ dột. Dân làng cũng mong chữa lại, nhưng mà tiền công của làng chỉ vừa đủ để các hào lý đi việc quan, không còn thừa mà mua ngói. Các ông kỳ dịch liền gọi ổng ra giữa đình, để bán cho ổng cái chức "lý cựu" lấy một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ.

(Trích Góc chiếu giữa đình, Phóng sự Việc làng, Ngô Tất Tố, NXB Văn học, 2022, tr.55)

1: Đoạn trích được kể ở ngôi thứ mấy?

2: Theo đoạn trích, lí do nào ông L được làm chức “lý cựu”?

3: Đoạn văn “Bao giờ cũng vậy, ngồi chỗ trong đình làng ấy cũng như ngồi chỗ ở các rạp hát, vẫn chia ra rất nhiều lô: trên nhất là chiếu phẩm hàm, rồi đến các chiếu chức dịch, trai đinh phải ngồi vào lớp cuối cùng. Ông tuy ngoài năm chục tuổi, nhưng vẫn là hạng bạch đinh, mỗi khi ra đình, chỉ được ngồi với bọn bố cu, bố đĩ” phản ánh thực trạng gì của làng quê xưa?

4: Nội dung chính của đoạn trích là gì?

5: Qua đoạn trích, anh/chị hãy rút ra bài học gì cho mình trên hành trình tìm kiếm công danh cho bản thân?

Đáp án:

1. Ngôi kể: ngôi thứ nhất.

2. Ông L được làm chức “lý cựu” là vì: Các ông kì dịch cần một trăm bạc để tu bổ mái đình nên gọi ông đến để bán cho ông cái chức “lý cựu”.

3:

- Thực trạng: thiếu tinh thần dân chủ, thể hiện thái độ coi thường những người dân không có danh phận.

4: Nội dung của đoạn trích:

- Miêu tả quá trình có được chức tước của ông L

- Phản ánh nạn mua quan bán tước ở làng quê xưa

- Phê phán thói háo danh của người nông dân ở làng quê xưa.

5: Bài học:

- Cần lập danh chính đáng mới tạo nên giá trị đích thực của bản thân, tạo dựng uy tín, danh dự bằng lòng tự trọng, cạnh tranh phát triển bản thân một cách lành mạnh.

- Cần nỗ lực học tập tích luỹ kiến thức, trau dồi kĩ năng, rèn luyện ý chí, nghị lực, vượt qua những khó khăn thử thách để vươn tới thành công bằng thực thực của chính mình, không dựa dẫm, ỷ lại vào người khác.

- Phải tự tin, bản lĩnh, dám khẳng định mình, dám chịu trách nhiệm, khiêm tốn và tích cực, sống và làm việc, cống hiến trung thực, biết phê phán lên án những suy nghĩ và hành động mang tính háo danh, không đúng với năng lực và giá trị của mình.

Câu 4: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

... Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật. Thật vậy, tôi thấy vài con chó còn được chủ mua thịt bò cho ăn. Có khi con chó mỗi tháng khiến chủ tốn kém hơn một đứa tôi tớ trong nhà.

Mười sáu người đủ hàng lớn bé, trẻ già này, mỗi người chỉ cầu như một con chó, nhiều khi kém một con chó, mà lại còn đem chân tay ra làm nhiều việc có ích, rất nặng nhọc, mà vẫn không kiếm được việc.

Tôi chỉ bọn trẻ, trai và gái chưa qua 12 tuổi và hỏi mụ già:

- Cái bọn này thì bà định kiếm cho chúng mỗi tháng độ bao nhiêu công?

Mụ già khinh khỉnh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi quay đi chỗ khác. Mãi mới đáp:

- Thời buổi này, bọn nhãi nhép ấy cứ được người ta mượn cơm không thôi là đã phúc!

- Thế thì tiền quà của bà chắc chả mấy...

- Cái đó đã hẳn! Nhưng mà được năm xu một hào thì cũng đủ. Rẻ còn hơn ngồi không...

Tôi chỉ cái bọn thằng nhỏ bằng loạt tuổi tôi mà hỏi:

- Thế bọn này?

- Đứa năm hào, đứa ba hào...

- Thế mấy bà lão định ở vú già, đang ngồi ăn ngô gốc cây kia kìa ?

- Cũng quanh quẩn đâu vào cái giá ấy.

Tôi chỉ vào một người đàn bà đi ở vú mà hỏi:

- Thế cô vú em kia?

Mụ ấy đổi giọng đáp:

- A, cái con mẹ ấy thì phải tìm cho nó chỗ ít nhất cũng hai đồng bạc công mới được ! Mà tiền quà thì ít nhất cũng phải đòi một đồng! Nó sạch sẽ lắm! Sữa tốt hạng nhất đấy.

Lúc này, mụ ngó ra phía xa rồi về hè ngồi. Một lát sau thấy một bà già đã đứng tuổi, áo the trắng, hoa tai to đến vẫy mụ:

- Này u! Con vú tháng trước xin phép ra rồi!

Mụ già đưa người như bị cái lò xo nào đẩy lên kêu:

- Chết chửa! Làm sao thế ạ?

- Chồng nó chết, nó xin về 15 hôm. Tôi phải cho nó thôi hẳn.

- May quá, con tưởng hay lại có điều tiếng gì.

Thế là, trước cái tin buồn một người chết, mụ đã thở dài một cái, ra ý được nhẹ mình nên sung sướng lắm. Bà kia hỏi tiếp:

- Mợ ký nó nhà tôi còn mệt lắm, u có người nào ngay bây giờ không?

Mụ già làm ra vẻ nghĩ ngợi mãi mới đáp:

- Thưa cụ, đây, có u này đây...Nhưng mà con đã chót hẹn với cụ Lý con ở dưới kia. Không biết có nên để cho nó về ngay với cụ không hay là để nó chờ...

Bà kia hớ hênh đáp ngay:

- Thôi, xem có mướn được thì để ngay nó cho tôi. Mợ ký nó nhà tôi mệt chưa khỏi.

- Bẩm, con nể cụ quá.

- Ôi chà! Bây giờ khối người ra, chả khó như ngày xưa. Rồi u tìm cho cụ Lý nhà u một người khác cũng được.

- Đứng lên, ra đây mau lên chứ ngồi ngẩn mặt ra thế à?

Bà kia nhìn người vú từ đầu đến chân, đoạn gật gù cái đầu mà rằng:

- Ừ, trông cũng sạch sẽ đấy. Cho xem sữa nào!

Mụ già vội nói ngay:

- Bẩm cụ, ấy ở nhà quê, chị ta là vợ một ông phó lý kia đấy. Xưa nay chẳng phải chân lấm tay bùn bao giờ!

Vú em vạch yếm để hở cái ngực trắng nõn, vắt sữa vào lòng một bên bàn tay. Bà kia xem qua loa, kêu:

- Tạm được.

Tức thì mụ già giẫy nẩy người lên mà rằng:

- Cha mẹ ơi! Sữa như thế mà mẹ lại còn bảo là " tạm được". Tốt vào hạng nhất rồi đấy mẹ ạ.

Bà kia bĩu môi:

- Phải, hạng nhất đấy!

- Chứ gì, chị ấy mới đẻ con so, xưa nay lại không phải chân lấm tay bùn bao giờ, lại là vợ ông Phó Lý, chả phải khổ sở như người khác thì làm gì sữa chả tốt.

- Thế là bao nhiêu ?

Người vú em chưa kịp đáp, mụ già đã nói trước:

- Xin cụ cũng cho như cụ Lý con dặn nó...

- Thế là bao nhiêu ?

- Ấy cụ Lý con bảo tìm hộ một chị sữa tốt, sạch sẽ, mỗi tháng độ chừng ba đồng. Ấy con còn bận một tý nên chưa đưa chị ấy lại cụ Lý con đấy.

Bà đi mướn vú bĩu mồm mà rằng:

- Thôi, tôi cũng trả công cho như con vú trước, nghĩa là hai đồng.

Tức thì mụ già chắp hai tay vái lấy vái để như đứng trước một cửa điện nào vậy, rồi quay mặt ra chỗ khác, không đáp.

- Thế nào?

- Lạy mẹ, mẹ cứ trả nó hai đồng chín hào chín xu xem nó bằng lòng được không?

Phát khùng lên rồi, bà kia phải gắt:

- Thì việc gì đến u đấy nào? U cứ biết cái phận u, cứ nhận tiền quà thôi có được không, sao lại cứ chõ vào công xá của người ta thế?

Người vú em lấm lét nhìn mụ già, đoạn khẽ thưa rằng:

- Lạy cụ, cụ có mượn thì xin cụ cũng cho công như cụ Lý con dưới kia. thì con sai hẹn mới bõ.

Bà kia đứng thừ người ra hồi lâu rồi quay gót. Tôi hỏi mụ già:

- Này u, lúc nãy tôi thấy u nói chỉ cần hai đồng một tháng...

- Ấy thế nhưng mà cái món này bóp được hơn. Rồi anh xem, thế nào chốc nữa lại chả ra ngay đây bây giờ.

Độ nửa giờ sau, quả nhiên lại thấy bà kia ra, nói:

- Thôi thì tôi cũng bằng lòng trả cho chị ấy ba đồng một tháng vậy. Còn về phần u, lúc nào rỗi thì lại mà lấy tiền quà.

Một cách rất khả ố, mụ già gãi gãi đầu một hồi, rồi cau có nét mặt mà phàn nàn rằng:

- Lạy mẹ, thật nể mẹ quá đi mất! Bây giờ con lại phải tìm ngay một con vú khác cho cụ Lý con dưới kia đây... Mẹ cứ cho con xin một nửa trước vậy.

Vì nhận được của bà kia năm hào rồi, mụ già bảo người vú em kia:

- Thôi cứ theo cụ về nhà, rồi chiều hôm nay tôi lại lấy nốt tiền quà thì tôi tạt về nhà đem cho cái thúng quần áo...Này, cụ là người phúc đức, cậu ký, mợ ký cũng là người biết thương người thì u cũng ăn ở cho có lễ phép, cho nó nên ơn nên nghĩa, phải ngoan ngoãn mà trông nom em, biết chưa?

Họ chia tay nhau... Mụ đưa người đã thành công trong cái việc "bóp cổ" người. Cái giá trị làm người, đối với bọn cơm thầy cơm cô, không phải ở cái sức làm việc của con người, nhưng mà treo trên đầu lưỡi của con mẹ nặc nô mềm nắn rắn buông và suốt đời không bao giờ biết nói thật.

Một buổi sáng qua như thế cho mãi đến chiều. Mụ già chỉ "tiêu thụ" được có một chị vú em thôi, nhưng mụ đã được đồng bạc. Còn 15 người nữa đói thì mụ cần gì, vì chính mụ, mụ có phải đói hộ người khác đâu. Bọn kia cứ việc bày hàng đầy dẫy ở đầu hè, duỗi dài chân ra, hoặc là xoạc cẳng ra, quần vén lên đến đùi để mà "khảo cứu" về lông chân loài người, hoặc để ngủ gật.

Vậy thì tôi phải hỏi đến cái con sen mà tôi đã hỏi chuyện đêm qua tại hàng cơm. Đứng lên tìm quanh, tôi thấy nó chúi vào một xó hè, ngốn một mẹt bún chả tướng. Tôi hỏi:

- Gớm, phong lưu lắm nhỉ?

Nó cười một cách ngây thơ và đáp:

- Phép quà anh! Anh tính mới thôi việc có dăm ngày, làm gì đến nỗi mà lại chả có thể ăn được 3 xu quà!

- Này, cái nhà tớ vừa bỏ ấy mà, nó cần người mà chưa mướn được ai cả đấy. Đằng ấy có muốn làm thì tớ mách cho.

Nó nhạt nhẽo đáp suông một câu:

- Giã ơn cái bụng tốt của anh lắm.

- Có bằng lòng không thì nói ngay đi, tớ không nói đùa mà.

Nó vẫn lãnh đạm:

- Chủ nhà có tử tế không?

- Sao lại không?

Nó cười nhạt:

- Tử tế đến nỗi anh phải bỏ việc, tử tế lắm nhỉ?

Tôi cãi rằng:

- Không, tôi bỏ việc vì một lẽ riêng, chứ không phải tại chủ đểu.

- Thế à?

Nó hỏi một câu cho mình đỡ ngượng rồi lại điềm nhiên gục đầu xuống ăn. Thì ra con bé, dầu đương lúc thất nghiệp, cũng không cần có việc làm! Nó cứ thờ ơ thế thôi!

Tôi quay ra tán với mụ trùm nó:

- Này u, cái chỗ tôi bỏ đi ấy mà, họ đang cần một con sen đấy. U dắt con bé kia lại nhé? Bằng lòng không thì tôi chỉ chỗ cho. Chắc nó thì sẽ được người ta bằng lòng.

Mụ già này cũng thờ ơ:

- Thật hay bỡn?

- Thật, chứ sao lại bỡn ?

- Người ta cần thì người ta ra đây.

- Nhưng mà dắt nó đến cho nó có việc sớm ngày nào lợi ngày ấy có hơn không? Chả hơn để nó chết đói mà chờ việc à?

Mụ bĩu ngay cái mồm cho rõ dài:

- Nó đương chết đói ngay đấy!

- Thế nó có cần đi làm không?

- Anh hỏi nó xem!

- Nếu nó cần thì chỗ ấy là tốt nhất!

Mụ gắt lên mà rằng:

- Khỉ lắm, đừng nói nữa, anh thử hỏi nó xem nó có cần làm không?

Ồ! Lạ! Một đứa đi ở, khi mất việc, lại không muốn có việc làm! Thế là nghĩa lý gì? Tôi phải biết tường tận mới được.

 (Trích Cơm thầy, cơm cô – Vũ Trọng Phụng)

1: Đoạn trích "Cái giá trị làm người" phản ánh điều gì về giá trị con người trong xã hội đương thời?

2: Tác giả sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào để nhấn mạnh sự bất công trong xã hội?

Câu 3: Tình cảm của tác giả đối với những người lao động nghèo khổ được thể hiện như thế nào trong đoạn trích?

4: Đoạn trích "Cái giá trị làm người" góp phần như thế nào trong việc phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930?

5: Thông điệp chính mà Vũ Trọng Phụng muốn truyền tải qua đoạn trích này là gì?

Đáp án:

1:

Đoạn trích cho thấy giá trị con người bị hạ thấp, thậm chí không bằng giá trị của súc vật, phản ánh sự bất công và vô nhân đạo trong xã hội lúc bấy giờ.

2:

Vũ Trọng Phụng sử dụng ngôn ngữ sắc sảo, hình ảnh sinh động và lối viết chân thực để phơi bày hiện thực tàn khốc, qua đó nhấn mạnh sự bất công và vô nhân đạo trong xã hội.

3:

Tác giả bày tỏ lòng thương cảm sâu sắc đối với những người lao động nghèo khổ thông qua việc miêu tả chi tiết cuộc sống cơ cực của họ, đồng thời lên án mạnh mẽ sự thờ ơ và tàn nhẫn của xã hội đối với số phận của họ.

4:

Đoạn trích cung cấp cái nhìn chân thực về sự phân biệt giai cấp, sự bóc lột và bất công mà tầng lớp lao động phải chịu đựng, qua đó phản ánh bức tranh xã hội Việt Nam đầy rẫy bất công và mâu thuẫn trong những năm 1930.

5:

Tác giả muốn kêu gọi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của xã hội, đề cao giá trị con người và lên án những hành vi bóc lột, bất công đối với người lao động nghèo khổ.

Câu 5: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

Trong khi tôi đương liên miên nghĩ ngợi về những người dân quê dại dột như thế, bỗng lại thấy hai con sen nữa cũng tiến đến. Một đứa mặc váy, cắp một cái thúng nhỏ, tóc còn ngắn, tỏa một cách hỗn loạn xuống trán và gáy, dáng đi lạch bạch như một con vịt bầu. Còn đứa kia, mặt mũi tuy sạch sẽ hơn, lại mặc quần hẳn hoi, song tinh thần ngây ngô dại dột vô cùng, trông cũng không có một chút nào là vẻ đã ở tỉnh thành cả.

Cả hai đứa loay hoay không biết kiếm một chỗ nào ngồi chứ đừng nói đến nằm. Tôi bảo bà lão già:

- Bà ngồi dẹp vào cho người ta nằm với.

Bà lão vâng lời, dẹp chỗ rồi lại phe phẩy quạt cho hai đứa mới đến bằng cái tinh thần một người mẹ già nuông con.

Tôi đứng, hai tay gãi sườn, ngắm nghía cái đống vô nghĩa lý ấy rồi tự hỏi: Ta sẽ làm gì cái bọn này? Tôi không phải đến chỗ này để nhìn cái cảnh ấy mà thôi. Phải làm thế nào cho bọn ấy nói chuyện với mình, tin mình, phục mình, mến mình, đừng buồn ngủ nữa, đừng đau khổ nữa, đừng đói khát nữa...

Tự nhiên tôi thọc tay mân mê mấy hào chỉ trong túi. Một rá xôi bán ở nhà ngoài, ấy đó, một cách chiếm lòng yêu của kẻ khác trong thế gian! Khốn thay, nếu như thế, sợ thiên hạ đồn rầm lên, mà rồi tôi sẽ bị mụ chủ hàng cơm nghi hoặc, thì rồi đến mất đi lại. May sao tôi chợt nghĩ đến nhà trinh thám đại tài trong truyện Mephisto. Khi vào đến hang hùm tổ rắn của bọn gian phi là một hàng cơm, muốn khỏi bị nghi ngờ, muốn được yêu mến nữa, nhà trinh thám chỉ việc ép lòng làm một nhà tài tử bê tha và lãng mạn.

Một bài Nam Ai hay một bài Văn Thiên Tường thí phí của quá mà không hợp, tôi dùng đến mấy điệu hát chèo là lối thịnh hành vùng quê.

Tôi vừa làm điệu bộ vừa hát:

Mừng bề trên trường trị, xã tắc muôn năm trường thọ!

Mừng làng ta đất gồm văn võ

Đức anh linh ủng hộ muôn nhà

Nhớ Tống triều niên hiệu Kiến Quang

Đâu đâu đấy đấy giàu sang

Trăm họ nơi nơi no đủ.

Xem trong tích cũ:

Có một chàng tên gọi Trương Viên

Cha mất rồi còn mẹ cao niên

Chàng dốc chí chuyên nghề kinh sử!

Nhà hàn sĩ nghèo nàn cơ khổ

Mà được quan thừa tướng gả con cho!

Chỉ có thế, cả bọn "khán giả" ấy cũng đủ bị tôi thôi miên. Anh chàng đầu trọc và mặt bủng da chì ngửa cổ hề hề cười như một chú khách lồi rốn. Thằng cha có cái cổ đầy những lá thuốc cao hết trầm tư mặc tưởng với trăng sao trên trời, quay lại đăm đăm nhìn tôi. Thằng bé con ho lao hết ho sù sụ như một ông cụ. Bà lão già cũng ngây người ra như một pho tượng sống, hết cả phe phẩy quạt cho những kẻ chung quanh.

Tôi nhìn cả bọn ấy một cách đắc chí, rồi đổi sang giọng nồi niêu:

Trách bởi vì đâu ta học dốt như bò

Bút lông mèo tình chung mà ta ngậm í i

Để cho ho một đời!

Bỏ bút lông, ta thử ngậm bút sắt ta chơi!

Ta thử ngậm bút sắt ta chơi

Bút sắt ta chơi !

Lỗ kia tình chung dù đứt í i mấy ta thời...

Ta thời đóng đanh

Chớ cái cuộc văn chương hồ dễ đã tan tành!

Hồ dễ đã tan tành!!

Đến đây xong thì năm sáu đứa trẻ lần lượt ngồi nhỏm dậy. Đứa đã dậy rồi lấy chân đạp vào mạng mỡ để đánh thức đứa khác còn ngủ say, như là khi còn ở nhà với mẹ cha, chúng rủ nhau đi xem chèo vậy. Hai con sen kia cũng đứng phắt lên, cái con mặc quần đứng sau lưng ôm cổ con bé mặc váy, y như ở đình làng. Tôi không thấy ngượng nữa, không biết tự mình là dơ dáng dạng hình nữa. Tôi chỉ thấy tôi oai vệ, sung sướng, đang kiêu ngạo như một thằng cơm thầy cơm cô một trăm phần trăm.

Tôi bèn cúi khom lưng xuống y như một ông già mà lại gù, mà đi vòng tròn cái sân, lại hát:

Lão tuy già lụ khụ, nhờ giời cho vẫn khỏe khòe khoe

Vẫn khỏe khòe khoe!!!

Kia như cái gậy gục, cái gậy gạc

Nó có chà, nó có ngạc

Lão bê vác, hục hà hục hạc

Quệch quà quệch quạc

Hạt mưa sa lác đa lác đác

Lão vẫn khoác kè kè cái áo bông!

Đầu tóc lão dù trắng xoá như bông

Kìa thấy các cô con gái má hồng

Lão vẫn, lão vẫn ! vẫn còn ư say !

Say, say, say, ngã chổng cò quay!!!

Tôi ngã phệt xuống đất rồi ngồi xếp bằng tròn gọn một cái. "Cử tọa" rồ lên cười.

Hai con sen cười to hơn cả, cười như những đồ đĩ dại, cười như đĩa kèm Fou Rire.

Rồi một con, cái con mặt mũi sạch sẽ mà mặc quần - ồ lạ - cái con sen ngây ngô ấy - ồ lạ - buông hai cánh tay ôm cổ con bạn nó ra, ngã ngửa người xuống bằng bị giời đánh.

Thưa các ngài, ấy là nó "cảm" tôi.

Nếu tôi nói một cách có khoa học, một cách có văn chương, thì trong ái tình, cơn xúc động mạnh ấy, sự phải lòng giai ghê gớm ấy, người ta gọi là " cái tiếng sét", " le coup de foudre" vậy.

Một người mê ông đến nỗi ngã lăn đùng ra lại không đủ khiến ông sung sướng, và, nếu ông có vợ, thì khiến ông về nhà thấy vợ ông là xấu xí lắm hay sao?

Tôi đứng lên, khoan khoái...

Tôi chờ cho con sen ấy gượng ngồi dậy, để rồi đỏ mặt mà xâú hổ.

Những người khác cũng thế.

Nhưng con sen ấy ngã xong là nằm cứng đờ...

Như chết!

Một vài người chạy đến xem sao... Tôi cũng chạy đến. Than ôi, thì ra nó bị động kinh! Hai mắt nó trợn ngược lên, chỉ còn trông thấy lòng trắng. Chân tay nó run lật bật lên. Rớt dãi của nó ứa ra trắng xóa cả mồm. Sự cười rộ đã thương tổn đến bộ thần kinh của nó.

Lúc ấy, tôi cũng thấy hoảng hốt, lo sợ. Chung quanh tôi người ta nói đến những câu: phải gió, ngộ độc, chết, tim đau. Bà lão già sắp sửa khóc nữa. Tôi cố cắt nghĩa cho họ hiểu, bảo họ yên tâm. Tôi đuổi mấy thằng nhỏ ít tuổi xuống khỏi đống ván để lấy chỗ cho con sen động kinh nằm.

- Không việc gì, rồi chốc nữa nó khỏi!

Rồi tôi cũng ngồi xuống cạnh nó, nghĩ ngợi phân vân.

Cái con sen mặc váy cắt nghĩa:

- Chị ấy từ hôm bị điện giật tới giờ thỉnh thoảng lại thế.

- Bị điện giật từ bao giờ?

- Độ bốn năm tháng nay.

- Sao mày biết?

- Tôi có họ với chị ấy.

- Thế nó bị điện giật như thế nào?

- Chị ấy phơi quần áo trên bao lan.

- Thế nào?

- Phơi ngay áo ướt vào cái dây điện trước cửa.

Nghe đến đây, tóc gáy tôi dựng đứng lên. Tôi lại vội hỏi:

- Sao nó lại dại dột thế?

- Chị ấy ở nhà quê mới ra thì biết gì!

- Sao những đứa chủ nó không dặn nó cẩn thận?

- Nào ai biết?

- Thế lúc bị điện giật như thế nào?

Con sen ấy lè lưỡi ra rõ dài một hồi lâu rồi mới đáp:

- Dây điện hút hai tay chị ấy vào, một nửa người bị lôi ra ngoài bao lan, còn một nửa thì lủng lẳng ở bên trong. Mãi người ta mới gỡ được chị ấy ra.

Trong lòng tôi bỗng thấy một mối thương tâm vô hạn. Tôi quay xuống nhìn mặt con bé khốn nạn ấy rồi thở dài, rồi tôi hỏi:

- Bị bệnh động kinh rồi lại bị chủ thải ra có phải không?

- Tất nhiên.

- Thế là nó nghỉ việc từ độ ấy đến giờ ?

- Không, về sau đến làm cho một nhà khác rồi mới thôi việc có hai hôm nay.

- Sao lại thôi?

- Chị ấy bưng một cái lọ quý rồi bị động kinh, ngã đánh vỡ lọ, chủ bắt đền, chị ấy sợ mà bỏ trốn.

- Đồ ngu dại, nếu chủ nó bắt đền thì rồi nó trừ tiền công chứ gì. Bỏ trốn thế, nó lại đi thưa thì lại rũ tù.

- Cái lọ đáng giá hơn trăm bạc, có làm mọt xương cũng chả bù nổi. Vả lại nếu làm không công thì không có tiền gửi về quê.

Tôi ngán ngẩm rồi nói bâng quơ:

- Tiên sư cái kiếp đi ở! Thân phận tôi đòi khổ thật!

Anh chàng đầu trọc nói:

- À, cái ấy thì đã đành!

- Cái nhà bác này! Có phải trong làng cơm thầy cơm cô chúng ta với nhau không?

- Chính thị !

- Ở tù ra, hay ở mạn ngược ốm về mà trọc lốc thế ?

- Ở "hàng xứ " ra.

- Sao mà phải tù ?

- Chủ nó sai mang thuốc phiện lậu, rồi bị ông Tây bắt, rồi chủ nó không nhận.

- Ai bảo đi ở ?!

- Vỡ đê, trôi cả nhà cửa, trâu bò. Vợ nó đi ra ở vú em rồi không về. Ra tìm mãi không thấy, phải đi xin kéo xe. Gặp vợ rồi thì chẳng may phải tù.

Đến anh chàng cổ dán thuốc cao:

- À tôi đi ở là vì nhà nghèo.

Thằng bé ho lao đáp:

- Tôi cũng đi ở đã bốn năm nay rồi. Bố chết, mẹ đi lấy chồng, ở với cô ruột bị chửi nhiều quá, thà đi kiếm lấy mà ăn. Cô tôi giàu có hẳn hoi, có ba bốn cái nhà gạch. Nhưng mà đây không cần. Tử tế thì nhờ, không thì thôi.

- Thế bà lão này có đứa nào là cháu ở đây không?

Bà lão trỏ ba đứa trẻ ngồi cạnh mình mà rằng:

- Ba đứa cháu nội tôi đấy. Dắt cháu ra tìm bố nó, cũng đi kéo xe nhà. Thấy nói bố nó ở Hà Nội, ra tìm mãi không thấy. Lên Quan Thánh lại bảo xuống Hàng Bồ, lại Hàng Bồ hỏi lại bảo xuống Bạch Mai...

- Thế bà có bao nhiêu tiền trong mình ?

- Còn được sáu xu.

Bà lão thản nhiên nói thế, một cách không lo sợ gì cả. Mà có lẽ họ thế mới sống. Chỉ người khác là mới biết lo sợ cho họ, thấy họ là khổ sở đáng thương mà thôi.

Tôi hỏi một thằng bé khác:

- Thằng này, sao mày cũng đi ở ?

- Dạ, u tôi bắt thế.

- Còn thằng nhãi ranh này, ai mướn mà cũng đi ở ?

- Úi chao! Tôi mới đi ở có ba tháng thôi mà nếm cơm có đến tám chín nhà chủ rồi!

- Còn thằng này nữa, mày cũng nghèo à ?

- Tôi không biết.

- Bố mày đâu ?

- Tôi không biết.

- Mẹ mày đâu ?

- Tôi không biết.

- Làng mày ở đâu ?

- Tôi có làng bao giờ!

Nó chẳng biết gì cả. Nó chỉ mới độ lên 8 tuổi là cùng mà thôi.

- Thế mày đã đi ở lần nào chưa ?

- Một lần rồi, chủ nhà chê là nhãi con, mướn năm hôm rồi lại cho ra.

- Thế bao giờ mày đi làm ?

- Nào biết, trông ở cụ.

- Cụ nào ?

- Cụ đưa người, vẫn ngồi ngã tư.

Đến đây, con sen động kinh đã tỉnh. Nó gượng ngồi lên khạc nhổ nốt những chỗ nước dãi đọng trong mồm. Rồi nó lại nằm xuống vẻ mệt nhọc lắm...

Một hồi gót giầy khua lên... mỗi lúc một to.

Một người lính mật thám, áo the, mũ dạ giày tây, ống quần có cặp xe đạp thoăn thoắt bước vào. Một cô tân thời, cổ tay đầy những vàng, đi theo sau. Người lính kia vào đến chỗ chúng tôi thì bật đèn to lên, soi rõ vào mặt từng người một. Rồi thấy cô tân thời rú lên:

- Chính nó đây rồi.

Người lính kia hỏi:

- Đứa nào ?

- Con bé mặc quần ấy.

Con sen cũng khóc:

- Lạy cô, con trót dại, cô tha cho con.

Người lính quát:

- Đứng lên đi theo tao lập tức !

Cô ả tân thời càu nhàu:

- Hai ba trăm bạc của người ta chứ ít à ?

Người lính hỏi:

- Sao cô khai có vài ba đồng ?

- Đấy là nó ăn cắp, ngoài ra nó còn đánh vỡ cái lọ cổ nữa.

Con sen ấy kêu khóc:

- Lạy cô, quả con không ăn cắp một xu nào ạ !

- Im! Câm ngay ! Không ăn cắp sao lại đi trốn !

Thế là người lính kia xích tay nó lại. Cô ả tân thời nói:

- Ông khám cái thúng này xem !

- Không, đây là của tôi.

- Cứ khám.

Lúc ấy tôi đứng dậy, nét mặt chắc đầy những vẻ bất bình. Người lính kín hỏi tôi:

- Đưa tao xem thẻ.

Tôi ngần ngừ, rồi phải đưa. Người lính xem thẻ xong (cũng may Sở phát thẻ Hà Nội có cái thuật chụp ảnh cho người nào cũng như mặt tù) ngẩn người ra, đứng cúi đầu như muốn nhớ lại một điều gì, rồi mới trả thẻ, sau khi nhìn tôi hai ba lượt.

Không bao giờ tôi quên được cái lúc con sen động kinh bị xích và một cái tát vào gáy nó của cô ả tân thời.

Khi con sen bị lôi ra thì bọn người nhà hàng cơm chạy vào xem rồi chạy ra theo.

Tôi ngoảnh lại nhìn bọn cơm thầy cơm cô đằng sau tôi thì mặt ai cũng tái đi, sợ đến phát khiếp.

(Trích Cơm thầy, cơm cô – Vũ Trọng Phụng)

1: Tại sao tác giả lại đặt tên chương này là "Bi hài kịch"?

2: Trong chương này, tác giả sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào để khắc họa cuộc sống của người lao động?

3: Tác giả muốn truyền tải thông điệp gì qua chương "Bi hài kịch"?

4: Hãy phân tích một tình huống cụ thể trong chương để làm rõ sự "bi hài" mà tác giả muốn nhấn mạnh.

5: Chương "Bi hài kịch" đóng vai trò gì trong tổng thể tác phẩm "Cơm thầy cơm cô"?

Đáp án:

1:

Tựa đề "Bi hài kịch" kết hợp giữa yếu tố bi kịch và hài kịch, phản ánh sự mâu thuẫn trong cuộc sống của những người lao động nghèo. Họ phải đối mặt với những tình huống đau khổ, bất công (bi kịch), nhưng đôi khi lại được miêu tả qua lăng kính châm biếm, hài hước (hài kịch) để nhấn mạnh sự trớ trêu của số phận.

2:

Vũ Trọng Phụng sử dụng bút pháp châm biếm, trào phúng kết hợp với ngôn ngữ đời thường, sinh động. Ông miêu tả chi tiết các tình huống éo le, mâu thuẫn trong cuộc sống của người lao động, từ đó phơi bày sự bất công và vô lý trong xã hội.

3:

Qua chương này, Vũ Trọng Phụng lên án mạnh mẽ sự bất công, bóc lột mà tầng lớp lao động phải chịu đựng. Đồng thời, ông kêu gọi xã hội quan tâm hơn đến số phận của họ, đề cao giá trị con người và sự công bằng.

4:

Trong chương này, tác giả kể về việc một người lao động phải giả vờ say xỉn, lãng mạn để không bị nghi ngờ khi thâm nhập vào "hang hùm tổ rắn" của bọn gian phi. Tình huống này vừa hài hước (hài kịch) khi người lao động phải đóng vai trái ngược với bản chất, vừa bi thương (bi kịch) khi họ buộc phải làm vậy để sinh tồn trong môi trường đầy nguy hiểm.

5:

Chương này góp phần quan trọng trong việc phơi bày hiện thực xã hội đương thời, đặc biệt là những mâu thuẫn, nghịch lý trong cuộc sống của tầng lớp lao động. Nó giúp người đọc nhận thức sâu sắc hơn về sự bất công và thôi thúc họ suy nghĩ về trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học