Truyện ngụ ngôn là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Truyện ngụ ngôn là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyện ngụ ngôn.

Truyện ngụ ngôn là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm truyện ngụ ngôn

Truyện ngụ ngôn là truyện kể có thể kể bằng văn xuôi hoặc văn vần, ngắn gọn, hàm súc. Nhân vật trong câu truyện ngụ ngôn có thể là con người; đồ vật, loài vật được nhân hóa,... Truyện thường đưa ra bài học, cách ứng xử của con người trong cuộc sống.

2. Đặc điểm truyện ngụ ngôn

– Đề tài trong truyện ngụ ngôn thường là cách ứng xử hoặc đạo đức của con người trong cuộc sống.

- Nhân vật:

+ Nhân vật truyện ngụ ngôn là con người hoặc con vật, đồ vật được nhân hóa nhằm chuyển tải bài học đạo đức, kinh nghiệm sống.

+ Nhân vật truyện ngụ ngôn thường không được định danh bằng tên riêng cụ thể, thường được người kể chuyện gọi bằng danh từ chung như: rùa, thỏ, sói, cừu, cây sậy, thầy bói, bác nông dân.

+ Nhân vật trong truyện ngụ ngôn thường được được xây dựng ở các phương diện hành động, suy nghĩ, lời nói để qua đó người đọc, người nghe có thể rút ra những bài học sâu sắc.

– Cốt truyện ngụ ngôn thường xoay quanh một sự kiện (một hành vi, một cách ứng xử, một quan niệm, một nhận thức phiến diện, sai lầm…) nhằm đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

– Tình huống truyện là tình thế được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt; qua đó đặc điểm tính cách nhân vật và tư tưởng của tác giả được thể hiện rõ nét.

– Không gian trong truyện ngụ ngôn thường là một khung cảnh, môi trường hoạt động của nhân vật ngụ ngôn – nơi xảy ra sự kiện, câu chuyện.

Quảng cáo

– Thời gian trong truyện ngụ ngôn là một thời điểm khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

– Ngôn ngữ trong truyện ngụ ngôn thường giàu hình ảnh, có thể pha sự hài hước, qua đó tạo ấn tượng trực quan giúp người đọc dễ dàng cảm nhận thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Từ đó, người đọc có thể liên tưởng những ngụ ý, tư tưởng, đạo lí hay bài học cuộc sống hàm ẩn trong những hình ảnh này.

3. Ví dụ một số văn bản thuộc thể loại truyện ngụ ngôn

- Khi chúa sơn lâm ngọa bệnh.

Chèo bẻo và ác là

Mèo ăn chay...

- Ếch ngồi đáy giếng.

Người nông dân và con lừa.

Thả mồi bắt bóng.

Cà cuống với người tịt mũi.

Thầy bói xem voi...

Quảng cáo

4. Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại truyện ngụ ngôn

Khi đọc hiểu truyện ngụ ngôn, các em cần chú ý:

- Cần nắm bắt đặc trưng của truyện mượn truyện của loài vật để nói về chuyện người.

- Nhân vật trong truyện thường không được tìm hiểu về ngoại hình, hành động. Mà từ nhân vật ấy để đại diện cho một bộ phận người trong xã hội.

- Bài học triết lý được rút ra từ câu chuyện.

- Tích được việc đọc hiểu về Thành ngữ đã được học ở bậc Tiểu học.

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyện ngụ ngôn.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Dòng nào sau đây định nghĩa đúng về truyện ngụ ngôn?

A. Là hình thức tự sự cỡ nhỏ, trình bày những bài học đạo lí và kinh nghiệm sống, thường sử dụng lối diễn đạt ám chỉ, ngụ ý, bóng gió.

B. Là hình thức tự sự cỡ vừa, trình bày những bài học đạo lí và kinh nghiệm sống, thường sử dụng lối diễn đạt ám chỉ, ngụ ý, bóng gió.

C. Là hình thức tự sự cỡ lớn, trình bày những bài học đạo lí và kinh nghiệm sống, thường sử dụng lối diễn đạt ám chỉ, ngụ ý, bóng gió.

D. Cả 3 đáp án trên đều sai

Đáp án: A

Quảng cáo

Câu 2: Truyện ngụ ngôn thường sử dụng lối diễn đạt nào?

A. Mỉa mai, châm biếm

B. Đả kích

C. Nói thẳng vào vấn đề

D. Diễn đạt ám chỉ, ngụ ý, bóng gió

Đáp án: D

Câu 3: Đặc điểm hình thức của truyện ngụ ngôn là gì?

A. Truyện ngụ ngôn thường ngắn gọn, được viết bằng văn vần

B. Truyện ngụ ngôn thường ngắn gọn, được viết bằng văn xuôi hoặc thơ

C. Truyện ngụ ngôn thường có dung lượng lớn, được viết bằng văn vần

D. Truyện ngụ ngôn thường có dung lượng lớn, được viết bằng văn xuôi hoặc thơ

Đáp án: B

Câu 4: Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có gì đặc biệt?

A. Có thể là con người hoặc con vật, đồ vật được ẩn dụ (biết nói năng, có tính cách, tâm lí như con người)

B. Có thể là con người hoặc con vật, đồ vật được hoán dụ (biết nói năng, có tính cách, tâm lí như con người)

C. Có thể là con người hoặc con vật, đồ vật được so sánh (biết nói năng, có tính cách, tâm lí như con người)

D. Có thể là con người hoặc con vật, đồ vật được nhân hóa (biết nói năng, có tính cách, tâm lí như con người)

Đáp án: D

Câu 5. Ngôn ngữ của truyện ngụ ngôn như thế nào?

A. Giàu hình ảnh, có thể pha yếu tố hài hước

B. Cô đọng, hàm súc

C. Giàu hình ảnh, giàu chất thơ

D. Cả 3 đáp án trên đều đúng

Đáp án: A

Câu 6: Mục đích chủ yếu của truyện ngụ ngôn là gì?

A. Kể chuyện

B. Thể hiện cảm xúc

C. Gửi gắm ý tưởng, bài học

D. Truyền đạt kinh nghiệm

Đáp án: C

Câu 7: Tính chất nổi bật của truyện ngụ ngôn là gì?

A. Ẩn dụ đầy kịch tính

B. Giáo dục con người

C. Tố cáo xã hội

D. Cải tạo con người và xã hội

Đáp án: B

Câu 8: Những đối tượng nào có thể trở thành nhân vật trong truyện ngụ ngôn

A. Con người

B. Con vật

C. Đồ vật

D. Cả ba đối tượng trên

Đáp án: D

Câu 9: Cốt truyện trong truyện ngụ ngôn thường hướng đến điều gì?

A. Phê phán, lên án thói hư tật xấu của con người.

B. Vạch trần cái ác, cái xấu có tính bản chất của giai cấp thống trị (thời xưa).

C. Ca ngợi và bênh vực cho đạo đức con người thông qua nhân vật lí tưởng, kiểu mẫu.

D. Đưa ra bài học hay lời khuyên nào đó.

Đáp án: D

Câu 10: Thời gian trong truyện ngụ ngôn được xác định như thế nào?

A. Là một thời điểm cụ thể diễn ra câu chuyện.

B. Là một khoảnh khắc cụ thế nơi diễn ra sự việc, câu chuyện.

C. Là một thời điểm, khoảnh khắc nào đó mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường không xác định cụ thể.

D. Là các thời điểm khác nhau mà sự việc, câu chuyện xảy ra, thường được xác định cụ thể từng thời điểm, từng khoảnh khắc của câu chuyện.

Đáp án: C

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc ngững liệu sau và thực hiện các yêu cầu:

Câu chuyện của những ngón tay

Một hôm, những ngón tay tranh luận với nhau xem những ngón nào là quan trọng hơn cả. Thoạt tiên, ngón tay giữa nói:

- Tôi chiếm vị trí trung tâm của bàn tay, không có tôi thì bàn tay chẳng ra bàn tay nữa.

Các ngón khác đều cãi rằng:

- Tuy cậu ở vị trí trung tâm và cao hơn tất cả nhưng chỉ ngồi đó cho có vị thôi, chứ có giúp được việc gì cho bàn tay để cầm nắm đâu!

Ngón tay đeo nhẫn vênh mặt nói một cách tự hào rằng hắn đóng vai trò quan trọng nhất: chính hắn là người mang dấu hiệu tượng trưng cho sự trưởng thành của chú, tức là đeo nhẫn cưới.

Nhưng các ngón tay khác đều cười và nhận xét rằng:

- Thà cậu im đi còn hơn. Chiếc nhẫn cưới ấy ông chủ cất trong túi nhiều hơn, cốt để các cô gái trẻ tưởng ông ấy chưa lập gia đình, chứ có đeo đâu. Ngoài ra cậu có làm được việc gì khác đâu?

- Quan trọng nhất vẫn là tôi! – Ngón tay trỏ nói – Ai là người chỉ đường? Ai là người vạch ra những thiếu sót của cơ quan? Chính là tôi. Thử nghe ông chủ thường nói: Các bạn, nguyên nhân sự chậm tiến của chúng ta chính là ở đây…, mọi người đều sợ tôi trỏ vì không muốn mình là nguyên nhân, chậm tiến của cả tập thể.

- Bạn nhầm rồi, bạn thân mến ạ – Ngón tay cái phản đối – không phải chỉ mình bạn biết chỉ. Tôi cũng chỉ, nhưng chỉ một cách khéo léo, tế nhị hơn cơ. Tôi không chỉ thẳng vào người ta mà lại chỉ qua bên phải, qua sau lưng, nhưng vẫn trúng thủ phạm như thường. Hơn nữa, trong một số trường hợp, khi muốn thoái thác trách nhiệm, tôi giúp ông chủ chỉ cho khách sang cửa khác, gặp người khác mà cầu xin, phản đối…

Từ nãy chỉ có ngón út im lặng. Vả lại, nó còn biết khoe khoang gì nữa: nó vốn là ngón tay bé nhất. Nhưng…

- Kìa, tại sao chú út không nói gì? – Những ngón tay khác hỏi

- Em cũng biết chỉ đấy chứ. Vì em vốn nhỏ bé cho nên trong những lức ông chủ cần tự phê bình, ông ấy dùng em chỉ vào ngực mình thì chẳng ai trông thấy cả. Ngoài ra, em còn được việc trong những khi cần móc ngoặc: nếu thỏa thuận với ai, chỉ cần nói xong ngay. Thế là cả hai người đều em ra móc với nhau. Nhiều khi được việc ra phết đấy!

(Theo https://mgvanhkhuyen.tptdm.edu.vn/)

1. Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

A. Nghị luận

B. Tự sự

C. Biểu cảm

D. Miêu tả

2. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì để xây dựng nhân vật trong câu chuyện?

A. Nhân hóa

B. Điệp ngữ

C. Hoán dụ

D. So sánh

3. Có ý kiến cho rằng: Mỗi ngón tây trong câu chuyện tượng trưng cho một nét tính cách, phẩm chất của con người trong cuộc sống. Ý kiến đó đúng hay sai?

A. Đúng

B. Sai

4. Nhân vật nào không có nhiệm vụ, vai trò rõ ràng trong câu chuyện trên?

A. Ngón cái

B. Ngón trỏ

C. Ngón giữa

D. Ngón đeo nhẫn

5. “Câu chuyện của những ngón tay” gợi cho em nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn nào đã học?

A. Thầy bói xem voi

B. Đẽo cày giữa đường

C. Ếch ngồi đáy giếng

D. Chân, Tay, Tai, Mắt, Miệng

6. Em thích cách ứng xử của ngón tay nào nhất? Vì sao?

7. “Câu chuyện những ngón tay” gửi đến chúng ta nhiều bài học hay. Em hãy viết đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu lên bài học mà em rút ra được sau khi đọc câu chuyện.

Đáp án:

1. B

2. A

3. A

4. C

5. D

6.

- Em thích cách ứng xử của ngón tay út.

- Vì ngón tay út biết mình nhỏ bé nên rất khiêm tốn trong cuộc trò chuyện giữa các ngón tay. Đồng thời qua các câu thoại của ngón út, chúng ta còn nhận thấy được bài học ý nghĩa của con người trong cuộc sống: phải nhìn nhận thấy khuyết điểm, hạn chế của mình và có thái độ tự phê bình nghiêm khắc để tiến bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có thái độ sống thân thiện, hòa nhã, đoàn kết với nhau…

7. “Câu chuyện những ngón tay” gửi đến chúng ta nhiều bài học hay. Mỗi ngón tay có một đặc điểm riêng và đảm nhận vai trò, ý nghĩa trong bàn tay khi hoạt động. Vì vậy, không nên đề cao vai trò của ngón tay này mà xem thường, chỉ trích vai trò của ngón tay khác. Câu chuyện phê phán những kẻ huênh hoang, tự phụ, có thói quen chỉ trỏ phê bình người khác mà không nhìn nhận lại bản thân để lắng nghe, rút kinh nghiệm, sống tốt hơn. Mỗi con người sống trong cuộc đời này đều có đặc điểm, vai trò riêng; cần trân trọng giá trị của mỗi người, sống đoàn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau; không nên đề cao vị trí, vai trò của mình mà xem thường vai trò, giá trị của người khác.

Câu 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

BÒ VÀ ẾCH

Ếch đang ngồi trên một hòn đá giữa ao cùng các anh chị em của mình. Thỉnh thoảng, ếch lại phóng lưỡi ra bắt lấy một con chuồn chuồn bay ngang qua rồi nhai tóp tép. Nó rất thỏa mãn. Khi nó nhìn lên đồng cỏ, một con bò đang ăn cỏ lọt vào tầm mắt.

Cô em út của ếch há hốc miệng nhận xét:

- Con vật kia mới to lớn làm sao chứ!

Ếch hỏi:

- Em nghĩ thế thật à? Anh cũng có thể tự biến thành to lớn như thế! - Và nó phình ngực lên hết cỡ.

- Con bò vẫn lớn hơn nhiều - Cô em út nói.

- Ái chà vậy thì anh sẽ biến thành lớn hơn nữa - Con ếch ngu ngốc bèn huênh hoang. Và nó phình to ra, phình to ra, dãn hết bộ da cho đến khi nó đã căng hết cỡ.

- Con bò vẫn lớn hơn nhiều - Cô em út nói bằng giọng lí nhí vì sợ người anh lớn sẽ tức giận.

- Anh có thể biến thành to hơn nữa, thật sự anh có thể làm thế! - Con ếch giận dữ hét lên. Và nó phình ra, phình ra nữa cho tới khi… bụp một tiếng to - nó nổ banh xác! Và đó là kết cục của con ếch.

(Tuyển tập Truyện Aesop - NXB Văn học)

1. Văn bản trên thuộc thể loại nào? Xác định ngôi kể của văn bản?

2. Theo em, hành động phình to hết cỡ của con ếch (tới lần thứ ba) thể hiện điều gì về tính cách nhân vật này?

3.  Nếu là cô ếch út, em sẽ có hành động và lời nói như thế nào với ếch anh trong câu chuyện?

4. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 7-9 câu) trình bày bài học em rút ra được cho bản thân từ câu chuyện trên?

Đáp án:

1.

- Văn bản thuộc thể loại: Truyện ngụ ngôn

- Ngôi kể: Thứ ba.

2. Hành động phình to hết cỡ của con ếch (tới lần thứ ba) thể hiện tính cách nhân vật: Ếch quá ảo tưởng, hiếu thắng, kiêu ngạo về sức mạnh bản thân.

3.

+ Lời nói: Khuyến khích, khuyên con ếch làm những việc phù hợp với khả năng của mình.

+ Hành động: Ngăn cản ếch không nên làm những hành động thiếu suy nghĩ dễ gây ra hậu quả đáng tiếc.

4. Câu chuyện “Bò và ếch” tuy ngắn gọn nhưng truyền tải đến người đọc thông điệp ý nghĩa về thói huênh hoang, kiêu ngạo và cần nắm rõ những thế mạnh và hạn chế của bản thân mình. Mỗi người có một cách tôi luyện, rèn giũa bản thân mình khác nhau. Mỗi người muốn rèn luyện bản thân hãy cố gắng tránh xa những tính xấu đặc biệt là tính kiêu căng và tự mãn. Người kiêu căng, tự mãn hay có thói cho rằng bản thân mình là nhất, mình hơn người, những người khác phải học tập, noi theo mình, từ đó dẫn đến chủ quan, lơ là trong cuộc sống và dễ vấp ngã. Cuộc sống không nên kiêu căng và tự mãn bởi chính nó là thuốc độc giết chết tâm hồn ta. Càng tự mãn ta càng chủ quan, càng không đề phòng. Cho đến khi bất trắc, tai ương xảy đến ta không cống đỡ nổi dễ đưa ta vào tình thế nguy nan. Chẳng ai yêu mến và tôn trọng một kẻ kiêu căng, tự mãn. Thực tế, trong cuộc sống vẫn còn có những con người sống với lòng khiêm tốn cùng nhiều đức tính tốt đẹp khác được mọi người yêu quý, tin tưởng và tín nhiệm,… những người này xứng đáng là tấm gương để học tập theo.

Câu 3: Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

CỤC NƯỚC ĐÁ VÀ DÒNG CHẢY

Mưa, mưa đá! Một cục nước đá to lông lốc rơi bộp xuống. Thích quá, dòng chảy tay dang rộng, miệng nói lớn:

- A! Vui lắm mà! Cục nước đá hòa nhập ngay với chúng tôi.

Không được. – Cục đá lạnh lùng đáp – các anh đục ngầu bẩn thỉu thế kia, ta trong trắng to đẹp nhường này, bạn bè hòa nhập với các anh sao được?

Dòng chảy chưa kịp trả lời thì cục nước đá đã buông tiếp những lời đầy kiêu ngạo:

- Bảo cho các anh biết rằng: Biển cả, trời xanh mới là nơi hòa nhập dung thân của ta.

- Hầy dà! Ở một mình không được đâu, hòa nhập với chúng tôi đi.

Nói xong dòng chảy cười xòa rồi ào ra sông ra biển. Còn lại một mình buồn thiu, cục nước đá khóc, lúc sau thì tan ướt ở một góc sân.

(Trích 109 truyện ngụ ngôn Việt Nam hiện đại, NXB Hồng Đức, trang 144).

1: Văn bản trên thuộc thể loại/ tiểu loại nào ?

A. Văn bản thơ.

B. Văn bản truyện.

C. Văn bản thông tin.

D. Văn bản tản văn.

2: Dòng nào nêu đúng các sự việc chính trong truyện?

A. Cục nước đá rơi - Dòng nước rủ nhập vào - Cục nước tan ở góc sân.

B. Dòng nước chảy qua rủ nhập vào - Cục nước từ chối, tan ở góc sân.

C. Mưa - Dòng nước chảy qua rủ nhập vào - Cục nước từ chối - Cục nước đá tan.

D. Mưa - Cục nước đá rơi - Dòng nước rủ nhập vào - Cục nước từ chối - Cục nước khóc, tan ở góc sân.

3: Xác định tình huống giàu kịch tính của truyện ngụ ngôn trên?

A. Cục nước đá chuẩn bị tan, được rủ nhập vào một dòng nước.

B. Dòng nước chảy gần cục nước đá.

C. Cục nước đá không chịu nhập vào dòng nước.

D. Cục nước đá muốn nhập vào biển cả, rừng xanh rộng lớn.

4: Dòng nào dưới đây là lời độc thoại của nhân vật trong truyện?

A. Cục đá lạnh lùng đáp.

B. Biển cả, trời xanh mới là nơi hòa nhập dung thân của ta.

C. Thích quá, dòng chảy tay dang rộng, miệng nói lớn.

D. Một mình buồn thiu, cục nước đá khóc, lúc sau thì tan ướt ở một góc sân.

5: Vì sao cục nước đá không muốn hòa nhập vào dòng nước chảy?

A. Chê dòng nước bẩn thỉu.

B. Muốn hòa nhập vào biển cả, rừng xanh.

C. Chê dòng nước bẩn thỉu và tự cho nơi xứng đáng với mình là biển rộng...

D. Chê dòng nước bẩn thỉu và mong muốn chờ nhập với biển rộng, rừng xanh,

6: Câu nói của dòng nước “Hầy dà! Ở một mình không được đâu, hòa nhập với chúng tôi đi” chứa đựng lời khuyên gì với cục nước đá?

A. Cảnh báo việc cục nước đá sẽ bị tan chảy.

B. Không sớm hòa nhập thì sẽ bị tan chảy và không còn tồn tại.

C. Mong cục nước đá hòa nhập sớm, được ra biển lớn trước khi bị tan chảy.

D. Hòa nhập sớm thì còn tồn tại và sẽ có cơ hội ra với biển lớn.

7: Mong muốn hoà nhập ngay với biển cả, rừng xanh của cục nước đá thể

hiện điều gì?

A. Thiếu hiểu biết về quá trình trưởng thành, đạt mục tiêu của mỗi con người.

B. Quá kiêu căng, hiểu thắng.

C. Quá tự tin vào năng lực bản thân.

D. Tất cả đáp án trên.

8: Mối quan hệ giữa cục nước đá - dòng chảy thể hiện mối quan hệ nào sau đây?

A. Quan hệ giữa bộ phận và toàn thể.

B. Quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng.

C. Quan hệ nguyên nhân-kết quả.

D. Quan hệ giữa cá nhân với cội nguồn.

9: Cục nước đá tan ướt góc sân có phải kết cục xứng đáng với nó không? Lý giải dựa trên căn cứ từ văn bản đọc (trả lời 6-8 dòng)

10: Chia sẻ về điều em tâm đắc nhất khi đọc câu chuyện trên (trả lời 4-6 dòng)

Đáp án:

1. B

2. D

3. A

4. C

5. C

6. D

7. D

8. B

9. Cục nước đá tan ướt góc sân có kết cục xứng đáng với nó. Bởi nó đã không chịu hòa nhập dòng nước, chê và từ chối, muốn được ra biển cả. Cuối cùng thì cục nước đá lại tan ướt ở góc sân, không tìm được chốn dung thân. Khép lại, ta thấy rằng, sống ở đời chúng ta cần phải có bạn bè, cần biết yêu thương bởi đoàn kết là chìa khóa của thành công. Con đường đời không phải lúc nào cũng dải đầy hoa hồng cho chúng ta đi. Vì thế, yếu tố tiên quyết để dẫn đến sự thành công chính là” hợp tác”. 

10. Câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự thích nghi, hòa hợp. Qua đó, em rút ra được một bài học vô cùng tâm đắc : Hãy luôn vui vẻ, thích nghi và chung sống hòa hợp với mọi người, bởi điều đó có thể khiến ta và những người xung quang luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc. Đừng nên kiêu căng mà trút về trái đắng cho bản thân mình.

Câu 4: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

RÙA VÀ THỎ

Trời mùa thu mát mẻ. Trên bờ sông, Rùa đang cố sức tập chạy. Thỏ trông thấy liền mỉa mai Rùa:

- Đồ chậm như sên. Mày mà cũng đòi tập chạy à?

- Anh đừng giễu tôi. Anh với tôi thử chạy thi, coi ai hơn?

Thỏ vểnh tai tự đắc:

- Được, được! Dám chạy thi với ta sao? Ta chấp mi một nửa đường đó.

Rùa không nói gì. Nó biết mình chậm chạp, nên có sức chạy thật nhanh. Thỏ nhìn theo mỉm cười. Nó nghĩ: Ta chưa cần chạy vội, đợi Rùa gần đến đích ta phóng cũng vừa. Nó nhởn nhơ trên đường, nhìn trời, nhìn mây. Thỉnh thoảng nó lại nhấm nháp vài ngọn cỏ non, có vẻ khoan khoái lắm.

Bỗng nó nghĩ đến cuộc thi, ngẩng đầu lên thì đã thấy Rùa chạy gần tới đích. Nó cắm cổ chạy miết nhưng không kịp nữa. Rùa đã tới đích trước nó.

          (Câu chuyện Rùa và Thỏ, Theo truyện La Phông-ten)

1. Truyện Rùa và Thỏ thuộc thể loại nào?

A. Truyền thuyết

B. Thần thoại

C. Truyện cổ tích

D. Truyện ngụ ngôn

2. Nhân vật chính trong truyện Rùa và Thỏ là ai?

A. Rùa

B. Thỏ

C. Rùa và Thỏ

D. Sên

3. Thỏ chế giễu Rùa như thế nào?

A. Bảo Rùa là chậm như sên.

B. Bảo Rùa thử chạy thi xem ai hơn …

C. Bảo Rùa “Anh đừng giễu tôi”

D. Bảo Rùa là đồ đi cả ngày không bằng một bước nhảy của Thỏ.

4. Vì sao có cuộc chạy thi giữa Rùa và Thỏ?

A. Rùa thích chạy thi với Thỏ

B. Thỏ thách Rùa chạy thi

C. Thỏ chê Rùa chậm chạp khiến Rùa quyết tâm chạy thi.

D. Rùa muốn thách Thỏ chạy thi với mình

5. Vì sao Thỏ thua Rùa?

A. Rùa chạy nhanh hơn Thỏ.

B. Rùa cố gắng còn Thỏ chủ quan, coi thường Rùa.

C. Rùa dùng mưu mà Thỏ không biết.

D. Rùa vừa chạy vừa chơi mà vẫn tới đích trước.

6. Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu “Đồ chậm như sên.”?

A. Nhân hóa

B. Ẩn dụ

C. So sánh

D. Điệp ngữ

7. Truyện Thỏ và Rùa phê phán điều gì?

A. Phê phán những những người lười biếng, khoe khoang.

B. Phê phán những người lười biếng khoe khoang, chủ quan, kiêu ngạo.

C. Phê phán những người chủ quan, ích kỉ.

D. Phê phán những người coi thường người khác.

8. Hậu quả của thái độ chủ quan, kiêu ngạo của Thỏ là gì?

A. Thỏ đi học muộn.

B. Thỏ thua Rùa, bị mọi người cười nhạo.

C. Thỏ cắm cổ chạy, bị ngã.

D. Thỏ mải mê bắt bướm, quên đường về.

9. Qua câu chuyện trên em rút ra được bài học gì?

10. Qua câu nói: “Dám chạy thi với ta sao? Ta chấp mi một nửa đường đó”, em hãy viết một đoạn văn (5-7 câu) nêu cảm nhận của em về nhân vật Thỏ.

Đáp án:

1. D

2. C

3. A

4. C

5. B

6. C

7. B

8. B

9. Bài học: chậm mà kiên trì sẽ chiến thắng nhanh mà chủ quan kiêu ngạo. Chỉ cần chúng ta kiên trì chắc chắn thì sẽ thành công.

10. Qua câu nói trên, em thấy thỏ là 1 con vật có tính cách chủ qun kiêu ngạo và coi thường Rùa. Nghĩa là Thỏ đã đánh giá quá cao về bản thân và coi thường Rùa. Đây là 1 tính cách xấu mà thỏ phải sửa đổi. Bởi vì nó gây ra những hậu quả thật đáng tiếc khiến cho ta phải chịu thất bại và bị mọi người xung quanh cười nhạo vì vậy mỗi chúng ta cần phải khiêm tốn biết mình biết ta. Đánh giá đứng khả năng của mình và những người xung quanh. Hãy cùng nhau rèn luyện đẻ có những đức tính tốt đẹp các bạn nhé! 

Câu 5: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi sau:

CÂU CHUYỆN BÓ ĐŨA

Ngày xưa, ở một gia đình kia, có hai anh em. Lúc nhỏ, anh em rất hòa thuận. Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm.

Thấy các con không yêu thương nhau, người cha rất buồn phiền. Một hôm, ông đặt một bó đũa và một túi tiền trên bàn, rồi gọi các con, cả trai, cả gái, dâu, rể lại và bảo:

- Ai bẻ gãy được bó đũa này thì thưởng cho túi tiền

Bốn người con lần lượt bẻ bó đũa. Ai cũng cố hết sức mà không sao bẻ gãy được. Người cha bèn cởi bó đũa ra, rồi thong thả bẻ gãy từng chiếc một cách dễ dàng.

Thấy vậy, bốn người con cùng nói:

- Thưa cha, lấy từng chiếc mà bẻ thì có khó gì!

Người cha liền bảo:

- Đúng. Như thế là các con đều thấy rằng chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh.

(Truyện ngụ ngôn Việt Nam)

1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản?

A. Thuyết minh

B. Tự sự

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

2: Văn bản trên gồm mấy nhân vật?

A. Có 2 nhân vật

B. Có 3 nhân vật

C. Có 4 nhân vật

D. Có 5 nhân vật

3: Phó từ “vẫn” trong câu văn: “Khi lớn lên, anh có vợ, em có chồng, tuy mỗi người một nhà nhưng vẫn hay va chạm”, có tác dụng gì?

A. Chỉ sự tiếp diễn tương tự

B. Chỉ quan hệ thời gian

C. Chỉ mức độ

D. Chỉ sự phủ định

4: Lúc nhỏ, những người con sống thế nào?

A. Anh em hay gây gổ nhau

B. Anh em thường nói xấu, ganh ghét nhau

C. Anh em sống hòa thuận, đoàn kết, yêu thương nhau

D. Anh em so bì, đố kị nhau

5: Người cha gọi các con lại để làm gì?

A. Trò chuyện vui vẻ cùng các con

B. Chia tài sản cho các con

C. Căn dặn các con cần phải chăm chỉ làm việc

D. Bảo họ rằng nếu ai bẻ gãy được bó đũa này thì cha thưởng cho túi tiền

6: Tại sao bốn người con không ai bẻ gãy được bó đũa?

A. Tại vì họ chưa dùng hết sức mạnh của mình để bẻ

B. Tại vì họ cầm cả bó đũa người cha đưa để bẻ

C. Tại bó đũa làm bằng kim loại nên không ai bẻ gãy được

D. Tại vì không ai muốn bẻ gẫy bó đũa cả

7: Một chiếc đũa được ngầm so sánh với gì? Cả bó đũa ngầm so sánh với gì?

A. Một chiếc đũa hay cả bó đũa ngầm so sánh với một người con trong câu chuyện

B. Một chiếc đũa được ngầm so sánh với một người con; cả bó đũa ngầm so sánh với cả bốn người con

C. Một chiếc đãu được ngầm so sánh với bốn người con; cả bó đũa ngầm so sánh với một người con

D. Một chiếc đũa hay cả bó đũa ngầm so sánh với cả bốn người con trong câu chuyện

8: Người cha muốn khuyên nhủ các con điều gì?

A. Các con không cần phải quan tâm, tương trợ lẫn nhau, mỗi người phải tự thân vận động xây dựng cuộc sống của mình

B. Các con phải cùng tập hợp nhau lại, đồng lòng chung sức thì mới bẻ gẫy được cả bó đũa

C. Các con phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; có đoàn kết thì mới tạo ra sức mạnh

D. Các con không so đo, tính toán thiệt hơn số tài sản cha để lại cho mỗi người

9: “Câu chuyện bó đũa” khuyên nhủ chúng ta bài học gì trong cuộc sống?

10: Viết khoảng 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của em về sức mạnh của tinh thần đoàn kết.

Đáp án:

1. B

2. D

3. A

4. C

5. D

6. B

7. B

8. C

9. “Câu chuyện bó đũa” khuyên nhủ chúng ta bài học:

- Câu chuyện đã mang đến bài học sâu sắc về sức mạnh của tinh thần đoàn kết đối với cuộc sống của con người. Mỗi chúng ta cần phải biết đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, sẻ chia với nhau thì sẽ tạo nên sức mạnh phi thường, cùng nhau giải quyết tốt những vấn đề khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

- Trong cuộc sống, cần xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa người với người, tạo nên một xã hội đoàn kết, giàu tình nhân ái,…

- Trong cuộc sống, nếu không biết đoàn kết mà cứ tị nạnh, ganh ghét lẫn nhau thì sẽ mãi cô độc như một chiếc đũa dễ dàng bị bẻ gãy vậy.

10. Trong cuộc sống tinh thần đoàn kết là lớn mạnh nhất, có đoàn kết là có thắng lợi. Chúng ta có thể thấy được điều đó ví dụ như trong học tập, những bạn có cùng quan điểm học tập cùng nhau hợp tác sẽ trở nên hoàn thiện hơn. Trong gia đình, vợ chồng hòa thuận, anh em đồng lòng cũng làm gia đình trở nên gắn kết hơn và vượt qua mọi nỗi khó khăn, nguy hiểm. Ta có thể thấy được đoàn kết có sức mạnh to lớn như thế. Vậy, đúng thật, như các cụ ngày xưa thường nói, sức mạnh của tinh thần đoàn kết luôn xoay quanh đời sống chúng ta.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học