Top 100 Đề thi Văn 11 Cánh diều (có đáp án)
Tuyển chọn 100 Đề thi Ngữ văn 11 Cánh diều Học kì 1, Học kì 2 năm 2024 mới nhất có đáp án và lời giải chi tiết, cực sát đề thi chính thức gồm đề thi giữa kì, đề thi học kì giúp học sinh 11 ôn luyện và đạt điểm cao trong các bài thi Văn 11.
Đề thi Văn 11 Cánh diều (có đáp án)
Xem thử Đề thi GK1 Văn 11 Xem thử Đề thi CK1 Văn 11 Xem thử Đề thi GK2 Văn 11 Xem thử Đề thi CK2 Văn 11
Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi Văn 11 Cánh diều bản word có lời giải chi tiết, dễ dàng chỉnh sửa:
- B1: gửi phí vào tk:
1053587071
- NGUYEN VAN DOAN - Ngân hàng Vietcombank (QR) - B2: Nhắn tin tới Zalo VietJack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận giáo án
Đề thi Văn 11 Giữa kì 1 Cánh diều
Đề thi Văn 11 Học kì 1 Cánh diều
Đề thi Văn 11 Giữa kì 2 Cánh diều
Đề thi Văn 11 Học kì 2 Cánh diều
Xem thêm Đề thi Văn 11 cả ba sách:
Sở Giáo dục và Đào tạo ...
Đề thi Giữa kì 1 - Cánh diều
Năm học 2024 - 2025
Môn: Ngữ Văn 11
Thời gian làm bài: phút
I. ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
Ông già Tư Nhỏ thức dậy từ lúc nửa đêm. Ông rên lên một tiếng ứ hự, thấy thất vọng khi nghe lòng mình vẫn còn đau. Có một niềm khát khao đến cháy bỏng, ông vẫn thường ước ao một lần nào đó đánh giấc thật sâu, khi trở dậy nỗi đau ấy biến mất, không còn dấu vết, như thể nó chưa từng có trên đời. […]
Tình cha con đã như nước chảy xuống kẽ tay từ một ngàn năm trăm mười hai ngày trước. Cái ngày con Nga rầu rầu xin ra Chợ Cũ thăm má nó. Ông gật đầu, thì người đàn bà đó hơn một năm rồi chẳng về, tưởng đã quên mất con đường quay lại Xẻo Mê. Ai dè chiều hôm sau má con Nga tong tả xông vào nhà, níu ao ông mà rằng:
- Sao anh hại đời con gái tôi đến nỗi nó phải mang bầu...
Ông Tư kêu lên một tiếng trời ơi. Tôi là người như vậy sao, Cúc ơi, tôi mà là người như vậy à. Cúc biết tôi từng ấy năm trời, sao lại gieo cho tôi cái tội mà chỉ nghĩ đến thôi đã xấu xa… Nhưng chẳng kịp mặc cái áo khô vào để phân trần, công an xã đến mời ông đi. Má con Nga theo sau, la khóc. Mọi người bàng hoàng ngó nhau, đâu nè, anh Tư Nhỏ hồi nào giờ ở đời tử tế, chị đã dò hỏi kỹ chưa, con Nga nó nói vậy à. Không, con Nga nó không chịu nói tên người đó, bà con cô bác nghĩ coi, ai mà nó không dám kêu tên... Ai trồng khoai đất này…
Lúc con Nga hay được thì ông Tư đã bị nhốt năm ngày. Nó trốn má về, chạy thẳng ra xã xin ông ra. Nó sụp lạy ông ngay trụ sở Uỷ ban, nó khóc, “Ba ơi, tại con hư, con làm ba khổ, ba tha lỗi cho con, nghen ba”. Ông đỡ nó dậy, cười mếu máo, “Thôi con, đứng dậy, về. Chuyện qua rồi …”. […]
Rồi người trước người sau, họ trở về căn nhà nhỏ bên kinh Xẻo Mê. Căn nhà từ đây trở đi nằm chơ vơ trong ánh mắt cười cợt, trong lời đàm tiếu của người đời. […]
Ông Tư mua than đước dự trữ trong nhà, đưa con Nga ít tiền ra chợ sắm sửa cho đứa bé sắp chào đời. Ông còn chuẩn bị cả vỏ tỏi, hạt mè để làm thuốc cho con Nga những ngày ở cử. Ông ngượng ngịu bảo, “Cái này… tao biết là vì… hồi má bây sinh…”. […]
Đứa trẻ ngày xưa bây giờ đã làm mẹ một đứa trẻ khác, cũng môi đỏ, mắt đen. Hôm ở trạm xá về, ở xóm người ta lại thăm nườm nượp, không kịp nhìn đứa trẻ, nắc nẻ khen liền: “Trời ơi thiệt là giống chú Tư quá hen”. Có người chưa đi quá cái miễu ông Tà đã cười cợt bàn với nhau, hỏng biết thằng nhỏ kêu ông Tư Nhỏ là gì ha, là ngoại hay cha. Ông đang quạt mẻ than, nghe câu ấy thảng thốt nhìn tro bụi tơi bời, con gái nỉ non, ba ơi, kệ con, coi chừng người ta thấy, nói tới nói lui. Ông già nổi quạu đùng đùng, “Thiên hạ phải để tôi sống đàng hoàng như một con người chớ”. Tiếng kêu nghe thấu đến trời, sao đồng loại con người không học cách hiểu nhau.
Đêm đó, ông thức trắng. Sáng ra con mắt trõm lơ, ông sửa soạn quẩy gói đi. Hai mẹ con Nga ọ ẹ lên tiếng trong nhà, ông Tư nói vói vô, “Bây có muốn mua gì không, tao đi huyện nè…”. Trời, đi chi vậy ba... Ông nói ông cũng chưa biết nữa, nhưng dù không biết phải bắt đầu từ đâu cũng phải đòi lại danh dự cho mình, cho con Nga và thằng cháu ngoại, đòi lại những niềm vui đã bị người đời tước đoạt.
[…] Một bữa có đoàn cán bộ huyện về khánh thành con đường giao thông nông thôn từ Xẻo Mê về Phước Hậu. Nghe nói họ sẽ đi qua nhà (đi một khúc để Đài truyền hình quay phim), con Nga bèn cầm chổi ra sân quét lá. Thấy bóng người quen, Nga gọi nhỏ, anh gì ơi. […]. Người nọ đứng ngây ra, mặt tái như mặt gà mái, hồi lâu mới hỏi: “Bây giờ… Nga muốn gì…”. Con Nga giả đò chưng hửng, “Ủa, vậy mấy lần ba tui lên huyện kêu oan, anh không gặp sao, anh biết ba tui khổ sao anh im re vậy...”. Nói rồi nó đủng đỉnh đi vô, kêu thầm, trời ơi, người này, hồi đó với mình nồng mặn biết bao nhiêu, khi anh ta say công danh mà bỏ rơi mình, mình đã đau vất đau vả. Sao bây giờ gặp nhau, thấy nản không muốn nhìn mặt. Thì ra, tình cảm cũng như bát nước hắt đi, không mong gì hốt lại.
Rồi một trưa đầy nắng, mây trên trời xanh lẻo xanh lơ, trước giờ ca cải lương, đài truyền thanh xã gởi đi lời xin lỗi của chính quyền đối với công dân Dương Văn Nhỏ. Đơn giản, gọn hơ, nhẹ nhỏm. Vậy là huề nghen. Cái câu dài thê thiết những dấu phẩy, dấu chấm lửng cuối cùng cũng được người ta chấm cái rột. Ông Tư lúc đó đang móc đất nắn trâu cho thằng Sáng chơi, khóc hức lên vì không cầm lòng được, sao kỳ vậy cà, người ta đã giải oan cho mình rồi, đã xin lỗi mình rồi sao mình vẫn mãi đau.
(Trích Đau gì như thể…, Nguyễn Ngọc Tư, Tuyển tập truyện ngắn - http://vanhoc.quehuong.org/viewtruyen.php?cat=13&ID=2707, truy cập ngày 16/8/2023)
Lựa chọn đáp án đúng:
Câu 1. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là ai?
A. Nga.
B. Ông Tư Nhỏ.
C. Bà Cúc.
D. Thím Hồng Nhiên.
Câu 2. Trong đoạn trích trên, nhân vật Nga có mối quan hệ như thế nào với nhân vật ông Tư Nhỏ?
A. Hàng xóm.
B. Con riêng của ông Tư Nhỏ.
C. Con riêng của bà Cúc - vợ cũ của ông Tư Nhỏ.
D. Cháu gái.
Câu 3. Câu chuyện trong đoạn trích trên được kể bằng lời của ai?
A. Lời của nhân vật ông Tư Nhỏ.
B. Lời của người Nga.
C. Lời của người dân xã Xẻo Mê.
D. Lời của người kể chuyện ngôi thứ ba số ít.
Câu 4. Người kể chuyện đặt điểm nhìn ở đâu khi miêu tả những cảm xúc của ông Tư Nhỏ lúc nhận được lời xin lỗi của chính quyền?
A. Từ điểm nhìn của người kể chuyện.
B. Từ điểm nhìn của Nga.
C. Từ điểm nhìn của ông Tư Nhỏ.
D. Từ điểm nhìn của Nga và ông Tư Nhỏ.
Câu 5. Sự việc nào trong đoạn trích đóng vai trò là “nút thắt” trong cốt truyện của tác phẩm trên?
A. Bà Cúc bỏ đi vì không chịu được cuộc sống nghèo khổ.
B. Nga có bầu và không chịu khai ai là cha đứa trẻ.
C. Ông Tư Nhỏ mang đơn đi đòi lại danh dự cho bản thân.
D. Ông Tư Nhỏ được chính quyền địa phương công khai xin lỗi qua đài truyền thanh xã.
Câu 6. Dòng nào sau đây nêu đúng chủ đề chính của đoạn trích?
A. Đoạn trích thể hiện cuộc sống vất vả, cơ cực của những người nông dân nghèo.
B. Đoạn trích phê phán thái độ sống hời hợt, vô tâm của con người trong xã hội.
C. Đoạn trích đề cao đạo đức, nhân phẩm của những người lao động nghèo.
D. Đoạn trích thể hiện những dự cam lo âu về sự suy thoái của đạo đức xã hội.
Câu 7. Trong đoạn trích, tác giả thể hiện thái độ như thế nào đối với nhân vật ông Tư Nhỏ?
A. Phê phán hành động bất nhân của nhân vật với con gái riêng của vợ cũ.
B. Thương hại cho hoàn cảnh éo le, phải một mình nuôi con của nhân vật.
C. Thấu hiểu, cảm thông, không quy kết bản chất của con người qua sự việc bề nổi.
D. Dửng dưng, không đồng tình cũng không phê phán nhân vật.
Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:
Câu 8. Bạn có đồng tình với thái độ, cách hành xử của những người dân xã Xẻo Mê với ông Tư Nhỏ khi họ cho rằng ông đã loạn luân với con gái riêng của vợ cũ?
Câu 9. Nhận xét về giọng điệu trần thuật được thể hiện trong đoạn trích?
Câu 10. Chi tiết nào trong đoạn trích để lại ấn tượng sâu sắc nhất với bạn? Vì sao?
II. VIẾT (4.0 điểm)
Viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 - 600 chữ) phân tích, đánh giá về tình huống truyện trong truyện ngắn Đau gì như thể… của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Sở Giáo dục và Đào tạo ...
Đề thi Học kì 1 - Cánh diều
Năm học 2024 - 2025
Môn: Ngữ Văn 11
Thời gian làm bài: phút
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Cặp mắt anh lại đang nhìn xói vào cái mặt tôi đang được bàn tay anh dằn ngửa ra. Da mặt tôi cứ dày lên. Tôi nhắm mắt, rồi mở mắt. Mỗi lúc mở mắt, tôi không thể nhìn đi đâu khác cặp mắt anh. Trời ơi, có lẽ tôi ngồi trên ghế cắt tóc ở cái quán này đã một nửa thế kỷ? Chốc nữa, sắp tới, anh sẽ làm gì tôi đây?
- Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia! Bây giờ thì tấm hình tao đã được trưng trên các tạp chí hội họa của khắp các nước. Người ta đã trân trọng ghi tên mày bên dưới, bên cạnh mấy chữ: "Chân dung chiến sĩ giải phóng". Thật là danh tiếng quá!
- Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu là một anh thợ vẽ truyền thần, công việc nghệ sĩ là phục vụ cả một số đông người, chứ không phải chỉ phục vụ một người! Anh chỉ là một cá nhân, với một cái chuyện riêng của anh, anh hãy chịu để cho tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức "chân dung chiến sĩ giải phóng" đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng ta thêm!
"A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả... Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi!".
Một bận, đến hai ngày liền tôi không thấy anh thợ của tôi làm việc. Cái quán cắt tóc bỏ vắng hai ngày liền. Sáng ngày thứ ba vẫn thế. Và lại thấy một người đàn bà ra dọn dẹp, chứ không phải bà cụ già lòa như mọi ngày. Tôi chạy sang. Chiếc ghế cắt tóc không còn nữa. Chỉ còn chiếc gương và mấy cái chai lọ. Người đàn bà hỏi tôi:
- Bác đến cắt tóc?
- Vâng.
- Nhà em mấy hôm nay đang dọn cái chỗ làm mới ở phố ngoài kia. Ngày mai xong. Xin mời bác đến.
Vợ anh có vẻ trạc tuổi gần ba mươi. Một khuôn mặt đàn bà hiền lành. Chị vừa nói vừa bóc tấm tranh của tôi ra. Tôi gợi chuyện.
- Bức tranh đẹp đấy chứ, chị nhỉ?
Người đàn bà hơi đỏ mặt, cuốn tấm tranh lại một cách cẩn thận. Lâu sau mới đáp:
- Anh nhà tôi bảo: Anh bộ đội trong tờ tranh này chính là người ta vẽ anh ấy. Hồi anh ấy còn ở bộ đội trong B. Cho nên mới mua về treo.
- Anh ấy nói với chị thế?
- Vâng.
- Hôm trước tôi đến cắt tóc ở đây có thấy một bà cụ...
- Là mẹ anh nhà tôi. Thế ra bác là khách quen?
- Vâng. Bà cụ bị tật lâu chưa?
- Thưa đã lâu. Đã chín năm nay.
- Vì sao?
- Bà cụ lòa đi cũng vì anh nhà tôi. Ngày đó bỗng nhiên có tin ra nhà tôi hy sinh. Bà cụ đâm ốm. Anh ấy là con một. Bà cụ nhớ anh ấy, nửa đêm cũng trở dậy đi lang thang. Cứ khóc hoài...
- Bà cụ lòa từ năm nào, chị biết không?
- Từ 69.
- Từ tháng mấy?
- Tôi cũng không nhớ thật rõ, có lẽ khoảng giữa năm.
Tôi ra đến Hà Nội vào đầu tháng ba năm ấy. Nếu tôi là một người tử tế ra thì không khéo bà cụ không bị lòa, không những thế mà tôi còn có thể làm cho bà cụ khỏe ra! Chính tôi đã làm cho bà mẹ anh trở thành mù lòa?
[…] Tôi quyết định phải trở lại cái quán kia. Tôi quyết định phải chường cái mặt mình ra, chứ không được lẩn tránh. Tôi không cho phép tôi chạy trốn. Bà cụ lại ngước mắt lên nhìn tôi như lần trước khuôn mặt đờ đẫn và hoan hỉ:
- Thưa ông đến cắt tóc?
- Vâng ạ!
Anh thợ cắt tóc nghe mẹ lên tiếng mới quay người lại. Tôi vừa kịp nhận ra được từ nơi cặp mắt vẫn còn trẻ của anh chiếu thẳng về phía tôi một cái nhìn ban đầu soi mói, ngạc
nhiên, rồi hơi nghiêm mặt lại. Nhưng những diễn biến phản ứng trên cái mặt người thợ chỉ diễn ra nhanh như một cái chớp mắt. Ngay sau đó anh lại trở lại cái vẻ mặt và cử chỉ từ tốn, điềm đạm, ân cần của một người thợ cắt tóc đứng đắn và yêu nghề.
Da mặt tôi tự nhiên dày cộm lên.
- Mời bác ngồi!
Tôi cố trấn tĩnh để khỏi run lập cập, bước tới ngồi vào cái ghế gỗ như một cái ghế tra điện.
- Bác vẫn cắt như cũ?
- Vâng.
…
"Lần này anh lại đối xử với tôi như lần trước đây?"
"Phải".
"Anh cũng không trách mắng, chỉ trán chỉ mặt tôi?"
"Không! Anh cứ yên tâm. Trước sau tôi vẫn coi anh là một nghệ sĩ tài năng đã có nhiều cống hiến cho xã hội".
"Bây giờ anh nói với tôi một điều gì đi, khuyên tôi một nhời đi!"
"Không".
"Tôi có phải cút khỏi đây không?"
"Không. Anh cứ đến đây. Tôi cắt cho anh kỹ lắm, anh biết đấy!"
Gần nửa năm, tôi đã để vào bức tranh sơn mài tất cả công sức và sự suy nghĩ, và trong suốt thời gian ấy, một đôi lần tôi cũng gợi lại chuyện cũ nhưng người thợ vẫn một mực cố tỏ ra chưa hề bao giờ quen biết tôi. Trở về làm một anh thợ cắt tóc cũng như lúc ở bộ đội, anh vẫn lẳng lặng sống như vậy để cho người chung quanh tự phán xét lấy những công việc đã làm. Lời đề nghị rụt rè của anh: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình.
Bây giờ thì cái tác phẩm mới của tôi đã hoàn thành. Tôi đang đối mặt với chính mình, để viết những dòng này, như những lời chú giải cho một tác phẩm hội họa thể hiện một cái mặt người rất lớn: những luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và trên đầu chiếu thẳng xuống một nửa mái đầu tóc tốt rợp như một khu rừng đen bí ẩn, và một nửa mái tóc đã cắt, thoạt trông như một phần bộ óc mầu xám vừa bị mổ phanh ra. Phần bên dưới khuôn mặt như vẫn đang được giấu kín dưới một cái mặt nạ: dưới cằm và hai bên mép phủ kín bọt xà phòng.
Không trông rõ miệng, chỉ thấy một vệt mầu đen lờ mờ nổi bồng bềnh trên những đám bọt xà phòng. Và nổi bật trên cái khuôn mặt là đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn, đầy nghiêm khắc, đang nhìn vào nội tâm.
(Trích truyện ngắn Bức tranh, Nguyễn Minh Châu, tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành,1983)
Câu 1. Đoạn trích được kể theo ngôi thứ mấy?
A. Ngôi thứ nhất
B. Ngôi thứ hai
C. Ngôi thứ ba
D. Ngôi thứ hai và ngôi thứ ba
Câu 2. Đoạn trích trên có sự xuất hiện của mấy nhân vật?
A. 1
B. 2
C. 3
D. 4
Câu 3. Bức tranh của người họa sĩ vẽ có tên là gì?
A. “Chân dung người chiến sĩ”
B. “Chân dung anh bộ đội cụ Hồ”
C. “Chân dung người chiến sĩ quả cảm”
D. “Chân dung chiến sĩ giải phóng"
Câu 4. Câu sâu thuộc kiểu câu nào phân theo mục đích nói?
“Đồ dối trá, mày hãy nhìn coi, bà mẹ tao khóc đã lòa cả hai mắt kia!”
A. Câu đơn
B. Câu ghép
C. Câu cảm thán
D. Câu cầu khiến
Câu 5. Vì sao bà mẹ (bà cụ) bị mù lòa cả hai mắt?
A. Bà cụ ốm một trận rất nặng rồi hai mắt lòa đi.
B. Bà cụ khóc thương tới lòa hai mắt khi nghe tin con trai hy sinh.
C. Bà cụ bị mù lòa hai mắt bẩm sinh.
D. Bà cụ gặp tai nạn khiến hai mắt bị mù lòa.
Câu 6. Trên cương vị là một người họa sĩ, nhân vật “tôi” là người như thế nào?
A. Là một nghệ sĩ tài năng, anh ta vốn nghiêm túc với nghệ thuật và công việc.
B. Là một nghệ sĩ nổi tiếng, với mong muốn vẽ được bức tranh để đời.
C. Là nghệ sĩ vẽ tranh kém nổi, sống nhờ nghề vẽ tranh.
D. Là nghệ sĩ tài ba, được học qua nhiều trường lớp và các họa sĩ nổi tiếng.
Câu 7. Sau khi biết lí do mẹ của anh thợ cắt tóc bị mù, nhân vật “tôi” có thái độ như thế nào?
A. Nhận ra lỗi lầm của bản thân và cảm thấy day dứt, trăn trở.
B. Chưa nhận ra lỗi lầm nhưng cảm thấy buồn thương.
C. Cảm thấy lo lắng, sợ hãi.
D. Cảm thấy hoảng hốt, hồi hộp.
Câu 8 (0,5 điểm) Em hãy nhận xét về sự thay đổi cách xưng hô của anh thợ cắt tóc với nhân vật “tôi”.
Câu 9 (1,0 điểm) Em hiểu như thế nào về lời đề nghị rụt rè của anh thợ cắt tóc trong quá khứ được gợi lại từ dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi”: Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình.
Câu 10 (1,0 điểm) Hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về người thợ cắt tóc trong đoạn trích “Bức tranh” của tác giả Nguyễn Minh Châu.
Phần II. Viết (4,0 điểm)
Truyện ngắn “Bức tranh” đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu khi ông chuyển hướng sáng tác sang kiểu nhân vật tư tưởng. Dựa vào đoạn trích trên, em hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về các nhân vật trong truyện ngắn “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu.
Sở Giáo dục và Đào tạo ...
Đề thi Giữa kì 2 - Cánh diều
Năm học 2024 - 2025
Môn: Ngữ Văn 11
Thời gian làm bài: phút
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
MỘT CƠN GIẬN
Thạch Lam
[…] Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.
Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:
- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.
- Thầy cho sáu xu.
- Không, bốn xu là đúng giá rồi […]
tôi lại càng ghét và quay lại gắt:
- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.
Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:
- Lại đây đi mà.
Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:
- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.
Anh xe cãi lại:
- Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!
- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.
Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe… Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.
- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.
- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!
Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:
- Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.
Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.
Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.
- Ê! Đứng lại!
Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:
- Lạy thầy... thầy nói giúp con... thầy làm ơn...
Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe. Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:
- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!
Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.
- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?
Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:
- Tôi đi từ phố hàng Bún.
- Vậy phiền ông xuống xe.
Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:
- Allez! Đi về bót!
Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.
Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?
Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt. Tôi nhất định đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình…
Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.
Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:
- Bẩm thầy muốn gì?
Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.
- Bác Dư có nhà không?
- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.
Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:
- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.
Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?
Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:
- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.
Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:
- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.
- Thế bây giờ bác ta đâu?
Bà cụ trả lời:
- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.
Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:
- Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?
Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, mặt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thoảng lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.
- Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.
Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.
Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực […].
Ra đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà… Đứa bé con đã chết.
(Nguồn: Tuyển tập Thạch Lam, XXB văn học, 2018)
Câu 1. Dòng nào nói lên đặc điểm thể loại của văn bản Một cơn giận của Thạch Lam?
A. Truyện dài, nhiều nhân vật, viết về cuộc đời, số phận nhân vật.
B. Truyện ngắn, viết về một quãng đời/ một lát cắt trong cuộc đời của nhân vật.
C. Truyện ngắn, viết về số phận nhân vật.
D. Trích đoạn tiểu thuyết, phản ánh hiện thực rộng lớn, nhiều nhân vật.
Câu 2. Dòng nào nói lên đề tài của văn bản Một cơn giận?
A. Nông thôn
B. Tâm lí
C. Thành thị
D. Kỹ năng ứng xử
Câu 3. Dòng nào nói lên cảm hứng chủ đạo của văn bản Một cơn giận?
A. Lên án kẻ vô tâm, tàn nhẫn; xót thương kiếp nghèo khổ.
B. Phê phán sự nhẫn tâm; xót thương kiếp người nghèo khổ.
C. Trân trọng sự hối lỗi; xót thương kiếp nghèo khổ.
D. Mỉa mai những kẻ lắm lời; xót thương kiếp người nghèo khổ.
Câu 4. Suy nghĩ của nhân vật “tôi” ở dòng sau diễn ra vào thời điểm nào? Nó có tác dụng gì trong khắc họa nhân vật?
“Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời với những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá.”
A. Sau khi người kéo xe bị đội xếp tây phạt; thể hiện sự hối hận của “tôi”.
B. Trước khi người kéo xe bị đội xếp tây phạt; thể hiện sự nhẫn tâm của “tôi”.
C. Khi đội xếp Tây đang hỏi; thể hiện sự đấu tranh trong nội tâm của “tôi”.
D. Khi người kéo xe đang van xin; thể hiện sự đắc ý của “tôi”.
Câu 5. Khi nào, nhân vật “tôi” hối hận về ứng xử của mình?
A. Cơn giận đã hết rồi
B. Thấy anh phu xe run sợ
C. Thấy ba đồng bạc phạt quá lớn
D. Thấy hình ảnh anh phu xe hiển hiện trước mắt
Câu 6. Cơn giận của nhân vật “tôi” đã gây ra hậu quả như thế nào?
A. Người phu xe mất việc, phải đi trốn
B. Đứa bé chết vì bố nó mất việc, không có tiền mua thuốc
C. Nhân vật tôi sống trong sự giày vò
D. Nhân vật tôi mất oan một khoản tiền
Câu 7. Tác giả miêu tả những người khốn khổ ở cùng nơi với người phu xe Dư nhằm mục đích gì?
A. Tô đậm sự hối hận của nhân vật “tôi”, của đội xếp tây.
B. Tô đậm sự khốn khổ của người phu xe, sự tàn nhẫn của “tôi”
C. Tố cáo xã hội cũ chứa đầy những bất công
D. Chứng tỏ “tôi” đã bỏ nhiều công chuộc lỗi
Câu 8. Dòng nào nói lên nghệ thuật kể chuyện văn bản Một cơn giận?
A. Người kể chuyện ngôi thứ 3 (người kể chuyện toàn tri)
B. Kết hợp hai ngôi kể (2 câu chuyện lồng trong nhau)
C. Người kể chuyện ngôi thứ nhất (người kể chuyện hạn tri)
D. Chủ thể trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp
Câu 9 (1,0 điểm) Văn bản đã gửi đến người đọc tư tưởng, thông điệp nào? Hình thức nghệ thuật nào của văn bản chuyển tải điều đó?
Câu 10 (1,0 điểm) Em rút ra được kinh nghiệm gì trong việc giải tỏa cơn giận của bản thân? Theo em, nhân vật “tôi” cần làm gì để giảm tội lỗi của mình?
Phần II. Viết (4,0 điểm)
Chọn một trong những vấn đề trong các ô chữ sau và viết bài văn nghị luận về tác phẩm văn học Một cơn giận của Thạch Lam.
Sở Giáo dục và Đào tạo ...
Đề thi Học kì 2 - Cánh diều
Năm học 2024 - 2025
Môn: Ngữ văn 11
Thời gian làm bài: phút
Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)
Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
HỒN TRƯƠNG BA VÀ VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT
(Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)
Tóm tắt vở kịch
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được viết vào năm 1981-1984, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nội dung có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc.
Trương Ba là một người làm vườn tốt bụng, nhân hậu, rất cao cờ và thường đấu cờ với Đế Thích. Danh tiếng của ông vang đến tận trời xanh. Tuy nhiên, do sự làm ăn tắc trách mà Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Theo gợi ý của Đế Thích, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ngoài ba mươi tuổi mới mất ở làng bên. Trương Ba sống lại và nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lý trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cảm thấy xa lạ vì không phải da thịt của người thân mình…, bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt, Trương Ba nhiễm phải nhiều thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân anh vì thân xác của lão hàng thịt. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết theo đúng quy luật sinh – lão – bệnh – tử.
Ở trong kịch bản, Lưu Quang Vũ đã tách rõ từng nghịch cảnh.
Đoạn trích sau là cảnh tại nhà hàng thịt (sau khi được sống lại trong xác anh hàng thịt)
(Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya)
HỒN TRƯƠNG BA
(Tay áo xắn cao, mặt buồn rầu, ném mấy con dao bầu đầm đìa máu vào thùng, nói với vợ người hàng thịt)
– Con lợn tôi đã xẻ xong, thủ chân giò để trong thúng, thịt xếp trên phản đậy mấy tàu lá chuối, tim gan bầu dục trong cái rổ treo trên quang, chị để ý kẻo mèo chó nó tha..
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Mỉm cười) Được rồi, ông khỏi lo… Mà bữa nay ông chọc tiết pha thịt cũng thạo dần rồi đấy!
HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Cũng …cũng tạm!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Em đã nói với ông rồi: Có khó gì đâu, ông nhỉ? Sức vóc như ông (Cầm tay Trương Ba). Hai bàn tay này vốn nhanh nhẹn tháo vát lắm!
HỒN TRƯƠNG BA: (Bối rối rụt tay lại) Công việc xong, giờ đã khuya, tôi phải về…
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Về! Hôm nào cũng vội vã thế? Ngồi xuống đây với em một lát đã, ông… Bát tiết canh em đánh cho ông, để trên chõng, ông đã xơi chưa?
HỒN TRƯƠNG BA: Rồi!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cả cút rượu nữa, ông đã uống chứ?
HỒN TRƯƠNG BA: Đã!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Với đĩa hành sống, em biết ông thích xơi hành sống?
HỒN TRƯƠNG BA: Vâng, cám ơn chị.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cảm ơn khách sáo thế? Mà sao ông cứ gọi em là chị
HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Thôi tôi xin phép…phải về…khuya rồi.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
– Ngoài kia đang mưa rét, sương gió mịt mờ khắp trời…(Cầm chai rượu dưới gầm để lên bàn). Ông uống nữa đi, thứ rượu tăm say nhưng dịu… …em phải cất công đi xa lắm mới mua được. (Rót ra chén). Ông uống với em một chén, em cũng uống (Rót cho mình). Nào, ông!
(Hồn Trương Ba ngần ngừ nhấp rồi uống cạn)
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Uống) Ấm nóng cả người.
HỒN TRƯƠNG BA: (Vội vã đứng dậy) Tôi phải về.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Cũng đứng dậy) Ông (Buồn rầu). Ông lại về bên ấy…Còn em thì còn lại một mình, trong gian nhà trống trải này…em sợ…
HỒN TRƯƠNG BA:
(Ái ngại) Chị sợ gì? Vợ người hàng thịt Em sợ… một mình… Ông hãy ở lại lát nữa…một lát nữa thôi…
HỒN TRƯƠNG BA: Khuya quá rồi, không tiện, chị Hợi ạ.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về, đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là…Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một mình?
HỒN TRƯƠNG BA
Hiểu tình cảnh chị neo đơn vất vả, tôi đã không nề hà gì công việc hàng họ, thịt thà…
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Em không cần thịt thà. Trước thì em cũng cần đấy, nhưng bây giờ em không thiết nữa! Em không thể sống thế này mãi được! Em đâu đáng phải chịu sự hững hờ của ông…Em là vợ ông!
HỒN TRƯƠNG BA:
(Khổ sở) Chị, chị phải biết rằng tôi không phải là chồng chị, không phải là anh Hợi. Hơn ai hết, chị biết rõ điều đó.
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Sau một hồi im lặng) Em biết, em biết chứ! Chính vì vậy mà em càng thương quý ông. Em đi lấy chồng năm mười sáu tuổi. Suốt mười năm sống bên chồng, em chưa hề biết một lời nói dịu dàng, một cử chỉ ân cần…Ngoài chuyện buôn bán lừa lọc, ông ấy chỉ biết ăn, ngủ và say rượu…Cả ban đêm, khi gần gũi vợ, ông ấy cũng say khướt. Rồi những trận đòn tàn tạ.(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu).
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Giờ đây, ở bên em, vẫn là hình vóc ấy, khuôn mặt ấy nhưng tất cả đều đã khác… Lần đầu tiên em được biết thế nào là những lời thanh tao hiền hậu, những cử chỉ nhã nhặn ân cần. Lần đầu tiên em thấy mình được quý trọng…
HỒN TRƯƠNG BA: Kìa, chẳng phải là chị đã khóc thương tiếc ông nhà đó sao?
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Đúng! Không phải em ghét bỏ gì con người cũ của chồng em. Em đã chịu ơn ông ấy, thuộc về ông ấy, than khóc khổ sở khi ông ấy mất nhưng chỉ từ khi ông tới, hay nói đúng hơn từ khi hồn ông nhập vào thân xác chồng em, em mới biết trước kia em thiếu những gì, em mới biết lâu nay em chưa hề được sống lại thời con gái, nỗi sướng vui… Em cảm tạ Trời Phật đã cho hồn ông nhập vào hình vóc quen thuộc này! (Cầm hai bàn tay Hồn Trương Ba). Em không ao ước gì hơn nữa! Người chồng toàn vẹn của em đây! Người em đã từng mong đợi xưa kia đây! Anh đừng e ngại nữa, em là của anh.. (ôm lấy Trương Ba thắm thiết, say sưa). Đôi cánh tay này đã bao lần ghì chặt lấy em đến nỗi em phát sợ nhưng bây giờ đã khác trước, anh nhỉ? (gục mặt vào ngực hồn Trương Ba).
(Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta)
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
(Vuốt tóc Trương Ba) Em sẽ săn sóc hầu hạ anh, tận tuỵ với anh mãi. Anh ơi, chúng ta hãy rời bỏ nơi này, vứt bỏ tất cả, không còn hồn Trương Ba, xác hàng thịt gì nữa, chỉ còn em với anh… Chúng ta hãy trốn đi, tới một nơi nào đó không còn ai biết quá khứ của chúng ta nữa, không còn lão Lý trưởng không còn những thằng lái lợn, không có cả gã con trai gian xảo của anh. Chúng ta sẽ đi ngay ngày mai, băng qua mấy cánh đồng, là sẽ tới bến Tằm, ta sẽ xuống đò xuôi ở đó…
HỒN TRƯƠNG BA:
(Như sực tỉnh) Bến Tằm? (Ngơ ngác rồi bàng hoàng buông vợ người hàng thịt ra, đứng bật dậy) Bến Tằm… đêm hát đối… Mình…trời ơi, ta đang làm gì thế này? (Nhìn lại đôi tay mình, sợ hãi) Không! Không (Lùi xa vợ người hàng thịt) Cái đốm sáng mong manh nào trong ta vừa chợt loé lên? Vái linh hồn của ta, hãy trở lại với ta, Trương Ba…ta là Trương Ba.. Mình ơi! Tôi đã làm gì? (Ôm mặt) Bà nó ơi!
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:
Kìa! Anh! (Đến bên Trương Ba nhìn vừa đắm đuối vừa năn nỉ). Anh?
HỒN TRƯƠNG BA:
(Lắc đầu) Không! Đừng! Hãy tha cho tôi! Tôi van chị! (Như sợ mình không thắng nổi sự cám dỗ, lùi dần ra cửa) Không! (Chạy đi)
VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Gục xuống nức nở) Anh!
(Đèn tắt, chuyển cảnh)
(Hồn Trương Ba da hàng thịt – Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ, Nxb Kim Đồng 2010)
——-
Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn người Việt Nam. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn, in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó.
Câu 1. Dòng nào nói lên các sự việc trong đoạn trích kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt?
A. Trương Ba thành thạo việc của anh hàng thịt; Sực tỉnh chạy về nhà mình
B. Vợ hàng thịt say mê Trương Ba; Trương Ba kiên quyết từ chối vợ hàng thịt.
C. Vợ hàng thịt chăm sóc Trương Ba; Trương Ba dần gần gũi; Sực tỉnh chạy về.
D. Trương Ba thành con người mới; Trương Ba kiên quyết từ chối vợ hàng thịt.
Câu 2. (Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya) là thành phần nào của kịch bản, có hình thức như thế nào, đảm nhiệm chức năng gì ở lớp kịch?
A. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn: thời gian, nhân vật của lớp kịch.
B. Dòng độc thoại của nhân vật về bối cảnh của lớp kịch.
C. Chỉ dẫn sân khấu về diễn xuất cho diễn viên; in nghiêng trong ngoặc đơn
D. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn; lời người dẫn chuyện.
Câu 3. Đọc tóm tắt vở kịch, 4 lượt thoại đầu đoạn trích và cho biết Trương Ba đang ở trong tình cảnh nào?
A. Trở thành anh hàng thịt thực thụ; Vợ hàng thịt rất thích thú điều đó.
B. Đang tập làm công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt là người hướng dẫn.
C. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt khen ngợi.
D. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt mê Trương Ba.
Câu 4. Đầu đoạn trích, Hồn Trương Ba đối với vợ hàng thịt như thế nào?
A. Nhận sự chăm sóc của vợ hàng thịt và đang lại gần
B. Nhận sự chăm sóc nhưng vẫn giữ khoảng cách.
C. Muốn đến gần nhưng luôn nhớ đến vợ.
D. Muốn đến gần nhưng còn ngần ngại.
Câu 5. Đọc đoạn sau và cho biết: Người vợ hàng thịt mong muốn điều gì? Vì sao chị lại bỏ lửng lời nói ở dấu ba chấm trong lời của mình?
Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về? đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là…Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một hình?
A. Muốn Hồn Trương Ba công nhận mình là vợ; Vì tế nhị.
B. Muốn Hồn Trương Ba ngủ lại nhà mình; Vì ngại ngùng.
C. Không muốn Hồn Trương Ba về với vợ ông ấy; Vì sợ ông ấy say rượu.
D. Muốn Hồn Trương Ba dốc sức cho nhà mình; Vì sợ ông không đến nữa.
Câu 6. Đọc đoạn sau và cho biết chúng có vai trò như thế nào trong kịch bản?
(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu)
A. Chỉ dẫn sân khấu; tạo sự đối lập giữa Hồn Trương Ba với anh hàng thịt.
B. Chỉ dẫn sân khấu; nhân vật anh hàng thịt lỗ mãng in đậm trong kí ức vợ.
C. Chỉ dẫn sân khấu; người vợ không thể quên được anh chồng
D. Chỉ dẫn sân khấu; tạo nên sự chập chờn ma mị cho sân khấu.
Câu 7. (Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta) cho thấy Hồn Trương Ba đang lâm vào tình thế nào?
A. Đang bị chi phối bởi bản năng.
B. Rơi vào nghịch cảnh, khó thoát ra được.
C. Lí trí không sao thắng nổi bản năng.
D. Hồn Trương Ba xúc động trước tình cảm của người vợ hàng thịt.
Câu 8. Dòng nào không nói lên tình cảm thái độ của tác giả thể hiện trong trích đoạn kịch bản trên?
A. Coi thường người vợ hàng thịt vì cố níu kéo Hồn Trương Ba.
B. Cảm thông sâu sắc với nỗi đau, nghịch cảnh của con người.
C. Trân trọng tình cảm chân thành, khát vọng chính đáng của con người.
D. Trân trọng vẻ đẹp thanh tao của con người.
Câu 9 (1,0 điểm) Suy nghĩ, tình cảm của em dành cho nhân vật Hồn Trương Ba.
Câu 10 (1,0 điểm) Trích đoạn kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt đã tác động như thế nào tới suy nghĩ, tình cảm của em?
Phần II. Viết (4,0 điểm)
Viết văn bản nghị luận về trích đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt ở phần đọc hiểu.
Tham khảo đề thi Văn 11 bộ sách khác có đáp án hay khác:
Xem thêm đề thi lớp 11 Cánh diều có đáp án hay khác:
Tủ sách VIETJACK shopee lớp 10-11 cho học sinh và giáo viên (cả 3 bộ sách):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Giáo án lớp 11 (các môn học)
- Giáo án điện tử lớp 11 (các môn học)
- Giáo án Toán 11
- Giáo án Ngữ văn 11
- Giáo án Tiếng Anh 11
- Giáo án Vật Lí 11
- Giáo án Hóa học 11
- Giáo án Sinh học 11
- Giáo án Lịch Sử 11
- Giáo án Địa Lí 11
- Giáo án KTPL 11
- Giáo án HĐTN 11
- Giáo án Tin học 11
- Giáo án Công nghệ 11
- Giáo án GDQP 11
- Đề thi lớp 11 (các môn học)
- Đề thi Ngữ Văn 11 (có đáp án)
- Chuyên đề Tiếng Việt lớp 11
- Đề cương ôn tập Văn 11
- Đề thi Toán 11 (có đáp án)
- Đề thi Toán 11 cấu trúc mới
- Đề cương ôn tập Toán 11
- Đề thi Tiếng Anh 11 (có đáp án)
- Đề thi Tiếng Anh 11 mới (có đáp án)
- Đề thi Vật Lí 11 (có đáp án)
- Đề thi Hóa học 11 (có đáp án)
- Đề thi Sinh học 11 (có đáp án)
- Đề thi Lịch Sử 11
- Đề thi Địa Lí 11 (có đáp án)
- Đề thi KTPL 11
- Đề thi Tin học 11 (có đáp án)
- Đề thi Công nghệ 11
- Đề thi GDQP 11 (có đáp án)