Top 100 Đề thi Văn 11 Chân trời sáng tạo (có đáp án)

Tuyển chọn 100 Đề thi Ngữ văn 11 Chân trời sáng tạo Học kì 1, Học kì 2 năm 2024 mới nhất có đáp án và lời giải chi tiết, cực sát đề thi chính thức gồm đề thi giữa kì, đề thi học kì giúp học sinh 11 ôn luyện và đạt điểm cao trong các bài thi Văn 11.

Đề thi Văn 11 Chân trời sáng tạo (có đáp án)

Xem thử Đề thi GK1 Văn 11 Xem thử Đề thi CK1 Văn 11 Xem thử Đề thi GK2 Văn 11 Xem thử Đề thi CK2 Văn 11

Chỉ từ 150k mua trọn bộ Đề thi Văn 11 Chân trời sáng tạo bản word có lời giải chi tiết, dễ dàng chỉnh sửa:

Đề thi Văn 11 Giữa kì 1 Chân trời sáng tạo

Đề thi Văn 11 Học kì 1 Chân trời sáng tạo

Đề thi Văn 11 Giữa kì 2 Chân trời sáng tạo

Đề thi Văn 11 Học kì 2 Chân trời sáng tạo

Xem thêm Đề thi Văn 11 cả ba sách:

Sở Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: phút

Phần I. Đọc hiểu (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình chỉ vì họ sợ bị thất bại. Họ không muốn thử sức mình với các kỳ thi quốc gia vì họ không tin rằng họ sẽ chiến thắng. Họ sợ phải nhận những bức thư từ chối, nên họ không nộp đơn xin việc ở nước ngoài. Họ ngại tham gia khóa học để cải thiện một kỹ năng còn yếu vì lo sợ phải đối mặt với những sự chế giễu. Nhưng nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang.

 “Có chắc không?” là câu hỏi khiến chúng ta cảm thấy bất ổn khi có ý muốn thoát ra khỏi vùng an toàn. “Chắc hẳn mà” là câu trả lời mà chúng ta luôn muốn nghe. Chúng ta muốn chắc chắn sẽ nhận được học bổng khi đăng ký, chúng ta muốn chắc chắn sẽ không bị hổ vồ khi đi thám hiểm Safari, chúng ta muốn chắc chắn rằng người mà chúng ta chọn là vợ hay chồng sẽ ở với chúng ta mãi mãi. Nhưng có gì trên thế giới này mà không có độ rủi ro nhất định? Sự rủi ro có thể đến với từng người trong chúng ta bất kỳ lúc nào. Rủi ro có thể đến với bạn ngay trong khi bạn chấp nhận làm bất cứ việc gì. Để chắc chắn rằng rủi ro không đến với mình, việc duy nhất bạn có thể làm là không làm gì cả, nằm trên giường và… mơ về những thứ mà bạn không dám làm trong thế giới thật. Nhưng bạn có dám chắc là trong cơn mơ, bạn sẽ không bị giật mình và ngã xuống đất? Nếu rủi ro có thể ập đến với bạn cả khi bạn đang mơ, vậy tại sao bạn lại không dám ra ngoài và dám biến những ước mơ của bạn trở thành hiện thực?

(Trích Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới; Hồ Thu Hương, Nguyễn Phan Linh, Phạm Anh Đức, NXB Thế giới; 2016; trang 147 – 148)

Câu 1 (0,5 điểm). Văn bản trên thuộc thể loại nào?

A. Văn bản nghị luận

B. Văn bản thông tin

C. Hành chính công vụ

D. Ý kiến khác

Câu 2 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

A. Tự sự

B. Miêu tả

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

Câu 3 (0,5 điểm). Theo tác giả, vì sao có rất nhiều người trên thế giới này không chịu vượt ra khỏi vùng an toàn của mình?

Câu 4 (0,5 điểm). Anh/chị có đồng tình với quan niệm: nhiều thách thức, rủi ro hoặc tình huống khó chịu chính là những cơ hội đã được ngụy trang? Vì sao? 

Câu 5 (1,0 điểm). Qua đoạn trích, anh/chị hiểu thế nào là vùng an toàn? Với những người đang ở trong vùng an toàn, theo anh/chị cách nào có thể giúp họ bước ra khỏi vùng an toàn đó? Nếu ít nhất 02 cách.

Câu 6 (2,0 điểm). Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) thuyết phục các bạn trẻ rằng: có những lúc cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn do mình tự tạo ra.

Phần II. Viết (5,0 điểm)

Viết một bài văn thuyết minh có lồng ghép một hay nhiều yếu tố như miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận.

Sở Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 1 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: phút

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

HỒN TRƯƠNG BA VÀ VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT

(Hồn Trương Ba, da hàng thịt – Lưu Quang Vũ)

Tóm tắt vở kịch

Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, được viết vào năm 1981-1984, dựa theo truyện dân gian “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nội dung có ý nghĩa xã hội vô cùng sâu sắc.

Trương Ba là một người làm vườn tốt bụng, nhân hậu, rất cao cờ và thường đấu cờ với Đế Thích. Danh tiếng của ông vang đến tận trời xanh. Tuy nhiên, do sự làm ăn tắc trách mà Nam Tào gạch bừa tên Trương Ba, khiến ông phải chết oan. Theo gợi ý của Đế Thích, Nam Tào cho hồn Trương Ba nhập vào thể xác hàng thịt ngoài ba mươi tuổi mới mất ở làng bên. Trương Ba sống lại và nhập vào xác hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lý trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cảm thấy xa lạ vì không phải da thịt của người thân mình…, bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt, Trương Ba nhiễm phải nhiều thói xấu và những nhu cầu vốn không phải của chính bản thân anh vì thân xác của lão hàng thịt. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết theo đúng quy luật sinh – lão – bệnh – tử.

Ở trong kịch bản, Lưu Quang Vũ đã tách rõ từng nghịch cảnh.

Đoạn trích sau là cảnh tại nhà hàng thịt (sau khi được sống lại trong xác anh hàng thịt)

(Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya)

HỒN TRƯƠNG BA

(Tay áo xắn cao, mặt buồn rầu, ném mấy con dao bầu đầm đìa máu vào thùng, nói với vợ người hàng thịt)

– Con lợn tôi đã xẻ xong, thủ chân giò để trong thúng, thịt xếp trên phản đậy mấy tàu lá chuối, tim gan bầu dục trong cái rổ treo trên quang, chị để ý kẻo mèo chó nó tha..

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Mỉm cười) Được rồi, ông khỏi lo… Mà bữa nay ông chọc tiết pha thịt cũng thạo dần rồi đấy!

HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Cũng …cũng tạm!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Em đã nói với ông rồi: Có khó gì đâu, ông nhỉ? Sức vóc như ông (Cầm tay Trương Ba). Hai bàn tay này vốn nhanh nhẹn tháo vát lắm!

HỒN TRƯƠNG BA: (Bối rối rụt tay lại) Công việc xong, giờ đã khuya, tôi phải về…

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Về! Hôm nào cũng vội vã thế? Ngồi xuống đây với em một lát đã, ông… Bát tiết canh em đánh cho ông, để trên chõng, ông đã xơi chưa?

HỒN TRƯƠNG BA: Rồi!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cả cút rượu nữa, ông đã uống chứ?

HỒN TRƯƠNG BA: Đã!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Với đĩa hành sống, em biết ông thích xơi hành sống?

HỒN TRƯƠNG BA: Vâng, cám ơn chị.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: Cảm ơn khách sáo thế? Mà sao ông cứ gọi em là chị

HỒN TRƯƠNG BA: (Lúng túng) Thôi tôi xin phép…phải về…khuya rồi.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

– Ngoài kia đang mưa rét, sương gió mịt mờ khắp trời…(Cầm chai rượu dưới gầm để lên bàn). Ông uống nữa đi, thứ rượu tăm say nhưng dịu… …em phải cất công đi xa lắm mới mua được. (Rót ra chén). Ông uống với em một chén, em cũng uống (Rót cho mình). Nào, ông!

(Hồn Trương Ba ngần ngừ nhấp rồi uống cạn)

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Uống) Ấm nóng cả người.

HỒN TRƯƠNG BA: (Vội vã đứng dậy) Tôi phải về.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Cũng đứng dậy) Ông (Buồn rầu). Ông lại về bên ấy…Còn em thì còn lại một mình, trong gian nhà trống trải này…em sợ…

HỒN TRƯƠNG BA:

(Ái ngại) Chị sợ gì? Vợ người hàng thịt Em sợ… một mình… Ông hãy ở lại lát nữa…một lát nữa thôi…

HỒN TRƯƠNG BA: Khuya quá rồi, không tiện, chị Hợi ạ.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về, đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là…Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một mình?

HỒN TRƯƠNG BA

Hiểu tình cảnh chị neo đơn vất vả, tôi đã không nề hà gì công việc hàng họ, thịt thà…

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Em không cần thịt thà. Trước thì em cũng cần đấy, nhưng bây giờ em không thiết nữa! Em không thể sống thế này mãi được! Em đâu đáng phải chịu sự hững hờ của ông…Em là vợ ông!

HỒN TRƯƠNG BA:

(Khổ sở) Chị, chị phải biết rằng tôi không phải là chồng chị, không phải là anh Hợi. Hơn ai hết, chị biết rõ điều đó.

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Sau một hồi im lặng) Em biết, em biết chứ! Chính vì vậy mà em càng thương quý ông. Em đi lấy chồng năm mười sáu tuổi. Suốt mười năm sống bên chồng, em chưa hề biết một lời nói dịu dàng, một cử chỉ ân cần…Ngoài chuyện buôn bán lừa lọc, ông ấy chỉ biết ăn, ngủ và say rượu…Cả ban đêm, khi gần gũi vợ, ông ấy cũng say khướt. Rồi những trận đòn tàn tạ.(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu).

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Giờ đây, ở bên em, vẫn là hình vóc ấy, khuôn mặt ấy nhưng tất cả đều đã khác… Lần đầu tiên em được biết thế nào là những lời thanh tao hiền hậu, những cử chỉ nhã nhặn ân cần. Lần đầu tiên em thấy mình được quý trọng…

HỒN TRƯƠNG BA: Kìa, chẳng phải là chị đã khóc thương tiếc ông nhà đó sao?

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Đúng! Không phải em ghét bỏ gì con người cũ của chồng em. Em đã chịu ơn ông ấy, thuộc về ông ấy, than khóc khổ sở khi ông ấy mất nhưng chỉ từ khi ông tới, hay nói đúng hơn từ khi hồn ông nhập vào thân xác chồng em, em mới biết trước kia em thiếu những gì, em mới biết lâu nay em chưa hề được sống lại thời con gái, nỗi sướng vui… Em cảm tạ Trời Phật đã cho hồn ông nhập vào hình vóc quen thuộc này! (Cầm hai bàn tay Hồn Trương Ba). Em không ao ước gì hơn nữa! Người chồng toàn vẹn của em đây! Người em đã từng mong đợi xưa kia đây! Anh đừng e ngại nữa, em là của anh.. (ôm lấy Trương Ba thắm thiết, say sưa). Đôi cánh tay này đã bao lần ghì chặt lấy em đến nỗi em phát sợ nhưng bây giờ đã khác trước, anh nhỉ? (gục mặt vào ngực hồn Trương Ba).

(Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta)

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

(Vuốt tóc Trương Ba) Em sẽ săn sóc hầu hạ anh, tận tuỵ với anh mãi. Anh ơi, chúng ta hãy rời bỏ nơi này, vứt bỏ tất cả, không còn hồn Trương Ba, xác hàng thịt gì nữa, chỉ còn em với anh… Chúng ta hãy trốn đi, tới một nơi nào đó không còn ai biết quá khứ của chúng ta nữa, không còn lão Lý trưởng không còn những thằng lái lợn, không có cả gã con trai gian xảo của anh. Chúng ta sẽ đi ngay ngày mai, băng qua mấy cánh đồng, là sẽ tới bến Tằm, ta sẽ xuống đò xuôi ở đó…

HỒN TRƯƠNG BA:

(Như sực tỉnh) Bến Tằm? (Ngơ ngác rồi bàng hoàng buông vợ người hàng thịt ra, đứng bật dậy) Bến Tằm… đêm hát đối… Mình…trời ơi, ta đang làm gì thế này? (Nhìn lại đôi tay mình, sợ hãi) Không! Không (Lùi xa vợ người hàng thịt) Cái đốm sáng mong manh nào trong ta vừa chợt loé lên? Vái linh hồn của ta, hãy trở lại với ta, Trương Ba…ta là Trương Ba.. Mình ơi! Tôi đã làm gì? (Ôm mặt) Bà nó ơi!

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT:

Kìa! Anh! (Đến bên Trương Ba nhìn vừa đắm đuối vừa năn nỉ). Anh?

HỒN TRƯƠNG BA:

(Lắc đầu) Không! Đừng! Hãy tha cho tôi! Tôi van chị! (Như sợ mình không thắng nổi sự cám dỗ, lùi dần ra cửa) Không! (Chạy đi)

VỢ NGƯỜI HÀNG THỊT: (Gục xuống nức nở) Anh!

(Đèn tắt, chuyển cảnh)

(Hồn Trương Ba da hàng thịt – Tôi và chúng ta, Lưu Quang Vũ, Nxb Kim Đồng 2010)

——-

Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là một nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn người Việt Nam. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn, in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó.

Câu 1. Dòng nào nói lên các sự việc trong đoạn trích kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt?

A. Trương Ba thành thạo việc của anh hàng thịt; Sực tỉnh chạy về nhà mình

B. Vợ hàng thịt say mê Trương Ba; Trương Ba kiên quyết từ chối vợ hàng thịt.

C. Vợ hàng thịt chăm sóc Trương Ba; Trương Ba dần gần gũi; Sực tỉnh chạy về.

D. Trương Ba thành con người mới; Trương Ba kiên quyết từ chối vợ hàng thịt.

Câu 2. (Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt. Trời đã khuya) là thành phần nào của kịch bản, có hình thức như thế nào, đảm nhiệm chức năng gì ở lớp kịch?

A. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn: thời gian, nhân vật của lớp kịch.

B. Dòng độc thoại của nhân vật về bối cảnh của lớp kịch.

C. Chỉ dẫn sân khấu về diễn xuất cho diễn viên; in nghiêng trong ngoặc đơn

D. Chỉ dẫn sân khấu, in nghiêng trong ngoặc đơn; lời người dẫn chuyện.

Câu 3. Đọc tóm tắt vở kịch, 4 lượt thoại đầu đoạn trích và cho biết Trương Ba đang ở trong tình cảnh nào?

A. Trở thành anh hàng thịt thực thụ; Vợ hàng thịt rất thích thú điều đó.

B. Đang tập làm công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt là người hướng dẫn.

C. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt khen ngợi.

D. Dần quen với công việc của anh hàng thịt; Vợ hàng thịt mê Trương Ba.

Câu 4. Đầu đoạn trích, Hồn Trương Ba đối với vợ hàng thịt như thế nào?

A. Nhận sự chăm sóc của vợ hàng thịt và đang lại gần

B. Nhận sự chăm sóc nhưng vẫn giữ khoảng cách.

C. Muốn đến gần nhưng luôn nhớ đến vợ.

D. Muốn đến gần nhưng còn ngần ngại.

Câu 5. Đọc đoạn sau và cho biết: Người vợ hàng thịt mong muốn điều gì? Vì sao chị lại bỏ lửng lời nói ở dấu ba chấm trong lời của mình?

Nhưng không tiện cái nỗi gì kia chứ? Ông không có quyền nán lại một chút hay sao? Chẳng lẽ ông cứ mãi coi mình như đứa ở hết giờ làm công lại về? đây là nhà của ông cơ mà! Và em, em là…Sao ông cứ khăng khăng lạnh nhạt với em, bỏ mặc em vò võ một thân một hình?

A. Muốn Hồn Trương Ba công nhận mình là vợ; Vì tế nhị.

B. Muốn Hồn Trương Ba ngủ lại nhà mình; Vì ngại ngùng.

C. Không muốn Hồn Trương Ba về với vợ ông ấy; Vì sợ ông ấy say rượu.

D. Muốn Hồn Trương Ba dốc sức cho nhà mình; Vì sợ ông không đến nữa.

Câu 6. Đọc đoạn sau và cho biết chúng có vai trò như thế nào trong kịch bản?

(Vợ người hàng thịt nhắm mắt lại, trước mắt chị như hiện ra cảnh tượng cũ: Xác người hàng thịt mang hồn Trương Ba vụt trở về anh hàng thịt đang khật khưỡng ngồi uống rượu, tay gắp miệng nhai nhồm nhoàm. Rồi anh ta loạng choạng đứng dậy, hùng hổ trỏ tay vào mặt vợ. Chị vợ sợ hãi lùi dần. Anh hàng thịt vung nắm tay. Chị vợ kêu lên. Chị mở bừng mắt ra: Trước mặt chị lại là Anh hàng thịt mang hồn Trương Ba điềm tĩnh hiền hậu)

A. Chỉ dẫn sân khấu; tạo sự đối lập giữa Hồn Trương Ba với anh hàng thịt.

B. Chỉ dẫn sân khấu; nhân vật anh hàng thịt lỗ mãng in đậm trong kí ức vợ.

C. Chỉ dẫn sân khấu; người vợ không thể quên được anh chồng

D. Chỉ dẫn sân khấu; tạo nên sự chập chờn ma mị cho sân khấu.

Câu 7. (Như bị một sức mạnh ghê gớm kéo đi, hồn Trương Ba cũng ôm lấy vợ người hàng thịt, vuốt ve đôi vai và cánh tay mạnh mẽ của chị ta) cho thấy Hồn Trương Ba đang lâm vào tình thế nào?

A. Đang bị chi phối bởi bản năng.

B. Rơi vào nghịch cảnh, khó thoát ra được.

C. Lí trí không sao thắng nổi bản năng.

D. Hồn Trương Ba xúc động trước tình cảm của người vợ hàng thịt.

Câu 8. Dòng nào không nói lên tình cảm thái độ của tác giả thể hiện trong trích đoạn kịch bản trên?

A. Coi thường người vợ hàng thịt vì cố níu kéo Hồn Trương Ba.

B. Cảm thông sâu sắc với nỗi đau, nghịch cảnh của con người.

C. Trân trọng tình cảm chân thành, khát vọng chính đáng của con người.

D. Trân trọng vẻ đẹp thanh tao của con người.

Câu 9 (1,0 điểm) Suy nghĩ, tình cảm của em dành cho nhân vật Hồn Trương Ba.

Câu 10 (1,0 điểm) Trích đoạn kịch bản Hồn Trương Ba và vợ người hàng thịt đã tác động như thế nào tới suy nghĩ, tình cảm của em?

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Viết văn bản nghị luận về tác phẩm Tú Uyên gặp Giáng Kiều.

Sở Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Giữa kì 2 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ Văn 11

Thời gian làm bài: phút

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

MỘT CƠN GIẬN

Thạch Lam

[…] Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.

Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:

- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.

- Thầy cho sáu xu.

- Không, bốn xu là đúng giá rồi […]

tôi lại càng ghét và quay lại gắt:

- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.

Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:

- Lại đây đi mà.

Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:

- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lại còn vẽ.

Anh xe cãi lại:

- Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!

- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.

Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cứng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe… Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.

- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.

- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!

Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:

- Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.

Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.

Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.

- Ê! Đứng lại!

Người kéo xe dừng chân... Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:

- Lạy thầy... thầy nói giúp con... thầy làm ơn...

Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe. Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:

- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!

Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.

- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?

Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:

- Tôi đi từ phố hàng Bún.

- Vậy phiền ông xuống xe.

Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:

- Allez! Đi về bót!

Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.

Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?

Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt. Tôi nhất định đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình…

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.

Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:

- Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:

- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

- Thế bây giờ bác ta đâu?

Bà cụ trả lời:

- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.

Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

- Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?

Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, mặt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thoảng lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.

- Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhích lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực […].

Ra đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà… Đứa bé con đã chết.

(Nguồn: Tuyển tập Thạch Lam, NXB văn học, 2018)

Câu 1. Dòng nào nói lên đặc điểm thể loại của văn bản Một cơn giận của Thạch Lam?

A. Truyện dài, nhiều nhân vật, viết về cuộc đời, số phận nhân vật.

B. Truyện ngắn, viết về một quãng đời/ một lát cắt trong cuộc đời của nhân vật.

C. Truyện ngắn, viết về số phận nhân vật.

D. Trích đoạn tiểu thuyết, phản ánh hiện thực rộng lớn, nhiều nhân vật.

Câu 2. Dòng nào nói lên đề tài của văn bản Một cơn giận?

A. Nông thôn

B. Tâm lí

C. Thành thị

D. Kỹ năng ứng xử

Câu 3. Dòng nào nói lên cảm hứng chủ đạo của văn bản Một cơn giận?

A. Lên án kẻ vô tâm, tàn nhẫn; xót thương kiếp nghèo khổ.

B. Phê phán sự nhẫn tâm; xót thương kiếp người nghèo khổ.

C. Trân trọng sự hối lỗi; xót thương kiếp nghèo khổ.

D. Mỉa mai những kẻ lắm lời; xót thương kiếp người nghèo khổ.

Câu 4. Suy nghĩ của nhân vật “tôi” ở dòng sau diễn ra vào thời điểm nào? Nó có tác dụng gì trong khắc họa nhân vật?

Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời với những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá.

A. Sau khi người kéo xe bị đội xếp tây phạt; thể hiện sự hối hận của “tôi”.

B. Trước khi người kéo xe bị đội xếp tây phạt; thể hiện sự nhẫn tâm của “tôi”.

C. Khi đội xếp Tây đang hỏi; thể hiện sự đấu tranh trong nội tâm của “tôi”.

D. Khi người kéo xe đang van xin; thể hiện sự đắc ý của “tôi”.

Câu 5. Khi nào, nhân vật “tôi” hối hận về ứng xử của mình?

A. Cơn giận đã hết rồi

B. Thấy anh phu xe run sợ

C. Thấy ba đồng bạc phạt quá lớn

D. Thấy hình ảnh anh phu xe hiển hiện trước mắt

Câu 6. Cơn giận của nhân vật “tôi” đã gây ra hậu quả như thế nào?

A. Người phu xe mất việc, phải đi trốn

B. Đứa bé chết vì bố nó mất việc, không có tiền mua thuốc

C. Nhân vật tôi sống trong sự giày vò

D. Nhân vật tôi mất oan một khoản tiền

Câu 7. Tác giả miêu tả những người khốn khổ ở cùng nơi với người phu xe Dư nhằm mục đích gì?

A. Tô đậm sự hối hận của nhân vật “tôi”, của đội xếp tây.

B. Tô đậm sự khốn khổ của người phu xe, sự tàn nhẫn của “tôi”

C. Tố cáo xã hội cũ chứa đầy những bất công

D. Chứng tỏ “tôi” đã bỏ nhiều công chuộc lỗi

Câu 8. Dòng nào nói lên nghệ thuật kể chuyện văn bản Một cơn giận?

A. Người kể chuyện ngôi thứ 3 (người kể chuyện toàn tri)

B. Kết hợp hai ngôi kể (2 câu chuyện lồng trong nhau)

C. Người kể chuyện ngôi thứ nhất (người kể chuyện hạn tri)

D. Chủ thể trần thuật ngôi thứ ba theo điểm nhìn phức hợp

Câu 9 (1,0 điểm) Văn bản đã gửi đến người đọc tư tưởng, thông điệp nào? Hình thức nghệ thuật nào của văn bản chuyển tải điều đó?

Câu 10 (1,0 điểm) Em rút ra được kinh nghiệm gì trong việc giải tỏa cơn giận của bản thân? Theo em, nhân vật “tôi” cần làm gì để giảm tội lỗi của mình?

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Từ truyện ngắn Một cơn giận ở phần đọc hiểu, em hãy viết bài văn nghị luận về một vấn đề phải biết chịu trách nhiệm với lỗi lầm của bản thân.

Sở Giáo dục và Đào tạo ...

Đề thi Học kì 2 - Chân trời sáng tạo

Năm học 2024 - 2025

Môn: Ngữ văn 11

Thời gian làm bài: phút

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

(1) Con đã về đây, ơi mẹ Tơm

Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm

Cho con, cho Đảng ngày xưa ấy

Không sợ tù gông, chấp súng gươm

(2) Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng

Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong

Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng

Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong?

(3) Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi

Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi

Sống trong cát, chết vùi trong cát

Những trái tim như ngọc sáng ngời

(4) Đốt nén hương thơm, mát dạ Người

Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi!

Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi...”

(Trích bài thơ “Mẹ Tơm”- Tố Hữu, Thơ Việt Nam 1945 - 1985)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên là gì?

A. Miêu tả

B. Tự sự

C. Nghị luận

D. Biểu cảm

Câu 2. Thể thơ của đoạn trích trên là gì ?

A. Tự do

B. Song thất lục bát

C. Lục bát

D. Thất ngôn tứ tuyệt

Câu 3. Dựa vào nội dung khổ thơ (1), bài thơ được viết vào hoàn cảnh nào

A. Trong một chuyến ghé thăm bất ngờ vùng đất Hậu Lộc.

B. Tác giả trở về quê hương sau bao ngày xa cách.

C. Nhân dịp tác giả đi cùng đoàn tham quan.

D. Trong một chuyến đi về thăm lại người mẹ anh hùng.

Câu 4. Biện pháp tu từ sử dụng trong câu thơ: “Những trái tim như ngọc sáng ngời” là:

A. So sánh, hoán dụ

B. Nhân hóa, so sánh

C. Hoán dụ, đảo ngữ

D. Ẩn dụ, hoán dụ

Câu 5. Tâm trạng của tác giả được thể hiện ở khổ thơ thứ hai trong đoạn trích trên là:

A. Sự ngạc nhiên, vui mừng trước sự đổi thay của quê hương

B. Sự ngơ ngác và cảm giác lạ lùng khi lâu ngày mới trở lại

C. Sự bùi ngùi, xúc động khi nhìn thấy những cảnh vật nơi đây

D. Sự thất vọng, nuối tiếc khi không còn thấy cảnh cũ, người xưa

Câu 6. Hai câu thơ sau cho ta thấy điều gì?

“Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới

Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi”

A. Vẻ đẹp cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày

B. Hình ảnh thiên nhiên, đất nước trong thời kì chiến tranh

C. Khung cảnh thiên nhiên vào buổi sáng sớm

D. Sự thay đổi của con người vào thời kì hậu chiến

Câu 7. Trong đoạn thơ trên có mấy cặp từ trái nghĩa?

A. 5

B. 2

C. 1

D. 3

Câu 8. Nội dung chính của văn bản trên là?

A. Dòng cảm xúc của tác giả khi trở về quê mẹ Tơm

B. Tác giả gửi gắm tấm lòng thương yêu, kính trọng, ngợi ca và biết ơn người mẹ đã nuôi dưỡng nhà thơ trong những ngày tháng gian khổ.

C. Cả A và B đều đúng

D. Cả A và B đều sai

Câu 9 (1,0 điểm) Dựa vào trích đoạn “Mẹ Tơm” của tác giả Tố Hữu, em thấy hình ảnh mẹ Tơm hiện lên là người như thế nào?

Câu 10 (1,0 điểm) Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 5 -7 câu) nhận xét về tình cảm của tác giả được thể hiện trong khổ thơ cuối.

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Em hãy viết bài văn nghị luận phân tích tác phẩm Mẹ Tơm của Tố Hữu

Tham khảo đề thi Văn 11 bộ sách khác có đáp án hay khác:

Xem thêm đề thi lớp 11 Chân trời sáng tạo có đáp án hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH LUYỆN THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 11

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi, sách dành cho giáo viên và gia sư dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án lớp 11 các môn học
Tài liệu giáo viên