Truyền thuyết là gì (chi tiết nhất)

Bài viết Truyền thuyết là gì chi tiết nhất, đầy đủ khái niệm, đặc điểm, cách đọc hiểu & bài tập có đáp án chi tiết giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm về Truyền thuyết.

Truyền thuyết là gì (chi tiết nhất)

Quảng cáo
Cài đặt app vietjack

1. Khái niệm truyền thuyết

Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử thời quá khứ, thường có các yếu tố tưởng tượng, kì ảo. Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể.

2. Đặc điểm của truyền thuyết

- Nhân vật truyền thuyết có các đặc điểm: 

+ Thường có những điểm khác lạ về lai lịch, phẩm chất, tài năng, sức mạnh,... 

+ Thường gắn với sự kiện lịch sử và có công lớn đối với cộng đồng. 

+ Được cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

- Cốt truyện truyền thuyết có các đặc điểm:

+ Thường xoay quanh công trạng, kì tích của nhân vật mà cộng đồng truyền tụng, tôn thờ.

+ Thường sử dụng yếu tố kì ảo nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh khác thường của nhân vật.

Quảng cáo

+ Cuối truyện thường gợi nhắc các dấu tích xưa còn lưu lại đến hiện tại.

- Yếu tố kì ảo trong truyền thuyết là những hình ảnh, chi tiết kì lạ, hoang đường, là sản phẩm của trí tưởng tượng và nghệ thuật hư cấu dân gian. Yếu tố kì ảo trong truyền thuyết thường được sử dụng khi cần thể hiện sức mạnh của nhân vật truyền thuyết, phép thuật của thần linh,... Qua đó, thể hiện nhận thức, tình cảm của nhân dân đối với các nhân vật, sự kiện lịch sử.

3. Ví dụ một số văn bản thuộc thể loại truyền thuyết

- Sự tích Bánh chưng bánh dày

- Truyền thuyết về 4 vị thánh bất tử

- Sự tích Con Rồng Cháu Tiên

- Sơn Tinh - Thủy Tinh

- Thánh Gióng

- Mỵ Châu - Trọng Thủy

- Mai An Tiêm

Quảng cáo

4. Cách đọc hiểu một văn bản thuộc thể loại truyền thuyết

- Bước 1: nắm chắc đặc điểm truyền thuyết trong phần tri thức ngữ văn

- Bước 2: đọc đi đọc lại văn bản nhiều lần

- Bước 3: xác định cốt truyện (các sự việc sắp xếp theo mạch tuyến tính, nội dung thường xoay quanh cuộc đời nhân vật: hoàn cảnh xuất hiện và thân thế; chiến công phi thường, kết cục.)

- Bước 4: Xác định nhân vật chính: thân thế, chiến công vượt thử thách nào của cộng đồng, được cộng đồng giúp sức, đem lại lợi ích gì cho cộng đồng

- Bước 5: Yếu tố kì ảo: là chi tiết nào, có tác dụng gì

- Bước 6: Xác định đặc điểm thời gian không gian trong truyền thuyết đó

- Bước 7: Lời kể của truyền thuyết có sắc thái gì

- Bước 8: Câu hỏi liên hệ :Truyền thuyết thể hiện thái độ và cách đánh giá nào của nhân dân đối với ai. Tìm hiểu truyền thuyết nhằm mục đích gì (hiểu khát vọng của ông cha, có niềm tin vào truyền thống yêu nước của dân tộc, ứng xử văn minh với cội nguồn văn hóa lịch sử..)

Quảng cáo

5. Một số bài tập liên quan đến thể loại truyền thuyết.

5.1. Trắc nghiệm

Câu 1: Dòng nào sau đây nói đúng khái niệm về truyện truyền thuyết?

A. Là truyện dân gian kể về cuộc đời và chiến công của nhân vật có công chống giặc ngoại xâm trong lịch sử.

B. Là truyện dân gian kể về cuộc đời và chiến công của nhân vật lịch sử; hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, sản vật địa phương.

C. Là truyện dân gian kể về cuộc đời và chiến công của nhân vật sáng tạo ra văn hóa dân tộc.

D. Là truyện dân gian kể về cuộc đời và chiến công của nhân vật giải thích rõ nguồn gốc phong tục, sản vật địa phương.

Đáp án: B

Câu 2: “Truyền thuyết phản ánh lịch sử một cách độc đáo” – được hiểu là:

A. Nhận thức lịch sử theo quan điểm, góc nhìn hiện đại, văn minh.

B. Phản ánh lịch sử huy hoàng, kì vĩ như một huyền thoại.

C. Lựa chọn và tái tạo lịch sử theo quan điểm, mơ ước của nhân dân.

D. Tái hiện chân thực lịch sử dân tộc với nhân vật anh hùng làm trung tâm.

Đáp án: C

Câu 3: Nhân vật chính của truyện truyền thuyết là:

A. Là những người anh hùng phải đối mặt với những thử thách và lập chiến công phi thường hỗ trợ cộng đồng.

B. Là những người anh hùng phải đối mặt với những thử thách trong chinh phục thiên nhiên.

C. Là những người anh hùng phải đối mặt với những thử thách của vũ trụ để xây dựng cuộc sống bình yên cho cộng đồng.

D. Là những người anh hùng có sức mạnh siêu nhiên tạo nên những chiến tích diệu kỳ trong lịch sử dân tộc.

Đáp án: A

Câu 4. Dòng nào sau đây nói đúng về nghệ thuật kể chuyện của truyện truyền thuyết?

A. Kể theo mạch nguyên nhân – kết quả.

B. Kể theo trình tự không gian.

C. Kể theo ý đồ của tác giả dân gian.

D. Kể theo mạch tuyến tính.

Đáp án: D

Câu 5: Lời văn của truyện truyền thuyết có đặc điểm nổi bật nào sau đây?

A. Lời văn trang trọng, mượt mà, giàu hình ảnh, nhịp điệu.

B. Lời kể cô đọng mang sắc thái ngợi ca.

C. Lời văn gần gũi mà trang trọng.

D. Lời văn ngắn gọn, súc tích, ý tại ngôn ngoại.

Đáp án: B

Câu 6: Dòng nào nói lên vai trò của yếu tố kì ảo trong truyền thuyết?

A. Làm nổi bật sức mạnh phi thường của người anh hùng.

B. Tăng vẻ đẹp oai hùng cho nhân vật, tạo nên sự linh thiêng cho chứng tích văn hóa, lịch sử.

C. Tăng sức mạnh thần thánh cho nhân vật, làm cho câu chuyện hấp dẫn, li kì.

D. Là thủ pháp quan trọng để xây dựng nhân vật truyền thuyết.

Đáp án: B

Câu 7. Dòng nào nói lên mục đích của truyện truyền thuyết?

A. Sáng tạo lại lịch sử theo quan điểm của nhân dân.

B. Kể về nhân vật và sự kiện lịch sử theo góc nhìn mới.

C. Tôn vinh, lí tưởng hóa con người và chiến công của người anh hùng.

D. Dùng yếu tố kỳ ảo để tôn lên sức mạnh thần kỳ của người anh hùng.

Đáp án: C

Câu 8: Đặc điểm nổi bật về không gian, thời gian của truyền thuyết:

A. Thời gian quá khứ, không gian cụ thể, xác định.

B. Thời gian gắn liền với biến cố lịch sử dân tộc, không gian rộng lớn.

C. Thời gian gắn với lịch sử, không gian gắn với di tích văn hóa.

D. Thời gian và không gian xác định (không xác định chính xác chi tiết).

Đáp án: D

Câu 9: Kết thúc truyền thuyết có đặc điểm gì? Thể hiện quan điểm nào của người xưa?

A. Kết thúc mở. Sự đánh giá về công trạng và kì tích của nhân vật anh hùng.

B. Kết thúc mở. Muốn tạo niềm tin cho người đọc về sự lý giải nhân vật và sự kiện lịch sử.

C. Kết thúc có hậu. Thể hiện niềm tin vào công lý của nhân dân.

D. Kết thúc tạo bi kịch. Phản ánh đúng bản chất lịch sử.

Đáp án: B

Câu 10: Dòng nào KHÔNG nêu đúng ý nghĩa của truyền thuyết?

A. Kết nối quá khứ – hiện tại, truyền thống – hiện đại.

B. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

C. Trân trọng khát vọng sáng tạo, ý thức hướng thiện.

D. Khơi gợi ý thức tìm hiểu lịch sử, người anh hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Đáp án: C

5.2. Tự luận

Câu 1: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ, bèn sai sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài giỏi cứu nước. Đứa bé nghe tiếng rao, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu với vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn”.

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên.

b. Đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào? Nhân vật chính là ai?

c. Viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu ý nghĩa của chi tiết: “Tiếng nói đầu tiên của chú bé là tiếng nói đòi đi đánh giặc”?

Đáp án:

a. Phương thức biểu đạt chính: tự sự

b. Đoạn văn trích từ tác phẩm Thánh Gióng

Nhân vật chính trong truyện là Thánh Gióng

c. Gióng lên ba vẫn chưa biết nói, khi nghe sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước thì lại “bỗng dưng cất tiếng nói”. Câu nói đầu tiên của một đứa trẻ lên ba lại là câu nói đòi đi đánh giặc. Câu nói này vừa có ý ca ngợi người anh hùng Thánh Gióng với tinh thần yêu nước luôn được đặt lên hàng đầu và được bộc lộ vào trong những hoàn cảnh hiểm nguy của đất nước. Mặt khác nó cũng thể hiện ý thức thường trực chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Gióng cũng như những người nông dân khác, quanh năm nhẫn nại, im lặng làm ăn, như hình ảnh chú bé Gióng ba năm không nói, không cười, nhưng chỉ cần đất nước cần thì họ lại có thể sẵn sàng vứt bỏ tất cả, đứng lên chống giặc ngoại xâm.  

Câu 2: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

… “Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm Lê Lợi – bấy giờ đã làm vua – cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân dịp đó, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi thuyền rồng tiến ra đến giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Đứng ở mạn thuyền, vua thấy lưỡi gươm thần đeo bên người tự nhiên động đậy. Con rùa vàng không sợ người, nhô đầu lên cao nữa và tiến về phía thuyền vua. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm cho Long Quân!”.

      Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp thanh gươm và lặn xuống. Gươm và rùa đã chìm đáy nước, người ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói dưới mặt hồ xanh. Từ đó, hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.”…

a. Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào? Văn bản là truyền thuyết hay cổ tích?

b. Đoạn văn trên kể về sự việc gì?

c. Em hãy chỉ ra yếu tố tưởng tượng kì ảo và cốt lõi lịch sử trong đoạn văn trên

d. Viết một đoạn văn ngắn (7-9 câu) lí giải việc Lê Lợi trả gươm thần cho Long Quân

Đáp án:

a.

- Đoạn văn trên được trích từ văn bản Sự tích hồ Gươm

- Văn bản thuộc thể loại truyền thuyết

b. Đoạn văn kể về sự việc: Đức Long Quân sai sứ giả lên đòi lại gươm thần / hoặc Lê Lợi trả gươm cho Đức Long Quân.

c.

- Yếu tố tưởng tượng kì ảo: lưỡi gươm tự nhiên động đậy, Rùa Vàng biết nói

- Cốt lõi lịch sử trong đoạn văn trên: giặc Minh, Lê Lợi, địa danh hồ Tả Vọng – hồ Gươm – hồ Hoàn Kiếm

d. Lê Lợi nhận gươm trên đất Thanh Hóa nhưng lại trả gươm tại hồ Tả Vọng ở Thăng Long. Nếu Lê Lợi trả gươm ở Thanh Hóa thì ý nghĩa của truyền thuyết này bị giới hạn bởi vì lúc này, Lê Lợi đã là vua và kinh thành Thăng Long là thủ đô, tượng trưng cho cả nước. Việc trả gươm diễn ra ở đây mới thể hiện hết được tư tưởng yêu hòa bình và tinh thần cảnh giác của toàn dân tộc. Sau việc Lê Lợi trả gươm cho Long Quân, hồ Tả Vọng được đổi tên là Hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm). Tên hồ Hoàn Kiếm (trả gươm) có ý nghĩa là gươm thần vẫn còn đó và nhắc nhở tinh thần cảnh giác đối với mọi người, răn đe những kẻ có tham vọng dòm ngó đất nước ta. Tên hồ đánh dấu và khẳng định chiến thắng hoàn toàn của khởi nghĩa Lam Sơn đối với giặc Minh, phản ánh tư tưởng yêu hòa bình đã thành truyền thống của dân tộc ta. Cái tên Hồ Gươm gắn liền với huyền thoại lịch sử ấy sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian, với sự ngưỡng mộ của bao thế hệ Việt Nam yêu nước.

Câu 3: Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Đến ngày lễ Tiên vương, các lang mang sơn hào hải vị, nem công chả phượng tới, chẳng thiếu thứ gì. Vua cha xem qua một lượt rồi dừng lại trước chồng bánh của Lang Liêu, rất vừa ý, bèn gọi lên hỏi. Lang Liêu đem giấc mộng gặp thần ra kể lại. Vua cha ngẫm nghĩ rất lâu rồi chọn hai thứ bánh ấy đem tế Trời, đất cùng Tiên vương

a. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?

b. Xác định các từ theo cấu tạo trong câu sau: “Lang Liêu đem giấc mộng gặp thần ra kể lại”

c. Hai thứ bánh trong đoạn văn trên là loại bánh nào? Ý nghĩa của hai loại bánh ấy.

d. Viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu ý nghĩa của phong tục bánh chưng, bánh giầy

Đáp án:

a. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

b. “Lang Liêu/ đem/ giấc mộng/ gặp /thần/ ra/ kể/ lại”

Từ đơn: đem, gặp, thần, ra, kể, lại

Từ ghép: Còn lại

c. Hai thứ bánh đó là bánh chưng và bánh giầy

- Ý nghĩa:

+ Ý nghĩa thực tế: Đề cao thành quả của nghề nông.

+ Ý nghĩa sâu xa: tượng trưng của Trời - Đất, muôn loài, tượng trưng cho ngụ ý đùm bọc nhau.

d.

Bánh chưng, bánh giày là những món ăn mang đậm nét văn hoá của người Việt. Sự tích bánh chưng bánh giầy tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cây lúa và thiên nhiên trong nền văn hoá lúa nước. Sự tích trên muốn nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính; lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của bánh chưng, bánh giày là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Nếu như trước kia, bánh chưng, bánh giày chỉ được gói, được làm trong những dịp lễ Tết, vào ngày Giỗ Tổ hay khi gia đình có cỗ lớn, thì bây giờ, ở nhiều nơi, nhất là ở những đô thị hiện đại, bánh chưng, bánh giày đã trở thành một thứ hàng quà, được bán hàng ngày phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân. Nó được coi như một loại bánh để ăn chơi, có khi là ăn quà sáng, quà chiều, có khi là món ăn dùng trong những dịp cưới xin, giỗ chạp...

Câu 4: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

Giặc đã dến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc đóng đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Đến đấy, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa đều bay thẳng lên trời.”

a. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Văn bản ấy thuộc thể loại gì?

b. Xác định ngôi kể và thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

c. Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

d. Viết một đoạn văn ngắn (5-7 câu) nêu cảm nhận về chi tiết: “Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong, lẫm liệt”.

Đáp án:

a.

- Đoạn văn trên trích trong tác phẩm Thánh Gióng.

- Văn bản ấy thuộc thể loại: truyền thuyết

b.

- Ngôi kể thứ ba

- Phương thức biểu đạt chính: tự sự

c. Nội dung chính: Tráng sĩ (Thánh Gióng) ra trận đánh giặc, thắng giặc và bay lên trời.

d. Khi đọc truyền thuyết Thánh Gióng, hình ảnh “Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt” để lại cho em ấn tượng sâu sắc. Đây là một trong những chi tiết kì ảo trong Thánh Gióng. Từ “tráng sĩ” dùng để chỉ người thanh niên khỏe mạnh, cường tráng và thường làm những việc lớn. Hành động vươn vai từ một cậu bé biến thành một “tráng sĩ” của Gióng cho thấy quan niệm của nhân dân ta về người anh hùng phải có ngoại hình và sức mạnh phi thường. Đồng thời, hình ảnh này còn khát vọng của nhân dân về một người anh hùng có sức mạnh vô song để chống lại kẻ thù ngoại xâm. Đây quả là một chi tiết giàu ý nghĩa trong truyền thuyết Thánh Gióng, muốn đánh thắng giặc thì sức mạnh về thể chất cũng là một điều rất quan trọng.

Câu 5: Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi sau:

Thủy Tinh đến sau không lấy được vợ đùng đùng nổi giận đem quân đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thần hô mưa, gọi gió, làm giông bão rung chuyển cả đất trời. Nước ngập ruộng đồng, nước tràn nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi sườn núi. Thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép lạ bốc dời từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng cao lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu. Hai bên đánh nhau ròng rã suốt mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã kiệt. Thần Nước đành rút quân.”

(Sơn Tinh, Thủy Tinh)

a. Đoạn trích trên kể về sự việc gì?

b. Mỗi nhân vật đại diện cho lực lượng nào?

c. Viết đoạn văn (8-10 câu) phát biểu cảm nghĩ về hai nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh?

Đáp án:

a. Đoạn trích kể về sự việc Sơn Tinh giao chiến với Thủy Tinh

b.

- Sơn Tinh đại diện cho nhân dân chống thiên tai (Phúc thần)

- Thủy Tinh đại diện cho hiện tượng thiên tai tàn khốc (Hung thần)

c. Qua truyện “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, nhân dân ta đã xây dựng hình tượng về hai vị thần tuy đều có tài năng xuất chúng nhưng cách ứng xử hoàn toàn trái ngược nhau. Thủy Tinh và Sơn Tinh là hai chàng trai đến cầu hôn Mị Nương- con gái của vua Hùng, mỗi người một vẻ đều có tài năng: Sơn Tinh là người vùng núi, có tài lạ vẫy tay phía nào là phía đó nổi cồn bãi, núi đồi ; Thủy Tinh lại là người miền biển, có tài hô mưa gọi gió. Sơn Tinh đã đem được đủ sính lễ đến sớm và rước được nàng Mị Nương về núi. Vì lẽ đó mà Thủy Tinh tức giận, gây chiến nhằm cướp lấy nàng công chúa. Thủy Tinh đã gây ra bao tội lỗi, gọi mưa bão, làm ngập nhà cửa ruộng đồng của nhân dân. Sơn Tinh với tài năng và phép thuật của mình đã nâng cao núi dần để chặn nước dâng lên. Thủy Tinh vì chuyện riêng tư đã gây họa cho bao người, Sơn Tinh đã dùng sức mạnh, trí tuệ của mình để giúp dân giúp nước. Thủy Tinh đại diện cho những tai họa khủng khiếp của thiên nhiên đe dọa con người, còn Sơn Tinh chính là hình ảnh của nhân dân chống lũ lụt, bảo vệ con người. Mong ước của nhân dân ta từ ngàn đời nay đã được gửi gắm qua hình ảnh của chàng Sơn Tinh trí tuệ, tài đức. Đó là ý nguyện về tinh thần đoàn kết dân tộc để chế ngự thiên tai tự nhiên, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho muôn người.

Xem thêm các bài viết về định nghĩa và khái niệm môn Văn chọn lọc, hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án các lớp các môn học