Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 36: Các quy luật di truyền của Mendel
Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 Bài 36: Các quy luật di truyền của Mendel sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 9.
Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 36: Các quy luật di truyền của Mendel
1. MENDEL VÀ THÍ NGHIỆM LAI MỘT CẶP TÍNH TRẠNG
a. Gregor Johann Mendel
Gregor Johann Mendel
- Gregor Johann Mendel (1822 - 1884), sinh ra tại Vương quốc Áo, nay thuộc Cộng hoà Séc.
- Ông là một nhà khoa học, một linh mục Công giáo người Áo thuộc Dòng Augustine, ông được coi là người đặt nền móng cho di truyền học hiện đại vì những nghiên cứu của ông về đặc điểm di truyền của đậu Hà Lan.
b. Đối tượng nghiên cứu của Mendel
- Mendel đã chọn đậu hà lan (Pisum sativum) là đối tượng nghiên cứu chính vì có nhiều đặc điểm phù hợp với phương pháp nghiên cứu như:
+ Thụ phấn nghiêm ngặt → dễ tạo dòng thuần và thực hiện các phép lai theo ý muốn.
+ Có nhiều cặp tính trạng tương phản → dễ nhận biết và theo dõi sự di truyền.
+ Vòng đời ngắn → nhanh có kết quả, ít chi phí.
+ Số lượng đời con lớn → các kiểu hình có cơ hội biểu hiện.
Các cặp tính trạng tương phản của cây đậu hà lan được Mendel nghiên cứu
c. Phương pháp nghiên cứu của Mendel
- Với cách tiếp cận thực nghiệm, định lượng trong nghiên cứu, Mendel đã tiến hành hàng nghìn phép lai khác nhau và phân tích con lai, đồng thời vận dụng toán xác suất để lí giải cho sự xuất hiện tỉ lệ phân li kiểu hình ở đời con. Phương pháp nghiên cứu của Mendel có thể được tóm tắt theo các bước sau:
+ Tạo dòng thuần bằng phương pháp cho cây tự thụ phấn qua nhiều thế hệ.
+ Tiến hành lai các cặp bố mẹ để theo dõi từng cặp tính trạng qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau.
+ Phân tích số liệu ghi nhận từ các phép lai để đưa ra giả thuyết.
+ Dùng phép lai kiểm nghiệm để kiểm tra các giả thuyết, từ đó, rút ra các quy luật di truyền.
→ Mendel là người đều tiên vận dụng phương pháp khoa học vào việc nghiên cứu di truyền.
- Từ các kết quả nghiên cứu, Mendel đã đưa ra nhận định bố mẹ truyền cho con những nhân tố riêng biệt (được gọi là nhân tố di truyền), các nhân tố này không bị mất đi mà giữ nguyên ở thế hệ sau.
→ Đây cũng chính là ý tưởng về gene cho nghiên cứu về di truyền học hiện đại.
d. Thí nghiệm lai một cặp tính trạng của Mendel
- Thí nghiệm lai một cặp tính trạng của Mendel được tiến hành như sau: Mendel đã tiến hành cho giao phấn giữa các giống đậu hà lan thuần chủng khác nhau về cặp tính trạng tương phản (ví dụ: màu sắc hoa). Sau đó, ông lấy các cây ở F1 của phép lai này cho tự thụ phấn thu được kết quả F2.
Thí nghiệm của Mendel về tính trạng màu hoa ở cây đậu hà lan
- Kết quả: Kết quả của các phép lai đều tương tự nhau về tỉ lệ kiểu hình ở Fl, F2. Trong đó:
+ F1 đều đồng tính (chỉ xuất hiện một loại kiểu hình của bố hoặc của mẹ).
+ F2 đều phân tính với tỉ lệ 3 : 1.
- Giải thích kết quả thí nghiệm:
Giải thích kết quả thí nghiệm lai một cặp tính trạng màu sắc hoa ở đậu hà lan của Mendel
+ Mỗi cây thuần chủng thuộc thế hệ bố mẹ có hai nhân tố di truyền (allele) y hệt nhau là AA hoặc aa. Do đó, mỗi cây thuộc thế hệ bố mẹ khi tạo giao tử chỉ có một loại giao tử là mang A hoặc mang a.
+ Sự kết hợp các giao tử của bố và mẹ tạo nên cơ thể lai F1 chứa tổ hợp allele Aa, vì A quy định hoa tím là trội nên tất cả con lai F1 đều có hoa tím.
+ Khi các cây F1 tạo giao tử, cặp allele Aa sẽ phân li, một nửa số giao tử mang A và một nửa mang a. Sự tổ hợp của các loại giao tử này trong thụ tinh đã tạo ra tỉ lệ kiểu hình ở F2 là 3 hoa tím : 1 hoa trắng (3 trội : 1 lặn).
→ Từ kết quả thí nghiệm lai một cặp tính trạng, Mendel đưa ra quy luật phân li với nội dung như sau: Mỗi tính trạng do một cặp nhân tố di truyền quy định. Trong quá trình phát sinh giao tử, mỗi nhân tố di truyền trong cặp nhân tố di truyền phân li về một giao tử. Mỗi giao tử chỉ chứa một trong hai nhân tố di truyền của cặp nhân tố di truyền.
e. Phân biệt một số thuật ngữ và giải thích một số kí hiệu thường dùng trong di truyền học
Một số thuật ngữ thường dùng trong di truyền học
- Tính trạng: là đặc điểm hình thái, cấu tạo, sinh lí của cơ thể. Ví dụ: tính trạng chiều cao, tính trạng màu sắc hoa, tính trạng hình dạng hạt,…
- Cặp tính trạng tương phản: là hai trạng thái biểu hiện khác nhau của cùng một tính trạng. Ví dụ: xét tính trạng màu hoa có cặp tính trạng tương phản là màu hoa tím và màu hoa trắng, xét tính trạng màu hạt có cặp tính trạng tương phản là tính trạng hạt vàng và hạt xanh,…
- Tính trạng trội: là tính trạng biểu hiện ở F1 trong thí nghiệm lai một cặp tính trạng của Mendel (tính trạng biểu hiện khi có kiểu gene ở dạng đồng hợp tử hoặc dị hợp tử). Ví dụ: màu hoa tím, màu hạt vàng, dạng hạt trơn, thân cao,…
- Tính trạng lặn: là tính trạng không được biểu hiện ở F1 mà chỉ được biểu hiện ở F2 trong thí nghiệm lai một cặp tính trạng của Mendel (tính trạng chỉ xuất hiện khi kiểu gene ở trạng thái đồng hợp lặn). Ví dụ: màu hoa trắng, màu hạt xanh, dạng hạt nhăn, thân thấp,…
- Nhân tố di truyền: là nhân tố quy định tính trạng của sinh vật. Nhân tố di truyền chính là allele trong quan điểm hiện đại.
- Allele: là các trạng thái khác nhau của cùng một gene. Ví dụ: Gene quy định nhóm máu có 3 allele là IA, IB, IO,…
- Kiểu gene: là tổ hợp các gene quy định kiểu hình của cơ thể. Ví dụ: kiểu gene AA và Aa quy định hoa tím, kiểu gene aa quy định hoa trắng.
- Kiểu hình: là tổ hợp các tính trạng của cơ thể được biểu hiện ra bên ngoài. Ví dụ: kiểu hình hạt vàng, kiểu hình hạt xanh, kiểu hình thân cao, kiểu hình thân thấp,…
- Cơ thể thuần chủng: là cơ thể có đặc tính di truyền đồng nhất và ổn định về một tính trạng nào đó, các thế hệ con cái sinh ra giống nhau và giống với thế hệ trước (không phân li kiểu hình, kiểu gene). Ví dụ: cơ thể mang kiểu gene AA và cơ thể mang kiểu gene aa là những cơ thể thuần chủng về 1 cặp gene, cơ thể mang kiểu gene AABB là cơ thể thuần chủng về 2 cặp gene trên,…
- Dòng thuần: là dòng có các thế hệ sau đồng nhất với nhau và với bố mẹ về một vài tính trạng nào đó. Ví dụ: Dòng hoa tím thuần chủng AA,…
Một số kí hiệu thường dùng trong di truyền học
- P: Bố mẹ.
- Pt/c: Bố mẹ thuần chủng.
- ×: Phép lai.
- G: Giao tử. Trong đó, GP: Giao tử của bố mẹ; GF1: Giao tử của thế hệ F1;…
- ♀: Giao tử cái hoặc cơ thể cái, ♂: Giao tử đực hoặc cơ thể đực.
- F: Thế hệ con. Trong đó, F1: Thế hệ thứ nhất được sinh ra từ P; F2: Thế hệ con được sinh ra từ F1;…
- Các chữ cái in hoa thường kí hiệu gene trội (A, B, C, D, E, G,…), chữ cái in thường kí hiệu gene lặn (a, b, c, d, e, g,…).
g. Phép lai phân tích
- Phép lai phân tích của Mendel: Mendel đã thực hiện phép lai phân tích bằng cách cho cây hoa tím chưa xác định được kiểu gene lai với cây hoa trắng có kiểu gene đồng hợp tử lặn và quan sát kết quả phép lai. Nếu kết quả phép lai đồng tính (100% hoa tím) thì cây hoa tím cần xác định kiểu gene có kiểu gene đồng hợp tử trội, nếu kết quả phép lai phân tính (50% hoa tím, 50% hoa trắng) thì cây hoa tím cần xác định kiểu gene có kiểu gene dị hợp tử.
Sơ đồ phép lai phân tích ở tính trạng màu hoa của cây đậu hà lan
- Khái niệm lai phân tích: Phép lai phân tích là phép lai giữa cơ thể mang tính trạng trội chưa biết kiểu gene với cơ thể mang tính trạng lặn.
- Vai trò của phép lai phân tích: giúp xác định cơ thể đem lai có thuần chủng hay không.
2. THÍ NGHIỆM LAI HAI CẶP TÍNH TRẠNG
a. Thí nghiệm lai hai cặp tính trạng của Mendel
- Thí nghiệm: Mendel lai hai dòng đậu thuần chủng khác nhau về hai cặp tính trạng tương phản: hạt vàng, vỏ trơn và hạt xanh, vỏ nhăn thu được 100% F1 có hạt vàng, vỏ trơn. Ông tiếp tục cho các cây F1 tự thụ phấn thu được F2 gồm bốn kiểu hình phân li theo tỉ lệ: 9 vàng, trơn : 3 vàng, nhăn : 3 xanh, trơn : 1 xanh, nhăn.
Sơ đồ thí nghiệm lai hai tính trạng của Mendel
- Phân tích kết quả thí nghiệm:
+ Tỉ lệ các loại kiểu hình riêng của từng tính trạng ở F2:
Về màu hạt có 3 hạt vàng : 1 hạt trơn.
Về dạng hạt có 3 hạt trơn : 1 hạt nhăn.
→ Sự di truyền của từng tính trạng (màu hạt, dạng hạt) vẫn đúng với quy luật phân li.
+ Tỉ lệ các loại kiểu hình chung của cả hai tính trạng ở F2 là: 9 hạt vàng, vỏ trơn : 3 hạt vàng, vỏ nhăn : 3 hạt xanh, vỏ trơn : 1 hạt xanh, vỏ nhăn = tích tổ hợp hai tính trạng riêng rẽ: (3 hạt trơn : 1 hạt nhăn) × (3 hạt vàng : 1 hạt trơn).
→ Hai tính trạng di truyền độc lập, không phụ thuộc vào nhau.
→ Từ mối tương quan trên, Mendel cho rằng tính trạng màu sắc hạt và hình dạng hạt di truyền độc lập với nhau.
- Giải thích kết quả thí nghiệm:
Sơ đồ giải thích kết quả thí nghiệm lai hai cặp tính trạng của Mendel
+ Giả sử mỗi cặp tính trạng do một cặp nhân tố di truyền quy định (gene). Kí hiệu nhân tố di truyền:
R quy định hạt vàng.
r quy định hạt xanh.
Y quy định hạt trơn.
y quy định hạt nhăn.
+ Cơ thể mang kiểu gene RRYY (hạt vàng trơn thuần chủng) qua quá trình phát sinh giao tử cho một loại giao tử RY, tương tự, cơ thể có kiểu gene rryy (hạt xanh nhăn thuần chủng) cho một loại giao tử ry. Sự kết hợp của hai giao tử này trong thụ tinh tạo ra cơ thể lai F1 có kiểu gene RrYy.
+ Khi cơ thể lai F1 hình thành giao tử, do sự phân li độc lập và tổ hợp tự do của các cặp gene tương ứng đã tạo ra bốn loại giao tử với tỉ lệ ngang nhau là RY, Ry, rY, ry. Sự tổ hợp tự do của bốn giao tử trên đã cho ra F2 với 16 kiểu tổ hợp với tỉ lệ kiểu hình là 9 : 3 : 3 : 1.
→ Từ kết quả thí nghiệm lai hai cặp tính trạng, Mendel đã đưa ra quy luật phân li độc lập với nội dụng như sau: Các cặp nhân tố di truyền quy định các cặp tính trạng khác nhau phân li độc lập và tổ hợp tự do trong quá trình phát sinh giao tử.
Xem thêm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 9 Chân trời sáng tạo hay khác:
Lý thuyết KHTN 9 Bài 39: Quá trình tái bản, phiên mã và dịch mã
Lý thuyết KHTN 9 Bài 41: Cấu trúc nhiễm sắc thể và đột biến nhiễm sắc thể
Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo
- Giải SBT Khoa học tự nhiên 9 Chân trời sáng tạo
- Giải lớp 9 Chân trời sáng tạo (các môn học)
- Giải lớp 9 Kết nối tri thức (các môn học)
- Giải lớp 9 Cánh diều (các môn học)
Tủ sách VIETJACK luyện thi vào 10 cho 2k10 (2025):
Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.
Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:Loạt bài Giải sgk KHTN 9 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Khoa học tự nhiên 9 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).
Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.
- Soạn văn 9 (hay nhất) - CTST
- Soạn văn 9 (ngắn nhất) - CTST
- Giải sgk Toán 9 - CTST
- Giải Tiếng Anh 9 Global Success
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Smart World
- Giải sgk Tiếng Anh 9 Friends plus
- Giải sgk Khoa học tự nhiên 9 - CTST
- Giải sgk Lịch Sử 9 - CTST
- Giải sgk Địa Lí 9 - CTST
- Giải sgk Giáo dục công dân 9 - CTST
- Giải sgk Tin học 9 - CTST
- Giải sgk Công nghệ 9 - CTST
- Giải sgk Hoạt động trải nghiệm 9 - CTST
- Giải sgk Âm nhạc 9 - CTST
- Giải sgk Mĩ thuật 9 - CTST