Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất

Với tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên 9 Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất sách Chân trời sáng tạo hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh lớp 9 nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 9.

Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất

Quảng cáo

1. SỰ PHÁT SINH VÀ QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA SỰ SỐNG TRÊN TRÁI ĐẤT

a. Sự phát sinh và các giai đoạn tiến hóa của sự sống trên Trái Đất

- Sự sống trên Trái Đất có nguồn gốc từ các hợp chất vô cơ bằng con đường tổng hợp hóa học nhờ nguồn năng lượng từ sấm sét, tia tử ngoại, núi lửa,...

Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất (ảnh 1)

Thí nghiệm của Miller–Urey chứng minh các chất hữu cơ có thể được tổng hợp từ các chất vô cơ trong điều kiện Trái Đất nguyên thủy

- Quá trình tiến hoá của sự sống trên Trái Đất được chia làm ba giai đoạn: tiến hoá hoá học, tiến hoá tiến sinh học và tiến hoá sinh học.

Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất (ảnh 2)

Quảng cáo

+ Tiến hoá hoá học - giai đoạn tiến hoá hình thành nên các hợp chất hữu cơ từ các chất vô cơ: Những chất vô cơ có trong khí quyển sơ khai như NH3, CH4, H2O, H2, CO2, xảy ra phản ứng hóa học nhờ năng lượng từ tia sét, tia cực tím,… hình thành nên các hợp chất hữu cơ đơn giản. Các phân tử hữu cơ đơn giản kết hợp lại tạo thành các đại phân tử sinh học như peptide, carbohydrate, lipid, nucleic acid,…

+ Tiến hoá tiền sinh học - giai đoạn hình thành nên các tế bào nguyên thuỷ (còn được gọi là tiền tế bào - một bản sao tối giản của tế bào sống, được bao bọc bởi lớp màng bên trong chứa các chất có thể tiến hoá thành dạng tế bào nhân sơ đơn giản, cổ nhất): Các đại phân tử trong môi trường nước được bao bọc ngẫu nhiên bởi lớp màng lipid hình thành các giọt nhỏ. Những giọt nhỏ có khả năng trao đổi chất với môi trường hình thành nên tế bào nguyên thủy.

Quảng cáo

+ Tiến hoá sinh học - giai đoạn tiến hoá từ các tế bào nguyên thuỷ hình thành nên sinh giới đa dạng: Từ những tế bào nguyên thủy dưới tác động của chọn lọc tự nhiên đã hình thành nên các sinh vật nhân sơ đơn giản. Các tế bào đơn giản đó dần tiến hóa để hình thành các sinh vật nhân sơ, sinh vật đơn bào nhân thực và sau đó là các sinh vật đa bào nhân thực.

b. Nguồn gốc xuất hiện của sinh vật nhân thực

Tổ tiên của các sinh vật đơn bào nhân thực là các tế bào nhân sơ:

- Màng tế bào gấp nếp hình thành hệ thống màng trong tế bào. Trong đó, màng nhân hình thành bao bọc vùng nhân tạo thành nhân hoàn chỉnh.

- Sự xuất hiện ti thể và lạp thể trong các tế bào nhân thực được giải thích bằng cơ chế nội cộng sinh:

+ Cộng sinh của các sinh vật nhân sơ hiếu khí tạo thành bào quan ti thể.

+ Cộng sinh của các sinh vật nhân sơ quang hợp tạo thành bào quan lục lạp ở tế bào nhân thực tự dưỡng.

Quảng cáo

Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất (ảnh 3)

Mô hình phát sinh tế bào nhân thực từ tế bào nhân sơ thông qua giả thuyết nội cộng sinh

c. Sự xuất hiện và đa dạng hoá của sinh vật đa bào

- Các sinh vật đơn bào nhân thực tiến hoá để hình thành các sinh vật đa bào thông qua các dạng sống tập đoàn:

+ Sau khi những sinh vật nhân thực đầu tiên xuất hiện, quá trình tiến hoá diễn ra theo nhiều hướng khác nhau đã hình thành nên các dạng sinh vật nhân thực đơn bào khác và tồn tại cho đến ngày nay.

+ Các sinh vật đa bào có thể được hình thành thông qua quá trình phân bào hoặc tập hợp gồm nhiều dạng đơn bào (ví dụ: tập đoàn Volvox).

Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất (ảnh 4)

Tập đoàn Volvox

- Tổ tiên của nấm, động vật và thực vật là nguyên sinh vật. Trong đó, nấm và động vật có quan hệ gần gũi hơn so với thực vật.

- Sự tiến hóa lên cạn, trôi dạt lục địa và sự lan tỏa thích nghi đã làm tuyệt chủng nhiều nhóm sinh vật nhưng cũng làm xuất hiện nhiều nhóm sinh vật mới. Trong số các sinh vật đa bào, nấm được xem là nhóm di cư lên cạn sớm nhất.

2. NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI

- Các dữ liệu về hoá thạch và sinh học phân tử đã chứng minh loài người được phát sinh từ tổ tiên chung (Hominin ancestor) với vượn người, tiến hoá theo kiểu phân nhánh, trải qua nhiều giai đoạn. Tổ tiên của loài người là các nhóm người Hominin có não nhỏ, dáng đứng thẳng và có thể đi được bằng hai chân, bắt nguồn từ châu Phi và sống cách đây khoảng 6 - 7 triệu năm trước.

- Quá trình tiến hoá từ vượn thành người trải qua các giai đoạn chính sau: Người vượn (Australopithecus) → Người khéo léo (Homo habilis) → Người đứng thẳng (Homo erectus) → Người Nearderthal (Homo neanderthalensis) và người hiện đại (Homo sapiens). Hiện nay, chỉ loài người hiện đại (Homo sapiens) là còn tồn tại và phát triển phân bố rộng khắp các châu lục của Trái Đất.

Lý thuyết KHTN 9 Chân trời sáng tạo Bài 48: Phát sinh và phát triển của sự sống trên Trái Đất (ảnh 5)

Quá trình tiến hóa từ vượn thành người

+ Vượn người phương nam (Australopithecus): Sống cách đây khoảng 2 đến 3 triệu năm; đi bằng hai chân, thân hơi khom về phía trước, biết sử dụng cành cây, hòn đá, mảnh xương thú để tự vệ và tấn công.

+ Người khéo léo (Homo habilis): Sống cách đây khoảng 1,6 đến 2 triệu năm; sống thành đàn, đi thẳng đứng, tay biết chế tác và sử dụng công cụ bằng đá.

+ Người đứng thẳng (Homo erectus): Sống cách đây khoảng 35 000 đến 1,6 triệu năm; đã biết chế tác và sử dụng công cụ bằng đá, bằng xương, đã biết dùng lửa trong sinh hoạt.

+ Người Neanderthal (Homo neanderthalensis): Sống cách đây 35 000 đến 200 000 năm; có cấu tạo giải phẫu không có nhiều biến đổi so với người Homo erectus, nhưng đã biết dùng lửa thông thạo, đã biết săn bắn, hái lượm và có đời sống văn hoá.

+ Người hiện đại (Homo sapiens): Xuất hiện vào khoảng 195 000 năm trước; đã chế tác được nhiều dụng cụ phức tạp, có bằng chứng chứng tỏ đã có tiếng nói, sống thành bộ lạc và có nền văn hóa phức tạp, bắt đầu có mầm mống mĩ thuật và tôn giáo.

- Quá trình tiến hóa từ vượn người thành người hiện đại chịu tác động của các nhân tố sinh học (các nhân tố tiến hóa gồm đột biến, di – nhập gene, yếu tố ngẫu nhiên, giao phối không ngẫu nhiên, chọn lọc tự nhiên) và nhân tố xã hội (cải tiến công cụ lao động, phát triển lực lượng sản xuất, cải tạo quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội,...) nhưng các nhân tố xã hội là tác nhân quyết định.

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 9 Chân trời sáng tạo hay khác:

Xem thêm các tài liệu học tốt lớp 9 hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Giải sgk KHTN 9 của chúng tôi được biên soạn bám sát nội dung sgk Khoa học tự nhiên 9 Kết nối tri thức (NXB Giáo dục).

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 9 Chân trời sáng tạo khác