[Năm 2024] Top 50 Đề thi Ngữ Văn 9 Học kì 1 chọn lọc, có đáp án



[Năm 2024] Top 50 Đề thi Ngữ Văn 9 Học kì 1 chọn lọc, có đáp án

Phần dưới đây liệt kê Top 50 Đề thi Ngữ Văn 9 Học kì 1 năm học 2024 - 2025 chọn lọc, có đáp án. Bộ đề thi gồm các đề thi giữa học kì 1, đề thi học kì 1 biên soạn theo Thông tư 22 của Bộ Giáo dục & Đào tạo về cách đánh giá năng lực học sinh mới. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp bạn ôn luyện & đạt điểm cao trong các bài thi Văn lớp 8 Học kì 1.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra 15 phút Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 15 phút

a.Tìm lời dẫn trong đoạn trích sau. Cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp.

Cháu bỗng dưng tự hỏi : Cái nhớ xe, nhớ người ấy thực ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói : “Đấy, bác cũng chẳng “ thèm” người là gì?”.

b. Đặt câu (hoặc viết thành đoạn văn ngắn từ 3 đến 5 câu) để dẫn câu sau theo cách dẫn trực tiếp : Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.

Đáp án và thang điểm

a, HS chỉ ra được:

+ …Cái nhớ xe, nhớ người thực ra là cái gì vậy ? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng là dẫn gián tiếp.

+ “ Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì ?” là dẫn trực tiếp.

b, HS dẫn câu đã cho theo lối trực tiếp đúng

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra 1 tiết Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 45 phút

Phần I: Trắc nghiệm (3 điểm) Khoanh tròn vào chữ cái đầu đáp án đúng:

Câu 1: Nhân vật chính trong truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” là ai?

A. Trương Sinh và Phan Lang    B. Phan Lang và Linh Phi

C. Vũ Nương và Trương Sinh    D. Linh Phi và mẹ Trương Sinh

Câu 2: Nhận định nào nói đúng nhất tư tưởng, cảm xúc chủ đạo của tác giả trong văn bản “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh”?

A. Phê phán thói ăn chơi xa xỉ của bọn vua chúa đương thời.

B. Phê phán tệ nhũng nhiễu nhân dân của lũ quan lại hầu cần vua chúa.

C. Thể hiện lòng thương cảm đối với nhân dân của tác giả.

D. Cả A,B,C đều đúng.

Câu 3: Đoạn trich “Chị em Thúy Kiều” nói về những nhân vật nào?

A. Thúy Kiều và Kim Trong    B. Thúy Kiều và Vương Quan

C. Thúy Kiều và Từ Hải    D. Thúy Kiều và Thúy Vân

Câu 4: Hồi thứ 14 trong “Hoàng Lê nhất thống chí” tái hiện sự việc gì?

A. Chiến thắng của vua Lê và sự thảm hại của quân Thanh.

B. Chiến thắng của vua Quang Trung.

C. Chiến công của vua Quang Trung và sự thảm bại của quân Thanh cùng số phận bi đát của bọn thống trị nhà Lê.

D. Sự thống nhất của vua Lê.

Câu 5: Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” tiêu biểu cho bút pháp nghệ thuật nào của Nguyễn Du?

A. Nghệ thuật tả cảnh    B. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình.

C. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình.    D. Nghệ thuật tả người.

Câu 6: Hình ảnh Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga được khắc họa giống với motip nào trong truyện cổ tích?

A. Một chàng trai tài giỏi, cứu một cô gái thoát khỏi cảnh nguy hiểm, họ trả nghĩa nhau và trở thành vợ chồng.

B. Một anh nông dân nghèo nhờ chăm chỉ đã lấy được vợ đẹp và trở nên giàu có.

C. Một ông vua mang hạnh phúc đến cho một người đau khổ.

D. Những con người ăn ở hiền lành, thật thà, phúc đức sẽ được đền đáp xứng đáng.

Phần II. Tự luận:

Câu 1: Nêu những nét chính về thời đại, gia đình và cuộc đời Nguyễn Du. Tóm tắt “Truyện Kiều”.

Câu 2: Viết một đoạn văn ngắn (khoản 10-15 câu) nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp, phẩm chất và số phận của nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ. Từ đó em hiểu gì về hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa?

Đáp án và thang điểm

Phần I: Trắc nghiệm (3 điểm) – Mỗi câu đúng được 0,5đ.

Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án C D D C C A

Phần II: Tự luận (7 điểm)

Câu 1:

# Những nét chính về thời đại, gia đình và cuộc đời Nguyễn Du:

- Tiểu sử

    + Nguyễn Du (1765-1820) quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; sinh trưởng trong một gia đình đại quí tộc có truyền thống về văn học.

    + Cuộc đời Nguyên Du gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX. Đây là giai đoạn lịch sử đầy biến động với hai đặc điểm nổi bật: chế độ phong kiến Việt Nam khủng hoảng trầm trọng và bão táp phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi.

    + Nguyễn Du sống phiêu bạt nhiều năm trên đất Bắc rồi về ở ẩn tại quê nội Hà Tĩnh, sau đó ra làm quan bất đắc dĩ với triều Nguyễn. Năm 1813-1814 ông được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc. Năm 1820 ông được cử làm chánh sứ đi Trung Quốc lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh, mất tại Huế.

- Học vấn: Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hoá dân tộc và văn chương Trung Quốc. Ông có vốn sống phong phú, niềm thông cảm sâu sắc với những đau khổ của nhân dân.

- Sự nghiệp: Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm những tác phẩm có giá trị lớn cả bằng chữ Hán và chữ Nôm.

# Tóm tắt “Truyện Kiều”:

Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống êm ấm cùng cha mẹ và hai em là Thúy Vân và Vương Quan. Trong buổi du xuân, Kiều gặp Kim Trọng, thề nguyền đính ước với nhau. Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Kiều bị mắc oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kiều bị Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa đẩy vào lầu xanh, được Thúc Sinh cứu khỏi lầu xanh nhưng bị Hoạn Thư ghen, Kiều phải chốn đi nương náu ở chùa Giác Duyên. Vô tình Kiều lại rơi vào tay Bạc Hạnh, Bạc Bà phải vào lầu xanh lần thứ hai. Kiều gặp Từ Hải. Từ Hải lấy Kiều làm vợ, giúp Kiều báo ân báo oán. Từ Hải mắc lừa Hồ Tôn Hiến, bị giết. Kiều bị bắt ép gả cho tên Thổ Quan. Nàng tủi nhục trầm mình ở sông Tiền Đường, được sư Giác Duyên cứu, nương nhờ cửa phật lần thứ hai. Kim trọng trở lại kết duyên với Thúy Vân nhưng vẫn đi tìm Kiều. Nhờ sư Giác Duyên, Kim-Kiều gặp nhau, gia đình đoàn tụ. Kim gặp Kiều đổi tình yêu thành tình bạn.

Câu 2:

Chú ý các ý sau:

- Vũ Nương là người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp

   + Người con gái thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.

   + Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng.

   + Người con dâu hiếu thảo: chăm sóc mẹ chồng như cha mẹ ruột, lo ma chay chu đáo khi mẹ chồng mất

   + Người mẹ thương con hết mực:bù đắp thiếu thốn tinh thần của con bằng cách chỉ vào bóng mình trên tường giả làm cha đứa bé.

   + Người phụ nữ trọng nhân phẩm tình nghĩa.

- Số phận của nàng bất hạnh, hẩm hiu:

   + Chồng đi lính, một mình phải gánh vác công việc gia đình, chăm sóc con nhỏ, phụng dưỡng mẹ già

   + Bị chồng nghi oan tấm lòng chung thủy, mắng nhiếc, đánh đuổi một cách phũ phàng

   + Dù ở thủy cung luôn nhớ về nhân gian nhưng không thể trở về được

Nghệ thuật xây dựng nhân vật: tạo dựng tình huống để thử thách nhân vật, khắc họa nhân vật qua ngoại hình, hành động, đối thoại... kết hợp với yếu tố kì ảo có thực

- Vũ Nương là đại diện cho người phụ nữ Việt Nam xưa có tư dung tốt đẹp, có nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng chịu nhiều đau khổ, bất hạnh.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra 1 tiết tiếng việt Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

Phần I: Trắc nghiệm (2đ) : Khoanh tròn vào chữ cái đầu câu trả lời đúng nhất.

Câu 1: Thành ngữ "Ông nói gà bà nói vịt" liên quan đến phương châm hội thoại nào?

A. Phương châm về lượng     C. Phương châm về chất

B. Phương châm về quan hệ     D. Phương châm cách thức

Câu 2: Thành ngữ nào dưới đây không liên quan đến phương châm hội thoại về chất?

A. Ăn ốc nói mò    C. Nói nhăng nói cuội

B. Ăn không nói có    D. Lúng búng như ngậm hột thị

Câu 3: Lời dẫn trực tiếp là:

A. Nhắc lại nguyên văn lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật.

B. Thuật lại lời nói hay ý nghĩ của người hoặc nhân vật, có điều chỉnh cho thích hợp.

C. Lời dẫn trực tiếp không cần đặt trong dấu ngoặc kép.

D. Cả ba đáp án trên đều đúng.

Câu 4: Việc mượn từ trong Tiếng Việt là để:

A. Phát triển từ ngữ Tiếng Việt

B. Biết ngôn ngữ nước ngoài

C. Người Việt Nam đi du lịch

D. Người Việt Nam hiểu văn hoá nước ngoài

Câu 5: Từ ngữ nào dưới đây không phải là thuật ngữ của môn Tiếng Việt?

A. ẩn dụ    B. Chủ ngữ    C. ẩn hiện     D. Cảm thán

Câu 6: Mỗi chúng ta cần làm gì để tăng vốn từ?

A. Quan sát lắng nghe lời nói hằng ngày của những người xung quanh.

B. Nghe, học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng.

C. Đọc sách, báo, các tác phẩm văn học mẫu mực, ghi chép từ ngữ mới.

D. Cả ba phương án trên

Câu 7: Từ nào trái nghĩa với từ “truân chuyên”

A. Nhọc nhằn    B. Vất vả    C. Nhàn nhã    D. Gian nan

Câu 8: Cụm từ “quạt nồng ấp lạnh” được gọi là gì?

A. Thành ngữ    B. Thuật ngữ    C. Hô ngữ    D. Trạng ngữ

Phần II: Tự luận (8đ).

Câu 1: (2đ) Kể tên các phương chân hội thoại đã học? Cho biết phương châm hội thoại nào có liên quan trong ví dụ dưới đây? Đọc mẩu chuyện sau:

Người con đang học môn Địa lí , hỏi bố:

- Bố ơi! Ngọn núi nào cao nhất thế giới hả bố ?

Người bố đang mải đọc báo, trả lời:

- Ngọn núi nào không nhìn thấy ngọn là ngọn núi cao nhất.

   ( Truyện cười dân gian)

Trong mẫu chuyện trên, lời thoại không tuân thủ phương châm hội thoại nào?

Câu 2: (2đ) Vận dụng kiến thức đã học về từ láy để phân tích nét nổi bật của việc dùng từ trong những câu thơ sau:

   “Nao nao dòng nước uốn quanh,

   Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

   Sè sè nấm đất bên đường

   Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.”

      (Nguyễn Du, Truyện Kiều)

Câu 3: (4đ) Viết đoạn văn khoảng 8 câu phân tích điệp từ “nhóm” trong khổ thơ sau:

   “Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm

   Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

   Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui

   Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

       (Bếp lửa – Bằng Việt)

Đáp án và thang điểm

Phần I: Trắc nghiệm (2đ) mỗi câu đúng được 0,25đ

Câu 1 2 3 45 6 7 8
Đáp án B D A AC D C A

Phần II: Tự luận (8đ)

Câu 1:

- Có 5 phương châm hội thoại đã học:

   + Phương châm về chất

   + Phương châm về lượng

   + Phương châm quan hệ

   + Phương châm cách thức

   + Phương châm lịch sự

- Lời thoại không tuân thủ phương châm về lượng.

Câu 2:

- Những từ láy: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu .

- Vừa tả cảnh, vừa tả tâm trạng: gợi vẻ hoang vắng, trơ trọi, buồn tẻ của ngôi mộ vô chủ và tâm trạng nao nao buồn của ba chị em Thúy Kiều vào thời điểm cuối ngày hội đạp thanh đồng thời báo hiệu một sự kiện sắp xảy ra.

Câu 3: Điệp từ “nhóm” mang hai ý nghĩa:

- Nghĩa đen: Làm cho lửa bén vào củi, làm cho củi cháy.

- Nghĩa chuyển: Khơi lên, gợi lên những tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn con người.

Qua từ “nhóm”, bà không chỉ là người nhóm lên một bếp lửa để nuôi cháu lớn lên mà bà con khơi lên, gợi lên những tình cảm trong cháu, giúp cháu hiểu thêm về quê hương, đất nước mình, hiểu thêm về những phụ nữ việt Nam, những người bà, người mẹ muôn đời tần tảo. Từ đó bồi dưỡng cho cháu niềm tin, nghị lực, tình yêu quê hương, lòng kính trọng, biết ơn đối với bà. Từ “nhóm”được lặp đi lặp lại như khắc sâu tình cảm thiêng liêng ấy.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

Đề bài : Cây lúa Việt Nam

Dàn ý

A. Mở bài :

- Giới thiệu khái quát đôi nét về cây lúa Việt Nam.

B. Thân bài :

- Nguồn gốc của cây lúa: Từ xa xưa, khi con người bắt đầu biết tới trồng trọt.

- Đặc điểm cấu tạo của cây lúa:

   + Lúa là một trong số cây lương thực chính của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

   + Có rất nhiều các loại giống lúa khác nhau phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình của mỗi vùng miền như: Nếp 97, xi, quy..

   + Lúa thuộc họ cây thân mềm, rễ chùm, dài. Thân lúa thường mọc thẳng. Lá lúa dài như lưỡi kiếm, mặt lá nhám. Khi còn non thì mang màu xanh mỡ màng, lúc chín, lá lúa khoác trên mình chiếc áo vàng óng ả, cùng với hương thơm ngào ngạt của bông lúa chín tạo nên một nét vẽ thôn quê bình yên đến lạ. Bông lúa nằm phía ngọn cây, mọc thành từng chùm, sau sinh trưởng và thành hạt lúa. Hạt lúa được người nông dân xay xát và trở thành hạt gạo.

   + Cây lúa là loại cây chủ yếu sống dưới nước.

- Quá trình sinh trưởng của lúa chia làm 3 thời kỳ:

   + Khi mới cấy

   + Lúa đang ở thời con gái

   + Lúa thời kỳ trổ bông và làm mẩy

- Cách trồng lúa và chăm sóc:

   + Người nông dân phải tỉ mỉ ở mỗi một công đoạn: Từ khi chọn giống lúa sao cho đạt tiêu chuẩn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chuẩn bị đất: Dọn cỏ, trục bùn cho đến gieo mạ, bón phân, quản lý lượng nước cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây lúa, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh hại. Khi lúa trổ bông rồi đến kỳ thu hoạch, người dân lại lam lũ ra đồng cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xát gạo.

- Công dụng, ý nghĩa:

   + Hạt gạo được coi là lương thực chính của người nông dân, một thứ không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình Việt, từ giản đơn đến sang trọng.

   + Thân lúa ngày xưa thường được phơi cho khô để lợp nhà, bện chổi, làm chất đốt. Rơm là thức ăn chính của trâu, bò. Người ta đôi khi còn dùng thân cây để ủ phân, cấy nấm.

   + Hạt gạo khi qua chế biến còn trở thành những món ăn ngon lạ miệng: Bánh trôi, bánh tét, bánh giò...Bột gạo còn làm thành bánh phở, mỳ chũ. Nếp non làm nên thứ cốm dẻo thơm phảng phất dư vị nồng nàn của Hà Nội xưa cũ.

   + Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế giúp phát triển kinh tế nông nghiệp.

C. Kết bài :

Khẳng định lại ý nghĩa và vai trò của cây lúa Việt Nam.

Cây lúa vừa là cây lương thực giúp nuôi sống con người, vừa còn là linh hồn của làng quê Việt Nam, làm đẹp thêm cho hình ảnh quê hương đất nước.

Bài mẫu

Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, đi từ Bắc chí Nam, dọc theo đường quốc lộ hay ven những rặng núi, những dòng sông, bao giờ ta cũng cũng thấy những cánh đồng lúa xanh tận chân trời hoặc vàng thắm một màu trù phú. Cây lúa là người bạn của con người, là biểu tượng của sự no ấm phồn vinh của đất nước.

Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa dài và mỏng, mặt lá nhám, gân lá chạy song song. Rễ của cây lúa không dài lắm, thường mọc với nhau thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.

Muốn lấy hạt gạo bên trong, con người phải trải qua nhiều công đoạn: gặt lúa, trục lúa về, phơi cho hạt thật khô. Sau đó đổ lúa vào trong cối, dùng chày mà giã liên tục cho lớp vỏ trấu bong tróc ra. Kế tiếp phải sàng sảy để lựa ra hạt gao chắc mẩy... Sau này, máy móc đã thay dần cho sức người, năng suất tăng dần theo thời gian, nhưng ở những vùng cao người ta vẫn dùng chày để giã gạo. Tiếng chày "cụp, cum" văng vẳng trong đêm gợi lên một cuộc sống lao động thanh bình mang đậm bản sắc riêng của người dân Việt.

Cây lúa ở nước ta có rất nhiều giống nhiều loại. Tuỳ vào đặc điểm địa lý từng vùng, từng miền mà người ta trồng những giống lúa khác nhau. Ở miền Bắc với những đồng chiêm trũng, người ta chọn lúa chiêm thích hợp với nước sâu để cấy trồng, miền Nam đồng cạn phù sa màu mỡ hợp với những giống lúa cạn. Ở những vùng lũ như Tân Châu, Châu Đốc, Mộc Hoá, Long Xuyên người ta chọn loại lúa "trời" hay còn gọi là lúa nổi, lúa nước để gieo trồng. Gọi là lúa "trời" vì việc trồng tỉa người nông dân cứ phó mặc cho trời. Gieo hạt lúa xuống đồng, gặp mùa nước nổi, cây lúa cứ mọc cao dần lên theo con nước. Đến khi nước rút, thân lúa dài nằm ngã rạp trên đồng và bắt đầu trổ hạt. Người dân cứ việc vác liềm ra cắt lúa đem về.

Ngày nay, ngành nghiên cứu nuôi trồng phát triển đã cho ra đời nhiều loại lúa ngắn ngày có năng suất cao như NN8, Thần Nông 8, ÔM, IR66...

Theo điều kiện khí hậu và thời tiết nước ta, cây lúa thường được trồng vào các vụ mùa sau: miền Bắc trồng vào các vụ lúa chiêm, lúa xuân, miền Nam chủ yếu là lúa Đông Xuân và lúa Hè Thu. Các loại lúa ngắn ngày thường không bị ảnh hưởng bởi vụ mùa.

Cây lúa đã mang đến cho dân ta hai đặc sản quí từ lâu đời. Đó là bánh chưng, bánh giầy và cốm. Bánh chưng bánh giầy xuất hiện từ thời Hùng Vương, biểu tượng cho trời và đất. Người Việt ta dùng hai thứ bánh này dâng cúng tổ tiên và trời đất vào những dịp lễ tết. Nó trở thành đặc sản truyền thống của dân tộc Việt.

Cốm, một đặc sản nữa của cây lúa. Chỉ những người chuyên môn mới định được lúc gặt thóc nếp mang về. Qua nhiều chế biến, những cách thức làm có tính gia truyền từ đời này sang đời khác đã biến hạt thóc nếp thành cốm dẻo, thơm và ngon. Nhắc đến cốm, không đâu ngon bằng cốm làng Vòng ở gần Hà Nội.

Tóm lại, cây lúa có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:

    Bao giờ cây lúa còn bông

   Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Xem thêm các đề kiểm tra, Đề thi Ngữ Văn 9 chọn lọc, có đáp án hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Tuyển tập Đề thi Ngữ Văn 9 năm học 2023-2024 học kì 1 và học kì 2 có đáp án được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9 và cấu trúc ra đề thi trắc nghiệm và tự luận mới.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên