Đề kiểm tra tập làm văn số 1 lớp 9 Học kì 1 có đáp án (10 đề)



Đề kiểm tra tập làm văn số 1 lớp 9 Học kì 1 có đáp án (10 đề)

Phần dưới là danh sách Đề kiểm tra tập làm văn số 1 lớp 9 Học kì 1 có đáp án (10 đề). Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp bạn ôn luyện & đạt điểm cao trong các bài thi Ngữ văn 9.

Quảng cáo

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 1)

Đề bài : Cây lúa Việt Nam

Dàn ý

A. Mở bài :

- Giới thiệu khái quát đôi nét về cây lúa Việt Nam.

B. Thân bài :

- Nguồn gốc của cây lúa: Từ xa xưa, khi con người bắt đầu biết tới trồng trọt.

- Đặc điểm cấu tạo của cây lúa:

   + Lúa là một trong số cây lương thực chính của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

   + Có rất nhiều các loại giống lúa khác nhau phù hợp với đặc điểm khí hậu và địa hình của mỗi vùng miền như: Nếp 97, xi, quy..

   + Lúa thuộc họ cây thân mềm, rễ chùm, dài. Thân lúa thường mọc thẳng. Lá lúa dài như lưỡi kiếm, mặt lá nhám. Khi còn non thì mang màu xanh mỡ màng, lúc chín, lá lúa khoác trên mình chiếc áo vàng óng ả, cùng với hương thơm ngào ngạt của bông lúa chín tạo nên một nét vẽ thôn quê bình yên đến lạ. Bông lúa nằm phía ngọn cây, mọc thành từng chùm, sau sinh trưởng và thành hạt lúa. Hạt lúa được người nông dân xay xát và trở thành hạt gạo.

   + Cây lúa là loại cây chủ yếu sống dưới nước.

- Quá trình sinh trưởng của lúa chia làm 3 thời kỳ:

   + Khi mới cấy

   + Lúa đang ở thời con gái

   + Lúa thời kỳ trổ bông và làm mẩy

- Cách trồng lúa và chăm sóc:

   + Người nông dân phải tỉ mỉ ở mỗi một công đoạn: Từ khi chọn giống lúa sao cho đạt tiêu chuẩn, năng suất cao, chống chịu sâu bệnh, chuẩn bị đất: Dọn cỏ, trục bùn cho đến gieo mạ, bón phân, quản lý lượng nước cho thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây lúa, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh hại. Khi lúa trổ bông rồi đến kỳ thu hoạch, người dân lại lam lũ ra đồng cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xát gạo.

- Công dụng, ý nghĩa:

   + Hạt gạo được coi là lương thực chính của người nông dân, một thứ không thể thiếu trong mâm cơm mỗi gia đình Việt, từ giản đơn đến sang trọng.

   + Thân lúa ngày xưa thường được phơi cho khô để lợp nhà, bện chổi, làm chất đốt. Rơm là thức ăn chính của trâu, bò. Người ta đôi khi còn dùng thân cây để ủ phân, cấy nấm.

   + Hạt gạo khi qua chế biến còn trở thành những món ăn ngon lạ miệng: Bánh trôi, bánh tét, bánh giò...Bột gạo còn làm thành bánh phở, mỳ chũ. Nếp non làm nên thứ cốm dẻo thơm phảng phất dư vị nồng nàn của Hà Nội xưa cũ.

   + Bên cạnh đó, việc xuất khẩu lúa gạo ra thị trường quốc tế giúp phát triển kinh tế nông nghiệp.

C. Kết bài :

Khẳng định lại ý nghĩa và vai trò của cây lúa Việt Nam.

Cây lúa vừa là cây lương thực giúp nuôi sống con người, vừa còn là linh hồn của làng quê Việt Nam, làm đẹp thêm cho hình ảnh quê hương đất nước.

Bài mẫu

Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, đi từ Bắc chí Nam, dọc theo đường quốc lộ hay ven những rặng núi, những dòng sông, bao giờ ta cũng cũng thấy những cánh đồng lúa xanh tận chân trời hoặc vàng thắm một màu trù phú. Cây lúa là người bạn của con người, là biểu tượng của sự no ấm phồn vinh của đất nước.

Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa dài và mỏng, mặt lá nhám, gân lá chạy song song. Rễ của cây lúa không dài lắm, thường mọc với nhau thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.

Muốn lấy hạt gạo bên trong, con người phải trải qua nhiều công đoạn: gặt lúa, trục lúa về, phơi cho hạt thật khô. Sau đó đổ lúa vào trong cối, dùng chày mà giã liên tục cho lớp vỏ trấu bong tróc ra. Kế tiếp phải sàng sảy để lựa ra hạt gao chắc mẩy... Sau này, máy móc đã thay dần cho sức người, năng suất tăng dần theo thời gian, nhưng ở những vùng cao người ta vẫn dùng chày để giã gạo. Tiếng chày "cụp, cum" văng vẳng trong đêm gợi lên một cuộc sống lao động thanh bình mang đậm bản sắc riêng của người dân Việt.

Cây lúa ở nước ta có rất nhiều giống nhiều loại. Tuỳ vào đặc điểm địa lý từng vùng, từng miền mà người ta trồng những giống lúa khác nhau. Ở miền Bắc với những đồng chiêm trũng, người ta chọn lúa chiêm thích hợp với nước sâu để cấy trồng, miền Nam đồng cạn phù sa màu mỡ hợp với những giống lúa cạn. Ở những vùng lũ như Tân Châu, Châu Đốc, Mộc Hoá, Long Xuyên người ta chọn loại lúa "trời" hay còn gọi là lúa nổi, lúa nước để gieo trồng. Gọi là lúa "trời" vì việc trồng tỉa người nông dân cứ phó mặc cho trời. Gieo hạt lúa xuống đồng, gặp mùa nước nổi, cây lúa cứ mọc cao dần lên theo con nước. Đến khi nước rút, thân lúa dài nằm ngã rạp trên đồng và bắt đầu trổ hạt. Người dân cứ việc vác liềm ra cắt lúa đem về.

Ngày nay, ngành nghiên cứu nuôi trồng phát triển đã cho ra đời nhiều loại lúa ngắn ngày có năng suất cao như NN8, Thần Nông 8, ÔM, IR66...

Theo điều kiện khí hậu và thời tiết nước ta, cây lúa thường được trồng vào các vụ mùa sau: miền Bắc trồng vào các vụ lúa chiêm, lúa xuân, miền Nam chủ yếu là lúa Đông Xuân và lúa Hè Thu. Các loại lúa ngắn ngày thường không bị ảnh hưởng bởi vụ mùa.

Cây lúa đã mang đến cho dân ta hai đặc sản quí từ lâu đời. Đó là bánh chưng, bánh giầy và cốm. Bánh chưng bánh giầy xuất hiện từ thời Hùng Vương, biểu tượng cho trời và đất. Người Việt ta dùng hai thứ bánh này dâng cúng tổ tiên và trời đất vào những dịp lễ tết. Nó trở thành đặc sản truyền thống của dân tộc Việt.

Cốm, một đặc sản nữa của cây lúa. Chỉ những người chuyên môn mới định được lúc gặt thóc nếp mang về. Qua nhiều chế biến, những cách thức làm có tính gia truyền từ đời này sang đời khác đã biến hạt thóc nếp thành cốm dẻo, thơm và ngon. Nhắc đến cốm, không đâu ngon bằng cốm làng Vòng ở gần Hà Nội.

Tóm lại, cây lúa có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:

    Bao giờ cây lúa còn bông

   Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Quảng cáo

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 2)

Đề bài: Cây hoa đào ở quê em.

Dàn ý

A. Mở bài: giới thiệu về hoa đào

B. Thân bài: thuyết minh về hoa đào

1. Khái quát về hoa đào:

- Biểu tượng của tết ở Miền Bắc

- Là loài hoa đẹp và được nhiều người yêu thích

- Biểu tượng của mùa xuân

2. Chi tiết về hoa đào:

- Những bộ phận của hoa đào:

   + Thân cây hoa đào nhỏ, có vỏ xù xì

   + Thân cây có rất nhiều nhánh

   + Lá hoa đào nhỏ, trông dễ thương

   + Hoa đào màu hồng đậm

   + Mỗi hoa có rất nhiều cánh, có đài hoa và nhị hoa

   + Hoa đầo thường nở và mùa xuân

- Đặc điểm của hoa đào:

   + Hoa đào là một loại cây sớm rụng lá

   + Thường mọc ở những nơi lạnh giá

   + Hoa đào được trang trí vào mỗi dịp tết

   + Hoa đào được trưng trong chậu hoặc trưng theo cành

   + Hoa đào rất đẹp

- Ý nghĩa của cây hoa đào:

   + Là biêu tượng của mùa xuân

   + Là dấu hiệu cho mùa xuân

   + Là biểu tượng cho ngay tết miền bắc

   + Là nguồn cảm hứng thơ ca và nghệ thuật

- Cây hoa đào trong nghệ thuật :

C. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về hoa đào

Bài mẫu

Mỗi năm, vào dịp tết đến xuân về địa phương tôi lại tấp nập khách thăm quan với mục đích ngắm những vườn đào nở rộ hay mua về một cây hoa đào để trưng trong mấy ngày năm mới.

Ngày tết ở miền Bắc không thể thiếu hoa đào cũng như việc hoa mai không thể không xuất hiện trong ngày tết của người miền Nam. Vì thế cho nên nghề chính của người dân quê tôi là trồng hoa đào để đáp ứng nhu cầu chơi hoa của người miền Bắc.

Cây đào có tên gọi khoa học là Prunus persica, là cây thân gỗ nhỏ, sống lâu năm. Cây có thể cao tới 5 - 10 m nhưng ngày nay người ta thường chuộng những cây đào thế có chiều cao khoảng 2 đến 3 m. Thân cây có màu nâu, cành cây mảnh dẻ tỏa ra bốn hướng với rất nhiều lá. Lá cây đào dài, dẹt giống hình mũi mác. Hoa đào là hoa đơn có thể là hoa đôi, nở vào đầu mùa xuân. Hoa có đường kính khoảng từ 2,5 đến 3 cm với năm cánh hoa tạo thành. Hoa đào có nhiều màu khác nhau: hồng nhạt, hồng đậm, đỏ tươi,…

Không phải ngẫu nhiên, hoa đào lại được là loài hoa tượng trưng cho mùa xuân đã tới trong những ngày năm mới của miền Bắc mà bởi khí hậu của mùa xuân miền Bắc thích hợp cho việc cây đào nở hoa. Nếu khí hậu quá nóng hoa đào sẽ nở sớm, hoặc quá lạnh nụ hoa sẽ chết. Qua đó, ta có thể thấy được công sức của người nông dân chăm sóc, vun trồng để hoa nở rộ đúng những ngày tết đầu năm.

Hoa đào trong văn hóa dân gian Việt Nam tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, có thể xua đuổi bách quỷ, tà ma. Vì thế, người ta thường chơi đào vào ngày tết với những mong muốn làm ăn thuận lợi, gia đình dồi dào sức khỏe, vui vẻ, an lành,… Không những thế, hình ảnh hoa đào còn tượng trưng cho người con gái xứ Bắc, thể hiện qua câu thành ngữ “Liễu yếu đào tơ” hay câu ca dao “Bây giờ mận mới hỏi đào – Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?”

Có rất nhiều loại hoa đào khác nhau: đào phai, đào bích, đào bạch,…mỗi loại hoa mang một màu sắc, vẻ đẹp khác nhau. Nhưng ở địa phương tôi thường trồng nhiều đào bích bởi loại đào này có màu đỏ tươi, là loại hoa cánh kép được mọi người ưa chuộng hơn cả.

Để hoa đào nở hoa vào đúng dịp tết, người dân phải rất kì công chăm sóc. Khi cách dịp tết khoảng 2, 3 tháng, người dân sẽ vặt toàn bộ lá của cây để cây phát triển nụ. Tùy vào thời tiết mà ta nên vặt lá sớm hay muộn. Nếu trời lạnh, nụ sẽ phát triển chậm nên cần phải vặt lá sớm còn nếu trời nóng thì nên vặt lá muộn hơn nếu không hoa sẽ nở rộ trước tết, giảm giá trị của hoa.

Vào dịp Tết, người dân quê tôi rất thích ra đường đi dạo phố bởi đây là lúc người nông dân thu lại công sức mà họ đã bỏ ra trong cả một năm. Họ bày những chậu đào bích đương nở dọc hai bên đường, nhìn qua trông chẳng khác những vườn đào của họ là mấy. Những chậu đào làm nên một không gian xuân sắc, người người qua lại ngắm hoa rồi chọn lấy một chậu hoa ưng ý mua về trưng trong mấy ngày xuân.

Theo thời gian, một vài phong tục tập quán đã mai một nhưng thói quen chơi đào của người dân ngầy Tết cổ truyền vẫn không hề thay đổi. Hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong khung cảnh ngày tết của người dân Việt Nam.

Quảng cáo

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 3)

Đề bài: Một loài động vật hay vật nuôi ở quê em.

Dàn ý

A. Mở bài: Giới thiệu khái quát về giống vật nuôi (chó)

B. Thân bài:

1. Nguồn gốc

- Chó là loài động vật có vú, có tổ tiên là loài cáo và chó sói; sau đó tiến hóa thành loài chó nhỏ, màu xám, sống trong rừng, dần dần được con người thuần hóa và trở thành vật nuôi phổ biến nhất trên thế giới.

2. Phân loại

- Chó ở Việt Nam được chia thành 2 loại chính: chó thuần chủng có nguồn gốc tại Việt Nam (chó cỏ) và chó có nguồn gốc từ nước ngoài (chó Alaska, chó Bulldog,…)

3. Đặc điểm

- Chó là loài động vật có vú, các bộ phận cơ thể phát triển khá hoàn thiện, gồm: phần đầu, phần thân, và phần đuôi.

- Chó đặc biệt phát triển ở các giác quan: thính giác, khứu giác, giúp nó có thể thích nghi với hoạt động săn mồi.

    + Chó có đôi tai to, rất thính, có thể nhận biết được 35.000 âm rung chỉ trong 1 giây

    + Mũi chó rất thính, có thể nhận biết tới tối đa 220 triệu mùi khác nhau. Đặc biệt ở phần mũi chó, sống mũi và các nếp nhăn trên mũi sẽ tạo ra những đường vân độc nhất, gọi là vân mũi - thứ giúp nhận định danh tính của chúng.

- Mắt chó có 3 mí: một mí trên, một mí dưới và mí thứ 3 nằm ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Chó phân biệt vật thể theo thứ tự: từ chuyển động đến ánh sáng rồi mới đến hình dạng. Vì vậy mà thị giác của chó rất kém, khả năng nhận biết màu sắc kém, nhưng bù lại, chúng có thể quan sát khá rõ trong đêm tối.

- Não chó rất phát triển, theo một nghiên cứu khoa học, trí tuệ của loài chó có thể tương đương với một đứa trẻ 2 tuổi. Vì vậy, loài chó là một trong những loài vật được nuôi nhiều nhất trên thế giới vì sự thông minh, nhạy bén, dễ bảo, và đặc biệt trung thành với chủ.

- Về thời gian sinh sản: Thời gian mang thai trung bình của chó từ 60-62 ngày. Chó khi mới sinh ra được bú mẹ và chăm sóc đến khi trưởng thành. Trong thời gian mang thai và chăm sóc con, chó mẹ rất hung dữ và nhạy cảm.

- Về sức khỏe: chó có tuổi thọ khá cao so với các con vật nuôi khác, trong điều kiện thuận lợi, chó có thể sống tới 12 đến 15 năm.

4. Lợi ích và ý nghĩa của loài chó

- Chó được nuôi với rất nhiều mục đích, chủ yếu là giữ nhà hoặc làm thú chơi. Thịt của chó đặc biệt có rất nhiều chất đạm, vì vậy, một số nơi nuôi chó để lấy thịt. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều người trên thế giới đang kêu gọi không ăn thịt chó bởi chó là loài động vật thông minh, tình cảm và trung thành, sống gắn bó với con người.

- Trong đời sống văn hóa, chó gắn bó với con người như một người bạn, một người thân trong gia đình. Chó là biểu tượng của lòng trung thành, dũng cảm, lòng tin và sự yêu thương.

5. Một số lưu ý khi nuôi chó

- Chó là loài vật dễ nuôi, dễ bảo. Tuy nhiên khi nuôi cần chú ý một số điều:

    + Tránh bạo hành chó

    + Chú ý nguồn thức ăn: Một số thức ăn gây ngộ độc cho chó: Socola, hành, tỏi, nho,…

    + Đối với những loài chó dữ, người nuôi chó cần có lồng nhốt hoặc xích để giữ chó

    + Tiêm phòng cho chó ngay từ khi còn nhỏ, đặc biệt là tiêm phòng dại.

C. Kết bài: Khái quát lợi ích của vật nuôi.

Bài mẫu

Chó là một loài động vật rất có ích cho con người. Nó trung thành, dễ gần và là bạn của con người. Cũng có thể vì thế mà người ta gọi nó là "linh cẩu".

Chó có rất nhiều loại và từ đó người ta đặt tên cho chúng. Chó là một trong số những loài động vật được thuần dưỡng sớm nhất. Trung bình chó có trọng lượng là từ một đến tám mươi ki-lô-gam.

Chó là giống vật nuôi đầu tiên được con người thuần hóa được cách đây 12.000 năm vào thời kỳ đồ đá. Tổ tiên của loài chó bao gồm cả cáo và chó sói (một loài động vật có vú gần giống như chồn sinh sống ở các hốc cây vào khoảng 400 triệu năm trước). Còn loài chó như chúng ta thấy ngày nay được tiến hóa từ một loài chó nhỏ, màu xám.

Lúc mới ra đời, chó con không có răng nhưng chỉ sau 4 tuần tuổi đã có thể có 28 chiếc răng. Bộ hàm đầy đủ của loài thú này là 42 chiếc.

Mắt chó có đến 3 mí: Một mí trên, một mí dưới và mí thứ ba nằm ở giữa, hơi sâu vào phía trong, giúp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Tai của chúng thì cực thính, chúng có thể nhận được 35.000 âm rung chỉ trong một giây. Khứu giác của chúng cũng rất tuyệt vời. Người ta có thể ngửi thấy mùi thức ăn ở đâu đó trong nhà bếp nhưng chó thì có thể phân biệt từng gia vị trong nồi, thậm chí những chú chó săn còn tìm ra những cây nấm con con nằm sâu trong rừng, vì chúng có thể phân biệt gần 220 triệu mùi. Chó phân biệt vật thể đầu tiên là dựa vào chuyển động sau đó đến ánh sáng và cuối cùng là hình dạng. Vì thế thị giác của chúng rất kém. Ta có thấy vào mùa đông lạnh, thỉnh thoảng chó hay đuôi che lấy cái mũi ướt át, đấy là cách chúng giữ ấm cho mình.

Chó có đến 2 lớp lông: Lớp bên ngoài như chúng ta đã thấy, còn lớp lót bên trong giúp cho chúng giữ ấm, khô ráo trong nhũng ngày mưa rét, thậm chí còn có nhiệm vụ "hạ nhiệt" trong những ngày oi bức.

Chó là loài động vật có bốn chân, mỗi bàn chân đều có móng vuốt sắc nhưng khi đi thì cụp vào. Chó có bộ não rất phát triển, xương quai hàm cứng. Đặc biệt, tai và mắt chó rất thính và tinh vào ban đêm. Chó vẫy đuôi để biểu hiện tình cảm. Chó là loài động vật có bộ phận tiêu hóa rất tốt.

Chó có đặc tính là chạy rất nhanh bằng bốn chân, tốc độ lao về phía trước khoảng từ bảy mươi đến tám mươi km một giờ. Hơn nữa, chó cũng có khả năng đánh hơi rất tài. Hiện nay chó hoang dã vẫn còn tồn tại, nhưng chó được thuần dưỡng như chó nhà, chó cảnh thì phổ biến hơn.

Chó thuần dưỡng có nhiệm vụ trông, giữ nhà và thường nặng từ mười lăm đến hai mươi ki-lô-gam, có tuổi thọ trung bình từ mười sáu đến mười tám năm. Loại chó bắt được tội phạm được gọi là chó nghiệp vụ, trinh thám, và thường rất to, cao, tai vểnh, hoạt động nhanh nhẹn, linh hoạt và thông minh. Chúng được nuôi rất công phu. Một số loại chó khác như chó săn thường rất khôn. Chó cứu hộ được dùng trong việc cứu hộ ở các bến cảng, sân bay,... nơi xảy ra sự cố.

Ở một số nước trên thế giới, chó còn chuyên để kéo xe. Nhưng không hẳn là chỉ có ích, nó còn rất dễ bị bệnh, đó là bệnh "dại". Thường là thời gian đầu chó rất bình thường, ít người phát hiện ra để đề phòng. Khi bị chó dại cắn, lúc bấy giờ mới thấy rõ việc nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy cần phải tiêm phòng cho chó thường xuyên theo định kì để tránh bị mắc bệnh.

Chó là loài động vật rất có ích trong mọi lĩnh vực. Chó còn là bạn của con người bởi sự thông minh, lanh lợi, trung thành và nhiều tác dụng của nó. Chó được coi là loài động vật rất quan trọng và giúp việc đắc lực cho con người.

Con chó luôn ở bên cạnh ta trong phú quý cũng như trong lúc bần hàn, khi khoẻ mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết lấp vùi, miễn sao được cận kề bên chủ là được.

Quảng cáo

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề kiểm tra tập làm văn số 1 Học kì 1

Môn: Ngữ Văn 9

Thời gian làm bài: 90 phút

(Đề 4)

Đề bài: Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em.

Dàn ý

A. Mở bài: Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh: Việt Nam ta luôn tự hào với muôn vàn danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, nổi tiếng, trong số đó, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã và đang thu hút được rất nhiều sự chú ý của khách du lịch trong và ngoài nước bởi những cảnh đẹp hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thơ mộng, giản dị.

B. Thân bài:

1. Vị trí địa lý

- Tam Cốc – Bích Động có tổng diện tích lên đến 350.3 ha, nằm cách quốc lộ 1A 2 km, cách thành phố Ninh Bình 7 km, cách thành phố Tam Điệp 9 km.

- Tam Cốc – Bích Động nổi tiếng với hệ thống các hang động núi đá vôi tuyệt đẹp và các di tích lịch sử liên quan đến một triều đại lớn của nước ta – triều đại nhà Trần.

2. Kết cấu

- Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động gồm 2 phần chính: Tam Cốc và Bích Động

- Tam Cốc: có nghĩa là “ba hang” gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả 3 hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng chảy xuyên qua núi.

   + Hang Cả có chiều dài lên đến 127m, với cửa hàng rộng mở, hang đâm xuyên qua một quả núi lớn tạo sự kì thú, hấp dẫn du khách. Đặc biệt khí hậu trong hang khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng khiến nơi đây như một bức họa của thiên nhiên tạo hóa.

   + Hang Hai nằm cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang cũng có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ.

   + Hang Ba tuy nhỏ hơn hang cả và hang Hai, nhưng xấu tạo trần hang lại có hình vòm đá vô cùng kì lạ.

   + Bên cạnh đó còn có các công trình kiến trúc khác: Đền Thái Vi và Động Thiên Hng.

- Khu Bích Động - Xuyên Thủy Động: Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là "động xanh", cái tên này do tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773.

   + Bích Động gồm 1 hang động khô ngự trên lưng chừng núi. Trên đó có công trình kiến trúc nổi tiếng của phật giáo:chùa Bích Động. Bên cạnh đó là một hang động nước chảy xuyên qua lòng núi nên được gọi là Xuyên Thủy động.

   + Xuyên Thủy động là một công trình kiến trúc vô cùng đặc biệt của thiên nhiên tạo hóa. Kết cấu của Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá và uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Trần và vách động thường bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng, góp phần tăng thêm vẻ đẹp kì thú cho động.

3. Ý nghĩa của danh lam thắng cảnh

- Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, được Thủ tướng chính phủ Việt Nam xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới.

- Tam Cốc - Bích Động có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách ở cảnh quan tuyệt đẹp và sự thanh bình, không khí trong lành, tươi mát, tràn đầy linh khí. Có thể nói, Tam Cốc - Bích Động vừa in đậm dấu ấn lịch sử nhà Trần, vừa có sức quyến rũ, hấp dẫn từ những hang động bí ẩn, những cảnh đẹp giản dị, thanh bình, lại vừa mang trong mình bầu linh khí của thế giới tâm linh - Phật giáo.

C. Kết bài:

- Không thể phủ nhận, Tam Cốc - Bích Động chính là một niềm tự hào của người dân kinh đô Hoa Lư nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung.

- Chúng ta cần phải giữ gìn và phát triển những giá trị tự nhiên - truyền thống này của dân tộc.

Xem thêm các đề kiểm tra, Đề thi Ngữ Văn 9 chọn lọc, có đáp án hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Tuyển tập Đề thi Ngữ Văn 9 năm học 2023-2024 học kì 1 và học kì 2 có đáp án được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát chương trình Ngữ văn lớp 9 và cấu trúc ra đề thi trắc nghiệm và tự luận mới.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.




Tài liệu giáo viên