(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Chuyên đề: Địa lí tự nhiên đại cương

Chuyên đề Địa lí tự nhiên đại cương trong tài liệu ôn thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội và Tp.HCM theo cấu trúc mới nhất đầy đủ lý thuyết trọng tâm, các dạng bài & bài tập đa dạng từ cơ bản đến nâng cao giúp Giáo viên & học sinh có thêm tài liệu ôn thi ĐGNL HSA, VACT môn Địa Lí đạt kết quả cao.

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Chuyên đề: Địa lí tự nhiên đại cương

Xem thử Tài liệu & Đề thi HSA Xem thử Tài liệu & Đề thi VACT Xem thử Tài liệu & Đề thi SPT

Chỉ từ 200k mua trọn bộ Đề thi & Tài liệu ôn thi ĐGNL năm 2025 của các trường theo cấu trúc mới bản word có lời giải chi tiết:

Quảng cáo

Chủ đề 1: ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN ĐẠI CƯƠNG

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Trái đất

I. TRÁI ĐẤT

1. Vỏ trái đất, vật liệu cấu tạo vỏ trái đất

     - Vỏ Trái Đất rắn chắc, nằm ngoài cùng của Trái Đất, gồm: vỏ lục địa và vỏ đại dương có độ dày dao động từ 5 km (ở đại dương) đến 70 km (ở lục địa).

     - Những vật liệu cấu tạo nên vỏ Trái Đất:

     + Khoáng vật: có khoảng 5000 loại, trong đó 90% là nhóm si-li-cat.

     + Đá gồm 3 loại: mac-ma, trầm tích và biến chất.

     - Đá mac-ma được hình thành từ khối mac-ma nóng chảy ở dưới sâu, khi trào lên mặt đất sẽ nguội và rắn đi.

     - Đá trầm tích được hình thành ở những miền đất trũng, do sự lắng tụ và nén chặt của các vật liệu phá hủy từ các loại đá khác nhau.

     - Đá biến chất được hình thành từ các loại đá mac-ma và trầm tích, bị thay đổi tính chất trong điều kiện chịu tác động của nhiệt độ cao và sức nén lớn.

2. Hệ quả địa lí các chuyển động chính của trái đất

2.1 Hệ quả chuyển động tự quay quanh trục của trái đất

     * Sự luân phiên ngày đêm:

     - Do Trái Đất hình cầu và tự quay quanh trục nên ở mọi nơi trên bề mặt Trái Đất đều có sự luân phiên ngày và đêm.

     * Giờ trên trái đất:

     - Bề mặt trái đất được chia thành 24 múi giờ, mỗi múi giờ rộng 150 kinh tuyến.

     - Do Trái Đất hình cầu và tự quay quanh trục nên các địa điểm trên cùng một kinh tuyến có một giờ riêng gọi là giờ địa phương => tại cùng một thời điểm, các địa điểm nằm trên các kinh tuyến khác nhau có giờ địa phương khác nhau.

     - Để thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày của mỗi quốc gia, người ta phải quy định một giờ thống nhất cho từng khu vực, gọi là giờ khu vực (múi giờ). Giờ của kinh tuyến đi qua giữa khu vực được lấy làm giờ chung cho cả khu vực đó.

     - Giờ ở múi số 0 (múi có đường kinh tuyến gốc chạy qua giữa múi) được lấy làm giờ quốc tế (GMT).

     - Trái Đất hình cầu nên khu vực giờ số 0 và 24 bị trùng nhau, ở đây sẽ có cùng giờ nhưng ở hai ngày lịch khác nhau => do vậy người ta quy định kinh tuyến 180° đi qua giữa khu vực giờ số 12 được lấy làm đường chuyển ngày quốc tế. Nếu đi từ phía tây sang phía đông qua tuyến 180° sẽ lùi lại một ngày lịch và ngược lại thì sẽ tăng thêm một ngày lịch để phù hợp với thời gian nơi đến.

2.2 Hệ quả chuyển động quanh mặt trời của trái đất

     * Các mùa trong năm:

     - Mùa là một khoảng thời gian của năm, có đặc điểm riêng về thời tiết và khí hậu.

     - Nguyên nhân: Khi chuyển động quanh Mặt Trời, trục của Trái Đất luôn nghiêng và không đổi phương nên góc chiếu của tia sáng mặt trời và thời gian tiếp nhận ánh sáng thay đổi trong năm.

     - Hiện tượng mùa diễn ra ngược nhau giữa bán cầu Bắc và bán cầu Nam.

     - Thời gian bắt đầu và kết thúc các mùa ở bán cầu Bắc theo dương lịch:

     + Mùa xuân: từ 21/3 (xuân phân) đến 22/6 (hạ chí).

     + Mùa hạ: từ 22/6 (hạ chí) đến 23/9 (thu phân).

     + Mùa thu: từ 23/9 (thu phân) đến 22/12 (đông chí).

     + Mùa đông: từ 22/12 (đông chí) đến 21/3 (xuân phân).

     * Ngày đêm dài ngắn theo vĩ độ:

     - Bảng độ dài ngày đêm trong ngày 22-6 và ngày 22-12 tại các vĩ độ khác nhau:

Vĩ độ

Ngày 22-6

Ngày 22-12

Bán cầu Bắc

Bán cầu Nam

Bán cầu Bắc

Bán cầu Nam

12h

12h

23°27'

13h30'

10h30'

13h30'

10h30'

44°

15h

9h

9h

15h

66°33'

24h toàn ngày

24h toàn đêm

24h toàn đêm

24h toàn ngày

     + Ngày 22-6: Ở bán cầu Bắc càng xa xích đạo ngày càng dài ra và đêm càng ngắn lại; Còn ở bán cầu Nam thì ngược lại ngày càng ngày càng ngắn và đêm càng dài.

     + Ngày 22-12: Ở bán cầu Bắc càng xa xích đạo ngày càng ngắn, đêm càng dài ra; Còn ở bán cầu Nam thì ngày càng dài, đêm ngắn lại.

     → Do trục Trái Đất luôn nghiêng và không đổi phương khi chuyển động quanh Mặt Trời nên có hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau theo vĩ độ. Độ dài ngày đêm chênh lệch nhau càng nhiều khi đi từ xích đạo về phía hai cực.

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Thạch quyển

II. THẠCH QUYỂN

1. Thạch quyển

     - Là phần trên cùng của Trái Đất, bao gồm vỏ Trái Đất và phần trên của lớp man-ti. Thành phần cấu tạo của thạch quyển chủ yếu là các đá ở thể rắn.

     - Giới hạn của thạch quyển ở độ sâu khoảng 100 km. Độ dày không đồng nhất, mỏng hơn ở vỏ đại dương và dày hơn ở vỏ lục địa.

2. Thuyết kiến tạo mảng

     - Theo thuyết kiến tạo mảng, thạch quyển gồm một số mảng kiến tạo. Các mảng này có bộ phận nổi cao trên mực nước biến là lục địa, các đảo và có bộ phận trũng, thấp bị nước bao phủ là đại dương.

     - Các mảng kiến tạo nổi lên trên lớp vật chất quánh dẻo thuộc phần trên của lớp man-ti. Hoạt động của các dòng đối lưu vật chất quánh dẻo và có nhiệt độ cao trong lớp man-ti trên làm cho các mảng không đứng yên mà dịch chuyển trên lớp quánh dẻo này.

     - Trong khi dịch chuyển, các mảng có thể tách rời nhau, xô vào nhau; kết quả là tạo ra các sống núi ngầm, động đất, núi lửa, các dãy núi trẻ,...

3. Nội lực

3.1 Khái niệm

     - Nội lực là lực sinh ra từ bên trong Trái Đất.

     - Nguyên nhân của nội lực chủ yếu do nguồn năng lượng từ quá trình phân hủy các chất phóng xạ, sự sắp xếp vật chất theo trọng lực và các phản ứng hóa học,... xảy ra bên trong Trái Đất.

3.2. Tác động của nội lực đến địa hình bề mặt trái đất

     - Nội lực tạo ra các vận động kiến tạo, làm biến dạng vỏ Trái Đất, tạo nên sự thay đổi địa hình.

     * Hiện tượng uốn nếp: Tại những khu vực cấu tạo bằng các loại đá mềm, vận động nén ép làm cho vỏ Trái Đất bị uốn nếp. Nếu cường độ nén ép mạnh sẽ hình thành các vùng núi uốn nếp.

     * Hiện tượng đứt gãy: Tại những khu vực cấu tạo bởi đá cứng, vận động kiến tạo làm lớp đá của vỏ Trái Đất bị nứt vỡ, hình thành các vết nứt hoặc đứt gãy kéo dài. Hai bên đứt gãy có bộ phận được nâng lên (tạo thành dãy núi, khối núi,...) và có bộ phận hạ thấp (tạo thành thung lũng).

     - Các đứt gãy lớn đã tạo điều kiện để hình thành nhiều thung lũng sông trên bề mặt Trái Đất.

     - Dọc theo đứt gãy có thể hình thành biển hoặc các hồ tự nhiên.

     * Hoạt động núi lửa:

     - Hoạt động núi lửa có thể xuất hiện trên lục địa và trên biển, đại dương. Núi lửa làm thay đổi địa hình do hoạt động phun trào và đông cứng mac-ma trên bề mặt Trái Đất.

     - Trên lục địa, hoạt động núi lửa tạo thành các ngọn núi lửa đứng độc lập hoặc tập hợp thành khối, dãy núi lửa. Miệng núi lửa đã ngừng hoạt động thường tạo thành thung lũng hoặc hồ tự nhiên (hồ núi lửa).

     - Dọc theo các đứt gãy, hoạt động núi lửa có thể phun trào mac-ma trên diện rộng, tạo thành những bề mặt địa hình rộng lớn.

     - Hoạt động núi lửa còn tạo nên các đảo, quần đảo ở nhiều vùng biển và đại dương trên thế giới.

3.3. Sự phân bố các vành đai động đất, núi lửa trên trái đất

     - Vành đai động đất: phía tây châu Mĩ, giữa Đại Tây Dương, từ Địa Trung Hải qua Nam Á đến In-đô-nê-xi-a, phía tây Thái Bình Dương.

     - Vành đai núi lửa: phía tây châu Mĩ, đông Đại Tây Dương, từ Địa Trung Hải qua Nam Á đến In-đô-nê-xi-a, phía tây Thái Bình Dương.

     - Các vành đai động đất, núi lửa nằm ở nơi tiếp xúc của các mảng kiến tạo, nơi diễn ra sự chuyển dịch của các mảng (tách rời hoặc xô húc nhau).

     → Động đất, núi lửa thường tập trung ở ranh giới các mảng thạch quyển, tạo nên các vành đai động đất và vành đai núi lửa trên Trái Đất.

4. Ngoại lực

4.1 Khái niệm

     Ngoại lực là lực sinh ra trên bề mặt Trái Đất.

     - Năng lượng bức xạ Mặt Trời là nguyên nhân chủ yếu của ngoại lực. Các yếu tố khí hậu, thủy văn và sinh vật là những nhân tố tác động của ngoại lực.

4.2 Tác động của ngoại lực đến địa hình

     - Ngoại lực tác động đến địa hình bề mặt Trái Đất thông qua các quá trình: phong hóa, bóc mòn, vận chuyển và bồi tụ.

     - Các quá trình ngoại lực không có ranh giới rõ ràng và chúng có thể đan xen lẫn nhau.

a) Quá trình phong hóa

     - Phong hóa là quá trình phá hủy và làm biến đổi các loại đá và khoáng vật do tác động của các nhân tố ngoại lực.

     - Các loại phong hóa chủ yếu là phong hóa lí học, phong hóa hóa học và phong hóa sinh học.

     * Phong hóa lí học:

     - Là quá trình phá hủy, làm các đá, khoáng vật bị vỡ với kích thước khác nhau nhưng không thay đổi thành phần và tính chất.

     - Thường xảy ra mạnh ở những nơi nhiệt độ có sự dao động lớn theo ngày-đêm và ở những vực bè mặt có nước bị đóng băng.

     - Sự dao động nhiệt cũng có thể làm khối đá bị tách vỡ do nước trong các khe nứt bị đóng băng vào ban đêm hoặc vào mùa đông.

     * Phong hóa hóa học:

     - Là quá trình phá hủy, làm biến đổi thành phần, tính chất của đá và khoáng vật do tác động của nước, nhiệt độ, các chất hòa tan trong nước (khí ô-xi, khí cac-bo-nic, a-xit hữu cơ, a-xit vô cơ,...).

     - Diễn ra mạnh trong điều kiện khí hậu nóng ẩm.

     - Ở những nơi có đá dễ hòa tan (đá vôi, thạch cao,...), phong hóa hóa học thường tạo nên những dạng địa hình cac-xtơ trên bề mặt và cac-xtơ ngầm rất độc đáo,

     * Phong hóa sinh học:

     - Là quá trình phá hủy đá và khoáng vật dưới tác động của sinh vật (thực vật, nấm, vi khuẩn,...) làm các đá bị biến đổi cả về mặt lí học và hóa học.

     VD: sự phát triển của rễ cây làm đá bị nứt vỡ, các chất hữu cơ từ hoạt động sống của sinh vật có thể làm các đá bị biến đổi về thành phần, tính chất,...

     → Sản phẩm của quá trình phong hóa là vỏ phong hóa. Trên bề mặt Trái Đất, vỏ phong hóa dày ở vùng nhiệt đới ẩm và mỏng ở vùng khô hạn, lạnh giá.

b) Quá trình bóc mòn

     - Bóc mòn là quá trình các nhân tố ngoại lực (nước chảy, gió, sóng biển, băng hà,...) làm dời chuyển các sản phẩm đã bị phong hóa ra khỏi vị trí ban đầu. Địa hình do bóc mòn rất đa dạng về tên gọi và hình thái tùy thuộc vào các nhân tố tác động.

     - Xâm thực là quá trình bóc mòn do dòng nước tạo thành các dạng địa hình khác nhau như khe rãnh, mương xói, thung lũng sông,...

     - Thổi mòn (khoét mòn) là quá trình bóc mòn do gió tạo thành các dạng địa hình khác nhau như nấm đá, rãnh thổi mòn, hoang mạc đá,...

     - Mài mòn là quá trình bóc mòn do sóng biển tạo thành các vách biển, hàm ếch, nền mài mòn,...

     - Nạo mòn là quá trình bóc mòn do băng hà tạo thành các dạng địa hình chủ yếu là mảng băng, phi-o, đá trán cừu,…

c) Quá trình vận chuyển và bồi tụ

     - Vận chuyển: Là sự tiếp nối của quá trình bóc mòn, làm vật liệu di chuyển theo các nhân tố ngoại lực.

     + Khoảng cách (xa hay gần) và hình thức vận chuyển (lăn, nhảy cóc hoặc cuốn theo các nhân tố ngoại lực) phụ thuộc vào kích thước, khối lượng vật liệu, tốc độ di chuyển của các nhân tố ngoại lực.

     + Vận chuyển có vai trò cung cấp nguồn vật liệu cho quá trình bồi tụ.

     - Bồi tụ: là su kết thúc của quá trình vận chuyển, làm tích tụ vật liệu tạo nên các dạng địa hình như: nón phóng vật (do dòng chảy tạm thời), bãi bồi và đồng bằng châu thổ (do dòng chảy thường xuyên); thạch nhũ (do kết tủa hóa học trong hang động); đụn cát, cồn cát (do gió); bãi biển, cồn cát ngầm (do sóng biển); đồng bằng băng thủy (do băng tan),…

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Khí quyển

III. KHÍ QUYỂN

1. Khái niệm

     - Khí quyển là lớp không khí bao quanh trái Đất, thường xuyên chịu ảnh hưởng của vũ trụ, trước hết là Mặt Trời.

     - Không khí bao gồm các thành phần: khí ni-tơ (78%); khí ô-xy (21%); hơi nước, khí cac- bo-nic và các khí khác (1%).

     - Cấu tạo khí quyển gồm một số tầng: tầng đối lưu (chứa đến 80% khối lượng không khí

của khí quyển, có ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người và sinh vật), tầng bình lưu, tầng giữa, tầng nhiệt và tầng ngoài cùng.

2. Sự phân bố nhiệt độ không khí trên trái đất

2.1. Theo vĩ độ địa lí

     - Nhiệt lượng bức xạ mặt trời ngoài một phần trực tiếp đốt nóng không khí, còn phần lớn là do bề mặt đất hấp thụ sau đó phản hồi vào không khí, tạo nên nhiệt độ không khí.

     - Nhiệt lượng bức xạ mặt trời đến bề mặt Trái Đất thay đổi theo góc chiếu của tia bức mặt trời. Do góc chiếu thay đổi theo vĩ độ nên nhiệt độ không khí cũng thay đổi theo vĩ độ:

     + Nhiệt độ trung bình năm giảm dần từ xích đạo về đến cực.

     + Biên độ nhiệt tăng dần từ xích đạo về đến cực.

     Biểu hiện rõ rệt của quy luật phân bố nhiệt độ theo vĩ độ là hình thành các vòng đai nhiệt: Vòng đai nóng, vòng đai ôn hòa, vòng đai lạnh và vòng đai băng giá vĩnh cửu.

2.2. Theo lục địa và đại dương

     - Do sự hấp thu và tỏa nhiệt khác nhau giữa lục địa và đại dương nên nhiệt độ không khí cũng có sự khác biệt giữa lục địa và đại dương.

     - Mặc dù ở cùng vĩ độ nhưng nhiệt độ trung bình năm và biên độ nhiệt độ năm không giống nhau giữa lục địa và đại dương.

     - Càng vào sâu trong lục địa, biên độ nhiệt độ càng tăng do ảnh hưởng của biển giảm.

     - Nhiệt độ không khí cũng có sự thay đổi giữa bờ tây và bờ đông của lục địa do ảnh hưởng của các dòng biển.

2.3. Theo địa hình

     - Độ cao, độ dốc, hướng sườn núi và hình thái địa hình đều có tác động đến sự thay đổi của nhiệt độ.

     - Càng lên cao, không khí càng loãng, bức xạ nhiệt của mặt đất càng mạnh nên nhiệt độ càng giảm. Lên cao 100 m, nhiệt độ giảm 0,6°C.

     - Sườn phơi nắng có nhiệt độ cao hơn sườn khuất nắng.

     - Địa hình cao, thoáng gió có biên độ nhiệt độ ngày đêm nhỏ hơn so với địa hình thấp trũng, khuất gió.

3. Khí áp

     - Khí áp là sức nén của không khí xuống bề mặt đất.

     - Trên bề mặt Trái Đất có hai đai khí áp cao cực, hai đại khí áp thấp ôn đới, hai đai khí áp cao cận nhiệt đới và đai khí áp thấp xích đạo.

     - Các đai khí áp phân bố xen kẽ và đối xứng nhau qua áp thấp xích đạo.

3.1. Sự hình thành các đai khí áp trên trái đất

     - Sự hình thành các đại áp có nguồn gốc từ nhiệt động lực.

     - Tại xích đạo, không khí bị đốt nóng nở ra thăng lên cao nên ở đây hình thành đai khí áp thấp xích đạo.

     - Đến tầng bình lưu, không khí chuyển động theo luồng ngang về phía hai cực, nhiệt độ hạ thấp và bị lệch hướng do tác động của lực Cô-ri-ô-lit nên giáng xuống vùng cận chí tuyến, tạo nên đai khí áp cao cận nhiệt đới.

     - Ở cực, nhiệt độ xuống thấp, không khí co lại nén xuống bề mặt Trái Đất tạo nên đai khí áp cao cực.

     - Không khí chuyển động từ áp cao cực và từ chí tuyến về ôn đới gặp nhau thăng lên cao, tạo nên đai khí áp thấp ôn đới.

     - Các đai khí áp trên Trái Đất không liên tục mà bị chia cắt thành các khu khí áp riêng biệt, do sự phân bố xen kẽ giữa lục địa và đại dương.

3.2. Nguyên nhân sự thay đổi khí áp

     - Sự thay đổi khí áp chịu tác động của độ cao, nhiệt độ và độ ẩm không khí.

     - Càng lên cao, không khí càng loãng, sức nén của không khí càng giảm nên khí áp càng nhỏ.

     - Nhiệt độ tăng làm không khí nở ra, tỉ trọng của không khí giảm đi nên khí áp giảm.

     - Không khí có độ ẩm cao thì khí áp giảm. Khi nhiệt độ cao, hơi nước bốc lên nhiều chiếm dần chỗ của không khí khô làm cho khí áp giảm.

4. Gió

4.1. Các loại gió chính trên Trái Đất

Loại gió

Đặc điểm

 

 

Gió Mậu dịch

 - Là loại gió thổi gần như quanh năm từ hai khu vực áp cao cận nhiệt đới về phía áp thấp xích đạo.

 - Gió thổi đều đặn và hướng ít thay đổi.

 - Gió rất khô, đặc biệt là ở trên lục địa; gió này chỉ tạo điều kiện cho mưa khi vượt qua một chặng đường dài trên đại dương và gặp địa hình chắn.

 

 

Gió Tây ôn đới

 - Là loại gió thổi từ khu áp cao cận nhiệt đới về phía khu áp thấp ôn đới ở hai bán cầu.

 - Gió thổi quanh năm và thường đem theo mưa, độ ẩm cao.

 - Ở bán cầu Bắc, gió thổi theo hướng tây nam; ở bán cầu Nam, gió thổi theo hướng tây bắc nên thường gây mưa nhiều cho khu vực bờ tây của các lục địa ôn đới.

 

 

 

Gió mùa

 - Là loại gió thổi theo mùa, hướng ngược nhau giữa lục địa và đại dương.

 - Nguyên nhân chủ yếu là do sự nóng lên hoặc lạnh đi không đều giữa lục địa và đại dương theo mùa.

 - Về mùa đông, lục địa bị mất nhiệt nhanh hình thành các áp cao, gió thổi từ lục địa ra đại dương, có tính chất khô.

 - Đến mùa hạ, lục địa bị đốt nóng nhiều hơn hình thành nên áp thấp, gió từ đại dương thổi vào lục địa, có tính chất ẩm.

 - Trên Trái Đất, gió mùa chỉ có ở một số khu vực thuộc đới nóng và một số nơi thuộc vĩ độ trung bình. Tại những nơi này, hoạt động của gió mùa có sự khác nhau. Nam Á và Đông Nam Á là những khu vực có hoạt động của gió mùa điển hình.

4.2 Gió địa phương

     a) Gió đất, gió biển: Là loại gió hình thành ở vùng ven biển, có hướng thay đổi theo ngày và đêm.

     b) Gió phơn: Là loại gió vượt qua núi và thổi xuống, nóng và khô.

     c) Gió núi - thung lũng: Là loại gió hoạt động theo ngày và đêm ở khu vực miền núi.

     - Ban ngày, không khí ở sườn núi được đốt nóng hơn so với không khí xung quanh nên gió thổi lên theo sườn núi và ở trên gió thổi về phía thung lũng.

     - Ban đêm, không khí ở sườn núi lạnh hơn xung quanh nên gió thổi dọc theo sườn núi xuống dưới, ở dưới không khí bốc lên trên thung lũng.

5. Mưa

5.1. Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa

Nhân tố

Ảnh hưởng

 

Khí áp

- Ở các khu áp thấp, không khí bị hút vào giữa và đẩy lên cao ngưng tụ tạo thành mây và gây mưa ⇨Ở xích đạo và ôn đới là những nơi có áp thấp nên mưa nhiều.

- Ở các khu áp cao, chỉ có gió thổi đi không có gió thổi đến nên mưa rất ít hoặc không có mưa Ở cực và chí tuyến đều là nơi có áp cao nên mưa ít

Gió

 - Ở những nơi có gió từ biển thổi vào hoặc có hoạt động của gió mùa thường có mưa lớn.

- Ở những nơi chịu ảnh hưởng của Tín phong thường mưa ít.

 

 

 

Frông

- Frông là mặt tiếp xúc của khai khối khí có nguồn gốc và tính chất vật lí khác nhau, nơi không khí bị nhiễu loại và sinh ra mưa.

- Dọc các frông nóng cũng như frông lạnh, không khí nóng bị đẩy lên cao tạo thành mây và gây mưa, đó là mưa frông.

- Các khối khí nóng ẩm trong vùng nội chí tuyến tiếp xúc với nhau tạo thành dải hội tụ nhiệt đới, gây mưa lớn, đó là mưa dải hội tụ. Lượng mưa dải hội tụ lớn hơn rất nhiều sơ với mưa frông.

 

Dòng biển

- Những nơi có dòng biển nóng chảy qua có mưa nhiều vì phía trên dòng biển nóng không khí thường chứa nhiều hơi nước.

- Những nơi có dòng biển lạnh chảy qua có ít mưa vì phía trên dòng biển lạnh, không khí lạnh nên hơi nước không bốc lên được.

 

 

Địa hình

- Cùng một sườn núi nhưng lượng mưa lại không giống nhau theo độ cao.

- Ở vùng nhiệt đới và ôn đới, càng lên cao nhiệt độ càng giảm, mưa càng nhiều; tới một độ cao nào đó sẽ không còn mưa do độ ẩm không khí đã giảm nhiều nên ở các sườn núi cao hoặc đỉnh núi thường ít mưa.

- Cùng một dãy núi, lượng mưa khác nhau giữa sườn đón gió ẩm và sườn khuất gió.

5.2. Sự phân bố mưa trên

a) Phân bố mưa theo vĩ độ

     - Lượng mưa trên thế giới phân bố không đều theo vĩ độ:

     + Mưa nhiều ở vùng xích đạo (Khí áp thấp, nhiệt độ cao, diện tích đại dương và rừng xích đạo lớn, hơi nước bốc hơi mạnh).

     + Mưa ít ở chí tuyến (Khí áp cao, diện tích lục địa lớn, có gió mậu dịch hoạt động).

     + Mưa khá lớn ở khu vực ôn đới (Khí áp thấp, gió Tây ôn đới thổi từ biển vào).

     + Mưa rất ít tại khu vực cực (Khí áp cao, nhiệt độ thấp, hơi nước không bốc hơi lên được.

     - Từ xích đạo đến vòng cực: nửa cầu Nam mưa nhiều hơn vì có diện tích đại dương lớn hơn lục địa, bán cầu Bắc mưa ít hơn do có diện tích lục địa lớn.

     - Từ vòng cực đến cực, bán cầu Nam là lục địa Nam cực nên mưa ít hơn; bán cầu bắc là Bắc Băng Dương nên mưa nhiều hơn.

b) Phân bố mưa trên lục địa

     - Lượng mưa trên lục địa không giống nhau giữa các khu vực và giữa hai bán cầu.

     - Nguyên nhân chủ yếu: do ảnh hưởng của biển và đại dương, dòng biển nóng và dòng biển lạnh. Ở những nơi gần biển hoặc có dòng biển nóng chảy qua thường mưa nhiều hơn, những nơi sâu trong lục địa hoặc chịu ảnh hưởng của dòng biển lạnh thường mưa ít.

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Thủy quyển

IV. THUỶ QUYỂN

1. Khái niệm

     - Là toàn bộ nước trên Trái Đất ở các trạng thái khác nhau (lỏng, rắn, hơi).

     - Bao gồm nước trong các biển, đại dương, trên các lục địa và trong khí quyển, trong đó có khoảng 3% là nước ngọt, còn lại là nước mặn.

     - Phần lớn nước ngọt của Trái Đất là băng, tuyết ở hai cực và trên các đỉnh núi cao.

     - Sự vận động và thay đổi trạng thái của nước tạo nên vòng tuần hoàn nước trên Trái Đất.

2. Nước trên lục địa

2.1 Các nhân tố hưởng hưởng đến chế độ nước sông

     - Sông là dòng chảy thường xuyên, tương đối lớn trên bề mặt lục địa và đảo, được các nguồn nước mưa, nước ngầm, băng tuyết tan nuôi dưỡng.

     - Sự thay đổi của lưu lượng nước sông có tính chu kỳ trong năm gọi là chế độ nước.

Nhân tố

Ảnh hưởng

Chế độ mưa

Quy định chế độ dòng chảy sông.

Băng tuyết tan

Băng tuyết tan là nguồn cung cấp nước lớn cho sông.

Hồ, đầm

Điều tiết chế độ dòng chảy nước sông.

Địa hình

Độ dốc địa hình càng lớn, thời gian tập trung nước và thoát nước trên sông càng nhanh.

Đặc điểm đất, đá và thực vật

Các khu vực đất, đã dễ thấm nước, vỏ phong hóa dày, có nhiều thực vật che phủ thường có nguồn nước phong phú, dòng chảy điều hòa.

Con người

Điều tiết chế độ dòng chảy sông thông qua việc xây dựng các hồ chứa thủy điện, các công trình thủy lợi, trồng và bảo vệ rừng,…

2.2 Hồ và phân loại hồ theo nguồn gốc hình thành

     - Hồ là khoảng nước đọng, hình thành ở nơi có địa hình trũng, tương đối rộng và sâu trong đất liền.

     - Phân loại hồ theo nguồn gốc hình thành:

Loại hồ

Nguồn gốc hình thành

Ví dụ

Tự nhiên

Hồ móng ngựa

Do quá trình uốn khúc và đổi dòng của sông ở các vùng đồng bằng. 

Hồ Tây (Hà Nội).  

Hồ kiến tạo

Hình thành ở những vùng trũng trên các đứt gãy kiến tạo.

Các hồ ở khu vực Đông Phi.

Hồ băng hà

Do quá trình xâm thực của băng hà lục địa, phổ biến ở các nước vùng vĩ độ cao như Phần Lan, Ca-na-da, Liên bang Nga,...

Vùng Hồ Lớn (Ngũ | Hồ) ở lục địa Bắc Mỹ.

Hồ miệng núi lửa

 Hình thành từ các miệng núi lửa đã ngừng hoạt động.

 Hồ To-ba trên đảo Su-ma-tra

(In-đô-nê-xi-a)

 

Hồ nhân tạo

 Do con người tạo ra.

 Hồ thủy điện Hòa Bình (sông Đà)

2.3. Nước băng tuyết và nước ngầm

a) Nước băng tuyết:

     - Băng và tuyết là nước ở thể rắn, chiếm phần lớn lượng nước ngọt trên Trái Đất.

     - Nước băng tuyết bao phủ gần 11% diện tích các lục địa với thể tích hơn 24 triệu km.

     - Nguồn gốc hình thành băng là do tuyết rơi trong điều kiện nhiệt độ thấp, được tích tụ nén chặt trong thời gian dài.

     - Diện tích, khối lượng băng, tuyết luôn thay đổi theo lịch sử phát triển của Trái Đất do sự đan xen những thời kì băng mở rộng và những thời kì băng tan.

     - Băng, tuyết có vai trò cung cấp nguồn nước cho sông khi nước băng tan và tạo thành các dạng địa hình băng hà ở vùng khí hậu lạnh.

b) Nước ngầm:

     - Nước ngầm là nước tồn tại trong các tầng đất, đá thấm nước của vỏ Trái Đất.

     - Phía dưới tầng nước ngầm là tầng đất, đá không thấm nước.

     - Nguồn gốc của nước ngầm chủ yếu là do nước trên mặt đất thấm xuống.

     - Mực nước ngầm luôn thay đổi do phụ thuộc vào nhiều nhân tố như: nguồn cung cấp; đặc điểm địa hình; khả năng thấm nước của đất, đá; mức độ bốc hơi; lớp phủ thực vật và con người.

     - Tính chất của nước ngầm rất khác nhau do phụ thuộc vào đặc điểm đất, đá.

     - Nước ngầm có chứa một lượng lớn khoáng chất hoặc khí hòa tan được gọi là nước khoáng.

     - Nước ngầm là một trong những nguồn cung cấp nước cho các hệ thống sông trên Trái Đất và là kho nước ngọt có trữ lượng lớn phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của con người. 3. Nước biển và đại dương

3.1. Một số tính chất của nước biển và đại dương

a) Độ muối của nước biển và đại dương

     - Có nhiều chất hòa tan trong nước biển, đại dương.

     - Muối biển là thành phần quan trọng nhất, trong đó 77,8 % là muối na-tri clo-rua.

     - Độ muối trung bình của nước biển, đại dương là 35 ‰ và thay đổi theo không gian.

     - Độ muối lớn nhất ở vùng chí tuyến (36,8 ‰), giảm đi ở xích đạo (34,5 ‰) và vùng cực (34 ‰).

     - Trên các đại dương có độ muối lớn hơn những vùng ven biển.

b) Nhiệt độ của nước biển và đại dương

     - Nhiệt độ trung bình trên bề mặt toàn bộ đại dương thế giới là 17,5°C.

     - Nhiệt độ nước biển, đại dương vào mùa hè cao hơn mùa đông, giảm dần từ vùng xích đạo về vùng cực theo độ sâu.

     - Ở vùng xích đạo và nhiệt đới, nhiệt độ trung bình năm ở mặt biển, đại dương phổ biến từ 26°C đến 28°C, giảm xuống còn từ 20°C đến 10°C ở vùng cận nhiệt, ôn đới và phổ biến dưới 5°C ở vùng cận cực.

     - Từ mặt nước biển đến độ sâu khoảng 300 m, nhiệt độ giảm mạnh nhất; từ độ sâu khoảng 3000 m trở lên, nhiệt độ rất ít thay đổi.

3.2. Sóng biển

     - Là sự dao động tại chỗ của nước biển theo chiều thẳng đứng.

     - Gió là nguyên nhân chủ yếu sinh ra sóng biển.

     - Ngoài ra, sóng cũng có thể được hình thành do động đất, núi lửa,...

     - Hướng và độ cao của sóng có sự phù hợp với hướng và tốc độ gió trên mặt biển, đại dương.

     - Sóng bị suy yếu và tan rã khi tiến vào bờ do bị ma sát với đáy biển. Đáy biển càng nông, tốc độ suy yếu và tan rã của sóng càng nhanh.

3.3. Thủy triều

     - Là sự dao động của mực nước biển, đại dương trong một ngày do lực hấp dẫn của Mặt Trăng, Mặt Trời và lực li tâm khi Trái Đất tự quay quanh trục.

     - Dao động thủy triều đạt giá trị lớn nhất khi Mặt Trăng, Mặt Trời tạo với Trái Đất một góc vuông.

3.4. Dòng biển

     - Chuyển động của dòng biển tạo thành những vòng tuần hoàn trên các đại dương và biểu hiện rõ rệt trong khoảng vĩ độ nhiệt đới, ôn đới ở hai bán cầu.

     - Hai bên xích đạo, các dòng biển chảy từ phía đông về phía tây, khi gặp bờ đông các lục địa, bị chuyển hướng về phía bắc (ở bán cầu Bắc), phía nam (ở bán cầu Nam) và tạo thành dòng biển nóng trên cả hai bán cầu.

     - Ở khoảng vĩ độ 30 - 40° trên cả hai bán cầu, các dòng biển chảy về phía đông, khi gặp bờ tây các lục địa, bị đổi hướng về phía nam (ở bán cầu Bắc), phía bắc (ở bán cầu Nam) và tạo thành dòng biển lạnh ở khu vực xích đạo.

     - Trên vùng vĩ độ cao của bán cầu Bắc, các dòng biển chuyển động rất phức tạp do phụ thuộc nhiều vào nhân tố, đặc biệt là hình thái địa hình bờ biển.

     - Ở vùng vĩ độ cao của bán cầu Nam, dòng biến có hướng ổn định từ tây sang đông.

3.5. Vai trò của biển, đại dương đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

     - Biển, đại dương có vai trò vô cùng quan trọng đối với xã hội loài người và ngày càng

được coi trọng trong chiến lược phát triển của các quốc gia trên thế giới.

     + Cung cấp tài nguyên sinh vật (hải sản, rong biển,...).

     + Cung cấp tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, khí đốt, muối biển,...).

     + Cung cấp năng lượng (sóng biển, thủy triều,...).

     + Phát triển các ngành kinh tế biển (giao thông vận tải đường biển, du lịch,...).

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Sinh quyển

V. SINH QUYỂN

1. Đất

1.1. Đất và lớp vỏ phong hóa

     - Đất là lớp vật chất tơi xốp nằm trên cùng của bề mặt lục địa.

     - Đất gồm các thành phần vô cơ, hữu cơ, nước, không khí và được đặc trưng bởi độ phì.

     - Độ phì là khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, khoáng, nước, nhiệt, khí cho thực vật sinh trưởng và phát triển, tạo ra năng suất cây trồng.

     - Lớp vỏ phong hóa là sản phẩm phong hóa của đá gốc, nằm phía dưới lớp đất và phía trên cùng của tầng đá gốc.

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Sinh quyển

Hình vẽ: Sơ đồ quá trình hình thành đất

1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành đất.

Nhân tố

Tác động

Đá mẹ

Cung cấp vật chất vô cơ, quyết định đến thành phần khoáng vật, thành phần cơ giới của đất.

Khí hậu

Nhiệt và ẩm làm phá hủy đá gốc tạo ra các sản phẩm phong hóa và tiếp tục phong hóa thành đất; ảnh hưởng đến chế độ nhiệt ẩm của đất, sự hòa tan, rửa trôi hoặc tích tụ vật chất trong các tầng đất.

Sinh vật

Cung cấp chất dinh dưỡng cho đất; thực vật cung cấp chất hữu cơ, vi sinh vật phân giải xác thực vật và động vật tổng hợp thành mùn. Động vật sống trong đất có vai trò cải tạo đất.

Địa hình

- Độ cao: Những vùng núi cao, do nhiệt độ thấp nên quá trình phong hóa diễn ra chậm làm quá trình hình thành đất diễn ra yếu.

- Hướng sườn: Sườn đón nắng và đón gió ẩm có nhiệt ẩm dồi dào hơn sườn khuất nắng, khuất gió nên đất giàu mùn hơn.

- Độ dốc: Địa hình dốc có sự xâm thực và xói mòn diễn ra mạnh hơn, nhất là trong điều kiện mất lớp phủ thực vật nên tầng đất thường mỏng và bị bạc màu. Địa hình bằng phẳng có quá trình bồi tụ chiếm ưu thế nên tầng đất dày và giàu chất dinh dưỡng hơn.

- Hình thái địa hình: Nơi trũng thấp ngập nước thường xuyên có đất khác với nơi cao ráo thoát nước tốt

Thời gian

Thời gian từ khi một loại đất bắt đầu được hình thành đến nay được gọi là tuổi đất. Trong thời gian đó xảy ra toàn bộ các hiện tượng của quá trình hình thành đất, tác động của các nhân tố hình thành đất.

Con người

Hoạt động sản xuất của con người làm cho đất tốt lên hay xấu đi.

2. Sinh quyển

2.1. Khái niệm, đặc điểm và giới hạn của sinh quyển

     - Khái niệm: sinh quyển là toàn bộ sinh vật sinh sống trên Trái Đất, tạo thành một quyển của Trái Đất.

     - Đặc điểm chủ yếu của sinh quyển là các cơ thể sống, bao gồm: thực vật, động vật và vi sinh vật. Trong đó:

     + Thực vật là một thành phần quan trọng của sinh quyển. Các loài thực vật sống cùng nhau tạo nên các thảm thực vật.

     + Động vật thường sống thành bầy đàn trong các môi trường tự nhiên khác nhau.

     + Vi sinh vật có mặt ở khắp nơi trong sinh quyển, có tính thích nghi mạnh và sinh sản nhanh.

     - Sinh quyển có đặc tính tích lũy năng lượng: cây xanh có khả năng quang hợp để tạo nên vật chất hữu cơ; các vi khuẩn có thể tích lũy đạm, sắt và các chất hữu cơ khác.

     - Sinh quyển có ảnh hưởng đến sự phát triển của các quyển khác trên Trái Đất. VD: thực vật = góp phần làm không khí trong lành, làm thay đổi tính chất của khí quyển,...

     - Giới hạn của sinh quyển phụ thuộc vào giới hạn phân bố của sinh vật, bao gồm toàn bộ thủy quyển, phần thấp của khí quyển, lớp đất và một phần của thạch quyển.

     - Giới hạn phía trên của sinh quyển là nơi tiếp giáp lớp ô-zôn của khí quyển.

     - Giới hạn dưới ở lục địa là đáy lớp vỏ phong hóa, ở đại dương xuống tận các hố sâu đại dương (sâu nhất khoảng 11 km).

     - Sinh vật phân bố không đều trong toàn bộ chiều dày của sinh quyển, tập trung nhiều ở khoảng vài chục mét phía trên và phía dưới bề mặt đất.

2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh vật

Nhân tố

Ảnh hưởng

 

 

 

Khí hậu

Chịu tác động trực tiếp của ánh sáng, nhiệt độ và độ ẩm không khí.

- Ánh sáng là điều kiện sinh tồn quan trọng bậc nhất của cây xanh ⇨thực hiện quá trình quang hợp.

- Mỗi loài sinh vật thích nghi với một giới hạn nhiệt độ nhất định.

     + Loài ưa nhiệt: thường phân bố ở môi trường đới nóng.

     + Loài ưa nhiệt vừa: thường phân bố ở môi trường đới ôn hòa.

     + Loài ưa nhiệt thấp hoặc chịu lạnh: phân bố ở môi trường đới lạnh.

- Độ ẩm không khí rất cần thiết cho sinh vật. Hầu hết sinh vật khó tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn.

 

Nước

- Nước rất cần thiết cho sinh vật sinh trưởng và phát triển.

- Mỗi loài có nhu cầu về nước khác nhau.

- Loài ưa ẩm hoặc ưa nước: thường phân bố nhiều ở vùng xích đạo, nhiệt đới ẩm,...

- Loài ưa khô thường sống ở thảo nguyên, hoang mạc,...

 

Đất

- Sự phát triển và phân bố của thực vật chịu ảnh hưởng của các đặc tính lí, hóa và độ phì của đất.

- Mỗi loài thực vật phát triển thích hợp ở mỗi loại đất nhất định.

- Một số loài động vật không thích ánh sáng thường trú ẩn trong các hang ở dưới đất.

 

Địa hình

- Độ cao địa hình làm thay đổi nhiệt độ và lượng mưa → có các vành đai sinh vật khác nhau.

- Hướng sườn khác nhau thường có lượng nhiệt, ẩm và sự chiếu sáng khác nhau nên sinh vật phát triển khác nhau, độ cao bắt đầu và kết thúc của các vành đai sinh vật cũng khác nhau.

- Sườn dốc thường bị xâm thực, xói mòn nhiều hơn sườn thoải → thảm thực vật kém phát triển hơn.

 

Sinh vật

 - Thực vật, động vật và vi sinh vật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong chuỗi thức ăn.

- Nơi có thảm thực vật xanh tốt thuận lợi cho động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt lấy động vật ăn cỏ làm thức ăn; vi sinh vật cũng có điều kiện hoạt động phân giải chất hữu cơ mạnh mẽ.

 

 

 

Con người

 - Động vật còn có mối quan hệ với thực vật về nơi cư trú. Những nơi thảm thực vật phong phú thường có nhiều loài động vật cư trú.

- Con người ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển và phân bố của sinh vật.

- Con người mang các loài cây, con từ châu lục, đất nước này sang nơi khác làm phạm vi phân bố của sinh vật ngày càng mở rộng. Lai tạo để tạo ra các giống mới làm đa dạng thêm các loài sinh vật.

- Trồng rừng trên phạm vi thế giới tăng độ che phủ rừng.

- Phá rừng, khai thác rừng bừa bãi vượt quá giới hạn sinh trưởng và phát triển của sinh vật giảm sự đa dạng sinh học, nhiều loài nguy cơ tuyệt chủng.

(Ôn thi ĐGNL HSA, VACT) Một số quy luật của vỏ địa lí

VI. MỘT SỐ QUY LUẬT CỦA VỎ ĐỊA LÍ

1. Vỏ địa lí

     - Vỏ địa lí là vỏ của Trái Đất, ở đó có sự xâm nhập và tác động lẫn nhau của các vỏ bộ phận (thạch quyển, khí quyển, thủy quyển và sinh quyển).

     - Giới hạn trên của vỏ địa lí tiếp giáp lớp ô-zôn, giới hạn dưới kéo đến đáy vực thẳm của đại dương và đến hết lớp vỏ phong hóa ở lục địa; độ dày của vỏ địa lí khoảng 30 - 35 km. - Phân biệt vỏ địa lí và vỏ Trái Đất:

Tiêu chí

Lớp vỏ Trái Đất

Lớp vỏ địa lí

 

Chiều dày

Độ dày dao động từ 5 km (ở đại dương) đến 70 km (ở lục địa)

Khoảng 30 đến 35 km (tính từ giới hạn dưới của lớp ôzôn đến đáy vực thẳm đại dương; ở lục địa xuống hết lớp vỏ phong hóa).

Thành phần vật chất

Cấu tạo bởi các tầng đá khác nhau (trầm tích, granit, badan).

Gồm khí quyển, thạch quyển, thủy quyển, thổ nhưỡng quyển và sinh quyển xâm nhập và tác động lẫn nhau.

2. Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh

2.1. Khái niệm

     - Là quy luật về mối quan hệ quy định lẫn nhau giữa thành phần của toàn bộ cũng như của mỗi bộ phận lãnh thổ trong vỏ địa lí.

     - Mỗi thành phần và lãnh thổ địa lí đều chịu tác động đồng thời trực tiếp hoặc gián tiếp của nguồn năng lượng bức xạ mặt trời và các nguồn năng lượng bên trong Trái Đất. Tuy chúng có quá trình phát sinh và phát triển riêng nhưng luôn chịu ảnh hưởng và tác động lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau tạo nên một thể thống nhất và hoàn chỉnh.

2.2. Biểu hiện của quy luật

     - Trong tự nhiên, chỉ một thành phần hoặc yếu tố thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi của các thành phần và yếu tố còn lại → thiên nhiên sẽ hình thành nên một trạng thái thống nhất mới, khác với ban đầu.

2.3. Ý nghĩa thực tiễn

     - Do vỏ địa lí có tính thống nhất và hoàn chỉnh nên khi tác động vào tự nhiên, con người có thể dự báo được các thay đổi của thành phần tự nhiên, cảnh quan theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực đối với mình => có biện pháp hợp lí để sử dụng và bảo vệ tự nhiên.

3. Quy luật địa đới

3.1. Khái niệm

     - Là quy luật về sự thay đổi của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo vĩ độ (từ xích đạo về hai cực).

     - Do Trái Đất hình cầu nên góc chiếu của tia sáng mặt trời tới bề mặt đất giảm độ lớn từ xích đạo về cực đã kéo theo sự thay đổi của các yếu tố tự nhiên khác. Tính địa đới biểu hiện rõ nhất ở các vùng đất bằng phẳng, rộng lớn.

3.2. Biểu hiện của quy luật

     - Quy luật địa đới là quy luật phổ biến của lớp vỏ địa lí, được thể hiện qua các yếu tố và thành phần tự nhiên.

     - Sự phân bố các vòng đai nhiệt trên Trái Đất.

Vòng đai

Vị trí

Nóng

Giữa hai đường đẳng nhiệt năm + 20°C của bán cầu Bắc và bán cầu Nam, trong khoảng giữa hai vĩ tuyến 30°B và 30°N.

Ôn hòa

Giữa các đường đẳng nhiệt năm +20°C và đường đẳng nhiệt+10°C tháng nóng nhất của hai bán cầu.

Lạnh

Giữa các đường đẳng nhiệt +10°C và 0°C của tháng nóng nhất, ở vĩ độ cận cực của hai bán cầu.

Băng tuyết vĩnh cửu

Nhiệt độ quanh năm đều dưới 0°C, bao quanh hai cực.

     - Các đai khí áp, các đới gió và lượng mưa trên Trái Đất: Khí áp và gió thường xuyên trên Trái Đất cũng được phân bố theo các đai khí áp và các đới gió từ xích đạo về hai cực. Lượng mưa có sự khác nhau giữa vùng xích đạo, chí tuyến, ôn đới và circ.

     - Các đới khí hậu: Khí hậu được hình thành do tác động của bức xạ Mặt Trời, hoàn lưu khí quyển và bề mặt đệm. Bức xạ Mặt Trời và hoàn lưu khí quyển là các yếu tố địa đới trên phạm vi rộng lớn nên tạo ra các đới khí hậu.

     - Các nhóm đất và kiểu thực vật chính: Sự phân bố của các thảm thực vật trên thế giới phụ thuộc nhiều vào khí hậu. Đất chịu tác động mạnh mẽ của khí hậu và sinh vật → Sự phân bố của đất và thực vật trên lục địa cũng thay đổi từ xích đạo về hai cực.

3.3. Ý nghĩa thực tiễn

     Hiểu biết sự phân bố các sự vật, hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất có tính quy luật từ xích đạo về hai cực giúp con người định hướng và có các hoạt động thực tiễn phù hợp với môi trường sống.

4. Quy luật phi địa đới

4.1. Khái niệm

     - Là quy luật về sự phân bố của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo kinh độ và theo độ cao.

     - Các quá trình nội lực đã tạo ra lục địa, đại dương và địa hình núi cao. Các thành phần tự nhiên ở bờ đông, bờ tây lục địa, ở độ cao núi khác nhau sẽ có những đặc điểm không giống nhau.

4.2. Biểu hiện của quy luật

     - Theo kinh độ (quy luật địa ô)

     + Là sự thay đổi của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo kinh độ.

+ Sự phân bố lục địa và đại dương làm cho khí hậu và kéo theo một số thành phần tự nhiên (nhất là thảm thực vật) thay đổi từ đông sang tây. Gần biển có tính chất đại dương rõ rệt, càng vào sâu trung tâm lục địa thì tính chất lục địa càng tăng.

     - Theo độ cao (quy luật đại cao)

     + Là sự thay đổi của các thành phần tự nhiên và cảnh quan địa lí theo độ cao địa hình.

+ Sự thay đổi nhiệt ẩm theo độ cao ở miền núi kéo theo sự phân bố các vành đai thực vật và nhóm đất theo độ cao.

4.3. Ý nghĩa thực tiễn

     - Hiểu biết về sự phân hóa của tự nhiên theo kinh độ và đai cao cho phép xác định được các định hướng chung và biện pháp cụ thể để ứng xử với tự nhiên một cách hợp lí trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống hàng ngày.

B. CÂU HỎI VẬN DỤNG

Câu 1. Phát biểu nào sau đây không đúng với nhân trong Trái Đất?

A. Nhiều Ni, Fe.

B. Vật chất lỏng.

C. Áp suất rất lớn.

D. Nhiệt độ rất cao.

Câu 2. Ranh giới giữa vỏ Trái Đất và manti được gọi là

A. mặt Mô-hô.

B. tầng đối lưu.

C. khí quyển.

D. tầng badan.

Câu 3. Đặc điểm của lớp Manti dưới là

A. cùng với vỏ Trái Đất thành thạch quyển.

B. không lỏng mà ở trạng thái quánh dẻo.

C. hợp với vỏ Trái Đất thành lớp vỏ cứng.

D. có vị trí ở độ sâu từ 700 đến 2900 km.

Câu 4. Thạch quyển được hợp thành bởi lớp vỏ Trái Đất và

A. nhân trong của Trái Đất.

B. phần dưới của lớp Manti.

C. nhân ngoài của Trái Đất.

D. phần trên của lớp Manti.

Câu 5. Để biết được cấu trúc của Trái Đất, người ta dựa chủ yếu vào

A. kết quả nghiên cứu ở đáy biển sâu.

B. những mũi khoan sâu trong lòng đất.

C. sự thay đổi của các sóng địa chấn.

D. nguồn gốc hình thành của Trái Đất.

Câu 6. Các tầng đá theo thứ tự từ trên xuống dưới của lớp vỏ lục địa là

A. badan, trầm tích, granit.

B. trầm tích, granit, badan.

C. trầm tích, badan, granit.

D. granit, badan, trầm tích.

Câu 7. Nguồn bức xạ từ Mặt Trời đến Trái Đất phân bố lớn nhất ở

A. bề mặt Trái Đất hấp thụ.

B. phản hồi vào không gian.

C. các tầng khí quyển hấp thụ.

D. phản hồi của băng tuyết.

Câu 8. Không khí ở tầng đối lưu bị đốt nóng chủ yếu do nhiệt của

A. bức xạ mặt trời.

B. lớp vỏ Trái Đất.

C. lớp man ti trên.

D. bức xạ mặt đất.

Câu 9. Bán cầu Nam có nhiệt độ trung bình năm thấp hơn ở bán cầu Bắc là do

A. mùa hạ dài hơn, diện tích đại dương lớn hơn, góc nhập xạ nhỏ hơn.

B. diện tích lục địa lớn hơn, góc nhập xạ lớn hơn, có mùa hạ dài hơn.

C. diện tích đại dương lớn hơn, thời gian chiếu sáng trong năm ít hơn.

D. thời gian chiếu sáng trong năm dài hơn, có diện tích lục địa lớn hơn.

Câu 10. Phát biểu nào sau đây không đúng với sự phân bố nhiệt độ theo vĩ độ địa lí?

A. Biên độ nhiệt độ năm thấp nhất ở khu vực xích đạo.

B. Biên độ nhiệt độ năm tăng từ xích đạo về hai cực.

C. Nhiệt độ trung bình năm cao nhất là ở chí tuyến.

D. Nhiệt độ trung bình năm tăng từ xích đạo về cực.

Câu 11. Nhân tố nào sau đây không có tác động nhiều đến sự phân bố nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất?

A. Thời gian chiếu sáng.

B. Tính chất mặt đệm.

C. Độ che phủ thực vật.

D. Độ lớn góc nhập xạ.

Câu 12. Nhân tố nào sau đây ảnh hưởng nhiều đến sự khác nhau về nhiệt độ giữa bờ Đông và Tây lục địa?

A. Dòng biển lạnh, độ cao địa hình.

B. Độ cao địa hình, các vĩ độ địa lí.

C. Các vĩ độ địa lí, dòng biển nóng.

D. Dòng biển nóng, dòng biển lạnh.

Câu 13. Từ xích đạo về cực có

A. nhiệt độ hạ thấp, biên độ nhiệt độ trung bình năm giảm.

B. góc chiếu của tia bức xạ mặt trời tăng, nhiệt độ hạ thấp.

C. nhiệt độ trung bình năm giảm, biên độ nhiệt độ năm tăng.

D. biên độ nhiệt độ năm tăng, nhiệt độ trung bình năm tăng.

Câu 14. Phía dưới tầng nước ngầm là

A. tầng đất, đá không thấm nước.

B. nhiều đất, hàm lượng khoáng.

C. các tầng đất, đá dễ thấm nước.

D. giàu chất khoáng, nhiều đá vôi.

Câu 15. Giải pháp chủ yếu hiện nay nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt không phải là

A. giữ sạch nguồn nước.

B. sử dụng nước tiết kiệm.

C. trồng rừng đầu nguồn.

D. xả hóa chất ra sông lớn.

................................

................................

................................

Xem thử Tài liệu & Đề thi HSA Xem thử Tài liệu & Đề thi VACT Xem thử Tài liệu & Đề thi SPT

Xem thêm tài liệu ôn thi đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội HSA, ĐHQG Tp.HCM VACT hay khác:

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học