[Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

[Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

Tuyển chọn [Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề) chọn lọc được các Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn và sưu tầm từ đề thi Ngữ Văn 10 của các trường THPT. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Học kì 1 môn Ngữ Văn 10.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

PHẦN I (3,0 điểm): ĐỌC – HIỂU

Đọc bài ca dao sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

MƯỜI CÁI TRỨNG

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm, được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái

Về nuôi ba tháng; hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,

Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,

Bảy trứng: cũng ung

Còn ba trứng nở ra ba con

Con diều tha

Con quạ quắp

Con mặt cắt xơi

Chớ than phận khó ai ơi!

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

(Ca dao Bình Trị Thiên) 

Câu 1: Chỉ ra một biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các câu ca dao sau:

Một trứng: ung, hai trứng: ung, ba trứng: ung,

Bốn trứng: ung, năm trứng: ung, sáu trứng: ung,

Bảy trứng: cũng ung

Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật vừa chỉ ra ở câu 1.

Câu 3: Nêu nội dung của hai câu ca dao: Chớ than phận khó ai ơi!/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây?

Câu 4: Trình bày suy nghĩ của anh/chị về thông điệp được gợi ra từ hai câu ca dao sau (viết khoảng 6 đến 8 dòng):

Chớ than phận khó ai ơi!

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây

PHẦN II (7,0 điểm): LÀM VĂN

Cảm nhận của anh/chị về bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão.

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I (3,0 điểm): ĐỌC – HIỂU

Câu 1

- Liệt kê/lặp từ/lặp cấu trúc ngữ pháp (cú pháp)/tăng cấp (tăng tiến)/ẩn dụ…

(HS có thể kể một trong các biện pháp tu từ trên)

Câu 2

- Tác dụng của liệt kê, lặp từ, lặp câu trúc, tăng cấp: Liệt kê và  nhấn mạnh nỗi khổ của người lao động xưa.

- Biện pháp ẩn dụ: “Trứng ung” – những mất mát liên miên xảy ra đối người lao động.

ð Hình ảnh tượng trưng về nỗi khổ của người lao động xưa…

(HS có thể chọn một biện pháp nghệ thuật, chỉ ra biện pháp nghệ thuật đó và nêu đúng tác dụng)

Câu 3:

- Câu ca dao là lời tự động viên mình của người lao động xưa.

- Là lời nhắn nhủ mọi người hãy luôn lạc quan, tin tưởng dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

(HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng vẫn đảm bảo một trong hai nội dung trên)

Câu 4

- Nội dung: HS có thể nói về một trong các thông điệp sau: 

Tinh thần lạc quan trong cuộc sống;

Biết chấp nhận khó khăn để tìm cách vượt qua…

- Hình thức: 

+ Khoảng 6 – 8 dòng (có thể hơn hoặc kém 1 dòng), 

+ Đúng chính tả, ngữ pháp.

(HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo thể hiện suy nghĩ sâu sắc, chân thành, tích cực về một thông điệp gợi ra từ câu ca dao)

PHẦN II (7,0 điểm): LÀM VĂN

1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề nghị luận, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

2. Xác định được vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận bài thơ Tỏ lòng – Phạm Ngũ Lão.

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

MB:

- Giới thiệu tác giả Phạm Ngũ Lão; giới thiệu tác phẩm: Tỏ lòng (Thuật hoài).

- Nêu vấn đề nghị luận: Bài thơ Tỏ lòng.

TB:

- Sơ lược về nhà Trần

+ Trong các triều đại phong kiến nhà Trần là triều đại để lại nhiều dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ nhất.

+ Thời đại ấy hun đúc nên những con người vĩ đại và trở lại, con người lại làm vẻ vang cho thời đại sản sinh ra mình.

- Nội dung:

+ Vẻ đẹp con người:

ŸHình tượng con người kì vĩ (Hai câu đầu).

Ÿ Vẻ đẹp tư tưởng nhân cách (Hai câu sau).

+ Vẻ đẹp thời đại (HS có thể trình bày lồng vào vẻ đẹp con người)

ŸChân dung thời đại được phản ánh qua hình tượng con người trung tâm.

ŸHình ảnh con người trầm tư suy nghĩ về ý chí lí tưởng, hoài bão của mình là sự khúc xạ tuyệt đẹp của chân dung thời đại.

- Nghệ thuật: 

+ Thể thơ thât thất ngôn tư tuyệt Đường luật ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao.

+ Từ ngữ hình ảnh to lớn để miêu tả tầm vóc của con người thời đại nhà Trần.

KB: Nhận xét đánh giá: Con người và thời đại nhà Trần (Thời đại Đông A) thật gần gũi, đẹp đẽ.

4. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu trong tiếng Việt.
 

[Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu ở dưới:

“ 1.1.70

Thêm một tuổi đời, vậy là cái tuổi ba mươi đâu còn xa nữa. Vài năm nữa thôi mình sẽ trở thành một chị cán bộ già dặn đứng đắn. Nghĩ đến đó mình thoáng thấy buồn. Tuổi xuân của mình đã qua đi trong lửa khói, chiến tranh đã cướp mất hạnh phúc trong tình yêu và tuổi trẻ. Ai lại không tha thiết với mùa xuân, ai lại không muốn cái sáng ngời trong đôi mắt và trên đôi môi căng mọng khi cuộc đời còn ở tuổi hai mươi? Nhưng… tuổi hai mươi của thời đại này đã phải dẹp lại những ước mơ hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có…”

(Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà Văn, 2005)

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào? (0,5)

Câu 2: Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt trong đoạn trích? (1,25)

Câu 3: Anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa cuộc sống đối với tuổi trẻ hiện nay. (1,25)

II. Làm văn (7 điểm)

Cảm nhận bài thơ “Nhàn” của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Kiêm.

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, 

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(SGK Ngữ văn 10, NXB Giáo dục 2006)

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm.

Câu 2: Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với ba đặc trưng cơ bản sau:

- Tính cụ thể: 

+ Thời gian 1.1.70; 

+ Nhân vật cụ thể: “ mình” – Đặng Thùy Trâm tự phân thân để đối thoại (Thực ra là lời độc thoại của nhân vật).

+  Nội dung: Khát vọng, sự tha thiết với mùa xuân, tuổi trẻ của nhân vật.

- Tính cảm xúc: Giọng điệu thân mật, tha thiết, những câu cảm thán, câu hỏi tu từ thể hiện nỗi suy tư trong thời khắc năm mới, tâm sự nuối tiếc tuổi thanh xuân nhưng cũng sẵn sàng hiến dâng tuổi xuân cho đất nước.

(có dẫn chứng cụ thể trong văn bản)

- Tính cá thể: Ngôn ngữ nhật kí của một bác sĩ trẻ giàu cảm xúc, có đời sống nội tâm phong phú, có trình độ, vốn sống, trách nhiệm.

Câu 3: HS tự triển khai theo suy nghĩ cá nhân tuy nhiên cần phải đảm bảo được một số kiến thức sau:

Cuộc sống là sự sống, là tất cả những gì diễn ra xung quanh chúng ta.

Cuộc sống muôn hình vạn trạng, đem lại những ý nghĩa to lớn, để ta hình thành, tồn tại và phát triển, cho ta kho tàng tri thức, hiểu biết, cuộc sống làm phong phú tâm hồn con người...

- Trước những ý nghĩa to lớn mà cuộc sống   đem lại ta cần phải biết trân trọng, sống có trách nhiệm, ý thức giữ gìn cuộc sống, làm cho cuộc sống của chính mình có ý nghĩa.

II. Làm văn (7 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết cách làm văn Nghị luận về một bài thơ, đặc biệt sử dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích, so sánh, chứng minh.

- Bố cục chặt chẽ, hợp lí, trình bày rõ ràng.

- Hành văn trôi chảy, giàu cảm xúc

2. Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và bài thơ Nhàn, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu được các ý chính sau:

2.1. Mở bài:   Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

2.2. Thân bài:   Cảm nhận:

Về nội dung: Bước đầu hiểu được quan niệm Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

- Câu 1, 2: 

+ Hình ảnh: mai, cuốc, cần câu

+ Điệp từ - số từ: một

→ Cuộc sống lao động như một lão nông tất cả đã sẵn sàng, chu đáo;phong thái ung dung và bình thản

Nhàn thể hiện ở sự ung dung, phong thái, thảnh thơi, vô sự trong lòng vui thú với điền viên.

- Câu 3, 4: 

+ Đối, cách nói ngược nghĩa: dại ><  khôn, vắng vẻ >< lao xao.

+ Tìm về nơi vắng vẻ, tĩnh lặng của của thiên nhiên trong lành, lánh xa chốn lao xao, ồn ào, đầy bon chen danh lợi.

Nhàn là nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh chốn danh lợi bon chen, tìm về nơi vắng vẻ, sống hòa nhập với thiên nhiên để “di dưỡng tinh thần”.

- Câu 5, 6: Bức tranh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với cuộc sống đạm bạc, với cảnh sinh hoạt đời thường, mùa nào thức ấy, có mùi vị, hương sắc trong sáng, thanh khiết.

Nhàn là sống thuận theo tự nhiên, thưởng thức những thức có sẵn theo mùa ở nơi thôn dã mà không phải mưu cầu, tranh đoạt.

- Câu 7, 8: Tìm đến rượu để say nhưng là tỉnh , tỉnh để nhận ra cuộc đời “ phú quý tựa chiêm  bao”.

 Nhàn có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao.

 Qua lối sống đạm bạc, nhàn tản, vui với thú điền viên, thôn dã, quan niệm sống nhàn ta cảm nhận được trí tuệ uyên thâm, tâm hồn thanh cao, sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Về nghệ thuật:

- Ngắt nhịp độc đáo, linh hoạt: 2/2/3; 2/5; 1/3/3; 4/3…

- Biện pháp tu từ đăc sắc: Ẩn dụ, liệt kê, số từ…

- Sử dụng điển cố.

- Ngôn từ mộc mạc, tự nhiên mà ý vị, giàu tính triết lí.

2.3. Kết bài:  Khái quát, nêu cảm nhận riêng của học sinh.
 

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm): 

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:  

Chẳng ai muốn làm hành khất,

Tội trời đày ở nhân gian.

Con không được cười giễu họ,

Dù họ hôi hám úa tàn.


Nhà mình sát đường, họ đến,

Có cho thì có là bao.

Con không bao giờ được hỏi,

Quê hương họ ở nơi nào.

(...)

Mình tạm gọi là no ấm,

Ai biết cơ trời vần xoay,

Lòng tốt gửi vào thiên hạ,

Biết đâu nuôi bố sau này.

(Trần Nhuận Minh, Dặn conNhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)

Câu 1 (0,5 điểm): Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2 (1,0 điểm): Hãy nêu nội dung chính của đoạn trích trên?

Câu 3 (1,5 điểm): Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất? Theo em, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?

Phần II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2 điểm): Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề chonhận ở đời (cho đi và nhận lại).

Câu 2 (5 điểm):

Cảm nhận bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão:

Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.

Công danh nam tử còn vương nợ,

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(Sách Ngữ văn 10, NXB Giáo dục, tập I, tr.115, 116)

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN 

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm): 

Câu 1 (0,5 điểm): Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2 (1,0 điểm): Lời dặn của người cha với con:

- Lời dặn thể hiện tinh thần nhân văn: thương yêu, giúp đỡ con người, tôn trọng con người.

- Lời dặn đầy sự chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ đời như: cơ trời vần xoay, lòng tốt, cho và nhận... khiến con người phải suy nghĩ về cách sống.

Câu 3 (1,5 điểm): 

Từ đồng nghĩa với từ hành khất: ăn xin, ăn mày (0,5 điểm)

Tác giả dùng từ hành khất vì: (1,0 điểm)

+ Tác dụng phối thanh.

+ Hành khất là từ Hán Việt có sắc thái trang trọng, khác với sắc thái trung tính của các từ thuần Việt ăn xin, ăn mày, do đó phù hợp với cảm xúc của nhân vật trữ tình trong lời dặn con (phải tôn trọng, giữ thể diện cho những người hành khất).

Phần II. Làm văn (7,0 điểm):

Câu 1 (2 điểm): 

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hiểu được vấn đề cho và nhận ở đời.

c) Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận.

- Từ nội dung đoạn thơ: Lời dặn con của người cha phải biết giúp đỡ và tôn trọng những người hành khất. Giúp người, đến khi gặp hoạn nạn, người khác sẽ giúp mình.

- Nêu vấn đề: cho và nhận ở đời.

* Phân tích vấn đề:

- Giải thích: 

+ Cho là cho đi (vật chất, tinh thần, kinh nghiệm, …).

+ Nhận là nhận về niềm vui, sự thanh thản và kể cả vật chất.

* Phân tích biểu hiện:

- Cuộc sống còn rất nhiều mảnh đời khốn khổ, cần sự giúp đỡ của cộng đồng.

- Khi giúp đỡ người khác, con người cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc. Và khi lỡ sa chân vào khốn khó, có thể sẽ nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng.

* Bình luận:

- Cho và nhận làm cho cuộc sống có ý nghĩa, nó cũng là quy luật của cuộc sống, giúp cho xã hội nhân văn và phát triển hơn, đáng được ca ngợi.

- Nhưng cuộc sống cũng còn lắm kẻ chỉ biết nhận mà không biết cho, hoặc cho đi và đòi phải nhận lại. Điều ấy cần phải phê phán.

* Kết luận: Cuộc đời sẽ giàu ý nghĩa khi ta biết cho và nhận.

d) Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng chuẩn tiếng Việt.

Câu 2 (5 điểm):

a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. 

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận những giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ Tỏ lòng, Phạm Ngũ Lão.

c) Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm.

* Cảm nhận và phân tích:

- Hai câu đầu:

+ Hình ảnh người tráng sĩ thời Trần cầm ngang ngọn giáo (hoành sóc) thể hiện tư thế rắn rỏi, tự tin, sẵn sàng trấn giữ đất nước với tinh thần bền bỉ, kiên trì (trải mấy thu). Đó là hình ảnh của con người mang tầm vóc vũ trụ với tư thế hiên ngang, kì vĩ.

+ Hình ảnh “ba quân” - quân đội thời Trần với sức mạnh như hổ báo: hình ảnh so sánh, ẩn dụ nói lên sức mạnh vô địch của quân đội thời Trần. 

Khí thế: Nuốt trôi trâu, cách nói cường điệu chỉ hùng khí dũng mãnh, ào ào ra trận, không một thế lực nào, một kẻ thù nào có thể ngăn cản nổi.

Đánh giá: Hai câu thơ đầu với vẻ đẹp của hình tượng người anh hùng vệ quốc mang tầm vóc vũ trụ, lịch sử được lồng trong vẻ đẹp của hình tượng dân tộc, đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về thời đại nhà Trần. Đây chính là vẻ đẹp và sức mạnh của hào khí Đông A.

- Hai câu cuối:

+ Là tâm sự của Phạm Ngũ Lão về hoài bão lập công danh luôn canh cánh bên lòng. Qua cái thẹn khi nghe chuyện Vũ Hầu, ta thấy được vẻ đẹp hiên ngang, hùng dũng của người anh hùng không chỉ có vẻ đẹp ý chí mà còn có cái “tâm” cao đẹp.

+ Hai câu thơ còn là lời nhắc nhở đối với bậc nam nhi sống trong thời đại phải có ý thức cầu tiến, xả thân vì nghĩa lớn, điều đó có ý nghĩa lớn với tuổi trẻ hôm nay và mai sau.

* Nhận định chung về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. 

d) Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng chuẩn tiếng Việt.
 

[Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

I. Đọc hiểu: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

"Bản lĩnh là khi bạn dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt. Muốn có bản lĩnh bạn cũng phải kiên trì luyện tập. Chúng ta thường yêu thích những người có bản lĩnh sống. Bản lĩnh đúng nghĩa chỉ có được khi bạn biết đặt ra mục tiêu và phương pháp để đạt được mục tiêu đó. Nếu không có phương pháp thì cũng giống như bạn đang nhắm mắt chạy trên con đường có nhiều ổ gà.

Cách thức ở đây cũng rất đơn giản. Đầu tiên, bạn phải xác định được hoàn cảnh và môi trường để bản lĩnh được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không tùy tiện. Thứ hai bạn phải chuẩn bị cho mình những tài sản bổ trợ như sự tự tin, ý chí, nghị lực, quyết tâm... Điều thứ ba vô cùng quan trọng chính là khả năng của bạn. Đó là những kỹ năng đã được trau dồi cùng với vốn tri thức, trải nghiệm. Một người mạnh hay yếu quan trọng là tùy thuộc vào yếu tố này.

Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh. Khi xây dựng được bản lĩnh, bạn không chỉ thể hiện được bản thân mình mà còn được nhiều người thừa nhận và yêu mến hơn."

 (Tuoitre.vn – Xây dựng bản lĩnh cá nhân)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, thế nào là người bản lĩnh? (0,5 điểm)

Câu 3. Tại sao tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh"? (1,0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào? (1,0 điểm)

II.Làm văn: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Viết đoạn văn ngắn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

Câu 2: (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về bài thơ “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi. 

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng, 

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

(Cảnh ngày hè, Trang 118, Ngữ văn 10, Tập I, NXBGD, 2006)

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Đọc hiểu: (3,0 điểm)

Câu 1.Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2.Theo tác giả, người có bản lĩnh là người dám nghĩ, dám làm và có thái độ sống tốt.

Câu 3.Tác giả cho rằng "Bản lĩnh tốt là vừa phục vụ được mục đích cá nhân vừa có được sự hài lòng từ những người xung quanh" bởi vì: khi một cá nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm nhưng chỉ nhằm mục đích phục vụ cá nhân mình, không quan tâm đến những người xung quanh, thậm chí làm phương hại đến xã hội thì không ai thừa nhận anh ta là người có bản lĩnh...

Câu 4. Một người có bản lĩnh sống phải là người như thế nào:

- Phải trau dồi tri thức, kinh nghiệm, kĩ năng

- Phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

- Phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực

- Phải có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

II.Làm văn: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

a) Đảm bảo cấu trúc đoạn nghị luận.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận. 

 Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

c) Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

*Giới thiệu vấn đề nghị luận: Tuổi trẻ cần sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

*Phân tích vấn đề:

- Giải thích: 

   Bản lĩnh là sự tự khẳng định mình, bày tỏ những quan điểm cá nhân và có chính kiến riêng trong mọi vấn đề. Người bản lĩnh dám đương đầu với mọi thử thách để đạt điều mong muốn.

- Bàn luận ý nghĩa của việc sống bản lĩnh

+ Sống bản lĩnh giúp cho bản thân có được sự tự tin trong cuộc sống, từ đó đề ra những mục tiêu và dám thực hiện chúng.

+ Bên cạnh đó, người bản lĩnh cũng dễ dàng thừa nhận những sai sót, khuyết điểm của mình và tiếp thu những cái hay, cái mới, cái hay.

+ Trước những cám dỗ của cuộc sống, người bản lĩnh hoàn toàn có thể tự vệ và tự ý thức được điều cần phải làm.

- Bình luận, mở rộng

+ Là học sinh, bản lĩnh được biểu hiện qua nhiều hành vi khác nhau. Đó là khi bạn cương quyết không để cho bản thân mình quay cóp, chép bài trong giờ kiểm tra. Đó là khi bạn sẵn sàng đứng lên nói những sai sót của bạn bè và khuyên nhủ họ. Khi mắc sai lầm, bạn tự giác thừa nhận và sửa sai.

- Bài học nhận thức và hành động

- Không phải ai sinh ra cũng có được bản lĩnh. Bản lĩnh của mỗi người được tôi luyện qua nhiều gian lao, thử thách. Bằng sự can đảm, học từ những thất bại, đứng dậy từ những vấp ngã, ... mỗi chúng ta đang dần tạo nên một bản lĩnh kiên cường.

*Kết luận: Cuộc đời sẽ đẹp và giàu ý nghĩa khi tuổi trẻ biết sống có bản lĩnh để dám đương đầu với mọi khó khăn thử thách.

d) Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng chuẩn tiếng Việt.

Câu 2: (5,0 điểm)

a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:  Cảm nhận những giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ  “Cảnh ngày hè” của Nguyễn Trãi. 

c) Triển khai vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp:

*Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trãi và sơ lược bài thơ Cảnh ngày hè, biểu hiện của vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ.

*Cảm nhận và phân tích:

Bức tranh thiên nhiên ngày hè:

- Với tình yêu thiên nhiên nồng nàn, cùng với tâm hồn tinh tế, nhạy cảm tác giả đã đón nhận thiên nhiên bằng các giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác… 

+ Các hình ảnh: hoa hòe, thạch lựu, hoa sen. 

+ Âm thanh: tiếng ve. 

+ Mùi hương: của hoa sen. 

- Nghệ thuật: 

+ Các động từ: đùn đùn, phun 

+ tính từ tiễn.

 + Hình ảnh gần gũi, dân dã với cuộc sống. 

- Nhận xét: Bức tranh chân thực mang nét đặc trưng của mùa hè ở thôn quê, kết hợp hài hòa đường nét và màu sắc. Bức tranh thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống (nguồn sống ấy được tạo ra từ sự thôi thúc tự bên trong, đang ứ căng, tràn đầy trong lòng thiên nhiên vạn vật, khiến chúng phải “giương lên”, “phun” ra hết lớp này đến lớp khác.

Bức tranh cuộc sống sinh hoạt và tấm lòng với dân, với nước.

 - Hướng về cuộc sống lao động, cuộc sống sinh hoạt của nhân dân:

 + Hình ảnh: chợ cá làng ngư phủ → cuộc sống tâp nập, đông vui, ồn ào, no đủ.

 + Âm thanh: lao xao

→ Từ xa vọng lại, lắng nghe âm thanh của cuộc sống, quan tâm tới cuộc sống của nhân dân. 

 → Bức tranh miêu tả cuối ngày nhưng không gợi cảm giác ảm đạm. Bởi ngày sắp tàn nhưng cuộc sống không ngừng lại, thiên nhiên vẫn vận động với cuộc sống dồi dào, mãnh liệt, bức tranh thiên nhiên vẫn rộn rã những âm thanh tươi vui. 

- Mong ước khát vọng cho nhân dân khắp mọi nơi đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc:

 + Ước muốn có chiếc đàn của vua Thuấn để gẩy lên khúc nam phong ca ngợi cuộc sống no đủ của nhân dân. Tấm lòng ưu ái với nước. 

+ Câu cuối: câu lục ngôn ngắt nhịp 3/3 âm hưởng đều đặn đã thể hiện khát vọng mạnh mẽ của Nguyễn Trãi

*Nhận định chung về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. (0.5đ)    

d) Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…); thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. 

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng chuẩn tiếng Việt.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

I. Đọc hiểu (3 điểm) 

Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới: 

Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này. […] Rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố…

Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đạnh bại nhất…

(Trích thư của Tổng Thống Mĩ Lin-côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, trong Những câu chuyện về người thầy)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn văn bản?

Câu 2. Chỉ ra những biện pháp nghệ thuật và tác dụng của những biện pháp nghệ thuật ấy? 

Câu 3. Nêu nội dung của đoạn văn bản?

II. Làm văn (7 điểm) 

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ “Nhàn” (Ngữ văn 10, tập 1)

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Đọc hiểu (3 điểm) 

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ: Sinh hoạt.

Câu 2. 

- Những biện pháp nghệ thuật: liệt kê, lặp cấu trúc, so sánh, đối lập. 

- Tác dụng: Lòng mong mỏi tha thiết của người cha xin thầy dạy con mình thành nhân trong cuộc đời.  

Câu 3. Nội dung của đoạn văn bản: Mong thầy dạy con biết sống tự trọng với bản thân và với người khác.

II. Làm văn (7 điểm) 

*Bài làm có hình thức của một bài văn hoàn chỉnh, có đầy đủ bố cục 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài, biết cách làm bài văn Nghị luận văn học.

*Xác định đúng trọng tâm yêu cầu đề: Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài thơ Nhàn.

*HS được tự do và sáng tạo lựa chọn hình thức bài văn để trình bày cảm nhận của cá nhân, sau đây là vài gợi ý: 

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với bài thơ Nhàn, bài thơ Nôm Đường luật tiêu biểu thể hiện triết lý sống của tác giả. 

- Vẻ đẹp của lối sống nhàn: 

+ Một vị quan của triều đình, chấp nhận từ bỏ tất cả để làm một lão nông canh điền trong cuộc sống tự cung tự cấp với thái độ ung dung tự tại. Cách đếm, nhịp thơ cho thấy thái độ thơ thẩn của tác giả đối lập dầu ai vui thú nào 

+ Sống thuận theo tự nhiên với triết lí vô vi, mùa nào thuận theo mùa đó, hòa hợp với thiên nhiên.

- Vẻ đẹp của nhân cách nhàn: 

+ Tác giả tự nhận mình dại để tìm về nơi vắng vẻ,mặc ai kia khôn tìm đến chốn lao xao 

+ Cách nói ngược thể hiện một bản lĩnh sống, một nhân cách sống cao cả.

- Vẻ đẹp của trí tuệ nhàn: Nhận ra phú quý chỉ là chiêm bao thoáng qua, hư ảo, chóng tàn.
 

[Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề)

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm) 

Đọc đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi: 

Bạn hãy nói cho tôi biết chăng, về họ tên mà tôi đã mang, 

Về miền quê mà tôi ngày đêm luôn nhớ mong. 

Lòng tôi mong biết đất nước tôi, đất nước đã có bao đời, 

Được nhìn bằng đôi mắt của mình được trở về cội nguồn của tôi. 

Và qua phim Coppola, lòng thấy xót thương quê hương. 

Bầy trực thăng bay trên cao, tàn phá xóm thôn nhỏ bé. 

Ước mong về thăm chốn thiêng, mong sao quê hương dang tay đón tôi. 

Mong ước đến ngày trở về, 

Lòng tôi yêu mến, Việt Nam. 

Bạn hãy nói tới mái tóc đen, tới đôi chân nhỏ bé, 

Và màu da đã ngày đêm cùng tôi lớn lên. 

Và mong sao đôi chân sẽ bước lên, 

Từ những nơi tôi chưa từng đến. 

Để được nghe bài dân ca êm dịu lướt trên sông. 

Và tôi mới biết, về đất nước tôi qua phim. 

Người dân quê hương tôi cày cấy, vui trong lời hát. 

Ước mong về thăm đất nước tôi. 

… 

Lòng tôi yêu mến Việt Nam. 

Lòng tôi vang tiếng Việt Nam. 

Lòng tôi xin chào Việt Nam. 

(Lời dịch bài hát Xin chào Việt Nam, ca sĩ Phạm Quỳnh Anh thể hiện) 

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt và phong cách ngôn ngữ trong đoạn thơ trên? (1,0 điểm) 

Câu 2: Tìm những từ/ cụm từ thể hiện tình cảm của tác giả đối với quê hương? (1,0 điểm) 

Câu 3: Viết một đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng trình bày suy nghĩ của anh (chị ) về ý nghĩa của 2 câu thơ sau (1,0 điểm): Bạn hãy nói tới mái tóc đen, tới đôi chân nhỏ bé,/ Và màu da đã ngày đêm cùng tôi lớn lên. 

PHẦN II: LÀM VĂN (7 điểm)   

Anh/chị hãy cảm nhận triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua đoạn trích sau:

Một mai, một cuốc, một cần câu, 

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào. 

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, 

Người khôn, người đến chốn lao xao. 

 (Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhàn, Ngữ Văn 10, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam) 

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (3 điểm) 

Câu 1: 

- Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ trên là: biểu cảm.

- Phong cách ngôn ngữ của đoạn văn bản là phong cách ngôn ngữ nghệ 

thuật. 

Câu 2: Những từ/cụm từ thể hiện tình cảm của tác giả đối với quê hương: nhớ mong, xót thương quê hương, yêu mến, ước mong về thăm, yêu mến Việt Nam.  

Câu 3: HS có nhiều cách viết đoạn văn nhưng cần diễn đạt mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, xác định đúng vấn đề của câu thơ đó là tự hào về nguồn gốc của bản thân từ đó khơi gợi tình yêu về cội nguồn làm cơ sở cho tình yêu quê hương, đất nước ở mỗi con người Việt Nam – HS có thể liên hệ bản thân ngắn gọn từ ý trên

PHẦN II: LÀM VĂN (7 điểm)   

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua 4 câu đầu của bài thơ Nhàn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm  

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:  

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận. 

* Phân tích đoạn thơ để làm sáng tỏ: triết lý sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm qua 4 câu đầu của bài thơ Nhàn 

- Mai, cuốc dụng cụ của nhà nông; cần câu để câu cá thể hiện nếp sống thanh bần của nhà nho khi ở ẩn. 

- Số từ “một” điệp lại ba lần → Mọi thứ đều đã sẵn sàng, chu đáo. 

-“Thơ thẩn”: trạng thái mơ màng, mông lung, nghĩ ngợi ko tập trung vào một cái gì rõ rệt, cứ thoáng gần – xa, mơ – tỉnh. 

ð Lối sống nhàn của tác giả: thư thái, thanh nhàn. 

- Đại từ phiếm chỉ “ai”:

+ Người đời. 

+ Những kẻ bon chen trong vòng danh lợi. 

- Nhịp thơ: 2/2/3 → sự ung dung, thanh thản của tác giả.

* Đánh giá chung: Hai câu thơ đầu miêu tả cuộc sống thuần hậu, nhàn tản với tâm trạng ung dung thảnh thơi không vướng bận trước cơ mưu, tư dục, tránh sự bon chen trong vòng danh lợi.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

PHẦN I: ĐỌC HIỂU 

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu: 

Thời gian như chuyến tốc hành

Mang theo lá đỏ và anh trở về

Tóc xanh vừa lỗi lời thề

Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang


Ngu ngơ chạm phải ao làng

Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay

Trái đất ơi, ngược vòng quay

Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên.

(Bài Thơ Thời Gian, PGS.TS Lê Quốc Hán, Tuyển tập Thơ lục bát Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, 1994) 

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn thơ trên? 

Câu 2: Những từ ngữ chỉ màu sắc trong bài thơ có tác dụng gì? 

Câu 3: Cảm nhận của anh/chị về những câu thơ sau: 

Ngu ngơ chạm phải ao làng

Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay

Trái đất ơi, ngược vòng quay

Cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên

Phần II: LÀM VĂN (7,0 điểm) Cảm hứng nhân đạo trong bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN 

PHẦN I: ĐỌC HIỂU 

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật.

Câu 2: 

- Những từ chỉ màu sắc: lá đỏ, tóc xanh, mây trắng. 

- Tác dụng: Gợi sự mong manh, héo tàn trước thời gian của tuổi trẻ, tình yêu, cái đẹp.  

Câu 3: HS có thể cảm nhận theo một trong những ý sau: 

- Khi nhận ra quy luật khắc nghiệt, tất yếu của thời gian, trong một thái độ chấp nhận và tự chủ, con người bỗng nhiên có cảm giác thư thái, nhẹ nhõm. 

- Biết trân quý từng phút giây của sự sống để có thái độ sống tích cực trong cuộc đời.

Phần II: LÀM VĂN (7,0 điểm) 

*Yêu cầu chung: HS hiểu vấn đề, có ý thức bám sát nội dung của một bài văn nghị luận văn học. 

*Yêu cầu cụ thể: 

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn thuyết minh sáng tạo (0,5 điểm): Bài làm rõ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài; trong đó, phần thân bài phải có sự tách ý, chuyển ý rõ ràng, hợp lí, kể chuyện hợp logic. 

b. Xác định đúng vấn đề cần thuyết minh (0,5 điểm): cảm nhận về cảm hứng nhân đạo trong tác phẩm Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du. 

c. Chia vấn đề cần thuyết minh thành các luận điểm phù hợp (5,0 điểm): HS có thể cảm nhận cảm hứng nhân đạo của bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí theo nhiều cách khác nhau, nhưng đáp ứng được những nội dung như sau: 

+ Triết lí về số phận con người trong xã hội phong kiến: Tài hoa bạc mệnh, tài mệnh tương đố, hồng nhan đa truân... → Sự xót xa cho những người vì sắc vì tài mà bị hủy hoại. 

+ Đau đớn, phẫn uất trước một thực tế vô lí: Người có sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài thường cô độc. Vì có "nết phong nhã" mà mắc “oan khiên” thì thật là điều nghịch lí, trái ngang của cuộc đời → Sự đồng cảm sâu sắc của Nguyễn Du với nàng Tiểu Thanh và những người nghệ sĩ, thi sĩ. 

+ Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và khóc cho chính mình: Tình cảm, cảm xúc thương thương mình, thương người trào lên mãnh liệt không kìm nén được → Nỗi cô đơn của nghệ sĩ lớn "Tiếng chim cô lẻ giữa trời thu khuya" (Xuân Diệu). 

d. Sáng tạo (1,0 điểm): Diễn đạt chuẩn, độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,…).
 

[Năm 2023] Đề thi Học kì 1 Ngữ Văn lớp 10 Hà Nội có đáp án (10 đề) 

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi.

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.


Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người - đâu phải nhân gian

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!”....

(Trích Tiếng ru, Tố Hữu)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn văn bản trên?

Câu 2: Cho biết ý nghĩa của hai câu thơ sau:

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Câu 3: Chỉ ra và nêu ý nghĩa của biện pháp tu từ ẩn dụ trong khổ thơ thứ hai ?

Câu 4: Viết đoạn văn khoảng (5 – 7 câu) trình bày cách hiểu của anh (chị) về quan niệm sống được nêu ra trong đoạn thơ?

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp bài thơ Tỏ lòng, Phạm Ngũ Lão.

Phiên âm

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch thơ

Múa giáo non sông trải mấy thu,

Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt: biểu cảm, tự sự.

Câu 2: Ý nghĩa: Lời khuyên cho mỗi chúng ta về quan niệm sống hòa nhập, chan hòa, yêu thương, đoàn kết, chia sẻ…

Câu 3: 

- Ẩn dụ “Một ngôi sao”Một thân lúa”Một người”: Chỉ sự nhỏ bé, cô đơn, riêng lẻ.

- Ý nghĩa: Khẳng định con người không thể tồn tại nếu sống tách biệt, riêng lẻ, không có tình yêu thương...

Câu 4:

- Kỹ năng:

+ Viết đủ dung lượng câu (có thể thiếu hoặc thừa không quá một câu).

+ Trình bày mạch lạc, lưu loát, không mắc lỗi chính tả.

- Kiến thức:

+ Sống phải có tình yêu thương, gắn bó, đoàn kết.

+ Phê phán những người có lối sống ích kỉ, nhỏ nhoi.

+ Bài học nhận thức của bản thân.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các yêu cầu sau: Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.

* Xác định được vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp hình tượng con người, quân đội nhà Trần và vẻ đẹp nhân cách nhà thơ.

*

1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.

- Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp hình tượng con người, quân đội nhà Trần và vẻ đẹp nhân cách nhà thơ.

2. Thân bài:

a.Vẻ đẹp hình tượng người lính và quân đội nhà Trần:

- Vẻ đẹp hình tượng người lính: thể hiện qua tư thế “ hoành sóc”, không gian và thời gian người tráng sĩ xuất hiện mang tầm vóc kì vĩ, lớn lao.

- Vẻ đẹp quân đội: Phân tích hình ảnh so sánh “ ba quân như hổ báo” và phóng đại“ nuốt trôi trâu”. Sức mạnh như vũ bão của quân đội nhà Trần.

b. Vẻ đẹp lí tưởng, nhân cách nhà thơ:

- Phân tích quan niệm về: “chí nam nhi’– chí nam nhi mang ý nghĩa tích cực gắn trách nhiệm con người với vận mệnh tổ quốc.

- Phân tích điển tích Vũ Hầu, chỉ ra ý nghĩa cái “thẹn” trong nhân cách nhà thơ: Khát khao lập nên công danh sự nghiệp lớn lao và một tấm lòng tận trung báo quốc trọn đời của nhà thơ…

c. Đánh giá:

+ Nghệ thuật: bài thơ Đường luật ngắn gọn, súc tích, thiên về gợi chứ không tả; sử dụng hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, tầm vóc vũ trụ….

+ Nội dung: Vẻ đẹp nhân cách nhà thơ với tư tưởng “ trung quân ái quốc” . Qua đó thấy được vẻ đẹp con người và sức mạnh thời đại của một trang lịch sử của dân tộc.

3. Kết bài

- Khẳng định tấm lòng, tài năng nhà thơ Phạm Ngũ Lão.

- Khẳng định ý nghĩa, sức sống bài thơ.

- Bài học rút ra cho thế hệ trẻ ngày nay.

* Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu trong tiếng Việt.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) 

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi cho bên dưới: 

“...Người ta cứ nghĩ mùa thu là mùa của tàn phai. Mùa của nỗi buồn vụ vỡ như từng hạt mưa rơi chậm trên mái nhà. Mùa thu không buồn đến thế. Mình nghĩ mùa thu là mùa xuân thứ hai của đời người, bởi vì đất trời nở hoa bằng những chiếc lá vàng bay. Mùa thu, là mùa xuân thứ hai của cuộc đời, có nghĩa là chúng ta đã đi qua thời thanh xuân bỏng cháy, mùa hạ nồng nàn để đến đây! Mùa thu làm chúng ta trở nên đằm thắm hơn…”

(Trích Thương của Nguyễn Bảo Trung – trang 74, NXB Hội Nhà Văn, 20/8/2019) 

Câu 1: Tìm những cụm từ miêu tả về mùa thu. (1 điểm) 

Câu 2: Tác dụng của phép điệp  trong đoạn trích? (1 điểm) 

Câu 3: Thông điệp mà tác giả gởi gắm trong đoạn trích? (1 điểm) 

Phần II. LÀM VĂN (7,0 đim) Cảm nhận vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên ngày hè trong Cảnh ngày hè, Nguyễn Trãi.

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN 

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm) 

Câu 1: Những cụm từ miêu tả về mùa thu: “là mùa của tàn phai”; “đất trời nở hoa”; “chiếc lá vàng bay”…  

Câu 2: Tác dụng của phép điệp trong đoạn trích: Nhấn mạnh vẻ đẹp về mùa thu và những đặc sắc của mùa thu mà không mùa nào có được.    

Câu 3: Thông điệp mà tác giả gởi gắm trong đoạn trích: Hãy có cái nhìn, có cách cảm nhận sâu sắc về mùa thu, để đến được mùa thu chúng ta phải đi qua mùa xuân và mùa hạ, và con người cũng thế, trải qua năm tháng và những thăng trầm thì trở nên đẹp một cách đằm thắm hơn.  

Phần II. LÀM VĂN (7,0 đim) 

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên ngày hè trong Cảnh ngày hè, Nguyễn Trãi.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

c.1/ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm; nêu vấn đề cần nghị luận.

c.2/ Cảm nhận nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ: 

*Bức tranh thiên nhiên:

- Cảnh ngày hè:

+ Màu sắc: xanh, đỏ, hồng.

+ Hương thơm của hoa sen.

+ Động từ mạnh: "đùn đùn", "giương", "phun", "tiễn" góp phần thể hiện trạng thái cảnh vật.

+ Âm thanh: cuộc sống, con người, tiếng ve.

+ Đảo ngữ.

→ Bức tranh thiên nhiên sống động, có sự hài hòa về màu sắc, đường nét, âm thanh, con người và cảnh vật.

*Vẻ đẹp tâm hồn:

- Tâm trạng thư thái, thanh thản trước thiên nhiên ngày hè tươi đẹp.

- Tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống.

- Tấm lòng ưu ái với dân với nước:

+ Điển tích " Ngu cầm".

+ "Dẽ có": Ước mong, khát vọng cao đẹp về một cuộc sống thái bình, cơm no áo ấm cho muôn dân.

→ Vẻ đẹp tâm hồn: Yêu nước thương dân.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 1 Hà Nội

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu ở dưới:

19.5.70

Được thư Mẹ... Mẹ của con ơi, mỗi dòng chữ, mỗi lời nói của mẹ thấm nặng yêu thương, như những dòng máu chảy về trái tim khao khát nhớ thương của con. Ôi! Có ai hiểu lòng con ao ước được về sống giữa gia đình, dù chỉ là giây lát đến mức nào không? Con vẫn hiểu điều đó từ lúc bước chân lên chiếc ô tô đưa con vào con đường bom đạn. Nhưng con vẫn ra đi vì lí tưởng. Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc bên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vỗ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống Thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả.”

(Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà Văn, 2005)

Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng những phương thức biểu đạt nào? (0,5)

Câu 2: Phân tích đặc trưng của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt trong đoạn trích? (1,25)

Câu 3: Anh (chị) hãy viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ của bản thân về trách nhiệm của tuổi trẻ hiện nay đối với tổ quốc. (1,25)

II. Làm văn (7 điểm)

Cảm nhận bài thơ “Nhàn” của nhà thơ Nguyễn Bỉnh Kiêm.

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, 

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(SGK Ngữ văn 10, NXB Giáo dục 2006)

--------------HẾT-------------

GỢI Ý ĐÁP ÁN

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Câu 1: Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm.

Câu 2: Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt với ba đặc trưng cơ bản sau:

- Tính cụ thể: 

+ Thời gian 19.5.70. 

+ Nhân vật cụ thể: “ con” - Đặng Thùy Trâm, nhân vật “ con” đối thoại nội tâm với “ mẹ”

+  Nội dung: Nỗi nhớ mẹ, nhớ gia đình, nhớ quê hương.

- Tính cảm xúc: Giọng điệu thân mật, tha thiết, những câu cảm thán, câu nghi vấn thể hiện nỗi niềm nhớ nhung tha thiết với người thân, quê hương.

( có dẫn chứng cụ thể trong văn bản)

- Tính cá thể: Ngôn ngữ nhật kí của một bác sĩ trẻ giàu cảm xúc, có đời sống nội tâm phong phú, sống có trách nhiệm, có lí tưởng.

Câu 3: HS tự triển khai theo suy nghĩ cá nhân tuy nhiên cần phải đảm bảo được một số kiến thức sau:

Tổ quốc hay quê hương, đất nước là nơi gắn bó máu thịt với mỗi con người từ khi sinh ra.

Suốt bốn nghìn năm dựng nước và giữa nước, Việt Nam đã có bao tấm gương chiến đấu hi sinh làm nên đất nước giàu mạnh, phát triển như ngày hôm nay.

- Là thanh niên, học sinh cần có ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, có tình yêu quê hương đất nước, có trách nhiệm học tập tiếp thu tri thức, rèn luyện thể chất…để xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

(Lưu ý: Với câu 1, câu 2  thí sinh có thể viết theo cách gạch đầu dòng. Với câu 4, thí sinh phải viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh mới đạt điểm tối đa.)

II. Làm văn (7 điểm)

1. Yêu cầu về kĩ năng:

- Biết cách làm văn Nghị luận về một bài thơ, đặc biệt sử dụng kết hợp các thao tác lập luận phân tích, so sánh, chứng minh.

- Bố cục chặt chẽ, hợp lí, trình bày rõ ràng.

- Hành văn trôi chảy, giàu cảm xúc

2. Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm và bài thơ Nhàn, thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, song cần nêu được các ý chính sau:

2.1. Mở bài:   Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm

2.2. Thân bài:   Cảm nhận:

Về nội dung: Bước đầu hiểu được quan niệm Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

- Câu 1, 2: 

+ Hình ảnh: mai, cuốc, cần câu

+ Điệp từ - số từ: một

→ Cuộc sống lao động như một lão nông tất cả đã sẵn sàng, chu đáo;phong thái ung dung và bình thản

Nhàn thể hiện ở sự ung dung, phong thái, thảnh thơi, vô sự trong lòng vui thú với điền viên.

- Câu 3, 4: 

+ Đối, cách nói ngược nghĩa: dại ><  khôn, vắng vẻ >< lao xao.

+ Tìm về nơi vắng vẻ, tĩnh lặng của của thiên nhiên trong lành, lánh xa chốn lao xao, ồn ào, đầy bon chen danh lợi.

Nhàn là nhận dại về mình, nhường khôn cho người, xa lánh chốn danh lợi bon chen, tìm về nơi vắng vẻ, sống hòa nhập với thiên nhiên để “di dưỡng tinh thần”.

- Câu 5, 6: Bức tranh bốn mùa xuân, hạ, thu, đông với cuộc sống đạm bạc, với cảnh sinh hoạt đời thường, mùa nào thức ấy, có mùi vị, hương sắc trong sáng, thanh khiết.

Nhàn là sống thuận theo tự nhiên, thưởng thức những thức có sẵn theo mùa ở nơi thôn dã mà không phải mưu cầu, tranh đoạt.

- Câu 7, 8: Tìm đến rượu để say nhưng là tỉnh , tỉnh để nhận ra cuộc đời “ phú quý tựa chiêm  bao”.

 Nhàn có cơ sở từ quan niệm nhìn cuộc đời là giấc mộng, phú quý tựa chiêm bao.

 Qua lối sống đạm bạc, nhàn tản, vui với thú điền viên, thôn dã, quan niệm sống nhàn ta cảm nhận được trí tuệ uyên thâm, tâm hồn thanh cao, sâu sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Về nghệ thuật:

- Ngắt nhịp độc đáo, linh hoạt: 2/2/3; 2/5; 1/3/3; 4/3…

- Biện pháp tu từ đăc sắc: Ẩn dụ, liệt kê, số từ…

- Sử dụng điển cố.

- Ngôn từ mộc mạc, tự nhiên mà ý vị, giàu tính triết lí.

2.3. Kết bài:  Khái quát, nêu cảm nhận riêng của học sinh.

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Bộ đề thi năm học 2023-2024 các lớp các môn học được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm tổng hợp và biên soạn theo Thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được chọn lọc từ đề thi của các trường trên cả nước.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Các loạt bài lớp 9 khác
Tài liệu giáo viên