Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2024 có ma trận (20 đề)

Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2024 có ma trận (20 đề)

Với Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2024 có ma trận (20 đề), chọn lọc giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong bài thi Học kì 2 Ngữ văn 10.

Ma trận đề thi cuối học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

Mức độ

Chủ đề

Nhận biết

Thông hiểu


Vận dụng thấp


Vận dụng cao

Cộng

1. Đọc hiểu: Văn bản thơ

Tìm được phép điệp và phép đối; nhận ra nghĩa tả thực và nghĩa biểu tượng.

Chủ đề của văn bản; nghĩa hàm ẩn của từ.

Viết đoạn văn nghị luận về tư tưởng đạo lí.



Số câu: 5

Tỉ lệ: 50%

15% x 10 điểm = 1.5 điểm

15% x 10 điểm = 1.5 điểm

20% x 10 điểm = 2.0 điểm


5.0 điểm

2. Làm Văn:

Văn nghị luận

Nhận biết được vấn đề nghị luận.

Hiểu được vấn đề nghị luận.

-Vận dụng thao tác nghị luận phân tích.

-Tích hợp các kiến thức, kĩ năng đã học để làm bài văn nghị luận.


Số câu: 1

Tỉ lệ: 50%

10% x 10 điểm =1.0 điểm

10% x 10 điểm =1.0 điểm

(40% x 10 điểm = 3.0 điểm)

5.0 điểm

Tổng cộng

2.5 điểm

2.5 điểm

5.0 điểm

10 điểm

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 1)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau của Nguyễn Khoa Điềm và trả lời các câu hỏi :

MẸ VÀ QUẢ

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
 Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
 Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi
 Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.

(Thơ Việt Nam 1945 - 1985, NXB Văn học, Hà Nội, 1985)

Câu 1: Nêu chủ đề của bài thơ? (0.5 đ)

Câu 2: Tìm phép điệp trong khổ thơ đầu và phép đối trong khổ thơ thứ hai. (0.5 đ)

Câu 3: Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện nhiều lần. Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa tả thực? Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa biểu tượng? (1.0 đ)

Câu 4: Nghĩa của cụm từ in đậm trong hai dòng cuối của bài thơ “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi - Mình vẫn còn một thứ quả non xanh”. (1.0 đ)

Câu 5: Viết một đoạn văn (khoảng 15 đến 20 dòng), trình bày suy nghĩ của Anh/ chị về tình mẫu tử. (2.0 đ)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều khi trao duyên trong 12 câu thơ đầu đoạn trích “Trao duyên”:

“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây...”.

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

...............................Hết...................................

Đề thi Học kì 2 Ngữ văn lớp 10 năm 2024 có ma trận (20 đề)

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 2)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn  vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

(Trích Tràng giang – Huy Cận, Sách giáo khoa Ngữ văn 11, Tập 2, Trang 29)

Câu 1: Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2: Xác định các từ láy được dùng trong văn bản trên và hiệu quả sử dụng của chúng.

Câu 3: Chỉ ra sự sáng tạo của Huy Cận trong cách diễn đạt: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Câu 4: Viết một đoạn văn ngắn (7 – 10 dòng), nêu cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên được thể hiện trong văn bản.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Hãy phân tích phần một bài “Bình Ngô đại cáo” để thấy được tư tưởng nhân nghĩa, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. 

 “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân 

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo 

Như nước Đại Việt ta từ trước, 

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu. 

Núi sông bờ cõi đã chia, Phong tục Bắc Nam cũng khác. 

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập, 

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương. 

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, 

Song hào kiệt đời nào cũng có Vậy nên: 

Lưu Cung tham công nên thất bại Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô 

Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã 

Việc xưa xem xét 

Chứng cứ còn ghi”

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi – SGK Ngữ Văn tập 2)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 3)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý chuộng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng. Đã yêu mến cho khoa danh, lại đề cao bằng tước trật. Ban ân rất lớn mà vẫn cho là chưa đủ. Lại nêu tên ở tháp Nhạn, ban cho danh hiệu Long hổ,bày tiệc Văn hỉ. Triều đình mừng được người tài, không có việc gì không làm đến mức cao nhất.

(Trích Hiền tài là nguyên khí của quốc gia- Thân Nhân Trung, 

Ngữ văn 10, tập 2, tr.31)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.

Câu 2. Nêu những việc làm của các đấng thánh đế minh vương thể hiện sự trọng đãi hiền tài trong đoạn trích.

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu Hiền tài là nguyên khí của quốc gia?

Câu 4. Nhận xét về thái độ của tác giả đối với người hiền tài được thể hiện trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vai trò của hiền tài được gợi ra từ đoạn trích ở phần Đọc– hiểu.

Câu 2 (5.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng người chinh phụ trong đoạn thơ sau:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,

Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.

Ngoài rèm thước chẳng mách tin,

Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?

Đèn có biết dường bằng chẳng biết,

Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.

Buồn rầu nói chẳng nên lời,

Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

(Trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Ngữ văn 10, tập 2, tr 87)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 4)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích: 

“ Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ…Mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm

Lòng ta- chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương…

( Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa- Nguyễn Duy)

Thực hiện các yêu cầu :

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được dùng trong đoạn thơ ?

Câu 3: Theo anh/ chị điều mà nhân vật trữ tình gửi gắm trong câu thơ :

 “Liệu mai sau các con còn nhớ chăng là gì ?

Câu 4: Hãy rút ra thông điệp có ý nghĩa từ nội dung đoạn thơ ? ( Trình bày khoảng 4-6 dòng)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Nhận xét về giá trị của đoạn thơ Trao duyên ( Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du) có ý kiến cho rằng: Trao duyên” là tiếng nói cảm thông sâu sắc của tác giả với nỗi đau khổ của Thúy Kiều” . Qua việc cảm nhận đoạn thơ sau, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên :

Cậy em, em có chịu lời,

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.

Giữa đường đứt gánh tương tư,

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.

Sự đâu sóng gió bất kì,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.

Ngày xuân em hãy còn dài,

Xót tình máu mủ thay lời nước non.

Chị dù thịt nát xương mòn,

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Theo SGK Ngữ văn 10- tập 2- NXB Giáo dục 2006- Trang 104)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 5)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

(Trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, tr 87, Ngữ Văn 10,Tập II, NXBGD năm 2006)

Câu 1( 1,0 điểm) Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?

Câu 2( 1,0 điểm). Nêu nội dung chính của văn bản?

Câu 3( 1,0 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ trong 2 câu “Ngoài rèm thước chẳng mách tin/Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?”

Câu 4( 1,0 điểm). Viết một đoạn văn (từ 5 đến 7 dòng) với câu chủ đề: Niềm hi vọng trong cuộc sống của mỗi người.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Trích Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ).

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 6)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

"Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi. Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:

- Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:

- Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông." 

                                                                                (Theo Tuốc – ghê – nhép)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0.5 điểm)

Câu 2: Hành động và lời nói của nhân vật “Tôi” trong câu chuyện thể hiện tình cảm gì của nhân vật đối với ông lão ăn xin? (0.5 điểm)

Câu 3: Theo em, nhân vật “Tôi” trong câu chuyện  đã nhận được gì ở ông lão ăn xin?(0,5 điểm)

Câu 4:  Em rút ra bài học gì qua câu chuyện trên? ( 1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Em hãy phân tích nhân vật Ngô Tử Văn để thấy được tinh thần khẳng khái, cương trực, dũng cảm của người trí thức nước việt trong trác phẩm Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên. (Ngữ Văn 10,Tập II, NXBGD năm 2006)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 7)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

Con sẽ không đợi một ngày kia
khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt
Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ
ai níu nổi thời gian?
ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên
 Mẹ mỗi ngày thêm cằn cỗi

Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn. 

…ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?

(Mẹ – Đỗ Trung Quân)

Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong câu Con hốt hoảng trước thời gian khắc nghiệt/Chạy điên cuồng qua tuổi mẹ già nua
Câu 3: Nhà thơ đã nhận ra được điều gì trong những câu thơ sau:

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

Câu 4: Tình cảm, suy tư nào của nhà thơ được bộc lộ trong đoạn thơ trên khiến anh, chị đồng cảm sâu sắc nhất?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: Nghị luận xã hội (2.0 điểm)

Từ câu chuyện trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về tình yêu thương của giới trẻ hiện nay.

Câu 2: Nghị luận văn học  (5.0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp của người anh hùng Từ Hải trong qua đoạn trích sau

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

 (Trích "Chí khí anh hùng” - Truyện Kiều - Nguyễn Du,

Ngữ văn 10, tập hai, NXB Giáo dục, 2012)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 8)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4

Cuộc đời của tôi là một chuỗi nếu như. Từ nhỏ, tôi chỉ muốn làm một ông chủ trại như bố tôi, và không chịu học nếu như mẹ tôi không bắt tôi sống ở Luân Đôn. Tôi sẽ trượt trong kì thi đại học y, nếu như tôi không phải là một thanh niên giỏi bơi lội, có thể đại diện cho nhà trường trong những kỳ thi Olympic thể thao của sinh viên. Tôi sẽ suốt đời làm một thầy thuốc nông thôn, nếu như giáo sư Wright không chọn tôi làm phụ tá cho ông tại phòng thí nghiệm riêng, nơi tôi tìm ra Pênêxilin. Phát minh này tôi dự tính phải 15 – 20 năm mới triển khai được trong thực tế, nếu như chiến tranh thế giới không xảy ra, thương vong nhiều đến mức các loại thuốc chưa kiểm tra cũng được phép sử dụng, thì Pênêxilin chưa chứng minh được công hiệu của mình và bản thân tôi chưa được giải Nôben.

(Hóa học ngày nay – 3/1993)

Câu 1: Xác định cách thức diễn đạt ( lối diễn đạt) của văn bản? ( 0.5 điểm)

Câu 2: Chỉ ra thao tác lập luận chính trong văn bản? (0.5 điểm)

Câu 3: Tại sao tác giả lại khẳng định cuộc đời của tác giả là một chuỗi nếu như? (1.0 điểm)

Câu 4: Anh/ chị rút ra thông điệp gì từ văn bản? ( 1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ lối sống vô tình, thản nhiên của người con với mẹ trong văn bản trên, anh, chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ mình về lối sống thờ ơ vô cảm với những người thân xung quanh mình của giới trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Câu 2 (5 điểm): 

Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện Chức phán sự đền Tản Viên của Nguyễn Dữ.

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 9)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi :

[…]

Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao

Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng

Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận

Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

[…]

Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

[…]

Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa

“Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”

Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi

Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.

[…]

Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm

Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả

Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa

Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

(Trích “ Đất nước ở trong tim” của cô Chu Ngọc Thanh; https://thanhnien.vn)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ gì? Bài thơ trên có nhắc về “dịch bệnh hiểm nguy”.Theo anh/chị “dịch bệnh hiểm nguy”ở đây nói về bệnh dịch gì? (0,75 điểm)

Câu 2: Từ “họ” ý nói về ai? Anh/chị có suy nghĩ gì về việc làm của bộ đội? (1,00 điểm)   

Câu 3: Anh/chị nhận ra điều gì ở 4 câu thơ sau:   (1,25 điểm)                                                  

“Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa

“Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại””

“Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa

Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!”

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Anh/chị hãy phân tích những câu thơ sau trong đoạn trích  sau .Từ việc phân tích đoạn thơ anh/chị hãy liên hệ với chữ “hiếu” thời hiện đại.

“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.

Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung”

(Trích “Trao duyên”, theo Sách Ngữ văn 10, tập hai, trang 104 - NXB Giáo dục)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 10)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu

"Sách đưa đến cho người đọc những hiểu biết mới mẻ về thế giới xung quanh, về vũ trụ bao la, về những đất nước và những dân tộc xa xôi. Những quyển sách khoa học có thể giúp người đọc khám phá ra vũ trụ vô tận với những qui luật của nó, hiểu được trái đất tròn trên mình nó có bao nhiêu đất nước  khác nhau với những thiên nhiên khác nhau. Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hóa, những truyền thống, những khát vọng.

(...) Sách còn giúp người đọc phát hiện ra chính mình, hiểu rõ mình là ai giữa vũ trụ bao la này, hiểu mỗi người có mối quan hệ như thế nào với người khác, với tất cả mọi người trong cộng đồng dân tộc và cộng đồng nhân loại này. Sách giúp cho người đọc hiểu được đâu là hạnh phúc, đâu là nỗi khổ của con người và phải làm gì để sống cho đúng và đi tới một cuộc đời thật sự. Sách mở rộng những chân trời ước mơ và khát vọng".

(Trích bài viết của Trần Thanh Đạm. Sách giáo viên Ngữ văn 10 tập 2, trag 134)

Câu 1. Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu ít nhất hai ví dụ cụ thể để làm rõ ý trong câu văn "Những quyển sách xã hội lại giúp ta hiểu biết về đời sống con người trên các phần đất khác nhau đó với những đặc điểm về kinh tế, lịch sử, văn hóa, những truyền thống, những khát vọng".

Câu 4. Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 100 chữ ) trình bày suy nghĩ của mình về việc đọc sách của các bạn trẻ ở nước ta hiện nay.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Bi kịch của người phụ nữ dưới thời phong kiến qua "Độc tiểu thanh kí", "Chinh phụ ngâm" và "Cung oán ngâm".

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 11)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn sau: 

Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phu huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng,…của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy cuộc thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lùi về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích “Thư gửi con mùa thi đại học”, trên netchunetnguoi.com)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Xác định phương thức biểu đạt chinh được sử dụng trong văn bản? (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, vì sao những vị phụ huynh đang ngồi chờ con trước cổng trường thi lại có những tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng? (0,5 điểm)

Câu 3. Khái quát nội dung của đoạn trích trên? (1,0 điểm)

Câu 4. Em hiểu thế nào về câu nói: “Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người.”

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) 

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghi của em về câu nói: của người cha:“Cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó”.

Câu 2. (5,0 điểm)

Em hãy cảm nhận đoạn thơ sau:

“Gà eo óc gáy sương năm trống,

Hòe phất phơ rủ bóng bốn bên.

Khắc giờ đằng đẵng như niên,

Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.

Hương gượng đốt hồn đà mê mải.

Gương gượng soi lệ lại châu chan.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.”

(Trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, Ngữ văn 10, Tập hai, 

Trang 87, NXB Giáo dục, 2006)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 12)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới:

Mẹ và Hamer đi chợ, họ muốn mua một ít rau về ăn. Trên đường đi, hai mẹ con nhìn thấy một người rất xấu xí, đang rao bán đồ gốm ở lề đường. Hamer nói với mẹ bằng giọng miệt thị: “Mẹ ơi, người kia thật xấu xí”. Mẹ nghe xong không nói gì.

Sau đó, họ đến chỗ bán rượu nhìn thấy những chum rượu được xếp ngay ngắn, thẳng hàng, mẹ chỉ vào và hỏi: “Con trai, con thấy những vò rượu ấy có xấu không?”.

Hamer đáp: “Xấu ạ, cũng xấu như người mẹ con mình vừa gặp trên đường ấy”. Họ lại đến chỗ bán đồ bằng bạc. Tất cả những đồ đựng bằng bạc đó sáng lấp lánh khiến mọi người hoa mắt. Mẹ lại chỉ về phía đồ bạc ấy và hỏi: “Những đồ bằng bạc ấy có đẹp không?”.

Hamer kích động nói: “Đương nhiên là đẹp ạ, đẹp hơn gấp mấy nghìn lần so với những đồ gốm xấu xí kia”.

Mẹ nói: “Đồ đạc tuy rất đẹp, nhưng lại không thể đựng được rượu ngon. Đồ gốm mặc dù xấu xí nhưng lại đựng được những loại rượu thơm ngon cho chúng ta uống. Giống như dung mạo con người cũng vậy, vẻ bề ngoài xấu xí  nhưng có thể chứa đựng một trí tuệ siêu việt”

Hamer nhớ lời mẹ dặn, từ đó về sau cậu không cười nhạo người khác nữa

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy trẻ không được coi thường, miệt thị người khác. Người Do Thái cho rằng, Thượng Đế tạo ra con người rất công bằng, mỗi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì thế không được khinh miệt người khác, vì bản thân họ cũng có những điều tốt đẹp. Dân tộc Do Thái coi việc giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều giúp đỡ người nghèo. Làm như vậy, họ đã giúp cho cả dân tộc Do Thái trở nên giàu có và hùng mạnh.

Người Do Thái ở bất cứ thời đại nào cũng thực hiện theo nguyên tắc: Không kỳ thị bất cứ ai. Cha mẹ luôn dạy con biết tìm ra những ưu điểm của người khác , để bản thân học tập, noi theo. Trong dân tộc Do Thái, người giàu có thể làm bạn với người nghèo, học giả có thể làm bạn với kẻ ăn mày. Họ không phân biệt cao thấp giàu nghèo, con người luôn học tập, đối xử bình đẳng với nhau. Vì thế, mọi người luôn tôn trọng và cùng nhau tiến bộ. Khi tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng

(Theo Phương pháp giáo dục con của người Do Thái, NXB Văn hóa thông tin, 2014)

Câu 1: Nhận xét ban đầu của Hamer về một người xấu xí đi đường thể hiện thái độ như thế nào?

Câu 2: Vì sao sau lời mẹ dặn, Hamer không cười nhạo người khác nữa?

Câu 3: Theo anh/chị khi tôn trọng người khác đem lại những lợi ích gì đối với mỗi cá nhân và dân tộc?

Câu 4: Từ nguyên tắc Không kỳ thị bất cứ ai được nhắc đến trong văn bản, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về điều đó? (Trình bày bằng một đoạn văn từ 7 - 10 dòng)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

"Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương".

(Trích Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ - Chinh phụ ngâm, nguyên văn chữ Hán, Đặng Trần Côn, Bản diễn Nôm Đoàn Thị Điểm (?),

SGK Ngữ văn 10, tập 2, NXB Giáo dục)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 13)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Mẹ!

Có nghĩa là duy nhất

Một bầu trời

Một mặt đất

Một vầng trăng

Mẹ không sống đủ trăm năm

Nhưng đã cho con dư dả nụ cười tiếng hát […]

Mẹ!

Có nghĩa là ánh sáng

Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim

Mẹ!

Có nghĩa là mãi mãi

Là cho - đi - không - đòi lại - bao giờ…

(Trích “Ngày xưa có mẹ” - Thanh Nguyên)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ chủ yếu của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2: Nêu tên và tác dụng của 02 biện pháp tu từ trong văn bản. (1,0 điểm)

Câu 3: Anh / chị hiểu như thế nào về những câu thơ: “Mẹ! Có nghĩa là duy nhất. / Một bầu trời, một mặt đất, một vầng trăng.” (0,5 điểm)

Câu 4: Từ dòng cuối của đoạn thơ “Mẹ! Có nghĩa là mãi mãi / Là cho – đi – không – đòi lại – bao giờ”, anh / chị hãy viết đoạn văn ngắn từ 5 – 10 câu trình bày suy nghĩ của mình về tình mẹ. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của bản thân về những câu thơ:

“Lòng này gửi gió đông có tiện?

Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.

Non Yên dù chẳng tới miền,

Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.

Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,

Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.

Cảnh buồn người thiết tha lòng,

Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.”

(Trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”, Ngữ văn 10, tập hai, NXB GD, Năm 2012, Tr.88)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 14)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?

Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào…

Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.

Và cái miệng líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.

Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.

Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia? 

Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.

Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.

Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.

Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách. 

(Nơi dựa - Nguyễn Đình Thi, Ngữ Văn 10, tập hai, NXB Giáo Dục, 2006, Tr. 121-122)

Câu 1. Đoạn văn trên được viết theo phong cách nào? (0,5 điểm)

Câu 2. Nêu hai biện pháp tu từ được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích? ( 0,5 điểm)

Câu 3. Có ý kiến cho rằng nơi dựa có cùng ý nghĩa với sống dựa, đúng hay sai? Vì sao? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thể hiện qua đoạn trích sau:

Từng nghe:
 
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.

( Trích Bình Ngô đại cáo- Nguyễn Trãi)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 15)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3:

“…Thật vậy, Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc từng viết: “Sách vở đầy bốn vách/ Có mấy cũng không vừa”. Đáng tiếc, cuộc sống hiện nay dường như “cái đạo” đọc sách cũng dần phôi pha. Sách in nhiều nơi không bán được, nhiều nhà xuất bản đóng cửa vì thua lỗ, đặc biệt sách bị cạnh tranh khốc liệt bởi những phương tiện nghe nhìn như ti vi, Ipad, điện thoại Smart, và hệ thống sách báo điện tử trên Internet. Nhiều gia đình giàu có thay tủ sách bằng tủ rượu các loại. Các thư viện lớn của các thành phố hay của tỉnh cũng chỉ hoạt động cầm chừng, cố duy trì sự tồn tại.

…Bỗng chợt nhớ khi xưa còn bé, với những quyển sách giấu trong áo, tôi có thể đọc sách khi chờ mẹ về, lúc nấu nồi cơm, lúc tha thẩn trong vườn, vắt vẻo trên cây, lúc chăn trâu, lúc chờ xe bus… Hay hình ảnh những công dân nước Nhật mỗi người một quyển sách trên tay lúc ngồi chờ tàu xe, xem hát, v.v… càng khiến chúng ta thêm yêu mến và khâm phục. Ngày nay, hình ảnh ấy đã bớt đi nhiều, thay vào đó là cái máy tính hay cái điện thoại di động. Song sách vẫn luôn cần thiết, không thể thiếu trong cuộc sống phẳng hiện nay…”

(Trích “Suy nghĩ về đọc sách” – Trần Hoàng Vy, 

Báo Giáo dục & Thời đại, Thứ hai ngày 13.4.2015)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ và phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn trên?

Câu 2. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản? Nêu nội dung chính của văn bản trên?

Câu 3. Viết đoạn văn ngắn (khoảng 10 dòng) nêu suy nghĩ của anh/chị về vai trò của sách trong đời sống của con người.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về nỗi cô đơn sầu muộn của người chinh phục trong đoạn trích “Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” (trích “Chinh phụ ngâm” – nguyên tác: Đặng Trần Côn, bản diễn Nôm: Đoàn Thị Điểm)


...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 16)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu từ câu 1đến câu 4:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

(Mùa xuân nho nhỏ– Thanh Hải)

Câu 1. Hãy chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định 2 biện pháp tu từ chính được tác giả sử dụng trong đoạn thơ và phân tích hiệu quả nghệ thuật của chúng? (1,0 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ? (0,5 điểm)

Câu 4. Đoạn thơ gợi cho anh (chị) những tình cảm gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người? (viết từ 4 đến 6 dòng) (1,0 điểm).

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Phân tích  nhân vật Từ Hải trong đoạn trích “Chí khí anh hùng” - Truyện Kiều

“Nừa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Nàng rằng: “phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

Từ rằng:Tâm phúc tương tri,

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?

Bao giờ mười vạn tinh binh,

Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.”

(Nguyễn Du)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 17)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khẳng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực. Trong làng trước có một ngôi đền linh ứng lắm. Cuối đời nhà Hồ, quân Ngô sang lấn cướp, vùng ấy thành một nơi chiến trường. Bộ tướng của Mộc Thạnh có viên Bách hộ họ Thôi, tử trận ở gần đền, từ đấy làm yêu làm quái trong dân gian. Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, họ sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vung tay không cần gì cả. 

(Trích Chuyện Chức Phán sự đền Tản Viên, 

SGK Ngữ văn 10, Trang 56, Tập II, NXBGD 2006)

Câu 1: Nêu nội dung chính của văn bản ?

Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản ?

Câu 3: Các từ ngữ tức giận, tắm gội sạch sẽ, khấn trời, châm lửa đốt đền đạt hiệu quả nghệ thuật như thế nào trong việc thể hiện tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn?

Câu 4: Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về đức tính cương trực trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: "Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim."

Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi và Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 18)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau đây và trả lời các câu hỏi:

Trong hoạt động nhân đạo và từ thiện, tiền chỉ là một trong các nguồn tài nguyên, thậm chí không phải là nguồn quan trọng nhất. Quan trọng hơn là kiến thức, tài năng, và sức ảnh hưởng của các cá nhân muốn giúp đỡ đồng bào của mình.

Báo chí, thay vì tập trung vào chuyện người nổi tiếng mặc gì khi phát quà, hãy để họ lên tiếng và lôi kéo sự chú ý của công chúng tới những vấn đề thuộc về phần gốc: Nông dân bị mất kế sinh nhai, công nhân ở những khu công nghiệp vật lộn với cuộc sống, môi trường bị huỷ hoại, phân hoá giàu nghèo, bạo lực trong gia đình.

Thay vì chỉ đóng tiền cứu trợ khi có bão lũ, hay nhân tiện mang quần áo cũ lên vùng cao nhân dịp đi chụp ảnh hoa ban, hãy tìm hiểu công việc của những tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ họ. Những tổ chức này đang bền bỉ hoạt động để bảo vệ quyền của trẻ em, để phụ nữ không bị buôn bán, người thiểu số giữ được văn hoá bản địa, người khuyết tật không bị kỳ thị, chính quyền địa phương trở nên minh bạch hơn, và người dân có tiếng nói hơn.

Làm việc với họ tuy không cho ra những bức ảnh bắt mắt như khi ta chụp với trẻ em miền núi, nhưng nó sẽ đi xa hơn rất nhiều những phản xạ rút ví vào những lúc chúng ta rủ lòng thương”.

Cuối cùng, chúng ta nên từ bỏ tâm thế của người ban phát. Từ thiện là một quá trình hai chiều, cho và nhận. Mỗi người, dù nghèo tới đâu, cũng có cái để cho người khác, và mỗi người, dù đầy đủ tới đâu, cũng cần mở rộng mình để nhận.

Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận. Lúc đó, từ thiện đánh mất chức năng là chất gắn kết của một cộng đồng. Ngược lại, nó chỉ củng cố các bất công trong xã hội.

(Theo Đặng Hoàng Giang, “Để từ thiện không chỉ... cầu Like”, trích “Bức xúc không làm ta vô can”, NXB Hội nhà văn, 2015)

Câu 1: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.

Câu 2: (0.5 điểm) Em hiểu như thế nào về hành động phản xạ rút ví vào những lúc chúng ta “rủ lòng thương”?

Câu 3: (1.0 điểm) Hãy nêu nội dung chính của văn bản.

Câu 4: (1.5 điểm) Em có đồng ý với quan điểm của tác giả rằng: “Chúng ta nên từ bỏ tâm thế của người ban phát”: Trong các hoạt động nhân đạo và từ thiện không? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm) Viết đoạn văn ngắn (từ 15 đến 20 dòng) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề được nêu ra trong văn bản trên: Mỗi người, dù nghèo tới đâu, cũng có cái để cho người khác, và mỗi người, dù đầy đủ tới đâu, cũng cần mở rộng mình để nhận.

Câu 2: (5,0 điểm) Phân tích ý nghĩa của những chính sách khuyến khích, bồi dưỡng hiền tài qua đoạn trích “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”(Thân Nhân Trung). Ngôi trường THPT mà em đang học đã làm gì, và theo em, nên có thêm những biện pháp cụ thể nào nhằm phát hiện và bồi dưỡng hiền tài cho đất nước?

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 19)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi

... "Ước làm một hạt phù sa

Ước làm một tiếng chim ca xanh trời

Ước làm tia nắng vàng tươi,

Ước làm một hạt mưa rơi, đâm chồi".

(“Xin làm hạt phủ sa" - Lê Cảnh Nhạc)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ (0,5 điểm)

Câu 2: Tìm hai biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ và phân tích tác dụng của hai biện pháp tu từ đó (1,5 điểm).

Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn thơ (1 điểm).

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm): Viết một bài văn ngắn (khoảng 20 dòng) nói về ước mơ của em.

Câu 2: (5,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:

“Chiếc vành với bức tờ mây,

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dù em nên vợ nên chồng,

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên,

Mắt người còn chút của tin,

Phim đàn với mảnh hương nguyên ngày xưa

Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy so tơ phim này.

Trông ra ngọn cỏ lá cây,

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu, đền nghì trúc mai.

Dạ đài cách mặt khuất lời.

Rưới xin giọt nước cho người thác oan".

(Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du, Ngữ Văn 10, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam)

...............................Hết...................................

Sở Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi Học kì 2

Năm học 2023 - 2024

Bài thi môn: Ngữ Văn 10

Thời gian làm bài:120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề số 20)

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

"Tiếng nói là người bảo vệ qúi báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện dữ dìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người an nam nào vứt bõ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khướt từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi....Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình..."

(Trích "Tiếng mẹ đẻ - Nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức" - Nguyễn An Ninh)

Câu 1. Nêu nội dung của đoạn trích

Câu 2. Chỉ ra các lỗi sai về chính tả trong đoạn trích?

Câu 3. Viết đoạn văn ngắn (theo thao tác diễn dich hoặc qui nạp) bàn về vấn đề bảo vệ tiếng nói của dân tộc trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Phân tích lời nhờ cậy, thuyết phục của Thúy Kiều khi trao duyên trong 12 câu đầu trong đoạn trích "Trao duyên" (Trích "Truyện Kiều" của Nguyễn Du).

...............................Hết...................................

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Bộ đề thi năm học 2023-2024 các lớp các môn học được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm tổng hợp và biên soạn theo Thông tư mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được chọn lọc từ đề thi của các trường trên cả nước.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Các loạt bài lớp 9 khác
Tài liệu giáo viên