Các dạng đề bài Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

I. Kiến thức cơ bản

1. Tác giả

- Ga-bri-en- Gác-xi-a Mác- két là nhà văn Cô-lôm-bi-a, sinh năm 1928.

- Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo.

- “Trăm năm cô đơn “(1967) là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng từng được giải và giới phê bình văn học đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất thế giới trong những năm 60 của thế kỷ XX.

- Năm 1982, Mác-két được tặng giải thưởng Nô- ben về văn học.

2. Tác phẩm

a) Nội dung

- Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” trích từ bài tham luận nổi tiếng của G.Mác-két tại hội nghị của các nguyên thủ của sáu nước thuộc các châu lục Á, Âu, Phi, Mĩ- La tinh vào tháng 8 năm 1986, tại Mê-hi-cô.

- Văn bản chỉ rõ nguy cơ khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân và cuộc chạy đua vũ trang đang đe dọa toàn thể loài người cũng như mọi sự sống trên trái đất. Vì thế nhiệm vụ của tất cả mọi người là ngăn chặn nguy cơ đó, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

- Nội dung của văn bản được triển khai bằng một hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ :

   + Kho vũ khí hạt nhân đang được tàng trữ, có khả năng hủy diệt cả trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.

   + Cuộc chạy đua vũ trang làm mất đi khả năng cải thiện nhiều lĩnh vực: Xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục….với những chi phí khổng lồ cho chạy đua vũ trang đã cho thấy tính chất phi lý của việc đó .

   + Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lý trí của loài người mà còn ngược lại lý trí của tự nhiên, phản lại sự tiến hóa .

   + Vì vậy, tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

b) Nghệ thuật

* Nghệ thuật nghị luận của văn bản có nhiều điểm đặc sắc.

- Hệ thống luận điểm, luận cứ toàn diện, chặt chẽ.

- Chứng cứ phong phú, cụ thể từ nhiều lĩnh vực tri thức khoa học và thực tiễn.

- Sử dụng phép so sánh thích hợp, có hiệu quả.

- Kết hợp lý lẽ sắc bén với tri thức phong phú và đặc biệt là lòng nhiệt tình mạnh mẽ của tác giả.

c) Chủ đề

- Văn bản kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

II. Các dạng đề bài

2. Dạng đề 2 hoặc 3 điểm

Đề 1: Viết đoạn văn ngắn (khoảng từ 15 đến 20 dòng) đánh giá cách vào đề của nhà văn G. Mác- két qua đoạn đầu của văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”

Trả lời:

1- Mở đoạn:

- Giới thiệu khái quát về cách lập luận vào đề của nhà văn Mác-két trong đoạn đầu của văn bản.

2- Thân đoạn:

- Nêu thời gian địa điểm: Chúng ta đang ở đâu ? Hôm nay ngày 8/8/1986.

- Nêu thẳng nguy cơ chiến tranh hạt nhân như một sự thật hiển nhiên bằng những con số cụ thể về đầu đạn hạt nhân.

- Tác giả làm phép tính đơn giản nhưng thật rõ ràng để mọi người có thể hình dung được sức mạnh tàn phá khủng khiếp của lượng vũ khí hạt nhân

- Sử dụng điển tích trong thần thoại Hy Lạp so sánh sự lan truyền và chết người hàng loạt.

3- Kết đoạn :

- Cách vào đề trực tiếp, chứng cứ cụ thể rõ ràng, trí tưởng tượng khoa học mạnh mẽ thu hút người đọc, người nghe thấy rõ sự tàn phá khủng khiếp của kho vũ khí hạt nhân.

Đề 2: Hệ thống dẫn chứng mà tác giả dùng làm sáng tỏ luận cứ “Cuộc chạy đua vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh hạt nhân đã làm mất đi khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn”.

Trả lời:

- Tác giả đưa ra hàng loạt các dẫn chứng với những so sánh đầy thuyết phục trong các lĩnh vực: xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục…

- UNICEF cần 100 tỉ USD để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới gần bằng những chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược Mĩ và dưới 7000 tên lửa vượt đại châu.

- Kinh phí của chương trình phòng bệnh 14 năm bảo vệ hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét, cứu hơn 14 triệu trẻ em châu phi bằng giá 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân kiểu Ni-mít dự định đóng từ 1986- 2000.

- Số tiền cứu 575 triệu người thiếu dinh dưỡng không bằng 149 tên lửa MX.

- Tiền trả nông cụ cho các nước nghèo để họ có thực phẩm trong 4 năm bằng tiền sản xuất 27 tên lửa MX.

- Tiền đủ xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới bằng tiền đóng góp 2 tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân.

Đề 3: Vấn đề G.Mác -két đưa ra trong “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay.

Trả lời:

Học sinh viết thành bài văn hoàn chỉnh thể hiện vấn đề nêu trong bài viết có tính cấp thiết đối với đời sống xã hội và con người hiện nay nó cũng là vấn đề đã có ý nghĩa lâu dài chứ không phải chỉ là nhất thời, đó là nguy cơ chiến tranh hạt nhân vẫn hiện hữu và mọi người cần đấu tranh cho một thế giới hòa bình. Cụ thể đảm bảo một số ý chính sau :

- Trong những năm qua thế giới có những đáng kể để làm giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Chẳng hạn :

- Các hiệp ước cấm thử, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân đã được nhiều nước kí kết, hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa Mĩ và Liên Xô (nay là nước Nga). Nhưng hoàn toàn không có nghĩa là nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã không còn hoặc lùi xa.

- Kho vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại và ngày càng được cải tiến.

- Chiến tranh và xung đột vẫn liên tục nổ ra nhiều nơi trên thế giới .Vì vậy thông điệp của G.Mác -két vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục thức tỉnh và kêu gọi mọi người đấu tranh cho một thế giới hòa bình.

2. Dạng đề 5 hoặc 7 điểm

Đề 1 : Phát biểu cảm nghĩ của em về bài “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” của nhà văn G.Mác -két.

Trả lời:

1- Mở bài:

- Trong thời đại ngày nay, điều đáng lo ngại nhất của thế giới chính là cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa các cường quốc.

- G. Mác-két là nhà văn nổi tiếng của Cô-lôm-bi-a. Ông đã viết bài “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” để kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

2- Thân bài:

a) Cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân :

- Tác giả đưa ra một con số khủng khiếp để cụ thể hóa nguy cơ đó :

   + Tính đến ngày 8/8/1986, 50.000 đầu đạn hạt nhân được bố trí khắp hành tinh.

   + Bình quân, mỗi người đang ngồi trên 4 tấn thuốc nổ.

   + Nếu tất cả nổ tung thì sẽ tan biến mọi dấu vết của sự sống trên trái đất.

b) Sự chi phí đến mức vô nhân đạo của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân:

- Chứng minh bằng hệ thống dẫn chứng tiêu biểu và toàn diện, có tính chất tương phản rất rõ:

- Dự định của UNICEF về chương trình giải quyết các vấn đề cấp bách cho hơn 500 triệu trẻ em nghèo khổ trên khắp thế giới không thể thực hiện được vì không có đủ số tiền 100 tỉ đô la.

- Số tiền này chỉ gần bằng chi phí bỏ ra cho 500 máy bay ném bom chiến lược của Mĩ và 7000 tên lửa vượt đại châu.

- Giá 100 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện chương trình phòng bệnh trong 14 năm…

- Chỉ cần số tiền chế tạo 27 tên lửa MX là đủ cho các nước nghèo có thực phẩm dùng trong 4 năm …

- 2 chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân có giá trị tương đương với số tiền xóa nạn mù chữ cho toàn thế giới…

c) Lên án cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân là đi ngược lại lý trí của con người và quá trình tiến hóa của tự nhiên :

- Sự bức xúc cao độ của nhà văn thể hiện qua lập luận sắc bén, đầy sức thuyết phục.

- Từ lúc nhen nhóm sự sống trên trái đất cho đến nay, đã trải qua mấy trăm triệu năm.

- Chỉ cần nhấn một nút hạt nhân là cả quá trình tiến hóa vĩ đại ấy trở về điểm xuất phát đầu tiên, có nghĩa là sự sống hoàn toàn bị tiêu diệt.

d) Lời kêu gọi toàn nhân loại hãy đoàn kết chống chiến tranh hạt nhân :

- Mọi người hãy đoàn kết, đồng thanh phản đối chiến tranh hạt nhân, đòi hỏi một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.

3- Kết bài:

- Bài viết chứa đựng ý nghĩa thời sự và nhân đạo to lớn, sâu sắc.

- Mác -két xứng đáng là người chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình của nhân loại.

Đề 2. Nhận xét về nghệ thuật nghị luận của nhà văn G.Mác -két trong văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình”

Trả lời:

1- Mở bài

- Giới thiệu về nhà văn G.Mác -két và nghệ thuật nghị luận của văn bản.

- Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình” có hệ thống luận điểm, luận cứ chặt chẽ, toàn diện, chứng cứ phong phú, cụ thể, so sánh có hiệu quả cao. Kết hợp lí lẽ sắc bén với tri thức phong phú, lòng nhiệt tình mạnh mẽ tác giả kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, bảo vệ hòa bình và sự sống trên trái đất.

2- Thân bài

- Cách lập luận của nhà văn hợp lí : Tác giả nêu nguy cơ, sức hủy diệt của chiến tranh hạt nhân trên nhiều phương diện khác nhau (hủy diệt tính mạng con người, hủy diệt toàn bộ sự sống.

- Cuộc chạy đua vũ trang không những khiến loài người lâm vào tình trạng nghèo đói, khổ cực mà còn đi ngược lí trí con người, phản lại sự tiến hóa của tự nhiên.

- Hệ thống lý lẽ gắn liền với hệ thống dẫn chứng phong phú, chính xác cụ thể đảm bảo tính thuyết phục cao.

   + Dẫn chứng về thời gian, địa điểm, con số.

   + Dẫn chứng so sánh trên các lĩnh vực xã hội, y tế, giáo dục, tiếp tế thực phẩm

   + Dẫn chứng khoa học về nguồn gốc và sự tiến hóa của sự sống trên trái đất.

   + Lí lẽ sắc bén, tri thức phong phú, lòng nhiệt tình mạnh mẽ tác giả cảnh báo hiểm họa của chiến tranh hạt nhân.

- Văn bản kết hợp nghị luận, yếu tố biểu cảm → lời kêu gọi toàn nhân loại đoàn kết chống chiến tranh hạt nhân. Hội nghị quốc tế là nơi các đại biểu cất cao tiếng nói chống chiến tranh, đòi quyền được sống trong một thế giới hòa bình.

3- Kết bài

- Bài viết giàu sức thuyết phục bởi cách lập luận chặt chẽ khoa học, hệ thống dẫn chứng chính xác, chọn lọc.

- Nhiệt huyết và cảm xúc chân thành của tác giả đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm của người đọc khiến mọi người nhận ra hiểm họa chiến tranh hạt nhân là có thật, cần phải loại trừ nó ra khỏi đời sống của nhân loại.

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát kiến thức trọng tâm, hệ thống lại câu hỏi phần Tiếng Việt, các tác phẩm văn học, bài thơ có trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên