Ôn thi vào lớp 10 Lặng lẽ Sa Pa năm 2024

Ôn thi vào lớp 10 Lặng lẽ Sa Pa năm 2024

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa đầy đủ, chi tiết.

Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa 

I. Những nét chính về tác giả - tác phẩm

1. Tác giả

- Nguyễn Thành Long (1925 - 1991), quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

- Ông bắt đầu “cầm bút” từ kháng chiến chống Pháp và chọn truyện ngắn cùng bút kí làm sở trường của mình.

- Nguyễn Thành Long là một trong những cây bút có nhiều đóng góp cho nền văn xuôi cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

-Tác phẩm của ông tập trung vào hai đề tài lớn: cuộc đấu tranh chống Mĩ của nhân dân Liên khu Vcông cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

- Phong cách sảng tác: Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long nhẹ nhàng, tình cảm, thường pha chút chất kí; ngôn ngữ trong sáng, giàu chất thơ; và luôn xây dựng được những nhân vật mang tính hình tượng;...

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được sáng tác năm 1970. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi thâm nhập thực tế Lào Cai về đề tài cuộc sống, con người trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

- Tác phẩm được in trong tập “Giữa trong xanh” năm 1972.

b. Ý nghĩa nhan đề

- Nhan đề “Lặng lẽ Sa Pa” là một nhan đề giàu chất thơ, góp phần khắc họa chủ đề, tư tưởng của tác phẩm:

+ Lặng lẽ gợi đến một khung cảnh rất êm đềm, thanh tĩnh của Sa Pa.

+ Nhưng “Lặng lẽ” chỉ là cái không khí bên ngoài của cảnh vật. Đằng sau vẻ lặng lẽ ấy là sự miệt mài, nhiệt huyết, hăng say để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

    Dưới vẻ lặng lẽ của Sa Pa luôn có những con người âm thầm làm việc, cống hiến cho sự đổi thay của đất nước. Họ chính là những dòng sông cuộn chảy mang phù sa bồi đắp cho đất nước thêm đẹp giàu.

c. Tóm tắt

    “Lặng lẽ Sa Pa” kể về nhân vật anh thanh niên hai bảy tuổi, sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m quanh năm chỉ có mây mù bao phủ. Công việc chính của anh là công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu. Trước những trách nhiệm nặng nề của công việc, bốn năm anh chưa về nhà một lần. Anh luôn thèm cảm giác được gặp gỡ và trò chuyện với mọi người. Bởi vậy, anh đã dùng cây chắn ngang đường để mong được tiếp xúc, làm quen với mọi người.

    Trong một lần tình cờ, anh có cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với một ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ. Anh mời họ lên nhà chơi. Nơi anh ở ngăn nắp, gọn gàng đã tạo được ấn tượng tốt với ông họa sĩ. Anh thanh niên tâm sự, chia sẻ với họ về cuộc sống, niềm đam mê công việc và sở thích đọc sách, nuôi gà, trồng hoa của mình.

    Ông họa sĩ đã cảm nhận được vẻ đẹp phẩm chất của anh thanh niên và định vẽ một bức chân dung về anh. Nhưng anh đã từ chối và giới thiệu ông kĩ sư dưới vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu bản đồ đất sét, mà theo anh là đáng để vẽ hơn. Cô kĩ sư sau khi trò chuyện với anh đã nhận ra mối tình nhạt nhẽo của mình và yên tâm nhận công tác ở Lai Châu.

    Sau ba mươi phút trò chuyện, họ chia tay. Anh thanh niên tiếp tục với công việc của mình. Trước khi tạm biệt, anh không quên biếu hai người một làn trứng gà và tặng cô gái một bó hoa đẹp.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Tình huống truyện và hệ thống nhân vật

- Tình huống truyện khá đơn giản, đó chỉ là một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa một anh thanh niên làm công tác khi tượng trên đỉnh Yên Sơn với bác lái xe và hai hành khách.

- Tác dụng:

+ Để cho nhân vật chính là anh thanh niên xuất hiện một cách tự nhiên, khách quan, không đột ngột.

+ Được soi chiếu, đánh giá và cảm nhận một cách khách quan từ những nhân vật khác.

+ Các nhân vật trong truyện dần xuất hiện một cách tự nhiên, lặng lẽ đã góp phần làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

- Hệ thống nhân vật:

+ Nhân vật chính là anh thanh niên, hiện lên như một bức chân dung. Song chưa được xây dựng thành một tính cách hoàn chỉnhhầu như chưa có cá tính.

+ Các nhân vật trong truyện, từ nhân vật chính đến các nhân vật phụ đều không có tên riêng, chỉ được gọi tên qua đặc điểm giới tính, nghề nghiệp, tuổi tác (anh thanh niên, bác lái xe, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ, ông kĩ sư, anh cán bộ,...).

+ Các nhân vật phụ xuất hiện có vai trò làm nổi bật phẩm chất của nhân vật chính

    Hệ thống nhân vật được xây dựng theo dụng ý nghệ thuật của tác giả để thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Họ là những con người vô danh (không tên), ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, giới tính, ở nhiều nơi trên đất nước đang ngày đêm lặng lẽ, say mê trong công việc để cống hiến cho đất nước. Điều đó làm tăng thêm sức khái quát của tác phẩm.

2. Bức tranh thiên nhiên của Sa Pa

- Thiên nhiên Sa Pa hiện lên êm đềm, lãng mạn và thật sống động: “Nắng bất ngờ bắt đầu lên tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kinh thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xưa, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên những vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe...”

+ Sử dụng biện pháp liệt kê để phô bày tất cả những nét riêng, đặc trưng và độc đáo của thiên nhiên Sa Pa. vẻ đẹp ấy làm say đắm lòng người và như mời gọi con người hãy đến vùng đất này để khám phá, thưởng thức.

+ Sử dụng biện pháp nhân hóa qua hình ảnh “nắng... đốt cháy rừng cây”, “nắng mạ bạc cả con đèo” gợi không gian như bừng sáng, khiến cảnh vật thêm lung linh, rực rỡ.

- Nghệ thuật nhân hóa nắng... đốt cháy rừng cây”, “mây bị nắng xua” khiến cho cảnh vật sống động như mang được linh hồn của thiên nhiên Sa Pa.

    Tác giả đã khắc họa được một bức tranh tráng lệ, rực rỡ, thơ mộng với những đường nét, hình khối, màu sắc đặc trưng của thiên nhiên Sa Pa. Và đó còn là cái nền để Nguyễn Thành Long tô đậm, khắc sâu vẻ đẹp của con người.

3. Nhân vật anh thanh niên

a. Một người yêu nghề và có tinh thần trách nhiệm trong công việc

- Một người yêu nghề, dám chấp nhận hi sinh:

+ Chấp nhận sống và làm việc trong một hoàn cảnh, môi trường đặc biệt: Trên đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m, quanh năm chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo.

+ Coi công việc như một người bạn: “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?... Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi, cháu buồn chết mất”.

+ Tìm thấy những ý nghĩa trong công việc: “báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”.

+ Tự hào và hạnh phúc bởi anh không chỉ giúp ích cho lao động mà cả trong chiến đấu: Phát hiện một đám mây khô giúp không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng.

- Có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc:

+ Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, không có ai giám sát song anh vẫn luôn tự giác, tận tụy: Mỗi ngày đều bốn lần đi “ốp” để báo về nhà, không ngần ngại những đêm mưa tuyết,...

+ Tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, đúng giờ giấc và chính xác đến từng phút: Anh đếm từng phút trong cuộc gặp gỡ vì sợ hết ba mươi phút.

+ Anh luôn hoàn thành xuất sắc công việc của mình.

    Anh thanh niên là hiện thân cho những con người lao động mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.

b. Một người có tinh thần lạc quan và yêu tha thiết cuộc sống

- Anh biết tạo ra niềm vui trong cuộc sống của mình bằng việc trồng đủ các loài hoa rực rỡ để làm đẹp cho ngôi nhà mình ở; nuôi gà, nuôi ong để làm giàu nguồn lương thực cho mình.

- Luôn tự trau dồi bản thân bằng cách đọc qua sách, để nâng cao hiểu biết và chất lượng cuộc sống.

- Không chỉ sắp xếp, tổ chức công việc một cách khoa học, mà ngay trong cuộc sống anh cũng thật gọn gàng, ngăn nắp: Một căn nhà ba gian sạch sẽ khiến ông họa sĩ phải trầm trồ và bất ngờ.

c. Một con người chân thành, cởi mở và hiếu khách

- Thể hiện ở nỗi thèm người, muốn được nhìn ngắm, trò chuyện với con người. Vì thế, anh đã lấy khúc cây chắn ngang đường để dừng những chuyến xe hiếm hoi.

- Khi gặp được người thì anh mừng đến mức tất tả, cuống cuồng như không kiềm được cảm xúc: “Anh chạy vụt đi, cũng tất tả như khi đến”, “Người con trai nói to những điều đáng lẽ người ta chỉ nghĩ".

- Anh là một người thân thiện, cởi mở ngay cả với những người mới gặp lần đầu: Niềm nở, hồ hởi không giấu lòng, pha trà, tặng hoa và cả quà ăn đường.

- Trân trọng từng giây từng phút gặp gỡ: Đem từng phút vì sợ hết mất ba mươi phút gặp gỡ vô cùng quý báu.

- Anh quan tâm, chu đáo đến cả những người tình cờ gặp gỡ và sẵn sàng yêu thương, sẻ chia: Nghe bác lái xe kể về việc vợ mình bị bệnh, anh đã lặng lẽ đi tìm củ tam thất để bác gái ngâm rượu uống.

    Anh thanh niên xứng đáng trở thành biểu tượng cho phẩm chất và con người nơi mảnh đất Sa Pa.

d. Một con người khiêm tốn

- Công việc của anh đang làm góp một phần quan trọng cho những bước chuyển mình của đất nước: phụ vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu. Nhưng anh lại cho những đóng góp của mình là vô cùng nhỏ bé so với bao người khác.

- Khi ông hoạ sĩ xin kí hoạ chân dung, anh từ chối, e ngại: “Không, không, đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn”.

    Qua những nét phác họa của Nguyễn Thành Long, anh thanh niên hiện lên thật chân thực, sinh động, đẹp đẽ. Giữa thiên nhiên im lặng, hắt hiu, giữa cái lặng lẽ muôn thuở của Sa Pa đã vang lên những âm thanh trong sáng, những sắc màu lung linh của những con người lao động mới như anh.

4. Các nhân vật phụ

a. Nhân vật ông họa sĩ

- Tuy không phải là nhân vật chính của truyện, nhưng ông họa sĩ có vị trí quan trọng, mang quan điểm trần thuật của tác giả. Người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông họa sĩ để quan sát, miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện.

- Trước hết, ông là một nghệ sĩ chân chính, nghiêm túc, say mê đi tìm cái đẹp: “Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời... Đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan”.

- Ngay từ những phút đầu gặp anh thanh niên, ông họa sĩ đã xúc động và bối rối. “Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết. Ôi! Một nét thôi cùng đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác”,

- Trước chàng trai trẻ đáng yêu, ông họa sĩ bồng thấy như “nhọc quá” vì những điều người ta suy nghĩ về anh.

- Những lời tâm sự anh thanh niên, khiến ông chấp nhận những thử thách của quá trình sáng tác.

    Những cảm xúc và suy tư của ông họa sĩ về anh thanh niên và về những vấn đề của nghệ thuật, của đời sống được gợi lên từ câu chuyện của anh thanh niên, đã làm cho chân dung nhân vật chính thêm sáng đẹp và tạo được chiều sâu tư tưởng của tác phẩm.

b. Nhân vật cô kĩ sư

- Cô kĩ sư là một hình ảnh đẹp đẽ, biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ: cô vừa tốt nghiệp đã tình nguyện lên miền núi Lai Châu nhận nhiệm vụ.

- Cuộc gặp gỡ bất ngờ với anh thanh niên, được nghe những điều anh tâm sự, chia sẻ về bản thân và những người khác khiến cô “bàng hoàng”.

- Cái “bàng hoàng” như một sự va đập giúp cô bừng dậy những tình cảm và suy nghĩ lớn lao, đẹp đẽ:

+ Cô đánh giá, kiểm điểm đúng hơn mối tình đầu nhạt nhèo mà cô đã từ bỏ. 

+ Vững tin và quyết tâm về quyết định cho chuyến ra đi đầu đời của mình.

- Từ quý mến, khâm phục cô dần dần thấy biết ơn vô cùng anh thanh niên. Không phải chỉ vì bó hoa to mà anh tặng mà còn vì “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”,

    Cuộc gặp gỡ đã khơi lên trong tâm tư cô gái trẻ những tình cảm và những suy nghĩ mới mẻ, cao đẹp về con người, về cuộc sống. Đó là sự đồng cảm về lí tưởng của thế hệ thanh niên Việt Nam thời chống Mĩ. Đồng thời, qua tâm tư, cảm xúc của cô kĩ sư, ta nhận ra vẻ đẹp và sức mạnh của nhân vật anh thanh niên.

c. Nhân vật bác lái xe

- Là người xuất hiện từ đầu tác phẩm, bác là người dần dắt, giới thiệu một cách sơ lược và kích thích sự chú ý về nhân vật chính của tác phẩm - “người cô độc nhất thế gian”.

- Bác là một người yêu nghề và có trách nhiệm với công việc: Đã có ba mươi năm lái xe và hiểu tường tận Sa Pa.

- Là một con người niềm nở và cởi mở: Trên khuôn mặt hồ hởi, bác giới thiệu về thiên nhiên và cảnh sắc Sa Pa; chia sẻ với ông họa sĩ và cô kĩ sư về anh thanh niên.

- Có một tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa.

- Bác là cầu nối giữa anh thanh niên với cuộc đời: Bác mua sách giúp anh; giới thiệu anh với những người bạn mới;...

    Mặc dù chỉ xuất hiện qua một vài chi tiết của truyện nhưng bác họa sĩ là một phần quan trọng giúp nhân vật anh thanh niên xuất hiện một cách tự nhiên và góp phần dẫn dắt chuyện.

d. Những nhân vật được giới thiệu gián tiếp

- Đó là những con người làm việc miệt mài, cống hiến thầm lặng. Anh bạn trên trạm đỉnh Phan-xi-păng cao 3142m; ông kĩ sư vườn rau dưới Sa Pa ngày ngày ngồi im trong vườn su hào rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào.

- Dám hi sinh cả tuổi trẻ và hạnh phúc cá nhân: Anh cán bộ nghiên cứu bản đồ sét, luôn trong tư thế sẵn sàng chờ sét, “nửa đêm mưa gió, rét buốt, mặc, cứ nghe sét là choáng choàng chạy ra” và mười một năm chưa ngày nào xa cơ quan.

    Trong tác phẩm, những nhân vật này không xuất hiện một cách trực tiếp mà chỉ được giới thiệu gián tiếp qua lời kể của anh thanh niên. Song, họ đã thể hiện được những phẩm chất vàng trong tâm hồn, cách sống và góp phần làm sáng tỏ chủ đề, tư tưởng của truyện được mở rộng. 

III. Tổng kết

1. Nội dung

- Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” khắc họa thành công hình ảnh những con người lao động lặng lẽ, say mê mà tiêu biểu là nhân vật anh thanh niên. Qua đó tác giả đã khẳng định vẻ đẹp của những người lao động trong công cuộc xây dựng xã hội mới.

2. Nghệ thuật

- Xây dựng tình huống truyện hợp lí với cách trần thuật tự nhiên.

- Truyện có sự kết hợp giữa phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm và bình luận.

- Lời văn mượt mà, trau chuốt, giàu chất thơ và chất hội họa.

Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:

Đã có lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

Săn shopee siêu SALE :

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, KHÓA HỌC DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và khóa học dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát kiến thức trọng tâm, hệ thống lại câu hỏi phần Tiếng Việt, các tác phẩm văn học, bài thơ có trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Tài liệu giáo viên