Ôn thi vào lớp 10 Cảnh ngày xuân năm 2023

Ôn thi vào lớp 10 Cảnh ngày xuân năm 2024

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm chắc kiến thức môn Ngữ văn lớp 9 để chuẩn bị tốt cho kì thi vào lớp 10 năm 2024, VietJack tổng hợp toàn bộ nội dung trọng tâm của tác phẩm Ôn thi vào lớp 10 Cảnh ngày xuân đầy đủ, chi tiết.

Đoạn trích Cảnh ngày xuân (Truyện Kiều)

I. Những nét chính về tác phẩm

1. Vị trí và nội dung đoạn trích

- Vị trí: Nằm trong phần I của tác phẩm, sau đoạn tả tài sắc chị em Thúy Kiều - “Gặp gỡ và đính ước”.

- Nội dung: Đoạn trích là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về cảnh ngày xuân trong tiết thanh minh. Đó là bối cảnh để Thúy Kiều gặp gỡ Kim Trọng và khóc thương trước số phận của Đạm Tiên. Đồng thời nó cũng bộc lộ nhiều tâm trạng của cả hai chị em trong chuyến du xuân ấy.

2. Bố cục: Ba phần

- Phần một: 4 câu đầu: Cảnh thiên nhiên ngày xuân.

- Phần hai: 8 câu tiếp: Cảnh lễ hội trong tiết thanh minh.

- Phần ba: 6 câu cuối: Cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về.

II. Trọng tâm kiến thức

1. Cảnh thiên nhiên ngày xuân (bốn câu đầu)

• Không gian và thời gian của khung cảnh thiên nhiên ngày xuân được Nguyễn Du phác họa ở ngay hai câu thơ đầu:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.”

- Tác giả lựa chọn một hình ảnh ẩn dụ rất quen thuộc cho cảnh ngày xuân: “con én đưa thoi”.

+ Tả thực những cánh én bay lượn, chao liệng như thoi đưa trên bầu trời xuân.

+ Gợi không gian cao rộng của bầu trời và một luồng không khí ấm áp.

+ Gợi những bước đi nhanh, vội của thời gian như những cánh chim vụt bay.

- Khung cảnh ngày xuân tiếp tục được phác họa qua các nét vẽ ở những vần thơ: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”.

+ Từ “thiều quang” tả thực những tia nắng lấp lánh cua ngày xuân.

+ Gợi một không gian ngày xuân tươi đẹp, rực rỡ, trong lành.

+ Gợi thời điểm vào tháng ba của mùa xuân, tháng mà thiên nhiên đạt đến độ viên mãn nhất, rực rỡ nhất.

    Những hình ảnh thơ gợi về sự chuyển động nhanh, vội của thời gian đồng thời nói nên tâm trạng có chút tiếc nuối của chị em Thúy Kiều.

    Nguyễn Du đã phác họa được một bức tranh thiên nhiên của một ngày xuân tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Qua đó, đã gợi tả được bao nỗi niềm, tâm trạng của nhân vật trữ tình.

• Hai câu thơ tiếp theo, Nguyễn Du đã tái hiện một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp với hai gam màu chủ đạo là xanh, trắng:

“Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”

- Chỉ cần đơn giản là hình ảnh “cỏ non" song lại tả, gợi được rất nhiều cho bức tranh xuân:

+ Tả một không gian mênh mông một màu xanh non của cỏ.

+ Gợi chúng ta liên tưởng đến sức sống tràn trề của mùa xuân.

+ Từ “tận" đã làm cho không gian xuân như được mở rộng bao la, bát ngát.

- Hình ảnh “cành lê trắng điểm” cho thấy sự tài tình trong bút pháp chấm phá của Nguyễn Du.

+ Trên nền màu xanh non ấy điếm xuyết một vài bông hoa lê trắng làm cho không gian như thoáng đạt, nhẹ nhàng và thanh khiết hơn.

+ Từ “điểm” gợi sự thanh thoát, như đôi tay của người họa sĩ, khiến cảnh vật như sống động, có hồn chứ không tĩnh tại.

+ Tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ: đảo từ “trắng" lên trước làm cho sắc trắng hoa lê thêm tinh khôi, như kết tinh những tinh hoa của trời đất.

- Trong bức tranh xuân ấy, tác giả đã sử dụng những gam màu hòa phối rất đỗi hài hòa: màu xanh của cỏ, sắc trắng của hoa lê.

    Với bút pháp chấm phá tài tình, Nguyễn Du đã rất thành công khi phác họa một bức tranh ngày xuân khoáng đạt, tinh khôi, trong trẻo và tràn trề sức sống. Đồng thời, qua đó còn gợi lên được bao cảm xúc tươi vui, phấn chấn cũng như chút bâng khuâng, tiếc nuối trong lòng nhân vật trữ tình.

2. Khung cảnh lễ hội trong tiết thanh minh (tám câu tiếp)

a. Những hoạt động trong tiết thanh minh (hai câu thơ dầu)

Hai câu thơ giới thiệu về những hoạt động trong tiết thanh minh cho thấy Nguyễn Du xứng đáng là bậc thầy về nghệ thuật sử dụng ngôn từ:

“Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.”

- Sử dụng nghệ thuật tiểu đối: Tách hai từ “lễ hội” ra làm đôi để gợi tả hai hoạt động diễn ra cùng một lúc trong tiết thanh minh:

+ “Lễ tảo mộ”. Đi viếng và sửa sang phần mộ của người thân, gia đình, tổ tiên. Gợi sự tri ân của những nam thanh, nữ tú trong ngày đi chơi xuân.

+ “Hội đạp thanh”: Đi chơi xuân ở chốn đồng quê và giẫm lên cỏ xanh. Gợi ngày hội vui mùa xuân của nam thanh nữ tú để có thể tìm đến những sợi tơ hồng của mai sau.

    “Lễ” và “hội” trong tiết thanh minh là hai hoạt động văn hóa khác biệt nhưng trong thơ Nguyễn Du lại có một sự giao hòa độc đáo.

b. Không khí của ngày hội xuân (sáu câu thơ tiếp)

• Không khí tưng bừng, tấp nập của lễ hội được gợi lên qua hàng loạt từ hai âm tiết giàu sắc thái biểu cảm:

“Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.”

- Các danh từ:yến anh”, “chị em”, “tài tử”, “giai nhân” gợi tả sự đông vui, tấp nập trong ngày hội xuân.

- Các động từ:sắm sửa”, “dập dìu” gợi tả không khí rộn ràng, náo nhiệt trong ngày hội.

- Các tính từ:gần xa”, “nô nức” gợi tả tâm trạng hồ hởi, phấn khởi của người đi hội.

• Không khí lễ hội được tô đậm hơn qua một số biện pháp tu từ:

- Hình ảnh ẩn dụ: nô nức yến anh

+ Gợi từng đoàn người đi chơi xuân, đông đúc, dập dìu như những bầy chim yến, chim oanh ríu rít.

+ Gợi những cuộc chuyện trò xôn xao, tình tứ của những đôi uyên ương trong ngày xuân.

- Hình ảnh so sánh:ngựa xe như nước, áo quần như nêm” gợi cho người đọc hình dung được sự đông đúc của từng dòng người đi trẩy hội.

• Bên cạnh không khí tưng bừng, náo nhiệt ấy, Nguyễn Du đã khéo léo đan cài một khoảng lặng, khiến cho không gian cũng như tâm trạng con người như chùng xuống:

“Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.”

- Hình ảnh “ngổn ngang gò đống", “tro tiền giấy bay" gợi không gian tĩnh lặng, lạnh lẽo, linh thiêng. Và trong không gian ấy, có sự xuất hiện của những nam thanh, nữ tú đang sửa sang, rắc vàng vó, hóa tiền giấy cho những người đã khuất.

- Gợi truyền thống văn hóa, đạo líuống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của người Việt. Một lối sống ân nghĩa thủy chung.

    Thông qua buổi du xuân của hai chị em Thúy Kiều, có thể khẳng định: Nguyễn Du là người am hiểu, trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

3. Khung cảnh chị em Thúy Kiều du xuân trở về (sáu câu thơ cuối)

Thời gian không ngừng chuyển động, mọi cuộc vui đã đến hồi kết thúc, hai chị em Kiều trở về trên một nền chiều xuân thật đẹp, thanh khiết song đã nhuốm màu tâm trạng:

“Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn đan tay ra về.

Bước lần theo ngọn tiểu khê,

Lần xem phong cảnh cỏ bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.”

- Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng:  mặt trời từ từ khuất bóng, bước chân thơ thẩn, dòng nước uốn quanh.

- Hình ảnh “tà tà bóng ngả về tây”:

+ Diễn tả cảnh mặt trời đang lặn, ánh nắng cuối ngày đang tắt dần, không gian đang mờ tối.

+ Gợi không gian buồn vẳng, tĩnh lặng.

+ Gợi tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối trong lòng con người.

- Hình ảnh “tiểu khê”, “cầu nho nhỏ” gợi khung cảnh nhỏ bé, thân thuộc, không còn mênh mông, khoáng đạt.

- Hệ thống từ láy được trái đều trong các câu thơ rất giàu giá trị biểu cảm: “tà tà”, “thơ thẩn”, “nho nhỏ”, “thanh thanh”, “nao nao”.

+ Từ láy “thơ thẩn” gợi cảnh chị em Thúy Kiều ra về trong sự bần thần, nuối tiếc, lặng buồn.

+ Đặc biệt, từ lảy “nao nao” gợi nét buồn rất khó tả, thể hiện tâm trạng con người như nhuốm lên cảnh vật.

    Cảnh vật như có linh hồn, phảng phất một nỗi u buồn và mang một vẻ đẹp riêng: xinh xắn và rất đỗi tao nhã của cảnh vật.

    Đoạn thơ không chỉ hay bởi Nguyễn Du sử dụng thành công những biện pháp nghệ thuật, hệ thống từ láy mà còn bởi cái tài tình trong bút pháp cổ điển: tả cảnh ngụ tình.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Đoạn trích “Cảnh ngày xuân” là một bức tranh thiên nhiên sống động, tuyệt đẹp với lễ hội truyền thống đông vui, nhộn nhịp. Thông qua bức tranh ấy, người đọc cảm nhận được một thế giới nội tâm phong phú của nhân vật.

2. Nghệ thuật

- Tài nghệ sử dụng ngôn ngữ bậc thầy: hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm,...

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình đạt đến mức độ điêu luyện.

- Biện pháp nghệ thuật: so sánh, ẩn dụ,... đạt đến độ nhuần nhuyễn.

Xem thêm các tài liệu Văn ôn thi vào lớp 10 năm 2024 hay khác:

Lời giải bài tập lớp 10 sách mới:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, SÁCH ĐỀ THI DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 9

Bộ giáo án, bài giảng powerpoint, đề thi dành cho giáo viên và sách dành cho phụ huynh tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official

Tổng đài hỗ trợ đăng ký : 084 283 45 85

Đã có app VietJack trên điện thoại, giải bài tập SGK, SBT Soạn văn, Văn mẫu, Thi online, Bài giảng....miễn phí. Tải ngay ứng dụng trên Android và iOS.

Theo dõi chúng tôi miễn phí trên mạng xã hội facebook và youtube:

Loạt bài Ôn thi vào lớp 10 môn Ngữ Văn được các Giáo viên hàng đầu biên soạn bám sát kiến thức trọng tâm, hệ thống lại câu hỏi phần Tiếng Việt, các tác phẩm văn học, bài thơ có trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn.

Nếu thấy hay, hãy động viên và chia sẻ nhé! Các bình luận không phù hợp với nội quy bình luận trang web sẽ bị cấm bình luận vĩnh viễn.


Đề thi, giáo án lớp 9 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên