200 đề ôn thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2024 (có đáp án)

Tuyển tập Top 200 đề ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm 2024 được các Thầy/Cô biên soạn công phu, cực sát đề chính thức giúp bạn ôn luyện môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2024 đạt kết quả cao.

200 đề ôn thi Văn tốt nghiệp THPT năm 2024 (có đáp án)

Xem thử Đề thi thử Văn 2024 Xem thử Bộ đề Văn theo đề tham khảo

Chỉ từ 500k mua trọn bộ đề thi thử Văn năm 2024 của các Trường/Sở trên cả nước hoặc bộ đề thi Văn biên soạn theo đề tham khảo bản word có lời giải chi tiết:

Quảng cáo

- Đề minh họa + đề chính thức Văn tốt nghiệp THPT (các năm)

- Đề ôn thi Văn tốt nghiệp THPT

Xem thử Đề thi thử Văn 2024 Xem thử Bộ đề Văn theo đề tham khảo

Đề tốt nghiệp Văn 2025 theo form mới

(trắc nghiệm đúng sai, trả lời ngắn)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Sức mạnh của niềm tin không có gì là ma thuật hay bí ẩn cả. Niềm tin, tức thái độ “Tôi-tin-là-tôi-có-thể”, luôn lan tỏa một sức mạnh, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn và tiếp thêm nghị lực cho ta. Khi bạn tin rằng tôi-có-thể-làm-được thì cách-thức-thực-hiện sẽ xuất hiện.

Có không ít bạn trẻ bắt đầu một công việc mới mỗi ngày trên khắp thế giới. Mỗi người đều “mơ ước” một ngày nào đó, mình sẽ vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp. Điều đáng tiếc là phần lớn những bạn trẻ này lại chưa tin hẳn vào bản thân mình. Chính nếp nghĩ “tôi-không-thể” đã hạn chế khả năng sáng tạo và khiến họ không tìm ra được con đường thích hợp để vươn lên. Đây là lề thói suy nghĩ thường thấy ở những người “bình thường”.

Tuy nhiên, vẫn có một số ít bạn trẻ dám tin rằng họ sẽ thành công. Họ bắt tay vào công việc bằng một thái độ tích cực: “Tôi đang-vươn-đến-đỉnh-cao đây!”. Và với niềm tin lớn lao ấy, họ đã thành công. Bằng suy nghĩ không-gì-là-không-thể, những người trẻ này quan sát và học hỏi cách làm việc của thế hệ đi trước. Họ tìm hiểu cách tiếp cận vấn đề, cách ra quyết định cũng như thái độ làm việc của những người thành đạt. Thật vậy, bí quyết cần-phải-thực-hiện-như-thế-nào luôn đến với những ai tin rằng mình có thể làm được.

(Trích Dám nghĩ lớn, Ph. D David J. Schawartz, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 12-13)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Chỉ ra các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản.

Câu 2. Theo văn bản, điều đáng tiếc của phần lớn những bạn trẻ trên khắp thế giới là gì?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về những tác động của lề thói suy nghĩ thường thấy ở những người “bình thường” đối với những bạn trẻ?

Câu 4. Những lí lẽ trong đoạn mở đầu được người viết sử dụng nhằm mục đích gì? Anh/chị hãy phân tích tác dụng của thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn (1) để chứng minh.

Câu 5. Anh/Chị có suy nghĩ gì về câu văn: Và với niềm tin lớn lao ấy, họ đã thành công? Từ đó hãy trình bày thông điệp mà mình rút ra từ văn bản.

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định: Vẫn hoài nghi thì vẫn còn thất bại (David J. Schwartz, Dám nghĩ lớn, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 17).

Câu 2. (4,0 điểm)

Trong tác phẩm Tháng Ba - Rét nàng Bân, nhà văn Vũ Bằng viết:

...Nhưng đến tháng ba thì trời đất quả là kì ảo.

Bảo rằng tháng ấy còn rét, không đúng, mà bảo hết rét rồi cũng không đúng nữa.

Trời trong như ngọc, đất sạch như lau. Ngủ dậy lúc còn tối trời, anh ngồi uống nước trà đợi trời sáng thì uống chưa xong ấm nước, anh bỗng thấy có những đám mây hồng từ phía đông kéo tới giữa một nền trời xanh ngăn ngắt một mầu. Ở đằng sau nhà, chim hót ríu ran, đánh thức những người còn đang thiêm thiếp. Anh mở cửa nhìn ra ngoài thì lá cây sạch bong ra, lóng lánh như ở trong một phim ảnh mầu tuyệt đẹp: sương móc ban đêm rửa hoa lá cỏ cây, rửa cả cát bụi trên các nẻo đường thành phố.

Giẫm một đôi giầy lên trên đất mịn màng, anh cảm thấy cái mát mẻ của đất, của sương vương trên cỏ thấm vào lòng anh y như thể anh đi chân không vậy. Chim vẫn hót ríu ran. Anh nhìn lên trời thì từ những đám mây hồng tỏa ra một thứ ánh sáng trắng như sữa, nhẹ như bông, tràn lan trong không khí và úp chụp lấy các lùm cây nội cỏ. Anh tự nhủ: “Hôm nay chắc nắng to”.  Anh sửa soạn một bộ quần áo mỏng để mặc cho nhẹ nhõm và dễ chịu.

Thì quả nhiên, đến buổi trưa nắng thực, nhưng đi lên lầu ngủ vừa dậy, anh cảm thấy có một cái gì rất lạ xảy ra. Anh nhắm mắt lại, nằm lặng yên nghe ngóng, để xem cái tiếng reo ở ngoài vườn vọng lại là tiếng gì mà đến bất thình lình và xôn xao như vậy. Thì ra đó là tiếng reo của gió, của mây, của cây, của lá: chính trong khi ta đương mộng về Tây Phàn* với mấy cô nàng sơn cước, trời đã chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét của cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng ba nắng ấm.

Cái tháng Ba ở Bắc có những ngày huyền ảo như thế đấy. Nếu là người thích ví von, anh có thể ví tháng ấy với một cô gái có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước.

Ðẹp đến nghiêng nước nghiêng thành thì có quyền làm nũng như Dương Quý Phi làm nũng vua Ðường Minh Hoàng: không đau răng cũng nhăn mặt cho thêm xinh, mà ví có đau răng thực thì phải ăn trái lệ chi mà quân sĩ phải rong ngựa đi năm sáu ngày trời mới mong kiếm được. Yêu Quý Phi quá, thì Quý Phi càng làm nũng, mà Ðường Minh Hoàng lại càng sủng ái Quý Phi hơn. Thì người Bắc đối với tháng Ba cũng vậy: yêu cái nắng ấm của tháng Ba nhưng cũng yêu cái rét đột ngột của tháng Ba, mà nếu ví dụ trong tháng ấy có ngày nào nắng chói chan làm cho “chó già le lưỡi"”thì cũng cứ yêu luôn, yêu không kì quản. Người đẹp mà làm nũng thì lại càng đẹp hơn.

Tôi yêu tháng Ba đất Bắc một phần vì thế và tôi không muốn tin rằng cái rét tháng Ba có thể làm cho “bà già chết cóng”. Tôi chỉ thích nghĩ rằng cái rét đôi khi bất ưng trở về với tháng Ba là một cái rét thơ mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa, trong đó có những chàng trai mặc quần đỏ ngồi bên án sách ngâm thơ [...]

(Thương nhớ mười hai, NXB Văn học, Hà Nội, 2008, tr. 56-58)

Anh/Chị hãy viết bài văn khoảng 600 chữ phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình của thể loại tùy bút trong đoạn trích trên.

(*) Tây Phàn: Tức là “Tây Phiên”, phên dậu phía tây, thường dùng để chỉ các vùng biên viễn, man di. Ở câu văn này có nghĩa là mộng bay bổng, lãng mạn, thi vị như không gian vùng biên viễn xa xôi.

---------- HẾT ----------

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 Văn

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 Văn (cả nước, có lời giải)

MỤC TIÊU

- Kiểm tra mức độ kiến thức của học sinh cụ thể:

+ Kiến thức tiếng việt, làm văn

+ Kiến thức văn học: Tác giả, tác phẩm

+ Kiến thức đời sống.

- Rèn luyện các kỹ năng cơ bản:

+ Kỹ năng đọc hiểu

+ Kỹ năng tạo lập văn bản (đoạn văn nghị luận xã hội, bài văn nghị luận văn học)

I. ĐỌC HIỂU

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu sau:

(1) Dường như mọi hình thức sống trên hành tinh này đều nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng của mình. ngoài trừ loài người.

(2) Một cải cây không bao giờ mọc tới nửa kích thước tiềm năng của nó rồi nói: “Chắc tôi chỉ làm được đến vậy”. Một cái cây sẽ vươn bộ rễ của mình cắm càng sâu vào lòng đất càng tốt, tới kịch điểm sự cho phép của tự nhiên. Và rồi nó sẽ nhìn xuống chúng ta như thể nhắc nhở chúng ta rằng mỗi người đều có thể trở thành người như thế nào nếu chịu thực hiện tất cả những gì mình có thể.

(3) Tại sao loài người, hình thức sống thông minh nhất trên trái đất, lại không nỗ lực phát huy tối đa tiềm năng của bản thân?. Tại sao chúng ta lại cho phép mình dừng lại ở giữa cuộc hành trình? Tại sao chúng ta lại không tiếp tục cố gắng trở thành tất cả những gì mà chúng ta có thể là? Lý do ở đây rất đơn giản: chúng ta được trao cho sự tự do trong lựa chọn.

(4) Trong hầu hết các trường hợp, quyền lựa chọn là món quà. Nhưng xét từ góc độ thực hiện tất cả những gì chúng ta có thể với những khả năng và cơ hội trước mắt, lựa chọn đôi khi lại là một lời nguyền tai hại chứ không phải là một phép màu ban tặng. Thường thì chúng ta sẽ lựa chọn cách làm việc ít hơn khả năng thực tế. Chúng ta muốn nằm dài nghỉ ngơi dưới bóng râm mát của một cái cây hơn là bắt chước quá trình vật lộn để vươn cao của nó...

(Trích Những mảnh ghép cuộc đời, Jim Rohn, NXB Lao Động, 2022, tr.163-165 )

Câu 1 (TH). Theo tác giả, loài người và “mọi hình thức sống trên hành tinh này” khác nhau ở điểm nào?

Câu 2 (TH). Hành trình sinh trưởng của một cái cây trong tự nhiên được miêu tả ở đoạn (2) đã nhắc nhở con người điều gì?

Câu 3 (TH). Nêu tác dụng của việc sử dụng những câu nói ở đoạn (3) của văn bản.

Câu 4 (VD). Anh/Chị hãy có đồng tình với quan điểm của tác giả “đôi khi lại là một lời nguyền tai hại chứ không phải là một phép màu ban tặng” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN.

Câu 1 (VDC)Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc nỗ lực phát huy tiềm năng của bản thân.

Câu 2. (VDC)

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cải “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bởi sau đầu

Cải kèo, cải cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, gần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

(Trích Đất nước, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2018, tr.118)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về chất trữ tình - chính luận trong đoạn thơ.

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 Văn (cả nước, có lời giải)

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 Văn (cả nước, có lời giải)

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 Văn (cả nước, có lời giải)

Đề thi thử tốt nghiệp 2024 Văn (cả nước, có lời giải)

Đề thi Văn THPT năm 2024 (Đề chính thức)

(Chính thức) Đề thi tốt nghiệp THPT Văn năm 2023 (có đáp án)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đề ôn thi tốt nghiệp THPT

Năm học 2022 - 2023

Môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

I. ĐỌC HIỂU

Đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi:

NEWTON ĐÃ LÀM GÌ KHI NGHỈ HỌC VÌ ĐẠI DỊCH?

Trong một đại dịch, Isaac Newton cũng phải làm việc ở nhà, nhưng ông đã sử dụng thời gian một cách khôn ngoan.

TRONG NGUY CÓ CƠ

Năm 1665, một đợt dịch hạch vô cùng nguy hiểm đã bùng nổ tại London, nước Anh, cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Với điều kiện khoa học bấy giờ, người ta không thể biết nguyên nhân của đại dịch này là gì. Phải 200 năm sau, chủng vi khuẩn hạch mới được xác định và mất thêm 200 năm nữa, con người mới tìm ra được vắc-xin chống lại căn bệnh này.

Thế nhưng, đối mặt với kẻ thù vô hình, người dân Anh đã tự biết thực hành một số quy tắc phòng dịch cơ bản. Người dân hạn chế ra đường để tránh lây bệnh, không tụ tập đông người, đồng thời tăng cường vệ sinh cá nhân.

THỜI GIAN VÀNG

Trường học của Newton cũng cho sinh viên nghỉ học. Các giáo sư và giảng viên cũng không lên lớp. Kinh tế và đời sống toàn London gần như đình trệ. Newton phải cách ly tại nhà để phòng lây nhiễm. Nhưng, cách ông tận dụng khoảng thời gian này đã khiến người khác không khỏi nể phục. Đây lại là khoảng thời gian vàng với một người có khả năng tự học phi thường như Newton. Chính trong khoảng thời gian này, Newton đã có nhiều nghiên cứu về Quang học, Cơ học và có những thành tựu nổi tiếng. Năm đó, Newton mới chỉ 20 tuổi và đang là sinh viên tại Trinity College, Cambridge.

Năm 1697, Newton trở lại Cambridge với vốn kiến thức phong phú trong tay. Chỉ trong vòng 6 tháng, ông đã vượt xa bạn bè đồng trang lứa và chỉ mất hai năm sau để trở thành giáo sư. Tất cả các thành tựu này ông đạt được là nhờ vào khoảng thời gian tự học khi giam mình trong phòng vì dịch bệnh.

(Nguồn: https://www.facebook.com/nguyenduchiep/posts/10156684048835448)

Câu 1 (NB): Xác định hai phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (TH): Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 3 (TH): Anh/chị hiểu thế nào về cụm từ “khoảng thời gian vàng” trong câu “Đây lại là khoảng thời gian vàng với một người có khả năng tự học phi thường như Newton”?

Câu 4 (VD): Anh/ chị có đồng tình với quan điểm “TRONG NGUY CÓ CƠ” không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1: (VDC)

Dựa vào những nội dung trong phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) nói về sự cần thiết của việc tự học.

Câu 2: (VDC)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng người lái đò sông Đà qua đoạn văn bản sau:

Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xoá cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xoá càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tuỳ theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên song. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng với đánh khuỷu quật vu hồi lại Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thuỷ thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hớp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đổ vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt. Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò […]. Mặt sông trong tích tắc loà sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lung, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghỉ mắt, phải phá luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh cửa, sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, băm chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.

(Nguyễn Tuân, Người lái đò Sông Đà, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục 2008, Tr 188 – 189)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT

Năm học 2022-2023

Bài thi môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề ôn thi số 1)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản:

Những con chim bồ câu tụ tập với nhau trong một cái chuồng trên ngọn cây, chúng thấy con chim đại bàng sải cánh trên cao, bèn bàn luận:

- Eo ơi, gió đùng đùng thế kia mà nó cứ bay lên cao làm gì nhỉ. Không xuống đây như bọn mình có phải an toàn hơn không?

- Báu bở gì cái trò bay một mình, cô đơn bỏ xừ! Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn… Đúng là đồ dở hơi!

Đại bàng tung hoành trong cơn bão, rồi đi săn mồi về tổ, nó nào ngó xuống để suy nghĩ về mấy con chim bồ câu?

Rồi một ngày, người chủ mang mấy con chim ra thịt đãi khách. Trước khi bị cắt tiết, chúng tiếc nuối nhớ về hình ảnh con chim đại bàng.

Đại bàng vẫn đi săn mồi, nào hay biết gì về mấy con chim bồ câu?

Con người khác con chim ở chỗ được lựa chọn, không nhất thiết phải là đại bàng hay bồ câu, nhưng dù ngồi ở vị trí nào, chủ động cho cuộc sống của chính mình vẫn là tốt nhất. Và đừng bao giờ phán xét người khác khi họ không thèm để ý đến mình.

Những người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất, buồn thay lại là những người hay phán xét nhất!”

( “Ngừng phán xét”, Ừ thì yêu! Đời có bao nhiêu, An Xinh Trương, NXB Phụ nữ, 2018, tr.156,157)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình một cách sống như thế nào?

Câu 2. Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người ra sao?

Câu 3. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn: Thấy bảo nó kiếm mồi cũng vất vả lắm, không như chúng mình sung sướng, ngày ngày có người cho ăn.

Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm Đừng bao giờ phán xét người khác của tác giả không? Vì sao?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh /chị về hai đoạn thơ sau, từ đó anh /chị hãy làm nổi bật sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.

- “ Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

“… Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

( Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD 2015, tr.155 và tr.156).

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1: Những con chim bồ câu lựa chọn cho mình cách sống an toàn, không kiếm sống vất vả, ngày ngày có người cho ăn; hay bàn luận, phán xét về người khác.

Câu 2: Theo tác giả, người hay phán xét nhất là người không quản trị nổi chính cuộc sống của bản thân, thiếu tự tin nhất.

Câu 3: - Biện pháp nghệ thuật: Đối lập (kiếm mồi vất vả - sung sướng, ngày ngày có người cho ăn).

- Hiệu quả: làm nổi bật sự lựa chọn khác nhau của hai cách sống: sung sướng, chờ đợi hưởng thụ và khó nhọc kiếm tìm, chủ động tạo lập cuộc sống của mình.

Câu 4: Thí sinh nêu ý kiến của mình dựa trên sự lí giải phù hợp, thuyết phục. Có thể theo hướng:

- Đồng tình vì: Khi phán xét người khác chúng ta có thể sẽ sai lầm vì bản thân không hiểu rõ về họ, không ở trong hoàn cảnh, vị trí của họ.

Đồng tình nhưng bổ sung: Không phán xét không có nghĩa là thờ ơ với người khác, bàng quan trước thời cuộc...

II. LÀM VĂN

Câu 1: a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn

theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề theo nhiều cách nhưng cần phải làm rõ vấn đề tầm quan trọng của việc chủ động cho cuộc sống bản thân. Có thể theo hướng:

Việc chủ động cho cuộc sống bản thân giúp chúng ta:

- Tạo dựng nền tảng vững chắc cho cuộc đời mình.

- Suy nghĩ và hành động độc lập, làm chủ được tình thế, ứng phó linh hoạt với mọi tình huống, nắm bắt được thời cơ thuận lợi cũng như sẵn sàng đối mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

- Không tụt hậu trong xã hội đang ngày một phát triển.

Thực hiện được ước mơ và vươn tới thành công, hạnh phúc...

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận hai đoạn thơ, từ đó làm nổi bật sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình.

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

* Cảm nhận hai đoạn thơ

(+) Đoạn thứ nhất: Tình yêu soi vào sóng để tự nhận thức:nhận thức về những trạng thái đối lập và hành trình từ sông ra biển tìm kiếm tình yêu đích thực

- Sóng và những trạng thái đối lập : dữ dội ,dịu êm ,ồn ào ,lặng lẽ như tình yêu có nhiều cung bậc ,như tâm hồn người phụ nữ có những mặt mâu thuẫn, đối lập mà thống nhất.

- Hành trình của sóng tìm tới biển khơi như hành trình của tình yêu hướng tới cái. vô biên, tuyệt đích, như tâm hồn người phụ nữ không chấp nhận sự chật hẹp, tù túng. Con sóng tìm ra biển rộng để tìm thấy chính mình, em hòa vào biển lớn cuộc đời để tìm thấy chính em đó là hành trình tìm kiếm tình yêu đích thực

- Nghệ thuật : thể thơ 5 chữ , biện pháp đối lập, phép nhân hóa, kết cấu đối đáp của ca dao, giọng điệu trữ tình

Mượn hình ảnh sóng có những trạng thái đối lập tác giả thể hiện những cung bậc tình cảm phong phú phức tạp tronh trái tim người phụ nữ đang yêu . Thể hiện vẻ đẹp hiện đại trong tình yêu của người phụ nữ .

(+) Đoạn thứ hai:

- Sóng là hình tượng thiên nhiên vĩnh cửu như tình yêu là khát vọng muôn đời của con người, người phụ nữ muốn hóa thân , dâng hiến cuộc đời mình cho tình yêu bất tử , hòa tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời .

- Khát vọng hòa vào biển lớn tình yêu cũng là khát vọng được tan vào sóng để ngàn năm còn vỗ.

- Nghệ thuật thể thơ 5 chữ , tác giả sử dụng từ ngữ ước lệ chỉ số lượng trăm con sóng /ngàn năm còn vỗ

Khổ thơ thể hiện khát vọng lớn lao của nhân vật trữ tình về một tình yêu bất tử ,vẻ đẹp của người phụ nữ dám sống hết mình cho tình yêu.

    + Sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình: từ băn khoăn không hiểu nổi mình đến hòa vào biển lớn tình yêu để tìm thấy chính mình; từ khát vọng tình yêu riêng tư đến khát khao được hòa nhập vào cuộc đời chung rộng lớn để dâng hiến trọn vẹn.

- Qua đó, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình: vừa chân thành,say đắm, vừa táo bạo, mãnh liệt, vừa truyền thống vừa hiện đại.

- Sự vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình được thể hiện thành công qua thể thơ

5 chữ giàu nhạc điệu; kết cấu song trùng hai hình tượng sóng em; ngôn từ giản dị, trong sáng; hình ảnh giàu sức gợi; biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, nhân hóa, điệp, đối được vận dụng sáng tạo, tài hoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp tốt nghiệp THPT

Năm học 2022-2023

Bài thi môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

(Đề ôn thi số 2)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Trên sóng xanh những đàn ngựa biển

lướt dưới mặt trời dưới trăng sao

ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt

như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào

Không bay lên trời vẫn ngang dọc như chim

lưới cá đầy mồ hôi tuôn lấp lánh

tàu vỏ sắt ý chí màu thép lạnh

thuộc Hoàng Sa, Trường Sa từng tấc đảo nổi chìm

Chỉ nguyện cầu sóng lặng biển êm

chỉ ao ước cá đầy khoang mỗi sớm

chỉ xin được suốt đời bám biển

như một người đánh cá ngay lành

Như một ngư dân Việt rất thường dân

yêu biển mình cũng là yêu Tổ quốc

thương cha ông xưa thuyền nan đơn độc

vẫn lên đường trực chỉ Hoàng Sa

Những dây thừng chiếu bó nẹp tre

mang một lời thề nóng bỏng

dẫu thân xác này dạt trôi theo sóng

chỉ khát mong ngày trở lại quê nhà

Lớp cháu con của Hải đội Hoàng Sa

đi đánh cá hôm nay tàu vỏ thép

kĩ thuật cao mà trái tim nồng nhiệt

vẫn trái tim yêu nước khôn cùng (…)

(“Những ngư dân yêu nước rất thường dân” – Thanh Thảo - Báo Văn nghệ quân đội. com.)

Câu 1. (0,5điểm) Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. (0,5 điểm) Trong đoạn trích, ngư dân Việt Nam mong ước những gì?

Câu 3. (1,0 điểm) Xác định một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong đoạn thơ sau:

Trên sóng xanh những đàn ngựa biển

lướt dưới mặt trời dưới trăng sao

ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt

như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào

Câu 4. (1,0 điểm) Hãy rút ra một thông điệp mà anh/chị cho là ý nghĩa nhất qua đoạn trích trên.

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về tình yêu biển đảo của thế hệ trẻ hôm nay .

Câu 2. (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao (Ngữ văn 11- tập 1).

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: - Thể thơ: tự do

Câu 2: Trong đoạn trích, ngư dân mong ước được: trời êm biển lặng, cá đầy khoang, mong được vươn mình ra khơi ngày đêm bám biển như những người đánh cá bình thường nhất.

Câu 3: -Biện pháp tu từ: ẩn dụ hoặc so sánh (ngựa biển hôm nay choàng giáp sắt/ như ngựa thiêng Thánh Gióng thuở nào)

Ẩn dụ: ngựa biển là tàu đánh cá được làm bằng sắt thép

So sánh: ngựa biển như ngựa thiêng Thánh Gióng.

-Tác dụng:

    + Tăng khả năng gợi hình gợi cảm và sức gợi cho ý thơ, làm cho hình ảnh thơ trở nên sinh động hấp dẫn hơn.

    + Khắc họa được hình ảnh của những con tàu đánh cá hôm nay như những con ngựa chiến băng băng ra khơi thật oai phong lẫm liệt để đánh bắt thật nhiều tôm cá, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Câu 4: HS có thể rút ra nhiều thông điệp có ý nghĩa, miễn là lý giải lý do hợp lý, thuyết phục (Ví dụ: Tình yêu quê hương biển đảo; Khát vọng bám biển; Ý chí quyết tâm bảo vệ biển đảo; Tự hào về đất nước, con người Việt Nam…)

II. LÀM VĂN

Câu 1:

* Giải thích:

Biển đảo là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, không thế lực thù địch nào có thể xâm chiếm được.

Tình yêu biển đảo: là tình cảm yêu quý và ý thức bảo vệ, xây dựng biển đảo. Đấy là một tình cảm thiêng liêng, cao quý của mỗi con người đối với Tổ quốc

* Bàn luận:

Trọng tâm bàn về biểu hiện của tình yêu biển đảo

- Tình yêu biển đảo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

- Bao thế hệ đã chiến đấu, hi sinh quên mình để bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc.

- Những người lính đảo hôm nay đang ngày đêm canh gác biển trời; họ thường xuyên phải đối đầu với những gian nan, thử thách để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên cho đất nước.

- Những ngư dân vẫn ngày đêm bám biển, dù cho có nhiều mối hiểm nguy nhưng họ vẫn kiên cường và lao động đến cùng.

    + Cần có hành động thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

- Phê phán những người có thái độ thờ ơ, không quan tâm biển đảo và những hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo.

* Bài học nhận thức và hành động.

    + Luôn nêu cao ý hức trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc.

    + Cần có hành động thiết thực trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam.

Câu 2:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận...

2. Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời.

*Giới thiệu khái quát về quãng đời của Chí Phèo trước khi gặp thị Nở…

*Giới thiệu về thị Nở và vai trò của thị đối với sự thức tỉnh của Chí Phèo…

*Phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo từ sau khi gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời:

- Chí tỉnh rượu:

    + Cảm thấy sự thay đổi của cơ thể: người bủn rủn, chân tay không buồn nhấc, miệng đắng, lòng mơ hồ buồn…

    + Nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống…

- Chí tỉnh ngộ:

    + Chí đã tỉnh táo, nhận thức, nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai …

    + Chí ngạc nhiên, xúc động khi nhận bát cháo hành từ bàn tay thị Nở “thấy mắt mình ươn ướt”…

    + Khao khát được trở lại làm người dân hiền lành lương thiện, muốn làm hòa với mọi người. Chí hy vọng thị sẽ là chiếc cầu nối đưa hắn quay trở lại thế giới lương thiện của loài người…

    + Chí khao khát hạnh phúc với một mái ấm gia đình “giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”, “hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”.

-Bà cô thị Nở ngăn cấm không cho thị lấy Chí Phèo, bị thị Nở cự tuyệt Chí rơi vào bi kịch:

    + Vật vã, đau đớn.

    + Uống rượu, nhưng “càng uống càng tỉnh.

    + Chí “ôm mặt khóc rưng rức” và luôn thấy “thoang thoảng mùi cháo hành”…

- Trong cơn tuyệt vọng, khủng hoảng và bế tắc, Chí càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi bộ mặt và linh hồn của mình. Chí tới nhà Bá Kiến đâm chết hắn và tự kết liễu cuộc đời mình.

* Đặc sắc nghệ thuật:

-Tác phẩm thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật Chí Phèo, là nhân vật điển hình sắc nét vừa có ý nghĩa tiêu biểu, vừa hết sức sinh động, có cá tính độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

-Tác phẩm có lối kết cấu mới mẻ, phóng túng, thoải mái, đi theo trình tự: hiện tại – quá khứ - hiện tại.

-Cốt truyện hấp dẫn, tình tiết đầy kịch tính và luôn biến hóa, càng về cuối càng gay cấn với những tình tiết quyết liệt, bất ngờ.

-Ngôn ngữ gần lời ăn tiếng nói trong đời sống.

-Giọng điệu nhà văn phong phú và có khả năng biến hóa, có sự đan xen lẫn nhau.

-Khả năng phân tích, miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật đặc sắc.

3.Đánh giá chung

- Đoạn văn miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo từ lúc gặp thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời đã thể hiện sâu sắc giá trị hiện thưc, nhân đạo của tác phẩm: Nhà văn phản ánh chân thực số phận bất hạnh của nhân vật và cảm thông sâu sắc với bi kịch của người nông dân.

- Đồng thời ông còn khẳng định sức sống bất diệt của thiên lương. Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Không thế lực bạo tàn nào có thể hủy diệt.

Xem thử Đề thi thử Văn 2024 Xem thử Bộ đề Văn theo đề tham khảo

Xem thêm bộ đề ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025 các môn học có đáp án, chọn lọc hay khác:

ĐỀ THI, GIÁO ÁN, GÓI THI ONLINE DÀNH CHO GIÁO VIÊN VÀ PHỤ HUYNH LỚP 12

Bộ giáo án, đề thi, bài giảng powerpoint, khóa học dành cho các thầy cô và học sinh lớp 12, đẩy đủ các bộ sách cánh diều, kết nối tri thức, chân trời sáng tạo tại https://tailieugiaovien.com.vn/ . Hỗ trợ zalo VietJack Official


Giải bài tập lớp 12 sách mới các môn học
Tài liệu giáo viên